BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sai lầm lớn nhất của họ Hồ

01 Tháng Mười Một 20196:26 SA(Xem: 3810)
Sai lầm lớn nhất của họ Hồ
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.52

 

Ai gây nên cảnh hoang tàn?

Lê Duẩn nằm xuống đã được 33 năm (tháng 7-1986-tháng 7-2019) sau mấy chục năm trị vì, những năm tháng cầm quyền (1960-1986) của y là những năm chinh chiến máu chẩy thịt rơi, mấy chục năm tang thương đau khổ, hết chống Mỹ lại đến chống Tầu rồi tới chiến tranh với các chế độ Cộng Sản...

Nay phía CSVN đưa nhiều sự kiện hoặc nhân vật chính trị lên mạng Wikipedia theo tinh thần Bách khoa toàn thư để phổ biến kiến thức, họ ra vẻ khách quan. Nói về Lê Duẫn họ cũng như nhiều nhà nghiên cứu Tây phương thường ra vẻ trịnh trọng kính cẩn như:

“Lê Duẩn (1907–1986) là Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1976 đến 1986. Ông là Tổng Bí thư có thời gian tại vị lâu nhất với 25 năm, 303 ngày. Từ 1960 cho đến khi qua đời năm 1986, ông có một ảnh hưởng chính trị rất lớn tại Việt Nam, và theo một số nhận định khi Việt Nam thống nhất ông là nhà lãnh đạo có vị trí cao nhất và có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam trong những năm tháng tại vị.

Ông chính là một trong những kiến trúc sư hàng đầu trong Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh kéo dài suốt 20 năm. Lê Duẩn chính là người đã vạch ra chiến lược cách mạng ở miền Nam Việt Nam”.

Trên BBC Tiếng Việt (từ ngày 2-5-2006) có đăng một loạt 4 bài tham luận về Lê Duẩn, nội dung cho thấy nhân vật này đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc chiến Việt Nam lần thứ hai (1960-1975).

Chắc đây là phiên dịch từ một bài khảo cứu của Tây phương (không tên tác giả, dịch giả)

Bài 1- Nhìn lại vai trò của Lê Duẩn (ngày 2-5-2006).
Bài 2- Bắt đầu cuộc thâu tóm quyền lực (4-2-2006)..
Bài 3- Cuộc đấu tranh trong nội bộ (10-5-2006).
Bài 4- Một di sản gây tranh cãi (19-5-2006).

Trong bài Nhìn lại nhân vật Lê Duẩn có nói:

“Lê Duẩn (1907-1986), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1960 cho đến khi qua đời năm 1986, có một ảnh hưởng chính trị rất lớn tại Bắc Việt và ở Việt Nam sau 1975, khi hai miền thống nhất.

Vì nhiều lý do, như nhiều tài liệu của phía Việt Nam chưa được giải mật, cho đến hôm nay giới nghiên cứu vẫn chưa biết được hết mức độ ảnh hưởng của ông Lê Duẩn trong các chính sách của Việt Nam mấy chục năm qua.

Lê Duẩn - Hồ Chí Minh
Nhưng gần đây nhiều tài liệu, ở cả dạng ấn hành chính thức hoặc chuyền tay, đã cung cấp thêm thông tin có ích về vai trò và di sản của Lê Duẩn tại Việt Nam.

Theo giáo sư Stein Tonnesson, University of Oslo ("Le Duan and the Break with China", 2001), Lê Duẩn là một trong những người miền Nam cảm thấy bị lừa vì việc chấp nhận một giải pháp thỏa hiệp”...

Nhiều nhận định nhất là của các nhà học giả, nhà nghiên cứu Tây Phương khi nói về Lê Duẩn đều có một giọng nghiêm túc trịnh trọng làm như nhân vật này là thiên tài. Thật ra sự nghiệp chính trị của Lê Duẩn chỉ là một chuỗi dài may mắn y như chó ngáp phải ruồi, xin kể sơ lược như sau:

-Trường Chinh bị ép từ chức vì Cải cách ruộng đất, Lê Duẩn được Hồ chí Minh cất nhấc lên thay, có bầu cử nhưng chỉ là hình thức.

-Chủ tịch cất nhắc Duẩn chứ không cất Giáp vì ông này quá nổi, ông Hồ sợ khó điều khiển (theo Trần Khải Thanh Thủy)

-Duẩn được tên phụ tá đắc lực Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Đảng cài đặt các nhân vật thân tín của đồng bọn vào các vị trí then chốt.

-Năm 1964 bên Nga Khrushchev bị hạ bệ, chấm dứt thời kỳ sống chung hòa bình với Mỹ, chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ cuối 1963, Lê Duẩn thu tóm nhiều quyền lực, đưa nhiều trung đoàn chính qui xâm nhập vào Nam.

-Năm 1965 Mỹ đổ quân ồ ạt, Duẩn được Tổng bí Thư mới của Nga Brezhnev viện trợ nhiều vũ khí tối tân, tới thập niên 70 Nga cấp cho BV  đại bác, xe tăng, phòng không, tên lửa các loại.

-TT Johnson sai lầm trong chiến tranh VN, ông ta áp dụng chiến tranh giới hạn (limited war)) gây lên phong trào phản chiến, tới Tết Mậu Thân 1968 cuộc chiến sụp đổ vì phản chiến lên quá cao, quá nhanh. Sau 1968 số phận Đông Dương đã được quyết định rồi, người Mỹ buộc chính phủ phải rút quân về nước. Địch thảm bại trận Tết Mậu Thân, năm 1968 ta đánh thắng một trận lớn nhưng thua cuộc chiến
Tháng 8-1965 tỷ lệ ủng hộ 61%, tháng 3-1968 – là 41%, tháng 8-1968 – còn . .. 35%  (1)

-Năm  1969, Nixon đắc cử Tổng thống, đem quân về nước như đã hứa khi tranh cử. Cuộc chiến dưới thời Nixon được sử gia George Moss gọi là A War To End A War, đánh để chấm dứt chiến tranh tức đánh để rút bỏ (2)

Nước Mỹ chia rẽ trầm trọng, đảng Dân Chủ hùa theo phản chiến, theo truyền thông để phá Hành pháp Nixon.

Kissinger kể lại trong hồi ký... (3)

“Sau khi Nixon vào Tòa Bạch Ốc (1969), những người đã đem quân can thiệp vào VN (tức Dân chủ), mới đầu trung lập (giữa phản chiến và Hành pháp) sau quay ra chống chính phủ, họ buộc Nixon phải chịu trách nhiệm với cuộc chiến tranh mà ông chỉ thừa hưởng, họ nói ông phải làm thế này thế nọ mà chính họ khi cầm quyền lại không chịu giải quyết”.

Nguyên văn:

..“And after Nixon toke office those who has created our involvement in Vietnam moved first to neutrality and then to opposition, saddling Nixon with responsibility for a war he had inherited and attacking him in the name of solutions they themselves had neither advocated nor executed when they had the opportunity”...

Thật vậy đảng Con Lừa chỉ chuyên trò đánh phá, thọc gậy bánh xe dọn cỗ sẵn cho địch xơi, chính họ đã đem quân vào Đông Dương năm 1965, họ sai lầm trầm trọng và sa lầy trong cuộc chiến bây giờ lại đánh phá đối lập làm lợi cho địch, giặc từ bên trong đánh ra.

Phong trào phản chiến lên cao dữ dội... bạo động, đổ máu, chết người. (4)

TT Nixon giúp VNCH đánh sang Miên (29-4-1970 tới 22-7-1970) Lào để làm suy yếu địch nhưng gây ra phản chiến mạnh hơn thời TT Johnson. Người dân quá chán cuộc chiến muốn vứt bỏ Đông Dương.

Lê Duẩn chỉ có ngón đòn thí quân là lợi hại nhất, năm 1968 Võ Nguyên Giáp trả lời ký giả Ý Oriana Fallaci rằng CSBV mất hơn nửa triệu quân. Trong trận Tổng tấn công 1972 Duẩn đã đẩy hàng trăm ngàn thanh niên vào chỗ chết, nhờ phản chiến nên CSBV bất chiến tự nhiên thành. Nếu không có phản chiến dù Lê Duẩn có đẩy thêm hàng triệu thanh niên vào tử địa cũng chỉ làm mồi cho pháo đài bay B-52 mà thôi.

Tất cả những cái may trời cho của Lê Duẩn giúp cho y tác yêu tác quái một phần tư thế kỷ, Duẩn càng nhiều may chừng nào thì đất nước càng điêu linh khốn khổ chừng nấy. Y đã gây cuộc chiến cốt nhục tương tàn, núi xương sông máu. Hết chống Mỹ Lê Duẩn  lại đẩy hàng vạn thanh niên đổ xương máu sang Miên 1978, rồi bắt nhân dân chết như rạ tại biên giới Việt-Hoa 1979. Miền Nam cũng như miền Bắc đâu đâu cũng toàn là cảnh hoang tàn đổ nát, cho tới 1986 khi Duẩn chết, CSVN cử Nguyễn Văn Linh lên làm Tân Tổng bí Thư với chính sách Đổi mới. Các nhà nghiên cứu Tây phương nói năm 1986 trở đi đã đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ lãnh đạo kiểu Staline.

Rạn nứt thành hai phe

Giáo sư Pierre Asselin Đại học Chaminade, Honolulu, nhận định Bộ chính trị CSVN những năm 1956, 57 miễn cưỡng chấp thuận cuộc chiến tại miền Nam của Duẩn. Họ e ngại sau 1954 Cải cách ruộng đất đã trở nên tàn bạo mất lòng dân, vả lại  quân đội Bắc Việt chưa hồi phục sau tám năm khói lửa (1946-54).  Hà Nội không muốn khiêu khích để Mỹ can thiệp nhất là năm 1956 CS Nga chấp nhận chủ trương sống chung hòa bình với Mỹ của Thủ tướng Khrushchev.

Pierre Asselin trong bài “Tướng Giáp-Người phản đối chiến tranh” đăng trên BBC Tiếng Việt ngày 28-10-2013 cho rằng  Tướng Giáp không có vai trò quan trọng trong cuộc chiến VN từ sau 1965, ông ta phản đối chiến tranh từ đầu. Từ 1956 Hồ và Giáp chống lại tiếp tục chiến tranh ở VN (sau Geneve). Nội bộ CSVN rạn nứt thành hai phe, xin sơ lược như sau:

hochiminhHiệp định được ông Hồ và Giáp tin tưởng, nếu gây chiến ngay  có thể kích thích sự can thiệp quân sự của Mỹ. Sau tám năm kháng chiến, họ không có điều kiện để nghênh chiến ngay với quân đội Mỹ. Điện Biên Phủ là một chiến thắng ngoạn mục, nhưng với cái giá quá đắt.

Do đó, sau năm 1954, ông Hồ và Giáp là những người ủng hộ nhiệt thành của "đấu tranh hòa bình" ở miền Nam, tránh khiêu khích Washington, và "xây dựng chủ nghĩa xã hội" ở miền Bắc.

Cam kết của lãnh đạo Liên Xô, Nikita Khrushchev "chung sống hoà bình" với phương Tây từ 1956 xác nhận quan điểm của hai ông Hồ và Giáp chống lại việc tái mở chiến tranh ở Việt Nam. Quyết định đình lại "cuộc đấu tranh giải phóng" trong năm 1954 và việc không thể nối lại chiến tranh ngay lập đã khởi đàu rạn nứt.

Tác giả cho rằng Lê Duẩn và phe chủ chiến đã sớm gạt bỏ phe Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ra ngoài lề. Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, bực bội với việc hai ông Hồ và Giáp ủng hộ hiệp định Geneva. Duẩn và Thọ sau này sẽ mở ra một chiến dịch kêu gọi nối lại ngay lập tức cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam.

Đường lối của họ và sự chống đối của ông Hồ và Giáp tạo ra rạn nứt trong giới lãnh đạo. Cuộc rạn nứt này đã phân ra một bên là phe "ôn hòa", bao gồm ông Hồ, Giáp, và các đệ tử của họ -  và bên kia là phe "chủ chiến", bao gồm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh... cho rằng việc "giải phóng" miền Nam là không thể chờ đợi.

Cuộc tranh cãi tại Hà Nội lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 1963, sau khi ông Diệm bị đảo chính 1-11, phe chủ chiến đã tổ chức một cuộc đảo chính tại Hà Nội, thâu tóm việc kiểm soát ra quyết định.

Các ông Hồ, Giáp và những người ôn hòa khác đã bị gạt ra ngoài lề sau đó, và Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng đã đảm nhận việc cầm cương của quá trình hoạch định chính sách tại Hà Nội. Với sự thúc giục của Lê Duẩn, vào tháng 12/1963, ban lãnh đạo Cộng sản ban hành Nghị quyết 9 kêu gọi tiêu diệt quân thù ở  phía dưới vĩ tuyến 17.

Năm 1966 Võ Nguyên Giáp viết một bài nói về cuộc chiến miền Nam có thể kéo dài mất nhiều năm, ông không tin vào “các trận đánh xử dụng đại đơn vị chính quy lớn vì điều này có lợi cho chiến lược của kẻ thù.”

Tướng Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục chính trị) bèn phản ứng, ông này viết bài đăng ở Tạp chí Học Tập nói ông tin tưởng vào chiến lược tấn công ở miền Nam (đánh chính qui) là đúng, những người chỉ trích (tức Võ Nguyên Giáp) là không logic.

Tác giả Robert Brigham trong bài “Why the South won the American war in Vietnam” cho biết đã từ lâu Võ Nguyên Giáp công khai nghi ngờ chiến lược của Tướng Nguyễn Chí Thanh. Lê Duẩn tạo cơ hội cho Tướng Thanh, ông ta thành công khi tạo một thần tượng mới trong Quân đội nhân dân. Nguyễn Chí Thanh qua đời đột ngột năm 1967, Thanh quan niệm cuộc chiến không thể thắng lợi nếu thiếu các đại đơn vị chính qui lớn.

Lê Duẩn làm giảm uy tín của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp và đưa người trung thành lên để tạo quyền lực tối cao.

Duẩn không ưa VN Giáp nhưng không dám nghĩ tới chuyện loại bỏ ông ta, Tướng Giáp vẫn được nhiều người trong Quân đội sùng bái, ngưỡng mộ, loại bỏ ông Giáp là đi vào con đường tự sát.

Sự thật cho dù Thanh không chết vì đau tim tháng 7/1967 tại Hà Nội, Duẩn vẫn phải xài Tướng Giáp vì Nguyễn Chí Thanh i tờ về quân sự, xuất thân nông dân chưa đi lính ngày nào chỉ có tài đẩy thanh niên vào tử địa.

Sai lầm lớn nhất của Hồ Chí Minh

Nếu Trường Chinh không bị ép từ chức thì một người vô danh như Duẩn không thể leo lên làm Tổng bí thư. Nếu họ Hồ không cất nhắc Lê Duẩn lên chức vụ này thì y chỉ là một đảng viên tầm thường như trăm ngàn người khác. Năm 1954, khi Việt Minh từ hậu phương về tiếp thu Hà Đông, Hà Nội... người ta chỉ nghe nói Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Văn Tiến Dũng ... Người dân không biết Lê Duẩn là ai. Thập niên 60, từ một người vô danh Lê Duẩn đã leo lên một địa vị đầy quyền lực. Trên nguyên tắc, Chủ Tịch đảng là người chỉ huy tổng quát nhưng trên thực tế Tổng bí thư được giao quán xuyến mọi việc trong đảng như Trường Chinh những năm 50 trong hậu phương. Từ thập niên 60 Lê Duẩn được Hồ Chí Minh giao quyền trong đảng, lại nữa y giao cho Lê Đức Thọ, phụ tá thân cận nhất làm Trưởng ban tổ chức đảng, củng cố quyền lực.

Về nguyên do tại sao Hồ Chí Minh lại cất nhắc Lê Duẩn lên chức Tổng bí thư mà không đưa Võ Nguyên Giáp lên trong khi Giáp là người thân cận nhất của ông, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy nhận xét như sau:

“Ngay cả ông Hồ cũng không chịu nổi uy tín và sự nổi tiếng của ông sau chiến dịch Điện Biên Phủ (khi đó, dưới ngọn cờ cách mạng bay lồng lộng là hình ảnh tướng Giáp) nên thay vì đề cử người kế cận mình là tướng Giáp, đã đề cử Lê Duẩn, hy vọng con ngựa Lê Duẩn sẽ chịu để ông cầm cương, thuần dưỡng... Không ngờ, năm 1963, chính ông lại là người bị hai học trò "xuất sắc" là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ vô hiệu hoá”. (5)

Nếu Họ Hồ không cho gọi Lê Duẩn từ trong Nam ra thay thế Trường Chinh, nếu ông ta không cất nhắc y lên thì muôn đời Duẩn chỉ là một tên vô danh tiểu tốt. Duẩn được ông Hồ chiếu cố vì năm 1946 có làm việc bên Chủ tịch. Từ 1946-1954 Duẩn làm Bí thư xứ ủy Nam bộ, Năm 1951 y được vào Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị. Năm 1952 Duẩn ra Việt Bắc họp Trung ương đảng được Hồ Chí Minh giữ lại làm phụ tá tới đầu năm 1954, được cử làm quyền bí thư Trung ương cục miền Nam.

Khác với Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh những người đã sát cánh làm việc với ông Hồ từ năm 1940. Nhờ Hồ Chí Minh ủng hộ trong cuốc bầu cử tháng 9-1960, tại Đại Hội Đảng Lao Động năm 1960, Duẩn đã được vào Bộ Chính trị và được giữ chức Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương đảng.

Duẩn học lực tiểu học nhưng được trời phú cho những mưu mẹo động trời, vừa nắm được quyền năm 1960, y giao cho người phụ tá thân cận nhất làm Trưởng ban Tổ chức đảng để đưa tay chân bộ hạ vào, loại bọn xét lại (sống chung hòa bình) ra.

Chính CSVN cũng nhận định như vậy trong bài Vụ Án Xét Lại Chống Đảng (6). Đây là vụ án chính trị do do Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Công an) chỉ đạo đã bắt giam từ năm 1967 tới 1973 mới được thả ra. Nhiểu đảng viên, nhân vật quan trọng bị bắt không xét xử, khoảng 300 người bị bắt trong đó có 30 nhân vật cao cấp. CSVN dựa trên ý kiến của các nhà nghiên cứu Tây phương cho rằng vụ này bắt nguồn từ tranh chấp nội bộ. Một bên là phe ôn hòa gồm Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh. Phe kia hiếu chiến gồm Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh.

Ngay từ đầu 1957, 59 Bộ Chính trị tin tưởng tinh thần Hiệp định Genève để xây dựng xã hội chủ nghĩa trước theo đề nghị của Lê Duẩn, họ có ủng hộ cuộc chiến hạn chế tại miền Nam.

Khi Hồ Chí Minh cất nhắc Lê Duẩn lên làm Bí thư thứ nhất thì tình hình đã tỏ ra bất lợi cho phe ôn hòa Trường Chinh, Họ Hồ và Tướng Giáp. Phe ôn hòa muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc trước và không dám trực diện chiến tranh với Mỹ nhưng đã quá muộn. Ông Hồ, Tướng Giáp, Trường Chinh đều biết rằng đánh với Mỹ chỉ là “từ chết tới bị thương” nhưng đành phó mặc hai miền cho bọn đồ tể để rồi đất nước đã trải qua mấy chục năm tang thương đau khổ, miền Bắc, miền Nam đâu đâu cũng toàn là cảnh hoang tàn đổ nát.

Một phần vì Lê Duẩn bất chiến tự nhiên thành nhờ tình hình quốc tế ngày càng trở lên thuận lợi cho bọn đồ tể bên Nga Thủ tướng Khrushchev chủ trương sống chung hòa bình bị lật đổ 1964, Brezhnev lên thay, viện trợ cho Duẩn nhiều vũ khí hơn trước để đánh Mỹ. Nhưng thực ra Lê Duẩn trở thành người nhiều quyền lực nhất tại BV là do Hồ Chí Minh cất nhắc y lên.

Từ giữa thập niên 60 trở đi, Họ Hồ không còn quyền hành, bị gạt ra rìa chán nản bỏ sang Tầu chữa bệnh mặc cho Lê Duẩn muốn làm trời làm đất thì làm.

Kết Luận

Trong thời kỳ kháng chiến, vai trò của Lê Duẫn nhỏ xíu vô cùng khiêm tốn, trong khi chiến trường miền Nam chỉ toàn là đánh du kích thì những trận đánh lớn cấp sư đoàn do Võ nguyên Giáp chỉ huy đã diễn ra tại miền Bắc như Cao Bắc Lạng, Vĩnh Yên, Mạo Khê, Hòa bình ... và Điện Biên Phủ trận đánh rung động cả thế giới.

Từ 1950, Trung Cộng chiếm được nước Tầu giúp Việt Minh thành lập nhiếu sư đoàn chính qui như 304, 308, 312, 316, 320.. trong khi tại Miền Nam Lê Duẩn chỉ là Tư lệnh du kích chiến so với Tướng Giáp. Từ một đảng viên vô danh nhờ Bác cất nhắc lên ngôi đầu thập niên 50, Duẩn đền ơn Sư phụ bằng một cú đá tuyệt diệu, họ Hồ chết cay chết đắng nhưng cũng đành ngậm quả bồ hòn làm ngọt. Lê Duẩn gạt Họ Hồ ra rìa sớm lắm, phim The Vietnam war cũng có nói ông Hồ không còn quyền hành thập niên 60, phim bị CSVN phản đối điểm này.

Nói về cái gian của Duẩn thì phải kể hàng đầu, họ Hồ là tay gian hùng quốc tế nhưng cũng phải chịu thua Duẩn, chính y đã ăn cháo đá bát, lừa thầy phản bạn thế mà khi Sư phụ nằm xuống Duẩn khóc thật to. (7)

Wikipedia tiếng Việt ghi nhận lời Duẩn:

“Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa. Tổn thất này vô cùng lớn lao. Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

Duẩn cho xây cái lăng to đùng, bắt nhân dân tưởng nhớ cúng bái cái xác chết để tôn vinh Chủ Tịch, muốn cho mọi người thấy y không có vai trò lãnh đạo gì. Nay quốc hội CS VN, Phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh mới đề nghị cho đốt xác Họ Hồ đem chôn là đẹp nhất, sự việc đúng như nhiều người đã tiên đoán trước đây.

Duẩn luôn ca ngợi “Hổ Chủ Tịch muôn năm, Hồ Chủ Tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” mà thực ra y đã tước đoạt hết quyền hành của Sư phụ. Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh ủng hộ chủ trương xử dụng những đại đơn vị để chiến thắng tại miền Nam, nhưng thực tế chứng tỏ chiến lược này chỉ là đẩy thanh niên vào chỗ chết.

Nhiều người khen Duẩn đánh lớn mới giải phóng miền Nam nhưng các tay đồ tể đã gặp may, gặp lúc phong trào chống chiến tranh lên quá cao, họ bất chiến tự nhiên thành.

TT Nixon nói về chiến lược đánh lớn của CSBV

“Bắc Việt chọn đánh (qui ước) theo lối chiến tranh mà chúng ta quá rành...”


“... nay Hà Nội đánh theo chiến tranh qui ước với những đại đơn vị. Các sư đoàn bộ binh của họ cùng hàng đoàn chiến xe, hệ thống tiếp liệu thành mục tiêu tuyệt hảo cho không lực của ta...”

Nguyên văn

“The North Vietnamese had chosen to fight the kind of war we fought best...”
“...Its infantry divisons, tank columns, and logistics system all made perfect targets for our air power.. .” (8)

Họ chiếm được miền Nam là nhờ phong trào phản chiến, nếu không có phong trào này thì dù Duẩn có đẩy thêm hàng triệu quân vào tử địa cũng chỉ làm mồi cho B-52 một cách vô ích.

Dưới bài Nhìn lại vai trò của Lê Duẩn trên BBC tiếng Việt (ngày 2-5-2006)  có hơn 10 người góp ý, phần nhiều người miền Bắc, tôi xin đưa một số điển hình:

Một Bạn đọc ở Hà Nội

“Ông Duẩn nổi lên được là do sự cất nhắc của ông Hồ Chí Minh… Sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Nam Việt Nam đã làm cho luận điểm chiến tranh chính quy của ông Duẩn trở nên thắng thế so với đường lối thận trọng của ông Giáp.

Tuy nhiên, nếu không có uy tín của ông Hồ đối với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc thì ông Duẩn khó có thể duy trì sự ủng hộ của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc.
Cuộc chiếm đóng Campuchia lâu hơn cần thiết và cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1979 chứng tỏ đường lối thiếu mềm dẻo cũng như sự kiêu ngạo của ông Duẩn

....khi ông chết phần lớn người dân VN đều cảm thấy thở phào nhẹ nhõm”

Một người ẩn danh

“Tôi là thế hệ trẻ, được sinh ra khi nước nhà đã thống nhất.... Khi ông ta (Duẩn) lên nắm quyền Tổng bí thư thì đưa ra những chính sách làm dân hết sức khốn khổ... tôi nghĩ là để ông nắm giữ chức Tổng bí thư là một sai lầm của Trung ương.

Trong mắt của bao thế hệ người Việt, chính Lê Duẩn là người có tội với dân tộc Việt Nam, ông ta là tác giả của bao nhiêu lỗi lầm tai hại, đưa Việt Nam theo đường lối Nga sô nhưng không có sự chọn lọc cho phù hợp với hoàn cảnh nội tại. Lê Duẩn là con người sắt đá, một khuôn mẫu của Stalin và hiếu chiến”.

Nguyễn Thanh, Thanh Hóa

Lê Duẫn là một tài năng lớn của đất nước

…Nhưng tôi tin có lẽ lịch sử Việt Nam đã khác, đất nước sẽ đỡ lạc hậu hơn bây giờ nếu năm mất của ông không phải là 1986 mà là 1976!

Lê Duẩn đẩy hàng triệu thanh niên, sinh viên vào chỗ chết trong khi con cái của các bà vợ bé, vợ ba của y đểu được du học bên Nga. Con cái Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh đều đã được du học bên Nga, nay chúng đều làm lớn giầu sụ, đại gia ăn trên ngồi chốc.

Sự việc cho thấy cái trò hèn hạ bẩn thỉu của đám lãnh đạo CS Hà Nội. Các nhà chính trị, quân sự CSVN không có được cái khí phách như các Tướng lãnh Tây phương: De Lattre, Tư lệnh Đông Dương cho con trai độc nhất của ông trung úy Bernrad De Lattre ra trận và tử thương tại Ninh Bình năm 1951. Đô đốc John Sidney McCain Jr, Tư lệnh Thái Bình Dương vẫn cho con trung úy phi công John McCain ra trận và bị bắt làm tù binh tại Hà Nội năm 1967.

Chế độ cha truyền con nối trong xã hội CS rõ hơn bao giờ hết.

Nhiều người khen Lê Duẩn anh hùng, yêu nước chống Tầu nhưng tôi không nghĩ vậy, ông ta độc đoán, kiêu ngạo u mê. Ba Duẩn giống như anh đầy tớ theo hầu ông chủ này đánh lại ông chủ kia, đó là một sự lựa chọn ngu đần nhất trong lịch sử.

Hàng triệu thanh niên vô tội phải chết oan, gánh chịu sự ngu muội của một nhà chính trị gia u mê thất học. Đất nước tan hoang, mấy chục năm tang thương khốn khổ chỉ vì một sự sai lầm của lịch sử cũng như sự sai lầm của chính họ Hồ.

Trọng Đạt

Tham khảo:

1) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
(2) George Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 311
(3) Chương VIII The Agony of Vietnam, trong White House Years trang 277
(4) Richard Nixon: No More Vietnams, trang 126
(5)“Tướng Giáp tiết lộ 4 bí mật về chiến tranh Việt Nam”, bài đăng trên nhiều báo và trang mạng Hải ngoại
(6) Wikipedia tiếng Việt: Vụ Án Xét Lại Chống Đảng
(7) Wikipedia tiếng Việt: Lê Duẩn:
(8) No More Vietnams, trang 144, 145

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn