BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73346)
(Xem: 62243)
(Xem: 39428)
(Xem: 31175)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Có Những Kỷ Niệm Không Bao Giờ Quên

11 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1325)
Có Những Kỷ Niệm Không Bao Giờ Quên
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

(Hồi ký của người tù mang số CT-1418)


Trong dân gian miền Trung, khi bàn đến những vùng rừng thiêng nước độc, thường có câu: cọp Bình Điền, nước Khe Điên.


Bình Điền là tên gọi vùng rừng núi hiểm trở cách thành phố Huế khoảng bốn mươi cây số về phía Tây.

Bình Điền không có nhiều khe suối, chỉ có duy nhất một khe nước dẫn nước thoát ra thượng nguồn sông Hương. Khe nước đó được mang một cái tên khá rùng rợn: Khe Điên!

Rừng Bình Điền có nhiều gỗ quý, lắm thú rừng, đặc biệt là Cọp! Cọp Bình Điền nhiều và rất dữ, là nỗi hãi hùng của dân là m rừng. Họ có thể là những đoàn người chuyên khai thác gỗ quý, có thể là các nhóm "ngậm Ngải tìm Trầm", và cũng có thể là những tay thợ săn gan dạ... Cọp là mối đe dọa thường xuyên đối với họ, nhưng miếng cơm manh áo là những thúc đẩy không ngừng khiến bước chân họ cà ng liều lĩnh hơn.

Khe Điên là niềm nhức nhối đeo đẳng suốt cả một đời người! Ở trong rừng lâu ngày buộc phải dùng nước Khe Điên. Mặc dù được nấu chín, chất độc vẫn còn. Những cơn sốt do phong thủy Bình Điền gây nên khiến người bệnh nói mê sảng như người điên! Và cơn sốt rừng nầy cứ tái diễn sau vài ngày một lần, không thuốc thang nào có thể chữa trị, làm hao mòn thân xác của người dân lao động cho đến ngày ngã qụy một kiếp người! Đó là Bình Điền của thập niên 60 trở về trước: Bình Điền thâm u và bí hiểm!

Khi chiến tranh bùng nổ lớn, Bình Điền thay đổi hẳn bộ mặt. Rừng trơ trụi lá, cây đổ ngả nghiêng, tiếng Hổ gầm không còn nữa... Thuốc khai quang và bom đạn đã tàn phá cây rừng, xua đuổi và tiêu diệt thú rừng không một xót xa thương tiếc. Bình Điền lúc nầy xuất hiện nhiều căn cứ quân sự, tiếng xe tăng, đại pháo gầm rú huyên náo cả một góc Trời. Ban đêm rừng núi Bình Điền được hỏa châu soi sáng như để phơi bày thêm một lần nữa vóc dáng tàn tạ của khu rừng già nhiệt đới. Đó là Bình Điền của những ngày tháng trước năm 1975: Bình Điền tang thương và máu lửa!

Sau năm 1975, Bình Điền tất bật với những sinh hoạt mới. Nhiều nhóm người lũ lượt vào rừng, làm củi đốt than, nhổ cọc sắt và tháo dây kẽm gai... Mìn và lựu đạn còn sót lại sau chiến tranh đã gây đau thương cho số dân nghèo nầy không ít. Tại đây, dọc theo bờ Khe Điên nhiều lán trại đã được dựng lên khá quy mô, có hà ng rà o kẽm gai vây kín. Đó là khu trại cải tạo bình điền, nơi đây đã giam giữ tập trung hà ng ngà n sĩ quan và viên chức chính quyền của chế độ miền Nam, mà Việt Cộng gọi là "Ngụy Quân, Ngụy Quyền". Tiếng kẻng báo thức từ 5 giờ sáng, kẻng tập họp đi làm, tiếng phát rừng hạ cây, tiếng cuốc đất..., tiếng quát nạt của cán bộ Công An... là những âm thanh cay đắng nhưng quen thuộc hàng ngày, đè nặng lên tâm hồn của người tù cải tạo!

Khe Điên nước vẫn độc và cuồn cuộn chảy nhưng Cọp Bình Điền đã vắng bóng từ lâu. Ngày nay, Bình Điền có những con bò vàng còn hung hăng tàn ác hơn cả lũ Cọp trước đây. Đó là bọn Công An Việt Cộng hiện đang quản lý trại giam Bình Điền nầy. Người ta gọi bọn chúng là Bò Vàng vì sắc phục của Công An màu vàng và thành phần Công An quản lý trại giam thường xuất thân từ những kẻ chăn bò, chăn trâu! Họ thiếu học, chỉ được đào luyện tư tưởng hận thù giai cấp và chế độ mà thôi! Do vậy, câu nói của dân gian miền Trung, xin được đổi là Bò Vàng Bình Điền, nước Khe Điên cho sát hợp với thực tế Bình Điền ngày nay.

Sau hơn một năm biệt giam tại Lao Thừa Phủ, tôi được chuyển lên Bình Điền vào một sáng mùa Hạ. Tôi biết chắc là mùa Hạ vì trước khi bước lên xe bịt bùng tôi còn kịp nhận ra màu đỏ thắm của hoa phượng trên cành cây trước cổng nhà lao và tiếng ve đâu đó vang lên thật buồn!

Cửa xe được đóng kín và khóa chặt, chung quanh tôi một màu đen quen thuộc giống như màu đen trong xà lim biệt giam! Tôi quen dần với bóng tối và nhận ra phòng xe khá rộng. Thật ra nó rộng vì chỉ một mình tôi trong đó. Bước ngoặt của cuộc đời toàn là bóng tối, màu đen tối thê lương trùm phủ suốt cả một chiều dài 10 năm 09 tháng 27 ngày trên cuộc đời tôi. Tôi không than trách, tôi không ân hận về những tháng năm tù đày. Tôi đã lường trước tình huống nầy khi đứng trước bàn thờ Tổ Quốc giơ cao tay tuyên thệ.

Tôi đến Bình Điền, ngơ ngác bỡ ngỡ như người được mang đến từ một hành tinh khác. Cái rựa cái cuốc thật xa lạ với tôi. Những ngày đầu xử dụng chúng, lòng bàn tay tôi ứ máu và bỏng rát. Tôi là người đến Bình Điền sau một năm nên mọi công việc lao động tôi đều thua kém các bạn đồng đội. Ngày lao động nhập môn thật vất vả, tôi được cán bộ Công An "sửa lưng" nhiều lần và tối đến lại bị đưa ra phê bình kiểm điểm "chây lười lao động", còn mang nặng tư tưởng "quan liêu phong kiến"! Có đúng như lời anh cán bộ Công An gán ép cho tôi không, hay chỉ là những nhóm từ được đào luyện sẵn trong đầu óc ít chất xám của anh ta và sẵn sà ng nói ra vô tội vạ, mặc cho ai đó bị oan uổng...!

Nhiều khuôn mặt quen thuộc được gặp lại ở đây. Một số anh em vẫn còn giữ được phong cách ngày nà o. Một số khác lộ rõ bản chất khiếp nhược, yếu hèn! Trong hoàn cảnh nầy bản năng con người thể hiện rất rõ nét, khó che đậy. Đây cũng là một thử thách lớn để đánh giá tư cách, tác phong, lập trường... của một con người. Điều đáng buồn, có nhiều nhân vật ở ngòai đời được xem như thần tượng, vào đây lại trở thành kẻ hèn hạ nhất. Họ có thể làm bất cứ việc gì, kể cả bán đứng anh em bè bạn để mưu lợi riêng, mong được an thân và với hy vọng được cách mạng khoan hồng cho về sớm! Ôi, một niềm tin ấu trĩ hết chỗ nói! Những thành viên trong guồng máy lãnh đạo Đất Nước hiểu Cộng Sản như thế, thì mất nước cũng là lẽ tự nhiên.

Ngày lại ngày lê thân đi lao động, phát rừng hạ cây, trỉa ngô trồng lúa, cào vồng khoai sắn, cày cấy luôn tay... Hàng ngàn người tù còng lưng trên nương rẫy... áo vá luôn đẫm mồ hôi... Sản phẩm làm ra thật nhiều nhưng ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Sắn khoai là lương thực muôn năm của người tù dưới bạo quyền Cộng Sản, một chế độ có nền luật pháp cực kỳ quái đản: Giam cầm không cần xét xử, thời hạn lưu đày không cần quan tâm! Ăn ít làm nhiều, bệnh tật không được nương tay thương xót... Đêm đêm nằm co ro trên những róng cây khẳng khiu, nghe gió thổi mưa rơi trên mái lá trại giam, lòng ngổn ngang trăm mối, nợ nước tình nhà trăn trở suốt đêm thâu, đâu đây vài tiếng thú rừng kêu vang trong đêm dài cô tịch... là những ám ảnh não nề triền miên trong ký ức đau thương của kiếp tù chính trị!

Bình Điền chỉ có hai mùa mưa nắng. Nắng ở đây chói chang và cháy bỏng! Mùa nắng là mùa TRANH THỦ, tranh thủ phát rừng hạ cây, tranh thủ đào ao thả cá, tranh thủ xẻ núi làm đường, tranh thủ xây dựng lán trại... Từ tranh thủ luôn được nhắc nhở từ môi miệng của cán bộ Công An. Đối với người tù khổ sai, từ tranh thủ là những thúc hối không ngừng. Nào tranh thủ làm việc, tranh thủ tắm, tranh thủ ăn, tranh thủ ngủ, tranh thủ đi vệ sinh... Cuộc đời tù tội quá lao khổ, tất bật và căng thẳng! Người tù vốn đã gầy gò ốm yếu, nắng thiêu đốt làm màu da đen đủi, trông họ càng thê thảm hơn!

Mùa mưa đến được bắt đầu từ những cụm mây đen nghịt vần vũ che kín cả bầu trời. Lúc nầy, trời như gắn liền với đất và những cơn mưa nặng hạt quất mạnh vào xác thân còm cõi của những con người lỡ vận. Họ lầm lũi đi trong mưa gió, tấm áo mỏng manh không đủ che thân. Cơn lạnh buốt xương của ngày Đông tháng giá làm thâm tím da thịt của người tù. Nếu mùa nắng là mùa tranh thủ thì mùa mưa lại càng phải khẩn trương hơn. Mọi người lo dọn đất làm mùa, nhổ mạ, gánh phân, cấy lúa... Tiếng lội bì bõm dưới ruộng lúa, tiếng thở hỗn hễn của những người gánh phân, tiếng quát trâu của những người cày bừa..., tiếng gió rít trên ngọn cây và tiếng mưa rơi lộp độp trên mái lá... tất cả hòa trộn vào nhau tạo thành một âm thanh ảm đạm nghèo nàn!

Ngày lao động mệt nhọc, mọi người đều trông mong được có một sự an nghỉ về đêm. Niềm ước mơ bình thường nầy thật quá chua chát đối với người tù! Trong hoàn cảnh hôm nay, ngày vất vả thể xác, đêm đến là nỗi nhức nhối của tâm hồn! Củ mì nuốt chưa xong, tiếng kẻng tập họp đã giục giã vang lên. Anh em vội vàng ra sân xếp hàng theo từng đội và được phép ngồi bệt xuống đất để nghe đọc báo. Báo chí ở đây là báo của đảng Cộng Sản Việt Nam, có nghĩa là lập luận một chiều, ca ngợi Bác và Đảng bằng những luận điệu dao to búa lớn nhưng rỗng tuếch, tin tức được che đậy và bóp méo sự thật...! Tôi còn nhớ có ba trại viên thường thay phiên nhau đọc báo là thầy Nguyễn Hữu Thứ, luật sư Trần Tấn Việt, và giáo sư Trần Hữu Thục. Chúng tôi ai cũng gọi ông là thầy Thứ vì trước khi giữ chức Chánh Án Tòa Thượng Thẩm Huế, ông còn là giáo sư và là Hiệu Trưởng Trường Quốc Học Huế. Thầy Thứ giọng khàn khàn cố ráng đọc thật lớn một cách khó khăn mệt mỏi. Anh Việt trông có vẻ ốm yếu nhưng giọng đọc sang sảng thật tốt. Anh Thục là giáo sư triết Đại Học Văn Khoa Huế, anh vốn có tài hùng biện nên đọc báo rất hay. Thời gian đọc báo từ sáu giờ ba mươi đến tám giờ. Suốt một tiếng rưỡi ngồi trên đất còn nóng và bốc lên mùi khen khét để nghe những điều không muốn nghe thì thật không có gì buồn chán cho bằng!

 
Sau phần đọc báo là giờ phê bình kiểm điểm mọi sinh hoạt trong ngày. Buổi họp hằng đêm nầy bao giờ cũng có cán bộ quản giáo đội tham dự. Đây là một hình thức đấu tố khiến mọi người nghi kỵ lẫn nhau, không dám hàn huyên tâm sự và luôn phải cố sức làm việc. Buổi sinh hoạt có khi kéo dài đến 12 giờ đêm, khiến tinh thần và thể xác của người tù quá căng thẳng và mệt mỏi. Để cho tinh thần được thư giãn tôi thường lơ đãng ngắm trăng sao cố dệt những vần thơ thật lãng mạn... Nhưng đêm hôm ấy, trong lúc tôi đang thả hồn theo mây gió, chợt nghe anh Việt đọc một bài báo nói về Cựu Ho ng Bảo Đại. Nội dung bài báo toàn là những lời chỉ trích bôi bác Cựu Hoàng. Nhưng điều khiến tôi suy nghĩ là tại sao đột nhiên lại đưa vấn đề Cựu Hoàng ra lúc nầy? Sau nầy tôi mới biết câu hỏi tôi đặt ra cũng là những trăn trở chung cho nhiều trại viên khác.

Ngày hôm sau, tôi được phân công vào nhóm gánh phân. Tôi và anh CHÂU (có lẽ Hồ Văn Châu), một sinh viên Luật có liên hệ đến cuộc khởi nghĩa Mậu Ngọ (1978) tại Thừa Thiên Huế của nhóm các anh Phan Ngọc Lương, Phạm Lự, Tống Châu Khang... bị kết án 10 năm tù, cùng lấy phân chung một chuồng heo... Đang cuốc phân, anh Châu hỏi tôi:

- Anh có theo dõi bài báo anh Việt đọc hồi hôm không ?

- Có!

- Tại sao câu chuyện xưa như Trái Đất người ta lại moi ra làm gì vậy anh?

Châu cũng như một số anh em khác tin cậy tôi thường hay hỏi tôi nhiều vấn đề được báo chí Nhà Nước Cộng Sản nêu lên... Hôm nay, câu hỏi của Châu cũng là những suy tư không ngủ được suốt đêm qua của tôi. Thấy vắng người, tôi giải thích:

- Thông thường, một nhân vật vắng bóng trên chính trường đã lâu, nay được nhắc đến, dù ca ngợi hoặc chỉ trích, có nghĩa là vai trò của nhân vật đó đang được củng cố. Tình hình Việt Nam không thể ổn định nếu người Cộng Sản vẫn ngoan cố áp dụng chính sách độc tài đảng trị. Có lẽ một thế lực chính trị Quốc Tế nào đó đang đề nghị một giải pháp Bảo Đại để tiến đến ổn định tình hình nầy. Cộng Sản Việt Nam thì không muốn, cho nên mới có bài đả kích Bảo Đại như thế.

- Giải pháp Bảo Đại là như thế nào hả anh?

Tôi chưa kịp trả lời thì cán bộ HÒA đã từ sau tấm phên tre bước ra chỉ mặt tôi, quát:

- A, anh Quý tuyên truyền phản động há! Tôi biết mà, trong đầu óc anh luôn chống đối Cách Mạng. Anh có đường dây liên lạc với bên ngoài để biết tin tức. Anh ghê thật! Hai anh theo tôi lên Ban Giám Thị làm việc. Tôi và Châu nhìn nhau rồi cùng bước theo người cán bộ Công An tên Hòa.

Họ tách tôi và Châu ra để khai thác. Tôi được cán bộ Hòa hỏi cung. Còn Châu họ dẫn đi nơi khác, cho đến nay đã hơn hai mươi năm tôi vẫn không biết tin tức gì về Châu. Cán bộ Hòa bắt tôi viết bản tường thuật. Sau khi đọc bản tường thuật của tôi, anh ta vỗ b n quát:

- Anh phải khai rõ đường dây liên lạc của anh với bên ngoài.

- Tôi nói không có.

Hòa giận tím mặt, quát:

- Không có sao anh biết tin tức bên ngoài. Anh biết có giải pháp Bảo Đại!

Tôi nói với Hòa là tôi chỉ suy diễn qua bài báo được nghe đọc tối hôm qua. Hòa vứt tờ báo ra trước mặt tôi, nói:

- Bài báo có nói như anh đâu. Đây là những lời nguyền rủa của nhân dân đối với thằng Bảo Đại mà thôi.

Tôi im lặng không muốn đôi co với Hòa. Tôi nghĩ anh ta chỉ là một tên thô lỗ, chẳng hiểu biết gì hết. Hòa lấy trong tủ một tập hồ sơ dày cộm ra đọc rồi hất hàm hỏi tôi:

- Anh là Sĩ Quan biệt phái Giáo Chức ?

- Vâng!

- Anh là Thường Vụ Đại Việt Cách Mạng Thành Bộ Huế ?

- Vâng!

- Anh là tình báo C. I. A. ?

- Không!

- Anh là Giảng Viên Chính Trị tại Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Thông Tin miền Nam Việt Nam?

- Vâng!

- Rõ ràng anh là C. I. A mà cứ ngoan cố là không. Anh là Sĩ Quan mà biệt phái dạy chính trị dạy văn hóa thì đó là công tác tình báo, không C. I. A là gì nữa!

Anh ta vừa quát vừa đập bàn rầm rầm. Tôi lại giữ im lặng. Tất cả quá trình hoạt động của tôi, tôi đã khai đầy đủ trong các bản tự khai, tôi đề nghị cán bộ Hòa đọc lại sẽ rõ. Kể từ giờ phút ấy, tôi chỉ trả lời "Vâng" và "Không" mà thôi. Hòa giận dữ, ra lệnh một Công An Vũ Trang áp giải tôi đến một túp lều nho nhỏ đủ để nhốt một người và cùm hai chân tôi tại đó.

Lại biệt giam! Tôi quen với cảnh gông cùm nầy rồi. Tôi không buồn, không sợ, tự an ủi là được đưa đi nghỉ ngơi an dưỡng. Thật vậy, ban ngày tôi chỉ bị cùm một chân, ưa nằm ưa ngồi tùy thích, tha hồ suy ngẫm chuyện thế thái nhân tình. Có người nói thời gian tù tội là khoảng trống vắng trong cuộc đời. Tôi không đồng ý với tư tưởng siêu thực mang tính chủ bại đó. Với tôi, thời gian tù tội là cơ hội "Ôn Cố Tri Tân", là dịp thử thách lòng người, là môi trường hun đúc chí khí... Trong hoàn cảnh nào cũng phải tự tin và kiên định lập trường. Cộng Sản Việt Nam có thể giam cầm tôi mười năm, hai mươi năm hay lâu hơn nữa... Họ có thể gông cùm tay chân tôi, biệt giam, bỏ đói tôi, nhưng chắc chắn một điều, họ không thể kềm giữ được tư tưởng tôi! Họ không thể nào cải tạo được tư tưởng của bất cứ một ai cho dù họ giam giữ suốt đời và hành hạ thân xác đến gục ngã! Đang miên man suy nghĩ, chợt anh BẢO, Trại Viên Trật Tự, mang thức ăn đến... Bữa ăn chỉ có vài củ khoai, khúc sắn, đạm bạc còn hơn cả cuộc đời hàn sĩ. Sau mỗi bữa ăn tôi thường noi gương người xưa, ngâm nga "Ngà y ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, ăn chẳng cần no!", rồi khề khà uống vài chung nước lã. Cái thú vị của tù biệt giam là đi tiêu đi tiểu tại chỗ, có người phục dịch dọn dẹp. Mỗi tuần tôi được đi tắm một lần, do một Công An ôm tiểu liên AK đạn lên nòng theo hộ tống rất oai phong! Ban đêm, cả hai chân đều nằm trọn trong cùm. Tôi chỉ có duy nhất một thế nằm ngửa, khó chịu hết sức và không thể ngủ được. Ống chân ở phần bị cùm, do va chạm cọ xát bị sưng lên rất đau nhức, lâu ngà y trở thà nh chai cứng. Túp lều quá nhỏ nên nắng hay mưa đều có những tai họa đến với tôi. Nếu là nắng, túp lều của tôi hứng trọn những tia nắng chói chang nóng bỏng thiêu đốt tấm thân xanh xao tàn tạ của tôi. Nếu là mưa, chiếu chăn quần áo và tôi đều sũng ướt thấm lạnh run lên cầm cập. Tôi vẫn chịu đựng, tỉnh bơ không than van không đề nghị. Anh Bảo nhìn tôi ái ngại rồi lặng lẽ đem mấy tấm tranh che quanh lều, nhưng tình trạng vẫn không tốt hơn chút nào!

Anh BẢO, tôi không còn nhớ họ, trước năm 1975 là Sĩ Quan Cảnh Sát, anh lầm lì ít nói lại làm công việc Trật Tự Trại, nên anh em trại viên rất e dè với anh. Người ta ngầm bảo nhau anh là "Ăng-Ten", có người xấu miệng gọi anh là "Chó Săn". Tôi không có ý kiến. Tôi chỉ ghi nhận ở đây lòng nhân hậu của anh đối với tôi, một đồng đội hiện đang ở trong cảnh khốn cùng! Khi bị cùm, bọn Công An giao cho tôi một thùng đạn đại liên để giải quyết vệ sinh và người dọn dẹp hằng ngày là anh Bảo. Anh đến làm việc âm thầm lặng lẽ không trao đổi với tôi một lời nào. Hôm đó, như thường lệ anh đến xách thùng đi rồi lại đem thùng về. Lần nầy, anh nhìn tôi và vỗ nhẹ lên nắp thùng. Thấy dáng anh Bảo đã khuất, tôi quan sát chung quanh thật kỹ trước khi mở nắp thùng: ba khúc sắn gói trong lá chuối được bỏ sẵn trong đó! Tôi xúc động đến nghẹn ngào! Anh Bảo thấy tôi quá gầy yếu mà tiêu chuẩn ăn lại bị giảm nên anh đã chia xẻ phần ăn của anh cho tôi! Việc làm nầy nếu bọn Công An phát hiện, Anh Bảo sẽ bị phạt kỷ luật rồi sau đó sẽ bị đưa ra lao động. Hôm sau, tôi nói với anh Bảo đừng tiếp tế cho tôi nữa, sẽ có hại cho anh, nhưng anh Bảo chỉ cười buồn không nói và sau đó vẫn tiếp tế đều đặn cho tôi hằng ngày. Những lúc anh được thăm nuôi, tôi còn có cả một nắm xôi và vài miếng thịt nữa! Anh ân cần giúp đỡ tôi suốt gần một năm cho đến ngày tôi được tha khỏi chế độ biệt giam! Tôi vẫn thường tự hỏi, con người có một tấm lòng vị tha nhân ái như anh Bảo lại cam phận làm Ăng-Ten sao?! Không thể nào, chắc có những bí ẩn ngộ nhận gì đây! Có lẽ anh Bảo là người thường tiếp xúc với cán bộ Công An, hơn thế nữa, anh còn là Trật Tự Trại nên anh em nghi kỵ anh, thế thôi. Anh Bảo hay một anh em nào khác được Ban Giám Thị Trại giao công tác, thử hỏi có ai dám từ chối không? Vấn đề đặt ra là thái độ thi hành công tác đó như thế nào! Trại tù là sân khấu, người tù là diễn viên. Anh Bảo là một diễn viên xuất sắc nên đã xỏ mũi những Con Bò Vàng một cách dễ dàng! Người ta truyền miệng nhau anh Bảo là Ăng-Ten, nhưng không một ai nêu dẫn cụ thể anh Bảo đã làm những gì hại đến anh em.

Trong nhà tù, đôi lúc tiếng cười không có nghĩa là vui vẻ. Những giọt nước mắt không phải là khiếp sợ yếu hèn. Có những giọt nước mắt thương khóc cho Quê Hương. Có những giọt nước mắt hờn tủi cho thân phận con người. Cũng có những giọt nước mắt uất nghẹn vì buộc phải nói những điều lòng mình không muốn. Ôi, những giọt nước mắt với muôn vàn ý nghĩa sâu thẳm của nó! Cho nên, không vội đánh giá một ai khi chúng ta cùng ở trên sân khấu nhà tù. Hãy thông cảm mà thương xót anh em, hơn là nhìn phiến diện để đánh giá sai lệch một con người!

Khoảng hai tháng đầu, cứ vài ba ngày tôi được đưa lên gặp cán bộ Hòa hoặc một cán bộ tên THANH từ Ty Công An lên làm việc. Họ muốn khai thác nơi tôi đường dây liên lạc trong trại với bên ngoài! Mỗi khi trong trại có những tin tức sốt dẻo về tình hình trong nước hoặc trên Thế Giới liên quan đến Việt Nam, do bọn Trại Viên Ăng-Ten mật báo, là tôi lại điêu đứng bởi tên cán bộ Hòa. Tôi lại được nghe tiếng quát nạt và đập bàn! Cũng có lúc y thật ngọt ngào với tôi, dỗ dành tôi thành thật khai báo để được Cách Mạng khoan hồng! Tôi mỉm cười lắc đầu. Hòa giận điên lên chồm người tới định bạt tai tôi. Tôi nhìn thẳng và mặt y nhếch mép nhún vai thách thức. Hòa buông thỏng hai tay, quắc mắt nhìn tôi rồi ra lệnh dẫn tôi về lều cùm cả hai chân vô thời hạn và giảm tiêu chuẩn ăn thêm một lần nữa!

Tôi vẫn thản nhiên như không có gì thay đổi. Cùm hai chân tôi vẫn có thể ngồi và bày cờ tướng ra đánh. Tất nhiên, chỉ một mình tôi điều khiển cả hai cánh quân cờ. Bộ cờ tướng nầy là một kỷ niệm giữa tôi với anh Lê quang Năng. Khi tôi bị cùm, anh Năng đã được tha. Lúc còn ở đây, Năng thuộc đội làm mộc, anh thường đến thăm tôi và làm tặng tôi bộ cờ tướng nầy. Tôi rất thích chơi cờ tướng, mỗi lần đem cờ ra là tôi lại nhớ đến Năng, người bạn nhỏ hơn tôi khoảng sáu, bảy tuổi đã dà nh cho tôi một chỗ đứng trong tâm hồn anh. Khi viết những dòng nầy cũng là lúc tôi nhớ đến Năng nhiều nhất.

Hôm ấy, một buổi sáng trời se lạnh nhưng tạnh ráo. Những tia nắng hiếm hoi của mùa đông đang lan dần trên các lùm cây ngọn cỏ. Tôi nhìn lên bầu trời còn mờ đục hơi sương, chợt thấy một đàn chim đang bay lượn đảo lộn rất đẹp mắt. Thì ra đó là những cánh én đang vờn báo mùa xuân. Lại một mùa xuân nữa nối tiếp đi qua cuộc đời tôi!

Có những mùa xuân đi qua thật êm đềm với nhiều ước mơ tuổi trẻ. Đó là những mùa xuân của thời cắp sách, của những tháng năm miệt mài trong các giảng đường... Nhưng, cũng có những mùa xuân đi qua thật tất bật với mịt mù khói lửa. Đó là những mùa xuân của thời chinh chiến, những mùa xuân giảng đường bỏ ngõ và thành phố cúi mặt thở dài..., những mùa xuân của những thằng con trai hút Bastoz xanh và uống cà phê đắng.

Có những mùa xuân đi qua với nhiều dấu tích lịch sử. Đó là mùa Xuân Mậu Thân 1968 với tội ác không thể tha thứ của bọn Cộng Sản Việt Nam khát máu. Đó là mùa Xuân 1975! Mùa xuân đã đưa Đất Nước vào khúc quanh lịch sử, mùa xuân đã thay đổi cuộc đời của hàng triệu người dân miền Nam Việt Nam, đã đẩy đưa bao nhiêu người vào rừng sâu nước độc, đã khiến h ng triệu người phải tức tưởi lìa bỏ Quê Hương mang thân phận người dân mất nước... Đó là những mùa xuân mang tâm hồn người Do Thái, những mùa xuân của Đặng Dung mài gươm dưới trăng. Ôi, những mùa xuân đi qua đã để lại trên mái tóc tôi mà u bạc trắng và trên vầng trán tôi nhiều nếp nhăn! Trong bàng hoà ng xúc động, tôi khe khẽ ngâm mấy câu thơ của Chế Lan Viên:

Ta có chờ đâu, có đợi đâu.

Mang chi xuân đến, gợi thêm sầu.

Với ta tất cả đều vô nghĩa.

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Đoản văn Hồi Ký nầy còn mang tính chất của một bài Tùy Bút và người viết chỉ ghi lại vài kỷ niệm sâu đậm trong khoảng thời gian 10 năm 09 tháng 27 ngày tuổi trẻ và sự nghiệp bị đốt cháy trong lao tù Cộng Sản Việt Nam.

Tôi đã mất tất cả, chỉ còn lại mỗi một Con Tim và Khối Óc!

Hoàng Vũ Nguyễn Văn Quý
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn