BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76795)
(Xem: 63140)
(Xem: 40542)
(Xem: 32170)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Hạt Đậu Phộng Tương Tư

26 Tháng Chín 20177:25 SA(Xem: 3785)
Những Hạt Đậu Phộng Tương Tư
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
11Vote
3.34

Riêng tặng vợ tôi để giải đáp cho câu hỏi nhiều lần:

-“Xứ nầy có biết bao nhiêu thực phẩm ngon, sao anh lại cứ thích ăn cơm với phộng rang hoài vậy!?”

***

 

Hồi ở trại tù cải tạo nằm trong khu rừng Katum-Bổ túc, tọa lạc thuộc phía tây bắc tỉnh lỵ Tây Ninh, sát biên giới Việt-Miên, các tù nhân mắc bịnh đói triền miên không “thuốc” chữa.

Thỉnh thoảng chúng tôi đi công tác lao động trong rừng nhặt những trái cây hoang do các loài chim ăn phân nửa, còn phân nửa rơi rớt trên mặt đất, phủi, rửa sạch bụi bậm và những con bọ đang đục khoét bám trên đó để ăn, hầu có được chút hương vị của “chất ngọt” thiếu thốn hiếm quí. Chúng tôi tìm hái những cây nấm mối mọc trên những gò mối, nhổ những cây măng le, hoặc bẻ những lá cây còn non để ăn; rồi còn tìm kiếm hái lá sương sâm về đổ nước giếng vào vò cho nát ra, bỏ xác lá, lấy nước để cho đông lại thành như jello có mầu lá cây đậm, cố dồn vào cái bao tử trống rổng của mình, mong làm giảm sự cồn cào khó chịu và những âm thanh “ai oán” cứ kêu rồ rồ từ ruột phát ra. Có khi hái lá hà-thủ-ô về nấu nước uống. Hương vị của lá hà-thủ-ô có mùi thơm như thuốc bắc và lá cây khi đun với nước sôi tiết ra nước có màu vàng đậm như nước trà mà tôi nghe anh em tù cải tạo truyền miệng nhau nói là uống vào tóc sẽ giữ màu đen lâu hơn, không sớm bị muối tiêu(?) Có nhiều tù cải tạo bị thiệt mạng vì đói quá, ăn trúng nhầm những cây lá, nấm độc.

traicaitao
Mùa nắng, đi lao động, chúng tôi cố gắng “tranh thủ”(gia tăng tốc độ, gấp rút) cho nhanh công tác được giao phó để có thì giờ lo “cải thiện(cải tiến, làm cho khá hơn) linh tinh. Có hôm tôi cùng vài người bạn sau khi cắt tranh hay đốn cây xong, tìm những hố bom nhỏ quanh quẩn khu vực gần đó có nước cạn, rồi cởi bỏ quần áo trở về với thiên nhiên, nhảy xuống ao vừa tắm mát, vừa tát nước kiếm vài con cá bé, tép con và những con ết nhái, bù tọt …Tép, cá, ết, nhái có được rồi, lén cất dấu mang về trại, chờ cho không có bóng dáng mấy chàng Quản giáo trại tù đi qua lại đưa mắt cú vọ dòm ngó mới nhanh chân lẻn vào nhà bếp moi những thỏi than tàn chu miệng thổi cho than ửng đỏ lại để nướng lẹ những con tép riêu, cá con rồi dồn vào miệng cho nó đã cơn đói thèm. Đâu ai có được cái bậc lửa, cả trại chỉ có ngọn đèn dầu leo lét treo ở bếp, tối đến các trại viên muốn thấp đèn thì đi xuống nhà bếp mồi lửa. Cán bộ trại tù kiểm soát hành trang mang theo của tù nhân, cất giữ những vật dụng mà họ cho là nguy hiểm và phương tiện trốn trại như bậc lửa, đồng hồ đeo tay, kính cận thị, những vật dụng bằng kim khí v.v…Việc “cải thiện” ăn uống riêng tư, cán bộ Quản giáo trại mà phát giác được thì lôi thôi lắm! Bị những hình phạt, rồi mỗi đêm bị “ngồi đồng” (ngồi nghe kiểm thảo) để nghe “lên lớp”(dạy bảo, xây dựng, kiểm điểm). Bạn bè cùng đội cũng bị vạ lây phải ngồi theo; ban ngày đi lao động mệt mỏi, tối lại còn phải ngồì đồng nữa.., nội việc anh em bực bội chửi đổng mình nghe cũng điếc con ráy!

 “Chế độ(tiêu chuẩn) ăn uống của đám tù cải tạo được cấp phát cho mỗi buổi ăn trưa (lunch) và chiều (dinner) cho một toán 5 người là một cái thau cơm nhỏ, lớn hơn tô thường một chút, được phân phát từ chảo nấu cơm cho tập thể do các tù cải tạo luân phiên phụ trách, công tác nấu bếp nầy  gọi là “anh nuôi”. Tù cải tạo nào được đến phiên làm anh nuôi thì mừng thắp thỏm, bè bạn xa gần cũng vui mừng lây vì khi cạo đáy chảo cơm, chia sẻ cho nhau hưởng được một chút ít cơm cháy để nhai cho sướng cái miệng. Thau cơm được chia đều ra cho 5 người ăn. Mỗi một hạt cơm là một hạt ngọc, hiếm và quí giá vô cùng. Anh em cải tạo trên tinh thần “ăn đồng chia đủ” đã lợm nhặt những mảnh bom từ thời chiến lúc đi lao động trong rừng gò mài thành những chiếc muỗng đủ cở lớn nhỏ để chia cơm cho đúng lượng. Miếng ăn hiếm hoi lúc con người đói khát nó trở thành miếng đại quan trọng. “Tồi tàn” là vậy! Phú quí sinh lễ nghĩa, còn bần cùng thì sinh ra bần tiện; đoạn trường ai có qua cầu mới hay, lúc túng thiếu, đa phần sinh vật con người ta sống theo cái bản năng sinh tồn tự nhiên, như câu nói của cụ Nguyển công Trứ:

 “Ví thử đường đời bằng phẳng cả,

Anh hùng hào kiệt có ai hơn”.

Những năm đầu sau khi cộng sản vừa tấn chiếm miền Nam Việt-nam, tù cải tạo được phát cho ăn gạo lức của Trung-cộng viện trợ không biết từ hồi nào, mà mỗi lần đổ nước vào vo gạo, hạt gạo nổi lềnh bền trên mặt nước cùng với vô số con bọ gạo đang đục khoét trong gạo, có khi đổ gạo từ bao bố tời ra chảo nấu đã có chừng phân nửa bao gạo lên mốc, phất lên mùi hôi và hạt gạo trắng đã ngả thành màu vàng xanh. Dạo đó đa số các tù cải tạo bị bịnh phù thủng vì thiếu vitamine B1. Tôi cũng như các bạn đồng cảnh ngộ có những bửa sáng ngủ thức dậy, cảm thấy tứ chi, thân thể của mình nó nặng trình trịt, không ngồi dậy nổi, đưa ngón tay ấn vào các chổ bắp thịt tay chân đến chổ nào thì thấy dấu trũng trên da hủng xuống tới đó.

Thường thường thì đám tù cải tạo chúng tôi ăn cơm với “thịt cọp” (muối cục, cắn hột muối bể ra âm thanh nghe cộp cộp, mỗi bửa ăn mỗi cải tạo viên được phân chia cho 4- 5 cục muối hột), hoặc là rau muống luộc lênh láng nước. Lâu lâu thì mỗi đứa có được miếng khô cá biển to bằng ngón tay.      

Chúng tôi được lệnh của Ban chỉ huy trại tù lên liếp trồng thêm hoa màu phụ, trồng khoai mì, rau muống để “cải thiện” thêm cho bửa ăn. Mỗi ngày toán anh nuôi chỉ được thu hoạch đúng số lượng rau do trại đề ra chớ không được thêm. Khoai mì (sắn) dễ trồng, chỉ cần đào cái đường rảnh sâu chừng 6 in rồi bỏ hom (thân cây chặc thành từng khúc nhỏ, chiều dài độ 8-12”) xuống, lấp đất lại xong cứ tưới nước ngày 2 bận sáng chiều, khoảng 1 tuần lễ là cây hom bắt rể đâm chòi nẩy lá non; nhưng khoai mì là món ăn liệt vào hàng hiếm quí, chỉ được ăn vào những dịp lễ lớn như mừng ngày sinh nhật Hồ chí Minh, ngày Tết, ăn độn thêm với cơm và cũng chỉ được ăn với một số lượng mà Ban chỉ huy trại tù ấn định. Cứ mỗi lần thu hoạch khoai mì thì bốc vỏ ra bỏ, củ khoai được sắc lát phơi khô và Ban chỉ huy trại cất vào nhà kho, chỉ xuất kho khi được lệnh và số lượng giới hạn ấn định. Dỉ nhiên là không đủ dose đế trấn áp cái âm thanh kêu rồ rồ trong bụng của đám tù cải tạo!

Kho thực phẩm ở cách xa trại khoảng 7-8 cây số đường rừng, cứ mỗi lần đi lảnh thực phẩm, ban Quản giáo trại cắt cử từ 6 đến 10 cặp, mỗi cặp mang theo cây đòn để khiêng và luân phiên thay nhau gồng gánh thực phẩm về trại do hai người vệ binh cộng sản mặt lạnh như tiền dẫn đường, một đi trước, một đi sau, súng AK-47 lúc nào đạn cũng lên nòng, sẳn sàng…nhả đạn nếu cần. Đường đi gập ghềnh, có lúc đi băng xuyên qua những trảng tranh rộng, có lúc chui vào rừng dầy mịt cây lá, có lúc vượt qua những con suối nhỏ có nước chảy róc rách hay lội qua những chổ trũng của hố bom lâu ngày có nước động cả đám tù phải xúm nhau è ạch phụ nâng những cái bao bố đựng thực phẩm lên cao khỏi mặt nước.

Ban chỉ huy trại tù nắm chặt cái bao tử của tù nhân. Không cho ăn nhiều, mà cũng không bỏ đói.Tù nhân không chết, mà dở sống dở chết trong tình trạng kiệt lực, ví như ngọn đèn dầu chỉ còn đủ số lượng dầu để cái tim đèn le lói đóm lửa nhỏ, vì có như thế ban quản lý trại tù mới an tâm, không lo sợ đám tù có đủ khả năng nổi loạn chống lại, hoặc có đủ sức để trốn trại, và cũng vừa đọa đày cho chết lần mòn. Ai may mắn được còn sống trở về với gia đình thì cũng mang những chứng bệnh trầm kha hết thuốc chữa và ..chỉ còn chờ ngày để đi về thế giới khác cho rảnh nợ!

Ghẻ lở bắt đầu xảy ra cho một số tù cải tạo. Đã có lác đác một vài tù cải tạo “bất phục tùng” trốn trại hoặc bỏ đi về thế giới bên kia. Đám tù cải tạo bắt đầu hoang mang cho ngày trở về vì những câu nói mập mờ úp mở của cộng sản.

Đám tù cứ khoảng 6 tháng lại bị dời đổi từ nơi nầy sang nơi khác và cứ tiếp tục công việc vào rừng chặt cây dựng nhà, đào giếng, cắt tranh, khai hoang lên líp trồng hoa màu, rồi lại dời đi nơi khác, lại tiếp tục làm cái công việc tương tự.

Hơn một năm, sau khi tôi được cộng sản ưu ái cho đi du lịch vòng vòng khu rừng Katum-Bổ túc để giới thiệu phong cảnh hữu tình của non sông gấm vóc, họ “biên chế(dời, đổi đi nơi khác) đám tù chúng tôi đến căn cứ Trảng Lớn, một căn cứ cũ của ta ở ngoại ô thị xã Tây Ninh và dời những người đang ở đây đi nơi khác.

Tại căn cứ Trảng Lớn, đám tù cải tạo chúng tôi chen chúc ở trong những trại gia binh có sẵn thời trước, vách xây bằng gạch block xi măng, mái lợp tôn. Hôm nào không có đi công tác lao động, quá 9 giờ sáng, khi mặt trời vừa nhô lên cao mang đến hơi nóng hừng hực, mọi người phải ra ngoài ngồi, nếu như không muốn tắm hơi! Chúng tôi chỉ được đi lại trong phạm vi có hàng rào kẽm gai và lô cốt ngày đêm có bộ đội cộng sản canh gác.

Cứ mỗi hai tuần là cải tạo viên phải làm bản tự kiểm cái quá trình làm “lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ”(chữ dùng của cộng sản kết cho QLVNCH), đã tham dự những cuộc hành quân nào, đã bắn giết bao nhiêu cách mạng và đồng bào, đã dự những khóa học đào tạo chuyên môn nào, biết nơi nào còn cất dấu những kho tàng của chế độ Sàigòn và đồng thời khai lý lịch 3 đời cùng khuynh hướng chính trị của gia đình v.v.. . Khai đi khai lại nhiều lần như vậy, anh nào khai không giống với những bản tự khai trước thì được gặp riêng cán bộ quản giáo để “làm việc”(thẩm vấn, điều tra, hỏi cung). Ai không am tường khai báo thì được cán bộ Quản Giáo mớm cho những lời khai “ác ôn côn đồ”. Lỡ dạy dột quên lời dặn của tổng thống Nguyển văn Thiệu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm” thì bỏ mạng. Cán bộ cộng sản đưa bản tự khai của từng tù cải tạo, bên dưới có chữ ký tên hẳn hòi ..thì hết đường chạy tội!

Cơn đói của anh em tù cải tạo sau hơn hai năm ăn cơm hạn chế, độn rau muống luộc với “thịt cọp” đã có chiều hướng phát triển tột độ, anh em chúng tôi người nào cũng hốc hác gầy ốm, bệnh hoạn vì thiếu dinh dưỡng và thuốc men. Đói thèm quá cho nên tâm tư tù nhân lúc nào cũng lảng vảng mơ tưởng đến thức ăn. Những khi ngồi nghỉ giải lao lúc lao động, hoặc là buổi tối trước khi ngủ, từng nhóm hay ngồi với nhau “ăn hàm thụ” những món ăn ở ngoài đời lúc trước bằng cách luân phiên kể cho nhau nghe hết món ăn nầy đến món ăn khác và mang theo các món ăn vào giấc ngủ của mình để mộng mị, để ăn cho đã thèm.

Ở đây, hằng ngày chúng tôi được phân chia cho đi làm công tác vòng quanh khu vực trại như khai hoang, dọn dẹp rác rến, đào giếng lấy nước, lên líp trồng rau muống tại những khu vực sỏi đá. Phải bỏ ra rất nhiều công sức để gạn lọc lấy đất thịt có lẫn với cát trước khi lên lên liếp trồng rau và mỗi ngày gánh “chè đậu xanh(gánh phân người) từ những hố tiêu, hố tiểu trong phạm vi để tưới tắm cho đám rau, để được đạt chỉ tiêu thu hoạch của mỗi cá nhân do ban chỉ huy trại đề ra, nếu không sẽ bị khiển phạt vì cá nhân còn ù lì, không chịu cải tạo, còn “nín thở qua sông”. Không tiến bộ trong lao động cải tạo, thì con đường trở về nhà sẽ còn thăm thẳm chiều trôi…

Phân người và nước tiểu ở trại cải tạo quí như vàng và không có đủ để cung ứng cho nhu cầu cần có. Chung quanh các nhà ở tập thể đều có các thùng, chậu chứa nước tiểu, không bỏ một giọt nào. Các cầu tiêu trong trại được đám tù góp nhặt cây ván vụn kê cho cái chổ ngồi cao lên để bên dưới đủ chổ đặt để thùng phuy chứa “vàng” có khoét cái lỗ ngang hông khoảng giữa cái phuy để tiện việc “lấy vàng”. Vì không có đủ “vàng” cung ứng, các cải tạo viên nào cần chất hiếm quí để châm bón luống rau của mình phải chầu chực ngồi canh me.. Các “máy” chế tạo ra “vàng” bên trên vừa sản xuất được thỏi vàng nào thì các người “tìm vàng” hốt lẹ lúc “vàng” hãy còn nóng hổi, vừa thổi vừa dùng, không lanh tay lẹ chân thì người khác chụp mất “vàng”. Tôi có một bữa chột bụng đi tìm chổ, ra đến nơi thấy có người “tìm vàng” đang chờ sẵn. Bắt được tôi, mặt hắn rạng rỡ lên, tươi cười và còn “bốc lăn xe”(vấn thuốc rê) cho tôi một điếu để tôi được khuây khỏa thoải mái, vừa khói lửa phì phò ngắm mây trời, để vừa sản xuất “vàng” cho có số lượng tốt.

Có một buổi sáng tại Trảng Lớn, trước khi ra đồng làm công tác, chúng tôi được chia nhau mỗi đứa khoảng 4 muỗng cơm trắng ăn với 4 hạt đậu phộng rang muối. Ngon ơi là ngon! Ngon chưa từng có trong đời tôi. Đứng chờ được đến phiên của mình nhận lảnh phần cơm và 4 hạt đậu phộng là cái âm thanh kêu rồ rồ trong ruột gan làm cho tôi rung mình và nước bọt ứa trào. Tôi phải cứ nuốt vào, nuốt vào.. cho đến khi được cơm và những hạt đậu phộng thơm phức, tôi cứ để trước mặt mình và kê mũi ngửi cho đã rồi mới từ từ tôi dùng cái muỗng nhỏ xíu do tôi làm lấy bằng mảnh bom lượm được múc từng chút cơm, từng chút cơm bỏ vào miệng. Tôi cắn lần nửa hạt đậu phộng quí giá, không dám bỏ nguyên hột vào miệng, vì tôi sợ hết! Tôi tự đánh lừa mình để được ăn nhiều lần. Hương thơm, vị béo ngầy ngậy tiết ra trong miệng, khiến tôi cứ nhai hoài, nhai hoài  mà không nuốt để tận hưởng từ từ hương vị lâu ngày mới có được. Đám bạn tù có người thì ngốn hết vào mồm một lần cho đả “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, có người thì chỉ ăn có một hạt, còn lại 3 hạt cất bỏ túi, để dành lại trong ngày thỉnh thoảng mang ra nhâm nhi…

Sau bữa được ăn cơm với đậu phộng rang, mấy ngày qua đi mà tôi và các bạn tù vẫn còn mơ màng tương tư vương vấn…Cứ mỗi lần tôi nhớ đến hạt đậu phộng no tròn vàng hực là trong lòng mình lại sao xuyến bồi hồi, thèm thuồng khó tả. Tôi nghỉ lúc đó mà tôi được có cả thau đậu phộng rang muối và có được bao nhiêu cơm chắc tôi cũng phình bụng nuốt hết cho nó đả cơn đói thèm, không cần nghỉ ngợi đến hậu quả tôi bị bội thực lăn đùn ra..chết vì no!

Ở Trảng Lớn được vài tháng, chính quyền cộng sản cho phép thân nhân tù cải tạo được gởi quà vì tình trạng thiếu thốn thực phẩm và thuốc men trầm trọng của đám tù. Chúng tôi những kẻ sắp chết khát ở sa mạc được cho nước uống, được vị cứu tinh. Gói quà cho gởi vào được giới hạn là 3kg. Món đầu tiên tôi ghi trên mảnh giấy nhỏ để gởi về cho gia đình là 1kg đậu phộng, kế đó tôi phân vân không biết yêu cầu gì gởi đến gia đình của mình cho 2kg còn lại, món nào tôi cũng thèm muốn. Sau mấy đêm cân nhắc, thêm bớt để có được những thứ cần thiết hơn, nhất là thuốc men để trị bịnh, kim chỉ để khâu vá quần áo v.v…Món đậu phộng của tôi phải đau lòng mà giảm xuống còn 1/2kg, để dành chổ cho ½kg muối. Ăn đậu phộng mà không có muối cũng không được; rồi 1/2kg đường,  1/2kg thuốc men +kim chỉ linh tinh là đã 2kg rồi. Tôi nhắn với gia đình xin đôi dép râu (1) làm bằng vỏ xe hơi ,có phẩm chất bền bỉ để những ngày sắp đến…sẽ theo gót chân tôi còn đi dạo thêm nữa những miền của đất nước thân yêu mà không biết đến bao giờ tôi mới được “dừng bước giang hồ”!

Ngày mà các tù cải tạo bắt đầu nhận quà từ gia đình, phải nói đó là những chuỗi ngày hội lớn và mừng vui, vừa biết được tin nhà, vừa có được tiếp tế thức ăn, thuốc men. Chúng tôi như được hồi sinh với những món quà từ gia đình gởi đến, tuy ít ỏi, nhưng thật là to lớn về vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi huyên thuyên kể chuyện, bàn thảo với nhau vào những lúc hết giờ lao động về gia đình, về dự tính nấu đủ các món ăn với số quà cáp nhận được. Đứa có món ăn nầy, người có món khác, hợp lại với nhau nấu chè, cháo trong những chiếc lon guigo cháy đen mang theo đựng thức ăn lúc đi trình diện “học tập cải tạo”, nay đã trở thành những cái nồi nấu thật hữu dụng. Người mừng được nhận quà và biết tin tức từ gia đình, kẻ thì ngồi trầm ngâm nhìn trời hiu quạnh, tủi thân mình làm “con Linh mục” không ai gởi quà, được những người có của chia sẻ trong tình Huynh đệ chi binh, lúc còn ở chiến trường cũng như lúc sa cơ thất thế, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Có được 1/2kg đậu phộng, mỗi ngày tôi rang một ít để nhâm nhi, tôi nhín ra một ít chia cho một người bạn cải tạo “con Linh mục” nằm kế bên, còn lại tôi hùn hạp với những người bạn khác. Có hôm thì chúng tôi nấu chè đậu phộng với cơm nguội do mỗi đứa nhín ra bỏ vào nồi chè một muỗng cơm, phần đậu phộng còn lại một ít, tôi mang xuống nhà bếp rang hết, giã đậu phộng ra và trộn với số lượng nhiều muối để mỗi bửa ăn tôi có được cái hương vị mùi thơm của đậu phộng.

Đám tù cải tạo chúng tôi ở trại Trảng Lớn được 8 tháng thì có lệnh biên chế (dời đổi) đi nơi khác. Một số anh em thuộc diện An Ninh Tình Báo, Chiến Tranh Chánh Trị, Cảnh Sát được đoàn xe  molotova đến chở đi vào chập tối, không biết số phận ra sao? Đám tù cải tạo dân biệt phái (nhập ngũ, xong được trả về làm giáo chức, công chức quốc phòng và các nha sở v.v…) được phân loại ra đưa đi một nơi khác, còn lại thành phần chúng tôi dân đánh đấm thuộc các đơn vị tác chiến Hải ,Lục, Không Quân giặc lái (Việt cộng gọi mấy anh Pilot VNCH là giặc lái) được đưa trở về nguyên quán rừng Katum thơ mộng.

…………………….

Sau nầy, khi tôi được cộng sản phóng thích cho về với gia đình dưới sự quản chế vô thời hạn của chính quyền địa phương, không được cư trú nơi các thành phố và thị trấn, rồi  thuyền nhân vượt biển bỏ xứ sở ra đi tìm bờ bến tự do, được đến định cư nơi xứ người, thỉnh thoảng tôi lại thèm ăn cơm trắng với đậu phộng rang muối. Tôi nhai đậu phộng rang muối với cơm, hương vị vẫn ngầy ngậy, béo và thơm ngon như ngày nào lúc tôi đói thèm trong trại tù cải tạo. Đôi lúc tôi ngồi nhai cơm với đậu phộng mà cổ hộng tôi nghẹn ngào xúc cảm, nước mắt của tôi dâng trào, khi thấy mình đang được sống trong no đầy hạnh phúc ở một xứ sở và khung cảnh quá đầy đủ tiện nghi, trên bàn ăn đầy ấp những thức ăn, uống. Tôi có cả nồi cơm trắng nấu gạo jasmine thơm lừng nhập cảng từ xứ Thái Lan và có cả một hũ đầy những hạt đậu phộng rang no tròn vàng hực hiếm quí..,khi tôi bất chợt nhớ lại một khúc quanh co của quãng đời mình, ở vào một chuỗi ngày nào đó trong quá khứ cùng những người bạn tù mà không biết giờ đây họ đang trôi dạt ở phương trời nào trên quả đất nầy, hay là…họ đã vĩnh viễn  ra đi vào cõi bình yên hư vô.

Tôi đổ vào tay mình một nắm đậu phộng rang, định bỏ hết vào miệng nhai một lần cho nó đã thèm ..nhưng chợt nhớ lại tháng trước khi tôi đi khám định kỳ sức khỏe hằng năm, Bác sĩ gia đình có cho biết là kết quả thử máu của tôi chất mỡ Triglycerides hơi cao, tôi phải cữ bớt chất béo và năng tập thể dục. Tôi liếc mắt đọc tấm label dán bên ngoài hũ đậu phộng phân chất cho thấy đậu phộng có lượng chất béo cao.

Nghĩ mà buồn cười cho cuộc đời của tôi. Lúc đói thèm thì không có để mà ăn, giờ có quá nhiều ..tôi lại kiêng cữ không dám ăn cho nó đã, cho sướng cái miệng. Sau bao năm sống ở đất tạm dung nầy, sinh hoạt và hoàn cảnh hiện có đã khiến cho tôi không dám “liều mạng” như những ngày còn trai trẻ tôi lặng ngụp và khốn đốn theo từng bước đổi thay của quê hương khói lửa nay cách xa tôi ngàn dặm.

Tôi bỏ những hạt đậu phộng rang vào hũ, chỉ chừa lại 4 hạt đậu phộng và tôi cắn nửa hạt đậu phộng mỗi lần ăn, bởi vì..tôi không muốn bàn giao vợ của tôi lại cho người khác sài, để các con của tôi lại cho người khác sai./.

Minh Vũ
Nguồn http://xaydunghouston.com/TuyBut/676nhunghatdauphongtuongtu.htm


 (1) Dép râu còn gọi là dép Bình Trị Thiên mà bộ đội cộng sản từ miền Bắc Việt nam thường dùng. Sau khi cộng sản tấn chiếm miền Nam, đôi dép râu trở nên thời trang và thông dụng nhất là cho giới lao động vì tính chất bền chắc và rẻ tiền. Dân miền Nam có châm biếm bằng 2 câu thơ:

 “Đôi dép râu dẩm nát đời son trẻ

Nón tai bèo che khuất ánh tương lai”

Nón tay bèo: ám chỉ Việt cộng ở miền Nam hay đội nón tai bèo.

Người viết dùng những danh từ của CSVN cho phù hợp với hoàn cảnh lúc đó. Xin quý vị đọc giả miễn chấp cho. Đa tạ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn