Thân tặng các bạn thuộc các khóa đặc biệt ( Lưu Đày ), 21 Nha trang, và OCS.
Sau mùa thi năm 1969, tôi giã từ trường học, bước vào trường đời. Từ giã bạn thầy thân yêu và ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu thâm nghiêm cổ kính, để dấn thân vào cuộc chiến khốc liệt đang tàn phá quê hương.Tháng 9 năm 1969, tôi cùng các bạn: Lê văn Tính, Lê Minh Tiên, Lê Minh Bạch, Lê Hữu Đán, Trần Quang, và Ngô Hữu Tân.. ., gia nhập quân chủng Hải Quân; chúng tôi trải qua thủ tục khám sức khỏe, tại bệnh viện 3 Dã Chiến Mỹ Tho. Ngày đăng trình, đoàn xe lầm lũi chạy qua con đường Hùng Vương quen thuộc. Hàng me già âm thầm rũ bóng, nhạc ve sầu tấu khúc, hòa cùng tiếng hát u hoài từ đâu vọng lại:
Anh đi rồi còn ai vuốt tóc,
Lời tình thơm sách vở học trò ...
Anh đi rồi còn ai tình tự
Đêm đầy trời tiếc nhớ bơ vơ.. . (1)
Âm điệu buồn như vấn vương theo những cánh phượng hồng rơi lã chã, cuốn hút theo cơn gió giao mùa.
Chúng tôi đến với Bạch Đằng 2 vào những ngày đầu tháng 10 năm 1969. Chỉ vài ngày sau, là thực sự khoác áo chinh nhân; sinh hoạt, tập họp điểm danh, xếp hàng theo đội hình, tập hát những bài hát quân hành và thực tập diễn hành. Ở Bạch Đằng 2 một tuần thì được về phép lần đầu. Hai tuần sau có lệnh đổi quân phục từ kaki vàng sang tím và mũ kepi đen. Hai anh Lê Sang và Nguyễn văn Báu tình nguyện mang quân phục đi nhuộm cho các bạn. Khóa sinh kỷ luật do các anh Lê văn Minh (Tề), Lý Tỷ, Nguyễn văn Báu, Lê Sang đảm nhận. Tôi vẫn còn nhớ các anh Nguyễn Kim Hoàn Mỹ, Nguyễn văn Nghiêm, Lê xuân Chiến, Phạm Ngọc Quỳnh, Phan Ban, Lưu Văn Mười, Trần Đăng Bé, Lâm Thanh Khiết, Nguyễn Cường Việt, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Đài, Tôn Thất Phước, Trần Ngọc Chiểu, Nguyễn Ngọc Dzao, Lê Văn Khá, Nguyễn Văn Khá à Anh Phạm Khắc Khiêm vào những ngày đầu, trong bộ thường phục thường ôm đàn hát nhạc phẩm Ngày Trở Về của Phạm Duy cho các bạn cùng nghe, giọng anh trầm buồn đầm ấm:
...Ngày trở về, bên bếp vui
Anh kể chuyện nghe,
chuyện đời quân ngũ...
Qua bảng danh sách khóa 21 Home Page, tôi được biết một số bạn Bạch Đằng 2/69 gồm các anh: Đặng Qui, Văn In, Võ Tánh đã từ trần. Những ngày tạm trú ở Bạch Đằng 2 rồi cũng qua mau. Chúng tôi được gửi đi tiếp tục thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung; tại đây, tôi trực thuộc đại đội 18C. Đại Đội Trưởng là Thiếu Úy Tôn, người Bắc, dáng hao gầy. Đại Đội Phó là Chuẩn Úy Tây và một Thượng Sĩ Thường Vụ khoảng 50 tuổi mà tôi quên tên. Khóa sinh Đại Đội Trưởng là anh Huỳnh Văn Sang. Ở TTHL Quang Trung chúng tôi ngủ trên giường hai tầng. Hàng ngày, chúng tôi có nhiệm vụ canh gác phòng ngủ, doanh trại, thực tập tránh pháo kích. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi thường mua chè, cháo lòng đựng trong thùng đạn đại liên, do các quân nhân cơ hữu hay thân nhân của họ bán. Buổi sáng thức dậy sớm, sau khi "chà láng " các hầm trú ẩn, giao thông hào, chúng tôi di hành ra bãi tập để học. Chúng tôi được huấn luyện về căn bản quân sự, di hành, bò hỏa lực, sử dụng các loại vũ khí, thực tập tác xạ, tác chiến, ứng chiến có khi ngủ đêm tại các bãi học. Trưa đến, có xe tiếp tế thực phẩm: cơm, canh, cá mối chiên, khẩu phần đạm bạc, nhưng vì vận động nhiều, nên ai cũng cảm thấy ngon ăn. Tôi vẫn nhớ các bạn Phạm Đình Nhật Hà, Nguyễn văn Điềm, Hà Đăng Ngân, Nguyễn Trọng Quýnh, Nguyễn Khắc Chinh, Phạm Quốc Nam, V# Xuân Long, Lương Quang Bình à Riêng bạn Trần Minh Dũng, sau giờ học tập, về trại thường ngâm nga vài câu thơ Phạm Công Thiện trong bài Ngày Sinh Nhật Của Rắn. Anh Trần Minh Dũng đã vĩnh biệt ra đi năm 2011..! Trong kỳ họp khóa 11OCS tháng 6/2011tại Nam Cali, tôi rất vui khi gặp lại các bạn Bạch Đằng 2/69, các anh Nguyễn Văn Kế Ba, Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn văn Đài, Nguyễn Trung Hùng, Giang Nam, Hà Đăng Ngân à Bài hát di hành chắc nhiều bạn vẫn còn nhớ :
Đây khúc ca nơi quân trường đầy hào hung. Vai sát vai ta thi tài trong tình quân ngũ. Đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm .. . (?).
Có những sáng sớm rạng đông đã nghe tiếng hát Thanh Tuyền, vang vọng từ chiếc quán bên kia đường :
Con đường xưa em đi.
Vàng lên mái tóc thề,
Ngõ hồn dâng tái tê.. (?)
Hay nhạc bản Bên Cầu Biên Giới của Phạm Duy mỗi lần ăn cơm nhà bàn:
Bên cầu biên giới, tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi. Sông nước xa xôi, mây núi khắp nơi, ...
Quân trường Quang Trung đã lưu lại nơi tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Vào những ngày Chúa Nhật, khóa sinh được thân nhân đến thăm viếng như được diễn tả trong bản nhạc Vườn Tao Ngộ.
Hôm nay ngày chúa nhật. Em đến thăm anh,
Đường Quang Trung nắng đổ mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao...(2)
Có lần tham dự sinh hoạt Chính Huấn cuối tuần , chúng tôi được thưởng thức chương trình ca, vũ, nhạc, kịch thật đặc sắc. Anh Nguyễn Văn Trào (Khóa 21 Nha Trang) biểu diễn những màn võ thuật VOVINAM hồi hộp và ngoạn mục. Chúng tôi cũng được vị Đại Úy chủ tọa buổi sinh hoạt CTCT đồng ý cho mặc quân phục Hải Quân màu tím khi xuất trại về phép.
Từ giã Quang Trung, nhiều bạn (đa số thuộc đại đội 20 E) lên đường, tiếp tục thụ huấn khóa 21 Nha Trang, một số bạn về Sài Gòn, học Anh Văn, chờ đi du học. Riêng tôi và một số bạn, vì sĩ số khóa sinh quá đông (khoảng 650 ngươi ), Hải Quân không đủ quân trường huấn luyện nên được gửi đi thụ huấn tại trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức để ra trường và thụ hưởng quyền lợi Sĩ Quan sớm hơn. Tại trường Sĩ Quan Trừ Bị, tôi thuộc đại đội 16, và cũng là Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân duy nhứt ở đại đội này. Đại Úy Đức làm đai đội trưởng, Sĩ Quan Cán Bộ gồm có: Trung Úy Hiểu, (sau nầy chết vì Việt Cộng pháo kích vào quân trường), Chuẩn Úy Bá (tốt nghiệp Fort Benning Texas). Thành phần Sinh Viên Sĩ Quan gồm các binh chủng: Hải, Lục, Không quân, nhưng đa số là SVSQ Bộ Binh.
Tại trường Sĩ Quan Thủ Đức, khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi “được” đánh thức, di hành lên đồi Tăng Nhơn Phú để học tập. Ai tập họp trễ sẽ bị phạt bò, hít đất, nhảy xổm. Khoảng 10 giờ tối thì về đến trại. Chúng tôi trải qua thật nhiều gian khổ trong những tuần huấn nhục như bài thơ mà Nguyên Sa đã ghi lại như sau:
Bây giờ khẩu Garant ta mang trên vai
Bây giờ khẩu trung liên Bar ta mang trên vai
Ta mới biết rằng những thỏi sắt đó nặng như thế nào.. . .. .
Bây giờ di chuyển đêm, di chuyển ngày, di chuyển nắng, di chuyển mưa
Ăn không được, ngủ không được , cười không được, khóc không được.. .
Tôi còn nhớ trong thời gian huấn nhục, có một SVSQ mang bịnh “buồn ngủ”, có lần sau khi mãn học ngoài bãi tập, thấy vắng anh, mọi người đổ xô tìm kiếm . Cuối cùng khám phá là anh đã leo lên cây, dùng dây nịt, buộc vào cành cây và “đi vào giấc mộng!”.
Đêm Di Hành là bài hát được các bạn tại Đại Đội 16 ưa thích nhất, bản nhạc có lời như sau:
Đêm di hành vượt qua ngàn núi non,
dù gian nan, dù chiến đấu.
Mặc bụi đường vẫn ghi lời hứa, " Hây!".
Mong xua tan quân bạo tàn để nước non thanh bình. Tàn đêm nay, tàn đêm mai, sương mênh mông lạnh buốt núi non...." (?)
Đầu tháng 5/70, chúng tôi về ứng chiến Sài Gòn, cũng trong lần nầy, tôi đã quen nhà tôi và chúng tôi đã thành hôn vào cuối năm 1974.
Sau ngày mãn khóa, tôi lại được gửi đi học trường Tổng Quản Trị ở đường Đồng Khánh, Chợ Lớn, rồi về tòng sự tại ban Huy chương, ban Hành Chánh 3, phòng TQT BộTư Lệnh Hải Quân. Được một thời gian ngắn, được biết có mở khóa du học OCS, tôi dự thi và trúng tuyển theo học Anh Văn trường Boat School ở góc đường Duy Tân- Hiền Vương Sài Gòn, tối đến sinh hoạt với các huấn luyện viên Hoa Kỳ bên Hải Quân Công Xưởng. Sau 2 tháng học tập, tôi được gửi đi thụ huấn hải nghiệp tại quân trường OCS.
Danh Sách Khóa 11 OCS ( Tài liệu từ quân trường OCS )
Đến với quân trường OCS vào tháng 1 năm 1971. Tôi thuộc khóa 11 U/O ; (O là chữ viết tắt Officer, vì chúng tôi là Sĩ Quan Khóa Sinh). Có tất cả ba khóa 10, 11, và 12 mà đa số khóa sinh là những Sĩ Quan Chiến Binh đã tốt nghiệp tại các quân trường Võ Bị Đà Lạt hay Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức nhưng chưa có chuyên nghiệp quân sự. Sau ngày tốt nghiệp OCS, sẽ được cấp chuyên nghiệp quân sự nghành chỉ huy và được gọi là Hải Quân Thiếu Úy, hay Hải Quân Trung Úy. Trưởng toán của nhóm sĩ quan khóa sinh là Trung Úy Bùi văn Quang. Trưởng toán SVSQ là anh Trần Hải Mank. Sĩ Quan Mỹ đại đội trưởng là Trung Úy Robert W. Auve. Tại quân trường OCS, chúng tôi đã được huấn luyện: hải hành tập đội, cơ khí phòng tai, hải pháo, vận chuyển, lý thuyết tàu bè, cơ khí và lãnh đạo chỉ huy, hàng hải cận duyên (Piloting), dùng những điểm cố định trên bờ và la bàn để lấy hướng định tọa độ, vị trí chiến hạm trên hải đồ; hàng hải phỏng định (Dead reckoning ), hàng hải viễn duyên về thiên văn (Celestial Navigation), dùng sextant đo vì sao biết được trong chòm sao, đưa xuống chân trời lấy góc độ, hướng, tra cứu sách thiên văn (Star finder, H.O. 214, Nautical Almanac) rồi vẽ lên hải đồ vị trí của con tàu; hàng hải điện tử, dùng ra đa để xác định vị trí. Chúng tôi được thực tập trên các tiểu đỉnh YP trong v#ng vịnh Narragansette.
Học Trình tại quân trường OCS được hoạch định như sau:
VNN CURRICULUM BY SUBJECT AREA
SUBJECT AREA: ORGANIZATIONAL DIVISION HOURS
English Language (Naval Terminology) 90
The Shipboard Team 10
Division Officer Duties 5
105 Total
TECHNOLOGICAL DIVISION
Operation and Maintenance of Shipboard Equipment Introduction 7
Engines 21
Propulsion Drives 15
Electricity 22
Auxiliary Equipment 15
80 Total
Casualty Control ( Ship Construction, Damage Control and fire fighting )
Ship Compartmentation 2
Fire fighting 21
Dammage Control 6
NBC Warfare 2
Stability 4
Deck Seamanship 4
25 Total
TACTICAL DIVISION OOD
ProceduresYP' s 12
Tactical Trainer 6
Shiphandling Theory 6
Rada 4
OOD 2
30 Total
Communication 25
CPA 8
Simple Formations 11
Rules of the Road 6 |
50 Total
Weapons 14
Unconventional Warfare 8
Amphibious Operations 4
Mine Warfare 2
Gunfire Support 2
30 Total
NAVIGATION DIVISION
Introduction 3
Charts and Aids to Navigation 12
DR, Piloting 14
Current 10
Compasses, Instruments 16
Sunrise and Sunset 4
P-Works 36
Celestial 56
151 Total
Intro. To Celestial Navigation 2
Time 4
Time Diagram 2
Nautical Almanac 9
H.O. 214 6
Methode and Problem Solving 6
Celestial Line of Position 2
Sextant Familiarization and use 4
Practical Work in Sights and Piloting 12
Test 9
56 Total
(Tài liệu từ quân trường OCS).
Sau ngày hoàn tất việc huấn luyện tại OCS, Newport Rhode Island, các khóa sinh được gửi đi thụ huấn về “Chiến Tranh Sông Ngòi” (Riverine Warfare) tại Trung Tâm Huấn Luyện N.I.O.T.C. (Naval Inshore Operation Training Center) thuộc Mare Island, California. Các khóa sinh được thực tâp về đội hình, tác xạ, phục kích, tránh mìn, truyền tin, vận chuyển trong sông rạch trên những chiến đỉnh PBR, PCF. Trong những ngày thụ huấn tôi chỉ mong thời gian chóng qua mau để sớm trở về quê hương. Được biết các bạn cùng khóa: Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngọc Chót, Nguyễn Hữu Hạnh, Huỳnh Trọng Nghĩa, Phạm Quang Huy, Đỗ Anh Tuấn, Đinh Sĩ Vụ, hiện định cư tại Hoa kỳ. Riêng Nguyễn Văn Sĩ (my roomate/Thuyền Trưởng PCF ) đã tử nạn trong lúc đưa tàu đi tuần tiễu trên vùng biển Năm Căn . Xin các bạn mỗi người một lời cầu nguyện cho linh hồn anh Sĩ.
Sau ngày tốt nghiệp từ quân trường OCS trở về, tôi được bổ nhiệm về phục vụ Giang Pháo Hạm Thiên Kích HQ 329. Hạm trưởng l# HQ Thiếu Tá Nguyễn Thành Sắc, khóa 11 Nha Trang, Hạm phó HQ Trung Úy Nguyễn Bích Ngân, khóa 17 NT. Sĩ quan gồm có Nguyễn Văn Phước khóa 19 NT, Lưu văn Nở, khóa 20 NT, V# văn Vân khóa 20 /CK/NT. Trần Trung Gấu, khóa 21/CK/ NT. SQ các khóa OCS gồm có: Võ Văn Bé, Nguyễn Kim Tuấn, Trần văn Hai. Đa số sĩ quan ở tàu đều có gia đình ở Sài Gòn, riêng tôi và Trần văn Hai là “con bà phước” nên thường xuyên ở lại tàu trong khi hầu hết các sĩ quan khác đều về với gia đình trong những ngày tàu ở bến. Trong suốt thời gian tôi phục vụ tại HQ 329, hầu hết thời gian công tác của chiến hạm là hoạt động vùng Năm Căn, Vũng Tàu. Trong chuyến công tác vùng Năm Căn năm 1972. Tàu suýt bị trúng lance bomb do Việt Cộng phóng từ bờ. Lúc đó, tôi đang đứng cạnh khẩu đại pháo 76 ly, bỗng thấy vật lạ từ bờ nhảy trên mặt nước hướng về phía chiến hạm, nhưng rất may mắn chiến hạm chạy giữa dòng sông, lance bomb bị chìm trước khi tới chiến hạm. Sau đó, Hạm Trưởng Sắc thuyên chuyển, HQ Thiếu Tá Lê văn Quế về thay thế. Khoảng tháng Giêng năm 1972, tôi được chấp thuận theo học khóa Căn Bản Sĩ Quan Chiến Tranh Chánh Trị tại Trung Tâm Huấn Luyện/CTCT/ Sài Gòn. Sau ngày tốt nghiệp, được chỉ định đảm nhiệm chức vụ Hạm Phó Tuần Duyên Hạm Song Tử HQ 614. Vì chiến hạm đang công tác, tôi phải đáp phi cơ ra Phú Quốc trình diện tân đáo. Được biết vị Hạm Phó tiền nhiệm là HQ Trung Úy Nguyễn văn Quít khóa 19 Nha Trang, thường được nhân viên nhắc nhở, ca tụng vì ông là một sĩ quan tài giỏi, nhiều kinh nghiệm. Sĩ quan tạm thời thay thế Trung Úy Quít là HQ Chuẩn úy Nguyễn Bão Đồng khóa 8 OCS. Khi tôi đến đáo nhậm thì Chuẩn Úy Đồng đang nằm bịnh xá HQ Phú Quốc. Vài tháng sau, Chuẩn úy Đồng có lệnh thuyên chuyển đi đơn vị khác, và HQ Chuẩn Úy Nguyễn Hữu Tòng khóa 22/NT về thay thế. Kỷ niệm đáng nhớ nhất về Chuẩn Úy Tòng đó là trong một lần công tác vùng biển Hà Tiên, sau khi bàn giao ca khoảng 12 giờ đêm lại cho anh. Tôi trở về phòng định đi ngủ, thình lình tôi nghe một tiếng "ầm" vang dội. Toàn thân tàu rung động, con tàu nghiêng ngửa, Đại Úy Cố Vấn Mỹ Dudley từ trên chiếc giường từng trên cao té xuống sàn tàu. Tôi có cảm tưởng tàu sắp lật úp và sẽ bị chìm. Tôi vội vàng lên đài chỉ huy, con tàu vẫn còn chòng chành, Chuẩn Úy Tòng cho biết có lẽ chiến hạm bị tàu Sealand đụng, bên hữu hạm bị vỡ một khoảng gần nửa thước cạnh khẩu đại liên phòng không 20 ly. Tôi cho bắn hỏa châu để quan sát, nhưng chiếc tàu gây ra tai nạn đã biến dạng vì trời tối và có quá nhiều tàu qua lại lúc ấy nên không thể phát hiện được.
Sau ngày mãn hạn công tác, chiến hạm về Sài Gòn, khi tàu về gần đến Nhà Bè, chúng tôi có nhìn thấy một chiếc ghe nhỏ lái đâm đầu vào chiếc thương thuyền cỡ lớn, ghe bị chìm, chúng tôi dừng lại để cứu cấp, đợi khoảng 1 giờ, nhưng không thấy động tĩnh gì, chúng tôi tiếp tục giang hành. Riêng chiếc thương thuyền, không biết có nhận thức tai nạn hay không nhưn vẫn tiếp tục chạy và biến dạng. Tàu về nghỉ bến, đậu trước Bộ Tư Lệnh Hạm Đội. Môt sáng sớm, khi tôi còn say ngủ, một thủy thủ đánh thức tôi dậy và cho biết tàu sắp chìm. Nhìn qua phòng Hạm trưởng thì thấy nước đã vào đến sàn tàu. Tôi vội vàng ra lệnh cột chặt chiến hạm vào hai tàu đậu kế bên, đồng thời gửi công điện thượng khẩn, yêu cầu BTL Hạm Đội cho toán phòng tai mang bơm xuống hút nước. Sau vài giờ làm việc chúng tôi đã cứu vãn được con tàu.
Trong thời gian phục vụ tại tuần duyên hạm HQ 614. Chiến hạm thường công tác tại Phú Quốc, Vũng Tàu, Năm Căn, Qui Nhơn, Nha Trang; nhưng nhiều nhất là Phú Quốc. Đặc điểm của Phú Quốc là tại An Thới, mũi Ông Đội, có dấu bàn chân trên mỏm đá, luôn luôn có nước ngọt rịn ra.
Dạo chơi An Thới ròng đôi bửa
Dọc nước Bãi Kem tắm nắng đào. (3)
Bãi biển khá đẹp, du khách có thể tắm thoải mái tại Bãi Kem, Bãi Dung, Gềnh Dâu ... Ngoài khơi quanh đảo Phú Quốc, du khách có thể thăm viếng các đảo Thổ Châu (Poulo Panjang), Hòn Sơn Rái (Tamassou). Quán phở Bò Vàng và Hội Quán Bi Da do gia đình thân hữu Đổ Kỳ Nam khóa 6 OCS làm chủ là nơi qui tụ nhiều quân nhân đến ăn uống và giải trí.
Trong lúc tuần tiễu vùng bắc đảo Phú Quốc, chúng tôi có dịp viếng thăm xứ Cao Miên. Có lần, Hạm trưởng Thiếu Tá Tùng, Đại Úy Cố Vấn Dudley với tôi vào hoang đảo, ném lựu đạn bắt được rất nhiều cá Thác Lác, có con dài hơn 1 mét. Khi chiến hạm tuần tiễu vùng cửa sông Ông Đốc, chúng tôi bắt được một ghe đánh cá Thái Lan vi phạm lănh hải nước ta, chúng tôi áp giải ghe nầy về CCHQ/ Năm Căn. Sĩ Quan và Thủy Thủ đoàn mỗi người được tưởng thưởng sáu ngàn đồng. Trong lần yểm trợ hải pháo gần Căn Cứ Hải Quân Năm Căn, HQ 614 đã giải tỏa được áp lực địch đang tấn công mănh liệt vào đơn vị bộ binh, và đã đẩy lui được kẻ thù.
Năm Căn muỗi đói vo ve khóc
Sông chụm đầu nhau quẫy sóng ca. (4)
Sau ngày hiệp định Paris được ký kết đầu xuân 1973. Cùng lúc với lệnh ngưng bắn được ban hành là thông điệp của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đọc sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, kêu gọi đề cao cảnh giác âm mưu lấn đất giành dân, đừng mắc vào cạm bẫy của cộng sản. Chúng tôi đang sắp khởi hành đi tuần tiễu thì nhận được lệnh công tác đến vùng Hòn Heo, gần tháp Hải Đăng Hà Tiên, theo chỉ thị, chúng tôi, phải triệt hạ lá cờ của Việt Cộng đang treo trên ngọn Hải Đăng đồng thời yểm trợ cho Biệt Động Quân đang hành quân trong vùng. Địch quân đã phục kích sẵn, chờ khi chúng tôi tiến sát gần bờ, chúng dùng đại bác 57 ly, B40, AK 47, bắn tới tấp, chúng tôi vừa phản pháo, vừa rút lui ra vùng an toàn, tránh khỏi hỏa lực uy hiếp của địch.
Trong một chuyến công tác khác , chúng tôi ghé lại Hòn Heo, được chúa đảo là một cụ già khoảng 70 tuổi ra đón rước, chúng tôi được dân hải đảo thết tiệc bằng món cháo lươn, nấu với bẹ môn, và họ trình diễn cho chúng tôi xem điệu múa Cao Miên rất ngoạn mục. Khi mọi người đã trở về chiến hạm, chúa đảo còn gửi một cô gái độ 20 tuổi mang tặng thủy thủ đoàn 1 buồng chuối, chúng tôi nhận quà và ngỏ lời cảm ơn hảo ý của dân hải đảo.
Sau chuyến công tác Năm Căn, chúng tôi về BTL Hạm Đội, nghỉ bến được 1 tuần lễ, thì nhận được lệnh công tác vùng 2 Duyên Hải. Nha Trang nổi tiếng là nơi danh lam thắng cảnh, với hàng thùy dương và bãi biển cát trắng chạy dài từ Đại Lãnh-Văn Phong- Cà Ná; ngoài khơi có khoảng 6 hải đảo mà lớn nhất là Hòn Tre. Ở Hòn Yến, người ta có thể tìm thấy yến sào do loài chim yến (Salegane) dùng nước miếng tạo ra, tổ yến được dùng làm thực phẩm rất quí và đắt tiền.
Non nước hữu tình nhất trời Nam
Nhàn du ngoạn cảnh ngắm danh lam
Tháp Bà nhẹ bước người vào viếng
Cầu Đá chen chân khách đến thăm. .. (5)
Khi cập bến Cầu Đá, tôi có gặp anh Phạm Đình Nhật Hà khóa 12 OCS và cũng là người bạn từ trại Bạch Đằng 2 & TTHL Quang Trung. Anh Hà là thuyền trưởng Coast Guard. Khi tàu nhập vùng được 1 tuần thì Hạm trưởng đi phép về Sài Gòn thăm gia đình, còn lại một mình, trẻ tuổi, lại ham vui; nghe theo lời “dụ dỗ” của thủy thủ đoàn, tôi và đoàn tùy tùng, khoảng tám người kéo nhau vào bờ dạo chơi gần căn cứ Đại Hàn ở Vũng Rô rồi ở lại ngủ đêm, sáng hôm sau, nhờ ghe đánh cá đưa ra tàu. May mắn cho chúng tôi đã không bị sát hại! Một lần khác, chúng tôi tắt liên lạc vô tuyến vào Đại Lãnh, tìm thịt heo rừng cho thủy thủ đoàn có thêm chút dinh dưỡng. Chúng tôi có tặng một ít gạo cho vài gia đình tử sĩ có thân nhân bị cộng sản sát hại. Trong lúc đang quan sát lớp học với đám học trò trẻ con nghèo xơ xác thì có đoàn ghe Yabuta, và phi cơ bay lượn vờn quanh. Những người lính trên tàu cho biết, vùng 2 Duyên Hải đang báo động vì nghĩ rằng chúng tôi là tàu Bắc Việt xâm nhập. Chúng tôi vội vàng tách bến, trở lại vùng công tác.
Khoảng tháng 4 năm 1974, tôi mang chiến hạm HQ 614 ra đại kỳ ở Căn Cứ Hải Quân Sơn Chà. Sau ngày nghỉ phép từ Sài gòn trở ra Đà Nẵng, Tôi đã gặp lại anh Trần Văn T, người bạn thời niên thiếu cùng làng . Lúc gặp tôi, anh T là Thiếu Úy Bộ Binh ra Đà Nẵng tân đáo đơn vị, T có nhờ tôi trao lại phong thư cho người yêu của anh ở Mỹ Tho. Tôi đã làm điều mà anh căn dặn; nhưng “ tiếc thay rằng tình chung không ngủ trên môi” (?), chỉ sau ba ngày sau, trên đường trở về Sài Gòn để đáp phi cơ ra Đà Nẳng, tôi đã gặp người tình của T đan tay dạo phố với một HQ Trung Úy!
Trong thời gian tàu đại kỳ ở Đà Nẵng, quân số chiến hạm đã giảm thiểu chỉ còn độ 1/3, chỉ đủ canh gác và thử đường trường. Tôi và Hạm Trưởng Tùng ngoài thời gian liên lạc hợp tác với hải xưởng Đà Nẵng để cho công việc Đại Kỳ tiến hành tốt đẹp, chúng tôi có được chút thời giờ viếng thăm thành phố Đà Nẵng. Rất tiếc, dạo đó tôi đã không có dịp ra Huế để viếng Cố Đô. Du lịch Đà Nẵng, du khách nên viếng những thắng cảnh và di tích lịch sử địa phương như: Đèo Hải Vân, Ngũ Hành Sơn, Núi Bà Nà, Chùa Linh Ứng, và Viện Bảo Tàng Chàm. Mỗi chiều cuối tuần Lê Văn Nhẫn (cùng làm chung với tôi ở phòng TQT /BTL/ HQ năm 1970 ), Nguyễn Cao Bách, Bác Sĩ Phạm Khắc Hiệu, Dược Sĩ Cao Thái Thành (tất cả các bạn đều là Trung Úy), mang xe jeep đón chúng tôi đi dạo phố Đà Nẵng, ghé quán Thiên Nga, Thạch Thảo, nghe nhạc, uống cà phê. Đôi khi, những ngày cuối tuần, tôi còn có cơ hội bay về Sài Gòn để thăm người yêu. Cuối tháng 7 thì công việc đại kỳ đã hoàn tất. Hải quân Đại Úy Nguyễn Hữu Thiện về thay thế HQ Thiếu Tá Nguyễn Văn Tùng. Đại Úy Thiện và tôi đưa chiến hạm về Sài Gòn.
Sau hơn ba năm phục vụ trên 2 chiến hạm thuộc Hạm Đội, tôi được ân thưởng bằng Tưởng Lục, Chiến Dịch, Quân Vụ, Kỹ Thuật, và Hải Vụ Bội Tinh. Tôi xin học khóa Trung Cấp CTCT và được chấp thuận. Sau khi bàn giao chức vụ Hạm phó cho HQ Trung Úy Nguyễn Hữu Minh, tôi về trình diện BTL/HQ/ P. CH, và được gửi đi thụ huấn tại Đại Học CTCT Đà Lạt. Ban giảng huấn trường Đại Học CTCT gồm có: Tiến Sĩ Nguyễn Thị Huệ, Tiến Sĩ Phó Bá Long, Tiến Sĩ Nguyễn Hoàng Giáp, Tiến Sĩ Thượng Tọa Thích Giác Đức, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng , Luật Sư Nguyễn Hữu Thống ,và các Sĩ Quan cơ hữu của trường. Chúng tôi học về Tình Báo, Tâm Lý Chiến, Chính Huấn... Trường Đại Học CTCT tọa lạc trong thành phố Đà Lạt, thị trấn nổi tiếng với Trường V# Bị, thác Cam Ly, hồ Than Thở,
Đứng trên triền dốc nhìn xuống hàng thông. Hàng cây thẫm màu đèn lên phố phường. … Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ. Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ... (6)
Sau ngày ra trường, tôi được bổ nhậm vào ban Giáo Dục Chính Trị thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân/ Phòng Chính Huấn. Trưởng Phòng là HQ Trung Tá Phạm Thành Long. Sĩ Quan gồm có các Đại Úy CTCT: Đỗ Hữu Danh, Lê Văn Soại, Phạm Ngọc Hòa. Sĩ Quan OCS: Lê Tín Thành, Nguyễn Thái Hùng. Thiếu Úy Đoàn Viên Lê Thùy Anh. Trong thời gian nầy, tôi có gặp bạn Hà Đăng Ngân (OCS 8), người về từ Hoàng Sa; anh kể lại trận chiến lịch sử mà các chiến hữu HQVN đã can trường chiến đấu chống quân xâm lược Trung Cộng vào tháng Giêng năm 1974. Được biết Ngân hiện định cư tại Hoa Kỳ, mong anh tường thuật lại thiên phóng sự hãn hữu mà anh được vinh dự tham chiến.
Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Tôi có nhiệm vụ tiếp đón các đơn vị di tản chiến thuật từ miền Trung về tạm trú tại Căn Cứ Hải Quân Cát Lái. Từng đoàn tàu từ miền Trung, đưa binh sĩ, gia đình quân nhân cùng đồng bào tị nạn. Hàng vạn đồng bào và quân nhân đã được đón nhận tại căn cứ này . Thực phẩm không đủ phân phối cho tất cả mọi người. Tôi cũng nhận được tặng vật của một nhà hảo tâm trao tặng gồm hai xe chở đầy chao và phân phối cho tất cả mọi người. Khoảng 1 tuần lễ trước ngày 29/4/75, trong khi tôi đang thuyết trình tại Câu Lạc Bộ nổi BTL/HQ thì được lịnh hoàn trả súng đạn lại kho vũ khí. Các chiến hạm cập bến tại Sài Gòn được tiếp tế thực phẩm, nhiên liệu đầy đủ. Đêm 28/4/1975, Việt Công pháo kích, đạn pháo rớt xuống sông Sài Gòn và khách sạn Majestic . Trưa ngày 29/4/1975, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy đồng bào đổ xô xuống tàu càng lúc càng đông. Khoảng 4 giờ chiều, tôi quá giang Đại Úy CTCT Đỗ Hữu Danh về nhà.
Khi tôi trở lại Bộ Tư Lịnh Hải Quân và khoảng 6 giờ chiều thì có lệnh tập hợp, HQ Đại Tá Đỗ Kiểm thông báo: Sĩ Quan hãy về nhà đưa gia đình theo Hạm Đội di chuyển chiến thuật ra Côn Sơn. Tôi vội ra trước cổng BTL/HQ thì gặp HQ Trung Úy Lê Minh Đạo khóa 10 OCS. Anh Đạo hốt hoảng hỏi nên làm gì? Tôi khuyên anh nên đưa gia đình di tản theo Hạm Đội. Khi ra khỏi cổng, tôi gặp được người lính cũ ở HQ 614. Anh đã dùng xe Honda đưa tôi về nhà tận phi trường Tân Sơn Nhất. Khi tôi vào nhà thì cả gia đình đang chờ tôi. Nhạc mẫu tôi cùng gia đình mang hành lý rời nhà khoảng 100 mét thì đạn pháo kích nổ gần bên làm mọi người hoảng sợ chạy trở về nhà. Mẹ vợ tôi đưa tiền cho vợ tôi và khuyên chúng tôi hãy ra đi. Những người đi theo tôi lúc bấy giờ chỉ còn có đứa cháu thuộc binh chủng Không Quân, hai mẹ con người hàng xóm và vợ tôi .
Khi chúng tôi rời nhà khoảng một cây số thì may gặp một quân nhân thuộc binh chủng Nhảy Dù đang lái xe jeep, chúng tôi xin quá giang và được anh đưa đến cổng Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Tôi ngỏ ý là nếu anh muốn, tôi có thể giúp anh cùng xuống tàu theo Hạm Đội, anh cám ơn, nhưng từ chối, và cho biết sẽ ở lại tử thủ. Tôi tặng anh số tiền mà mẹ vợ tôi vừa cho. Vào tới Bộ Tư Lệnh thì đã 10 giờ tối, Thượng Sĩ Định, Quản Nội Trưởng có đưa tôi khẩu súng Carbine mang theo để phòng thân, tôi không lấy, chỉ mang theo chiếc chăn ngủ. Khi tôi và gia đình đến bến, tàu đã đầy ứ người. Bình thường, Khu Trục Hạm Trần Hưng Đạo/ HQ 1 chỉ chứa được khoảng 200 người. Lúc đó, theo tôi phỏng định, có vào khoảng 2000 người. Một số quân nhân khóc nức nở vì không mang được gia đình theo! Vài sĩ quan trẻ quá thất vọng, đã nông nổi vứt cả súng ống xuống sông. Khi tầu ra gần Vũng Tàu thì Phó Đề Đốc .. .(?) ghé tàu để đón gia đình. Khi tàu cập bến bị bể bên hông phía sau lái. Đến Côn Sơn, tất cả chiến hạm tụ họp lại với nhau và được loan báo là Hạm Đội sẽ rời Việt Nam để đi Phi Luật Tân; sẽ có chiến hạm đưa những người muốn ở lại trở về Vũng Tàu. Gia đình tôi chuyển sang Cơ Xưởng Hạm Cần Thơ HQ 801 vì H.Q 1 chứa quá nhiều người và bị hư hại. Trên hải trình đi Phi, HQ 801 cũng đón nhận thêm nhiều quân nhân cùng đồng bào muốn quá giang. Chiến hạm cũng cho phép một phi cơ trực thăng hạ cánh mang theo một Đại Tá Bộ Binh, đoàn tùy tùng và viên Phi Công. Tình trạng sinh hoạt trên chiến hạm ngày thêm tồi tệ, khan hiếm thực phẩm và nước uống; may mắn, tôi tìm được ít cơm khô mà ai đó đã phơi cạnh bên ống khói tàu. Có lần vợ tôi quá đói, đau lòng khi thấy thai nhi bò quậy trong bụng mẹ, tôi liều lĩnh vào khu ẩm thực định tìm chút nước uống và thực phẩm cho vợ thì bị một Thiếu Úy Bộ Binh (?) cản đường không cho vào. Tôi lên phòng Sĩ Quan tìm bạn, tôi may mắn, gặp được HQ Trung Úy CK Lê Đăng Bảo, (Khóa 21 Nha Trang), anh Bảo cho vài hộp cá hộp, nhờ đó mà vợ con tôi đỡ đói. Hôm sau lại được tàu chở dầu của anh Lý Thái Thạnh (thân hữu Bạch Đằng 2 & Quang Trung ), anh Thạnh tặng hai thùng chao. Tôi chia sẻ lại cho đồng bào, chỉ giữ lại vài hộp. Lúc đó, tôi thật vô cùng cảm kích, các bạn đã nhường thực phẩm của chính mình cho chúng tôi trong lúc khan hiếm,
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng. (?)
Trước khi chiến hạm vào lãnh hải Phi Luật Tân, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhìn thấy lá quốc kỳ VNCH được hạ xuống để chuyển giao tàu lại cho người Mỹ.
Từ Phi, chúng tôi được chuyển sang một thương thuyền khác để sang đảo Guam. Tại Guam, nhiều trại lính bằng vải bố đã được dựng sẵn. Trên đoạn đường dài và rộng, có nhiều nhà tắm và nhà vệ sinh lộ thiên. Ngày ba buổi, người tị nạn xếp hàng đi nhận thức ăn. Sống ở trại tỵ nạn được khoảng một tháng thì chúng tôi được chuyển đến trại Indiantown Gap tiểu bang Pensylvania. Tại đây, vợ tôi đã hạ sanh đứa con đầu lòng và chúng tôi đã đặt tên cho con là Hoài Nam để tưởng nhớ về Quê Hương Việt Nam.
Khi tình nguyện gia nhập quân chủng Hải Quân, tôi chỉ có một ý niệm đơn thuần: Thi hành nhiệm vụ công dân. "Quốc Gia hưng vong, thất phu hữu trách" (?). Tuy nhiên, qua Trại Bạch Đằng 2 và những quân trường thụ huấn (Tổng Quản Trị, Đại Học CTCT, Sĩ Quan Trừ Bị, OCS), ngoài những kiến thức cần thiết cho một Sĩ Quan Hải Quân học hỏi được, tôi còn may mắn quen thân nhiều bằng hữu quí mến, các bạn là những thanh niên ưu tú, đã nhiệt tình đáp ứng lời kêu gọi của Tổ Quốc khi Sơn Hà nguy biến.
Quân Chủng Hải Quân đã cho tôi cơ hội trực tiếp đi, thấy, phụng sự quê hương, và thủ đắc được nhiều kinh nghiệm mà tôi khó có thể tìm thấy ở đời sống dân sự. Với tất cả tấm lòng chân thành của một người dân yêu nước, chúng tôi đã dâng hiến quãng đời thanh niên tươi đẹp nhất để chiến đấu cho Quê Hương Việt Nam được độc lập, tự do, dân chủ, thịnh vượng vàtiến bộ. Nhưng rồi vận nước không may," mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên!" (?). Biến cố đổi đời 30 tháng 4 năm 1975 đã đưa đẩy tôi lưu lạc hơn nửa vòng trái đất. Ngày nay, dù cuộc sống ở Hoa Kỳ đã tương đối được ổn định, nhưng mỗi lần hồi tưởng về cuộc chiến cũ, tôi không khỏi ngậm ngùi: Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng ! (7) Thượng Đế vẫn còn dành cho Quê Hương Việt Nam nhiều khổ lụy!
" Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao.” (8).
Lê Ngọc Trùng Dương
Ghi Chú:
(?) Không nhớ tên.
(1) Nhạc phẩm Lời Tình Buồn. Vũ Thành An. (2) Nhạc phẩm Vườn Tao Ngộ. Nhật Hà.
(3)&(4) Thơ Thiên Cổ Bùi Ngùi. Phạm Hồng Ân. Thơ Nha Trang Tâm Bút. Nguyễn Vĩnh Châu. Nhạc phẩm Đà Lạt Hoàng Hôn. Minh Kỳ & Dạ Cầm.
(7) & (8) Thơ Truyện Kiều. Nguyễn Du.
Gửi ý kiến của bạn