BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73213)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31146)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nguyễn Đức Quang và ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” trong các nhà tù Cộng Sản

26 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 2050)
Nguyễn Đức Quang và ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” trong các nhà tù Cộng Sản
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong hàng trăm trại giam từ Bắc vào đến Nam, trại từ A-20 Xuân Phước thuộc tỉnh Phú Yên được những người tù đã từng đi qua nhiều trại cho rằng đây là trại giam hắc ám nhất, dễ phá vỡ tinh thần của người tù cải tạo nhất bằng một chính sách đàn áp tinh thần và bao tử tàn bạo nhất: nó luôn luôn tạo ra cho người tù nỗi ám ảnh của cái chết đến dần dần, từ từ, cái chết không đến ngay nhưng có thể nhìn thấy được. Người tù ở đây thể ý thức được là mỗi ngày các bắp thịt của mình biến dần đi, chỉ cần một cơn bệnh sập đến mà không có thuốc là có thể là ra nằm trên “ngọn đồi vĩnh biệt” (nghĩa trang tù nhân).

Chúng tôi được chuyển tới trại này trong đợt Cục Trại Giam Cộng Sản thi hành phương án 4, tức là phương án đi trừng giới sau khi tuyển lựa và tập trung các thành phần cứng đầu nhất “không thể cải tạo được” từ các trại khác ở miền Nam và miền Bắc để dồn về đây năm 1980 để trừng trị. Chúng tôi bị xiềng bốn người một nhóm. Từ lúc khởi hành vào tờ mờ sáng trên những chiếc molotova nhà binh bít bùng không thấy gì bên ngoài và đến trại vào lúc 5 giờ chiều. Khi những tấm vải bố được vén lên để chúng tôi leo xuống xe thì cũng là chúng tôi đã đến trước cổng trại. Hai dãy nhà gạch mái ngói đỏ au, ao cá vườn dừa và vườn rau xanh với một hội trường lớn khiên cho người tù cảm nhận được một điều gì đó sẽ ghê gớm đang chờ chúng tôi. Bởi vì dưới chế độ cộng sản vào lúc ấy, tù nhân nào được gởi đến một trại đẹp đẽ như thế đều phải trả một cái giá rất đắt, đó là sự hà khắc. Sự bạo hành về tinh thần và thể xác được che giấu dưới những điều đẹp đẽ gần như là thuộc tính của chính sách lao tù Cộng Sản. Điều oái oăm là trại A-20 Xuân Phước, một thứ địa ngục trần gian, lại là do nhóm thợ bất đắc dĩ gồm hơn 800 người di tản đến Guam, nhưng sau đó đi chuyền tầu Việt Nam Thương Tín quay trở về, xây dựng lên. Họ tưởng rằng khi quay trở lại quê hương như thế là được miễn cải tạo để góp tay xây dựng quê hương, nhưng sau thời gian bị giam ở Chí Hòa và Nha Trang họ được đưa lên rừng Xuân Phước và xây dựng một trại tù để nhốt chính họ và chúng tôi sau này.

Chỉ đến khi vào tới hội trường chúng tôi mới được tháo xiềng xếp hàng và ngồi xuống để chờ kiểm tra an ninh trước khi chia toán vào buồng giam. Trưởng trại tù Xuân Phước lúc đó là Thượng Tá Thân Yên. Chúng tôi được Thân Yên và một dàn cán bộ “đón tiếp” với một bài chửi rủa và đe dọa: “Đến đây thì lo cải tạo đi, đừng có mơ tưởng” (mơ tưởng làm loạn và mơ tưởng ngày về như chúng tôi được biết sau này).

Sau khi Thân Yên nói chuyện xong thì đến viên cán bộ an an ninh trại là Lý “lé” người Nghệ An lên diễn đàn. Anh ta trình bày nội qui trại và cuối cùng anh ta nói thẳng: “Các anh đã thấy, các anh là không phải là tù nhân. Nhà nước chỉ tạm giữ các anh để bảo vệ an ninh cho các anh vì nếu để các anh ở ngoài, nhân dân họ đòi nợ màu họ sẽ giết các anh. Các anh thấy không, trại này vườn rau ao cá đàng hoàng. Đời sẽ rất đáng sống nếu các anh hối lỗi và cải tạo tốt”.

Màn sau cùng trước khi chúng tôi bị kiểm tra là một màn ca hát có tính chất bắt buộc. Viên cán bộ giáo dục lên diễn đàn và anh ta hỏi: “Có anh nào biết hát không, hát vài bà để lên tinh thần. Sao, cải tạo đến năm nay mà không biết hát à”. Cả hội trường im lặng. Anh ta liền đe dọa: “Sao không hát à, chưa an tâm cải tạo. Này không hát là không được với tôi đâu. Không hát nhạc cách mạng tức là chưa an tâm cải tạo”. Lại một vài phút yên lặng, căng thẳng. Bỗng ngồi ở hàng đầu có một người tù đứng lên. Anh còn rất trẻ và xưng tên là Phạm Đức Nhì. (Sau này tôi được biết Nhì là thiếu úy, sĩ quan chính huấn. Hiện nay nhì định cư ở Galveston, Texas đi học lại, tốt nghiệp đại học nhưng vẫn làm nghề đánh cá, đánh tôm).

Nhì quay xuống chúng tôi và nói: “Nào tôi bắt nhịp để chúng ta hát một bài mừng cán bộ”. Mới nghe, chúng tôi đã chửi thầm trong bụng. Nhì lại nói tiếp: “Chắc các anh biết là ở trại cũ, chúng ta đang được học hát một bản nhạc của Cuba thời cách mạng Che Guavera. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã viết thành lời Việt. Bây giờ chúng tôi hát trước vài câu và bắt nhịp các bạn vừa hát vừa vỗ tay. Lời Việt của bài nhạc có tên rất hay: “Việt Nam Quê Hương (Ta) Ngạo Nghễ ”. Chúng tôi nhìn nhau, nhưng ánh mặt mọi người sáng lên. Nhì thêm chữ “Ta” vào bản “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để cho bọn cán bộ không nghi bởi vì Nhì hiểu rằng, bọn cán bộ Cộng Sản rất thích chữ “ta”, chữ “mình” vào chữ quê hương. Tại những trại trước, phần lớn những đêm tù ca, chúng tôi đều khởi đầu với bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”. Nhì là sĩ quan chính huấn nên trong những đêm tù ca, anh thường khởi đầu với bài này, sau đó là tù ca và kết thúc bằng bài “Hy Vọng Đã Vươn Lên”. Nhì bắt đầu:

“Ta đi nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn

Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang.

Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm.

Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang.

Ta khua xích kêu vang dậy trước mắt mọi người.

Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi.

Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi...”

(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ - Nguyễn Đức Quang)

Khi Phạm Đức Nhì vừa nói: “Nào, một, hai, ba” là lập tức gần một ngàn tù nhân chúng tôi trong hội trường vỗ tay theo nhịp và hát vang lừng. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi thấy một bài đồng ca lại được hát hăng hái, hùng dũng và ngạo nghễ như lúc đó. Chúng tôi thỉnh thoảng liếc nhìn nhau. Có những nụ cười và cũng có nước mắt hoen mi. Mọi người dường như cố gắng hát to và vỗ nhịp thật lớn. Và chúng tôi sang cả phần lời 2, và đến phần này, mọi người như muốn hét to:

 

“Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng

Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm

Da chan mồ hôi nhẽ nhại cuộn vòng gân tươi

Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời.

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người

Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam

Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian

Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên...”

(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghệ-Nguyễn Đức Quang)

Sau khi chấm dứt, không nói năng gì Nhì sang luôn bài “Hy Vọng Đã Vươn Lên”.

Buổi hát tù ca này không làm cho bọn cán bộ trại giam này nghi ngờ, nhưng hơn một năm sau khi Phạm Đức Nhì vào cùm vì tuyệt thực không ăn để phản đối chế độ lao tù hà khắc ở đây, Lý “lé” đem bài hát này vặn hỏi Nhì có lẽ vì do ăng ten báo cáo. Nhưng buổi tù ca hát ngay trước mặt Ban Điều Hành một trại giam khét tiếng tàn ác là một kỷ niệm lớn nhất trong đời tù của chúng tôi.

Nhưng điều mà chúng tôi nhớ nhất là bài học của sự ứng phó nhanh chóng của Nhì đã giúp chúng tôi vượt qua được nhiều cái bẫy và trong cảnh sống hà khắc lúc bấy giờ tôi đã đủ can đảm Đức Nhì, Ngọc đen, Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp ra được tờ Hợp Đoàn, một tờ báo lậu trong trại chỉ có một bản viết tay, nhưng thực hiện khá công phu và cũng bí mật được phổ biến khá rộng trong số bạn tù trong trại Xuân Phước.

Chuyện còn dài, nhưng tôi xin tạm dừng vì bài này được viết ra để hỗ trợ cho buổi trình diễn du ca của Nguyễn Đức Quang sắp tới đây tại báo Người Việt.

Vũ Ánh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn