BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73177)
(Xem: 62204)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chiến đấu sòng phẳng, đảng đi đâu?

26 Tháng Sáu 20197:05 SA(Xem: 1543)
Chiến đấu sòng phẳng, đảng đi đâu?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Mới đây TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng mạng xã hội (MXH) có những nhược điểm lớn, mà tin giả là một trong số đó. Theo TS Dũng, trong cuộc chiến với tin giả, nếu chiến đấu một cách sòng phẳng, không có lý gì báo chí lại thua. Ông Dũng nói: “Có người đặt câu hỏi, vì sao có đến 18.000 nhà báo được cấp thẻ mà lại thua MXH? Tôi nghĩ có 2 lý do. Thứ nhất là quy trình kiểm duyệt. Để lên được một cái tin, báo chí phải trải qua quá nhiều quy trình, tức là đã bị “trói tay”, “trói chân” bắt cạnh tranh với MXH vốn tự do hơn nhiều. Thứ hai là báo chí không được giao nhiệm vụ chống lại fake news. Theo tôi hiểu, việc chống fake news trên MXH đang được giao cho một lực lượng khác với kinh phí không nhỏ, nhưng lực lượng đó không có nghiệp vụ”.

Tin giả - fake news

Tin giả, được định nghĩa đơn giản nhất là những tin không đúng, không chứa đựng sự thật.

Ai cũng biết rằng, bất cứ xã hội nào, thì sự thật vẫn luôn cần được tôn trọng và phản ánh đúng.

Và ai cũng biết rằng, tin giả không có tác dụng cho những người chân chính, cho một xã hội muốn tốt đẹp hơn. Tác hại của tin giả nhiều khi là hết sức lớn cho cá nhân, cộng đồng và xã hội.

Khi xã hội chấp nhận mạng lưới thông tin đã phủ rộng khắp thì đồng nghĩa với những thông tin thật giả lẫn lộn. Người sử dụng, cung cấp thông tin cũng có muôn vàn loại người khác nhau về tính cách, suy nghĩ, trình độ nhận thức và văn hóa.

Nhiều người vô tình đưa tin giả, có những người cố tình sáng tác và tạo ra tin giả nhiều khi chỉ với mục đích vô hại. Nhưng cũng có những người hoặc nhóm người cố tình tạo ra tin giả với những kế hoạch, âm mưu và mục đích khác nhau.

Tin giả trong xã hội Việt Nam

Báo chí, tin tức phản ánh hiện thực xã hội. Do vậy, khi một xã hội lành mạnh, văn minh, thì các tin tức phản ánh xã hội đã chứa đựng nhiều sự thật trong đó. Một chế độ chính trị ưu việt, dân chủ, người dân được quyền nói lên những suy nghĩ, tư tưởng và được phản ánh sự thật khách quan, sẽ giảm bớt những thông tin giả dối, nói tránh, nói ngược. Ngược lại, một chế độ chính trị hà khắc, bịt miệng người dân, báo chí, truyền thông chỉ là công cụ của chế độ độc tài như ở Việt Nam hiện nay, thì ngay chuyện tin giả, bịa đặt là chuyện không lạ, miễn là phục vụ đúng mục đích của đảng cầm quyền.

Chưa cần nói trên mạng xã hội, bởi ở đó có nhiều thành phần, có nhiều tầng lớp khác nhau và thuộc về từng cá nhân. Mọi tin giả có thể có rất nhiều ở đó, nhưng nó không ảnh hưởng mấy đến cuộc sống xã hội và đất nước. Sự nguy hại của những tin giả ở đó không gây nên những hậu quả quá to lớn.

Chúng ta hãy xét về tin giả trong hệ thống truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam, ở đó chúng ta sẽ thấy hệ thống tin giả khổng lồ.

Bản chất của xã hội cộng sản, vốn được dựa trên nền tảng của sự dối trá, lừa bịp và bạo lực. Cả hệ thống duy trì sự cai trị của một nhóm người, cướp bóc, tước đoạt lợi ích của toàn xã hội nhằm phục vụ nhóm người đó.

Người dân đã đúc kết bản chất xã hội Việt Nam hiện nay như sau: “Lãnh đạo giả vờ tin chủ nghĩa Mác Lê Mao, cán bộ đảng giả vờ nghe theo, quốc hội giả vờ họp và bỏ phiếu, chế độ giả vờ dân chủ, thầy giả vờ dạy, trò giả vờ học, thầy chùa giả vờ tụng kinh, công an giả vờ phạt, an ninh giả vờ côn đồ, thuế giả vờ thu, tòa án giả vờ xử, quốc doanh giả vờ có lãi, công chức giả vờ sống nhờ lương, quân đôi giả vờ chống ngoại xâm, nhà văn giả vờ tung hô... Còn người dân giả vờ hạnh phúc khi được báo chí chọn phỏng vấn”.

Ngược lại, hệ thống tuyên truyền là công cụ tô vẽ bằng mọi cách tung hô, nhồi nhét vào đầu người dân, rằng đó là chế độ “Của dân, do dân, vì dân”“cán bộ là đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”. Với tình trạng xã hội đó, thì việc tung tin giả, bịa đặt tin giả là chuyện hiển nhiên có và cần thiết cho nó.

Có lẽ, câu nói trong dân gian dưới thời cộng sản rằng: Lịch sử loài người ở Việt Nam theo quy luật tiến hóa từ thời đại đồ đá, sang thời đại đồ đồng và nay đến thời đại Hồ Chí Minh – thời đại đồ đểu quả là không phải không có lý.

Trong thời đại mà không chỉ hàng hóa bị làm giả, mà hầu hết mọi mặt cuộc sống con người Việt Nam hôm nay đều được làm giả và có thể làm giả bất cứ thứ gì, thì chuyện tin giả là điều không mấy ngạc nhiên.

Người ta có thể làm giả từ cái giấy khai sinh của đứa trẻ cho đến cái giấy báo tử của người già cũng như vô số bằng cấp của quan chức cộng sản.

Người ta cũng có thể làm giả từ trình độ của những cán bộ cấp phường xã cho đến làm giả ngày tháng năm sinh một Chủ tịch nước nhằm trụ lại chiếc ghế quyền lực bóp nặn máu xương người dân.

Người ta cũng có thể làm giả một đại biểu quốc hội, một chủ tịch Thành phố hoặc ủy viên Trung ương đảng bằng số tiền hàng chục tỷ đồng chạy chức, chạy quyền.

hochiminhThậm chí, người ta có thể làm giả một thần tượng Hồ Chí Minh suốt đời chỉ vì hạnh phúc của người dân mà tìm đường cứu nước, sống như một kẻ tu hành mẫu mực không gia đình, vợ con và rất ghét thói tư hữu, chủ nghĩa cá nhân. Nhưng, hệ thống truyền thông độc lập đã chỉ ra rằng chẳng phải thế. Ông ta cũng chỉ là một con người chứ không hề là thần thánh. Ông ta cũng có vợ, có con và cũng mưu đồ, chủ nghĩa cá nhân hơn những người khác. Chỉ có điều khác mọi người, là ông ta đã giấu mình giỏi hơn và hệ thống tuyên truyền đã tạo ra hệ thống tin giả fake news bao bọc xung quanh, tạo nên ông ta mà thôi.

Người ta có thể làm giả từ cái Bản Hiến pháp của Quốc hội đưa ra cho đến cái giơ tay của đại biểu quốc hội được điều chỉnh bằng quyền lợi đảng viên.

Và với một xã hội như vậy, chỉ riêng truyền thông, báo chí phản ánh đúng hiện tượng diễn ra, đã chứa đựng sự giả dối về bản chất. Trong thời đại ngày nay, bất cứ thông tin nào cũng phải được sự chỉ đạo, kiểm duyệt của Tuyên giáo, thì hệ thống báo chí chính là hệ thống tạo ra số lượng khổng lồ những thông tin giả.

Người ta thấy hàng ngày, hàng giờ hệ thống báo chí luôn đưa lên để tụng niệm và cái gọi là “Tính tất yếu, khoa học” của cái gọi là “Chủ nghĩa Mác – Lenin” – điều ai cũng biết rằng đó là một thứ lý thuyết hoang đường và ngược với thực tế cuộc sống. Do vậy, việc đưa thông tin ca ngợi, tung hô tô vẽ nó, đã là một hệ thống tin giả.

Người ta thấy báo chí tường thuật về việc Quốc hội họp, cũng giơ tay bấm nút, cũng phát biểu, cũng tranh luận để làm ra luật. Nhưng tất cả điều đó chứa đựng sự giả dối. Bởi cái gọi là “Cơ quan quyền lực cao nhất” đó, đã và đang diễn vở diễn do Đảng cộng sản đã chỉ đạo.

Người ta thấy những cuộc bầu cử từ đại hội đảng, cho đến bầu cử các cấp từ trung ương xuống địa phương, rất đông đúc, rất có vẻ cẩn mật ồn ào và tốn kém. Nhưng bản chất của những thông tin về việc đó là những tin giả. Bởi bản chất việc bầu bán kia, đã là sự giả dối do sự sắp đặt, cơ cấu từ lâu trước đó bởi đảng cộng sản.

Có những vụ việc cụ thể như chuyện báo chí ca ngợi một viên công an giúp một người dân qua đường, hay một Cảnh sát giao thông trả lại ít tiền cho người đánh mất…  được báo chí tung hô như là chuyện anh hùng xuất hiện, mặc dù những chuyện đó, trong xã hội phải là chuyện hiển nhiên, đứa trẻ con cũng làm được.

Thế nhưng, oái oăm thay là Mạng xã hội đã vạch trần những sự giả dối ngay lập tức sau đó khi người dân phát hiện ra bằng hình ảnh và chứng cứ cụ thể rằng người dân được giúp đỡ kia, cũng chính là người dân đã được cảnh sát đưa ra đóng vai trong những năm trước. Và để có hình ảnh đó, hệ thống công an, báo chí đã phải dàn dựng hết sức công phu. Đó là những tin giả.

Mới đây, mạng xã hội cũng đã vạch trần cái gọi là “tiếp xúc cử tri” là một màn diễn vụng về. Mỗi khi Nguyễn Phú Trọng xuất hiện, hẳn nhiên có một diễn viên chuyên nghiệp là Trần Viết Hoàn đứng lên phát biểu, ca ngợi đúng như ý đảng. Đó là những cử tri diễn viên chuyên trách luôn được coi là nhân dân. Đó là những tin giả.

Đến mức, người dân chứng kiến những tin giả sống sượng đó, đã phải thốt lên lời khen rằng: Khốn nạn thế mà vẫn làm được!

Chiến đấu sòng phẳng, Đảng sẽ về đâu?

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, nếu chiến đấu một cách sòng phẳng, không có lý gì báo chí lại thua. Điều này có thể đúng, hoặc không đúng tùy theo định nghĩa như thế nào là tin giả.

Trước hết, cần định nghĩa như thế nào là sòng phẳng? Theo Từ điển Tiếng Việt, sòng phẳng có nghĩa là “tỏ ra phân minh, rõ ràng và thẳng thắn”

Nếu dùng đúng nghĩa từ sòng phẳng như trên, thì tôi dám chắc chắn rằng đảng sẽ không thể tồn tại.

Bởi khi báo chí có thể nói, có thể viết và đưa lên truyền thông mọi điều sòng phẳng, rõ ràng và thẳng thắn, phân minh thì bản chất của đảng Cộng sản bị vạch trần. Bởi như trên đã nói, đảng cộng sản tồn tại được nhờ sự dối trá và bảo đảm sự dối trá đó tồn tại bằng bạo lực.

Do vậy, nếu được “sòng phẳng” thì hẳn nhiên bản chất của đảng sẽ không thể giấu diếm, tô vẽ và lừa đảo lâu đến thế. Và người dân Việt Nam không thể là một đàn cừu mãi mãi chỉ để cho đảng xén lông và xẻ thịt.

Theo đảng cộng sản thì “sự thật” chỉ là những cái có lợi cho sự tồn tại và lợi ích của đảng, được nói, được viết theo đúng tinh thần, nghị quyết của đảng. Nếu theo cách định nghĩa này thì chắc chắn một điều dù có chiến đấu sòng phẳng đến mấy, dù có đến 18.000 nhà báo được cấp thẻ chứ có đến 4 triệu đảng viên đều được cấp thẻ, cũng sẽ nhận thất bại thảm hại.

Còn nếu báo chí quyền tự do thật sự, được phản ánh sự thật một cách khách quan, được vào sân đấu một cách “sòng phẳng” thì chẳng cần đến số lượng chừng đó nhà báo và cả ngàn tờ báo, chỉ cần một số lượng rất nhỏ cũng có thể hạ đo ván hệ thống đảng cộng sản.

Chính vì thế, đảng tìm mọi cách “lãnh đạo tuyệt đối” về báo chí.

Vì thế, đừng bao giờ mơ đến việc “Sòng phẳng” trong hệ thống truyền thông Việt Nam dưới chế độ độc tài.

Bởi, nếu sòng phẳng, thì đảng chẳng có cơ sở nào để có thể tồn tại mãi trên xương máu người dân và cơ  đồ đất nước này.

Bởi, từ xa xưa, Kinh Thánh đã ghi lại lời Chúa rằng: “Chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta”.

Ngày 25/6/2019

J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn Blog Nguyễn Hữu Vinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn