BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cuộc vượt ngục tù cải tạo trại tù Bùi Gia Phúc

26 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 4173)
Cuộc vượt ngục tù cải tạo trại tù Bùi Gia Phúc
518Vote
422Vote
30Vote
221Vote
11Vote
3.662
Vào tháng 7/1979 thì Nguyễn văn Độ ( Đao phủ thủ SVSQ/HQ khóa 20 ) chuyển trại về chung với chúng tôi ở trại Bùi Gia Phúc tỉnh Phước Long( ngày xưa gọi là Bà Rá ). Lúc này tôi và Hà Mạnh Hùng (khóa 20) đã thảo luận và quyết định trốn trại nên đã có chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng tôi định đi về biên giới Thái Miên khoảng trên 200 cây số đường chim bay, thời gian dự trù đi là hai tháng. Lương thực mang theo là cơm phơi khô, muối, rất ít đường, thuốc chống muỗi, võng, một cái rựa, la bàn và bản đồ từ vĩ tuyến 17 xuống phía Nam. Nhưng khi tôi vác cái balô vào, đồ dùng định mang theo quá nặng nên đứng dậy không nổi, vì vậy chúng tôi quyết định phải trốn về Saigon rồi tìm đường vượt biên sau. Bàn chuyện trốn trại với Hùng và Dũng (khóa I OCS), anh em đồng ý xúc tiến và nhờ gia đình làm giấy tờ giả mạo ( là công nhân viên nhà nước VC ) gởi lên gấp theo những lần đi thăm nuôi. Đó cũng là định mệnh nhờ ơn Trên phò hộ, chứ anh em tù khác trốn trại đi đường bộ vượt biên ngả biên giới Thái Lan thì không ai có tin tức gì cả. Đường băng rừng rất gian khổ và rất nhiều nguy hiểm, đụng VC, Thượng Cộng, lính Pol Pot, thú dữ .... cỡ nào cũng khó thoát.

Độ vừa mới chuyển trại về gặp chúng tôi và ngỏ ý muốn trốn trại. Độ nhờ chúng tôi hướng dẫn đường đi. Thời gian thật gấp rút vì Độ muốn đi trong vòng tuần này. Chúng tôi nhờ ở vùng này khá lâu nên rành mọi nẻo, do đó có thể chỉ Độ cặn kẽ mọi thứ. Ngày quyết định của Độ đã tới. Độ vượt ngục trước. Khi Độ trốn đi được chừng một tuần sau thì chúng tôi biết tin Độ đã an toàn về đến Saigon .Sau khi Độ trốn trại rồi thì VC áp dụng các biện pháp an ninh gắt gao, siết chặt lại sự canh phòng kỷ luật. Chúng tôi thấy phải ra đi càng sớm càng tốt dù quá nguy hiểm vì sự canh phòng bây giờ rất nghiêm nhặt. Nhiều anh em tù trốn trại bị VC bắt lại, chúng đánh đập rất tàn nhẫn, mặt mày anh em sưng húp không thể nhận ra được, sau đó bị biệt giam và chỉ được cho ăn mỗi ngày một chén cơm và một ít muối.

Ngày 14 tháng 7 năm 1979, lúc mười hai giờ khuya, chúng tôi ba đứa gồm Hùng, Dũng và tôi cắt hai lớp hàng rào trại để trốn ra. Âm thanh của những cây tre lồ ồ bị chặt gãy kêu rốp rốp giữa đêm khuya làm chúng tôi lo sợ bị phát giác. Dù là đã nghiên cứu rất kỹ với những điểm chuẩn để định vị trí trong đêm tối nhưng chúng tôi vẫn bị lạc, đi vòng vòng trong rừng. Thình lình, Hùng nghe tiếng bước chân đi gần tới, Hùng nắm áo kéo tôi lại và ra hiệu bảo ngồi xuống, tai tôi không được thính lắm, nếu Hùng không phát giác kịp thì chắc là bị bắt rồi. Vừa ngồi xuống khoảng một phút thì có hai thằng VC đi tuần ngang qua chỉ cách chúng tôi hai mét, hú vía. Tụi nó vừa đi xa, tôi bàn lại với anh em là không nên đi tiếp vì không định được vị trí, nếu đi lòng vòng thế nào cũng gặp lại tụi VC đi tuần, chi bằng đợi trời vừa sáng, ráng cố gắng và phải đi thật nhanh. Nếu không may gặp VC hay người Thượng ( đồng bào Thượng ) thì đi chậm lại và dò xét coi bọn chúng có nghi ngờ gì mình không ? Nếu bị nghi thì ba người ba ngả phóng đại vô rừng tới đâu hay tới đó. Trời vừa mờ sáng, khoảng năm giờ chúng tôi nghe tiếng kẻng báo thức và tụi VC đang tập thể dục hô 1,2,3,4. Không thể ngờ được là cả đêm chúng tôi không đi được bao xa, chúng tôi vẫn còn thấy trại ở cách mình khoảng chừng không xa hơn một trăm thước. Như dự định, chúng tôi bước thật nhanh như chạy để càng xa vùng nguy hiểm chừng nào càng tốt chừng nấy. Chúng tôi quyết định phải đi đường mòn cho lẹ, dọc đường nếu bị chận lại thì nói là đi đốn cây khi còn ở gần trại và khi hơi xa trại thì nói là đi khiêng heo cho tiểu đoàn. Hơn một năm không trở về đường mòn cũ, lối đi ít người lai vãng, chỉ một mùa mưa thôi, khi đi lại con đường mòn quen thuộc nay đã bị cây cỏ che khuất, chúng tôi phải vất vả lắm mới dò tìm lại được đường cũ ra tỉnh Phước Long. Trước khi ra đến tỉnh, chúng tôi đã trốn vào vườn bắp của dân chúng cởi bỏ bộ đồ tù và mặc đồ như một công nhân. Ra đến Phước Long gần mười hai giờ trưa, chúng tôi đến bến xe đò thì nghe nói là xe đò chạy về Saigon mỗi ngày chỉ một chuyến lúc mười giờ sáng mà thôi. Dũng nóng lòng muốn đi sớm và đã lấy chuyến xe đò vào Dak E ( một xã lân cận ). Tôi và Hùng quyết định ở lại, hai đứa bàn nhau đi một vòng xung quanh bến xe thăm dò tình hình, địa thế.

Chúng tôi dự định trời vừa sập tối là lao vào một bụi rậm gần chùa, nằm đó chờ qua đêm rồi sáng mai sẽ tính. Đó là dự tính nếu không có xe về. Trời vẫn còn sớm chúng tôi đi lại bến xe đò xem xét với hy vọng còn chuyến xe nào về Sài Gòn không. Khi đến chỗ bán vé thì họ nói là muốn mua vé ( VC kêu là đăng ký ) thì phải đưa giấy tờ đăng ký, ai đưa trước thì đi trước. Tôi và Hùng đành phải nộp giấy tờ cho họ. Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng ! Đúng hai giờ chiều một chuyến xe đò từ Saigon đến Phước Long và quay về Saigon liền trong ngày. Nơi bán vé thông báo và chúng tôi lại sắp hàng. Họ kêu tên từng người và bảo trả tiền rồi lên xe. Chúng tôi rất hồi hộp, khi nghe kêu tên cũng trả lời " có mặt " mọi sự đều êm xuôi, tôi và Hùng đã lên xe đò, ngồi nghĩ lại phải Dũng đừng hốt hoảng thì giờ này đã đi chung với nhau rồi. Xe lăn bánh, chạy gần đến Phước Bình, lơ xe nói trước với hành khách là mọi người phải xuống xe, tên công an VC đọc tên người nào thì người đó bước lên xe đi tiếp ( danh sách hành khách do tài xế đưa cho nó ).Quả thật là một đòn cân não hú tim, ai yếu bóng vía chắc phải bỏ cuộc, tôi bàn với Hùng đứng xa coi thằng công an nó làm gì ? Xem hành khách làm sao ? Nếu có gì bất trắc thì lặn luôn.

Thời gian lúc này dài như vô tận, chúng tôi rất lo lắng trong lòng vì biết rằng diện mạo của mình bất thường. Sống trong rừng quá lâu, mặt mũi xanh xao không giống như mọi người dân bình thường ở ngoài đời, trong lòng đang hồi hộp nên trông gương mặt còn xanh hơn nữa. Tới phiên chúng tôi được kêu tên từng đứa, Hùng được gọi trước rồi đến tôi sau Hùng. Khi tiếng trả lời " có mặt " , thằng công an nhìn mặt chúng tôi một lúc, xong đưa lại giấy tờ bảo lên xe. Mừng hú vía, nhưng phải làm mặt tỉnh. Xe chạy hơn một giờ tới gần Đồng Xoài, tài xế nói là mọi người ngồi yên tại chỗ để cho công an làm việc. Lại một lần hết hồn ! Tới trạm kiểm soát Đồng Xoài, xe từ từ dừng lại, thằng công an đi tới, ngó qua cửa kiếng xe nhìn từng mặt hành khách thật lâu, chúng tôi đang ở thế đã leo lên lưng cọp đành phó mặc cho định mệnh. Thời gian nặng nề trôi qua vô cùng chậm, sau cùng nó khoát tay bảo tài xế đi. Lại một phen hú vía, chúng tôi rất mừng vì nghe hành khách nói là xe đi thẳng về Sàigòn luôn, khỏi ngừng lại ở Bình Dương. Gần bảy giờ tối, chiếc xe đò ung dung tiến vào thành phố Sàigòn, lòng tôi rạo rực, nước mắt rưng rưng khi nhìn lại Sàigòn thân yêu sau hơn bốn năm trời xa cách. Sàigòn xe cộ thưa thớt hẳn, đa số người dân dùng xe đạp, thỉnh thoảng có vài chiếc xe Honda chạy qua chầm chậm, người qua lại vẫn đông, nhưng vẽ nhộn nhịp và trù phú năm nào đã mất hẳn. Tôi và Hùng xuống xe đò, hai đứa ghé lại một xe bán đồ ăn ven đường, kêu hai dĩa bánh cuốn và hai chai bia lớn để gọi là ăn mừng thoát nạn. Chúng tôi tự hỏi không biết giờ này Dũng ra sao ? Tối nay Dũng sẽ ngủ ở đâu ? Cầu mong Trời Phật phò hộ cho Dũng về Saigon bình an suông sẻ như chúng tôi. Sau khi ăn xong, chúng tôi chia tay và hẹn sẽ nhờ người nhà liên lạc sau. Tối hôm đó tôi kêu xe Honda ôm về nhà một người bà con và ngủ một giấc yên lành,lòng tôi thầm cảm ơn Trời Phật đã phò hộ cho mình vừa thoát nạn.

Đấy là giai đoạn đầu của cuộc tranh đấu đi tìm “TỰ DO”. Chúng tôi đã thoát được trại tù CS, nhưng chúng tôi chưa thoát khỏi sự kềm kẹp, truy lùng của bọn chúng. Chúng tôi còn phải tiếp tục phấn đấu để tìm đường vượt biển hầu đến được một đất nước tự do mà trong đó con người còn có được giá trị của họ........

Huỳnh văn Tài
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn