BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư gửi ML

17 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1380)
Thư gửi ML
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
25 Jun 02

ML thân,

Không cần ML “hối lộ” đâu... vì câu trả lời đã có sẵn rồi! Số là cách đây vài tháng, một bạn sinh viên tại Hoa Kỳ cũng hỏi tôi về bản này. Đây là câu chuyện – dĩ nhiên là có thật vì tôi không bao giờ viết nhạc mà bịa chuyện cả – xảy ra vào cuối thập niên 70 khi vô số người miền Nam bị giam cầm trong những trại “cải tạo” sau khi CS chiếm trọn đất nước. K18 là một trong những trại này.

Trại K18 ở nơi rừng thiêng nước độc. Niềm vui duy nhất của những người tù cải tạo ở đó là được người thân lên thăm nuôi. Họ mong mỏi, hồi hộp chờ đợi đến ngày thăm nuôi, một phần vì được gặp lại người thân, được tin tức của gia đình bạn bè không biết bây giờ sống chết ra sao, nhưng gặp lại người thân cũng là cái bám víu dù nhỏ nhoi giúp họ cố tiếp tục sống còn.

Người lên thăm nuôi đại đa số là phụ nữ, là những người mẹ, vợ, em gái, cháu gái của người tù. Đường xá lại xa xôi hiểm trở, phải băng rừng vượt dốc mây ngày trời mới vào được đến trại. Có một cái dốc rất hiểm nghèo ai nấy đều kinh sợ là dốc Ô Ba tôi đề cập trong bài hát. Người đi thăm nuôi xách theo rất nhiều thứ, nào lương thực, thuốc men, quần áo, có người dùng cả đòn gánh để đỡ cực. Nhưng đường đi xa quá, giữa đường họ phải vứt dần để gánh đỡ nặng, có khi lên đến trại thì chỉ còn tay không, đành ôm người tù mà khóc !

Trước khi lên trại, người thăm nuôi thường phải dành dụm, sửa soạn cả năm trước đó để mua cho chồng, con, anh mình những thứ nhu yếu đó. Rồi phải tổ chức chuyến đi, băng rừng lội suối để được gặp người thương chỉ một vài giờ ngắn ngủi. Để rồi lại trở về sửa soạn cho chuyến đi năm sau! Cuộc đời của mọi người gần như thu tròn chung quanh chuyến đi thăm nuôi hàng năm này.

Năm đó, những người tù trong trại nghe tin là hôm sau có một đoàn thăm nuôi sẽ tới trại. Ai nấy mừng rỡ háo hức. Bỗng đến chiều lại đươc tin người ta vừa tìm thấy xác một cô gái ở một nơi dừng chân dẫn tới trại! Vì đường dài, người thăm nuôi hay nghỉ ngơi ở nơi đó trước khi cất bước đi chặng đường chót. Ở đó cũng chính là nơi cán bộ tới đòi tiền, ăn cắp hành trang, có khi còn hãm hiếp em gái hay vợ người tù nữa.

Cả trại nhốn nháo cả lên, không ai biết cô gái đó là người thân của anh chàng tù xấu số nào. Ai nấy đều khấn nguyện cô ấy không phải là vợ hay em gái mình. Rồi tin truyền ra như sét đánh: cô gái ấy đã bị giết chết sau khi bị hãm hiếp ! Cả trại lịm đi trong đau đớn.

Ngày hôm sau, thay vì mừng rỡ gặp lại nhau, các gia đình tù nhân chỉ ôm nhau khóc sướt mướt. Những người chồng thì dặn vợ: thôi em về đi, đừng lên thăm anh nữa, về mà nuôi mẹ nuôi con, anh ở đây không cần gì nữa cả, chỉ mong em còn sống để chúng mình còn ngày gặp nhau !

Những người anh, người con cũng dặn em gái, mẹ mình như thế. Ngày thăm nuôi là cái lẽ sống của người tù, thế mà họ cũng đành phải từ bỏ, xót xa đuổi vợ, đuổi em, đuổi mẹ về nhà ! Cả trại chỉ toàn tiếng nức nở.

Nhà Cách Ly tôi đề cập trong bài hát là một cái chòi tranh nơi xác các tù nhân qua đời được cuộn sơ sài trong những manh chiếu rách trước khi đem chôn.

Chỉ một câu chuyện trong hàng ngàn câu chuyên khác của xứ mình...

Phan Văn Hưng

PS: Nam Dao là người bạn đời, và cũng là người bạn âm nhạc, của tôi. Nam Dao viết lời ca cho bài này, chúng tôi vừa viết vừa khóc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn