Những năm gần đây, đảng CSVN đã có bước tiến trong việc xử lý cán bộ. Có những cán bộ cấp trung ương, bộ chính trị đã về hưu nhưng vẫn bị ban kiểm tra trung ương đề xuất xử lý về mặt đảng, như cảnh cáo, khai trừ, khiển trách và còn cách luôn cả chức vụ đã mang trước đó.
Dư luận một số thấy hài lòng, nhưng còn rất nhiều người cho rằng hình thức kỷ luật như vậy là vuốt đuôi, chẳng có tác dụng gì.
Chúng ta thường thấy trong nhiều cuộc họp, gặp mặt, sự kiện có những nguyên lãnh đạo đã về hưu đến tham dự và đóng góp ý kiến. Chẳng hạn trường hợp nguyên CTN Trương Tấn Sang khi đã về hưu nhiều năm, vẫn đi các tỉnh thành gặp gỡ lãnh đạo các tỉnh, nghe báo cáo rồi đưa ra những nhân xét, chỉ đạo như còn đang đương chức. Tất nhiên những chỉ đạo của ông Sang không còn tính mệnh lệnh vì ông đã không còn cương vị CTN, nhưng lãnh đạo các tỉnh vẫn phải e sợ một phần, vì trong các cuộc họp trung ương lấy ý kiến lão thành, sợ sẽ có những nhận xét không tốt về địa phương.
Không cần đến việc về hưu bị kỷ luật, nhiều lãnh đạo về hưu cũng tránh đi lại, gặp gỡ. Trừ những sự kiện do trung ương mời dự, họ mới đi.
Những người đã bị kỷ luật đến mức cảnh cáo sẽ tự biết mình sẽ không nên đi lại tự do đến các sự kiện , đây là lòng tự trọng của bản thân và cũng là biết nghĩ cho đồng chí lứa sau đang làm việc. Một người cộng sản, từng làm đến cương vị cao, càng phải có liêm sỉ, cho dù quá trình công tác có sai phạm, có bị kỷ luật nhưng cũng thể hiện lòng tôn trọng với sự tôn nghiêm của đảng. Tự hạ mình, nép mình khi bị kỷ luật là vì uy tín của đảng, vì lợi ích chung.
Thế nhưng vẫn có người làm lãnh đạo cao cấp, từng là uỷ viên BCT mà khi về hưu bị kỷ luật cảnh cáo, vẫn nhơn nhơn đi lại nơi này, nơi kia, gặp gỡ lãnh đạo tỉnh. Như muốn nói việc kỷ luật của đảng chẳng hề hấn gì đến mình. Hành động như thế khác nào muốn xác nhận những ý kiến tiêu cực trong dư luận về trò kỷ luật vuốt đuôi của đảng là có thật.
Các ông bà như Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Võ Văn Thưởng, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh…sau khi thấy liên quan đến những sai phạm của cấp dưới, họ tự giác từ nhiệm, về sống đời sống bình thường, không gây ồn ào, chú ý.
Nhưng trường hợp của ông Trương Hoà Bình, nguyên phó thủ tướng thường trực, nguyên uỷ viên BCT thì lại khác hẳn.
Ông Bình trụ đến ngày làm việc cuối cùng, mặc dù đầu năm 2021 không trúng vào trung ương, không còn cơ cấu giữ chức vụ gì trong chính phủ. Nhưng lợi dụng quy chế chính phủ còn phải đợi quốc hội thông qua chính phủ mới và thời gian bàn giao, ông đã tác động để chỉnh sửa kết luận thanh tra chính phủ với dự án Đại Ninh Lâm Đồng. Vụ việc này sau đó đã khiến bao nhiêu cán bộ trung ương, lãnh đạo tỉnh phải vào tù, có người đột tử chết như ông phó tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Minh.
Ai cũng biết Nguyễn Cao Trí có quan hệ mật thiết với ông Trương Tấn Sang, Trương Hoà Bình. Khi Trí hối lộ quan chức tỉnh, thanh tra chính phủ để làm đơn xin gia hạn dự án Đại Ninh, rồi chuyển đến văn phòng chính phủ chỗ ông Mai Tiến Dũng, văn phòng chính phủ trình ông Trương Hoà Bình, ông Bình chuyển đơn đến thanh tra chính phủ với lời nói, đề nghị xem xét giải quyết.
Ông Bình không nói rõ là xem xét giải quyết gia hạn dự án. Nhưng các cấp dưới của ông tự hiểu khi cấp trên mình giao thế, và mối quan hệ của cấp trên mình với Trí như thế, mình phải làm thế nào. Vì nếu không đúng cạ, không bao giờ có chuyện tỉnh trình lại xem xét, tỉnh biết chắc trên có ô dù mới trình và đường đi là phải vậy, chứ trình láo cấp trên người ta chửi cho, việc đã xử lý thu hồi rồi còn trình làm gì. Trình đến tay ông Bình, ông lẽ ra với kinh nghiệm quản lý dày dạn, phải bác bỏ luôn và trách cấp dưới, đằng này ông lại chuyển sang thanh tra là cấp dưới của mình bảo xem xét xử lý.
Cuối cùng cả lũ cấp dưới đi tù, chủ tịch Lâm Đồng xin hiến xác nếu chết trong tù , phó tổng thanh tra Trần Văn Minh đột tử vì sao chắc ai cũng hiểu.
Ông Bình thì chối bay, ông bảo tôi bảo chúng nó xem xét giải quyết đúng pháp luật, chứ có bảo chúng nó làm sai đâu.
Như Năm Cam ném cái khăn mặt và bảo với Hải Bánh.
– Anh không muốn nhìn thấy mặt nó nữa.
Có câu nào sai Hải Bánh đi tiễn Dung Hà đâu. Nhưng Hải Bánh tự phải biết làm gì, cũng như các quan chức cấp dưới ông Trương Hoà Bình biết phải làm gì khi cấp trên ném cho tờ trình và bảo xem xét giải quyết.
Từng ấy người anh em, đồng chí, cấp dưới đã đi tù, đã chết vì lợi ích của mình. Đã bị đảng xử lý kỷ luật cảnh cáo, thông báo trên báo chí, lẽ ra là người có tự trọng phải ẩn mình tránh những nơi báo chí, dư luận đông người.
Mới đây khi ông Nguyễn Văn Được từ Long An được bổ nhiệm là chủ tịch TP HCM, không biết ông Được có mời ông Trương Hoà Bình, hay ông Bình mò đến khiến ông Được khó xử không nỡ chối từ, mà ông Bình có mặt trong những sự kiện quan trọng, như sự kiện thành phố HCM tổ chức khánh thành tuyến Metro số 1 vào ngày 9/3.
Anh Trương Huy San, tức Osin đã từng nói về việc lãnh đạo về hưu rồi đừng đi lại, tốn kém tiền thuế dân chi trả cho việc xe cộ, bảo vệ, thư ký, hậu cần. Đấy là anh nói về những lãnh đạo không bị kỷ luật, anh đi tù rồi, lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật cứ nhơn nhớn đi lại như coi hình thức kỷ luật của đảng với mình chỉ là trò đùa.
Nếu cả loạt lãnh đạo cao cấp như ông Bình đã từng bị kỷ luật, mà giờ đi lại khắp nơi như này, liệu tính tôn nghiêm của đảng sẽ thế nào trong mắt nhân dân?
Bùi Thanh Hiếu
Nguồn: https://www.facebook.com/nguoibuon.gio.9/posts/pfbid0sRjciP23WFj2BHAUfPC6mXeiiRU9gZXGMR6UCnEuXvVpW