BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồi ức: Ngày tuyệt cùng

29 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 1994)
Hồi ức: Ngày tuyệt cùng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Sài gòn 29-4-1975.

Đêm đang dần chìm sâu vào tăm tối, dưới bầu không khí nặng nề, ngạt thở của Sài gòn trước giờ hấp hối. Trong khu Bàn cờ, một khu xóm lao động thường ngày rất ồn ào, mãi cho đến 11 giờ đêm mới chịu yên nhưng hôm nay dường như ai cũng đi ngủ sớm. Trong một ngôi nhà nhỏ, một gia đình lẳng lặng, tìm giấc ngủ trong bóng tối phủ đầy. Một giấc ngủ dù quá sớm đối với thường nhật, nhưng dường như họ nằm để ghì kéo thời gian, ghì kéo những hiện tại đang dần đi vào tăm tối. Chỉ có tiếng rỉ rả của chiếc radio như cuộn băng hư, thỉnh thoảng cứ nhai đi nhai lại lời của phó tổng thống, đương nhiệm chức vị tổng thống, Trần Văn Hương tuyên lệnh cho quân đội buông súng đầu hàng.

Trên chiếc đi văng, tôi, một tên học trò nằm miên man nghĩ ngợi. Mấy ngày qua, bao nhiêu đứa bạn đã ra đi. Có đứa rủ bỏ nước, nhưng tôi từ chối vì tôi cần ở bên cạnh gia đình tôi, cần phải nếm ngọt bùi với đất nước đang chết của tôi, cần phải góp một bàn tay, dù chưa biết làm sao, để tìm lại một quê hương tự do, thanh bình. Lúc ấy, tôi chỉ mơ hồ hiểu biết về cộng sản qua sách vở, qua chuyện kể quá khứ của ông bà, cha mẹ nhưng thực sự tôi chưa bao giờ nếm mùi chung đụng với người cộng sản, với Việt cộng bao giờ.

Chỉ có lần duy nhất là tết Mậu thân, lúc còn ở tỉnh, nhưng tôi chỉ loáng thoáng thấy họ chạy nhôn nháo qua hẻm nhà tôi, chưa kịp làm gì thì đã bị đánh bật khỏi thành phố. Tết đó tôi đã mất đi mấy thằng bạn vì Việt cộng gõ cữa mà không mở. Dần dà ký ức đó cũng lu mờ, cũng như sự lu mờ của những hình ảnh các cô gái bán Bar, người bê bết đầy máu vì đặc công Việt cộng đặt chất nổ, nằm còng queo trên những chiếc xe lôi, chở ngang qua nhà tôi để đến bệnh viện. Và cũng trong tôi, thời gian cũng đã làm lu mờ đi những hình ảnh của những chiếc xe đò liên tỉnh lộ, chở về những người đầy thương tích và xác chết vì bị Việt cộng bắn hay bị mìn Việt cộng. Bao nhiêu ký ức bỗng hiện về, bao nhiêu quá khứ bỗng trưng bày trong tâm sự.

Nhưng rồi tôi lại nghĩ, biết đâu những sự giết dân vô tội của họ chỉ xảy ra trong thời chiến, còn khi họ chiếm được miền nam thì chắc không còn. Vì thế tôi tự trấn an mình, Việt cộng cũng là người thì có lẽ họ không độc hại đến nỗi tận cùng nhân loại. Có lẽ họ sẽ cho tôi, một thằng học trò, một cơ hội nào đó để góp bàn tay xây dựng đất nước. Và biết đâu chính tôi hay một đứa bạn nào của tôi sẽ vào trong quĩ đạo của họ và cải tiến họ để đưa nước Việt đến an bình, tự do. Những "biết đâu" của một tên học trò, rất trẻ con của tôi, sau này đã làm tôi nực cười cho sự ngô nghê của mình, mỗi khi nghĩ đến .

Anh tôi đứng lên tắt chiếc radio và bước ra phòng ngoài mở TV, có lẽ anh đã không chịu nổi bầu không khí căng thẳng buồn nản, nên làm chút cử động để thoát ra những suy tư như tôi. Đài truyền hình Sài gòn liên tục trình chiếu lại những chương trình tân nhạc. Dường như là họ lắp cuộn băng vào và mặc nó chạy nên hết chương trình này thì chương trình nhạc khác tiếp nối. Chẳng lẽ giờ này còn ai ngồi ở đài mà ung dung làm việc. Anh tôi chỉnh âm thanh cho nho nhỏ sợ phiền hàng xóm và bảo tôi hãy xem, để sẽ không bao giờ còn xem được nữa.

Tôi bước ra ngồi vào ghế xem, không nói tiếng nào. Những bài hát tình tự, nhạc tiền chiến mà tôi đã từng thích nghe nhưng bây giờ sao chúng nó trơ trẽn, vô vị vô cùng. Những nữ ca sĩ tha thướt, nam ca sĩ dáng dấp suy tư đều như đã biến thành một thế giới ảo mộng, thế giới mà tôi chỉ thấy bằng hình ảnh như chính cái TV, để khi sờ đến thì nó là một mặt kính dầy bụi bậm. Vì thế tôi lần trở lại đi văng nằm và anh tôi cũng bỏ vào giường để mặc TV nghêu ngao, nho nhỏ hát .

Không nhớ nằm được bao lâu, có lẽ đã khuya lắm rồi. Tôi nghe tiếng hỏa tiễn 122 ly nổ tan trong thành phố, thoạt xa, thoạt gần. Việt cộng bắn hỏa tiễn này vào Sài gòn đã nhiều lần nên nghe qua tiếng nổ là tôi đoán Việt cộng lại pháo kích. Tôi tự hỏi với chút hy vọng.

-Chẳng lẽ dù lệnh đầu hàng nhưng quân đội không chịu buông súng?
-Chẳng lẽ lời đồn Trung tướng Ngô Quang Trưởng rút về miền tây tử thủ là đúng nên Việt cộng vẫn nã bừa đạn 122 ly vào dân chúng Sài gòn như một đe dọa hay trả đũa cho sự tức giận của họ vì quân đội không ngoan ngoãn?
-Chẳng lẽ Mỹ chơi lại ván cờ Triều tiên 1945?

Tôi nằm ì không phản ứng như lúc xưa mỗi lần pháo kích là tìm nơi núp. Anh tôi lên tiếng. Có ai xuống gầm thì xuống nhé, giờ có bị pháo trúng thì cũng thế thôi. "Thì cũng thế thôi", bốn chữ vỏn vẹn mà thê thảm nhưng lại quá chính xác để diễn đạt tâm trạng của chúng tôi. Mọi người trong gia đình tôi vẫn nằm im đợi chờ trái pháo. Nhưng rồi những trái pháo cũng im bặt và chẳng trái nào tìm tới thăm chúng tôi. Để sáng ra, nghe lối xóm nói là nó đã rơi góc đường gần trường Gia long, góc đường Nguyễn Huệ, Hàm nghi và nhiều nơi khác. Đêm rồi cũng tàn, tờ mờ sáng tôi bước ra đường nghe ngóng.

Đường Lê Văn Duyệt trở thành hớt hải, rối bung và áo não, ê chề. Tôi thất vọng vì tướng Ngô Quang Trưởng không cố thủ miền tây như lời đồn mà bằng chứng trước mặt là những chiếc áo trận của chiến sĩ biệt động, bộ binh, thủy quân lục chiến, nhảy dù vất rải rác trên đường. Họ bỏ về từ Hòa hưng, cứ điểm Biệt động quân hay quân trường Quang trung ở Bà Điểm. Những phòng tuyến cuối cùng đã không còn thì sự thật đã quá rõ ràng, tự do đã mất. Thế là từ đây báo chí hết còn gióng mỏ chửi chính phủ, hết còn tranh nhau dèm siểm nhau cho đã ngòi bút, hay cho phe phái qua chiếc ghế dân cử, hết còn những bích chương tranh cử dán đầy phố.

Tôi thấy vài người thương binh cuối cùng của cuộc chiến, chỉ còn manh quần ngắn, ở trần, máu còn rướm đẫm những lớp băng đang lê chân đổ về, có người phải nhờ xích lô chở , có kẻ tựa vai bạn mà đi . Có lẽ họ ở bệnh viện Vì dân, nhưng phải chạy về nhà vì họ biết Việt cộng cũng không tha họ, dù thương tích tả tơi . Tôi nghe nghèn nghẹn trong lòng. Nghe một nỗi niềm chua chát và cay đặc khó tả, dù rằng tôi chưa lần cầm súng. Mới mấy hôm qua, họ là những chiến sĩ hiên ngang, chạy vùn vụt về cuối đường Lê Văn Duyệt, về Bà Điểm, phòng thủ Sài Gòn, hôm nay họ bước về không còn vững, không áo quần và đã có bao đồng đội của họ đã ngã xuống ở cuối con đường kia?



Ôi! Sự mất quê hương sao mà chua chát. Có mấy ai nếm mùi vị mất quê hương, nên mấy ai hiểu. Càng không thể hiểu khi mà trong đầu đã bị tiêm nhiễm ý niệm đây là cuộc chiến tương tàn mà không chịu hiểu kẻ chủ động là Việt cộng. Sau này tôi mới biết chỉ đa số dân miền nam vĩ tuyến 17 mới bị tiêm nhiễm ý tưởng này để yếm thế, thụ động, còn phía bắc thì vẫn cho rằng chống Mỹ ngụy cứu nước mà họ có đếm được bao nhiêu người Mỹ trước 1964-1965 đâu . Nhưng họ đã chống, đã cài người vào miền nam phá hoại từ những năm 1954 .

Ôi! Mất nước là do tự mình đánh mất, tự mình bị lung lạc bởi họ, tự mình nuôi ong tay áo, chứa loài cõng rắn. Tôi quay trở vào hẻm để tìm đến Tuyên, thằng bạn cùng ở khu Bàn cờ, tìm đến cà phê và thuốc lá hay tìm đến một khoảng trời nhỏ nhoi tự do còn vướng vất trong tâm hồn chúng tôi. Bố và mẹ hắn là dân di cư 1954 nên họ có vẻ nghĩ ngợi trầm tư rất nhiều, chẳng hay cả lời tôi chào. Chúng tôi không ra quán mà ngồi lại nhâm nhi trà và thuốc lá vì cái quán không mở cửa. Hai đứa ngồi tư lự, nói chuyện thời sự một cách nhát gừng . Chuyện trai gái cũng mất mùi thú vị mà chỉ loanh quanh ai còn, ai đi.

Khoảng 9-10 giờ thì tôi từ giã ra về, không cù cưa cả ngày như mọi khi với nó nữa, mà về để ở cạnh gia đình lỡ khi cần. Nó cũng chẳng hứng thú để chuyện trò nên để tôi đi. Qua mấy con hẻm trở về nhà, tôi bỗng thấy rất nhiều người nhốn nháo đổ dồn ra đường lớn . Tôi cũng tò mò đi theo . Đường Lê Văn Duyệt đã đầy người hai bên vệ đường . Từ cuối con đường, đoàn xe tăng đang rần rộ tiến đến . Những chiếc T54 mà tôi chỉ thấy qua hình ảnh, báo chí, giờ đang lần lượt hiện ra trước mặt, bên trên treo lá cờ nửa xanh. nửa đỏ và sao vàng ở chính giữa . Sau này tôi mới thấy buồn cười cho cái sự bịp bợm của lá cờ Mặt trận giải phóng miền nam mà đoàn quân là quân chính quy từ bắc, thế mà vẫn mang lá cờ bịp bợm vô nghĩa .

Theo sau mỗi xe tăng là từng nhóm bộ binh trong quân phục chễnh mảng lượm thượm, đầu nón cối, chân dép râu đang ngơ ngác đưa mắt nhìn thành phố tráng lệ, nhìn dân chúng vội vàng nhưng quần áo tươm tất, nhìn phố xá huy hoàng và khang trang trước mặt họ . Họ bước đi mà đôi mắt họ không ngờ cái thành phố mà họ đang giải phóng lại quá lộng lẫy, hơn hẳn những gì họ có, họ tự hào . Những đôi mắt mà tôi không thể nào quên, những ngơ ngác mà tôi không thể nào không nhận diện trong đôi tia chớp ngơ ngáo nằm trên đôi gò má hốc hác thiếu ăn, da mặt tai tái của họ . Có một số dân chúng vẫy tay khi họ đi qua. Những cái vẫy tay này đã được phóng đại qua tờ báo Sài Gòn Giải phóng sau này.

Nhưng lúc đó tôi chỉ thấy trên mặt những người dân đang còn bỡ ngỡ trước cuộc đổi thay, đang rụt rè, cố vươn tay như để đuổi sua những hy vọng sau cùng, hay như để cười thầm trong bụng "Ừ! Loại người bê bết, lính chẳng ra lính, cướp chẳng ra cướp như thế đó mà chúng đã thắng và sẽ cai trị mình". Tăng và bộ binh tiếp nối nhau đi thẳng xuống đường Hồng thập Tự rồi rẽ trái hướng về Dinh độc lập. Họ đi như một cuộc diễn quân, hay như một cuộc dạo phố có trật tự vì họ biết là Sài gòn đã bỏ ngỏ. Vì những ánh mắt của những kẻ ngơ ngáo chiến thắng đó đã khích động sự tò mò của tôi. Tôi muốn hiểu trong đầu của những con người này đã và đang nghĩ gì. Cảm giác họ thế nào khi thấy cái Sài gòn bị kềm kẹp dưới Mỹ Ngụy đang bày trước mặt họ.

Tôi trở vào nhà kéo chiếc xe đạp mini và cho gia đình hay là tôi đi tí sẽ về . Trên đường đến Dinh độc lập, T54 đậu san sát nối nhau và bộ đội ngùn ngùn vây bọc lấy hàng rào dinh mà còn bao nhiêu chiếc tăng và bộ binh vẫn bò về trên đường Lê văn Duyệt . Tôi tự hỏi Việt cộng có lắm tăng thế kia ? Rồi cảm thấy tội và thảm thương cho những người chiến sĩ đã bảo vệ tự do, bình an cho dân nam, ngày đêm phải đương đầu với lắm súng đạn, lắm tăng của Việt cộng, của quân bắc cứ luôn tìm cách lấn tràn xuống miền nam, để bây giờ đành vùi thây hay cúi mặt làm người thua cuộc, không giữ được phần đất nhỏ nhoi khỏi tay giặc . (Trong lịch sử Việt những gì chà đạp giống nòi, biến thái nếp sống, đánh đổ chén cơm dân tộc, được coi là giặc . Cho nên Việt cộng có là người Việt nhưng đã chà đạp truyền thống, tín ngưỡng, nhiễu nhương cuộc sống bình an, chén cơm dân chúng thì đồng nghĩa là giặc) .

Khi đến cổng Dinh độc lập thì đôi cánh cổng đã bị gãy còng queo, nằm bẹp dưới đường và bao nhiêu bộ đội cầm súng đứng ngồi quanh hàng rào nơi ấy . Dù trong lòng tôi cũng hơi run sợ những tay súng kia có thể nổ vào tôi nếu họ cho tôi là điệp viên Mỹ ngụy muốn lẻn vào . Nhưng tôi lại nghĩ, bộ mặt thư sinh và tuổi tôi có lẽ họ không kết án thế . Tôi mon men theo đám đông đến gần cổng để nghe một bộ đội rất trẻ đang huyên thuyên với mấy người dân . Hắn nói "Xe xích chúng tôi vượt cổng vào . Đầu hàng thì cứ bảo mẹ thế đi, chứ nại nói nà bàn giao chính phủ . Còn có gì để bàn giao chứ" . Câu nói "còn có gì để bàn giao" đã in vào tâm não của tôi mà tôi không thể nào quên . Nó mỉa mai như một kẻ chất phát nói một câu rất thật nhưng cũng mang ý nghĩa thâm thúy của một kẻ cướp, dù là nhà của tôi nhưng bây giờ tôi không còn là chủ bất cứ món gì nữa, mà đã thuộc về hắn, đơn giản thế thôi .

Hắn nói đến chủ nghĩa bách chiến, bách thắng, nói đến sự tất thắng là lẽ đương nhiên, không sớm thì muộn . Hắn nói huyên thuyên nhiều lắm nhưng hơi hướm của hắn thật đặc sệt những gì mà đảng của hắn đã nhồi vào đầu óc hắn . Hắn không có chút mảy may hiểu biết tí gì cuộc sống dân miền nam, cuộc sống lúc nào cũng bị bọn họ đe doạ từ sau hiệp định Geneva . Vì thế hắn nói như một con vẹt được huấn luyện kỹ càng . Buồn cười là hắn hay dùng chữ lô gích mà lô gích chỉ có một chiều . Tôi đến đây là tìm một lời nào đó rất thật từ lòng những con người kia khi đặt chân vào phố Sài gòn, chứ không đến để nghe một con vẹt biết nói nên tôi lẩn đi nơi khác. Những bộ đội khác thì có vẻ trầm tư ít nói nên tôi không tìm được một câu trả lời về những ánh mắt đó mà mãi đến tháng sau tôi mới tìm được câu trả lời bằng hành động của họ bằng một câu mỉa mai của dân chúng "Vào, Vơ, Vét, Về" cũng là chứng thực một định nghĩa rất khôi hài cho hai chữ Giải Phóng của họ .

Và sau này tôi cũng hiểu người dân dưới gông cùm Việt cộng đảng trị không thể nào thật thà bộc lộ cái ý nghĩ của mình, dù nó là sự thật nhưng trái với giao điều Việt cộng là sẽ bị rũ xương. Mang nặng tâm trạng buồn nản, tôi đạp xe định quay về nhưng đến góc Hồng thập Tự thì đổi ý, tôi quẹo phải để đạp ra Thị Nghè, tìm đến Phùng, thằng bạn cũ và để xem T54 Việt cộng nhiều đến bao nhiêu vì trước khi vào cổng Dinh độc lập tôi đã thấy tăng và bộ đội cũng nối dài theo con đường Hồng Thập Tự . Đi được mươi phút, tôi lại đổi ý quay trở về vì cảm thấy T54 và bộ đội ngùn ngụt, quá nhiều, có đếm cũng chẳng được gì. Nếu tăng và vũ khí của Việt cộng ít thì chưa hẳn quân đội thúc thủ nhanh đến thế, dù cho Mỹ cúp viện trợ vũ khí cho miền nam .

Tôi quành xe đạp về mà lòng nghe tê tái, chán chường. Không đạp theo đường Hồng thập Tự nữa, để khỏi phải đối mặt với quân chính qui Bắc, để phải đối diện với một sự thật chua chát, tôi quẹo qua Đoàn thị Điểm, Phan đình Phùng để về. Bên đường, những hàng me rợp bóng rồi đây sẽ không còn đan kín nỗi niềm trai gái tuổi học trò với bình yên và yêu đương nữa mà nó sẽ trở thành bóng tối u ám che khuất lại bầu trời, không biết ngày mai . Những lá me nho nhỏ ngày nào chứa đầy nét bút tương tư sẽ không còn ngọn bút nào đặt lên nữa mà chúng sẽ trở thành những miếng vải băng nhỏ nhoi để băng bó lại những tâm hồn kẻ mất nước . Tuổi học trò của tôi là những chuỗi ngày moi tìm chút an bình trong thời chiến, là những buổi sáng sau đêm bị Việt cộng pháo kích vào thành, là những mùa lễ tết lo sợ Việt cộng đặt chất nổ, là sự đếm lại bạn bè từng ngày, từng mùa xem ai còn ai mất .

Những giây phút thanh bình trên sợi tơ nhện đó cũng đã cho tôi tìm được chút an bình quê hương, chút gì là mái ấm gia đình, tự do và hạnh phúc nhưng sợi tơ nhện đã đứt, niềm an bình nhỏ nhoi cũng không còn. Có thể từ đây tôi sẽ không phải khoác lên người áo trận, không phải ra chiến trường, không đem về "Kỷ vật cho em", không trở về là một "bại tướng cụt chân" như trong một bài hát, thế mà sao tôi lại cảm thấy quá hụt hẫng, xót xa, cảm thấy như tôi đã mang một món nợ quê hương mà tôi đã quỵt . Tiếng bánh xe đạp nghiến vào sỏi cát mặt đường như tiếng nghiến tim tôi, một cõi lòng kẻ mất nước

Hoài Tử
Ý kiến bạn đọc
08 Tháng Mười Một 20118:00 SA
Khách
Bạn ơi, mong rằng bạn là người đang sống ở Việt Nam khi bạn viết những giòng chữ này ngợi ca Việt công. Vì nếu bạn đang ở Mỹ mà bạn sủa như vậy là không công băng. Nếu bạn ngợi ca chúng nó, thì bạn nên ở lại với chúng nọ để hưởng thành quả chúng mang lại cho dân tộc Việt Nạm Hôm nay ở Việt Nam còn khốn khổ là do những thằng còn nghỉ ngu như ban. Chúc bạn may mắn sống trong cái ngu của ban.
09 Tháng Bảy 20117:00 SA
Khách
Tien su bo thang Viet Cong con nay..Ong ma gap may ngoai duong la ong danh bo thang thay may. Bo me may khong biet day con nen may mo mieng goi chung ong.., nhung nguoi linh xa than cho chung may o thanh pho co co hoi hoc hanh.., la Nguy ha ...Me bo may.., do co duoi cho..
07 Tháng Bảy 20117:00 SA
Khách
Tôi đọc bài viết của anh và thấy phần nào hiểu được tâm trạng của anh. Tôi còn ít tuổi, ko theo chính trị, ko là cộng sản nhưng tồi hiêu thực sự ai là kẻ cướp nước: đó là Mỹ, Ngụy. Ai là kẻ dã man giết hại đồng bào mình. Tội ác của Mỹ Ngụy đối với Việt Nam cả thế giới phải công nhận.Chữ quê hương anh nói phải là 1 VN toàn vẹn chứ ko phải riêng miền Nam. Nhưng người cộng sản nghèo, đói, ít học nhưng họ vẫn chiến thắng vì họ có tinh thần yêu nước
30 Tháng Bảy 20117:00 SA
Khách
xem coment của Hạnh mà mình thấy buồn quá.chỉ có kẻ ngu dốt mới nói ra những lời n như vậy.Mỹ,Nguỵ tất cả chỉ là những từ ngữ mà những kẻ cộng sản đặt cho quân đội việt nam cộng hoà.còn Mỹ chỉ là đồng minh nam việt họ không gây ra tội ác bằng lũ cộng sản trong cải cách ruộng đất,tết mậu thân...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn