BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73326)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tân ơi !

16 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1413)
Tân ơi !
56Vote
41Vote
30Vote
21Vote
13Vote
3.511
Kính tặng anh linh bạn Nguyễn Viết Tân
Hương Huyền Minh


Tôi chú ý đến anh từ khi chúng tôi từ Trại 2 Nhà Lá chuyển vào Trại Cốc, một trại nằm ở nơi sơn cùng thủy tận, chó ăn đá, gà ăn muối và khỉ buồn hiu, trong cõi rừng sâu, nước độc vùng Yên Báy thuộc miền núi Hoàng Liên Sơn. Trong buổi tập họp điểm danh xuất trại đi lao động đầu tiên ở nhà giam mới này, khi đoàn tù xếp hàng theo tổ đội "chuyên ngành" trên khoảng sân trống dưới triền thì tổ mộc - lối mười mấy người - kéo qua ngang chúng tôi trên con đường đất mòn cao hơn ở trước mặt. Vào mùa đông sơn cước, ngày nào trời cũng mưa lất phất - một thứ mưa phùn, rất là thơ mộng trong tiểu thuyết thứ bảy ngày xa xưa nhưng lại là tai họa cho chúng tôi trong hoàn cảnh tù đày - nên đất cứ nhão nhoét, trơn trợt không thôi. Bấm muốn gảy ngón chân, thế mà nó cứ đưa con người của mình đi đâu thì tùy thích, có khi ngã quỵch nguyên con nằm trơ trên đường, ngượng cả lòng trai. Trong đoàn người đó có một anh nổi bật hơn hết, với vóc dáng cao nghều nghệu, nước da trắng phệt, bước đi nặng nề theo sau tổ mộc. Mãi đến mấy năm về sau, nằm chung buồng ở Trại Hà Tây, tôi mới quen được anh.

* * *

Thời Việt Nam Cộng Hòa, Tân là đại tá hải quân, phục vụ lực lượng biệt hải, chuyên thả người nhái đánh phá hậu tuyến cộng sản. Ngày sập tiệm "Tháng Tư Hung Bạo 75", Tân không tiện đưa tàu vào đợt di tản buồn nên anh đành ở lại để cho thân thế phải ngụp lặn vào cơn phong ba học tập cải tạo dã man của lũ khỉ về thành. Đỏ đường công danh thì lại đen đời tình cảm nên khung cảnh gia đình anh chẳng mấy đẹp lòng, hả dạ. Vợ chồng ăn ở với nhau đã bốn mặt con, ba trai một gái, ấy vậy mà cơm chẳng lành, canh cũng không mấy ngon nên hai ông bà đường ai nấy đi, các con theo mẹ. Tân thui thủi một mình một bóng, ngày đêm vui với công tác và nghĩa vụ. Đùng một cái, vào một ngày cuối tháng Tư mà đại-tướng-tổng-thống lại chơi trò "cá tháng tư" đảo ngược - thiệt thành giả mà giả hóa thiệt - nên đất nước cộng hòa bị nhuộm đỏ lòm lòm. Thế là Tân bị cơn lũ cải tạo cuốn đi và cuốn đi biền biệt, trong cảnh :
Tình đã chết trơ vơ sầu núi cũ,
Chiều hoang vu thăm thẳm cõi lưu đày.

(Thơ Hoàng Song Liêm)

May mắn thay, chị Tân khéo tay hay làm, nên với một lớp dạy làm bánh, chị nuôi được các con ăn học nên người, trong buổi "trời đất nổi cơn gió bụi".

* * *

Tân nằm xê xế đối diện với tôi ở dãy "giường" tầng trên, buồng 1 Trại Hà Tây, trong thời kỳ "bò lục" chúng tôi đang được Đảng và Nhà Nước, thông qua trại giam, "động viên" cao điểm để viết "Tự Thuật Cuộc Đời", một loại bản án tự mình buộc tội cho chính mình. Kết quả biện minh cho phương tiện, trại khuyên chúng tôi viết thơ về nhà xin quà để "bồi dưỡng" tinh thần mà viết "cho tốt", trong khi trại nuôi chúng tôi cho khỏi chết, chỉ ngất ngư, đã là may. Đa số anh em tù được gia đình cung cấp tiếp liệu để tăng phần dinh dưỡng - để khỏi chết trong tù chớ không phải để văn hay chữ tốt - thì Tân nằm trong thiểu số kém may mắn, chẳng được ai nghĩ đến, hoặc vì gia đình thiếu phương tiện để đoái hoài. Cũng như nhiều bạn tù khác, cám cảnh thương tình, thỉnh thoảng tôi mời Tân cùng tham gia sinh hoạt vào những ngày nghỉ lao động. Ngày một, ngày hai, tôi hiểu được Tân nhiều hơn nên càng yêu thương, càng quý mến.

Thời ở Hoàng Liên Sơn, Tân bị chứng phù thũng cấp cao, khắp người sưng to, kể cả nơi không muốn nói ra, bước đi cứ lệt sệt. Người Tân gần như hết máu nên da trắng phệt, chẳng giống với những bạn tù. Thấy mà thương nhưng đâu làm gì được vì ai cũng như ai, trong khi "trạm xá" của trại, trong tinh thần "lương y như từ mẫu", ngày ngày chi cho Tân vài viên xuyên tâm liên, mà cách mạng cho là thần dược trị bá bệnh, kèm thêm vài ba muỗng cám heo. Thế nhưng, Trời Phật còn thương người trót lỡ sụp lỗ chân trâu nên sau đó Tân cũng theo được bạn bè về Trại Hà Tây.

Tình thương trong cảnh tù đày là một sức đẩy bằng trăm nghìn mã lực đã nâng đỡ và đưa đẩy Tân vượt qua không gian và thời gian. Rồi Tân cũng trở lại tình trạng bình thường để cùng với bạn tù kéo lê kiếp sống - như đã chết từ khuya - để ngày ngày ghi ghi chép chép, kể lại cuộc đời mình từ tiếng khóc ngây thơ ban đầu cho đến cơn khóc ngất hậm hực vì nước mất, nhà tan, dân tình ly tán. Qua những phiên học tập, kiểm thảo và thu hoạch viết, cũng như qua các lần cán bộ Nội Vụ về trại kiểm tra "luận án" Tự Thuật Cuộc Đời, tinh thần chống cộng của Tân vẫn sôi sục, lòng căm thù đối tượng của Tân cứ quyết liệt nên Tân mãi bị trại đì nhưng chưa kỷ luật được vì phải tạm thời nương tay để cho Tân kết thúc "bản án thòng lọng". Thái độ kiên trì đánh trả kẻ thù trong mọi tình huống như vậy của Tân đôi khi được anh em tù cho là không hợp thời đúng lúc vì cá trong nôm hay mắc rọ mà vùng vẫy thì chỉ có trầy vi tróc vảy. Cho nên, những khi Tân bệnh hoạn, trạm xá trại căn cứ theo "sổ bìa đen" mà cấp thuốc. Bạn bè tù của Tân còn "từ mẩu" hơn "lương y" cộng sản. Đã vậy mà cứ như trêu ngươi "nhà trại", Tân lại quá nhiều bệnh trong người. Có lần Tân ngả bệnh trầm trọng, trại bị bắt buộc cho anh nằm trạm xá, nhưng có lệnh tuyệt đối "cách ly" không cho bất cứ bạn tù nào đến thăm. Sợ gì, sợ bạn bè mang thuốc đến cứu nguy Tân à ? Nhưng, những thằng mà số mạng chưa bắt chết thì cộng sản làm sao mà bóp mũi hay cứa cổ được. Nên chi, nhờ tấm lòng bao la của "từ mẫu trại giam" mà Tân bình phục được để trở về buồng chung sống với anh em. Còn nhớ có một chiều cán bộ điểm danh cho tù "vào chuồng", Tân bị cơn đau sạn thận hành hạ cong cả thân anh, nát lòng bè bạn mà cán bộ vẫn phớt lờ, lạnh lùng đếm số tù nhân, cuối cùng cho Tân vào buồng, bắt "anh khắc phục" để rồi chung cuộc cũng phải kêu cấp cứu giữa đêm đen.

* * *

Trại Nam Hà, vào một mùa đông giá lạnh.

Bạn bè đang ngồi mơ tưởng mông lung và nói cười không đối tượng thì từ buồng bên cạnh Tân đi qua, chân phải bước đi hơi bất thường, tay phải không đánh đàng xa mà cứ lắc lư. Tân cho biết là vừa hớt tóc xong, gội đầu bằng nước giếng lạnh, sau đó cảm thấy bất thường. Anh em vội vàng đưa Tân đến trạm xá trại thì bác sĩ Quýnh[1] phán rằng Tân bị tai biến mạch máu não, bèn báo cáo trại xin đưa ra bệnh viện dân sự Phủ Lý, cách trại mươi cây số ngàn.

Ngay sau khi Tân được di tản ra Phủ Lý, bạn bè chui thơ về gia đình Tân để thông báo hung tin. Một ngày cũng nghĩa vợ chồng, chị Tân cho con trai trưởng và cô gái út xuyên Việt, ngược đường Trường Sơn ra thăm anh cho biết sự tình. Vận dụng mọi thủ tục đầu tiên và "nhờ lòng nhân đạo của Bác", trại cho một người ở lại bệnh viện săn sóc anh. Vì cháu Minh không bỏ được công ăn việc làm nên cô em, tạm xếp chuyện dạy làm bánh, ở lại nuôi cha. Thân gái cô đơn, một thân một mình nơi đất lạ quê người, cháu Nga cũng đảm đang bương chảy làm tròn bổn phận người con hiếu thảo. Cho đến khi Tân được cho "xuất viện" ra khỏi nhà thương, liệt mất nửa người. Trong nỗi buồn của cộng sản vì từ nay chúng chỉ còn hành hạ được Tân có năm mươi phần trăm mà thôi, không còn trọn gói như trước kia. Được tình thương của bạn bè bao bọc, có sự ân cần chăm sóc của bằng hữu chở che, Tân gắng gượng lây lất qua ngày đoạn tháng, sinh hoạt hạn chế với mỗi một tay, một chân. Trại "biên chế" Tân vào đội "xi cà que"[2], với nhân số vài mươi người tù bịnh hoạn ốm đau đủ mọi chứng. Cuộc đời tù tội mà thêm căn bệnh là đau khổ gắp đôi, lại là một căn bệnh hạn chế sinh hoạt của mình nữa thì không biết gắp mấy lần. Thế nhưng, một chút tia sáng hy vọng nào đó cũng đủ làm cho những con người khốn cùng cao độ kia cố gắng vươn lên. Để đợi chờ một tia nắng ấm xuân quang nào đó của số phận đang chập chờn trước mắt...

Mùa xuân của cuộc đời đâu chưa thấy thì tiết xuân của đất trời đã lấp ló, khuấy động nhịp sống của trại tù. Đội này "tranh thủ" lấy củi để đun nấu ba ngày Tết, đội kia băng rừng lội suối đi nhặt lá dong gói bánh chưng, tổ nọ đi rừng chặt giang về chẻ lạc, còn cán bộ trại thì khua môi múa mép loan tin:"Tết này các anh sẽ có mười mấy món ăn", để kích thích bao tử người đói ăn và để động viên tù hăng say lao động trước khi ngưng tay trong những ngày đầu năm. Tất cả sinh hoạt dồn vào chuyện uống ăn vì quanh năm căn bản là uống thiếu và ăn đói. Trong cái rộn rịp bao quanh như vậy, Tân cứ bình thản sinh sống, chăm chú vào bệnh tật và sức khỏe của mình hơn là để cho thân phận trôi theo đà sống bên ngoài. Thế nhưng cây muốn yên mà gió chẳng đừng nên vào đúng mấy ngày Tết, chị Tân và cháu Nga lại ra thăm. Một người tù bán thân bất toại, đi đứng khó khăn lại được gia đình thăm nuôi thì trại phải "xử lý" như thế nào đây ? Chị Tân và cháu Nga vận động thế nào không ai biết mà trại đã đặc biệt chiếu cố thu xếp cho chuyện thăm nuôi có một không hai này trong sinh hoạt của Trại Ba Sao[3].

Nhà thăm nuôi của Trại Nam Hà nằm mãi đầu ngõ ra vào, cách khu giam tù cũng phải trên 500 thước, nếu không muốn nói là cả cây số. Cho nên trại "nhất trí" lấy một phòng của nhà "trực ban"[4], nằm trước và cách cổng khu giam tù chừng năm mười bước, tạm thời làm nơi thăm gặp cho Tân và gia đình. Trong thời gian ở thăm, gia đình nghỉ đêm ở khu thăm nuôi, sáng đến nhà trực ban gặp Tân, chiều tối trở ra khu thăm nuôi. Mỗi sáng, khi có lệnh của cán bộ trực ban, một bạn tù cõng Tân từ buồng giam ra nhà trực ban và đến chiều, khi hết giờ thăm gặp lại cõng vào. Khi đã có biện pháp đặc biệt rồi thì cái gì cũng ngoại lệ nên Tân được thăm ba ngày liên tiếp. Anh em tù rất vui sướng được giúp Tân trong chuyến thăm nuôi đó vì ngoài việc đưa Tân ra vào, người cõng còn được dịp chui thơ cho bạn bè. Một cơ hội rất tốt vì không bị cán bộ xét hỏi gì hết.

Sau này mới biết rằng qua chuyến thăm nuôi đó chị Tân và cháu Nga phải vận dụng khá nhiều "thủ tục đầu tiên" đối với khá nhiều đối tượng. Đi thăm người bạn đời dang dở và nuôi cha mà hai mẹ con đem cả dụng cụ và chất liệu làm bánh theo. Một ý định có dự tính. Ban ngày thăm gặp kẻ thương, người mến, tối về phòng trọ làm bánh để sáng ra ban phát cho các đối tượng, từ trại trưởng đến trực trại qua cán bộ nhà thăm nuôi và cán bộ dẫn dắt ra vào, để mua dễ dãi cho chuyện thăm gặp. Bần cố nông được dạy dỗ cung cách làm sang, từ đó về sau một vài cán bộ - có liên hệ trực tiếp với tù - thường có lời vòi vĩnh "nhờ" tù làm bánh sinh nhựt cho con, mà chẳng cung cấp chất liệu gì hết và hồi kết cũng chẳng biết nói tiếng cám ơn. Nên chi "cách mạng" nói là đúng:"Có Bác, chuyện gì mà chẳng xong".

Khi còn mạnh khỏe, Tân thường trêu ngươi cộng sản, nay còn nửa người Tân cũng chẳng buông tha. Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí, mấy năm sau, Tân lại một lần nữa gặp cơn tai biến mạch máu não để rồi nửa người còn lại cũng tiêu tan. Tân nằm một chỗ ở bệnh viện Phủ Lý trong khi có đợt tha tù ồ ạt ở Trại Ba Sao. Bạn bè hy vọng rằng lần này chắc Tân được trả về cho gia đình. Ấy thế mà không, buồn chưa, trong đợt ra trại kỳ đó lại chẳng thấy tên anh. Mãi lâu sau, tình trạng anh sa sút thậm tệ và chị Tân cũng vận dụng đến tận cùng khả năng, cộng sản mới chịu cho con hải âu xệ cánh "bay" đi, qua sự nâng niu của chị Tân và cháu Nga.

Về đến Sài Gòn, chị Tân dành cho anh một góc mái ấm ngày xưa, nơi mà anh đã rũ áo ra đi khi chăn gối chẳng thuận hòa, dưới sự săn sóc và chăm nom của các con. Ngang tàng một đấng nam nhi, đạp kình ngư, vượt biển cả, đứng ở đầu sóng ngọn gió sát phạt giặc thù, vậy mà giờ đây Tân chỉ còn là một tấm thân tàn xuôi liệt, tay chân có cũng như không, nằm yên một chổ, nói năng chẳng nên lời, phát biểu bằng dấu hiệu của mắt, của đầu, uống ăn phải đem kề bên miệng. Bạn bè ghé qua thăm hỏi, bốn mắt nhìn nhau thông cảm, thấu hiểu nhau qua những lời không nói ra, tâm tình uất nghẹn khi nghĩ đến ngày mai không muốn thấy. Lần hồi bầu bạn ra đi đoàn tụ, gia đình cũng chuẩn bị cho Tân trong chiều hướng đó nhưng kết quả lại bấp bênh. Ai rước làm gì một con người có cơ tăng thêm gánh nặng ? Tân liệu có còn đủ sức để chịu nổi một chuyến viễn hành ? Những câu hỏi không muốn có câu trả lời... Vì ngại ngùng với điều sắp đến mà đôi khi con người không muốn biết tương lai, chỉ bằng lòng với thực tế và thực tại, dù phải chấp nhận vô vàn đau thương !

* * *

Từ nơi nghìn trùng xa cách, bạn bè hay tin Tân đã vĩnh viễn ra đi sau lần cấp cứu thứ ba trong quá trình bệnh hoạn, giữa yêu thương và trìu mến của gia đình, nặng tình thương tiếc của bạn bè còn đó và trong lòng của một Sài Gòn đã đổi tên. Tân vĩnh biệt cuộc đời sau khi đã chịu đựng quá nhiều gò bó của thân xác và đã đè nén vô vàn ấm ức không được nói ra. Thế nhưng, bạn bè tin tưởng rằng Tân đã nhẹ bước phiêu diêu, thuận mây xuôi gió thẳng hướng lên cõi vĩnh hằng, đời đời yên nghỉ, linh hồn thanh thảng nơi chốn bao la.

Tân ơi !

Giờ đây, bạn đã nghìn trùng xa cách, trên đôi cánh hạc bay xa, phất phơ theo mây gió cõi trời, nhẹ nhàng cùng hương khói, tiêu diêu miền cực lạc, hài hòa luân vũ cùng thiên sứ muôn phương. Để mặc cho chúng tôi - những con người trần thế, còn nặng nợ áo cơm, rối ren tình đời, bon chen sinh sống, háo hức lợi danh hão, tranh đua từng lời nói chẳng ra đâu – mãi mê ngụp lặn trong cõi ba đào nhân thế tỵ nạn lưu vong. Bạn nghĩ mà xem :
Than ôi, kiếm đã rơi chân ngựa,
Thì có gì vui ở chốn này !

(Thơ T.T. Mây Trên Ngàn)

Tái ông thất mã, biết đâu bạn chẳng là người đã hưởng được diễm phúc trước chúng tôi.

Ở thời điểm buồn đau của niềm tủi nhục – vì đã có một thiên đàng mà không giữ được, để cho lũ quỷ lộng hành – chúng tôi kính cẩn dâng nén hương lòng xin bạn làm ánh sáng hải đăng, soi đường dẫn lối cho bạn bè còn lại đi đến mức cùng của một cuộc đời xứng đáng, không chút thị phi. Mong lắm thay !

Hương Huyền Minh
Allen (TX), cuối tháng Tư buồn, 29 năm sau.


[1] Bác sĩ của Sài Gòn trước kia.
[2] Biệt danh của đội những tù nhân bệnh hoạn, không đi lao động được.
[3] Tên gọi địa phương của Trại Nam Hà.
[4] Nơi cán bộ luân phiên nhau túc trực ngày đêm để canh chừng tù.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn