BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bên bờ vực thẳm

14 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 2991)
Bên bờ vực thẳm
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Con người sống chết có số mạng. Đa số mọi người thường hay nói vậy. Nhưng, qua trải nghiệm từ bản thân, tôi thấy rằng, số mạng cũng có lúc phải nhường tránh, thậm chí mỉm cười với ai đó khi họ có được những bàn tay và tấm lòng của tha nhân ra sức chận đứng số mạng.

“Ai đó” chính là tôi, người ghi lại đôi dòng hồi ức nầy về một kỷ niệm khó quên của mình trong những tháng năm dài tù ngục khổ sai. Còn “tha nhân,” đó chính là những người bạn cùng cảnh ngộ với người viết, những tù nhân “cải tạo” của Cộng Sản VN.

Bạn đọc, có ai có bao giờ từng trải qua trạng thái chông chênh, lơ lửng của thân xác mình giữa sự sống và sự chết? Tôi nghĩ, chắc cũng có người... Không biết rằng, bạn đọc may mắn đó “thấy sao” khi mình đang sắp chạm tay vào cánh cửa địa ngục, nhưng rồi, do số chưa tới - cứ cho là vậy - tử thần đột nhiên hạ thấp lưỡi hái, tháo lui, quay lưng lại với mình. Và rồi, sau khi trở về cõi sống từ cõi chết, bạn đọc nào đó có thấy đời sống là đẹp đẽ vô ngần, mà sinh mạng của từng con người cũng vậy: nó là một hiện hữu huyền diệu và quý báu không biết ngần nào!...

Nhưng chẳng hiểu sao, chắc do một tội lỗi gì đó khủng khiếp lắm của loài người gây ra với tạo hóa từ xa xưa của thời khai thiên lập địa, nên chi nhân loại ngày nay mới có sự lai sinh hiện diện, hoành hành của một thứ chủ nghĩa phi nhân, xem sinh mạng con người không hơn cầm thú, và hạnh phúc chung của đồng loại như rác rưởi, giẫm chân chà đạp mọi lúc mọi nơi! Mà có thứ chủ nghĩa nào lại không do chính con người sản sinh? Nhưng, với thứ chủ nghĩa vừa đề cập trên, rõ ràng chắc do một loại người thoái hóa nhân tính nào đó, tưởng tượng vẽ vời, khai sinh rồi dùng bạo lực tiến hành, áp đặt lên xã hội con người. Loại người đó, phải chăng chính là trực hệ của loài hắc tinh tinh ăn thịt người, sống trong rừng thẳm Amazon mà hiện nay, chính chúng cũng đã tuyệt chủng!...

Kỷ niệm mà, dù cho đến tận những ngày cuối đời, chắc chắn tôi vẫn không thể nào quên, đó là trong ngục tù Cộng Sản, đã có lần tôi từng lảo đảo bên thềm địa ngục, chênh vênh bên bờ vực thẳm; với hơi thở tuy vẫn còn thoi thóp trong buồng phổi, nhưng đã mơ hồ trong cơn đồng thiếp, cảm nhận được cái chết đang đến với thân xác mình từ từ...

Đó là một ngày cuối tháng 8, năm 1977. Đâu như vừa được chừng gần ba tháng kể từ khi tôi và hằng trăm anh em tù nhân của trại An dưỡng Suối Máu Biên Hòa, trong một đêm tăm tối, bị nhét lên những chiếc Molotova phũ bạt kín bưng, chở về Tân Cảng xa lộ; sau đó tiếp tục bị lùa lên tàu Sông Hương ở Tân Cảng, với hai đêm ba ngày, chuyển thẳng ra Bắc. Tại một ngõ ngách, bãi bến nào đó trên đất CS, đoàn tù phải rời tàu thủy để chuyển sang tàu lửa. Lại bị dồn đống trong những toa tàu dành chở súc vật nồng nặc mùi xú uế, tối tăm ngột ngạt, di chuyển lên mạn ngược. Đó là vùng rừng núi Yên Bái. Rời xe lửa, chưa tới đích, lại được áp tải qua phà để rồi, từng cặp tù nhân với tay trong tay vì bị còng, nương nhau trèo lên xe tải, vượt qua vài chục cây số đường dằn xóc, ngoằn ngoèo; cuối cùng, lọt vào một vùng chỉ toàn là đồi núi với những thung lũng nhỏ hẹp vì bị chia cắt manh mún, với khoảng không gian của bầu trời thu hẹp trên đầu vì bị rừng cây cùng các đồi trà nhấp nhô che khuất.

Nơi đoàn tù đến, địa danh Nghĩa lộ. Cư dân thưa thớt, sống lẫn lộn với người thiểu số. Họ chuyên sống bằng nghề làm rẫy và trồng trà cho các hợp tác xã. Tôi biết được điều nầy chỉ sau thời gian ngắn, do xuất trại đi lao động hằng ngày. Đoàn tù đông nên bị xẻ ra làm nhiều nhóm, được phân ra nhiều trại khác nhau thuộc quần thể Liên Trại 3. Tôi cùng khoảng gần hai trăm anh em được bố trí ở Trại 3. Trại khá nhỏ, nằm gọn trong một thung lũng hẹp có thế đất chông chênh. Trại gồm bốn dãy lán dựng thành hình chữ U. Bởi dãy thứ tư nằm rời ra, bên kia một con suối hẹp, cách khoảng chừng năm mươi mét. Tất cả đều là vách đất với cốt sườn bên trong là phên nứa đan. Nóc lán và các dãy giường nằm của tù, toàn bộ đều bằng vật liệu cây nứa, cây giang chẻ ra, đập giập rồi đan kết lại. Chứng tỏ ở địa danh nầy, cây giang cây nứa ắt phải bạt ngàn. Tất nhiên, tất cả các lán tù nầy đều do tù nhân tự xây dựng để nhốt mình theo lệnh trưởng trại và bọn cai tù. Đoàn tù chúng tôi “may mắn” vì khi tới đã có sẵn chỗ ở.



Buổi chiều tối đó, sau khi được cán bộ trại chia đội rồi hướng dẫn đi nhận lán, lúc bước vào, tôi phát hiện có nhiều dấu vết để lại trên các sạp giường, chứng tỏ có các đội tù nào đó đã ở từ trước. Sau đó, được biết, trại tôi đến đã nhốt các niên trưởng từ cấp thiếu tá trở lên. Họ vừa được chuyển đi vài ngày trước. Nhưng đi đâu thì chẳng thế nào biết được! Sau khi được nghỉ trọn một ngày không lao động là ngày hôm sau để ổn định chỗ ở; đồng thời để các cán bộ quản giáo xuống nhận đội mình phụ trách song song với việc ban bố nội qui của trại, lịch trình giờ giấc lao động hằng ngày cùng vài ba vấn đề sinh hoạt linh tinh khác, các đội tù mới của trại bắt đầu bước vào những ngày “lao động vinh quang” trên đất Bắc.

Vì còn trong sự quản chế của đám bộ đội áo xanh nên việc đi lao động ngoài trại khá là thoải mái. Chỉ tiêu giao cho toàn đội hay từng cá nhân tù cũng chỉ vừa phải. Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu nầy, tù nhân trên đất Bắc lại phải chịu nhiều vất vả, hao mòn sức lực, trực diện với nhiều hiểm nguy hơn là ở các trại tù trong Nam. Có hai lý do chính: đó là khí hậu thời tiết khắc nghiệt cùng địa hình, phong thổ hiểm hóc lẫn độc địa của hầu hết nơi đây.

Chỉ mới vào tháng 6, tuy vừa trải qua một hành trình dài từ Nam ra với bao nỗi nhọc nhằn lẫn âu lo, nhưng trong đêm đầu tiên đáo trại, không mấy anh em tù ngủ được thẳng giấc. Một phần vì chưa quen “nhà mới,” một phần vì nằm trên sạp giang nứa kết đan, mà hễ người nằm cạnh bên trăn trở cục cựa là ảnh hưởng lập tức đến mình bởi âm thanh cọt kẹt nghe rất khó chịu. Đó là chưa kể các “đặc công” rận rệp, vốn chuyên đột kích đêm, chúng xa luân chiến tấn công, làm tình làm tội thân xác tù. Mà cái lũ rệp khốn nạn trên đất Bắc nầy, dường như chúng đói và cắn đau hơn rận rệp trong Nam!?... Đã vậy, lại còn có thêm giống chim quái quỷ gì chẳng biết, từng chặp từng chặp đâu đó, kêu vang thảng thốt cứ như bên tai bốn tiếng mà thanh bị nhái lại là “khó-khăn-khắc-phục! khó-khăn-khắc phục!”

Nhưng đáng ngại hơn hết, tù cải tạo bị đày ra Bắc sợ hơn cả, chính là khí hậu thời tiết ở đây. Miền Bắc, khí hậu trung bình vốn đã lạnh lẽo hơn trong Nam, nên ở các vùng thâm sơn cùng cốc, càng khốc liệt hơn. Thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc cùng với chế đô lao động khổ sai hành xác ngày này qua tháng nọ; khi bệnh tật lại thiếu thuốc men và sự chăm sóc; thêm vào thời tiết khắc nghiệt hành hạ, đã có biết bao nhiêu anh em tù cải tạo gục ngã, bỏ vợ bỏ con, bỏ thân nhân gia đình bè bạn, vĩnh viễn gởi nắm xương tàn ở một xó xỉnh nào đó quanh các trại tập trung do Bắc Cộng dựng nên. Chắc chắn, không có một chiến hữu nào trong thời gian đi tù mà không từng chứng kiến, ít nhất đôi ba lần, những anh em bạn đồng tù với mình, đã “ra đi” trong tình cảnh như vậy!

...Sau một hai tuần các đội hay tổ xuất trại lao động có một, hai tay vệ binh bộ đội vác AK kè kè đi theo rồi ngồi canh chừng ở một góc nào đó, những tuần kế tiếp các “trại viên” (sic!) được thoải mái bung ra thực hiện chỉ tiêu một mình. Các chỉ tiêu trại tôi lúc đó, thông thường là đi chặt giang nứa, đốn cây cung cấp cho như cầu của trại như xây dựng hay bán cho các nhà máy sản xuất giấy ở miền xuôi. Xen lẫn là những ngày đi cắt măng giang, măng le hay hái nấm rừng tăng cường cho bếp trại. Cũng có lúc đi dọn đồi sau mùa vụ thu hoạch khoai mì hay bắp ngô để chuẩn bị gieo, trồng mùa mới... Và rồi, trong lần đi lao động một mình đầu tiên ấy, đã để lại trong tôi một kỷ niệm, một kinh nghiệm cũng thuộc vào mức độ đáng nhớ, đáng rút tỉa khắc ghi.

Đó là một buổi sáng như mọi buổi sáng. Ốm đói. Lạnh. U sầu. Đội tôi được phân đi chặt cây để lấy gỗ làm cột dựng thêm một gian nhà mới dùng làm nhà hội họp, qui mô nhỏ thôi, nằm dọc theo con suối cạn trước ba dãy lán chữ U. Tôi cùng các anh em ra khỏi cổng trại với mỗi người duy nhất một ngọn dao quắm trong tay. Loại dao có bản rộng chừng 4cm, rất sắc, mũi dao khoằm lại để người sử dụng vừa chặt vừa có thể giật lui cắt đứt các loại dây leo, thân cây nhỏ; rất tiện lợi khi phát quang bụi rậm chằng chịt.

Ra khỏi trại, mạnh ai nấy bươn đi săn tìm cây để chặt. Xong sớm, kéo cây về sớm là được nghỉ cả ngày. Chỉ tiêu mỗi người chỉ một. Cỡ cây dài từ khoảng bốn đến năm mét, đường kính chừng hai tấc, hai tấc rưỡi là được. Tôi thoát đi một cách xăn xái.

Khoảng gần hai giờ đồng hồ sau, sau khi vượt qua hai ngọn đồi, tôi phát hiện được một “đối tượng” rất ưng ý. Cây mọc thẳng trên thế đất nghiêng nghiêng gần đỉnh đồi. Toàn bộ phần gốc cây hướng lên chừng một mét, bị bao phủ rậm rạp bởi các loại cây hoang dã với các dây mây rừng đan nhau chằng chịt. Tôi quan sát thấy rằng không thể nào phát quang sạch bụi rậm trước khi lấy được chỗ đứng để hạ cây từ gốc. Vả lại, nếu làm được cũng đổ ra quá nhiều sức lực lẫn phí phạm thời giờ.

Tôi thử trèo bước lên đám bụi rậm, đứng hẳn trên mấy lớp dây leo. May quá, chúng giữ được tôi, không gãy đổ làm tôi ngã xuống. Với vị thế nầy, bàn tay trái ốp vào thân cây, tay phải cầm dao, tôi chặt những nhát dao đầu tiên mở má cây. Thân cây không quá cứng nên những nhát dao chặt xéo của tôi đã mở rộng má cây rất nhanh. Tuy trong mỗi nhát dao chặt, do phải trụ thế đứng cho vững nên dàn bụi rậm dưới chân tôi rung rinh từng hồi, có lúc làm tôi muốn ngã bổ nhào. Theo ước tính, cây sẽ ngã nằm trên dốc đồi ngược hướng dao chặt của tôi. Tôi tính đúng. Nhưng có một điều tôi không tiên liệu, lường được trước. Và sự thiếu kinh nghiệm nầy, nếu số mạng khép lại, thì tôi đã giập nát thịt xương trên đồi Nghĩa lộ Yên Bái năm đó; đâu có ngày ngồi viết “Bên bờ vực thẳm” nầy!

Tôi tiếp tục chặt liền tay vào thân cây giờ đã khuyết vào quá nửa. Những mảnh vụn cây, sau mỗi nhát dao chặt, văng bắn tung tóe lên người tôi lẫn giàn bụi rậm dưới chân. Bỗng, sau một nhát dao bất chợt, tôi nghe toàn thân cây dường như chuyển động và nghiêng nghiêng về phía mặt đồi với những tiếng rắc rắc phát ra từ vị trí bị chặt. Cây sắp bị thanh toán. Dù mệt ứ hơi nhưng tay tôi vẫn cố vung lia lưỡi dao giáng xuống những nhát quyết định. Chẳng dè chỉ mới bồi thêm đến nhát thứ ba, trong một phần mười giây, một tiếng rắc vang lên thật kinh hoàng, toàn thân cây đổ ụp xuống mặt đồi, đè rạp toàn bộ khoảng bụi rậm dưới chân tôi. Tôi không kịp có một phản ứng nào, cả người ngã ngửa xuống khoảng bụi rậm gần như cùng lúc với thân cây đổ. May thay tôi ngã ra, toàn thân chỏng gọng sát bên thân cây. Chỉ cần lệch nghiêng sang phải một chút, xác tôi không biết có còn lành lặn hay không để bạn tù dễ... khiêng đi chôn!

Hồn vía lên mây. Phải hơn mấy phút tôi mới định thần được phần hồn. Nằm im nhìn lên trời cao, thấy và biết mây trắng đang bay bay. Tôi hiểu mình còn sống. Tự rờ rẫm quanh mình, thấy chẳng sao. Chỉ một bên gò má bị cành bụi rậm quẹt và một bàn chân trần cũng vậy, nên có rát rát vì rướm máu. Tôi chồm dậy quờ quạng tìm con dao bị vuột khỏi tay, rơi khuất trong đám bụi rậm. Tôi tìm được ngay sau ít phút cùng với đôi dép vỏ xe, không hiểu đã vuột khỏi hai bàn chân tôi lúc nào.

Ngồi nghỉ lại trên đồi một lúc, tôi thầm tạ ơn Trời Phật đã che chở mình. Sau đó ra sức tỉa chặt hết cành nhánh của cây mình vừa đốn trước khi dùng những sợi dây mây buộc chặt một đầu cây để vừa lôi kéo, kết hợp với đẩy, kể cả vác, vượt ngược lại hai ngọn đồi trên đường về trại nộp chỉ tiêu...

Nhưng, kỷ niệm trên của tôi, chỉ là chuyện “bên đồi ngã ngửa,” té chỏng gọng. Đây là chuyện phụ. Chuyện chính, thực sự mới là ”Bên bờ vực thẳm,” đầu đuôi thế nầy:

Đó là một ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng 8 năm 77, cận kề ngày lễ lớn của Bắc Cộng, chắc bạn đọc đều rõ. Lệnh từ trực trại xuống: Láng trực cử cho bốn người đi khênh heo về trại để ngã thịt liên hoan, ăn tươi toàn trại. Nghe chẳng vui vẻ gì chuyện chào mừng lễ lớn. Nhưng được “ăn tươi,” có tù cải tạo nào chê? Riêng phần tôi thì hoải cả người! Lý do: trong khi tất cả anh em tù được nghỉ ngơi lấy sức ngày Chủ Nhật sau một tuần lao động cật lực thì tôi và ba anh bạn cùng tổ “trúng tuyển”... đi khiêng heo! Bởi trúng ngày hôm đó, láng tôi trực, đội tôi trực, tổ tôi trực; còn tôi và ba bạn khác, theo thứ tự chỗ nằm trong láng, bị ưu tiên chỉ định. Thật rủi tận cùng!

Vậy là nhóm khiêng heo gồm bốn tù, có hai bộ đội trang bị súng ống dẫn đường. Vật dụng mang theo ngoài nước uống cá nhân và khúc khoai mì luộc ăn sáng, là hai thanh đòn cây giang dài độ non ba thước dùng khiêng heo. Hai tay bộ đội dắt chúng tôi khuyến cáo: “Các anh tìm ngay ít vải để buộc vào đòn khênh cho êm vai. Xa lắm cơ đấy!” Chúng tôi vội vã quơ quào tư trang lấy ngay vật cần thiết. Vậy mà, bả vai phải của tôi, sau ngày hoàn thành nhiệm vụ, là một mảng vai bị giập bầm tím như hai mảnh thịt bò tái, tuôn cả máu. Phải mất nhiều tháng sau mới thật sự kéo da non để lành. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, vẫn chưa phải là tai nạn của nhóm, của tôi!

Nhóm khiêng heo, gồm Nguyễn Văn Châu, thiếu tá Pháo Binh, Đặng Xuân Hòa, xã trưởng, Hạnh rỗ và tôi, rời trại lên đường thật hăng hái khi được quản giáo chờ ở cổng với lời hứa động viên: ”Xong việc, mổ lợn thịt, các anh sẽ được thưởng hai quả tim!” Quản giáo không hứa cuội. Nhưng, hai trái tim heo sau khi mổ lấy ra, đã được quăng xuống hồ nuôi cá của trại cùng toàn bộ đồ lòng. Không phải cán bộ trại “xài sang,” chê hay không biết thưởng thức lòng heo. Mà là tại vì...

...Chúng tôi men theo con đường đất uốn lượn qua các ngọn đồi, khi lên, lúc xuống. Có quãng một bên là vách đứng của một hai ngọn núi nhỏ, một bên là vực trũng, bụi rậm cây cỏ um tùm. Tên bộ đội đi phía trước chúng tôi có lúc ngoái cổ lại nói: “Các anh đi khẩn trương, khoảng hai giờ đường là tới. Thêm ba giờ lượt về. Đứng bóng là có mặt ở trại đấy!” Chúng tôi nghe vậy cũng lấy làm phấn khởi. Vừa đi vừa chuyện trò rôm rả. Quả thật. Khoảng hai giờ đường thì chúng tôi nhìn thấy có một khóm nhà trước mặt. Tên bộ đội đi trước băng lên nhanh hơn. Ý hẳn là anh ta muốn tiếp xúc trước cho sớm sủa. Tới khóm nhà, tên bộ đội đi sau lệnh cho chúng tôi đứng lại bên đường chờ tên kia liên hệ chủ heo ra. Chẳng lâu lắc gì. Tên đi trước từ một căn nhà lủi thủi đi ra, mặt hắn tiu nghỉu. “Thế nà thế lào?!.” Bọn tôi chưng hửng khi nghe hắn càu nhàu rõ to cho đồng chí hắn nghe: “Chả có con nào. Chỉ có một nái và mươi heo con thôi!”...

Bọn tôi nghe lóm lõm bõm, biết ngay sự tình; đồng thời, hiểu ngay, chuyện đi mua bắt heo nầy trại hoàn toàn không có liên lạc trước với gia chủ. Tìm chỗ thương lượng mua và mua được hay không, chỉ là chuyện hú họa! Sau ít phút lần khân, hai tên bộ đội hội ý nhỏ to. Cuối cùng chúng phất tay bảo anh em tôi tiếp tục đi. Một anh trong bọn tôi mạnh dạn lên tiếng: “Tìm chỗ khác hả cán bộ, có xa không?” Hắn trả lời: “Cứ đi. Xa cũng phải đi!”

Rời căn nhà đầu tiên không có heo đúng tiêu chuẩn, chúng tôi lếch thếch đi theo hai tên bộ đội, mất hết nhuệ khí ban đầu, lòng cũng không còn tin tưởng mấy chuyến đi sẽ được việc. Đi thêm khoảng một giờ, bỗng tên bộ đội dẫn đường dừng lại, giọng nghiêm trọng như ra lệnh: “Chúng ta sẽ theo đường mòn, băng rừng ở đây. Các anh bám sát nhau hàng một. Cẩn thận, dễ trượt ngã xuống khe hay nạc nối đấy!” Nói xong hắn bươn bả rẽ lối đi vào vạc rừng bằng lối mòn chỉ vừa đủ một người đi với hai bên rậm rạp cây cối, nhưng không có cây nào cao quá bốn năm thước. Ngoái lui, bọn tôi thấy tên bộ đội đi sau bộ mặt khá bình thản. Dường như đã quá quen thuộc địa hình, hắn khoát tay: “Đi đi lào!”...

Càng đi sâu vào lối mòn, không khí càng âm u, ánh sáng càng thiếu dần. Bầu trời trên đầu chúng tôi chỉ thấy được loáng thoáng qua các tán lá, nhánh cây. Hơn nữa, lúc đó đã giữa mùa thu, khung trời đầy mây xám giăng mắc. Không thấy mặt trời đâu. Cả bọn chúng tôi im lặng, không nói gì với nhau nữa. Đã cảm thấy mỏi chân mà chẳng thấy tới đâu là đâu. Dễ gì cũng đã gần giữa trưa rồi. Tôi thầm đoán già đoán non. Lòng thì thầm cầu mong, địa điểm sắp tới, vái sao cho không có heo để được về... tay không, cho khỏe!

Trên đường theo lối mòn, có hai lần chúng tôi phải vượt qua hai khe suối cạn, sâu chưa đầy ba thước, trơ những tảng đá to nhỏ lởm chởm sắc cạnh. Bề rộng của suối ngó chưa đầy bốn thước ngang, có một thân cây tròn cỡ một vòng tay ôm, ẩm móc vỏ tróc xù xì, bắc ngang làm cầu. Thấy chúng tôi ngần ngừ, một tên bộ đội ra lệnh, chỉ cách: “Từng hai anh một qua. Lột dép cầm tay trái. Tay phải mỗi anh cầm chặt một đầu đòn giang. Bước từng bước ngắn. Nhìn bàn chân, không đảo mắt xuống suối. Nghe chưa!” Chúng tôi tuy có hồi hộp. Nhưng theo cách hướng dẫn của tên bộ đội, cả nhóm qua cầu an toàn.

Lại đi và đi. Có lúc trên lối mòn, một bên là hàng hàng nhánh cây rừng de quẹt cả vào mặt mũi chúng tôi, còn một bên là hố vực sâu hoắm, nhìn phát chóng mặt. Chúng tôi đi như thể tìm đường xuống địa ngục. Ngó hai tên bộ đội, thấy chúng cũng có vẻ mệt và bồn chồn. Không biết là đã vượt qua mấy cây số đường mòn băng rừng rồi, cả bọn đang vừa đói vừa chột dạ, bỗng nghe tên đi đầu ngoái cổ nói: “Sắp đến rồi!” Chúng tôi định thần nhìn xa về hướng trước mặt. Thấp thoáng có hai ba căn nhà cất áp lưng vào một dãy, không biết là núi hay đồi, nhưng rất nhiều cây cối um tùm bao phủ phía sau, có cả cây giang cây nứa. Tên bộ đội dẫn đầu rảo bước, bỏ lại chúng tôi khá xa.

Khi chúng tôi tới nơi cũng là lúc hắn bước ra từ trong nhà với một gã đàn ông, ắt hẳn là chủ nhà. “Có đủ nợn yêu cầu rồi, đồng chí.” Hắn nói với đồng bọn.

Chúng tôi ngó thấy bên hông nhà có một chuồng heo, bên trong bốn con. Ước lượng mỗi con chừng năm, sáu chục ký là cùng. Có heo nhưng cả bọn tôi đều cảm thấy... rầu!

Chủ nhà và một tên bộ đội phụ cột chân heo, cân đong đàng hoàng, thủ tục giấy má hí hoáy viết gì đó chúng tôi không để ý vì bận lo “tranh thủ” gặm vội khúc sắn luộc, khẩu phần mang theo, để lấy sức trở về.

Tôi không biết dây cột chân heo là dây gì nhưng tôi nhớ có hỏi gặng tên bộ đội: “Đủ chắc, không sút hả cán bộ?” “Anh khéo no. Thôi nên đường. Muộn nắm rồi!” Hắn quát.

Không biết lúc khởi hành quay về là mấy giờ, cũng bởi suốt thời gian cải tạo tù chỉ quen sinh hoạt theo tiếng kẻng hay tiếng còi, không còn ý niệm giờ giấc theo đồng hồ nữa. Nhưng muộn, cả bọn đều chắc là muộn lắm rồi! Vì thấy trời đột nhiên tối sẫm lại. Nhất là còn phải vượt lại chặng đường rừng gai góc với khe sâu vực thẳm đón chờ cùng với con heo nặng trĩu qua đòn khiêng trên vai. Còn nhọc nhằn nào hơn sánh với đời tù cải tạo!

Lần đầu tiên khiêng heo trong đời, tôi cảm thấy hết sức khó chịu. Nhứt là theo mỗi bước chân, chú heo cứ kêu eng éc liên hồi, dục dặc đong đưa thân hình khiến cây đòn, dù đã có quấn lớp vải, vẫn miết vào bả vai tôi từng lúc, ê ẩm đau. Khoảng một giờ đầu, lâu lâu cán bộ mới cho lệnh chúng tôi dừng chân nghỉ chốc lát. Lúc sắp đến khoảng khe suối có thân cây bắc cầu, đột nhiên không khí chuyển động mạnh với nhiều gió làm cây rừng run rẩy lao xao. Nghe dường như có cả hơi nước trong không gian nữa, đồng thời, vòm trời nhỏ hẹp trên đầu chúng tôi tối sầm lại. “Mẹ kiếp! Mưa đến lơi rồi!” Tên bộ đội dẫn đường chửi trỏng. Không lâu sau, đã có những giọt nước xuyên qua cây lá rơi xuống chúng tôi. Rồi, mưa rào rào. Thật khốn khổ cho chúng tôi. Khi đi, chẳng có ai mang theo bất cứ thứ gì để che mưa. Cả hai tên bộ đội cũng vậy. Vô phương tìm chỗ trú mưa. Đã vậy, tên bộ đội kèm sau đít cứ luôn mồm thúc chúng tôi: “Khẩn trương! Khẩn trương nên, lào!” Nhưng khẩn trương gì nỗi! Chúng tôi đều cảm thấy đuối. Bước đi đã xiệu xạo vì mệt và lạnh với gió mưa rừng liên tục quật, trút xuống chúng tôi.

Lúc tới bờ khe suối, cả đám hạ mạnh đòn heo để thở. Chẳng cặp nào dám qua. Hai tay bộ đội cũng biết vậy. Chúng bảo hãy tranh thủ nghỉ và dặn dò chúng tôi thật kỹ. Ắt hẳn là sợ xảy ra tai nạn cho chúng tôi thì chúng cũng phần nào lãnh trách nhiệm. Chúng dặn: luồn hết các quay dép vào đòn khiêng, hai bàn tay cùng giữ chặt thân đòn, nhìn chân, bước thật ngắn cùng với ghìm các ngón chân xuống thân cầu... “Nếu nhỡ, một trong hai anh trượt sẩy, anh còn lại phải buông đòn ngay; giữ mạng các anh đấy! Không phải giữ con nợn!” Lời tên bộ đội nghe rõ là nhân đạo. Nhưng ở vào hoàn cảnh chúng tôi, qua khe suối, lỡ trượt chân thì quăng luôn đòn với heo là cái chắc! Làm thế nào để giữ được heo? Khỏi cần căn dặn.

Chúng tôi lần lượt gánh heo qua cầu khe suối. Cầu nguyện qua. Nín thở bước. Dù rét buốt, vẫn bị vả mồ hôi để phải đi qua cây cầu gỗ tử thần trong mưa. Bởi không còn cách nào khác. Ơn trời! Chúng tôi đều vượt cầu an toàn. Không bảo nhau, chúng tôi cùng quăng đòn với heo khỏi vai, rõ là mạnh xuống đất. Không biết ba bạn kia như thế nào. Riêng tôi, qua hai lần vượt cầu như vậy, tôi trào nước mắt. Mừng cũng có. Cảm nhận niềm khổ đau tột cùng, cũng có.

Mưa bắt đầu nhẹ hạt, chỉ còn lất phất. Vai phải tôi buốt nhói từng cơn dù suốt thời gian gánh, tôi cũng đã đổi đòn liên tục sang vai trái. Nhưng có lẽ do vai phải nhận gánh đòn lâu hơn. Trời chạng vạng khi chúng tôi qua khỏi khe suối thứ hai. Và chắc chắn, trong nháy mắt sẽ tối hẳn vì là chốn núi rừng. Tôi đuối lắm. Ba bạn tù của tôi cũng không hơn gì. Bố già Xã Trưởng Hòa, thấp người nên chung đòn gánh với tôi, dồn dập buông đòn tự động nghỉ, không cần xin cán bộ nữa, vì chịu không nỗi. Mỗi lần như vậy, cả toán phải dừng lại. Hai tên cán bộ không còn giục chúng tôi nữa. Bởi chúng hiểu, bọn tôi đã quá đuối. Nếu ép đi liên tục, chỉ cần một trong bốn chúng tôi mệt xỉu, thì còn tai hại hơn.

Cứ tiếp tục di hành với ngắt quãng nghỉ nhiều hơn. Từ vài trăm mét xuống còn chừng non trăm mét. Như toán âm binh lầm lũi trong rừng, cuối cùng rồi chúng tôi cũng ra tới được lộ đất, đường chính về trại. Tôi không thể nào diễn tả được nỗi mừng vui của tôi và cả nhóm lúc đó. Không nói không rằng, chúng tôi cùng quăng đòn và heo sang bên, nằm sải lai trên con lộ đất nhớp nhúa còn đọng nước mưa. Bất kể dơ dáy, bẩn thỉu. Cùi rồi, chẳng còn sợ chi lỡ! Trong khi đó, hai tay bộ đội cũng ngồi bệt xuống đất, chẳng buồn thúc giục chúng tôi. Có một điều, sau nầy khi hồi tưởng lại, tôi nhớ rất rõ. Nhiệm vụ tất cả là đi mua heo và khiêng heo về trại để ngã thịt mừng lễ. Nhưng kể từ lúc cơn mưa rừng đổ xuống bất chợt khiến tất cả như chuột lủi, không có ai trong chúng tôi, kể cả hai tay bộ đội, còn ngó ngàng gì đến cặp heo nữa, tuy vẫn phải mang chúng về trại.

...Đang trong cơn mê mệt không còn biết gì trời trăng, chúng tôi bổng nghe có tiếng người vang rân cùng với nhiều ánh đèn pin từ xa chấp chới rọi trên đường. Nhận biết ngay người từ trại đi cứu viện, hai tay bộ đội vội vã đứng dậy hô lớn: “Chúng tôi đây! Chúng tôi đây! Nợn về tới rồi các đồng chí!”

Mấy anh em tù cũng đồng loạt lồm cồm bò dậy. Chỉ một loáng, những người rọi đèn pin, đúng là các bộ đội từ trại ra, đi tới. Chúng nói chuyện với nhau ồn ào. Cũng không giấu niềm vui trong âm giọng. Cũng chẳng sợ gì bọn tù nghe thấy. Đại ý câu chuyện là, toàn trại chờ toán đi mua lợn, trời tối mà vẫn chưa thấy về. Nghĩ chắc chắn là có “sự cố” nghiêm trọng, hoặc tai nạn dọc đường xảy ra cho đám cải tạo; hoặc mãi đi lùng lợn trong các hộ ở sâu trong các vạc rừng rồi lạc lối; hoặc ẩn trú chờ mưa dứt đâu đó... Tuyệt nhiên, không có lời bàn nào, nghi rằng bọn khênh heo chúng tôi đã cướp súng, giết cán bộ rồi đào tẩu!...

...Toàn bộ chúng tôi về đến trại khoảng gần chín giờ đêm. Bỏ heo xuống tại bếp trại xong, bốn anh em lả cả người, được cán bộ dắt về lán, lầm lũi lếch thếch. Toàn lán không ai ngủ, xúm lại hỏi han chúng tôi. Cả nhóm được nhà bếp bồi dưỡng mỗi người một bát cháo bắp trộn đường. Đang húp sộp soạt bát cháo thì có tin bếp trại báo xuống là, phần thưởng hai trái tim lợn cho bốn chúng tôi bị cắt! Lý do: toàn bộ đồ lòng hai con lợn, do dậy mùi quá thối (?) nên đã được dành cho hồ cá! Bởi, hai con lợn đã... cứng đơ, chết ngắc hồi nào không biết giữa đường về! Cả bọn chỉ biết nghe vậy. Tạm hài lòng với bát cháo bắp. Có còn hơn không!

Xong bát cháo, tạm khỏe, tôi mới cảm thấy cả người ngứa ngáy tợn vì bùn sình. Đồng thời, cơn đau buốt của vai phải dậy lên từng cơn. Cả lán đã buông mùng, kể cả mấy tay cùng chuyến đi với tôi. Tôi không biết nhờ ai để tìm thuốc xức hay băng vết thương. Tôi lò mò ra chiếc giếng lạn, ngay phía sau lán. Giếng sâu chưa đến ba thước, còn nước luôn không nhiều, chỉ lấp xấp cao hơn đáy chừng một tấc, lợn cợn đất cát. Chiếc gào là một lon sữa bò rỉ sét, dây cột là dây rừng. Tôi kiên nhẫn kéo từng lon nước dội lên những chỗ bùn đất trên người. Tấm truồng, tất nhiên. Có lúc người tôi rợn lên vì lạnh. Còn bả vai, chỗ bị thương thì rát bỏng. Tôi đã phải trả một cái giá rất đắt cho sự sạch sẽ hơn bạn bè của mình!

Tôi thiếp nhanh trong giấc ngủ vì sự mệt mề, bải hoải của toàn thân. Nửa đêm về sáng, tôi choàng thức giấc vì sự bứt rứt của toàn châu thân. Người tôi hâm hấp nóng. Hai mắt cảm thấy đổ hào quang. Bụng buồn tiểu. Lúc bước chân xuống đất, rời sạp giường đứng dậy, tôi lảo đảo muốn ngã. Cố gắng gượng vịn mép sạp, tôi lần được ra tới phía đầu hồi của lán, và không sao đi nỗi tới mép bờ suối. Tôi “làm xấu” ngay chỗ đó. Ngó lên bầu trời âm u, tôi thấy ẩn hiện sau những làn mây sẫm đục, một vầng trăng lưỡi liềm đỏ rực khi ẩn, khi hiện. Sao tôi chỉ thấy một màu đỏ rực? Cùng lúc, đầu tôi như có nhát búa nào vô hình gõ nhịp từng chặp, từng chặp, đau thấu trời xanh... Trời ạ! Sao lại là búa với liềm theo tôi đến tận lán tù trên đất Bắc nầy! Có phải nó cùng đến với hết thảy bạn tù của tôi mọi nơi, mọi lúc không, dù chỉ là biểu tượng thôi, để gieo rắc tai họa, chết chóc...?

Tôi mò về chỗ nằm, vật vã mông muội trong cơn đồng thiếp bã người... Trong cơn mê sảng nhuốm bệnh, có lúc tôi thấy lại toàn cảnh tượng ngày qua, tôi và các bạn tù khiêng lợn trong mưa... Và tôi đã trượt chân ngã xuống một vực thẳm sâu hun hút trong cơn mơ thảng thốt đó...

Sau nầy, khi trở về được từ chênh vênh trên cõi chết, tôi được biết mình đã bị cảm thương hàn cấp độ nặng ngay sau ngày đi khiêng heo gian nan, khốc liệt đó!

Nhưng, vì sao và nhờ những bàn tay của ai mà tôi được kéo lên từ lưng chừng vực thẳm, đó là đề tài của một hồi ức khác. Tôi xin phép khất lại cùng bạn đọc.

(Phoenix, Arizona, 19 tháng 6, 2009)

Hồ Hoàng Hạ
Ý kiến bạn đọc
08 Tháng Mười Một 20158:00 SA
Khách
Bài viết của Hồ Hoàng Hạ với Bên Bờ Vực Thẳm , Đã kể lại những nỗi đau trong những ngày tù cs , tưởng chừng như chúng ta đã phôi pha theo năm tháng , nhưng không, anh đã vạch trần bộ mặt thật sát nhân của loài súc vật đội lốt người , chúng trả thù anh em trong QLVNCH , dã man và hèn hạ , cho đến hôm nay 90 triệu dân đang sống " Bên Bờ Vực Thẳm " Cám ơn Hồ Hoàng Hạ và Hưng Việt .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn