BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện về hơn 100 bộ hài cốt chiến sĩ VNCH bị lãng quên (Kỳ cuối)

25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 3602)
Chuyện về hơn 100 bộ hài cốt chiến sĩ VNCH bị lãng quên (Kỳ cuối)
53Vote
433Vote
30Vote
20Vote
186Vote
1.9122

"Sống khôn, chết thiêng... "


QUẢNG NAM - Đầu tháng 4 năm 2009, sau hơn ba mươi năm im ngủ trong lòng đất mẹ, những người lính VNCH tưởng đã đi vào quên lãng bỗng dưng sống dậy trong ký ức của nhiều Phật tử chùa Dương Lâm.



Có lẽ, người được nhắc đến đầu tiên, người khơi mào câu chuyện cũ lại là người còn rất trẻ, một nhà ngoại cảm nữ lên thăm chùa và bắt đầu bàn với nhiều Phật tử khác về chuyện bốc mộ, quyên góp tiền, công sức xây dựng cho những chiến sĩ VNCH được mồ yên mả đẹp.

Nhiều người trong chùa hưởng ứng lời kêu gọi của cô, cuộc vận động quyên góp bắt đầu. Con số quyên góp được không nhiều, chừng vài mươi triệu đồng. Nhưng mọi người quyết định có bao nhiêu tiền làm bấy nhiêu, tùy duyên mà thực hiện.

Ngày 1 tháng 4 năm 2009, sau lễ chiêu linh, sau những hồi chuông chiêu cảm của chư thầy và các Phật tử chùa Dương Lâm, những đoạn xương, những bộ hài cốt được đưa lên mặt đất, an quách và đưa đến khu nghĩa trang tập thể của chùa, nằm trên lưng ngọn đồi Phú Ninh, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra lòng hồ nước xanh.

37 ngôi mộ mới (trong đó có 3 mộ đôi) an tọa trên lưng đồi, nơi mà trước đây ba mươi mấy năm, những người nằm dưới mộ kia, có người được mệnh danh là ‘con hổ rừng già’. Họ nằm im nghe tiếng gió núi và lời thầm thì của đại ngàn sau cơn binh biến, sau những tử sinh và cô đơn.

Vẫn còn nhiều đồng đội của họ nằm sót lại sau lưng chùa, trên những nương khoai mì vắng lạnh...

Về báo mộng

Và, sau lần di dời ấy, nhiều Phật tử trong nhóm bốc mộ nằm mơ thấy những người lính trở về. Câu đầu tiên họ nói là lời cám ơn gửi đến những ân nhân đã đưa họ đến nơi khô ráo, yên tĩnh và thơ mộng.



Sau đó, nhiều lần báo mộng khác, họ cho biết rằng trong số họ, có người thèm ăn ớt xanh với mì quảng, có người thèm khoai lang luộc, có người thèm hút thuốc lá, có người thèm một chai bia, có người nhớ quê mà lâu quá không được về nhà bởi không có tiền mãi lộ... Cũng có người than lạnh quá bởi ngôi mộ mới của họ bị trống chân...

Vậy là các Phật tử lại họp nhau, mua những thức quà mà họ đã báo mộng rằng họ đang cần, mang lên khu mộ mới để cúng kính, dâng tặng.

Ngạc nhiên nhất là người Phật tử nằm mộng thấy người lính chỉ ngôi mộ của mình nằm ngoài bìa khuôn viên nghĩa trang mới bị lạnh chân. Khi anh đến cúng thì phát hiện ngôi mộ đó bị lở đất do mưa núi. Anh đắp đất lại thì tối đó về nằm mộng thấy người lính ấy về cám ơn và hứa sẽ tặng một món quà...

Những hài cốt còn nằm lẩn khuất đâu đó trong khuôn viên chùa, chưa được di dời lên nghĩa trang vẫn là nỗi canh cánh trong lòng những Phật tử Dương Lâm.


Danh tính các chiến sĩ mà chùa Dương Lâm hiện có: 1. Nguyễn Minh - SQ 75- 211355 - Trung Đoàn 5/SĐ2 2. Nguyễn Văn Tôi - SQ 75 - 151704 - Trung Đoàn 5/SĐ2 3. Nguyễn Ban - SQ 73 - 213952 - Trung Đoàn 5/SĐ2 4. Nguyễn Chí Thanh - SQ 704 - 2744 5. Nguyễn Thị Phụng 6. Nguyễn Thanh (A) 7. Hoàng Thắng Tài 8. Nguyễn Văn Trị 9. Trần Công Tranh 10. Phan Văn Ẩn 11. Nguyễn Văn An 12. Phan Văn Ảnh 13. Nguyễn Tấn Ca 14. Lê Văn Nghĩa 15. Đinh Văn Nhiên 16. Nguyễn Văn Dũng - Nguyễn Tấn Tài (Mộ đôi) 17. Nguyễn Thành Danh. Và một số mộ đơn, mộ đôi khác có bia “vô danh”.


Qui tập lần 2, những báo mộng mới...

Đầu năm 2011, Đại đức Thích Pháp Tánh về nhậm trụ trì chùa Dương Lâm. Việc đầu tiên của thầy làm là kêu gọi các Phật tử cùng thầy góp công sức, tiền của để tiếp tục di dời, cải táng cho những hài cốt còn sót lại trong khuôn viên chùa.



Lời kêu gọi của vị sư trẻ 24 tuổi đã nhanh chóng được hưởng ứng, đợt qui tập mộ lần 2 được thực hiện sau đó không lâu.

Nhưng, điều làm cho vị sư trẻ cùng những Phật tử buồn nhất lại là những hài cốt đã bị lưu lạc trong lòng đất. Nếu như những ngôi mộ đôi, những hố chôn đôi vẫn còn nguyên vẹn (bởi lúc chôn được phân công theo từng đội hoặc cá nhân, chính vì vậy mà có hố chôn cả mấy chục chiến sĩ, có hố chỉ chôn một hoặc hai người) nhưng những hố cá nhân và tập thể, khi đào lên thì hỡi ôi, không còn đầy đủ hoặc không còn gì cả!

Thầy Pháp Tánh tâm sự: “Có lẽ do trải qua một giai đoạn nghèo đói chung của cả nước, người dân có lúc thi nhau đi rà phế liệu, họ đào lên và lấy nhiều thứ, trong đó có những thứ quí giá vô cùng nhưng lại được bán với giá rẻ mạt, mua chưa được một ổ bánh mì, đó là tấm thẻ bài. Tính ra, hơn một trăm tấm thẻ bài mất đi, chưa tới một trăm ổ bánh mì theo thời giá hiện tại nhưng cái mất mát lại là danh tánh của người chết vĩnh viễn không còn...!”

Cũng chính vì có những ngôi mộ đôi, khi đào lên, không còn thẻ bài, chỉ còn sắc phục và dây thắt lưng (ra gió chừng 5 phút là tan rã, không còn gì nữa), mà phần đầu và phần mình lại nằm chéo nhau, rất khó để phân biệt mình của ai, đầu của ai nên các Phật tử không dám tách thành hai mộ mà vẫn giữ nguyên mộ đôi khi về nơi qui tập mới.

Lại có cả chuyện nhiều hố chôn đơn, khi đào lên chỉ thấy bộ xương thân hình nhưng không tìm thấy đầu, mọi người lo lắng và hoài nghi... Quàng tạm trong nhà linh ở chùa để đào tiếp thì tối đó, người lính về báo mộng, chỉ vị trí đầu mình nằm cách nơi gần hố chôn chừng vài mét. Sáng mai, ra đào, đúng y như giấc mộng.

Cuộc cầu siêu và những giấc mộng lành...

Sau cuộc qui tập lần 2, nỗi canh cánh vẫn còn đó, chỉ có 27 hài cốt được tìm thấy, như vậy có nghĩa là còn nhiều người vẫn nằm lạnh trong vườn chùa.

Nhưng dẫu sao cũng ít nhiều an lòng người sống và ấm lòng người khuất phần nào. Những giấc mộng vẫn còn quanh quẩn trong nội dung đói, lạnh, thèm ăn, nhớ quê, nhớ người thân, bơ vơ lạc lõng...



Thầy Pháp Tánh họp các Phật tử một lần nữa, bàn kế hoạch tổ chức Trai đàn chẩn tế - Cầu siêu bạt độ cho những vong linh chiến sĩ trận vong.

Ngày 27, 28, 29 tháng 7 Âm lịch năm nay (26, 27, 28 tháng 8 năm 2011), một đại lễ Trai đàn chẩn tế - Cầu siêu bạt độ cho tất cả được tổ chức trong khuôn viên chùa Dương Lâm.

Dường như từ đó đến nay, thỉnh thoảng, những giấc mộng của các Phật tử Dương Lâm được thấy vui hơn, các vị chiến sĩ báo mộng xin thuốc lá để hút chứ không còn lạnh và cô đơn như trước đây.

Thay cho lời kết của bài viết này, xin trích lời một Phật tử: “Tôi là người nằm mộng thấy họ về nhiều nhất. Bây giờ họ vui vẻ hơn nhiều. Nhưng có một điều, dường như nỗi nhớ nhà, nhớ người thân vẫn là nỗi thao thức lớn nhất của các linh hồn. Đã ba mươi mấy năm họ chưa được gặp lại người thân! Phần lớn họ nói giọng miền Nam, và họ rất muốn về quê!”

Vẫn còn nhiều bộ hài cốt nằm trong khuôn viên chùa Dương Lâm chưa được di dời. Qua thời gian, xê dịch địa tầng, đào sắt và mưa lũ, rất có thể, sự nguyên vẹn là hy hữu. Nhưng dù sao vẫn cần đến một cuộc qui tập đầy đủ để ấm lòng người đã khuất.

Liêu Thái/Người Việt
Ý kiến bạn đọc
17 Tháng Ba 20127:00 SA
Khách
Hiu hiu gió thoảng ngon cây Ấy...hồn con trẻ về thăm quê nhà Anh hùng tử khí hùng bất tử!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn