Sự kiện gần đây liên quan đến một học sinh lớp 12 ở Yên Bái, Chu Ngọc Quang Vinh, làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều về quyền tự do tư tưởng và biểu đạt tại Việt Nam.
Câu chuyện bắt đầu khi học sinh này, người từng đoạt giải nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2023, hôm 2/9 nhân dịp lễ Quốc khánh Việt Nam, đã chia sẻ những suy nghĩ cá nhân về mối tương quan giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và cuộc sống của cá nhân mình trên Facebook.
Những dòng cảm xúc này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, với nhiều phản ứng khác nhau, từ sự ủng hộ cho đến những lời chỉ trích gay gắt. Điều đáng lo ngại là chính quyền và một phần không nhỏ trong xã hội đã lên án hành động này, thậm chí còn điều tra và gây áp lực để "định hướng lại tư tưởng" của cậu.
Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do biểu đạt là những quyền cơ bản của con người, đã được công pháp quốc tế công nhận rộng rãi. Việt Nam không phải là ngoại lệ, khi Hiến pháp năm 2013 đã long trọng ghi nhận những quyền này. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tế.
Những sự kiện như trường hợp của Quang Vinh nhắc nhở chúng ta rằng những quyền cơ bản này không nên chỉ tồn tại trên giấy mà phải được thực hiện và bảo vệ trong đời sống hàng ngày của mỗi công dân.
Thời Kỳ Khai Sáng, thời kỳ đã có một câu nói nổi tiếng được tin là của Voltaire, một đại văn hào, triết gia vĩ đại: "Tôi có thể không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền được nói của bạn." Câu nói này vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Quyền tự do ngôn luận không chỉ là quyền của riêng cá nhân nào mà là quyền của toàn thể xã hội, và sự bảo vệ quyền này là nhiệm vụ của cả cộng đồng.
Trong trường hợp của Quang Vinh, điều cần được nhấn mạnh không phải là nội dung phát biểu của cậu ấy đúng hay sai, mà là quyền được biểu đạt ý kiến của cậu ấy một cách ôn hòa và tôn trọng. Xã hội không nên vội vã quy chụp hay lên án, mà nên lắng nghe và đối thoại với tinh thần cởi mở và cầu thị. Sự khác biệt trong tư duy và quan điểm là điều tự nhiên và cần thiết cho sự phát triển của bất kỳ xã hội nào.
Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, chính sách "Đổi Mới" cách đây 38 năm đã gặp phải không ít sự phản đối và hoài nghi. Tuy nhiên, với thời gian, hầu hết chúng ta đều nhận ra rằng đó là một quyết định đúng đắn, giúp đất nước tiến lên trên con đường phát triển. Vậy thì tại sao hôm nay, chúng ta không thể có cùng tinh thần cầu tiến để xem xét và thảo luận về những thay đổi cần thiết trong tư duy chính trị và xã hội?
Đất nước ta đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới, đòi hỏi một sự "Đổi Mới" lần hai – một sự đổi mới trong tư duy về thể chế chính trị. Giới trẻ Việt Nam, với tinh thần sáng tạo và khát khao đổi thay, đang đặt ra những câu hỏi quan trọng về tương lai của đất nước. Thay vì áp đặt quan điểm của mình lên thế hệ trẻ, chúng ta nên lắng nghe và đồng hành cùng họ trong việc tìm ra những giải pháp tốt nhất cho đất nước.
Cuối cùng, xã hội chúng ta cần phát triển một tinh thần khoan dung, chấp nhận sự khác biệt và cùng nhau xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng. Đó là cách tốt nhất để tôn trọng những giá trị cơ bản của con người và đảm bảo rằng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do biểu đạt không chỉ là những lời nói sáo rỗng, mà thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước.
Chúng ta cần phải hiểu rằng, việc bảo vệ những quyền này không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân nào, mà là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng. Chính quyền, xã hội, và mỗi cá nhân cần cùng nhau tạo nên một môi trường nơi mọi ý kiến đều được tôn trọng và lắng nghe. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự xây dựng được một xã hội tự do, công bằng và nhân ái, nơi mọi người đều có quyền sống, làm việc và biểu đạt ý kiến của mình mà không sợ bị đàn áp hay trừng phạt.
Vũ Đức Khanh
Nguồn : VOA
***
Nguyên văn bài viết trên Facebook ngày 1 tháng Chín của
Chu Ngọc Quang Vinh
Tôi và Đảng
Cuối cấp 2 là lúc tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây một cách cao trào nhất. Dần dần tôi phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu này không hoàn toàn là sự thật. Tôi coi Đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân và tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài.
Rồi tôi ôn Olympia để “sống ở nước ngoài” và dù muốn hay không thì vẫn phải học lịch sử theo góc nhìn của Đảng. Rồi tôi được Đảng ban tặng nhiều thứ vì thành tích của mình, nên dần nhìn Đảng một cách thuần hơn.
Và đến lúc giấc mộng O[lympia] của tôi cũng phải chấm dứt, tôi không biết làm gì tiếp theo, nhưng nhìn lại những gì tôi có ở đây, tôi nghĩ ở Việt Nam không tệ. Tôi sẽ kệ Đảng và tập trung vào tôi.
Và giờ tôi lại muốn rời Việt Nam. Chắc là tôi sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa, dù tôi đã từng cố để ít nhất là “kệ” Đảng. Người dân ở đất nước tôi sinh ra chọn status quo, nên thôi, mình không ủng hộ thì mình đi.
Anyway, mai là Quốc khánh, chúc nước Việt Nam dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam.