BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những giờ phút cuối cùng của Tướng Nguyễn Khoa Nam

11 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 1909)
Những giờ phút cuối cùng của Tướng Nguyễn Khoa Nam
53Vote
42Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.65
Tôi là Trung úy Lê Ngọc Danh, xuất thân Thủ Đức, đã tham dự các cuộc hành quân tại Trung Đoàn 10 Bộ Binh, bị thương nhiều lần. Cơ duyên tình cờ về làm tùy viên cho ông Tư Lệnh từ lúc còn ở Sư Đoàn 7 vào năm 1973 rồi đến cuối năm 1974 thì theo ông về Quân Khu IV tại Cần Thơ.

 Trong suốt thời gian làm việc gần tướng Nguyễn Khoa Nam, ông xem tôi như người nhà, đứa con trong gia đình, không bao giờ la rầy hay nặng tiếng. Tôi đã ở với ông cho đến giây phút cuối và xin kể lại từ tháng 4-1975 như sau:

 Tháng 4-1975

 Tình hình chiến sự vào tháng 4-1975 rất căng thẳng. Vùng 1, Vùng 2 đang đánh lớn còn Vùng 3 và 4 vẫn còn nguyên vẹn. Tư Lệnh đi họp liên tục, lúc thì ở Tổng Tham Mưu, ở Dinh Độc Lập gặp Tổng Thống, lúc ở Dinh Phó Tổng Thống. Thời gian còn lại, Tư Lệnh thường đến thăm các tiểu khu và sư đoàn trực thuộc, nhiều nhất là các tiểu khu Long An, Định Tường, Kiến Tường và Châu Đốc.

 Vào đầu tháng 4, Việt cộng tấn công mạnh, nhằm vào Quốc Lộ 4 thuộc hai tiểu khu Định Tường và Long An. Sư Đoàn 7 Bộ Binh chịu trách nhiệm khu vực Tiểu Khu Định Tường còn Sư Đoàn 22 Bộ Binh rút từ Vùng 2 về chịu trách nhiệm khu vực Tiểu Khu Long An.

  Vào buổi trưa, Tư Lệnh đến Tiểu Khu Long An để thị sát tình hình tại đây, VC đã pháo một quả hỏa tiễn 122 ly rơi xuống giữa cầu Long An nhưng không gây thiệt hại gì. Địch càng ngày càng tấn công mạnh dọc Quốc Lộ 4, Tư Lệnh ngày đêm đến các đơn vị hay gọi điện thoại khích lệ tinh thần chiến đấu của tất cả sĩ quan cùng binh sĩ. Tư Lệnh đã khen thưởng các đơn vị thuộc Vùng 4 vì không hề bỏ chạy trước địch quân, không để mất một căn cứ nên cho tới bây giờ VC vẫn không chiếm được một vị trí nào cả.

 Vào một đêm, địch pháo kích trên 10 hỏa tiễn 122 ly vào thành phố Cần Thơ, mục tiêu chính là Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV và tư dinh Tư Lệnh. Pháo địch xuất phát từ hướng Đông của Chi Khu Bình Minh thuộc Tiểu Khu Vĩnh Long, bay qua dinh Tư Lệnh rớt bên xóm nhà đèn cách dinh độ 300 thước, kết quả tổn thất nhẹ về phía dân chúng. 

 Tình hình càng ngày càng căng thẳng, dân chúng di tản bằng tàu thủy hay máy bay có nhiều chuyến chở về Quân Đoàn IV đổ dân xuống vùng Tri Tôn, Sa Đéc.

 Trong lúc này, công việc của Tư Lệnh rối bời vì lớp lo phòng thủ, lớp lo thăm viếng an ủi dân đã di tản về vùng ngoại ô. Thiếu Tướng ra lệnh các tiểu khu ra sức cứu trợ nạn nhân chiến cuộc. Tư Lệnh chỉ thị các đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Quân Đoàn IV và nhất là giữ gìn Quốc Lộ 4 đừng để VC cắt đứt. Tư Lệnh đặc biệt đến thăm Tiểu Khu Châu Đốc, đi bộ thăm vòng đai phòng thủ quy mô của tiểu khu. 

 Những ngày kế tiếp, Tư Lệnh họp liên tục với các tiểu khu và sư đoàn. Trong lúc tình hình hỗn loạn, nhiều máy bay trực thăng từ hướng Sài Gòn lũ lượt bay về phi trường Trà Nóc và một số bay ra hướng Phú Quốc.

 Sáng ngày 24 tháng 4, Tư Lệnh đi họp ở Bộ Tổng Tham Mưu. Qua sáng 25 tháng 4, họp ở Tiểu Khu Định Tường, trong phiên họp này có tướng Trưởng tham dự.

 Ngày 27 tháng 4, Tư Lệnh ra lệnh giới nghiêm, các đơn vị ở thế sẵn sàng chiến đấu, không được rời vị trí. 

 Sáng 28 tháng 4, Tư Lệnh tiếp cố vấn Mỹ tại văn phòng Tư Lệnh.

 Sáng ngày 29, Tư Lệnh vẫn đi bay thị sát, buổi chiều 29 về họp với tương Mạch Văn Trường ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh gần phi trường Trà Nóc. Trên đường về, tôi thấy dân chúng lao xao, nhớn nhác, chạy lung tung. Có người đi hôi của tại Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ rút đi bỏ lại, giấy vương vãi đầy mặt Đại Lộ Hòa Bình, quần áo, ly tách, đồ hộp, lon bia vất tứ tung.

 Áp lực địch vẫn đè nặng ở Quốc Lộ 4, Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Long An xin gặp Tư Lệnh báo cáo tình hình nguy ngập và xin giật sập cầu Long An. Tư Lệnh không cho và ra lệnh các đơn vị tiếp tục phòng thủ. Tư Lệnh viết nhật lệnh đưa Thiếu tá Đức, Chánh Văn Phòng chuyển đến phòng Chiến Tranh Chính Trị để đọc trên Đài Phát Thanh và Đài Truyền Hình Cần Thơ để trấn an dân chúng và anh em binh sĩ.

 Vào buổi chiều, tôi thấy được hình Tư Lệnh và kèm theo là bản nhật lệnh của ông, nội dung ngắn gọn nhằm trấn an dân chúng không được bạo động.

 Sau khi nghe đọc nhật lệnh trên TV, Tư Lệnh buồn buồn chấp tay sau lưng, đi tới đi lui trong phòng làm việc ở Bộ Tư Lệnh. Sau đó, Tướng Hưng, Tư Lệnh Phó vào gặp Tư Lệnh bàn luận về thời cuộc.

 Đêm 29, VC tấn công mạnh ở phi trường thuộc Tiểu Khu Vĩnh Bình. Địch đã nhiều lần đánh rát vào phi trường nhưng bị đẩy lui và thiệt hại nặng. Tư Lệnh bảo tôi gọi Trung tá Sơn, Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Vĩnh Bình để ông nói chuyện. Trong lúc VC tấn công mạnh vào phi trường, tiểu khu xin máy bay yểm trợ nhưng không có máy bay.

 Sáng sớm 30 tháng 4, Tư Lệnh bay xuống họp ở Tiểu Khu Định Tường. Cuộc họp chấm dứt nhanh chóng xong ông bay về Cần Thơ.

 Thành phố Cần Thơ sáng ngày 30 tháng 4 rất vắng vẻ, dân chúng và xe cộ thưa thớt. Mặc dù địch tăng cường những cuộc tấn công mạnh và tình hình chung đang rất bất lợi cho Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, tinh thần chiến đấu của binh sĩ thuộc Quân Đoàn IV vẫn hăng say, các đơn vị không nơi nào bỏ vị trí, không nơi nào bị địch chiếm đóng.

 Bất chợt, tiếng của Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cộng sản vang lên trên đài phát thanh. Lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện có đại ý như sau: “Tất cả các đơn vị trưởng và anh em binh sĩ ở yên tại chỗ, bàn giao vị trí cho Chính Phủ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.” Tôi vội xô cửa vào phòng làm việc của Tư Lệnh và nói:

 - Tổng thống Dương Văn Minh đã... 

 Chưa hết câu, Tư Lệnh nhỏ nhẹ cắt ngang lời tôi:

 - Qua đã nghe rồi.

 Tôi lặng người, quay lưng chầm chậm bước ra ngoài.

 Từ lúc này, Tư Lệnh Phó thường vào gặp Tư Lệnh trong văn phòng qua lối cửa chánh. Lần thứ hai, Đại Tá Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Long An xin gặp gấp Tư Lệnh trên điện thoại. Ông muốn xin giật sập cầu Long An để cắt đường tiến quân của VC về Vùng 4. Một lần nữa, Tư Lệnh bảo tôi chuyển lời: “Cầu để yên không được phá sập.”

 Khoảng gần trưa 30 tháng 4, tôi được báo cáo là Thiếu Tá Chánh Văn Phòng rời văn phòng bỏ đi theo Đại Tá Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Phong Dinh cùng một số sĩ quan theo lộ trình dọc sông Hậu Giang ra biển. Tôi vội xuống hầm làm việc mới của Tư Lệnh để báo cho ông rõ. Căn hầm này là phòng làm việc thừ hai của Tư Lệnh, nằm ngay dưới chân phòng làm việc chính thức, được xây lúc Vùng 1 và 2 đang xảy ra việc đánh lớn. Hầm rộng và cao, thiết trí giống như phong làm việc ở tầng trên, có lối đi xuống từ văn phong Tư Lệnh. Bước vào hầm, tôi thấy Tư Lệnh đang ngồi viết tại bàn làm việc. Tư Lệnh, như thường lệ, đưa tay kéo lệch cặp mắt kính trề xuống sống mũi, ngước nhìn tôi hỏi:

 - Có gì không?

 - Trình Thiếu Tướng, Thiếu Tá Chánh Văn Phòng và Đại Tá Tỉnh Trưởng Phong Dinh đã bỏ đi cùng với một số sĩ quan bằng tàu theo sông Hậu.

 Tư Lệnh vẫn điềm nhiên, không tỏ chút gì giận dữ, ông nói:

 - Đi hả? Đi làm chi vậy?

 Nói xong, Tư Lệnh tiếp tục xem giấy tờ, thái độ trầm tĩnh như không có gì quan trọng xảy ra. Tôi bước lên cầu thang về phòng làm việc của mình, lúc này tôi mở Radio 24/24 để theo dõi tình hình ở Sài Gòn. Đang lắng nghe Radio, Tư Lệnh bấm chuông gọi tôi vào và bảo:

 - Gọi Đại tá Thiên gặp tôi.

 - Dạ.

 Rồi Tư Lệnh chỉ định Đại tá Thiên nhận chức vụ Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Phong Dinh kể từ sáng hôm đó. Tức là sau khi đã có lệnh đầu hàng.

 Trưa 30 tháng 4, sau khi đi ăn cơm trưa ở Câu Lạc Bộ Cửu Long về, Tư Lệnh đi thẳng vào phòng làm việc. Qua lỗ kiếng nhỏ thông qua phòng làm việc, tôi thấy Tư Lệnh đang soạn một số giấy tờ để trên bàn. Tư Lệnh nhìn từng trang một, rồi từ từ xé nhỏ bỏ vào sọt rác. 

 Khoảng 2 giờ chiều, Tư Lệnh xuống hầm làm việc. Tôi không biết Tư Lệnh làm gì bởi vì phòng làm việc này kín mít. Tư Lệnh bấm loa gọi tôi:

 - Danh, xuống đây tôi bảo.

 Tôi xuống cầu thang vào gặp Tư Lệnh. Ông đang ngồi ở Sofa nhìn về hướng bản đồ Vùng 4, thấy tôi, Tư Lệnh nói: 

 - Danh tháo bỏ tất cả ranh giới và những mũi tên trên bản đồ. Những đường ranh và những mũi tên làm bằng những băng keo màu xanh đỏ.

 Tôi từ từ tháo bỏ, nhìn tổng quát, tôi thấy bản đồ chia ra từng ô nhỏ, những mũi tên xanh đỏ châu đầu vào nhau, những răng bừa màu xanh với những mũi tên đỏ chĩa vào. Có thể đây là bản đồ về Hành Quân Mật sẽ thực hiện vào giờ chót theo như tin đồn. Tôi tháo gỡ tất cả những mẩu băng keo bỏ vào sọt rác, tháo xong tôi nói:

 - Trình Thiếu Tướng, em đã tháo xong.

 - Được rồi.

* * *

 Vào khoảng 4 giờ chiều, viên Quân Cảnh ở phòng chờ đợi lên gặp tôi nói:

 - Có hai ông VC mặc đồ thường phục, trên dưới 50 tuổi xin vào gặp Tư Lệnh.

 Tôi nói:

 - Anh bảo họ chờ một chút để tôi trình Tư Lệnh.

 Tôi gõ cửa vào gặp Tư Lệnh và nói:

 - Trình Thiếu Tướng, có hai VC mặc thường phục xin vào gặp Thiếu Tướng.

 - Được, mời họ vào.

 Xuống phòng khách, tôi thấy hai người Việt cộng đang chờ ở đây, một người cao ốm nước da trắng, tóc hoa râm độ trên 50 tuổi, ăn mặc thường phục giống như thầy giáo. Một người hơi thấp, nước da ngăm đen cũng mặc thường phục. Họ đi tay không, không mang giấy tờ và vũ khí.

 Tôi hướng dẫn hai người này lên bậc tam cấp vào phòng làm việc của Tư Lệnh. Tư Lệnh chào hỏi và mời ngồi nơi Sofa, tôi bước nhanh ra phòng làm việc gọi người hạ sĩ quan mang trà vào. Tôi mang vội khẩu súng Colt 45 và lấy khẩu AR15 lên đan và bước nhanh vào phòng làm việc Tư Lệnh. Tôi đứng sau hai ông VC này cách khoảng 4 thước, với tư thế sẵn sàng nổ súng. Tôi sợ hai ông này ám sát Tư Lệnh nên gườm tay súng chuẩn bị nếu thấy hai ông này có hành vi lạ là tôi bắn liền. Tư Lệnh ngồi đối diện với họ, đang nói chuyện rất nhỏ tôi không nghe được. Bất chợ Tư Lệnh ngước lên, nhìn tôi và bảo:

 - Danh đi ra ngoài để tôi nói chuyện.

 Tôi ấp úng trả lời:

 - Dạ... em ở đây với Thiếu Tướng.

 - Được rồi, không sao đâu. Em ra ngoài đi.

 - Dạ.

 Tôi ra lại phòng làm việc, súng vẫn gườm thủ thế, mắt nhìn về hướng văn phòng theo kẽ hở của cánh cửa đang hé mở. Tôi thấy Tư Lệnh với họ vừa uống trà vừa nói chuyện. Cuộc nói chuyện kéo dài trên 10 phút. Tư Lệnh và hai người chỉ nói chuyện không đưa ra sổ sách hay giấy tờ gì cả. Sau đó, hai người VC đứng dậy từ giã, Tư Lệnh bắt tay, rồi hai người theo cửa trước xuống bậc tam cấp ra về. Tư Lệnh ngồi trên ghế, gương mặt thật buồn. Một lát sau, ông đứng dậy đi qua đi lại trong phòng. Thời gian trôi qua thật chậm, căng thẳng và ngộp thở. Tôi suy nghĩ lung tung: Nếu VC chiếm được Vùng 4 thì Tư Lệnh sẽ ra sao? Tại sao Tư Lệnh vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra? Bây giờ còn đi ngoại quốc kịp không? Còn máy bay không? Hay là Thiếu Tướng có người thân phía bên kia? Những câu tự hỏi đã xoay trong óc tôi. Bất chợt, tôi nghe tiếng la ó vang dậy ở ngoài đường. Nhìn ra ngoài đường, tôi thấy một đoàn người rất đông chạy ngang qua cửa Bộ Tư Lệnh, xuống cầu Cái Khế. Họ vừa chạy vừa la hét vui mừng, thì ra đó là những người tù vừa được thoát trại giam. Tôi thò đầu ra cửa sổ nhìn cho kỹ, tôi thấy bọn tù trên dưới 50 người, quần áo xốc xếch, có người mặc quần cụt, có người cởi trần vừa chạy vừa nhảy lên vừa reo hò vui vẻ nhưng họ không phá phách.

 Khoảng 6 giờ rưỡi, Tư Lệnh sửa soạn về tư dinh, Thiếu Tướng nói với tôi:

 - Danh chuẩn bị xe để đi thăm bệnh viện Phan Thanh Giản.

 - Dạ.

 Xe chở Tư Lệnh từ văn phòng đi thẳng vào bệnh viện. Tư Lệnh dến từng giường hỏi thăm thương binh, kẻ nằm người ngồi, băng tay băng đầu, có người mất một chân, chân còn lại quấn dây băng treo lên trên giá. Tư Lệnh đến bên thương binh này hỏi:

 - Em tên gì?

 - Dạ em tên...

 - Em ở đơn vị nào? Có khỏe không?

 - Dạ khỏe, em là Địa Phương Quân ở Tiểu Khu Vĩnh Bình.”

 Tư Lệnh nói tiếp:

 - Em nằm nghỉ dưỡng bệnh.

 Tư Lệnh đi từ đầu phòng đến cuối phòng hỏi thăm từng bệnh nhân, rồi Tư Lệnh đi qua dãy kế bên và tiếp tục hơn một giờ thăm viếng thương, bệnh binh buồn tẻ và nặng nề. Gần giường một thương binh, anh cụt hai chân, vải băng trắng xóa, máu còn rịn ra lốm đốm đỏ cuối phần chân đã mất. Tư Lệnh đứng sát bên và hỏi:

 - Vết thương của em đã lành chưa?

 - Thưa Thiếu Tướng, vết thương mới mấy ngày còn ra máu, chưa lành.

 Với nét mặt buồn buồn, Tư Lệnh nhíu mày lại làm cặp mắt kiếng đen lay động. Tư Lệnh chưa kịp nói thêm thì anh thương binh này bất chợt chụp tay Tư Lệnh mếu máo:

 - Thiếu Tướng đừng bỏ tụi em nhé Thiếu Tướng.

 - Qua không bỏ các em đâu. Qua ở lại với các em.

 Qua ánh đèn của bệnh viện, tôi thấy Tư Lệnh đưa ta nâng sửa cặp kính đen và hai giọt nước mắt từ từ chảy lăn dài trên khuôn mặt đau thương của ông. Tư Lệnh cố nén xúc động, nhưng người đã khóc, khóc không thành tiếng và những giọt nước mắt tự nhiên tuôn trào. Tư Lệnh vịn vai người thương binh nói trong nghẹn ngào:

 - Em cố gắng điều trị... có qua ở đây.

 Tư Lệnh bước nhanh ra cửa bệnh viện, khi ra đến ngoài sân Tư Lệnh dừng lại quay mắt nhìn về bệnh viện. Tư Lệnh đứng yên bất động khoảng một phút rồi bước vội ra xe không nói gì nữa cả. Trên suốt đường về tư dinh, Tư Lệnh không nói một lời nào khiến tôi cảm thấy sự im lặng quá nặng nề.

 Về đến tư dinh, tôi thấy Quân Cảnh vẫn còn gác ở cổng, tôi đi một vòng xung quanh, những vọng gác vẫn còn người gác, tuy nhiên tôi thấy ít lính đi tới đi lui như mọi hôm, có lẽ họ đã bỏ đi bớt. 

 Sau khi cất khẩu Colt đeo trên người, tôi xuống nhà bếp gặp Trung sĩ Hộ quản gia xem hôm nay anh nấu món gì vì hôm nay thăm bệnh viện về trễ. Gặp anh Hộ, tôi nói:

 - Anh Hộ, bắt một con gà làm thịt và luộc để Thiếu Tướng dùng!

 - Dạ con gà nào Trung Úy?

 - Đàn gà nòi Thiếu Tướng nuôi đó! Anh chọn một con!

 Lúc này đã hơn 8 giờ tối, về hướng Cồn Cát cách một con sông phía sau dinh, thỉnh thoảng VC bắn bổng những loạt AK đạn lửa bay đỏ xé màn đêm đen nghịt, càng lúc VC bắn càng nhiều. Con gà, anh Hộ làm thịt và nấu xong. Tôi đích thân ra sau Trailer mời Thiếu Tướng vào ăn cơm. Tư Lệnh ngồi vào bàn ăn và nói:

 - Danh ngồi ăn cơm cho vui.

 Đi các đơn vị hay tiểu khu, tôi ăn cơm chung với Tư Lệnh còn ở dinh, Tư Lệnh thường ăn cơm một mình, vừa ăn cơm vừa xem truyền hình rất lâu. Hôm nay, lần đầu tiên Tư Lệnh mời tôi ăn cơm chung ở dinh, tôi thấy có điều gì khác thường, hơn nữa sự việc xảy ra tùm lum, bụng dạ đâu mà ăn với uống. Tư Lệnh thấy thịt gà xé nhỏ, còn nước luộc gà làm canh, Tư Lệnh hỏi:

 - Thịt gà đâu vậy?

 Tôi gượng cười nói:

 - Dạ mấy con gà Thiếu Tướng nuôi ở sau. Em bảo anh Ngộ làm thịt một con để Thiếu Tướng dùng.

 - Làm thịt chi vậy? Ăn cơm thường là được rồi. Thôi, ăn kẻo nguội!

 Tư Lệnh không ăn cơm, chỉ dùng vài muỗng canh, vài miếng thịt gà. Còn tôi thì no hơi, ăn hết vô, qua loa vài miếng rồi vội buông đũa và nói:

 - Dạ, em ăn xong, Thiếu Tướng dùng tiếp.

 Thiếu Tướng nói:

 - Ăn tiếp chứ. Sao Danh ăn ít vậy? Thịt còn nhiều.

 Vừa nói, Tư Lệnh gắp bỏ cho tôi một miếng thịt xé phay dài. Trời! Ăn gì nổi. Bình thường chắc là ăn thấy ngon, bây giờ ăn thịt gà cũng như nhai gỗ mục. Miệng đắng nghét, tôi cố gắng nuốt trôi hết miếng thịt này, xong xin phép Thiếu Tướng ra phòng làm việc.

 Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy vắng lạnh, một sự vắng vẻ đáng sợ, một số anh em quân nhân đã bỏ đi, số còn lại một vài người đã mặc thường phục, một số vẫn còn mặc đồ lính. Còn hướng phòng Trung úy Hỉ, sĩ quan bảo vệ cũng vắng ngắt, có lẽ anh cũng đã bỏ đi rồi (nhà Trung úy Hỉ ở gần phi trường Trà Nóc). Còn Trung úy Việt cùng vợ hai con vẫn còn ở tại nhà cạnh bờ sông. Việt và tôi gặp nhau chỉ biết lắc đầu, rồi Tư Lệnh đéᮠbàn làm việc của tôi nói:

 - Có liên lạc với Tướng Hưng không hè?

 - Dạ điện thoại bị mất liên lạc, có tiếng lạ em không dám gọi.

 Ngưng một chút rồi tôi nói tiếp:

 - Dạ, Thiếu Tướng muốn nói chuyện với Tư Lệnh Phó?

 - Qua muốn nói chuyện.

 Tôi nói với Tư Lệnh:

 - Để em đi lại Dinh Tư Lệnh Phó nói mở máy PRC25 để Thiếu Tướng nói chuyện.

 Tư Lệnh làm thinh, tôi bảo anh Thông tài xế lấy xe Jeep chở tôi qua Dinh Tư Lệnh Phó nằm đối diện với Dinh Tỉnh Trưởng Phong Dinh. Sắp sửa rẽ phải vào Dinh Tư Lệnh Phó thì tôi thấy phía bên trái trước Dinh Tỉnh Trưởng có một tên VC với khẩu AK ở tư thế sẵn sàng, để súng cạnh sườn, mũi súng chĩa lên trời. Anh Thông tài xế kêu tôi và chỉ:

 - VC đã vô tới rồi.

 Tôi bảo tài xế:

 - Quay trở lại đi! Không ổn rồi.

 Tài xế lái nhanh về Dinh Tư Lệnh và đóng cửa dinh lại. Tôi xuống xe bảo các anh em binh sĩ còn lại kéo khoảng 4, 5 vòng kẽm gai rào chặn từ cổng vào hướng cột cờ. Rào xong, tôi vào Trailer báo Tư Lệnh:

 - Trình Tư Lệnh, VC đã vào đến Dinh Tỉnh Trưởng. Em thấy có một tên VC cầm súng AK đứng trước Dinh Tỉnh Trưởng.

 Tư Lệnh lặng thinh không nói gì cả. Khoảng hai phút sau, tôi nói với Thiếu Tướng:

 - Em đi lần nữa, để Thiếu Tướng nói chuyện với Tư Lệnh Phó.

 Tư Lệnh nhỏ nhẹ nói:

 - Thôi đừng đi! Coi chừng nó bắt.

 - Dạ không sao.

 Nói xong, tôi cởi bỏ áo lính, vẫn mặc quần lính mang giày với áo thun vội ra sân gọi anh tài xế.

 - Anh Thông đâu? Đến tôi nhờ một chút.

 Tôi la lên, không một tiếng trả lời. Anh Hộ quản gia nói:

 - Em vừa thấy anh Thông ra cổng.

 “Anh đã bỏ đi rồi.” Tôi nghĩ thầm. Bất chợt, một binh sĩ khác hỏi tôi:

 - Trung Úy cần gì em giúp.

 - Anh muốn đến Dinh Tư Lệnh Phó.

 - Được rồi, để em đưa ông thầy đi.

 Anh lính lấy chiếc Honda màu đỏ chạy đến và nói:

 - Đi Honda tiện hơn Trung Úy.

 Rồi anh chở tôi về hướng Dinh Tư Lệnh Phó, rẽ vào dinh, anh đậu cách đấy khoảng 10 mét bên lề đường.

 Dinh Tư Lệnh Phó trước và sau có cổng ra vào bằng cửa sắt, xung quanh xây tường cao độ 2 mét. Cửa trước đối diện với Dinh Tỉnh Trưởng, cửa sau quay ra mặt đường. Cửa trước và sau đều đóng và khóa chặt, từ cửa trước nhìn vào tôi đi sát hông tường bên phải, có một cây ổi mọc từ phía trong xòa nhánh phủ ra bên ngoài. Trong dinh im lặng không một tiếng động, tôi gọi lớn: 

 - Nghĩa ơi Nghĩa, Phúc ơi Phúc, tao là Danh.

 Tôi gọi 4, 5 lần nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Tôi linh cảm điều gì không ổn nên gọi tiếp vài lần nữa rồi quay lưng định trở về. Nhưng tôi nghĩ thầm: “Không lẽ mình bỏ cuộc sao?” Tôi nói với qua với anh lính đậu bên kia đường:

 - Anh ráng chờ tôi một chút.

 Bất chợt có tiếng nổ đùng, có tiếng xôn xao, tiếp theo tiếng khóc. Tôi chạy lại vách tường có nhánh cây ổi xòe ra, tôi quyết định đu nhánh ổi này nhảy vào. Tay phải níu nhánh ổi, tay trái vịn vào vách tường miệng liên tục la lớn: “Tôi Trung úy Danh đây, đừng bắn. Tôi Trung úy Danh, đừng bắn.” Miệng la tay níu nhánh ổi leo vào, tôi lên được đỉnh tường rồi theo đà cây ổi tuột xuống đất. Vừa gặp tôi, anh Nghĩa vừa khóc vừa nói:

 - Chuẩn Tướng Hưng tự sát chết rồi Danh.

 - Lúc nào?

 - Mới đây, chắc có lẽ hồi nãy Danh nghe tiếng súng nổ.

 Anh nói tiếp:

 - Chuẩn Tướng đang ăn cơm, nghe tiếng động, ông bỏ bàn ăn đứng dậy, bà Tướng chạy theo ông ngăn lại. Tư Lệnh Phó vào phòng đóng cửa lại và bắn vào ngực tự sát.

 Đến cửa, thấy cửa phòng hé mở, tôi xô nhẹ cánh cửa bước vào, thấy Tướng Hưng nằm bất động trên giường, bà Hưng đang ôm chầm Tư Lệnh Phó khóc, còn hai đứa con nhỏ đứng kế bên vô tư lự như không có gì xảy ra, kế bên những anh lính đang sụt sùi khóc. Tôi quay ra nói với anh Nghĩa: 

 - Thôi Danh đi về.

 Tôi không nói anh Nghĩa mở tần số máy PRC25 nữa, Chuẩn Tướng Hưng đã chết rồi. Vì tình hình rối ren, bận rộn, tôi không nhờ ai mở cửa mà trèo cây ổi lên đầu tường rồi nhảy ra ngoài. Xuống đến mặt đất, tôi suy nghĩ lung tung: “Tại sao Tư Lệnh Phó tự sát? Nếu Tư Lệnh hay được thì ra sao? Hay là lúc tôi la to gọi anh Nghĩa, Phúc, ở đây tưởng VC vào tới nên Chuẩn Tướng đã tự sát? Hay là...” Tôi vừa suy nghĩ vừa cúi đầu bước dần tới chỗ anh lính đậu xe Honda lúc nãy. Trời! Xe và người biến đâu mất. Tôi đảo mắt nhìn quanh vẫn không thấy bóng dáng anh. Chắc anh bỏ đi rồi. Tôi không trách anh, anh đã giúp tôi như vậy cũng đủ lắm rồi. Tôi lội bộ từ đây cặp theo Đại Lộ Hòa Bình đi thẳng về Dinh Tư Lệnh, trên đường phố vắng hoe không một bóng người lai vãng, chỉ có những mảnh giấy vụn vất bừa bãi đầy đường, thỉnh thoảng bay tứ tung theo cơn gió.

 Tôi đi bộ mất khoảng 15 phút mới về đến dinh, anh lính gác vẹt từng vòng kẽm gai cho tôi vào rồi kéo lại vị trí cũ. Tôi đi nhanh về phía sau vào Trailer để trình Tư Lệnh mọi sự việc vừa xảy ra tại tư dinh Tư Lệnh Phó. Vừa thấy Tư Lệnh, tôi nói ngay:

 - Trình Thiếu Tướng, em đến Dinh Tư Lệnh Phó, đến nơi thì ông vừa tự sát chết. Tư Lệnh Phó đã bắn vào ngực.

 - Tướng Hưng chết hả? Chết làm chi?

 Tư Lệnh chỉ nói vậy. Tôi trở ra về nơi làm việc. Ngồi trên Sofa suy nghĩ liên miên: “Tư Lệnh Phó đã tự sát, chắc Tư Lệnh sẽ tự sát theo.” Tôi xuống nhà gặp Trung úy Việt và cho anh biết việc Tư Lệnh Phó đã tự sát. Tôi và Việt thắc mắc về những gì sẽ xảy ra tiếp: Tư Lệnh Phó đã tự sát, còn Tư Lệnh không biết thế nào? Hai đứa tôi suy nghĩ mãi mà không tìm ra được câu trả lời.

 Lúc này khoảng 11 giờ đêm, vì lo lắng cho Tư Lệnh nên cứ độ 15 hay 20 phút, tôi lại vào Trailer một lần. Mỗi lần liếc nhìn vào, tôi thấy Tư Lệnh nằm nghỉ nhưng giày vẫn còn mang, tôi lại đỡ lo phần nào. Lần khác, Tư Lệnh ngồi dậy đi về hướng tôi và hỏi:

 - Có gì không?

 - Em vào xem Thiếu Tướng có sai bảo gì không?

 Tư Lệnh nói:

 - Sao em không đi ngủ đi! Khuya rồi.

 Tôi nhỏ nhẹ nói:

 - Trình Thiếu Tướng, nếu VC vào dinh, tụi em được phép đánh không Thiếu Tướng?

 - Thôi đừng đánh nhau, họ vào để tôi ra nói chuyện.

 Tôi rời Trailer đi ra ngoài. Khoảng 10 phút sau, Tư Lệnh ra phòng làm việc của tôi trao cho tôi một gói hình chữ nhật dài độ 2 tấc, rộng 1 tấc, dầy 5 phân và nói:

 - Danh cất tiền này dể dành mà xài. (Có thể đây là tiền lương của Thiếu Tướng không dùng đến nên để dành.)

 Đưa gói giấy cho tôi xong, Tư Lệnh đi vào Trailer. Tôi tò mò nên hé mở gói giấy này xem, bên trong toàn giấy bạc 500 đồng, tôi đoán chừng hơn 400 ngàn đồng và tôi để gói giấy vào ngăn kéo nơi bàn làm việc. Tôi tiếp tục rón rén vào Trailer để quan sát, tôi sợ Tư Lệnh tự sát.

 Khoảng 12 giờ 30 khuya, Tư Lệnh ra gặp tôi nói:

 - Sao Danh không đi ngủ? Thức cả đêm à.

 - Dạ em ngủ không được.

 Tư Lệnh móc trong túi ra một khẩu súng nhỏ, ngắn hơn gang tay và nói:

 - Danh cất khẩu súng này dành để hộ thân.

 Tôi nhận khẩu súng bỏ vào ngăn kéo chung với gói tiền lúc nãy. Tôi xuống nói chuyện với anh Việt và anh Hộ:

 - Thiếu Tướng đã cho tôi súng, không hiểu Tư Lệnh có ý định gì?

 Chúng tôi bàn luận với nhau và có linh cảm là Thiếu Tướng đang sắp xếp việc gì đó.

 Khoảng sau 1 giờ sáng, một anh lính hơ hải chạy vào gặp tôi:

 - VC tự động mở cửa vào dinh.

 - Anh bảo họ chờ tôi một chút.

 Tôi vội vã vào Trailer để gặp Tư Lệnh. Thấy Tư Lệnh đang nằm nghỉ, tôi trình:

 - Trình Thiếu Tướng, bọn VC đang vào dinh.

 - Bảo họ chờ tôi ra nói chuyện.

 Tôi đi nhanh ra trước cổng dinh, lúc bấy giờ tôi vẫn mặc áo thun, quần lính, mang giày. Gần đến cổng dinh, tôi thấy lố nhố khoảng 6, 7 người đang vẹt vòng rào kẽm gai đi vào hướng cửa dinh. Đến gần, tôi thấy 4 nam, 1 nữ vấn tóc lủng lẳng phía sau ót và một em bé độ 10 tuổi. Nam trang bị 1 khẩu AK, một người mang khẩu Carbin, một người mang súng lục (súng loại cảnh sát sử dụng) số còn lại tay không, không mang giấy tờ hay máy móc gì cả. Nhóm người này tuổi dưới 40 đã vào đến vòng kẽm gai thứ ba từ ngoài vào, còn hai vòng kẽm gai nữa mới vào đến cửa dinh. Tôi vẹt kẽm gai và gặp họ tại đây. Một người trong nhóm quay qua hỏi tôi:

 - Anh làm gì ở đây?

 Tôi không dám nói là tùy viên sợ bọn chúng bắn nên trả lời trớ đi:

 - Tôi làm quản gia.

 Người mang khẩu AK hỏi tiếp:

 - Anh cấp bậc gì?

 - Tôi Trung Sĩ.

 Bất chợt người mang AK lên đạn chỉa mũi súng vào phía sườn tôi và nói như ra lệnh:

 - Đi!

 Lúc bấy giờ, tôi hồn phi phách tán, nghĩ thầm “chết là cái chắc.” Một người trong nhóm nói:

 - Ở đây nó làm lớn không hà, tính nó đi!

 Bọn chúng đi từ từ hướng vào cửa dinh, đến gần cột cờ, đứa trẻ con ôm chầm lấy khẩu súng đồng thời Pháp, súng đặt dưới chân cột cờ để làm kiểng, đứa trẻ reo lên:

 - Súng ngộ và đẹp quá.

 Chị bới tóc tiếp theo:

 - Nhờ có dịp này mới được vào dinh Tướng.

 Tôi tự nhiên cảm thấy lòng mình se lại. Bất chợt, nhóm người này dừng chân, người mang khẩu AK hất mặt ra dấu cho tôi đi qua hướng nhà bếp, ngang qua phòng ngủ của tôi. Chết rồi! Chắc bọn chúng bắn mình ở đây. Tôi chầm chậm bước đi, đầu ngoái lại nhìn cửa vô dinh. Tôi thấy Tư Lệnh đẩy nhẹ cánh cửa lưới chắn ruồi trước cửa phòng làm việc của ông rồi bước ra. Bọn người này bảo tôi dừng lại, ba người bước vào phòng (một người tay không, một người mang khẩu B38, một người mang khẩu Carbin). Số còn lại lảng vảng phía ngoài, người mang AK vẫn hướng súng về phía tôi. Khoảnh khắc, Trung sĩ Hộ từ phòng Thiếu Tướng bước ra cho biết Tư Lệnh đang nói chuyện với VC và bảo tôi:

 - Thiếu Tướng bảo Trung Úy lấy thuốc lá hút.

 Có cớ vào gặp Tư Lệnh, người mang AK bỏ thõng súng xuống, tôi lặng lẽ bước đi, nhưng vẫn nơm nớp lo sợ là nó có thể bắn tôi từ đằng sau tới. Vô sự, thế là thoát nạn, vào phòng tôi mở ngăn tủ lấy gói thuốc Capstan đầu lọc mời Thiếu Tướng một điếu, 3 người kia mỗi người một điếu. (Tư Lệnh hút thuốc 555 nhưng thỉnh thoảng cũng hút thuốc Capstan đầu lọc.) Tôi thấy Tư Lệnh ngồi trên Sofa băng dài, người VC không mang vũ khí ngồi trên ghế nhỏ đối diện với Tư Lệnh, người mang khẩu B38 ngồi dưới sàn nhà, tay cầm khẩu súng để trên đầu gối mũi súng hướng về phía Tư Lệnh, còn người mang khẩu Carbin đứng ngay cửa phòng trong tư thế tác chiến.

 Xong nhiệm vụ, tôi bước ra ngoài. Người mang AK bên ngoài vẫn ở thế tác chiến nhưng không để ý đến tôi nữa. Sau khoảng mười phút nói chuyện, nhóm VC này rời dinh ra về. Tôi vào phòng thấy Tư Lệnh vừa đứng dậy bước ra ngoài với khuôn mặt có vẻ buồn. Nhìn trên Sofa, tôi thấy điếu thuốc của Thiếu Tướng còn cháy dở dang độ 1/3 điếu nằm trên Sofa bốc khói làm lủng một lỗ nhỏ, tôi nhặt lấy vất đi.

 Cuộc nói chuyện này chỉ đơn phương, không có viết giấy tờ hay ký tên gì cả cũng không có máy móc khi hai bên gặp nhau. Tư Lệnh trở vào Trailer nằm nghỉ. Một lúc lâu, tôi vào lần nữa thấy Tư Lệnh nằm yên, chắc Tư Lệnh đã ngủ vì mệt. Trong suốt đêm 30 tháng 4, Tư Lệnh và tôi hầu như không ngủ. Vào khoảng 3 giờ sáng, tôi trở dậy, rón rén vào phòng Tư Lệnh lần nữa, thấy Tư Lệnh đang nằm yên không biết ngủ hay thức vì trong lúc nằm nghỉ, ông vẫn mang cặp kính đen. Tôi cũng quá mệt nên ra phòng làm việc ngã lưng trên Sofa một chút, nghe vang vang bên tai những loạt AK nổ liên hồi, chắc đối phương nổ súng mừng chiến thắng.

 Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, tôi bỗng nghe tiếng chuông “boong, boong, boong.” Tôi bật mình ngồi dậy, nhìn đồng hồ thấy đã hơn 6 giờ sáng ngày 1 tháng 5. Tôi bước đến bàn thờ Phật, thấy ba cây nhang Tư Lệnh đã đốt và cắm sẵn trên lư hương khói bay nghi ngút.

 Đứng trước bàn thờ Phật, Tư Lệnh với quân phục chỉnh tề, đang nghiêng mình xá Phật. Tôi vội đi nhanh về phòng mình làm vệ sinh cá nhân, xong mặc quân phục vào và đến đứng nghiêm chào Thiếu Tướng. Thiếu Tướng vẫn đưa tay lên cỡ tầm ngực đáp lại và hỏi:

 - Đêm qua, Danh ngủ được không?

 - Mệt quá, em có nằm nghỉ được một chút.

 Tư Lệnh vẫn ngồi trên Sofa nơi phòng thờ Phật, tôi đi sang phòng làm việc. Một lúc sau, Tư Lệnh đến bên tôi hỏi:

 - Gặp Tướng Trường được không hè?

 Lúc này khoảng 6:30 sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975.

 - Dạ... dạ. Tôi ấp úng trả lời tiếp:

 - Hồi chiều tối hôm qua ở trên lầu em thấy Tướng Trường chạy xe Jeep ngang qua dinh.

 Tư Lệnh hỏi:

 - Có phải Tướng Trường không?

 - Em ở trên lầu hơi xa, em thấy giống Tướng Trường.

 - Thôi đừng đi tìm, kẻo bị chúng bắt.

 - Dạ.

 Rồi Tư Lệnh đi vào Trailer. Một lát sau, Tư Lệnh bước ra hai tay xách hai cái vali gặp tôi và anh Việt ngay ở cửa ra vào phòng thờ Phật. Tư Lệnh đưa cho tôi cái vali màu cam và đưa Trung úy Việt cái màu đen. Tư Lệnh nhìn chúng tôi, giọng buồn buồn:

 - Danh giữ cái này, Việt giữ cái này.

 Tư Lệnh chỉ nói ngắn gọn như thế mà không nói thêm gì, hình như cổ ông nghẹn lại. Tư Lệnh vội bước đi, được vài bước, Tư Lệnh quay lại nói thêm:

 - À, quên chìa khóa.

 Rồi Tư Lệnh đi thẳng về phía Trailer, một lúc sau, ông trở ra trao cho tôi hai chìa khóa và nói.

 - Cái này của Danh, cái này của Việt.

 Tôi linh tính sắp có điều gì xảy ra nên Tư Lệnh mới dặn dò và chia phần cho tôi và Việt như vậy. Tuy thế, chúng tôi không dám hỏi. Tư Lệnh chầm chậm bước theo nấc thang lên tầng trên, tôi và anh Việt nối bước theo sau. Tư Lệnh ra sân thượng, đứng sát bên lan can, mắt nhìn ra Đại Lộ Hòa Bình trước cửa cửa dinh, tôi đứng bên phải Tư Lệnh, anh Việt đứng bên trái. Trên lộ, chỉ có vài chiếc xe qua lại, người thưa thớt, khung cảnh vắng vẻ như chiều 30 Tết. Bất chợt, Thiếu Tướng bật khóc. Tư Lê䮨 cố nén không khóc thành tiếng, nhưng những giọt nước mắt tuôn trào chảy dài trên khuôn mặt đau buồn vì nước mất nhà tan. Tôi cũng khóc theo, anh Việt cũng vậy. Ba người đứng trên sân thượng trước mặt tiền dinh, mặc cho nước mắt tự do tuôn chảy. Tôi không hiểu Tư Lệnh có định đi ngoại quốc không? Nếu muốn, có lẽ Tư Lệnh cũng đi hết kịp rồi. VC vào đây có bắt Tư Lệnh không? Có làm hỗn hoặc bắn Tư Lệnh không? Nếu sự việc xảy ra thì phải giải quyết làm sao? Tôi đang miên man suy nghĩ, Tư Lệnh xoay lưng chầm chậm theo bậc thang xuống tầng dưới.

 Từ ngoài nhìn vô bàn Phật, Tư Lệnh ngồi trên ghế Sofa phía bên phải, đôi mắt đăm chiêu nhìn lên bàn thờ. Anh Việt bước ra cửa về nhà thăm vợ con còn Trung sĩ Hộ đang thập thò trước cửa. Tư Lệnh đứng dậy đến bàn thờ lấy ba cây nhang đốt, xá ba xá cắm vào lư hương, gõ ba tiếng chuông “boong, boong, boong” xong xá ba xá nữa rồi ông về ngồi trên Sofa như cũ, hai tay để trên thành gỗ Sofa nhịp nhịp như không có chuyện gì xảy ra. Bất chợt, Tư Lệnh xoay qua bảo tôi:

 - Danh ra ngoài bảo Việt dẫn vợ con đi đi.

 - Dạ.

 Tôi thầm nghĩ Tư Lệnh và tôi độc thân chắc Tư Lệnh nghĩ cách khác. Tôi đẩy nhẹ cánh cửa bước ra sân hướng về phòng Trung úy Việt. Tôi vừa đi khỏi cột cờ một chút nghe tiếng nổ “đùng” phát ra từ hướng bàn thờ Phật, tôi hốt hoảng xoay người chạy trở lại thì Trung sĩ Hộ đã chạy ra la thất thanh:

 - Đại Úy ơi! Đại Úy ơi! Thiếu Tướng tự sát chết rồi.

 Trong lúc sợ hãi, anh Hộ quýnh lên gọi tôi là Đại Úy. Tôi chạy nhanh vào phòng thờ Phật thấy một cảnh tượng hãi hùng trước mắt mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Tư Lệnh ngã ngửa hơi lệch về phía sau Sofa, đầu hơi nghiêng về bên trái, mắt ngước nhìn lên trần nhà. Khẩu Colt 45 vẫn còn trong tay buông thõng xuống lòng Tư Lệnh nhưng những ngón tay cầm súng đã nới lỏng, phát đạn xuyên màng tang phải qua trái. Tư Lệnh chưa chết hẳn, nhưng nói không được, thân hình ông run lật bật, miệng há hốc, từ trong cổ họng nấc lên tiếng “khọc, khọc, khọc” từng chập và từ từ nhỏ dần. Anh Hộ thấy vậy vội ôm lấy Thiếu Tướng nói:

 - Thôi mình chở Thiếu Tướng đi bệnh viện.

 Tôi cũng ôm chầm lấy xác ông vừa khóc vừa nói:

 - Chắc trễ rồi, vết thương ở đầu vô phương cứu chữa, hơn nữa Thiếu Tướng đã quyết định tự sát. Hèn chi hôm qua Thiếu Tướng đi thăm anh em thương binh ở Bệnh Viện Phan Thanh Giản rất lâu và nói với anh em thương binh là: “Qua ở lại với các em.”

 Anh Hộ nói tiếp:

 - Em đâu dám đến gần Thiếu Tướng. Đứng ở ngoài cửa, em chỉ thấy lưng Thiếu Tướng. Em thấy Thiếu Tướng móc gì từ trong túi ra, em tưởng Thiếu Tướng lấy thuốc hút, nào ngờ Thiếu Tướng móc khẩu súng và tự sát liền, em chạy lại đâu kịp.

 Vừa nói anh Hộ vừa khóc nức nở. Chúng tôi vẫn ôm choàng lấy Tư Lệnh khóc ngất. Trong lúc bối rối và hoảng hốt, tôi đâu còn tâm trí để xem đồng hồ, tôi đoán lúc đó vào khoảng 7 giờ 30 sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975.

* * *

 Vâng. Đúng như vậy. Tôi là một sĩ quan cấp Úy còn ít tuổi, sống độc thân. Nhờ vậy tôi đã được Tư Lệnh chọn ở bên cạnh ông.

 Giờ đây gần 30 năm qua, tôi vẫn còn nhớ mãi từng giây phút cuối cùng của ngày 30 tháng 4-1975. 

 Với tư cách là Tư Lệnh của chiến trường miền Tây, ông Thiếu Tướng của tôi, vị niên trưởng Thủ Đức đã hết lòng với quân đội và đất nước cho đến cả sau khi nghe lệnh đầu hàng. Ngay cả việc chỉ định Đại tá Thiên thay chức Tỉnh Trưởng Cần Thơ vào trưa 30 tháng 4 cũng nhằm mục đích cần có người trách nhiệm để tình hình ổn định.

 Ông là vị tướng đầy lòng nhân ái nên không muốn đổ máu thêm vô ích. Ông không cho phá cầu. Ông không tức tối với những người bỏ đi. Ông không muốn có người chết thêm sau khi Tổng Thống đã đầu hàng.

 Sau này tôi mới biết rằng sau khi nghe lệnh Sài Gòn đầu hàng, Tư Lệnh đã có ý định sẽ tự vẫn. Vì vậy ông đã bình tĩnh đi thăm Quân Y Viện Phan Thanh Giản vào buổi chiều. Tại nơi đây tôi đã từng theo ông đến thăm viếng nhiều lần, nhưng lần này ông đã khóc và hứa với những thương binh là ông sẽ ở lại.

 Và điều đặc biệt là chính tôi không rõ Tư Lệnh đã nói gì để mà Việt cộng đã hai lần vào gặp ông nhưng đều lặng lẽ lui ra.

 Trong quân đội chúng tôi học được bài học về đặc lệnh truyền tin vẫn gọi vị Tư Lệnh là Mặt Trời. Tiếng chuông niệm Phật của ông vào đêm 30 tháng 4 vẫn còn nghe vẳng bên tai. Tôi còn nhớ mãi lúc 3 thầy trò đứng khóc trên lan can nhà lầu vào sáng 1 tháng 5 năm 1975.

 Đối với tôi, niên trưởng Nguyễn Khoa Nam muôn đời vẫn còn là Mặt Trời Tháng Tư chói lọi chiếu sáng cả cuộc đời còn lại của Danh. Tôi là Trung úy Lê Ngọc Danh, mãi mãi sẽ là tùy viên của ông. Ông chết đi rồi, chẳng bao giờ có thể ai thay tôi trong chức vụ này nữa. Em luôn luôn là tùy viên của ông Thầy.

 Lê Ngọc Danh, Sĩ quan Thủ Đức - 2004
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn