Sân bay thủ đô Nairobi lối vào nhập cảnh như đi vào một nhà xưởng, cô gái da đen làm thủ tục nhập cảnh hỏi tôi bằng tiếng Anh vào với mục đích gì, tôi trả lời du lịch, cô hỏi bao ngày, tôi nói 10 ngày và trình visa du lịch cho cô xem.
Tôi chả học tiếng Anh ngày nào, nhưng do đi nhiều nên mấy câu hỏi như này tự dưng trả lời được.
Thế nhưng cô ta lại hỏi tôi gốc là người ở đâu, có phải China không, tôi đáp là Việt Nam.
Cô ta dừng lại, gọi người cấp trên, họ trao đổi gì đó, người cấp trên hỏi tôi quốc tịch Đức à, tôi gật đầu, anh ta ra hiệu cô làm thủ tục cho tôi qua.
Qua cửa hải quan, lại xếp hàng để hành lý qua máy chiếu. Chẳng hiểu sao có nhiều nước cứ soi đi, soi lại hành lý như vậy. Tôi nhớ các nước như Mỹ, Canada, Đức, Việt Nam, Thái Lan…nhập cảnh là vào luôn không phải qua máy soi , trừ khi hải quan họ nghi ngờ gọi lại kiểm tra, còn không là đi thẳng ra ngoài. Trong lúc chờ hành lý qua máy soi, nhiều người như dạng nhân viên của cảng hàng không cứ dẫn người quen chèn lên trước.
Người bạn tôi chờ ở cửa , nghe tôi kể thì anh ta nói, bọn công chức ở đây cũng hay vòi tiền vặt. Tại mày hộ chiếu Đức nên nó thôi, chứ mấy em Việt Nam sang đây làm gái toàn bị chúng nó vặt mấy chục đô.
Tôi ở trong một căn chung cư 1 phòng ngủ, nó giống như căn hộ mà tôi nhận được hồi đến Weimar, có điều là những thiết bị ở đây toàn mang nhãn mác gì đó của Trung Quốc. Giá thuê khoảng 30 usd một ngày, rẻ hơn khách sạn. Một căn hộ như vậy thấy nói tầm hơn 100 nghìn đô, tức nó ngang hay còn hơn giá căn hộ ở Hà Nội.
Nairobi nhiệt độ ban ngày tầm 25 độ, đến tối xuống 20, trời nắng và khô. Những món ăn ở đây na ná những món ăn của người Hồi Giáo ở Nepal, Ấn Độ. Cơm gạo hạt dài khô với món gà sốt thứ nước quái quỷ gì mà mùi vị của nó khiến tôi không nuốt nổi. Ở Nairobi có nhiều khu Tàu, các món ăn ở đó đắt ngang với Berlin. Một bát mỳ có mấy miếng thịt giá đến 1200 tiền Kenya, tương đương 10 đô la.
Người Trung Quốc đến đây khá nhiều, hầu như tất cả mặt hàng điện tử, gia dụng đều của Trung Quốc. Những người TQ đến đây có vẻ thành đạt, họ ăn rất nhiều, một người một bữa có thể ăn đến 40 usd ở một quán như dạng cơm bình dân tại Hà Nội. Những Casino của người TQ mọc san sát nhau, chưa đến nửa km mà có đến 5 cái Casino.
Trong Casino toàn người TQ chơi.
Nếu bạn đến Narobi làm ăn, chắc ngon nhất ra tiền nhanh nhất là mở quán ăn và động phò để phục vụ các thượng khách Trung Quốc ở đây.
Nhắc lại là động phò, theo cách gọi dân dã của anh em dân chơi Việt Nam chúng ta. Cái này khiến nhiều bạn đọc khó chịu, nhưng thực tế như nào thì nói như vậy.
Có vài phụ nữ Việt Nam biết tiếng TQ đang mở động phò ở đây phục vụ khách TQ, các cô gái làm phò ở VN đã hết đát, sang đến đây lại thành đặc sản cho những anh TQ tha hương nhưng thừa tiền và thừa nỗi buồn. Các anh TQ không thích da đen, các em TQ thì không sang Narobi để làm phò. Một khoảng thị trường mầu mỡ cho các em phò Việt hết đát ở nơi khác. Mỗi tháng một em có thể kiếm 200 triệu VNĐ. Giá một đêm là 400-500 đô la, tàu nhanh là 150 đô la. Trong khi gái da đen tàu nhanh chỉ mất 30-40 đô. Các anh TQ chơi gái mà hài lòng, các anh bo thoáng hết cỡ.
Chính quyền Kenya không quan tâm đến chuyện này, ở Kenya mọi thứ đều có thể hối lộ. Chính quyền Kenya chỉ ngại biểu tình, đòi hỏi dân chủ, công bằng….ngoài thứ đó ra muốn làm gì cũng được. Quá hợp với các anh TQ đến đây kiếm tiền.
Trong siêu thị điện máy, hàng hoá đắt ngang Châu Âu, một cái ấm siêu tốc tính ra cũng 25 đô la. Một cái vô tuyến Led cỡ 32 ins giá đến 300-400 đô la.
Thủ đô Nairobi có nhiều nhà cao tầng, nhiều nhà hàng, khách sạn và văn phòng, trụ sở đẹp như ở nước ngoài, trên đường phố xe ô tô đi lại tấp nập, giá xăng ở đây không cao lắm, mấy người lái taxi đổ xăng thường đổ cỡ 100 nghìn VND.
Tôi dự định đánh đường biển hàng điện tử cũ của Nhật, Đức vào đây. Nhưng tìm mối ôm sẵn không có, vì loại hàng như vậy chưa có ai ở đây làm. Nếu muốn làm ở đây, tôi phải có nhà kho, cửa hàng, nhân viên bảo dưỡng sửa chữa và nhân viên bán hàng. Một chuỗi việc như vậy quá khả năng của tôi, cần phải có đồng minh, mà đồng minh tin cậy với nhau thì kiếm không dễ ở thời buổi này.
Cảm thấy không thuận lắm, tôi mua vé khác trở về Berlin cho nhanh, khỏi mất thời gian.
Nhưng Kenya thực sự là mảnh đất có thể dễ dàng kiếm tiền cho những người không quan tâm đến dân chủ, nhân quyền. Đến đây hội tài phiệt mạnh bắt tay với chế độ để khai thác khoảng sản, tài nguyên và xây dựng đường sá, nhà cửa. Hội yếu hơn làm cung cấp dịch vụ như động phò, quán ăn, masage, cờ bạc, chuyển tiền rất có cơ hội. Nếu không nhiều lực tài chính mà muốn làm lành mạnh thì làm quảng cáo, sửa chữa xe ô tô, sản xuất đá ốp lát tự nhiên, mở cửa hàng kính mắt, sửa chữa điện thoại, máy tính…. vì cái này người TQ họ chưa thèm làm, chắc chắn thu nhập cũng sẽ rất khá.
Dân Kenya chia hai loại, loại thống trị và loại bị thống trị. Loại thống trị ăn bám vào tài nguyên khoáng sản nên không lo chuyện làm ăn, sản xuất gì. Loại bị thống trị thì hiểu biết có hạn, chỉ làm quần quật kiếm miếng ăn qua ngày. Năm ngoái có cuộc biểu tình do một số thanh niên tiến bộ khởi xướng nhằm ngăn cản việc quốc hội thông qua luật tăng thuế mặt hàng gia dụng. Người biểu tình vây quanh quốc hội, cảnh sát giải tán bằng hơi cay khiến 5 người chết và nhiều người bị thương theo con số thống kê của bệnh viên Kenya. Thực tế thì cảnh sát dùng súng bắn thẳng vào đám đông, máu loang khắp đường và đến khoảng 60 người tử vong tại chỗ vì đạn. Chính quyền cắt sóng internet lúc đó và kiểm soát đường truyền để không video nào có thể gửi đi được. Ở Kenya cũng có những phe phái đối lập với chính quyền của tổng thống Ruto, nhưng cũng giống Nga Putin, những nhân vật đối lập đều bị bệnh và được nhà nước chăm sóc tận tình ở bệnh viện cao cấp nhất, sau đó lìa đời trong nghi lễ trang trọng do chính quyền Ruto tổ chức.
Người dân Kenya khá hiền lành, họ cư xử tốt với người nước ngoài, mỗi tội hay mè nheo xin thêm tiền dù đã thoả thuận. Việc thiết lập cơ sở làm ăn ở đây không có vấn đề gì với người nước ngoài, đặc biệt là các ông châu Á như Trung Quốc hay Việt Nam thì càng yên tâm vì chính quyền không coi các ông trong danh sách mấy ông da trắng hở một tí là coi trọng quyền con người nọ kia.
Anh em Việt Nam nào có máu giang hồ, maphia một chút rất có cơ hội nếu đến đây làm ăn. Bỏ mấy cái món buôn ngà, sừng, cao đi mà thay thế vào đó kinh doanh, dịch vụ, gì khả năng thành công rất cao vì đang có khoảng trống lớn ở thị phần này, người Kenya chưa làm, người TQ cũng chưa quan tâm , người phương Tây thì chẳng đến đây làm vì lý do quan điểm về quyền con người.
Tôi già rồi, không còn sức xông pha nữa, đợt rồi xin cấp lại hộ chiếu Việt Nam không được.
Có nhiều quốc gia như Kenya, cầm hộ chiếu VN làm ăn còn dễ hơn hộ chiếu Đức, vì cầm hộ chiếu Việt Nam hối lộ quan chức ở đây dễ dàng, thân thiện tin cậy như anh em chiến hữu với nhau. Chứ cầm hộ chiếu Đức dễ bị soi xét, cảnh giác có phải âm mưu diễn biến hoà bình, cách mạng màu gì không.
Kenya vốn thuộc địa của Anh, dân đây nói tiếng Anh khá nhiều. Các ông phương Tây sau thời gian có mặt ở đây, chẳng biến được đất nước này thành dân chủ, văn minh. Rút cục giờ các ông TQ với phương pháp mèo trắng mèo đen miễn bắt chuột, đã thay thế ảnh hưởng với các ông phương Tây một cách êm đềm, có lợi.
Bùi Thanh Hiếu
Nguồn: https://www.facebook.com/nguoibuon.gio.9/posts/pfbid02LGJkPmchiiQbawbfTTc9GchsKGt5RyxKKPAYvkA4b85