BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện về hơn 100 bộ hài cốt chiến sĩ VNCH bị lãng quên (Kỳ 2)

24 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 3126)
Chuyện về hơn 100 bộ hài cốt chiến sĩ VNCH bị lãng quên (Kỳ 2)
523Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
523

Kỳ 2: Trận đánh long trời lở đất.


QUẢNG NAM - “Trung Đoàn 5 - Sư Đoàn 2, một trung đoàn nổi tiếng có những người lính quả cảm, đánh đồn xuất quỉ nhập thần bởi họ được đào tạo bài bản từ kiến thức địa lý, kiến thức quân sự, chính trị, văn chương cho đến võ thuật, phương cách sử dụng vũ khí...



Họ được mệnh danh là 'Những con hổ rừng già'... - Ông K., người tham gia trận đánh nhưng thoát chết, trầm ngâm nói.

Theo dòng ký ức ông K., “phần lớn những người lính trong Trung Đoàn 5 có gốc gác miền Nam, do thuyên chuyển, họ về Quảng Nam. Lý do chính để họ có mặt ở đây là vì phần lớn quân Bắc Việt nằm vùng ở Quảng Nam có cách đánh du kích, bắn tỉa khá thiện xạ và hơn hết là cơ số lính đặc công ở đây khá lớn.”

Kể lại trận đánh, ông K. cho biết:

“Bắt đầu từ rạng sáng ngày 20 tháng 3 năm 1975, phần lớn các tuyến phòng thủ của Vùng 1 chiến thuật đã lung lay, quân Bắc Việt tràn vào ngày một nhiều. Ngày 21 tháng 3, nhiều tuyến phòng thủ Quảng Đà (tên gọi cũ) đã rạn nứt.



“Ngày 22 tháng 3, nhiều binh chủng rút quân từ núi ra biển, thoát lên tàu. Có một số đơn vị bị mắc kẹt do có quá nhiều lính bị thương và họ vẫn muốn tiếp tục chiến đấu bảo vệ vòng đai chiến sự của mình.

“Trường hợp nhóm chiến sĩ thuộc Trung Đoàn 5 - Sư Đoàn 2 là một điển hình của tinh thần chiến đấu này. Thay vì rút quân về phía biển, họ tiếp tục trụ lại khu vực thôn Dương Lâm để chiến đấu.”

Ngày 23 tháng 3, có thêm một nhóm chiến sĩ khác thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tiến về thôn Dương Lâm, hợp với nhóm chiến sĩ Trung Đoàn 5.

Cũng trong ngày 23 này, có thêm nhiều nhóm nhỏ chiến sĩ thuộc đơn vị khác (đã trúng thương) đưa thương binh vào chùa Dương Lâm nương nhờ vào sự bảo vệ của nhóm chiến sĩ Trung Đoàn 5 và nhóm vừa “tăng cường,” để các y tá chăm sóc cho các thương binh.

Ngày 24 tháng 3, lính Bắc Việt chiếm đồn 159 trên đỉnh đồi Phú Ninh, nằm phía Tây Nam, cách chùa Dương Lâm chừng 3km. Đồng thời, đồn 162 - Núi Cấm cũng bị chiếm trong ngày này.

Bốn phía là quân đối phương, nhóm chiến sĩ thuộc Trung Đoàn 5 và nhiều thương binh của các binh chủng bạn trong chùa Dương Lâm rơi vào thế cô lập hoàn toàn.

Phía quân Bắc Việt bắt đầu nã đạn vào chùa Dương Lâm. Các chiến sĩ VNCH chưa có phản ứng gì, họ tranh thủ đào hầm, đào hào và canh chừng, chưa nổ súng.

Đến chiều ngày 24 tháng 3, sau một ngày bắc loa kêu gọi đầu hàng nhưng không thấy động tĩnh nào, phía Bắc Việt bắt đầu nã súng vào khu vực khuôn viên chùa Dương Lâm.

Lúc này, có nhiều thương binh của VNCH đã treo áo lên nòng súng làm cờ trắng, ra trước sân chùa đầu hàng.

Nhưng khi họ bước ra đến sân thì tiếng súng bắn tỉa nổ đanh điếng, họ ngã quị.

Những người lính trong chùa bắt đầu nã súng dữ dội về phía đối phương, đẩy lùi quân Bắc Việt lên phía núi.

Chừng 3 giờ chiều, một người lính đặc công phía Bắc Việt mang lựu đạn bò vào chùa, vào đến giếng nước phía Đông sân chùa thì bị phát hiện và bắn chết.

Phía quân Bắc Việt hạ lệnh bắn xối xả B.40, B.41 vào chùa Dương Lâm. Trong bắn ra, ngoài bắn vào, trận pháo hai bên kéo dài chừng 3 giờ đồng hồ thì cả hai bên im hơi lặng tiếng.

Những người lính VNCH còn sống sót trong chùa bắt đầu rút ra khỏi chùa, luồn người dọc theo bờ rào trồng hoa râm bụt của chùa.

Lúc này, phía quân Bắc Việt ngồi trên những đồi cao quan sát và hạ tầm súng xuống ngang mặt đất, nhắm ngay vào bờ rào hoa râm bụt và nổ liên tục. Toàn bộ những người lính rút theo hướng bờ rào ngã xuống không sót người nào.

Còn một người duy nhất - ông K. (người chúng tôi không tiện nêu tên, đã trải qua tù cải tạo, hiện đang sống trong một huyện miền núi hẻo lánh ở Quảng Nam) - còn sống sót được nhờ băng ruộng phía bên hông chùa chạy thắng ra nhà dân, cải trang thành thường dân và rút về Tam Kỳ.

Lúc này, toàn bộ phủ lỵ Tam Kỳ đã treo cờ Bắc Việt.

Sau trận đánh hơn một tuần, không ai dám đi ngang qua khu vực chùa Dương Lâm bởi mùi máu và tiếng quạ kêu, đêm thì chim cú và mèo hoang. Nhưng sau đó toàn bộ người dân thôn Dương Lâm bắt buộc phải kéo nhau lên chùa để thu gom xác người và chôn cất.



Nói là chôn cất nhưng thật ra, lúc đó không ai dám bày tỏ lòng kính ngưỡng hay thương cảm đối với những người lính đã chết mà vốn trước đây có người còn là ân nhân của thôn vì quá sợ quân Bắc Việt.

Chính vì vậy mà sự chôn cất rất qua quýt, chôn để mà có chôn, tránh tình trạng thú vật ăn mất xác và mùi tử thi bay khắp thôn. Chôn không có vải bọc thi thể như những người lính trên bãi biển An Dương ở Phú Vang, Huế mà chỉ phân nhóm ra, đào một cái hố sâu chừng 1.5 mét, lùa toàn bộ xác người xuống đó và lấp đất lại.

“Vì sao tôi nói hơn 100 xác à? Vì lúc đó, số anh em chúng tôi, nhóm chiến sĩ thuộc Trung Đoàn 5, nhóm này tuy là thuộc Bộ Binh nhưng bên trong cơ cấu rất nhiều Biệt Động Quân, kể cả tôi, nhằm ứng phó chiến cuộc... còn lại sáu mươi hai người, cộng thêm với nhóm lính thuộc đại đội Thủy Quân Lục Chiến cũng ngót nghét 50 người, rồi các thương binh... Tính kiểu gì cũng ra trên 100 hài cốt, nếu không nói là 200, vì phần bị nã B.40 chắc chắn là không còn nguyên vẹn, phần nguyên vẹn nằm ở trên đường rút và sau vạt khoai mì, chừng 100 người” - Ông K. nói như đang thôi miên.



Câu chuyện của những người lính VNCH khép lại sau trận chiến một cách buồn thảm và bi tráng. Cái chết của họ cũng không được yên bởi phong trào đào sắt, rà sắt để cải thiện bữa ăn của nhiều người nghèo trong những năm tháng Việt Nam nghèo đói. Mộ tập thể bị quật lên nhiều lần để lấy thẻ bài, súng đạn, dây nịt...

Mãi cho đến sau này, khi Phật tử chùa Dương Lâm sinh hoạt thường xuyên hơn, kinh tế của họ cũng khá hơn, họ bắt đầu nghĩ đến những người đã khuất. Họ cùng nhau chung tiền, góp công, góp sức để bốc mộ và di dời những hài cốt lên núi.

Cũng bắt đầu từ lúc này, những câu chuyện về người lính năm xưa trở về linh hiển và bí nhiệm... (còn tiếp)

Liêu Thái/NgườiViệt

Đón đọc kỳ cuối: Sống khôn chết thiêng...
Ý kiến bạn đọc
15 Tháng Ba 20127:00 SA
Khách
Càng đọc càng hận mà! Thành kính tri ân các Anh - những người lính VNCH anh dũng. Cầu mong các Anh hãy yên nghỉ trong lòng Đất Mẹ VN, người dân Miền Nam luôn luôn ghi ơn và thương tiếc, những anh hùng VỊ QUỐC VONG THÂN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn