BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Món Chuột "Hà Nàm" ở Long Giao

20 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1674)
Món Chuột "Hà Nàm" ở Long Giao
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Vụ nổ kho đạn ở trại tập trung Long Khánh làm cho đám tù đang ‘’ tập trung cải tạo ‘’ ở đây xuống tinh thần thấy rõ. Người nào người nấy mặt mày phờ phạt hốc hác. Tiếng đạn nổ kinh hoàng từ một kho đạn nào đó trong phạm vi doanh trại của sư đoàn 18 bộ binh cũ, bây giờ là nơi chế độ mới làm ‘’trại tập trung’’ nhốt những người bại trận. Khói đạn ngút trời. Mới đầu đám tù cũng tưởng chỉ vài ba quả đạn nổ đâu đó bình thường thôi. Khi hết chiến tranh, dù bên thắng hay bên thua cũng cứ nghĩ là mình đã qua một cuộc chiến tranh tàn khốc và súng đạn đã bỏ qua một bên đời. Nhưng hôm nay, sau những quả đạn nổ rời rac, chừng mười phút sau, ai nấy đều hoảng hốt lên, đạn đã nổ ở trên đầu, lửa xẹt sát vách những dãy láng trại. Bắt đầu là tiếng la toáng của đám tù ‘’anh nuôi’’ nhà bếp, vì đạn đã nỗ trên mái tôn nơi họ đang nấu cơm. Rồi tiếp đó là tiếng ầm ầm của đạn cở lớn, rốc kết và đạn phòng không. Đám tù chạy tứ tán, họ cứ nhìn chỗ nào có thể trú ẩn, có chút an toàn là chui vào núp. Dưới sườn một chiếc xe thiết giáp cũ, hư, đã đầy nhóc người, họ còn cố chen vào trong. Có người đang chạy bị đạn nổ, trúng chết ngay tại chỗ. Tiếng la ơi ới. Tiếng vệ binh gát trên chòi cao la lớn ‘’ ai chạy ra khỏi khu vòng rào kẽm sẽ bị bắn ’’. Cho nên những người tù như bầy kiến bị bò trong chảo ran, chỗ nào cũng nóng và bò đi nơi nào cũng chết.

Cuối cùng, sau khoảng ba giờ đạn nổ kinh hoàng, khói lửa bay mù mịt đất trời, những xác chết tù nhân được lượm đó đây đem về. Có người bị chết từ nhà bếp. Có người bị chết giữa sân các láng trại. Có người bị rơi xuống giếng sâu nằm chết cong queo. Có người bị nguyên cả một võ đạn phòng không rớt dính trên lưng, chết máu còn chảy dầm dề. Toàn trại bị mấy mươi người chết, được khiêng về sắp từng hàng dọc trước sân trại, còn số bị thương được đưa đi cấp cứu ở nhà thương Long Khánh không biết bao nhiêu mà kể.Không có tiếng khóc nào cất lên tù đám tù. Nhưng đám tù còn lại lòng đã khô quắt đi sau cơn hải hùng nầy. Dù họ đã qua trận mạc, đã tham dự biết bao nhiêu trận đánh kinh hoàng, nhưng họ vẫn bàng hoàng trước nhũng cái chết trông thấy trước mắt. Đám tù bị chết thê thảm, vô ti vạ. Là những người thua trận, đã bị tù ti, mà còn gặp những tai ương, những oan khiên tròng lên cổ. Có người không bị đạn nổ trúng mà lại bị vệ binh bắn khi họ muốn chạy thoát ra khỏi hàng rào kẽm gái.

Suốt những ngày sau đó, đám tù còn lại phải chôn người chết, xác chết được bọc trong những mãnh chiếu rồi khiên ra đồng trống chôn. Không có một cây hương nào đốt cho linh hồn người đã chết. Đám tù tiếp tục làm công tác tạp dịch, dọn dẹp, vệ sinh doanh trại. Đạn đã nổ, đã tiện sát gốc những cây trái được trồng ở khoảnh đất chung quanh láng, cây cối nằm rạp hết, quan cảnh tiêu điều xơ xác.

Buổi sáng, cả đám tù được lùa lên hi trường để nghe thủ trưởng nói chuyện, người trưởng trại bận đồ bộ đội, mang xắc cốt, đóng lon thiếu tá, đứng lên nói thao thao về chuyện nổ kho đạn, ông bảo phải xác định tư tưởng, an tâm tin tưởng học tập cải tạo, đừng xôn xao nghe những tin đồn thất thiệt về sự di chuyển chỗ ở mà gây hoang mang. Lời ông nói nghe như đinh đóng cột.

Nhưng sáng hôm sau, toàn trại lại có lịnh gọn gàng để chuyển trại. Mười hai giờ trưa một đoàn xe Molotova đến, tất cả đám tù lên xe. Lần nầy, họ không biết sẽ bị đưa đi đâu.

Đó là những ngày tháng buồn thảm và chán nản nhất của Ngự. Thời gian tập trung đã hơn một năm mà vẫn không thấy báo hiệu gì cho ngày trở về. Cán bộ quản giáo cứ mt mực lên lớp :’’ Các anh hãy an tâm tin tưởng, chính sách của cách mạng trước sau như môt, về sum họp đươc với gia đình sớm hay muộn là tuỳ ở các anh có học tập cải tạo tốt hay không ? ’’ câu nói không mang ý nghĩa hứa hẹn nào. Hơn một năm rồi, không ai được thăm nuôi, áo quần đem theo mười ngày dự tính đã rách tả tơi, tìm được một mãnh áo lành lặn cũng khó, bao cát ở các hầm trú ẩn Mỹ bỏ lại được tù nhân khai thác triệt để, quần áo được may bằng bao cát là mốt thời thượng, bao cát may càng dày càng ấm cho nên đám cải tạo gọi đó là ‘’áo vũ cơ hàn’’.

Chuyến chuyển trại nầy về trại Long Giao, Ngự nằm bên Đỗ. Những người tù từ Phú Quốc cũng đưa về đây. Hai toán, một từ Long Khánh đến và một từ Phú Quốc về, cùng một lược, được chia ở chung láng. Khi đươc kêu tên Ngự ôm đồ đạc của mình vào láng đã được chỉ định thì sau đó có một bạn tù cũng đến nằm cạnh anh. Ngự hỏi :

- ‘’ Anh ở đâu về’’

- ‘’ Phú quốc, ngoài đó chuy&ển trại vì nghe tin tụi Miên sắp đánh qua.’’ 

- ‘’ Hồi trước anh làm gì’’

- ‘’ Chiến tranh chính trị Đô Thành’’

- ‘’ Cũng giống mình, mình là dân Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt ’’

Thế là từ đó hai bạn thân nhau. 

Ở tù đã hơn mõt năm, những bạn tù gần gủi qua lại chia xẻ nhau những cùng cực đã tản đi trong lòng Ngự. Mỗi mõt đổi thay, mỗi mõt lần biên chế là anh có những người bạn mới. Đó là chính sách, không ai được ở gần nhau lâu, không được thân thiết để có thể có những dự tính, những mưu đồ. Mưu đồ gì? Trốn trại chẳng hạn.

Ngự vẫn mong, vẫn hy vọng đến ngày trở về. Anh vẫn nằm tưởng tượng đến ngày sê được kêu tên mình trong danh sách được tha. Từ lâu quá, mới hơn một năm mà anh thấy như xa quá, xa lắc. Những ngày thân ái cũ vẫn chập chờn trong anh. Hình ảnh Nguyệt và đứa con anh còn quá nhỏ dại. Ngày anh đi, bé Tuân mới được một tuổi, bây giờ đã lớn lên bao nhiêu. Anh biệt tăm Nguyệt trong hơn một năm. Cuộc sống dần dần đưa anh xuống cấp một cách thê thảm. Anh hình dung ra ngày lúc anh đi Nguyệt bế con ra đứng ở đầu đường và vẫy tay lần cuối. Căn nhà của anh thuê chủ nhà có cho Nguyệt ở tiếp không ? Một thân một mình nàng làm sao nuôi nỗi con. Suy nghĩ nầy đã làm anh lặng người đi.

Ngự tưởng tượng đến lúc anh về, đứng trước cửa nhà, căn nhà cũ vẫn còn đó, Nguyệt thì đang lúi húi dưới bếp với những món ăn làm dở, thằng Tuân đang bi bô trước cửa. Anh bước vô nhà nó tưởng là người lạ nên khóc ré lên. Nguyệt từ dưới nhà chạy lên thấy anh trong bộ đồ may bằng bao cát ‘’áo vũ cơ hàn’’ như thế nầy, nàng bỗng khựng lại. Là Ngự đây sao, Ngự của ngày nào là sinh viên sĩ quan với Alfa đen trên vai, yêu nàng từ ngày còn ở Đà Lạt, Ngự của ngày nào, mới đây thôi, là trung uý đại đội trưởng một đơn vị. Mà nay mới hơn một năm ‘’đi tập trung cải tạo’’ anh đã ra nông nỗi nầy. Nguyệt ôm choàng lấy anh và nước mắt rơi nhạt nhòa trên má, trên môi, chảy dòng dòng xuống cổ. Anh ôm lấy nàng trên tay thổn thức.

Nhưng đó cũng chỉ là những giấc mơ, những mộng tưởng. Thật sự thì bi thảm hơn thế, anh hàng ngày vẫn đối mặt với bạn bè, với những cơn đói ghê hồn, với đám vệ binh lúc nào mặt mũi cũng hằm hè như muốn nã đạn vào đám tù nhân. Một năm không thăm nuôi nên ai cũng đói kiệt.

‘’ Cải thiện linh tinh’’ và ‘’ca cóng’’ đó là lời của người quản giáo Bắc Kỳ hay đứng trước hàng quân hoạnh hoẹ. Cái đói nó làm con người nhiều khi không còn giữ được phẩm chất của mình. Đi lao động ngoài hiện trường, gặp được thứ gì nhúc nhích cũng ăn tuốt. Ếch, nhái, cóc, chut, ểnh ương, cào cào, châu chấu, rắn hay côn trùng... đều là những món ăn đầy chất thịt. Ngoài hiện trường lao động, thường thường có một tù nhân được phân công nấu nước sôi cho đám tù lao động uống. Đang làm việc, cuốc đất hay đào hố trồng cao su, hể có con nhái, con chuột, hay con dế, châu chấu, cào cào chạy, bay ra là không làm sao thoát khỏi tay đám tù. Chỉ cần thoáng một cái, con nhái sẽ được xóc qua đầu một cành cây nhỏ, người tù mon men lại bếp lửa đang nấu nước. Chỉ cần hơ sơ sịa qua loa cho cảm thấy rằng mình được ăn chín. Dòm trước ngó sau, thấy không có vệ binh nào chú ý, liền bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, món ăn ngon không thứ gì bì được. Nhiều khi nướng vội quá không chín, khi nhai, máu đỏ còn chảy ròng ròng trên khoé miệng.

Ngự và Đỗ nương nhau mà sống. Đỗ trồng rau xanh nên thường ‘’cải thiện’’ được rau. Khi thì mớ dền dại, khi thì nắm rau tàu bay, hoặc bó lá giang, đem về nấu lên cho có chất chua chua để dể nuốt chén bo bo lợn cợn sạn và cát. Ngự đi kiếm củi, chẻ nhỏ để nấu nước và luôc rau. Mỗi lần có mớ rau là có một bữa ăn vui.

Nhưng sinh lực Ngự hình như đã cạn kiệt. Da thịt anh bắt đầu trương nước và mặt anh húp lên. Đây là thời điểm cả trại bị ăn loại gạo hẩm Trung Quốc. Gạo Trung Quốc viện trợ mấy năm để trong rừng, bây giờ đem ra cho ‘’ dân cải tạo’’ ăn , gạo không còn chất cám nên ăn vô miệng như ăn dăm bào, khô khốc. Đám tù có mấy người bị chết vì phù thủng.

Ngự rất sợ khi thấy mình bị phù. Thật ra sức đề kháng của anh đã cạn. Một năm không có một chút thịt cá trong người, làm sao có đủ độ đạm để nuôi dưỡng cơ thể. Anh thấy mỏi mệt quá chừng. Ngồi ở đâu cũng chóng mặt, ù tai. Hai chân anh bị sưng húp lên, lấy tay bấm vào, khi thả tay ra còn một lỗ sâu. Đỗ thấy vậy mới lục trong túi xách ra đưa Ngự mấy viên thuốc. Đỗ nói :

-‘’ Cầm mấy viên B1 nầy uống đi, lúc đi trình diện mẹ mình gói cho mình những thứ nầy, mình uống từ từ, còn bấy nhiêu, bạn uống đi đở chút nào hay chút đó.’’

Ngự cảm động đến rơi nước mắt. Tình bạn, tình chiến hữu hay tình người ? Tất cả hòa trộn vào nhau. Cuối cùng, trãi qua những thương đau cùng cực, con người vẫn còn trái tim trong veo để nghĩ về nhau, để thương yêu nhau.

Uống mấy viên thuốc, Ngự khoẻ được mấy ngày, anh đi lao động lại, ra hiện trường anh cũng phải cuốc đất, đốn gổ, đào hố cao su như mọi người. Sức khoẻ Ngự cùng kiệt thấy rõ. Một lần đang đốn củi tên rừng, Ngự thấy như bị lã người, rồi té nhũi xuống đất. Quản giáo sai người khiêng anh về trại và sau đó cho anh lao động nhẹ.

Đỗ là dân miền Trung, tính tình anh thật thà chất phát. Tuổi thơ anh gắn liền với những cánh đồng, những rung lúa. Anh vào quân đi theo lệnh động viên những năm 68.

Mẹ anh kể : ‘’ Những năm đói Ất Dậu, cả nhà không có hột gạo để ăn, chỉ còn khoai lang, khoai mì, nấu ân trừ bửa. Ông ngoại bị đói nhiều ngày nằm rên, sắp chết. Ông bị phù thủng, cả người trương nước lên, da mặt tái xanh. Nhưng trong hoàn cảnh nầy lấy đâu ra gạo, ra thuốc thang, để săn sóc ông. Nạn đói cả nước khiến nhiếu người chết ở ngoài Bắc, ngoài Huế, ngoài Thanh, Nghệ, Tỉnh, thì chuyện một ông già nhà quê bị đói sắp chết cũng là chuyện thường thôi. Nhưng mẹ thương ông quá, làm sao kiếm chút gạo, thang thuốc cứu ông chứ không để ông chết thì mẹ cũng chết theo thôi. Lúc đó, ở nhà đang nuôi một con chó cái, nó đang có bầu sắp sinh. May sao, cái đêm ông ngoại hấp hối nằm trên giường bịnh, mắt trợn trừng, hơi thở gấp gáp như sắp tắt hơi đến nơi, thì con chó chuyển bụng đẻ. Mẹ nhớ lời ông Sam, thầy thuốc bắc, đã từng nói : ‘’Khi chó đẻ, lấy vải hứng lấy chó con, đừng cho rơi xuống đất, tất cả đem bỏ vào nồi hầm, bỏ thêm chút đậu xanh, đậu đen, cho người bịnh ăn sẽ bổ lắm, là vị thuốc thần kỳ chữa bá bịnh, có thể cải tử hoàn sanh’’. Đó gọi là vị thuốc ‘’chó hà nàm’’. Mẹ làm theo, con chó đẻ được 5 con chó con, còn đỏ hon hỏn, mắt chưa mở ra được, mẹ đem bỏ tất cả 5 con vào nồi, hầm với một ít đậu xanh cho thât mềm, xong đem cho ông ăn, nhờ vậy mà lần đó ông ngoại thoát chết.’’ Tiếng mẹ kể ngày nào còn vang vọng mãi nơi tâm trí Đỗ, anh nghĩ đến Ngự đang nằm bịnh ở nhà, sức khoẻ Ngự càng ngày càng kiệt quệ đi, anh thương bạn quá, thân phận của những người tù thê thảm quá. Điều mà từ trước anh không nghĩ tới.

Bây giờ thì Đỗ đi lao động một mình với đám bạn tù cùng đi. Từ ngày Ngự bịnh đến nay, anh như chim lẻ bạn, anh hay cuốc đất một mình, đốn gỗ một mình, đào hố cao su một mình. Anh sống trong lặng lẽ. Có thể sự thiếu vắng Ngự làm anh buồn bả và nghĩ đến thân phận mình hơn.

Hôm nay, cả đi tù ra ngồi ngoài cổng trại đợi đến lược cán bô kiểm tra mới được xuất trại đi lao động, ngày nào cũng như ngày đó, đây là một quy luật. Một đám ‘’con người’’ nhùng nhằn với áo quần bao cát, nón mũ cũng may bằng bao cát, trông họ như những hình nộm biết đi, cả đám ngồi dang dưới cái nắng chói chan của miền nhiệt đới. Mặt trời đỏ lửa trên đầu phả những cơn nóng bức oi nồng vào đám tù đang ngồi phơi nắng trong cổng, đọi kiểm soát để xuất trại.

Người trực trại đi đến từng người, đưa mắt nhìn xoi mói lên những thân thể gầy còm ấy, xem có mang theo gì không, chẳng hạn như gạo, muối, để âm mưu trốn trại. Qua một lược dò xét, lục chỗ nầy, chỗ kia, người trực trại mới ra lệnh cho đi. Đó là thủ tục ngày nào cũng như ngày ấy.

Toàn đi được lệnh ra quân đốn gổ, khai phá một khoảng rừng rậm toàn cây to để đem gổ về làm củi. Chỉ tiêu được đặt ra mỗi người tù phải phải đốn một cây gỗ dài 3 m vác về. Trước khi thi công, người quản giáo tập họp đi lại chỉ thị :

- ‘’ Công tác đốn củi và khai khẩn rừng là một hành động cách mạng. Các anh phải chứng tỏ được tinh thần tự giác trong làm việc để đạt năng suất cao nhất. Chỉ tiêu đã được đặt ra, các anh phải tích cưc phấn đấu để mau về đoàn tụ với gia đình.’’

Câu nói thông lệ như một đĩa hát rè, cứ lặp đi lặp lại hoài nghe phát chán.

Ngự vác rựa một mình vào rừng, rừng Long Giao mênh mông và điệp trùng. Cây cối mọc chằng chịt. Anh chọn một cây to và bắt đầu phát quang một khoảng rộng để có thể đốn một cây gổ lớn. Nhũng nhát rựa phát tới tấp. Chợt anh thấy một con chuột lớn từ trong hang chạy ra, anh nhào tới chụp nhưng con chuột nhanh quá chạy mất. Đỗ tiếc ngẫn ngơ. Con chuột to và mập, lông vàng óng, nếu bắt được sẽ có một bửa ăn ngon. Anh lại đào thên mấy nhát cuốc thì thấy đất xốp và có hang. Anh đào sâu thêm chút nữa th,ì ô kìa, cả một ổ chuột con mới đẻ, khoảng cũng 8 con, những con chuột con nhỏ xíu, da còn đỏ hỏn, mất nhắm tịt lại. Đỗ mừng húm, anh nhớ đến chuyện mẹ anh kể ngày xưa về món chó ‘’hà nàm’’ đã cứu ông ngoại anh. Nay anh được ổ chuột mới sinh. Tại sao không thể làm món chuột ‘’hà nàm’’ cho Ngự ăn, để cứu Ngự qua cơn bịnh trầm kha thập tủ nhất sinh nầy. Đỗ hốt hết đám chuột con bỏ vào túi bao cát, xong anh tiếp tục công việc. Rất may hôm đó anh vác về khúc gổ khá lớn nên quản giáo và trực trại không khám túi xách của anh.

Khi về đến nhà, làm mọi công tác xong, đến giờ ăn, Đỗ được chia phần 2 chén khoai mì lác. Anh đến chỗ Ngự đang nằm với chén cháo loãng. Anh hỏi Ngự :

- ‘’ Khỏe không Ngự, hôm nay thế nào ?’’ 

Ngự đáp buồn rầu 

- ‘’ Mệt quá, thân hình như không còn sinh lực, ngồi dậy không nỗi nũa.’’

Đỗ nói :

- ‘’ Sao không ăn cháo đi.’’

- ‘’ Đói quá mà nuốt không vô’’

- ‘’ Đưa cháo đây tao nấu lại cho, có chút thịt tươi tao cải thiện, tao nấu cho mầy miếng cháo nghe’’

Ngự gật đầu mệt mỏi. Đỗ lấy tô cháo của Ngự đem ra phía nhà bếp, đổ tất cả vào lon ‘’gô’’ rồi anh lấy cái xách đựng 8 con chuột con, anh trút đám chuột con hết vào, đám chuột con còn sống ngo ngoe, anh đặt lon ‘’gô’’ lên đống tro mà nhà bếp nấu đồ ân xong đã ủ lại.
Buổi tối, trong láng trại chỉ còn 2 người thức. Đỗ để nguyên lon gô nấu chuột ‘’hà nàm’’, đem vào chỗ Ngự ngủ. Anh nói nhỏ vào tai Ngự :

- ‘’ Đây là món ăn bổ lấm, mi phải ăn cho hết, mi ăn hết mới mong khỏi bịnh được.’’

- ‘’ Món chi vậy ‘’

- ‘’ Bí mật, nhưng bổ lắm, đừng hỏi nhiều bọn nó biết, ăn đi.’’

Trong bóng tối nhập nhoè, Ngự múc từng muổng bỏ vô miệng nhai, những con chuột con co quắp, Ngự cúi đầu ăn .

- ‘’ Cái gì sực sực thế nầy, Đỗ’’

- ‘’ Đừng hỏi, ăn đi’’

- ‘’Sao tao thấy ớn quá, chắc mầy nấu còn sống quá.’’

- ‘’Tao để trên đống tro, chắc là tro đã nguội, nhưng không hề chi, cứ ăn đi, ăn tái càng bổ.’’

- ‘’ Tao nuốt không vô nữa’’’

- ‘’ Tao đã nói rồi, mmi ăn hết phần nầy mới hết bịnh, mi tin tao đi’’

Trong bóng tối, Ngự không thấy gì, không biết gì nên cố nuốt, nhưng anh thấy lợm quá, hình như thức ăn còn sống và có mùi máu.

Ăn xong anh phải nhờ Đỗ quấn cho điếu thuốc rê. Có thể nhờ món chuột ‘’hà nàm ‘’ nầy mà Ngự khoẻ lại. 

Khoảng ba tháng sau, hai người lại bị đổi đi hai nơi. 

Họ thất lạc nhau đến hai mươi năm. Ngự vẫn thắc mắc trong lòng không biết Đỗ hôm đó đã cho mình ăn món gì mà sau đó anh khoẻ lại vậy.

Hai mươi năm sau, ở Cali, đôi bạn lại găp nhau.

Tại nhà Ngự, Đỗ uống một ly bia đầy, rồi nói :

- ‘’ Món đó là món chuột con mới đẻ tao bắt được ngoài rừng, đem về nấu cho mi ăn. Nấu tro tàn nên chắc còn sống, nhưng tái tái như vậy mà bổ, nhờ vậy mi mới khỏi bịnh chứ, phải không.’’

Ngự đang bỏ vào miệng miếng bò lúc lắc, anh chợt khựng lại, anh nghe ớn trong cần cổ, anh phải bỏ miếng thịt ra và tu vội một ly bia đầy. 

Trần Yên Hòa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn