BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73172)
(Xem: 62200)
(Xem: 39374)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mặt trận Long Khánh - Xuân Lộc

22 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 2860)
Mặt trận Long Khánh - Xuân Lộc
54Vote
41Vote
30Vote
20Vote
15Vote
2.910
*Lực lượng địch:

Gồm Quân đoàn 4 CSBV và các đơn vị tăng cường, yểm trợ:

- SĐ 6 CSBV gồm 3 Trung đoàn 33, 274, 612.

- SĐ 7 CSBV gồm 3 Trung đoàn 141, 165 và 209.

- SĐ 341CSBV là SĐ mới thành lập sau ngày Hiệp Định Paris.

Thành phần tăng cường:

- SĐ 325 CSBV gồm các Trung Đoàn 18, 95 và 101.

- Công trường 3 CSBV

- 3 tiểu đoàn đặc công.

Thành phần yểm trợ:

- 1 sư đoàn pháo binh

- 2 trung đoàn thiết giáp

- Liên đoàn 75 pháo yểm tầm xa và các đơn vị phòng không, công binh,...

*Lực lượng bạn:

- SĐ18BB với các Trung Đoàn 43, Trung Đoàn 48 và Trung Đoàn 52.

- Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh chỉ huy gồm 3 tiểu đoàn...

TĐ1ND, TĐT là Thiếu Tá Ngô Tùng Châu. TĐ8ND, TĐT là Thiếu Tá Nguyễn Viết Thanh. TĐ9ND, TĐT là Trung Tá Nguyễn Văn Nhỏ, TĐ3PB/ND, ĐĐ1TS.

- TĐ 82 BĐQ,TĐT là Thiếu Tá Vương Mộng Long

- SĐ3 Không Quân đóng tại Biên Hòa.

- SĐ 4 KQ đóng tại Cần Thơ.

- Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh.

- 2 tiểu đoàn pháo binh 155 ly và 175 ly.

- Các đơn vị ĐPQ/ Tiểu Khu Long Khánh.

Xuân Lộc là tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh được TT Diệm thành lập từ năm 1957, cách Saigon khoảng 80 km, mục đích định cư đồng bào Bắc Việt di cư năm 1954 sau Hiệp Định Genève. Tỉnh có diện tích vào khoảng 3,457 km2, đất đai phần lớn là núi thấp, đồi cao, rừng thưa và đồn điền cao su - trong thời kháng chiến chống Pháp là một vị trí chiến lược quan trọng vì là ngã ba của 2 quốc lộ 1 và 20, cửa ngõ từ miền Trung, miền cao nguyên vào Saigon - do đó Xuân Lộc được coi như vòng đai ngoài bảo vệ phi trường Biên Hòa và thủ đô Saigon. Xuân Lộc nằm trên đường giao liên giữa chiến khu C và D của VC với các mật khu Mây Tầm, Cù Mi, Xuyên Mộc, Đất Đỏ của tỉnh Phước Tuy, con đường mạch máu mà Bắc Việt dùng để nhận tiếp tế bổ sung quân và tiếp liệu bằng đường biển, vì vậy từ lâu Sư Đoàn 18 BB đã được bố trí tại tỉnh này để ngăn chận.

Đại Đội 92 TĐ 9 Dù ở Trảng Bom chuẩn bị vào Xuân Lộc tháng 4, 1975


Để tấn công Long Khánh, BV đã tung vào chiến trường này Quân Đoàn 4 gồm 3 Sư Đoàn CT.6, CT.7, 341 và các đơn vị có sẵn của Quân Khu 7. Thiếu Tướng CS Hoàng Cầm là tư lịnh, Chính ủy là Thiếu Tướng Hoàng Thế Thiện và 5 tướng cố vấn Nga túc trực bên cạnh Văn Tiến Dũng chỉ huy chiến dịch. Về sau còn được tăng cường thêm SĐ.325, CT.3, và Liên Đoàn 75 Pháo yểm tầm xa.

Đến đầu tháng 4, 1975, Cộng quân đã bắt đầu tấn chiếm các điểm trọng yếu trong tỉnh Long Khánh như Định Quán và Bình Khánh để cắt đứt QL20 nối liền Saigon và cao nguyên; cắt đứt QL1 nối liền Sài Gòn với các tỉnh duyên hải miền Trung. Do đó, vào thời điểm nầy Xuân Lộc trở thành khu vực phòng ngự trọng yếu của Sài Gòn và Quân Khu 3.

Để bảo vệ Xuân Lộc, QLVNCH có Sư Đoàn 18 BB (các Trung Đoàn 43, 48, 52), lực lượng ĐPQ & NQ tỉnh và các đơn vị tăng phái gồm Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh, Tiểu Đoàn 82 BĐQ, 2 Tiểu Đoàn Pháo Binh, và toàn bộ Lữ Đoàn 1 Dù (với các Tiểu Đoàn 1, 8, 9 và Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù), Sư Đoàn 4 Không Quân VN từ phi trường Cần Thơ, phụ trách không yểm chiến thuật. Các đơn vị phòng thủ được chia thành 3 chiến đoàn đặc nhiệm 43, 48 và 52 phối trí án ngữ quanh vòng đai thị xã Xuân Lộc.



*Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 43 do Đại Tá Lê Xuân Hiếu chỉ huy gồm các đơn vị Trung Đoàn 43, Tiểu Đoàn 82 BĐQ, Thiết Đoàn 5 (-) Kỵ Binh, các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân Long Khánh, nhiệm vụ phòng thủ thị xã Xuân Lộc.

*Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 48 do Trung Tá Trần Minh Công chỉ huy gồm các đơn vị trực thuộc Trung Đoàn 48 BB giữ nhiệm vụ bảo vệ an ninh dọc theo Quốc Lộ 1 từ Xuân Lộc đến Gia Rai.

*Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 52 do Đại Tá Ngô Kỳ Dũng chỉ huy gồm toàn bộ Trung Đoàn 52 BB và một Chi Đoàn 3/5 Kỵ Binh nhiệm vụ án ngữ từ ngã ba Dầu Giây đến Kiệm Tân.

Tư lệnh mặt trận Long Khánh là Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Đại Tá Tư Lịnh Phó Lê Xuân Mai và Tỉnh Trưởng Long Khánh, Đại Tá Phạm Văn Phúc BĐQ, mới về thay Trung Tá Lê Ánh Nguyệt hồi tháng 3, 1975.

Chiến trường Long Khánh gồm 3 mặt trận chính: mặt trận ngã ba Dầu Giây do Trung Đoàn 52 BB và Chi Đoàn 3/5 Kỵ Binh trấn giữ, mặt trận núi Chứa Chan, Gia Rai do Trung Đoàn 48 BB và Thị xã Xuân Lộc do Trung Đoàn 43 BB và các Tiểu Đoàn ĐPQ bảo vệ. Bộ Tư Lịnh hành quân của Tướng Lê Minh Đảo đặt tại quận đường Xuân Lộc ngã ba Tân Phong - Long Giao được bảo vệ bởi các đơn vị trừ bị của sư đoàn, pháo binh và một thiết đoàn chiến xa.

*Diễn tiến:

- 9 tháng 4, 1975, trận chiến Xuân Lộc bùng nổ:

Vào lúc 5 giờ 30 rạng sáng ngày 9 tháng 4, 1975, sau khi đã đặt các chướng ngại vật tại ngã ba Dầu Giây, giao điểm của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20, CS Bắc Việt đồng loạt pháo kích vào nhiều vị trí quanh tỉnh lỵ Xuân Lộc, đa số rớt vào chợ, nhà thờ và các nhà của dân chúng khiến cho người dân vô tội chết và bị thương như rạ, trận pháo kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ với hơn 3,000 trái đạn.

Khoảng 1 giờ sau, Cộng quân tung Trung Đoàn 266 thuộc Sư Đoàn 341 chính quy Bắc Việt, và 1 tiểu đoàn chiến xa T54, 2 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn đặc công tấn công vào các vị trí phòng ngự của Chiến Đoàn 43, tại ngã ba cua Heo, trung tâm tỉnh lỵ Long Khánh. Trận chiến xảy ra ngay tại nhà thờ chánh tòa và giữa chợ Xuân Lộc. Đối phương sử dụng chiến thuật “bộ binh tùng thiết.” Các đơn vị phòng thủ đã phản công quyết liệt, Đại Đội Trinh Sát 43 đã đẩy lui Cộng quân tại ngã ba Cua Heo và giữ vững vị trí, TĐ.82 BĐQ cũng đã chận đứng mũi tấn công của Cộng quân bằng chiến xa và bộ binh tùng thiết tại phi trường L19 và Tòa hành chánh Tỉnh. Một vài nơi khác trong thành phố Cộng quân đã chọc thủng phòng tuyến của ta.

Để đẩy lùi địch quân ra khỏi thị xã, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 đã điều động thêm lực lượng đến tăng viện, trận chiến trở nên dữ dội hơn. Lực lượng tăng viện và trú phòng đã quyết chiến và đẩy lùi được các đợt tấn công của Cộng quân. Nhiều chiến xa T54 và PT76 bị hạ khắp nơi bởi các hỏa tiễn M72 và các phản lực cơ A37, F5 của không quân.

- 10 tháng 4, 1975, trận chiến Xuân Lộc ngày N+1:

Sau khi bị đẩy lùi khỏi trung tâm thị xã Xuân Lộc trong buổi chiều ngày 9 tháng 4, 1975, trận chiến tại mặt trận Long Khánh đã bước vào ngày thứ hai.

7 giờ sáng ngày 10 tháng 4, 1975, CQ lại mở đợt tấn công thứ hai với 2 Sư Đoàn CT.6 & 7 CSBV và các Trung Đoàn Chiến Xa... Khởi đầu là CQ pháo kích khoảng 1 ngàn quả đạn đủ loại vào thị xã Xuân Lộc, và các vị trí trọng điểm dọc theo các phòng tuyến vòng đai tỉnh lỵ, trận mưa pháo kéo dài trong vòng 1 giờ. Sau đó, các đơn vị bộ binh cấp Trung đoàn và thiết giáp của Cộng quân đã đồng loạt tấn công biển người vào thị xã từ hai hướng Đông Bắc và Tây Bắc. Đợt tấn công này của địch đã bị quân trú phòng chận đứng từ các ngã ba dẫn vào tỉnh lỵ.

Đến 6 giờ chiều ngày 10 tháng 4, 1975, các chốt cầm cự của Cộng quân trong thị xã Xuân Lộc, nhà thờ Chánh Tòa đã hoàn toàn bị đẩy lui, 300 Cộng quân bỏ xác tại trận địa với trên 100 vũ khí đủ loại, 2 binh sĩ Cộng quân bị bắt sống. Tại các khu vực kế cận thị xã, trận chiến vẫn kéo dài đến 10 giờ đêm mới tạm lắng.

- Kịch chiến tại ngã ba Dầu Giây

Tại ngã ba Dầu Giây, trận chiến đã xảy ra quyết liệt. Cộng quân áp dụng chiến thuật “xa luân chiến,” thay nhau liên tục mở các đợt tấn công vào hệ thống công sự phòng thủ của quân trú phòng.

Để triệt tiêu lối đánh của đối phương, các đơn vị trú phòng VNCH đợi Cộng quân đến gần mới khai hỏa đồng loạt, mỗi đợt tấn công có ít nhất một Trung đội Cộng quân đi đầu bị loại khỏi vòng chiến. Để yểm trợ cho các đơn vị phòng ngự, các pháo đội Pháo Binh VNCH đã bắn trực xạ chận đứng các đợt tấn công biển người của Cộng quân.

- 11 tháng 4, 1975 Xuân Lộc ngày N+2:

Sau hai ngày giao tranh 9 và 10 tháng 4, 1975, hơn 500 Cộng quân bỏ xác tại trận, 8 chiến xa T54 bị bắn cháy, lực lượng phòng ngự VNCH thu được gần 200 vũ khí đủ loại.

7 giờ sáng ngày 11 tháng 4, 1975, hai trung đoàn VC từ hướng Đông Bắc và Tây Nam lại tấn công vào trung tâm thị xã, đây là đợt tấn công thứ ba. Quân trú phòng từ những công sự chiến đấu quanh các khu vực đã giao tranh quyết liệt với Cộng quân.

Tại ngã ba Dầu Giây, liên tục trong 3 ngày từ 9 đến 11 tháng 4, 1975, Việt Cộng đã tung 2 Trung đoàn có thiết giáp yểm trợ quyết chiếm khu vực này, để từ đây mở những cuộc tấn công lớn vào phòng tuyến của Trung Đoàn 52 BB đang án ngữ hướng Tây Bắc của thị xã tỉnh lỵ. Tính từ 6 giờ sáng đến 18 giờ ngày 11 tháng 4, 1975, Cộng quân đã mở đến 6 đợt xung phong biển người vào các vị trí ở mặt trận Dầu Giây, và tất cả đều bị đẩy lùi.

- 12 tháng 4, 1975, CQ tung 4 sư đoàn vào mặt trận Long Khánh:

Trong ngày 12 tháng 4, 1975, trận chiến tại Long Khánh đã trở nên quyết liệt khi Cộng quân tung thêm 1 sư đoàn có bí số CT.3 (công trường 3) vào mặt trận tại ngã ba Dầu Giây, 1 trung đoàn biệt lập và 1 trung đoàn thiết giáp thuộc khu miền Đông tấn công vào trung tâm thị xã. Kịch chiến đã diễn ra tại nhiều phòng tuyến vòng đai tỉnh lỵ Xuân Lộc, như vậy tính đến ngày nầy, lực lượng Cộng quân tại mặt trận Xuân Lộc (tỉnh lỵ tỉnh Long Khánh) và khu vực phụ cận có 4 sư đoàn chính quy: 341, CT 6 và CT 7, thuộc Quân Đoàn 4, và sư đoàn mới mang tên là CT3 với thêm lực lượng yểm trợ có 1 sư đoàn pháo binh, 2 trung đoàn thiết giáp và khoảng 3 tiểu đoàn đặc công.

- 12 tháng 4, 1975 *Lữ Đoàn 1 Dù nhảy vào mặt trận Xuân Lộc:

Trước áp lực nặng của CQ tại Xuân Lộc, để đối đầu với 4 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo, 2 trung đoàn thiết giáp của CSBV, ngày 12 tháng 4, 1975, Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 3 tung lực lượng trừ bị cuối cùng vào trận chiến: Đó là LĐ1ND.

Sau khi di chuyển từ Biên Hòa đến Trảng Bom với 3 tiểu đoàn 1, 8 & 9 ND và Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù vừa từ miền Trung về. Tất cả khoảng 100 chiếc trực thăng bán phản lực HU1B của 2 SĐ 3 và 4 KQVN đã thả hơn 2,000 quân Dù từ Trảng Bom vào trân địa: hai Tiểu Đoàn 8 & 9 Dù được trực thăng vận xuống ấp Bảo Bình, cách tỉnh lỵ Long Khánh 5km về hướng Nam, và cách Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB ba cây số về hướng Đông. Các pháo đội Nhảy Dù cũng được các Chinook chuyển vận đến BTL hành quân đóng kế bên BTL/SĐ18BB.

- 13 tháng 4, 1975 *Lữ đoàn 1 Dù tái chiếm Bảo Định, tỉnh Long Khánh:

2 Tiểu Đoàn Nhảy Dù được lệnh tái chiếm xã Bảo Định, cách ấp Bảo Bình 2 km về hướng Bắc. Xã này đã bị 2 Trung Đoàn Cộng quân thuộc CT.7 CSBV chiếm giữ từ ngày 10 tháng 4, 1975 khi trận chiến Xuân Lộc mới bước vào ngày thứ hai.

Bảo Bình và Bảo Định cách chi khu Xuân Lộc khoảng 5 km về hướng Đông Nam, là 2 ấp có đa số giáo dân Thiên Chúa giáo di cư từ ngoài Bắc vào năm 1954, tinh thần chống CS rất cao. Trong ấp có tổ chức “Dân Quân tự vệ” được trang bị đầy đủ vũ khí và đạn dược. Quốc kỳ VNCH vẫn tung bay phất phới mặc dù quân CSBV đã đóng chốt xung quanh gây trở ngại cho việc liên lạc và tiếp tế từ tỉnh lỵ.

Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù được đổ xuống một khu vườn cao su, bên suối Gia Cốp, cách xã Bảo Định 1 km về phía Bắc để đánh đuổi một tiểu đoàn đặc công của Cộng quân đang chiếm giữ vườn cây của cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ, (thường gọi là Vườn Ông Tỵ) cựu tổng tham mưu Trưởng Quân Lực VNCH từ 1955 đến tháng 8, 1963.

TĐ 9 ND sau khi xuất phát khoảng nửa giờ thì có nhiều tiếng súng nổ ở phía Đông. Với kinh nghiệm diệt chốt của các chiến sĩ Dù, Trung Tá Nhỏ, tiểu đoàn trưởng, báo cáo Đại Đội 93 ND đã bứng rễ chốt địch với 12 tên bỏ xác tại chỗ, tịch thu 1 súng cối 61 ly và 9 vũ khí cá nhân, một số địch quân bỏ chạy về hướng Đông Bắc và TĐ đang trên đường tiến về Bảo Định.

TĐ 8 ND xuất phát hành quân lục soát hướng Bắc QL1 sau đơn vị trên khoảng 1 giờ, vừa rời QL1 khoảng 600 thước, trải rộng đội hình băng qua những cánh rừng cao su tiến về thị xã phía Bắc thì chạm súng với một tổ trinh sát của địch trong đám rừng chồi. TĐT/TĐ8ND cho tất cả 4 ĐĐ dàn hàng ngang, tất cả 4 đơn vị đều chạm địch càng lúc càng ác liệt. Sau cùng TĐ 8 ND đã bao vây BCH đơn vị K8 của địch quân.

Pháo Binh Dù bắt đầu nã hằng trăm quả đạn vào đội hình của địch, và để tăng cường cho TD 8 ND, BCH/LĐ1ND điều động thêm ĐĐ 93 ND để thu hẹp vòng vây đám tàn quân địch. TĐ 1 ND đang ở phía Đông ấp Bảo Định được điều động giăng một tuyến dài theo chiều Nam Bắc hướng về phía Đông chờ địch.

Vào khoảng chiều tối, đơn vị TĐ.2/141 Cộng quân xuất hiện để tiếp đón đám tàn quân và thương binh của TĐ1/141 Cộng Sản khoảng 200 người sa vào bẫy TĐ1ND. Chờ cho địch lọt trọn vào trận địa, TĐ 1 ND cho lệnh khai hỏa hỏa tập TOT. Hằng trăm quả đạn pháo nổ chụp vào đầu Cộng quân. Sau trận hỏa tập, TĐ 1 ND xung phong thanh toán những tên còn sót lại. Kết quả TĐ2/141 bị xóa sổ, không một mống nào thoát khỏi.

Trong trận nầy nhờ toán Truyền Tin kiểm thính, ta dò biết được ý đồ của địch nên giăng bẫy và tiêu diệt gọn Trung Đoàn 141/CT.7 VC với trên 400 tên phơi xác tại trận. TĐ 8 ND thiệt mất Thiếu Úy Tạ Tử Anh, trung đội trưởng của ĐĐ 82 ND.

Sau đó, các đơn vị ND di chuyển về hướng Xuân Lộc để giải tỏa áp lực Cộng quân đang bao vây bộ Chỉ huy Tiểu khu và phòng tuyến của 1 tiểu đoàn địa phương quân.

- 14 tháng 4, 1975 *Trận chiến khốc liệt tại ngã ba Dầu Giây:

Tại ngã ba Dầu Giây, từ chiều 14 tháng 4, 1975 đến sáng ngày 15 tháng 4, 1975, Cộng quân đồng loạt tấn công vào vị trí phòng thủ của Chiến Đoàn 52 Bộ binh (chiến đoàn trưởng là Đại Tá Ngô Kỳ Dũng) bằng chiến thuật biển người và tăng pháo. Lần lượt các tiền đồn, phòng tuyến của Trung Đoàn 52 BB, từ Kiệm Tân đến ấp Phan Bội Châu trên Quốc lộ 20 đều bị tràn ngập. Trước tình hình mới, Bộ Tư Lệnh chiến trường Xuân Lộc đã điều động lực lượng tăng viện lên mặt trận ngã ba Dầu Giây để cùng với Trung Đoàn 52 BB giữ phòng tuyến tại ngay ngã ba Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20.

Chiều ngày 15 tháng 4, 1975, trận chiến đã xảy ra quyết liệt ngay tại xã Dầu Giây:

Tại ngã ba Quốc lộ 1 và 20, giữa lực lượng trú phòng và 2 sư đoàn chính quy và 1 trung đoàn thiết giáp của Cộng quân với thế trận và tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch. Lực lượng trú phòng còn khoảng 2 ngàn quân sĩ (kể cả các tiểu đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Long Khánh từ Định Quán rút về hợp cùng với các đơn vị Trung Đoàn 52 Bộ Binh).

Trong khi đó lực lượng của Cộng quân đông gấp 10 lần. Quân Đoàn 4 CSBV gồm cả Sư Đoàn 341, tổng trừ bị của Hà Nội vừa từ Thanh Hóa xâm nhập, do Trần Văn Trà vừa thay thế Tướng Hoàng Cầm chỉ huy, đã cho áp dụng chiến thuật biển người. Trong trận chiến tàn bạo và khủng khiếp nầy một người lính chiến VNCH tại phòng tuyến ngã ba Dầu Giây đã phải chiến đấu với thế trận 1 chống 10 với đầy đủ tăng pháo yểm trợ.

Trận chiến đã diễn ra khốc liệt ngay từ những phút đầu. Cộng quân pháo kích như mưa xuống các vị trí công sự của quân trú phòng, sau đó là đợt tấn công biển người. Sau 3 giờ kịch chiến, Cộng quân đã tràn ngập chia cắt các lực lượng của quân lực VNCH án ngữ trên quốc lộ 1 và Quốc lộ 20. Do trời tối, và 4 chiến xa M-48 của Chi Đoàn 3/5 kỵ binh bị trúng đạn pháo của Cộng quân ngay từ đầu nên việc yểm trợ của thiết giáp đã không thực hiện được.

Khoảng 8 giờ tối thì toàn phòng tuyến ngã ba Dầu Giây bị vỡ. Chiến Đoàn 52 bị thiệt hại nặng. Tất cả pháo binh, thiết giáp, quân dụng... đều bị hủy diệt sau 6 ngày đêm chiến đấu. Đến 9 giờ đêm, khi hầm chỉ huy bị pháo của địch bắn sập, đại tá chiến đoàn trưởng mới cho rút quân với vỏn vẹn 200 người còn sống sót.

- 16 tháng 4, 1975 2 quả bom khổng lồ Daisy Cutter:

Chiếm được ngã ba Dầu Giây, 2 sư đoàn CSBV tập trung quân chuẩn bị tiến về Sài Gòn. Tình hình Long Khánh trở nên nguy ngập.

10 giờ sáng, phi cơ quan sát báo cáo về BTL QĐ3 về rừng người, chiến xa, đại pháo CSBV đang tập trung tại ngã ba Dầu Giây. Và 11 giờ trưa, 2 vận tải cơ C130 được lệnh mang 2 quả bom khổng lồ Daisy Cutter, xuất phát từ phi đạo 39 tại phi trường Tân Sơn Nhất thả xuống vùng tập trung quân của CSBV khiến cho đại quân của CS rối loạn trong 3 ngày liền. Và Hà Nội đã la làng rằng Mỹ đã vi phạm Hiệp Định Paris vì B52 trở lại Việt Nam.

(Bom khổng lồ “Daisy Cutter” nầy do Mỹ cung cấp vào trung tuần tháng 4, 1975. Theo các tài liệu tình báo, hơn 7 ngàn Cộng quân và hàng trăm vũ khí nặng, quân xa CSVN bị tiêu diệt bởi hai trái bom này.

Trong cuộc tiếp xúc với vị phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ vào cuối tháng 2, 1975, Đại Tướng Cao Văn Viên đã yêu cầu Bộ Quốc Phòng Mỹ đặc biệt cung cấp vũ khí nào mà Không Quân Việt Nam có thể sử dụng được. Đó là loại bom 15 ngàn cân Anh có tên là bom bạch cúc (Daisy Cutter) mà Không Quân Hoa Kỳ thường dùng thả bằng phi cơ C-130 để khai quang dọn bãi đáp trong các khu vực rừng già. Thế nhưng, gần đến cuối cuộc chiến, Hoa Kỳ mới đáp ứng yêu cầu của Bộ Tổng Tham Mưu QL.VNCH, sau chuyến viếng thăm của Đại Tướng Weyand. Vào giữa tháng 4, 1975, ba trái chuyển đến trước và sau đó thêm 10 trái nữa chuyển đến chỉ vài ngày trước khi cuộc chiến kết thúc. Một chuyên viên Mỹ đi theo chuyến này để hướng dẫn cho chuyên viên VN cách gắn ngòi nổ và cách gắn bom lên phi cơ.

Tướng Nguyễn Văn Toàn đã xin Bộ Tổng Tham Mưu thả hết 11 trái bom còn lại nhưng được trả lời là không còn ngòi nổ.)

- 17 tháng 4, 1975 *Kịch chiến tại phòng tuyến Định Quán:

Tại mặt trận Long Khánh, sau khi phòng tuyến Dầu Giây do Trung Đoàn 52 Bộ Binh phòng ngự bị vỡ, Cộng quân chuyển mục tiêu tấn công sang khu vực Định quán do một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 43 Bộ Binh trấn giữ. Đồng thời gia tăng áp lực tại phòng tuyến của lực lượng VNCH tại núi Chứa Chan, Gia Rai. Cùng lúc đó, Cộng quân điều động 2 trung đoàn tấn công vào trung tâm thị xã Xuân Lộc, tỉnh lỵ tỉnh Long Khánh.

*CQ tấn công vào phía Nam thị xã Xuân Lộc

Trong ngày 17 tháng 4, 1975, các đơn vị thuộc 3 sư đoàn 3, 6, 7 Cộng quân tiếp tục mở các đợt tấn kích vào phòng tuyến phía Nam thị xã Xuân Lộc do 2 Tiểu Đoàn thuộc Lữ Đoàn 1 Dù án ngữ. Những pha cận chiến giữa chiến binh Nhảy Dù và CQ đã diễn ra quanh các vườn cây rộng mênh mông của cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ, nằm sát đường rầy xe lửa. Không Quân đã thực hiện nhiều phi tuần F-5 và A-37 oanh kích vào vị trí đóng quân của một Trung đoàn Cộng quân trong khu vườn này.

- 18 tháng 4, 1975 *Tại mặt trận Xuân Lộc:

Trung Úy Đăng ĐĐT/ ĐĐ1TS báo cáo thấy nhiều xe molotova địch xuất hiện trong khu rừng phía Đông và Đông Nam BTL/Hành Quân. Buổi chiều, LĐT/LĐ1ND ra lệnh cho ĐĐ.94 (Tr/Úy Thăng) vào lục soát khu vực do Trinh Sát báo cáo.

Chiến trường Xuân Lộc 18-4-75


Địch quân thấy bị lộ diện nên khai hỏa tấn công quyết liệt vào ĐĐ 94 ND. Đến 5 giờ chiều cùng ngày TĐ 9ND điều động ĐĐ 93ND, Đại Úy Tường ĐĐT, vào tiếp viện cho ĐĐ 94. Vừa qua khỏi bìa rừng, ĐĐ 93 chạm địch ngay, giao tranh cho tới chiều tối. Vì trời tối, địch tuy đông nhưng không biết ta ở đâu nên đôi bên đều thủ thế chỉ va chạm lẻ tẻ qua đêm. Pháo binh của ta cũng chỉ bắn cầm chừng vì quân đôi bên quá gần.

Sáng ngày 19 tháng 4, 1975, ĐĐ93 được tăng viện một Chi Đoàn M113, 2 đơn vị ND như hổ thêm cánh, mở rộng phòng tuyến dàn quân tấn công vào mục tiêu, địch phản ứng dữ dội, nhưng Nhảy Dù siết chặt gọng kềm, giao tranh ác liệt. Sau nhiều giờ kịch chiến địch quân bị thiệt hại nặng, bỏ lại trên 200 xác tại trận. Phía Nhảy Du, Thiếu Úy Thoại và 2 binh sĩ hy sinh cùng 8 binh sĩ khác bị thương, một thiết vận xa M113 bị đứt dây xich.

- Phòng tuyến Định Quán:

Tại khu vực Định Quán, Cộng quân tung 1 trung đoàn tấn công ồ ạt vào tuyến phòng ngự của một Tiểu Đoàn thuộc Trung Đoàn 43 Bộ Binh. Quân trú phòng đã dũng cảm đánh trả nhiều đợt xung phong của địch quân. Sau những giờ tử chiến với Cộng quân, tuyến phòng thủ Định Quán đã bị vỡ trong ngày 19 tháng 4, 1975. Một số chiến binh của tiểu đoàn nói trên rút về được tuyến sau.

- 20 tháng 4, 1975 *Những trận đánh cuối cùng tại chiến trường Long Khánh:

Tại chiến trường Long Khánh, rạng sáng ngày 20 tháng 4, 1975, 2 trung đoàn cộng quân từ hướng Đông Nam Xuân Lộc tiến đánh thẳng vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh và Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Long Khánh. Cộng quân tập trung lực lượng tại đồn điền Xuân Lộc cách Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn 18 khoảng 3 km.

*Tại phòng tuyến sát tỉnh lỵ Long Khánh, một trận chiến khác diễn ra rất khốc liệt giữa Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù và một Trung đoàn Cộng quân trong khu vườn cây Ông Tỵ. Cộng quân đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố trong khu vực này nên các đợt tấn công của Tiểu Đoàn 9 Dù đã gặp rất nhiều khó khăn.

*Qua 12 ngày chiến đấu đẫm máu, tuyến thép Xuân Lộc vẫn đứng vững dù Phan Rang đã thất thủ ngày 17 tháng 4, Phan Thiết đêm 18 tháng 4, Bình Tuy bỏ ngỏ, giờ đây Xuân Lộc là vùng giới tuyến của đất nước. Tin thắng trận của SĐ18 BB, LĐ1ND, BĐQ, Thiết Giáp và Không Quân tới tấp gởi về Sài Gòn như những gáo nước lạnh tạt vào mặt bọn nhà báo, nhà văn, trí thức ngoại quốc và VN chủ bại. khiến chúng không có cách nào để bóp méo sự thật xuyên tạc, nên cũng cúi đầu kính phục tinh thần bất khuất của Quân Dân miền Nam. Bởi vì đây là chiến thắng cuối cùng của QLVNCH trước khi bị rã ngũ.

*Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu 3 rút quân khỏi phòng tuyến Xuân Lộc.

Trong khi toàn mặt trận Xuân Lộc đang giao chiến khốc liệt với quân CSBV, thì 10 giờ sáng cùng ngày (20/4/1975), theo lệnh của Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân Đoàn 3, tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, đã có cuộc họp khẩn với các chỉ huy trưởng các đơn vị tăng phái và Tiểu Khu Trưởng Long Khánh trong vòng 1 giờ, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh phổ biến lệnh mới của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 là toàn bộ lực lượng VNCH rút khỏi Xuân Lộc.

*Theo tin tình báo, Cộng quân sau khi bị thiệt hại nặng nề đã cho thay đổi kế hoạch tấn công Saigon bằng chiến dịch 2 với 5 Sư đoàn tấn công vào Biên Hòa, Phước Tuy đồng loạt với 3 Sư đoàn khác tấn công vào Tây Ninh. Vì vậy Long Khánh không còn là điểm nóng nửa. Nên tất cả các đơn vị tham chiến tại đây phải rút về Biên Hòa để lập phòng tuyến mới.

Lợi dụng tình trạng địch quân còn đang hoang mang về bom Daisy Cutter, Tướng Nguyễn Văn Toàn đã dùng trực thăng bay đến Xuân Lộc bàn với Tướng Lê Minh Đảo để ra lịnh lui binh.

*Lệnh rút bỏ Long Khánh được ban hành bởi Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh SĐ 18 BB, tất cả các lực lượng tại đây dùng Liên Tỉnh lộ 2, phát xuất từ Tân Phong, Long Giao về Phước Tuy, với 3 cánh quân Sư Đoàn 18 BB, Tiểu Khu Long Khánh và Địa Phương Quân, Lữ Đoàn 1 ND và TĐ 3 PB/ND. Đội hình di chuyển theo thế chân vẹt để có thể yểm trợ hỏa lực cho nhau.

*Trong cuộc lui binh nầy, LĐ1ND bị thiệt thòi và nguy hiểm nhất vì là đơn vị đoạn hậu, đang chống trả với Cộng quân, 2 bên còn đang giao tranh ác liệt tại Bảo Định. 7 giờ tối, lênh lui binh bắt đầu thi hành.

*9 giờ đêm, các đơn vị Nhảy Dù vừa tới QL1 và một hoạt cảnh rất cảm động xảy ra, tất cả dân làng già trẻ lớn bé của các xóm Bảo Định, Bảo Tồn, Bảo Hòa đã tập trung sẵn hai bên vệ đường để theo chân lính Dù di tản.

Thì ra người lính VNCH trong suốt cuộc chiến 20 năm trời, xác thực, luôn luôn là kẻ giữ gìn thôn xóm giúp dân. Tình quân dân thắm thiết chỉ được nhắc tới trong những lúc cùng khốn hiểm nguy. CS Hà Nội đã biết được ưu điểm nầy của người lính VNCH nên không ngớt quấy phá, xuyên tạc, đầu độc bằng cách cho cán binh, trà trộn giả làm lính VNCH trong những lúc rối loạn như Tết Mậu Thân, mùa Hè đỏ lửa, hay trận chiến 55 ngày cuối cùng, để bêu xấu bằng cách cướp của, hãm hiếp dân lành. Vin vào đó, một số trí thức (?) hèn nhát chủ bại và mặc cảm viết trường thiên tiểu thuyết kể tội, bôi lọ người lính chiến... đâm sau lưng chiến sĩ.

Mấy chục cây số đường rừng bị bỏ hoang trên Liên Tỉnh lộ 2 từ Tân Phong cho đến Đức Thành, Long Lễ, Bà Rịa, không phải là chuyện bình thường của một đoàn quân có dân chúng lẫn lộn. Thành phần lui binh đợt đầu, nhờ yếu tố bất ngờ nên đã đến được Phước Tuy vào sáng hôm sau mặc dù trên đường đi, CSBV cố gắng quấy rối làm trì hoãn bước tiến của đoàn quân để chờ lực lượng lớn (QĐ4) của Cộng quân theo kịp để tiêu hao lực lượng của ta.

Ngay trong đêm rút quân ngày 20 tháng 4, 1975, tại phía Nam xã Cẩm Mỹ, phần lớn là khu rừng rậm, đoàn quân của Đại Tá Phạm Văn Phúc và Trung Tá Lê Quang Định, tiểu khu trưởng và tiểu khu phó Tiểu Khu Long Khánh đã bị Cộng quân tấn công tràn ngập và bắn nhiều loạt B40 vào đoàn xe khi đang di chuyển. Trung Tá Định bị tử thương và Đại Tá Phúc bị bắt làm tù binh.

LĐ1ND rút lui sau cùng, chỉ riêng TĐ3PBND được di chuyển trên đường lộ với ĐĐ1 Trinh Sát Nhảy Dù hộ tống. Các đơn vị tác chiến mở đường, bọc sâu trong rừng 2 bên vệ đường để bảo vệ cuộc lui binh.

10 giờ đêm, TĐ8ND, BCH/LĐ1ND và các đơn vị yểm trợ được lịnh xuất phát về hướng Long Giao theo LT lộ số 2. Thi hành lệnh lui binh, Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 43BB đang bảo vệ một khẩu đội pháo binh 105 ly tại núi Thị để tác xạ nghi binh trong khi toàn bộ các đơn vị VNCH rút lui, được vào hệ thống chỉ huy của LĐ1ND. Đến 3 giờ sáng (21/4/1975) TĐ2/43 được lịnh phá hủy 2 khẩu pháo và rút lui khỏi Núi Thị cùng một vài đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân còn sót lại tháp tùng.

4 giờ sáng ngày 21 tháng 4, 1975, tại ấp Quí Cả, gần ranh giới Long Khánh-Phước Tuy, TĐ8ND và ĐĐ Trinh Sát Dù đã bị 2 Tiểu Đoàn CSBV phục kích. Pháo Đội C và Trung Đội Trinh Sát hộ tống hầu hết đều bị thương vong trước biển người tấn công của địch. (Pháo Đội Trưởng và Trung Đội Trưởng Trinh Sát bị mất tích, 12 binh sĩ Dù bị tử thương và 5 bị thương). Cánh quân đi đầu của TĐ 9 ND cũng đụng độ nặng với CS tại thung lũng Gia Rai dưới chân núi Cam Tiêm. Ngoài những thiệt hại trên, cuộc lui binh trên liên tỉnh lộ 2 coi như hoàn toàn kết quả tốt đẹp.

Đến 7 giờ, khi di chuyển đến Căn Cứ Long Giao, TĐ2/43 được lịnh trở về hệ thống chỉ huy của Trung Đoàn 43 và chuyển hướng, bỏ LTL2 băng rừng xuyên qua quận Long Thành Biên Hòa để tránh lọt ổ phục kích của giặc Cộng.

Và vào 6 giờ chiều ngày 21 tháng 4, 1975, LĐ1ND về đến điểm tập trung xã Đức Thạnh tỉnh Phước Tuy để sang ngày 22 tháng 4 xuất phái khỏi SĐ18BB và được chỉ định giữ nhiệm vụ bảo vệ Quốc lộ 15, từ Long Thành ra đến Bà Rịa.

Lữ Đoàn I Nhảy Dù đến tham chiến trấn giữ Xuân Lộc, tăng phái cho Sư Đoàn 18 BB với nhiệm vụ chận đứng bước tiến của VC vào Sài Gòn. LĐ1ND đã oai dũng làm tròn nhiệm vụ, địch quân không tiến thêm được một tấc đất. Đoàn quân viễn chinh của Võ Nguyên Giáp, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Văn Tiến Dũng, tiến như thác đổ, đã bị khựng lại ở ngay cửa ngõ của Saigon. Từng đợt xung phong có chiến xa và pháo binh yểm trợ đều bị đánh bật ra, tiến lên là phải lùi lại, tấc đất đánh được buổi sáng, buổi chiều các chiến sĩ Dù ngạo nghễ giành lại. Sau nhiều ngày giao tranh, Lữ Đoàn 1 Dù vẫn chiến đấu và giữ vững trận tuyến cho tới cuối chót.

Ngày 24 tháng 4, 1975, để khích lệ toàn thể quân nhân các cấp thuộc SĐ18BB đã anh dũng chiến đấu bảo vệ tuyến phòng thủ cuối cùng Long Khánh, Tổng Thống Trần Văn Hương cùng Lưỡng viện Quốc Hội đã đến Long Bình vinh danh các chiến sĩ hữu công và đặc biệt vinh thăng 1 cấp đặc cách tại mặt trận cho Thiếu Tương Lê Minh Đảo cùng tất cả các Quân Nhân tham chiến tại Long Khánh.

Sau đó, SĐ18BB được chỉ định phòng thủ mặt phía Đông Thủ Đô Sài Gòn, từ tổng kho Long Bình đến kho đạn thành Tuy Hạ, tiếp cận với các lực lượng của Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trường Thiết Giáp. Tất cả đều tiếp tục chiến đấu với giặc cho đến khi ông Dương văn Minh ra lịnh buông súng tan hàng vào khoảng 11 giờ trưa ngày 30 tháng 4, 1975 mới chấm dứt.

Đại Úy Võ Trung Tín
Tiểu Đoàn Truyền Tin SĐND (714) 545-0105
Email: votrungtin@hotmail.com
Đại Úy Nguyễn Hữu Viên
Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù (714) 897-1435




Tài liệu tham khảo:

- Tuyến Thép Xuân Lộc của Cựu Đại Tá Hứa Yên Lến trong Đặc San kỷ niệm 30 năm Hội Ngộ của SĐ18BB.
- Những sự thật Chiến Tranh Việt Nam 1954-1975 của Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Đại Tá Lê Bá Khiếu và Tiến sĩ Nguyễn Văn, Tác giả xuất bản.
- Trận Chiến Xuân Lộc của Hồ Dinh
- Theo lời tường thuật của Trung Tá Đỉnh, LĐT/LĐ1ND.
- Đại Thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng.
- Và các cuộc phỏng vấn các Chiến hữu Nhảy Dù.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn