BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76368)
(Xem: 63031)
(Xem: 40421)
(Xem: 32017)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

"Anh Nuôi"

09 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1707)
"Anh Nuôi"
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

(Trích "Nỗi Buồn Côi Cút")


Ghi chú.- Khi trình diện ở khu Đại Học Xá Minh Mạng, cộng sản đội ngũ hóa ngay tù cải tạo thành từng B (cỡ trung đội), ba B họp lại thành một C (cỡ đại đội).

B9, với nhân số trừ (21 thay vì 27) được dành cho một gian nhà cây nhỏ, vuông vức khoảng 5m chiều cạnh. Gian nhà này trước kia có thể là "tư thất" của một thượng sĩ thâm niên nào đó của hậu cứ. Thuộc loại "túp lều lý tưởng" trong cõi chiến trường, vách ván, nóc lợp thiếc dợn sóng, sàn cây và bên ngoài là một chái nhỏ làm nhà bếp. Với khoảng 50 mét khối của khối lượng sinh sống, anh B Trưởng phải sắp xếp chỗ nằm cho 21 người kể cũng nhiều khó khăn, nhứt là đối với những con người xưa nay thường sống trong cảnh nhà cao, cửa rộng. Nhưng, đi sông thì phải tùy theo con nước và vào tù thì phải biết thân phận mình. Không gian sinh sống đâu cần phải nhiều đến dư thừa nữa mà chỉ cần đủ chỗ cho một chiếc chiếu cá nhân, để có thể ngả lưng về đêm, thế thôi. Xoay xở mãi, chiều ngang rồi chiều dọc, cũng chỉ đủ cho 20 người. Trong khi anh B Trưởng đang bối rối thì một anh bạn tình nguyện ra nằm chái bếp, tuy nhỏ hẹp nhưng bù lại, anh được chỗ riêng tư, một thân một mình không phiền hà đến ai mà cũng chẳng bị ai quấy rầy trong giấc ngũ cô đơn. Phân phối chỗ nằm vừa xong, chưa kịp trải chiếc chiếu ra để nằm nghỉ lưng và tìm một giấc ngủ chập chờn, bù lại một đêm vừa qua gần như thức trắng thì đã có lịnh gọi các B Trưởng đi họp.

Họp xong về, anh B Trưởng mời cả B ngồi quây quần giữa nhà để gọi là "sinh hoạt" với nội dung mà anh đã tiếp nhận của ban chỉ huy trại. Một cách tổng quát là những chỉ thị về chuyện sắp xếp nơi ăn chốn ở, nổi bật và đáng ngại hơn hết là vấn đề nấu bếp cho ngày học tập đầu tiên. Nhóm tù học tập cải tạo về trại này trong chuyến dạ hành vừa qua, xuất phát từ Đại Học Xá Minh Mạng, gồm toàn cựu đại tá của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trước kia. Còn số 22 sĩ quan cấp tướng tập trung ở cùng Đại Học Xá cũng được đưa đi trong đêm đó, nhưng lại đi về một hướng khác.

Nhân số tù cấp đại tá nói trên được chia ra thành hai khu, mỗi khu gắn liền với một bếp ăn (bếp A và bếp B), trung bình mỗi bếp cung cấp lương thực và thực phẩm cho khoảng 135 miệng ăn. Không biết nguyên tắc nào đã đưa B9 đến chỗ "được ưu tiên" làm bếp ngày đầu tiên? Quả thật là một khó khăn to lớn! Ngay việc nấu bếp cho cá nhân mình cũng chưa chắc là có nhiều người trong số những cựu đại tá đó đã làm được, giờ đây lại nấu ăn cho hàng trăm người! Chuyện chẳng phải đùa. Ấy thế mà thông cáo gọi đi trình diện học tập cải tạo của Ủy Ban Quân Quản thành phố có nói rằng "việc ăn uống trong thời gian học tập sẽ do nhà thầu cung cấp". Chỉ mới một vài ngày đầu tiếp cận với cộng sản, tù cải tạo đã thấy mình bị gạt gẫm và lừa dối đến mấy lần!

Mặt trời đã lên cao khi sinh hoạt kết thúc. B9 được phân chia thành nhóm, mỗi nhóm một công tác nhứt định. Nhóm nào việc nấy, các thành viên của B bắt tay vào công tác được giao phó. Một gian nhà nhỏ nằm cạnh căn nhà dành cho B9 được sử dụng làm nhà bếp, dường như được bộ đội tiếp thu doanh trại Long Giao làm ra. Cũng một gian nhà vuông vức như gian nhà của B9 nhưng nhỏ hơn và vách bao quanh có hai mặt chỉ che một nửa, để cho khói dễ thoát ra và để phân phát thức ăn. Bên trong, đã có xây sẵn hai miệng lò, mỗi miệng có thể tiếp nhận một chảo đụng to tướng, đường kính miệng chảo hơn một thước. Thế nhưng, không thấy có một que củi nào để đốt lò nên có quyết định khẩn cấp là thu lượm chất đốt quanh quẩn đâu đó bên trong vòng rào trại. Một quyết định rất thực tế, xuất phát từ một sáng kiến cá nhân không phải chờ chỉ thị của ban chỉ huy trại. Thế nhưng, không biết chất đốt kiểu đó sẽ tồn tại được bao nhiêu lâu, nếu không muốn đưa tất cả nhà cửa của trại vào lò lửa.

Khâu kế tiếp là việc cung cấp nước để rửa và nấu thức ăn. Khâu này cũng gay go không kém vì hệ thống nước máy đã vắng mặt. Không ai có thể tưởng tượng một trại binh của Hoa Kỳ lại có thể thiếu một hệ thống cung cấp nước. Thời gian nhập trại là mới vào mùa mưa miền Nam, nắng còn nhiều, mưa chẳng bao nhiêu. Vả lại, cũng chẳng có gì để chứa nước mưa. Duy nhứt chỉ có nước giếng, mà mực nước vào thời gian đó dường như sâu thẩm mãi tận lòng đất! Cho nên giờ đây công tác tiếp tế nước cho bếp nấu ăn tập thể hết sức gian nan. Cả khu trại cải tạo chỉ có mỗi một cái giếng, cách xa nhà bếp khoảng 500 thước. Trên miệng giếng còn dấu vết của những điểm gắn máy bơm nước, nhưng máy bơm thì không thấy đâu, có lẽ đã "trở về với nhân dân"? Mực nước trong giếng cách mặt đất cũng trên mười thước [1] nên cung cách lấy nước phải dựa vào những suy nghĩ, những sáng kiến và xoay xở.

Chỗ không giống ai của những người cộng sản cai tù là phân công mà chẳng cần quan tâm đến khía cạnh cung cấp phương tiện để thi hành, nếu có thì cũng rất ít thôi. Đòi hỏi cho lắm thì cũng chỉ được trả lời bằng câu "các anh khắc phục" tiêu biểu, chớ không như ở xã hội tư bản là phương tiện thường đi kèm với nhiệm vụ giao phó. May mắn cho những người tù cải tạo là đã được chỉ định cư trú trong một doanh trại cũ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, một cơ sở tuy đã trải qua một trận hôi của tàn nhẫn nhưng vẫn còn một số vật dụng bị chê, còn có thể sử dụng được. Nhờ vậy mà tù cải tạo mới xoay xở nỗi, nếu không thì dù cho sáng kiến và suy nghĩ có tuyệt vời đến đâu thì cũng đành chịu bó tay. Gào lấy nước là những thùng "can" chứa xăng 20 lít (Jerrycan) của quân đội Mỹ. Nhưng trọng lượng của thùng cộng với 20 lít nước nữa thì sức của một người làm sao lôi lên nổi từ một chiều sâu khoảng mười mấy thước? Thế là có khó mới ló khôn. Một sợi dây điện có bọc nhựa dài khoảng 20 thước, luồn qua một cái ròng rọc treo giữa cây đà nằm ngang miệng giếng, thế là 3 người kéo theo chiều nằm ngang để tạo thành một lực theo chiều đứng mà nâng chiếc can 20 lít nước kia lên khỏi miệng giếng và một người đứng ở miệng giếng bắt gào đổ nước sang hai can khác cho hai người khiêng về bếp. Trong công tác làm bếp ở trại này, khâu cung cấp nước là một chuyện đáng gờm, dễ nể, vì một phiên bếp đòi hỏi ít ra cũng 200 lít nước, nghĩa là 10 can. Với những cặp tải nước lực lưỡng thì mất 5 chuyến đi về, mỗi lượt 500 thước đường bộ. Còn nhóm "bò kéo nước" thì phải kéo 10 lượt và như vậy 2 lần trong một ngày. Đối chiếu phương tiện và năng suất thì một lít nước từ giếng về đến nhà bếp là quá đắt, thế nhưng thói thường người ta cứ cho "nước sông, công tù" đâu có gì đáng quan tâm. Chưa nói đến những ngày mưa ướt đường, bùn lầy trơn trợt. Nhưng khó thì khó nhưng cũng phải hoàn thành, trong chiều hướng thi hành lịnh đã ban ra thì ít nhưng trong tinh thần vì bạn bè cùng cảnh ngộ lại nhiều hơn. Nếu không hoàn tất được công tác thì làm sao no lòng cho biết bao nhiêu bạn bè đây?

Chất đốt đã có, toàn là cây và ván tháo gỡ từ những căn nhà hoang phế, một loại chất đốt thượng thặng. Hệ thống cung cấp nước đã chạy đều, sau những trục trặc ban đầu, còn lại là khâu lương thực, thực phẩm. Phần này tương đối cũng không mấy khó khăn vì chỉ cần đến kho của bộ đội lãnh về, nhưng lại gặp trở ngại về chuyển vận. Người bộ đội coi kho chỉ một bao gạo trăm kí và thảy cho một con gà, loại gà công nghiệp, mà dân chúng miền Nam thường gọi là gà Mỹ, và 10 gói mì ăn liền. Vậy là xong thức ăn cho khoảng 150 người trong một ngày. Vừa ngạc nhiên trước số lượng thực phẩm được phân phối, vừa bối rối tìm phương thức để chuyển bao gạo nặng một tạ kia nên nhóm người tiếp tế cứ dùng dằng, cho rằng gã bộ đội coi kho chưa đưa hết phần thực phẩm. Toán tù cải tạo đi lãnh thức ăn còn đang ngẩn ngơ thì chàng bộ đội đã quát:

- Các anh mang đi thôi, còn chờ gì nữa?

Bao gạo trăm kí, một người làm sao mà vác nỗi vì các quan cựu đại tá kia không có một quá khứ làm phu khuân vác, mà huy động hai người thì lại không có gióng mà cũng không có đòn gánh! Thế là phải tìm cách xoay xở, cho bao gạo nằm lên hai cây đòn, kẻ trước, người sau hì hà hì hục khiêng về bếp. Như vậy, nhà bếp đã có đũ vật liệu để tiến hành công tác. Đúng là vạn sự khởi đầu nan, bước đầu thật lắm khó khăn!

Nhưng đâu đã hết. Bây giờ đến khâu vô cùng quan trọng, khâu nấu nướng. Trong số thành viên B9 chẳng một ai có kinh nghiệm nấu ăn bằng chảo đụng cho nhiều người ăn, thậm chí nấu cho chính mình ăn cũng chẳng có mấy người. Không ai dám xung phong đứng ra làm một công tác tế nhị và nguy hiểm đó. Tế nhị là phải sản xuất ra một nồi cơm ăn được, nguy hiểm là vì nấu lôi thôi thì bạn bè sẽ đói meo, còn cá nhân mình thì sẽ bị phê phán thậm tệ. Thế là anh B Trưởng đành phải đứng mũi, chịu sào vậy. Bếp đã nhóm lửa, nhờ có chất đốt hảo hạng nên lửa bắt rất nhanh và nhảy múa tưng bừng. Một nửa bao gạo được tuôn vào một cái chảo đụng, sử dụng vào chức năng chậu rửa để vo sạch. Bao gạo mang chữ Tàu, một vài anh bạn rành Hán tự đọc là "Đại Mễ", do Trung Quốc chi viện. Hột gạo to và rất trắng, nhưng lại có quá nhiều sâu và bị ẩm. Theo các bạn trước kia thuộc ban ngành quân báo thì đây là những bao gạo do Trung Cộng viện trợ và Hà Nội đã tiếp tế cho bộ đội của họ chiến đấu trong Nam bằng cách kết nhiều bao thành bè bọc Nylon, thả theo dòng thủy triều của biển Nam Hải. Một cung cách "hậu cần" cầu may, năm ăn, năm thua, trong một hoàn cảnh bí thế cùng đường. Trong chiến tranh, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cũng thường chận bắt được nhiều khối lượng gạo tiếp tế theo kiểu đó. Sau khi chiếm được miền Nam, say mê chất lượng gạo ngon của đồng bằng sông Cửu Long, quân đội nhân dân bèn chối bỏ gạo của nước cộng sản anh em kia, dù là "đại mễ", ném ra cho tù cải tạo. Gạo sâu và dơ nhưng nước nôi không đủ nên vo cũng qua loa, đại khái. Gạo vo rồi, được chuyển từng thau một cho vào chảo nước đang sôi. Anh B Trưởng, quần đùi, lưng trần ướt đẫm mồ hôi, để hết tâm trí mình vào chảo cơm hệ trọng đầu tiên trong quãng đời tập trung học tập cải tạo. Nét mặt cũng như cung cách của anh trước chảo cơm không khác với diện mạo và thái độ của một người sĩ quan trước bản đồ hành quân trong giây phút gay cấn với địch quân ngày trước bao nhiêu. Tất cả số lượng gạo được cho vào chảo xong, anh dùng một cây đũa bếp to cỡ mái dầm đảo gạo cho đều rồi chờ cho chảo cơm sôi bùng trở lại ra lịnh tắt lửa ngọn, giữ lửa than chia đều theo vòng tròn của chảo, không giữ than trong khu trung tâm điểm. Đậy nắp chảo cơm lại, gạt những hột mồ hôi trên trán, người đầu bếp chánh thở phào nhẹ người, phó thác chảo cơm cho ông táo chớ chẳng còn biết làm gì hơn nữa. Anh đã áp dụng cách thức nấu nồi cơm nhỏ vào chảo cơm to cho khoảng 150 người hôm nay, có thành công hay không thì phải chờ khoảng nửa giờ hay 45 phút sau. Trong khi chờ đợi, anh chạy ra ngoài để khỏi bị ngộp thở vì khói của những cây củi đang cháy dở dang và giải quyết khâu kế tiếp, gay go cũng không kém, là làm thế nào để giải quyết vấn đề một con gà khoảng hai kí và 10 gói mì ăn liền làm món ăn cho ngần ấy thực khách trong một ngày. Chặt con gà 150 miếng, trên tiêu chuẩn mỗi người một miếng, không phải là một giải pháp hợp lý vì người nào sẽ nhận miếng nào khi mà chất lượng của những miếng thịt không như nhau. Vả lại chắc gì chặt được con gà kia ra làm ngần ấy phần hay không? Cũng không thế nào chia con gà ra làm 5 phần để khi phát thức ăn ra cung cấp cho 5 B tự lo lấy việc phân chia nội bộ vì biết phải dựa theo tiêu chuẩn nào để cắt 5 phần thịt đây? Anh B Trưởng tham khảo ý kiến của B và đi tới quyết định khả dĩ được chấp nhận mà không bị phê phán là cho con gà cùng với 10 gói mì ăn liền để làm một nồi canh, sau đó xé nhỏ thịt gà ra để chia cùng với nước canh cho các B. Những con người đã từng quyết định chiều hướng của chiến trường, liên hệ đến không biết bao nhiêu sinh mạng con người, giờ đây lại phải thắc mắc vì những miếng thịt gà con con!

Lần đầu tiên, nấu ăn cho một tập thể lại ngay trong ngày đầu vào trại, với những khó khăn và trục trặc ban đầu nên bữa ăn trưa hôm đó phải trễ giờ. Những người trực cơm cho các B đến chầu chực trước nhà bếp khá lâu để lãnh phần ăn cho B, nhưng trước cảnh các đội viên B9 bận rộn, lăng xăng, mồ hôi nhễ nhại, không một ai nỡ lên tiếng phê bình trách móc, nghĩ rằng rồi đây, một hôm nào đó cũng sẽ đến phiên mình. Trong những ngày học tập cải tạo tại trại Long Giao, chưa có tổ chức thành những đội chuyên môn nên việc nấu bếp được luân phiên qua các B. Món cơm trắng đầu tiên, may mắn thay, không đến đổi tệ lắm dù cơm hơi nhão, thà nhão còn hơn sống. Sau bữa ăn trưa, B9 lại lục đục, nhóm nào việc nấy, chuẩn bị cho bữa ăn chiều. Với kinh nghiệm từ bữa ăn trưa, công việc được tiến hành suôn sẻ hơn nên khoảng 16 giờ, cơm đã được phát cho các B. Tổ nấu bếp ngày hôm đó phải dọn dẹp bếp cho sạch sẻ, vén khéo để sáng mai bàn giao lại cho B khác. Thôi thì cũng qua được ngày đầu tiên đi tù cải tạo, một ngày quá bân rộn nên đội viên B9 không còn thừa thì giờ để nghĩ đến thân phận cá nhân và cũng quên đi đêm mất ngủ vừa qua.

Phan Quân


[1] Chiều sâu thật sự của giếng là 24 mét. Vì chúng tôi là một trong số người phụ trách dùng giây điện thoại mà bện thành giây cáp theo sáng kiến của anh Chiêm(Tổng Thống Phủ), rồi sau đó dùng rỏ rẻ để kéo lên mỗi lần một thùng đạn đựng nước. Kíp kéo nước gồm 3 người, hai người kéo và một người đứng ở miệng giếng, lấy thùng nước đổ vào lu ny-long, xong rồi thả gàu xuống giếng mà tiếp tục. Kíp tải nước về bếp gồm ba người, gọi là ba con voi, trong số đó có đại diện Không Quân là NT Huỳnh Minh Quang, gọi là Quang mập, hay Quang lắc, cũng là ông. Chỉ trong vòng một tháng, kết quả tập thể dục xuống cân rất hiệu quả. Ông Quang nói nhỏ với tôi, khi đi tấm hơi ở Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc, ông nằm ngửa, nhìn không thấy được đầu ngón chân. Nhưng nay thì xẹp bụng hoàn toàn...Ông Quang và hai bạn khác của ông để lu ny-long vào một cái giống cũng đệm bằng giây điện thoại dã chiến, rồi xỏ một đòn vào để hai người gánh đi 500m. Đến bếp, họ đổ nước vào thùng « fut »(phuy) bằng sắt có trán nhựa đường.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn