BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Anh hùng vô danh

09 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1728)
Anh hùng vô danh
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Thằng Nhỏ, con út tôi vừa đọc quyển Hearts of Sorrow của ông Freeman, nó bưng sách lại kề bên hỏi tôi,

-Ba, mấy người tù cùng ở với ba có thế này không hở ba? Có không ba?

-Thế nào? Ba không biết con đang hỏi cái gì mà mấy người tù có thế này thế nọ, ba có hiểu gì đâu con? Con làm ơn hỏi rõ ràng giùm ba một chút. Nghĩ cũng phiền, nhưng qua đến đây mà được con kè tới hỏi, tự nhiên tôi cảm thấy có chút hãnh diện, còn chút tự tin. Nó kè quyển sách bên tôi,

-Nè ba coi có thật vậy không?

-Con ơi, con giảng tiếng Việt giùm cho ba thì ba trả lời cái bon, còn tiếng Mỹ mà cả quyển sách ba đành chào thua con ạ, mà chuyện gì đó hở con?

-Ba nè, ông ta là Colonel, Đại tá, Trung tá, Thiếu tá gì con không biết, bằng tuổi ông nội con sinh năm 27, ông ta làm intelligence officer in the Ministry of Defense, con không biết làm chức gì, ông ta ở tù 6 năm, còn nữa, ông ta kể lại có “Some prisoners were so vile..., We had few informers ..., Everyone was selfish for many reasons. (trang 212) Nè nè còn nữa ba đọc đi... Con không thèm đọc nữa, buồn muốn chết! Chán thật sao lại vậy hở ba? Nó bỏ sách đi vào nhà một mình. Chị Hạnh nó sinh năm 75, hát nghêu ngao vài câu làm lòng tôi chợt dâng lên nỗi buồn xa xứ!, “Ôi quê hương ơi đẹp tươi đứng trong trời đất, ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất, yêu giống nòi mình lầm than mãi rồi, yêu tiếng lòng chẳng biết sao nguôi. Chuyện Việt Nam ta mấy mươi năm...”

-Thôi con ơi đừng hát nữa, ba nghe não lòng quá rồi, lại đây bên ba giảng giùm ba cái câu này nói làm sao mà thằng Nhỏ nó bỏ đi một mạch vậy.

-Đâu ba, nói gì tới nó sao?

-Ồ không, thì là họ nói là mấy ông tù xấu, hối lộ, nịnh bợ, làm chỉ điểm, ở hàng quan hàng tá gì đó, cho nên nó giận, nó buồn bỏ đi chứ có gì đâu ba! Còn nói các ông đó vị kỷ, ích kỷ gì đó...

-Ồ thì ra là vậy, tự ái dân tộc của cậu bé cũng khá đấy chứ, nhưng mà con ơi, đời mà con. Xã hội là một tập thể, có người tốt người xấu, chưa chắc mấy ông làm lớn đã có tư cách hơn những người làm lính. Như nhiều ông tướng ông tá chưa chắc hào hùng như bác Phan Dế, hay Trần Khá quê mình đâu con. Bác Trần Khá không ngồi tù, sau 30-4 bác dám đuổi bọn cộng sản ra khỏi nhà, hào hùng khí khái khi tranh cãi với cộng sản trước khi chết. Con người sinh ra ai cũng một lần chết, sống mà không có chút liêm sỉ khí tiết, có đáng sống không con? Vậy thì thế hệ con, hãy sống làm người cho đáng sống con nhé.

Cũng tùy người tùy lúc, con người quốc gia hay cộng sản đều có những tên tồi bại vô liêm sỉ nhan nhản trên thế gian này. Quyển sách con đọc, có lẽ mấy ông làm văn phòng, làm lớn không chịu nổi đói khổ, nên tệ, còn chỗ ba ở, những người làm chính quyền, làm chính trị thường đổi thay, tệ, đáng sợ nữa con ạ, nhưng những người lính chiến đấu bên cạnh ba luôn luôn hào hùng, kiên cường và bất khuất. Như những người lính nghĩa quân, mấy bác ở cùng trại với ba, đi lính ít lương nhất, nhưng họ khí khái vô cùng. Đừng buồn làm gì, người ta có vài câu hát như vầy nè:

Ở đâu cũng có anh hùng,

Ở đâu cũng có những thằng khùng làm en_tên (informer) đó con. Con biết chữ en-tên là gì không, là mấy tên chỉ điểm, một loại người hèn hạ nhất trong xã hội. Họ tự thẹn chứ con làm gì mà phải buồn giùm cho người ta. Xã hội có nhiều thành phần, bộ con nghĩ ở Mỹ ai cũng tốt hết sao! Nhưng phần sau ông kể cũng được, đâu đến nỗi con phải thất vọng. Có lẽ những người già hay lẩm cẩm, Ba sẽ kể cho con nghe những chiến sĩ của ba hào hùng lắm để con được hãnh diện.

***

Trời bây giờ đã tháng ba nhưng vẫn còn là mùa đông, dự báo thời tiết cho biết sẽ có tuyết nhưng chưa, chỉ có gió bắc thổi về lành lạnh, làm ba lại nhớ những ngày trong tù. Trời hôm nay mù, như những ngày trên núi Tiên Lãnh con ạ. Sương giăng mờ chân mây, nhớ nhà châm điếu thuốc, khói quyện bay lên mây! (Dương Thiệu Tước) Những phần đời, phần người và những kỷ niệm được khơi lại làm đau lòng người chiến bại. Anh cúi đầu trầm ngâm, làm đứa con gái im lặng, thằng Nhỏ thấy ba buồn, tự nhiên nó ân hận, nó vội nói,

-Ba, ba kể những chiến sĩ anh hùng của ba cho con nghe đi ba?

-Vừa tủi thân ba, thẹn với đất nước, với những người đã chết, đã hy sinh. Ai còn nhớ chăng những chiến sĩ Nghĩa quân ở trong trại tù Tiên Lãnh, các anh vẫn anh dũng, đầy khí tiết trước quân thù. Như anh Phan Dế, Đồng Phước Hoàng, Phạm Mau, Vũ Thái Quỳnh, Phan Hữu Trai, đã hào hùng khí khái đối diện với kẻ thù. Với các anh, cái cùm không làm nản lòng kiên cường bất khuất. Anh dám hô to “Đả đảo cộng sản, quân khát máu, bọn vô thần.” Chúng nó dộng báng súng vào anh cho đến chết. Có anh chửi từ Kark Max, Lenin, tới Lê Duẫn... không chừa sót một ai..! Có anh chống đối không đi lao động, dù bị cùm. Có anh bị cùm, hai chân bị lở rồi lành lại trở thành người lùn, sau đó nó muốn giết anh, chúng nó lôi chân anh thẳng ra cho đứt gân đến chết! Chúng nó tàn ác, vô nhân đạo không kể hết. Những tên quản giáo dốt đặt cán mai, nghĩa là mới biết đọc biết viết, làm gì mà giáo, với dục chứ!

Trong tù gặp lại các anh ấy, dù gì cũng có bạn tin nhau. Ba tệ làm kẻ bại trận, nhưng các con không được tệ, gắng học để bù lại phần đời tàn tạ của ba. Ba hãnh diện được làm bạn với các anh, các bác ấy cùng được chung binh chủng Nghĩa quân anh hùng, và sống cùng trại với các anh. Xin nghiêng mình kính cẩn chào vĩnh biệt các anh! Tôi quên tên anh, nhưng nhớ buổi trưa hôm đó, anh đã khí khái chỉ tay vào mặt tên gác cổng, la lớn, “Mày, tên cộng sản làm gì mà đứng đó, mày xuống mau không, tau cắt họng mày, quân bán nước, quân khát máu.” Bạn bè thương mến anh, ôm anh, đồng đội chạy theo anh thật đông, nên nó không bắn được anh.

Anh đã hiên ngang can trường, không dễ có được với những người thiếu tư cách. Có người cho anh là thất phu, võ biền, nhưng với ba, anh là một anh hùng, không cần sống trong nô lệ, xiềng cùm. Các anh chống cộng không vì miếng đỉnh chung, lòng yêu nước các anh có thừa, lòng tự trọng các anh rất cao. Một chắp tay, một cái cúi đầu ngưỡng mộ và xin được chia xẻ phần hãnh diện với các anh. Những anh hùng vô danh cho tự do, dân chủ.

Ở Kỳ Sơn dạo đó có chuyển sang trại Tiên Lãnh một thiếu tá nhảy dù, anh còn trẻ lắm nhưng hào hùng như tên tuổi binh chủng đơn vị anh. Anh thường nói với những người bên anh, “Các anh em cấp thấp hy vọng về được với thân nhân, cố gắng đừng phạm nội quy, còn anh không vợ con, anh ở bao lâu cũng được.” Anh nấu nướng rất thỏa mái, có thể những tên cò mồi cũng thấy thẹn. Anh còn trẻ mà ăn nói hành động rất chững chạc. Cứ vài ba tháng lại một lần chuyển trại, nên ba không còn gặp lại anh, nhưng ba rất quý trọng anh.

Ở Vĩnh Điện Quảng Nam, ai lại không biết bác Đặng Nhì, ông ta chỉ là trung đội trưởng Nghĩa quân, ông can đảm giết giặc khi còn tại chức, đúng là đánh đâu thắng đó. Sau năm 75 bác trốn vào Nam, không chịu đi tù, nhưng người con rể về lại Vĩnh Điện và bị bắt tra tấn, nó đã khai chỗ ở của bác nên bọn địa phương vào dẫn độ bác về lại Vĩnh Điện. Chúng nó hỏi bác:

-Sao không đặt tên là Đặng Nhứt mà là Đặng Nhì? (Đánh giặc rất tài tình, đứng nhứt)

- Tại tôi chưa giỏi đủ hạng nhứt nên đặt là Nhì.

Thế rồi chúng tra tấn và cuối cùng thằng công an ở thị trấn Vĩnh Điện, tên là Huy Tưởng đã móc mắt bác cho đến chết con ạ? Ôi một chính thể dã man mà ba chỉ thấy ở xã hội Cộng sản Việt Nam mà thôi. Sau khi biết cha vợ chết vì bị móc mắt sống nên cậu ta điên loạn, thật tội nghiệp cho họ.

Còn nữa, cũng ở Tiên Lãnh, có anh thiếu úy trẻ tên Trần Quang Trân, đã bị tử hình vì anh tổ chức cướp tù, và tái chiếm Quảng Nam, khi Trung Quốc đánh ở miền bắc. Khổ thay câu chuyện lại bị lộ vì mấy tên chỉ điểm, anh bị bắt, nhưng dù bị tra tấn anh không khai ai cả. Mấy tháng bị giam cầm, anh yếu đi, nhưng khi ra trước tòa án, anh đã dõng dạc tuyên bố với anh chị em tù. Anh tiếc là chưa đem tài sức của anh để phục vụ cho đồng bào, tiêu diệt quân Cộng sản vô thần khát máu. Anh đi trước, nhưng hy vọng thế hệ con cháu sẽ khẳng khái như anh để tiêu diệt quân Cộng nô.

Như bác L. Nh. H. ở bên, bác chỉ là tiểu đội trưởng nghĩa quân, nhưng lòng can đảm bác có thừa. Khi đánh nhau với Việt cộng, tiểu đội bác có anh em chết hay bị thương, đêm đó bác cho anh em về lo cho người bị nạn, còn lại một mình, bác vào tận trong sào huyệt, đặt hai đầu hai quả mìn, nằm giữa chờ giặc. Bác làm sao cho nó có khiêng, một thì huề, hai thì có lời, bác mới chịu, nhưng có ai biết đâu. Những tên Việt cộng nằm vùng về thăm vợ, bác lượm từng tên một, có khi bắt sống, có khi chúng ngoan cố bác cho đi đông luôn. Có ai dám làm như bác không? Nếu tất cả mọi người quân dân cán chính hợp nhất như bác L.H. thì dễ gì mất nước hở con. Bác ít học nhưng bác có thừa liêm sỉ làm người. Khi ở tù, bác làm đủ một tên tù, không làm quá, không cúi đầu nịnh bợ, cần gì phải ông nọ ông kia. Khi ra làm ngoài, bác kiếm được thức ăn về, đêm xuống bác lụi vào trong mùng cho bạn bè những gói cơm tươi.

Hôm đó bác được chia phiên ở nhà làm “anh nuôi,” tức nấu bếp, tất cả tù đi lao động. Bác được bầu làm toán trưởng, bác ra lệnh anh em trong toán giã gạo nấu cơm. Nấu toàn cơm trắng cho tù ăn, ai cũng ngạc nhiên sung sướng nghĩ là ngày lễ. Bọn chỉ huy trại bắt bác và cả toán lên hỏi:

-Ai xúi giục các ông làm vậy, khai ra? Bác bình tĩnh trả lời:

-Thưa cán bộ, đã 7, 8 năm rồi chúng tôi chưa được ăn bát cơm tươi, tôi đói quá, thèm quá, nhân ngày được cử làm bếp, tôi thèm nên cho anh em làm gạo nấu cho anh em ăn một bửa. Tôi nghĩ rằng anh em đi làm mấy năm nay có thể được ăn một bữa cơm tươi, họ mừng lắm. Không ai xúi giục tôi cả, chỉ có mình tôi làm mình tôi chịu, còn toán anh em nhà bếp là tôi ra lệnh. Bác chịu tội chịu cùm một mình, không khai hay đổ tội cho ai cả. Bác dám đứng ra lãnh tội, bị cùm, đó không phải là con người khí tiết sao con?

Còn biết bao người thà chịu đói, chứ không bao giờ lay chuyển được lòng họ. Những câu chuyện tù, biết bao chuyện thương tâm con ạ, đừng buồn hãy lấy đó làm hãnh diện, và các con phải lo học hành cho thành công, thành tài ở xứ người. Biết đâu các con sau này không làm bộ trưởng, nghị viên trên chính trường Mỹ để có cơ hội tìm về hay giúp đỡ quê hương. Các con phải làm cho hãnh diện nỗi đau của cha mẹ các con. Trại ba ơ,û sau này dồn vào cũng có Ngụy quyền, và các sĩ quan cấp tá. Có người vợ bỏ cũng tang thương, nhưng cũng có người hào hùng lắm. Ba kể con nghe những chuyện tang thương, não lòng.

Hôm đó có vợ chú X. thăm nuôi, trong đó có mấy cặp đường, khi chú mang ra chia cho anh em, thì bác T. nhìn thấy và nói:

-Thôi lần sau mầy bảo vợ con nghỉ thăm ít tháng, tội nó, ở nhà chắc quá thảm rồi đó.

-Tại sao anh nói vậy, ai bây giờ cũng thảm, đói khổ, nhưng ở nhà đỡ hơn tụi mình ở trên núi? Ở ngoài kiếm ăn cũng dễ hơn.

-Biết rồi, nhưng nhìn những tán đường cắn quanh, hay gở cầu trên tán, tau thấy tội nghiệp cho vợ con mày quá. Lần đến, vợ tau lên thăm, tau sẽ nhắn vợ mày lâu lâu hãy thăm, kẻo nó lo tội nghiệp. Mày thử tưởng tượng mấy cặp đường này, hẳn là vợ mày đem phơi ít nhất vài ba lần, hai đứa con mầy thèm, nhưng mẹ nó không cho, nên nó cạp trộm đó. Tội cho tụi nhỏ nữa. Mình nhịn được thì nhịn, cho con nít nó ăn kẻo tội, nhìn vào hình ảnh này tao thương tụi nhỏ quá. Ở Mỹ có bao giờ các con thèm thứ gì không?

Như vậy là những lần thăm nuôi, ba không những hỏi thăm gia đình mình, mà hỏi thăm gia đình bạn bè nữa, thử tình hình kinh tế ra sao? Nhà mình nhờ đông anh em chú bác, những dịp Tết dù thế nào thì lương thực cũng khá no. Có nhiều anh tội quá không có thân nhân, nhưng cũng cố gắng nhịn, dù mình có mời thì vài lần đầu anh nhận chút đỉnh, sau lại không có thân nhân nên anh không nhận nữa.

-Bây giờ các con có cơm ăn áo mặc, ba mong rằng các con hiểu được lòng ba, cố gắng học hành, chứ như còn ở lại Việt Nam biết bao người đang nghèo đói dốt nát đau khổ. Gắng nghe con, cố nghe con, để ba mẹ hãnh diện với đời. Người miền Nam thua trận không phải từ chiến trường, nhưng ở ngay trên nước Mỹ. Thua ở Washington thì các con phải cố gắng đi vào Washington để rửa nhục cho thế hệ cha anh. Anh nói trong nước mắt.

-Sau năm 75 mình còn gì, ruộng vườn trâu bò tài sản, ngay cả tính mạng cũng mất hết rồi. Vậy thì có cơ hội, các con phải cố làm rạng danh là con dân nước Việt. Dù sau này các con có học được cao, được khá, làm quan to, chức lớn thì các con nên nhớ nỗi buồn hôm nay của cha con mình. Sống sao giữ được chút khí tiết, liêm sỉ làm người, đừng chạy theo bọn đầu cơ chính trị, hay bọn hoạt đầu, mà hại dân hại nước nghe con. Con đã biết thế nào là xấu là tốt thì đừng học cái xấu ấy con nhé.

Nhỏ nằm gối đầu trong lòng ba, ngoan ngoãn như con mèo con trong tình thương và sự cảm thông nỗi lòng của một người cha vong quốc. Nhỏ quàng tay ôm cổ ba nó, hôn lên má, nước mắt anh rớt trên má con.

Phạm Đào Nguyên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn