BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Long Toàn

04 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 2265)
Long Toàn
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi vốn cầm tinh tuổi con Rồng nhưng không phải loại khủng long vì tôi hiền khô như cục bột (Cũng có lắm người biết tôi và không tin như thế. Đấy là tùy từng quan niệm về hai chữ dữ và hiền) Tôi cũng không phải loài rồng trong truyền thuyết, một con vật trong “Tứ Linh”, Long, Lân, Quy, Phụng, bay lượn trên chín tầng mây mà là loài “Địa Long” tức là rồng đất mà nói nôm na là con giun vì cuộc đời của tôi thật bình thường trên tất cả mọi phương diện, cuộc đời của một phó thường dân, một kẻ lục lục thường tài. Nhưng có một điều cũng khá lạ lùng là những cuộc vượt biên tìm tự do của tôi lại liên quan đến “Rồng”với những địa danh như Vĩnh Long, Long Phú và Long Toàn. Không tin ở số mạng mà cũng phải tin vì những trùng hợp ngẫu nhiên như vậy!

Được người thân giới thiệu một tổ chức vượt biên rất lương thiện, chỉ nhận một nửa số tiền chi phí rồi khi lên được “cá lớn”, gửi mật mã về nhà, thân nhân mới giao số tiền còn lại. Người vượt biên chỉ đóng tiền một lần, nếu thất bại thì tổ chức sẽ tiếp tục lo cho đi chuyến khác, kỳ cho đến lúc thành công, ra khỏi quê hương. Giá “vé” lại tương đối rẻ, so với những tổ chức khác.Thế là gia đình tôi nhào dzô ngay để lãnh thẹo. Ra đi lần thứ nhất, từ ghe taxi, cá nhỏ, lên được tàu đánh cá, con cá lớn, mừng thật hết lớn, nhưng tàu chưa ra đến cửa biển đã bị tàu công an biên phòng của Việt cộng đuổi theo bắn rào rào buộc tàu của chúng tôi phải dừng lại lúc đang còn trên sông. Lũ côn đồ công an biên phòng ào ào nhảy sang tàu của chúng tôi, chĩa súng vào những người đang nằm ngồi ngổn ngang trên bong tàu, buộc tất cả mọi người phải chui xuống khoang tàu chật hẹp và đóng cửa khoang lại. Thế rồi, chúng kéo tàu của chúng tôi về bến. Gom những người vượt biên vào một căn phòng mà chúng goi là hội trường, lũ bò vàng bắt từng người một khai báo tên họ, tuổi tác và nơi cư ngụ. Tôi liều mạng khai tên họ, địa chỉ và nghề nghiệp giả và tăng tuổi đời lên 12 năm nghĩa là dạo đó tôi còn “trẻ măng” mới có 43 cái xuân xanh mà tôi khai đại là 55 tuổi, hy vọng rằng chúng không giam giữ lâu những người lớn tuổi. Vợ tôi nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe kinh ngạc vì bà không ngờ tôi lại man khai ẩu tả như vậy.

Đã tiên liệu nếu bị tó thì tôi khai đi cùng với thằng con trai và vợ tôi khai đi cùng với đứa con gái.Vợ chồng chúng tôi đã “âm miu” trước rằng nếu bị công an tó thì sẽ khai không liên hệ gia đình gì với nhau ráo trọi, địa chỉ và nghề nghiệp đều là “ma” hết, không có lấy một tí ti sự thật vì chúng tôi biết đa số các trại giam tù vượt biên đều không muốn giam giữ lâu đàn bà và con nít, ngại tốn cơm gạo và không đủ chỗ giam. Ngoại trừ hai trại giam hắc ám mà dân vượt biên đều biết tiếng nghe tên là trại “Cây Gừa” ở Cà Mâu, và trại Tiền Giang được nói lái là “Tàn Duyên” vì ai bị giam ở đây đều gở lịch dài dài không có ngày ra cho đến lúc duyên tàn hoa héo.

Sau màn “làm việc”, lũ công an đưa chúng tôi về giam tại Trà Ôn và kể từ dạo đó tôi đâm ra sợ và không có cảm tình với nghệ sĩ “Út Trà Ôn”. Cái huyện Trà Ôn này thật là hắc ám! Dân trong vùng này gần như toàn là Việt cộng. Trong tù, tôi được nghe kể chuyện: Nhân một hôm tù được cho ra bờ sông tắm (thật ra đây là một bãi rác dơ dáy nằm bên bờ song. Tù nhân được tắm ở đây, nước cạn chỉ lên ngang đến ngực, không ai được bơi ra xa và có lính cầm súng gác trên bờ.) một tù nhân đã lặn sâu dưới nước và trốn thoát. Ba ngày sau, anh ta bị bắt trở lại và lũ công an đánh đập tra tấn anh dã man khiến anh phải khai thật anh là sĩ quan, binh chủng Người Nhái. Tôi nghe mà khâm phục quá chừng. Chỉ có người nhái mới trốn thoát được từ một bãi tắm dơ bẩn, nước cạn, và bơi lặn tránh được đôi mắt cú vọ của tên công an lăm lăm súng cầm tay canh gác.

Số là anh lặn một hơi xa bãi tắm và ngoi đầu lên, bơi đi thật xa trại giam, sau đó anh áp dụng những bài học trong chiến thuật mưu sinh thoát hiểm, sống lén lút chờ lúc thuận tiện sau khi lũ công an mệt mõi không còn ruồng bắt anh nữa, sẽ dù về Sai Gòn.Vào cuối ngày thứ ba, chờ đến lúc trời tối, anh lần mò vào trong thôn xóm và quyết định vào ẩn náu tại một ngôi chùa. Anh ta nghĩ rằng nơi cửa Phật anh sẽ được giúp đở, nên đã khôn ngoan tìm đến một ngôi chùa mà không dám vào nhà dân chúng. Ngờ đâu nhà sư trụ trì lại là một ông “thầy cúng” thuộc phái Cổ Sơn Môn chứ không phải là một vị chân tu. Ông ta là sư quốc doanh nên đã tố cáo “Người Nhái” với công an, và anh một lần nữa lại vào tù. Lúc tôi bị bắt giam tại huyện Trà Ôn thì vị sĩ quan nọ đã bị đưa đi một trại giam khác.Tôi tin rằng anh ta đã vượt thoát cảnh lao tù vì trại giam tù vượt biên không thể nào giam giữ một người bản lãnh như anh.Tôi thầm cầu mong như thế!

Trại giam Trà Ôn là một dãy ba căn phòng kế liền nhau nằm ở sân sau một ngôi nhà. Phần trước của ngôi nhà là văn phòng làm việc của công an, và nơi ăn ngủ của chúng. Phòng giam không có cửa sắt mà chỉ là một cánh cửa mở ra một cái sân nhỏ có bể nước và mấy cái bếp để tù nhân nấu nướng. Cửa phòng giam không cần đóng vì muốn trốn trại giam, tù nhân phải đi qua văn phòng của lũ công an, một điều không thể thực hiện được. Tôi đã nghĩ chuyện trốn trại vì vào giấc trưa, tù nhân đều ngủ, tôi có thể lẻn ra khỏi phòng, trèo tường nhảy sang nhà sau lưng trại giam và ra bến xe đi về Vĩnh Long rồi từ đó về Sài Gòn. Nhưng nghe kể chuyện dân Trà Ôn đều theo Việt Cộng như trường hợp nhà sư hổ mang nên tôi nghĩ khó thoát được và đành chấp nhận cảnh cá chậu chim lồng một thời gian chờ dịp cao chạy xa bay vì nghe các tù nhân dân địa phương cho biết rằng tù vượt biên chỉ bị giam giữ ngắn hạn tại đây rồi sẽ được chuyển về các nông trường làm lao động.

Một tháng sống trong tù, chịu đủ mọi khổ nhục, kể cả việc bị cùm chân một tuần lễ không đựoc tắm rửa, cùng đi, cùng đứng, cùng nằm, cùng ăn, cùng ngủ, cùng tiêu, tiểu chung với hai anh tù khác bị cùm chân cùng với tôi trên một thanh sắt dài có ba cái khoen vừa ôm trọn cổ chân một người gầy ốm. Anh chàng nào mập, cổ chân lớn, nếu bị cùm như thế này chắc chẳng mấy chốc mà cổ chân sẽ bị thúi thịt, thành người tàn phế. Mỗi lần đi tiêu chung, mùi hôi thối xông lên nồng nặc, thật là một cực hình. Những lần như thế, tôi phải tập trung tư tưởng nghĩ đến cây thiết bảng của Tề Thiên Đại Thánh trong truyện Tây Du.Tôi bị cùm chân vào thanh sắt mà tưởng tượng rằng mình đang múa thiết bảng đánh lũ ma quỷ trên đường đi Tây Thiên thỉnh kinh. Có như vậy mới không ngửi mùi xú uế nồng nặc của bạn tù đang bài tiết. Kể ra tôi cũng giàu trí tưởng tượng thật!

Hành hạ tù nhân bằng đủ mọi cách như đánh đập, tra tấn dã man, nhưng tối thứ Bảy nào, lũ bò vàng công an cũng bắt tù nhân làm văn nghệ, trình diễn ca nhạc kịch. Phòng giam của tôi có một anh chàng tù địa phương chẳng biết vì tội gì, mặt mày sáng sủa, mập mạnh, bụng bự. Anh ta xưng nghệ danh là Phùng Bự và tối thứ Bảy nào cùng chỉ hát một ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn, bài “Ngợi ca quê hương”. Tôi vẫn còn nhớ điệp khúc:

“Quê hương tôi con gái áo bà ba gánh mạ non. Câu ca dao trên lúa, bốn ngàn năm hơn vẫn còn. Còn ruộng đồng, còn quê hương. Còn giọng hò, còn yêu thương. Xin chấp tay lên nguyện cầu, tất cả hảy còn với tôi.”

Lại còn một cặp tài tử khác, một anh chàng cao lớn khiến tôi liên tưởng đến nhân vật Vọi trong truyện Trống Mái của Khái Hưng và một anh bé loắt choắt nhưng giọng ca thật mùi như ca sĩ nhà nghề. Cuối tuần nào, họ cũng hóa trang, vẽ râu ria, đầu chít khăn, quần xắn lên, ống cao, ống thấp, hai người trình diễn tuồng “Tiếng hò sông Hậu”, và thủ nhiều vai khác nhau rất nhà nghề và thật đam mê, nhập hồn vào vai trò của tuồng hát.

o O o


Sau một tháng tạm giam tại Trà Ôn, cùng với một số tù nhân khác, tôi được đưa về nông trường trồng dừa Long Toàn thuộc tỉnh Vĩnh Bình. Đấy, quý vị đã tin tôi chưa? Từ Vĩnh Long nay lại về Long Toàn, tôi tuổi con rồng nên gặp toàn chữ Long trên bước đường phiêu lãng! Ở Long Toàn, tuy vẫn mang thân phận tù nhân, nhưng chúng tôi được hưởng một không gian khoảng khoát, rộng lớn. Chúng tôi được ngủ trên những chiếc giường làm bằng cây chà là, vạt giường cũng làm bằng những cành cây chà là kết lại với nhau chứ không phải nằm trên sàn gạch như ở Trà Ôn. Ngoài giờ đi lao động trong rừng, hay đào kênh thủy lợi, chặt cây chà là mang về trại, chúng tôi được đi lại trong khuôn viên trại, khá tự do, hưởng được không khí trong lành vì đây là một nông trường kiêm trại giam.



Chúng tôi có thể tự nấu nướng, ăn uống bằng lương thực khô và tươi bán ở một quán hàng ngay trước cổng trại. Nông trường nằm bên một con sông xa cách phố thị nên khó có thể đào thoát vì vậy mà việc canh phòng có vẽ lơ là. Tôi muốn trốn tránh lao động cực nhọc vì phải vào rừng đốn chà là và phải đi đào kinh thủy lợi nên một hôm tôi xuống phòng y tế khai bị bênh trĩ và xin thuốc. Gặp một anh tù y tá tốt bụng, tôi tả oán về sức khỏe yếu kém, anh ta hỏi tôi có biết về thuốc men không. Nghe tôi nói vanh vách tên thuốc trị các bệnh thông thường, anh đề nghị sẽ xin cho tôi về làm phụ tá cho anh và bảo tôi khai là ngoài đời tôi làm y tá. Nếu được chấp thuận làm y tá phụ, hằng ngày, ngoài công việc trực tại phòng y tế, tôi chỉ phải làm những công việc lặt vặt vệ sinh trong trại.Tôi ngần ngại nói rằng tôi không biết chích thuốc, sợ lộ tẩy. Anh cười bảo tôi:

- Bộ anh tưởng tôi cũng là y tá ngoài đời à?

- Ủa, thế anh làm gì? Mà sao anh biết thuốc và chích thuốc.

-Tôi cũng như anh, chỉ biết vài ba tên thuốc trị bệnh thông thường. Còn chích thuốc thì dễ thôi, tôi chỉ việc tuột quần bệnh nhân, chích vào mông. Chích thịt, vô tội vạ, không có gì nguy hiểm cho bệnh nhân. Tôi chưa bao giờ chích gân nên rất an toàn và do đó tôi chưa bị lộ tẩy.

Nghe anh ta nói như chuyện đùa, tôi bỗng liên tưởng đến câu chuyện: Thịt chích thịt nên duyên vợ chồng mà không khỏi cười thầm.

Thế là từ hôm đó, tôi lên chức y tá phụ, giúp y tá trưởng của nông trường. Cũng may, (hay là không may!) trong nông trường không có y tá, hay bác sĩ thứ thiệt. Hằng ngày tôi quét dọn trại giam cùng với các tù nhân khai bệnh không đi lao động, sau đó vào trực tại phòng y tế, khám bênh cho tù và cho thuốc, chỉ một vài thứ thuốc đau đầu, nghẹt mũi, đau bụng, vv… Dễ như ăn ớt! Lương tâm không hề cắn rứt! Công việc khá nhàn, chỉ khổ nhất là phải quét dọn cầu tiêu. Đúng tôi là số “địa long”! Trong số các bệnh nhân của tôi (Hách thật! Cứ như là bác sĩ chính cống, đệ tử của Hippocrate!) có một anh chàng Việt Nam gốc Tàu, con nhà giàu, dư tiền lắm bạc nên chơi xì ke, và bị cha mẹ gửi vào trại giam nhờ công an dạy bảo. Hắn cao và có lẽ trước đây có da có thịt nhưng bây giờ chỉ là một bộ xương, răng bị rụng gần hết, mặc dù tuổi chỉ chừng hơn đôi mươi chút ít. Nguyên là cầu thủ bóng rỗ nên trông cũng còn đôi nét thể tháo gia. Hắn chuyên trị bài “Mùa thu lá bay”, giọng hát khá truyền cảm. Lúc nào khai bệnh không đi lao động là đến phòng y tế đấu láo với tôi và hát “Mùa thu lá bay” cho tôi nghe.

Tôi còn là “ân nhân” của một thanh niên quê ở Quy Nhơn, Bình Định, chẳng biết bị tội gì phải đi tù. Hắn bị kiết lỵ và tôi đã cho hắn mấy viên thuốc kiết Stovarsol mà vợ tôi gửi cho tôi phòng khi bị bệnh vì biết rằng ở nông trường chỉ có Xuyên tâm liên, thuốc trị bá bệnh của Việt Cộng. Thế là anh chàng cùng quê hương với anh hùng áo vải Tây Sơn đã trở thành thân thiết với tôi.Hắn là tù nhân “con bà phước”, không có thân nhân thăm nuôi nên tôi đùm bọc hắn, và hắn làm “anh nuôi” lo phần nấu nướng cho tôi.Tôi đưa tiền nhờ hắn ra quán hàng trước cổng trại để mua thực phẩm khô hoặc là vịt trong một trại nuôi vịt gần đó để về trại nấu nướng, chúng tôi cùng ăn.

Vì làm công tác quét dọn cầu tiêu, nên tôi đã nghĩ ra kế hoạch vượt trại. Dãy cầu tiêu nằm sau lưng trại chỉ có một hàng rào kẽm gai thấp ngăn cách trại với một cánh đồng hoang và xa xa là một rừng cây.Tôi rủ thằng “đệ tử” của tôi bới theo một ít cơm và thức ăn rồi một buối sáng nào đó, lúc trại chưa thức giấc, hai thầy trò sẽ giả vờ bị tháo dạ, đi thăm lăng Bác sớm, rồi vượt qua hàng rào chạy xuyên qua cánh đồng và trốn vào rừng chờ đêm tối sẽ lần mò ra bến xe đò. Kế hoạch trốn trại thật đơn giản! Than ôi, số tôi còn lận đận chốn lao tù! Vào đúng ngày N, giờ G, hai thầy trò tôi ra cầu tiêu công cộng tính tìm đường vượt trại thì trên cánh đồng hoang, lều trại mọc lên san sát. Thì ra, ngày hôm trước, chẳng biết để kỷ niệm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước hay ngày các tổ sư cộng sản lìa đời, hay là kỷ niệm vớ vẩn gì đó mà dân các huyện chung quanh tổ chức cắm trại và dĩ nhiên có canh gác hẳn hoi.Tù nhân như chúng tôi khó thể trà trộn vào để trốn trại.Vậy là tiếp tục cuộc sống cá chậu chim lồng!

Tuy nhiên, nghĩ đi rồi nghĩ lại, tôi thường hay có quý nhân phò trợ! Ở nông trường Long Toàn chưa đầy hai tháng thì tôi được một bạn tù giới thiệu một “tuyau” giúp tù trốn trại. Tôi chỉ phải trả 20 ngàn, tôi nhớ vào dạo đó số tiền này tương đương với ½ cây vàng.Thế là tôi liều, và không cân nhắc “tuyau” thật hay bịp, nhắm mắt theo người môi giới, một cán bộ làm việc trong nông trại. Tôi nhắn vợ tôi lần thăm nuôi sắp tới đem vào cho tôi 20 ngàn tiền Hồ râu, nhớ kiếm tiền mệnh giá cao để dễ cất dấu.Vợ tôi gom góp tài sản và vay mượn bà con được 20 ngàn để vào trong một cái ruột tượng mang vào cho tôi để tôi mang quanh bụng, che giấu tai mắt của mọi người. Tôi phải năn nỉ mua lại của một thằng Tàu con cái áo khoác ngoài vải kaki màu xanh, và suốt ngày mặc áo ấy bên ngoài áo sơ mi để che cái ruột tượng dày cộm quấn quanh bụng.

Một tuần sau khi có tiền, tôi được người môi giới hẹn ngày ra đi. Một buổi trưa anh ta bảo tôi ra cổng trại đến quán hàng bán thực phẩm khô trước cổng trại và nếu thấy anh ta ra khỏi quán thì cứ tự nhiên đi theo anh vì anh bộ đội gác cổng trại là người của anh ta. Tôi theo anh ta đi đến bờ sông và vào một lùm cây ven sông. Đến đây, tôi mới biết là cùng với tôi có hai bạn tù khác cũng trốn trại. Chúng tôi phải đưa tiền ngay cho anh ta sau khi núp vào lùm cây khá kín đáo, người đi trên đường không thể nhìn thấy chúng tôi. Anh ta vội vã ra về và bảo chúng tôi ngồi chờ người đến đưa chúng tôi đi.Tôi nghĩ hết chín mươi phần trăm là chúng tôi bị lừa bịp, mất toi tiền mà lại còn bị bắt lại, và chịu hình phạt kỷ luật khổ hơn con chó như chúng tôi đã từng mục kích. Tù nhân bị phạt kỷ luật phải nằm trong một cái chuồng chó chỉ vừa người chui lọt. Ra vào phải bò, chiều cao của chuồng chó không đủ để một người ngồi. Trừ thời gian đi lao động và ăn uống, tù nhân bị kỷ luật phải nằm trong chuồng chó, chật hẹp, ngột ngạt và nóng như lò lửa. Thế nhưng, lúc trời tắt nắng, một anh chàng mặt mày trông thật cô hồn, ló mặt vào bụi cây nơi chúng tôi ẩn núp:

-Tụi bây trốn nông trường phải không? Ngồi im!

Không thể nào mô tả được nỗi chán chường và tuyệt vọng của tôi lúc bấy giờ. Không biết nhờ một mãnh lực vô hình nào mà tôi thật bình tỉnh. Tôi đưa mắt nhìn anh bạn tù, một thiếu úy Biệt Động Quân khỏe mạnh đẹp trai và một sinh viên trẻ, hai người cùng cảnh ngộ với tôi và chúng tôi vừa trao đổi tâm sự trong lúc chờ ngưòi đến đưa chúng tôi đi trốn trại giam nên đã biết lý lịch của nhau. (Rất tiếc là chúng tôi đã không hỏi tên nhau vì thấy không mấy cần thiết, nên bây giờ viết lại câu chuyện này tôi đã không biết anh chàng mũ nâu ngày xưa, nay lưu lạc chốn nào.) Ước mong một cơ duyên nào đó cho anh bạn tù năm xưa đọc tập san Biệt Động Quân và nhớ đến tôi để gặp lại nhau hàn huyên, ôn nỗi đọan trường thì vui biết mấy.)

Tôi vốn có máu liều và anh hùng vặt vì tiêm nhiễm mấy cái truyện võ hiệp tôi vốn ghiền từ lúc học tiểu học, với lại tôi cũng “dựa hơi” phần nào vào anh chàng sĩ quan Biệt Động Quân nên tôi ngầm ra hiệu là cả 3 đứa chúng tôi phải làm thịt thằng Viêt cộng này rồi tìm đường chạy trốn, chứ không thể để chúng bắt giam trở lại.Tôi không biết hai anh bạn tù có hiểu ý tôi không và có đồng ý với giải pháp của tôi không nhưng tôi cứ lết lại gần tên Việt Cộng định ra tay ôm đại hắn bằng một thế Nhu đạo na ná kiểu “kim kê áp noãn” tức là “gà vàng ấp trứng” ( Thế võ này mà truyền lại cho mấy anh chàng “Gay” trên San Francisco thì chắc là ăn tiền!) Tên Việt cộng hình như biết tôi định làm liều nên hắn né ra xa và trừng mắt quát bảo:

- Ba thằng tụi bay theo tau xuống thuyền, nhanh lên kẻo không kịp.

Tên Việt cộng nói với chúng tôi, giọng điệu bỗng dưng hòa dịu chứ không đầy vẽ đe dọa như lúc ban đầu. Tạ ơn Trời Phật! Hóa ra là phe ta! Chúng tôi líu ríu theo anh ta bước xuống một chiếc ghe nhỏ neo khuất sau lùm cây. Ghe đi chừng hơn một tiếng đồng hồ trong nỗi lo sợ phập phòng của chúng tôi thì anh chàng chèo ghe cặp vào một bến sông sau lưng một ngôi nhà khá lớn. Chúng tôi được đưa vào nhà, bắt ngồi im lặng trong một căn phòng nhỏ, đèn mờ mờ và được cho ăn một bửa cháo gà thật ngon. “Anh chàng phe ta” cho biết là khuya này lúc thủy triều lên, chúng tôi sẽ ra đi đến bến xe tỉnh Vĩnh Bình rồi từ đó đáp xe hàng về Vĩnh Long. Tưởng không còn gì phải lo lắng, chúng tôi nằm trong căn phòng kín chờ đến giờ xuất phát, thoát cũi sổ lồng. Đến nửa đêm, không biết là mấy giờ vì đồng hồ đeo tay đã bị tịch thu từ lúc vào trại giam ở Trà Ôn, chúng tôi được gọi xuống một chiếc ghe khá lớn có một người đàn ông lực lưỡng chèo ghe. Chúng tôi, ba thằng tù trốn trại phải nằm trùm “poncho” trong lòng ghe, nóng ơi là nóng, mồ hôi tuôn như tắm. Thỉnh thoảng nghe người chèo ghe đối đáp với những người trên các chiếc ghe gặp trên sông mà lòng hồi hộp lo sợ bị phát giác hành tung. Trên đường đi, đôi lúc ghe mắc cạn, chúng tôi phải nhảy xuống sông hì hục đẩy ghe cho trườn trên bùn và cát. Thằng nào cũng ói cháo gà ra ngoài vì quá mệt. Người chèo ghe thì luôn miệng thúc hối chúng tôi phải cố gắng để đến chợ cho kịp lúc trời chưa sáng, sợ công an bắt gặp xét hỏi giấy tờ lôi thôi vì chúng tôi chẳng thằng nào có một mãnh giấy lận lưng.

Thế rồi lúc tờ mờ sáng, người chèo ghe ghé vào bờ và chỉ đường cho chúng tôi đến một ngôi chợ gần đó, ngồi chờ trời sang, lấy xe đò về Vĩnh Bình. Đây là một cái chợ nhỏ thuộc một làng mà dân cư đa số là người Miên. Chúng tôi, mỗi thằng kiếm một chỗ vắng vẻ ngồi nép mình trong bóng tối chờ bình minh, phó mặc cho rủi may. Lúc những người buôn bán lục tục dọn hàng ra chợ, chúng tôi vào một quán cóc gần bến xe, ngồi uống cà phê và chờ xe đò rời bến. Đeo được lên xe thật là một kỳ công vì xe nhỏ mà khách lại đông. Chúng tôi không dám ngồi trong xe vì sợ đến các trạm kiểm soát bị xét giấy tờ. Chúng tôi đeo tòn teng vào đuôi xe như anh chàng lơ xe và mỗi khi xe dừng ở trạm kiểm soát là chúng tôi nhảy xuống xe và tà tà đi bộ qua khỏi trạm rồi lại nhảy lên đeo ở vè xe. Cứ thế cho đến bến xe Vĩnh Bình mới thở dài thoát nạn vì hành khách xe đò ở thành phố lớn không bị kiểm soát giấy tờ. Xe chạy một mạch đến Vĩnh Long. Chúng tôi mua vé xe về Sài Gòn trong niềm hân hoan đã tìm lại được tự do sau những tháng ngày tù tội.

Tôi có ông bạn tù, quen nhau từ hồi ở trại giam Trà Ôn, và cùng về Long Toàn một chuyến với tôi. Tôi rủ ông ta trốn trại nhưng ông ta không có máu liều như tôi nên đắn đo suy nghĩ sợ bị lừa bịp. Ông ta nhờ tôi, nếu trốn thoát thì về nhà ông, tin cho vợ ông biết để bà đem tiền vào trại lo cho ông trốn như tôi. Kể ra ông ta khôn ngoan thật, muốn tôi dò đường trước cho ông. Tôi làm theo lời ông, đến gặp vợ ông. Bà ta thấy tôi thì tiếc hùi hụi cứ than thở mãi tại sao chồng bà không chịu theo tôi để sớm được tự do. Vài tuần sau đó, tôi đến nhà ông bạn để xem ông ta đã về nhà chưa thì bà vợ khóc lóc bảo là đường dây trốn trại bị lộ, chồng bà ta và một số tù nhân khác bị bắt lại và chịu hình phạt kỷ luật, bị cạo trọc đầu, đánh đập tàn nhẫn và nhốt chuồng chó.

Tuy tôi không hiểu ý nghĩa của hai chữ Long Toàn nhưng đoán rằng có lẽ là Long Tuyền tức là suối rồng nhưng vì chữ tuyền khó phát âm nên người dân ở đây gọi là Long Toàn. Tôi tuổi con rồng nên gặp suối rồng thì được nhiều may mắn hơn ông bạn tù của tôi là phải đạo lắm rồi. Vì nghĩ vậy nên định cư tại Mỹ, có một dạo, vợ chồng tôi sang một nhà hàng nho nhỏ có tên là Dragon Restaurant, chuyên bán thức ăn trưa, tưởng đâu làm ăn phát đạt vì trùng hợp ngẫu nhiên nhà hàng cũng tên là “Rồng”.Ai ngờ kinh doanh thất bại, lỗ sặc gạch, phải bỏ của chạy lấy người. Nghĩ lại thấy thua là phải vì ở Mỹ làm gì có rồng như trên quê hương ta, họa chăng là chỉ có Long Beach nhưng Long Beach dịch ra tiếng Việt Nam ta chắc không phải là Long Hải gần Vũng Tàu vì vậy mà tôi đâu dám định cư tại thành phố có chữ Long này.

Tôi không thể nào quên được địa danh Long Toàn một huyện của tỉnh Vĩnh Bình giáp ranh Cao Miên, nơi tôi từng lưu lại trên con đường vượt biên. Đôi lúc tôi nghĩ rằng tôi phải về lại nơi đó để xem giòng đời đã thay đổi ra thế nào một nơi chốn cũ tôi đã từng sống và có nhiều kỷ niệm khó thể phai mờ trong tâm khảm. Tôi muốn đến Long Toàn để nói với người dân Long Toàn rằng tôi đã từ đó ra đi và đã tìm thấy tự do và tôi muốn họ chia xẻ với tôi niềm hạnh phúc tôi đang có và tôi cầu mong một ngày nào đó họ cũng sẽ hưởng được cái tự do mà họ hằng ao ước như tôi chứ không phải cái tự do bánh vẽ mà nhà nước Việt cọng đang lừa bịp họ bằng hoa ngôn, xảo ngữ. Tôi cũng muốn về lại Long Toàn để tìm lại những “người xưa” đã giúp tôi thoát chốn lao tù vì dù sao thì họ cũng là những người có lương tâm, đã lấy tiền của tôi và giúp tôi hẳn hoi chứ không lừa bịp chúng tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi cảm ơn họ rất nhiều. Biết làm sao gặp được họ? Lúc nào mới được về thăm lại Long Toàn! Làm sao gặp lại được anh chàng sĩ quan Biệt Động Quân và bà chị của anh ta mà tôi nhớ hình như đã gặp trong lúc cô ta đi “thăm nuôi” cậu em. Lúc bấy giờ có vợ tôi bên cạnh mà tôi cũng “nghía” cô ta thì cô ta đẹp là cái chắc rồi, khỏi cần phải ngôn! Âu là chỉ chờ một chữ”Duyên”!

Hoàng Đức
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn