BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ảnh Tượng Mẹ

01 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1585)
Ảnh Tượng Mẹ
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 Trại cải tạo Nam Hà, tháng 5 năm 1979.

Ngồi trầm ngâm bên cái lon bơ đã trống rỗng, tôi suy nghĩ xem mình sẽ làm gì với cái lon này: làm cái gầu múc nước? làm cái lò? hay cắt ra làm lược? làm dao? làm muỗng?...Mọi dự tính đều không hấp dẫn lắm. Cuối cùng, tôi nghĩ: mình sẽ cắt một hình tượng Đức Mẹ, không chừng hay đấy. Tôi tự khen mình đã nghĩ ra được một ý kiến ngộ nghĩnh.

Tôi bắt tay vào việc ngay. Sau khi cắt cái lon bơ ra thành một miếng nhôm bằng phẳng, tôi nhờ anh Khôi vẽ hình Đức Mẹ lên miếng nhôm. Anh ấy rất có hoa tay, vẽ đẹp, viết chữ cũng đẹp. Anh giúp tôi bằng cách lấy một cái đinh nhọn, vẽ hình Đức Mẹ lên miếng nhôm. Tôi kiên nhẫn cắt miếng nhôm theo đường vẽ của anh Khôi, bằng cái cắt móng tay. Công việc này kéo dài gần hai tháng. Miếng nhôm đã có hình dáng Đức Mẹ đứng dang hai tay, nhưng còn xấu xí lắm. Tôi lại nhờ anh Khôi sửa lại, và vẽ mặt và vẽ áo của Mẹ. Anh ấy cắm cụi mài, dũa, rồi vẽ, suốt mấy ngày chúa nhật liền. Nhờ viết chữ đẹp, anh thường đựợc Ban Quản Trại gọi lên văn phòng nhờ viết các khẩu hiệu. Trong những dịp ấy, anh lấy sơn đem về vẽ tượng Mẹ. Cuối cùng, một ảnh tượng Đức Mẹ thật đẹp đã hoàn thành: Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu, mắt Mẹ nhìn xuống, hai tay Mẹ dang rộng ra như sẵn sàng cứu vớt đàn con khốn khổ của Mẹ. Anh Khôi tác giả của bức ảnh tượng Mẹ, đã nói: Tôi hoàn thành tác phẩm này với trái tim của tôi." Anh em Công giáo trong phòng vui mừng và cảm động lắm.

Thật bất ngờ, sau đó vài ngày, cha Nguyễn Hiến Tân (dòng Đồng Công) từ trại A chuyển đến. Anh em công giáo "bắt liên lạc" ngay. Ngày Chúa nhật kế đó, cha Tân đã giải tội cho nhiều anh em công giáo trong trại. Sau khi xin ý kiến của Cha, "buổi làm phép" tượng Mẹ được dự định tổ chức vào ngày chúa nhật sắp đến. Hôm ấy, anh em công giáo ở các phòng khác tụ họp đến phòng 16. Tượng Mẹ được đặt trên một hộp bánh qui (được phủ kín bằng một cái khăn tay), phía trước đặt một bình hoa dại mà anh em đã hái ở ngoài đồng, mang về từ hôm trước. Cha Tân trịnh trọng làm phép tượng Mẹ. Sau đó Ngài dâng Thánh lễ. Anh em sốt sắng dự lễ và được rước lễ nữa (mỗi người được rước một Mẩu Mình Thánh Chúa lớn bằng hạt dưa). Chưa bao giờ chúng tôi tham dự thánh Lễ một cách thành kính như vậy. Sau Thánh Lễ có tiệc trà, gồm có nước rau má nóng và 3 gói mì ăn liền bẻ ra chia nhau ăn. Chúng tôi không ai có thể quên được bầu không khí tin tưởng và cậy trông của Thánh Lễ ngày hôm ấy.

Đã trải qua bốn, năm năm bị giam giữ trong trại, nên vấn đề kỷ luật chẳng mấy ai quan tâm lắm. Trong phòng ngủ, trên vách tường, anh em đeo lủng lẳng đủ thứ: náo áo quần, soong nồi, cần câu, bao bị vv... thế mà êm xuôi cả. Thấy vậy, chúng tôi quyết định treo ảnh Đức Mẹ lên vách tường cuối phòng. Từ hôm đó, mỗi đêm, anh em công giáo trong phòng tụ họp dưới chân tượng Mẹ, đọc kinh, cầu nguyện. Và cũng từ ngày ấy, đời sống Đức Tin của anh em chúng tôi được thăng tiến rất nhiều.

Nhưng sau đó, khoảng hơn một tháng một tên "ăng ten" nào đó đã báo cáo lên Ban Quản Trại, việc anh em chúng tôi sùng kính ảnh tượng Mẹ. Vào một buổi sáng chúa nhật, cửa phòng vừa mở cửa, thì Trung úy Kíp, dẫn hai cán bộ, xồng xộc đi vào phòng, đến ngay chỗ treo ảnh tượng Đức Mẹ và lấy ảnh tượng Mẹ mang đi. Hắn hăm dọa sẽ trừng phạt nặng nề nếu ai còn tái diễn "việc mê tín dị đoan" này. Ngày chúa nhật đó là một ngày buồn thảm nhất của anh em chúng tôi.

Thời gian lặng lẽ trôi qua. Một hôm, khi đang sắp hàng chuẩn bị đi lao động, tôi và 3 anh nữa được gọi ở nhà làm công tác đặc biệt. Công tác đó là dọn dẹp một nhà kho, chứa linh tinh đủ thứ đồ đạc: bàn ghế gẫy, nồi niêu cũ, cuốc xẻng, có cả cờ và khẩu hiệu nữa. Mọi thứ vất bừa bãi, lộn xộn, chúng tôi phải dọn dẹp lại cho ngăn nắp. Khi đang xếp lại mấy cái ghế gãy, tôi chợt thấy ảnh tượng Mẹ nằm trong góc phòng. Tôi vô cùng ngạc nhiên và mừng rỡ, vội lấy dấu vào người để mang về. Đến trưa, khi sắp hàng điểm danh để nhập trại, người tôi như lên cơn rét, chân tay cứ run bần bật, nhất là lúc đi ngang qua trước một cán bộ kiểm tra trước khi vào trại. Nhưng may quá, không có việc gì rắc rối xảy ra. Về phòng, tôi lau chùi ảnh tượng Mẹ cho sạch sẽ và treo lên chỗ cũ. Nhiều anh em trong phòng cười tôi "điếc không sợ súng" Tôi sẵn sàng chấp nhận hậu quả việc tôi làm. Tôi sung sướng thấy Ảnh tượng Mẹ lại trở về với anh em chúng tôi. Và rồi đêm đêm, anh em công giáo lại tụ họp dưới chân Mẹ để đọc kinh, cầu nguyện...

Khoảng hai tháng sau, một hôm, Trung úy Kíp lại xuất hiện; hắn hung hăng đi đến chỗ treo ảnh tượng Mẹ. Chúng tôi chờ đợi một cơn thịnh nộ của tên Trung úy Việt cộng, từ lâu có tiếng là dữ dằn. Hắn đến gần, nhìn thật kỹ vào ảnh tượng Mẹ. Bỗng nhiên mắt hắn mở to, miệng há hốc, hắn nói lẩm bẩm mấy tiếng gì đó rồi quay trở ra. Hắn vội vã, hấp tấp rời khỏi phòng và chạy như bị ma đuổi. Có lẽ hắn ngạc nhiên đến sợ hãi là tại sao bức tượng đã bị hắn lấy đem quăng vào kho, nay lại tự động trở về chỗ cũ... Một điều lạ lùng là sau đó, hắn không dám đả động gì đến chuyện "ảnh tượng Đức Mẹ" nữa. Cũng từ đó, câu chuyện "tượng Đức Mẹ bị lấy đi, lại tự động trở về chỗ cũ"được đốn đãi khắp nơi -mà sự đồn đãi này lại do chính những công an của Trại xầm xì với nhau mà ra.

Anh em trại viên chúng tôi hả hê lắm. Các ngày chúa nhật, anh em công giáo ở các phòng khác tiếp tục đến viếng ảnh tượng Mẹ, đọc kinh, cầu nguyện với Mẹ. Lúc nào dưới chân tượng Mẹ cũng có "lễ vật", khi thì một nắm hoa dại, khi thì một quả cà chua, khi thì vài mảnh giấy nhỏ viết lời tạ ơn, xin ơn với Mẹ.

Từ ngày có ảnh tượng Mẹ, chúng tôi thấy ngày tháng tù đầy có vơi đi phần nào khổ ải. Chúng tôi có một chút ước mong, ngày chóng qua để đến tối, chúng tôi sẽ được đến dưới chân ảnh Tượng Mẹ, để được Mẹ an ủi. Niềm thương, nỗi nhớ gia đình luôn luôn dày vò anh em chúng tôi, nay cũng có phần nguôi ngoai. Thấm thoát một năm cũ sắp hết. Anh em mong đến những ngày Tết để có những bữa ăn khá hơn ngày thường. Chiều 29 Tết năm ấy, anh được phát mỗi người 2 cái bánh chưng. Dĩ nhiên là chất lượng rất kém, chỉ có nếp và ít đậu xanh làm nhân; song anh em vui mừng lắm, vì sẽ được ăn no. Chiều hôm ấy, cửa phòng giam vừa đóng lại, vài anh em đã vội vã đem bánh chưng ra ăn. Nhiều anh em khác thì thẫn thờ, thương cha, nhớ mẹ, thương vợ, thương con...nhất là trong những ngày năm hết Tết đến như thế này. Họ mơ một ngày Xuân nào đó, họ được mừng tuổi cha mẹ, được sum họp với vợ con trong tiếng pháo giao thừa rộn rã...nhưng chỉ là một giấc mơ. Những tiếng thở dài đâu đó, buồn bã.

Đến gần nửa đêm, bỗng nghe anh Phú ú ớ la, rồi vật mình vật mẩy. Vài anh em chạy đến xem; thì ra anh Phú bị bội thực, anh đã ăn hơn một cái bánh chưng. Lâu nay đói thường xuyên, tối nay ăn nhiều quá, nên anh không thở được. Anh em xúm lại tìm cách cứu chữa cho anh Phú; người thì cạo gió, người thì thoa bóp, có người bày phải chọc cổ cho anh Phú ói ra mới có thể cứu được. Mọi phương pháp đều được đem ra áp dụng. Nhưng không có hiệu quả. Hơi thở của anh Phú càng lúc càng khó khăn, tắc nghẽn và yếu dần. Anh Cẩn (trưởng phòng) quyết định kêu cấp cứu. Một cán bộ trực trại đến hỏi: "Anh nào bệnh gì vậy?" Anh trưởng phòng mô tả bệnh trạng của anh Phú và yêu cầu đem anh ấy đi cấp cứu ngay. Nhưng cán bộ trực trả lời "bệnh đó dù có mang đi bệnh viện cũng không cứu được, thôi để đấy, sáng mai tính." Khi quay lưng đi, hắn còn nói với lại "Bệnh đó có trời mà cứu!"

Anh em trong phòng tiếp tục làm mọi cách để cố cứu chữa cho anh Phú. Bây giờ anh Phú thở rất yếu và dứt quãng. Anh em nhìn nhau lắc đầu, nghẹn ngào. Tội chợt nghĩ đến Đức Mẹ, vội kéo tay anh Nam, anh Phát, 3 chúng tôi đều quì trước ảnh Tượng Mẹ, cùng nhau đọc Kinh Kính Mừng. Sau mỗi kinh Kính Mừng là một lời cầu nguyện, khẩn thiết van nài Đức Mẹ cứu anh Phú. Không biết chúng tôi đã đọc kinh và cầu nguyên trong bao lâu, bỗng nghe vài anh em reo lên "Anh Phú thở được rồi". Sau đó lại nghe anh Phú nôn ọe. Trong phòng ồn ào hẳn lên, ai cũng vui mừng khi thấy cơn bệnh của anh Phú có hy vọng cứu được. Sau khi uống chút nước nóng có pha ít gừng, và được anh em tiếp tục xoa bóp, hơi thở của anh Phú tương đối nhẹ nhàng, và anh đã ngủ yên cho đến sáng. Hôm sau, anh đã ngồi dậy được và có thể đi lại trong phòng. Anh được anh em kể lại diễn tiến của cơn bạo bệnh của anh đêm qua, anh rất cảm động. Anh đi cám ơn từng người một. Nhưng khi anh Phú biết anh em chúng tôi đã tha thiết cầu xin Đức Mẹ cứu anh thoát chết, anh xúc động lắm. Dù anh không có đạo, tôi thấy nhiều lần anh đứng trầm ngâm trước ảnh Tượng Đức Mẹ. Có lẽ anh biết, bệnh trạng của anh, trong hoàn cảnh này, chẳng có một phương thuốc gì có thể cứu được anh, ngoại trừ "phép lạ" mà Đức Mẹ đã thương ban cho anh, như tên cán bộ trực trại đã nói "bệnh đó chỉ có Trời cứu"

Mấy ngày sau, anh Phú ngỏ ý muốn theo Đạo. Thế là một lớp giáo lý tân tòng được kín đáo tổ chức. Lớp học chỉ có hai học viên: anh Phú và anh Cảnh. Sau hơn 4 tháng học giáo lý, hai anh đã đưộc Cha Tân "khảo hạch". Cha rất vui lòng và quyết định sẽ ban phép Bí Tích rửa tội cho 2 anh vào chúa nhật sắp đến -Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Hôm ấy, chúng tôi bố trí người canh gác đàng hoàng. Nếu cán bộ xuất hiện phải báo động liền, ám hiệu là hô to "các anh trực nhật chuẩn bị đi lãnh cơm." Hai anh Cảnh, Phú mặc đồ "vía" nhất của hai anh, râu được cạo và tóc chải gọn gàng (vì ngày thường chúng tôi ít khi để ý đến râu, tóc của mình) Khá đông anh em Công giáo tham dự Lễ Rửa Tội của 2 anh. Sau khi ban phép Bí tích Rửa tội cho 2 anh, anh Phú và anh Cảnh được rước Mình Thánh Chúa lần đầu tiên trong đời.

Sau Thánh Lễ, một tiệc trà "linh đình" được dọn ra, gồm có: cháo tôm khô, mỗi người được nửa chén, 5 gói mì ăn liền bẻ ra chia nhau ăn. Lại có cả tráng miệng, do anh Cảnh khoản đãi: mỗi người được một muỗng cà phê đường cát trắng.

Từ đó, đêm đêm dưới chân ảnh Tượng Mẹ có thêm một người con của Mẹ anh Phú) cùng các anh em khác, đọc kinh, cầu nguyện.

Một đêm nọ, nghe tiếng động lạ, tôi giựt mình thức giấc. Phản ứng tự nhiên của tôi là nhìn về phía ảnh Tượng Mẹ, Tôi thấy anh Ba đang quì trước ảnh Tượng Mẹ, mặc dù đêm đả khuya. Hôm sau tôi đi gặt lúa. Khi gặt xong anh Đội Trưởng xin cho anh em tắm sông, vì gặt lúa ngứa ngáy, khó chịu lắm. Sau khi tăm xong, anh em sắp hàng, điểm danh để về trại. Nhưng anh đội trưởng đếm mãi vẫn thiếu một người. Người thiếu là anh Ba. Một số anh em đoán là anh Ba bị chìm đâu đó dưới sông. Nhưng, tôi biết là anh Ba đã vượt trại> Ban Quản Trại đã phái nhiều toán công an đi lùng kiếm, nhưng không tìm thấy anh Ba. Mấy tháng sau, một anh em được gia đình từ trong Nam ra thăm nuôi, cho biết là anh Ba đã về đến nhà, và đã vượt biên bằng đường bộ qua Thái Lan, hiện đang ở trại Sikiew, chờ thanh lọc.

Từ vài tuần nay, anh em bàn tán về ngưồn tin, sẽ có một số trại viên được di chuyển vào Nam, không biết lành dữ thế nào. Việc gì đến phải đến. Một buổi sáng chúa nhật, cán bộ trực trại đọc tên những anh em di chuyển vào Nam (nhưng không biết đến trại nào). Tám chục phần trăm anh em sẽ di chuyển vào Nam. Tôi lọt tên, vẩn ở lại trại Nam Hà. Đa số anh em Công giáo đều nằm trong danh sách đi Nam, vì vậy anh em đề nghị để họ mang ảnh Tượng Mẹ theo. Trước khi di chuyển, anh em phân công cho anh Phát phụ trách giữ ảnh Tượng Mẹ. Anh ấy cẩn thận bọc ảnh Mẹ trong một bao nylon, ngoài làm một khung tre để che chở cho khỏi móp méo. Vào một buổi chiều, anh em được di chuyển ra ga Phủ Lý để lên xe lửa, xuôi về Nam. Ảnh Tượng Mẹ cũng theo đàn con bất hạnh của Mẹ đi về Nam, để Mẹ tiếp tục an ủi, cứu giúp họ trong những cơn hoạn nạn.

Sau đó chúng tôi được biết Ảnh Tượng Mẹ đã đến Trại Gia Trung với đàn con của Mẹ.

Năm 1986, khi được tha về, tôi đã liên lạc với nhiếu anh em ở trại Gia Trung, hỏi về bức ảnh Tượng Mẹ, nhưng không ai biết người nào đã cất giữ. Tôi cố gắng tìm anh Phát, nhưng không biết anh lưu lạc phương nào.

Ảnh Tượng Mẹ dù thất lạc nơi đâu, nhưng Mẹ luôn luôn ở bên cạnh các con, nhất là những người con khốn khổ của Mẹ, để Mẹ an ủi, che chở, cứu giúp và yêu thương họ. Loài người chúng ta may mắn và hạnh phúc biết bao, vì chúng ta có Mẹ Maria, Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Lê Nguyên Khánh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn