BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nỗi buồn Phạn Xá

14 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 2546)
Nỗi buồn Phạn Xá
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hồi còn nhỏ, tôi không biết đi chợ, cũng chẳng biết nấu nướng. Tôi không có một chút khái niệm gì về chuyện nội trợ, bếp núc, dù chỉ là những điều rất sơ đẳng như việc nấu một nồi cơm cho một gia đình vài người. Mọi chuyện đã có mẹ và chị lo, tôi cần gì phải để ý tới. Tôi không ngờ, rồi có một ngày, khi trở thành sinh viên của trường Võ Bị, tôi lại phải lo chuyện đi chợ, nấu ăn cho cả một Trung đoàn sinh viên sĩ quan . Dĩ nhiên, tôi giật mình, không khỏi lo lắng và bối rối khi nhận lệnh trực làm trưởng toán sinh viên hoả thực.



Ngày đó, hồi đầu năm 1975, hai khóa đàn anh đang bận học nhảy dù và huấn luyện đàn em. Khóa chúng tôi lên năm thứ hai nên lãnh trách nhiệm đi chợ, nấu ăn cho trường Mẹ. Toán hỏa thực của chúng tôi gồm 5 người, do tôi làm trưởng toán. Sáng sớm bạn Nam cùng tôi đi nhận bánh mì. Trong những bộ đồ tiểu lể ủi thẳng nếp, chúng tôi bước lên chiếc xe GMC đang chờ và nói với tài xế cho xe khởi hành. Trong thâm tâm, tôi có một cảm giác thật đặc biệt, cảm giác này trở nên lạ lùng ngay khi tôi vừa bước xuống xe. Người chủ tiệm bánh mì đã đứng sẵn đón tôi tại cửa xe. Ông ta bắt tay tôi, vồn vã một cách hơi thái quá và nói: mời NT đến xem cân bánh mì. Người chủ cân khoảng 4 ổ bánh mì cho tôi xem thì đúng với trọng lượng ghi trên giấy. Tôi liền nói với anh chủ: tôi đồng ý nhận hàng. Anh chủ phất tay ra hiệu cho 4 thanh niên trẻ đến đếm bánh mì để giao hàng cho chúng tôi. Người ta đếm mỗi lần 5 ổ để chúng tôi dễ dàng kiểm soát. Thao tác nhanh nhẹn của họ đã gây sự chú ý cho tôi: bánh mì có kích thuớc to nhỏ chẳng giống nhau. Tôi hỏi anh chủ tại sao có chuyện như vậy. Anh chủ tiệm bánh mì giải thích với tôi: không thể làm tất cả bánh mì lớn bằng nhau được mà phải có ổ nhỏ, ổ to. Tôi không đồng ý với lời giải thích này của ông ta. Tôi lắc đầu nói cho ông ta biết rằng tôi không nhận hàng. Tôi yêu cầu anh ta bỏ 5 ổ bánh mì lớn lên cân thì thấy bằng 8 ổ bánh mì nhỏ. Anh chủ buồn xanh mặt. Tôi nói với anh rằng chúng tôi muốn có sự công bằng, bởi vì chúng tôi nhận bánh mì tính bằng trọng lượng từng ổ, nên sự chênh lệch như thế không thể chấp nhận được. Anh chủ nói với tôi: Niên trưởng thông cảm, chúng tôi bị lỗ nếu phải đổi hết số bánh mì nầy. Sau một hồi thương lượng, anh chủ cho đổi số bánh mì nhỏ bằng những ổ bánh mì lớn và mang hàng ra xe cho chúng tôi. Trên đường trở lại trường Mẹ, tôi suy nghĩ mãi về việc nầy: tôi chưa từng được sĩ quan hoặc sinh viên Niên trưởng nào chỉ dẫn việc cân, đo, đong, đếm... thực phẩm! Có lẽ trong thâm tâm mọi người đều cho rằng: ta là Võ Bị mà, để ý làm chi đến mấy cái việc nhỏ nhoi đó.



Tôi đang ngồi ăn sáng trong phạn xá thì Niên trưởng Trường K28, trưởng ban hỏa thực đến nói với tôi, hôm nay, ông muốn đi cùng xe ra phố với chúng tôi để sửa lại bộ quân phục. Trở về doanh trại, tôi gặp bạn Phan văn Ếch và bạn Võ Nuôi; ba đứa ngồi hút thuốc tán gẫu một lúc. Sau đó, cả ba cùng xuống phạn xá để lên xe ra phố nhận hàng. Vừa gần tới xe, tôi đưa tay chào anh tài xế và móc bao thuốc capstan ra mời. Anh tài xế đốt thuốc, rít một hơi dài rồi nói với tôi, giọng thúc giục: mời Niên trưởng lên xe, chúng ta khởi hành. Tôi nói với anh ta: tôi phải chờ một người đàn anh cùng đi ra phố. Anh tài xế nói: anh ấy đang ngồi phía sau. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng chợt hiểu là NT đã đến trước mình. Tôi bước ra phía sau và nói: mời NT ra phía trước ngồi với tài xế, để 3 đứa chúng tôi ngồi phía sau. Niên trưởng Trường bảo tôi: không được, anh là trưởng toán anh phải ngồi phía trước với tài xế. Tôi cười nói nhỏ với ông ta: không được đâu, mấy người lính cà sẽ cười mình nếu tôi ngồi phía trước còn Niên trưởng thì ngồi phía sau. Niên trưởng Trường nói với tôi lời cám ơn rồi bước ra phía trước ngồi với tài xế. Ba đứa tôi thót lên phía sau ngồi phì phà thuốc lá tán dóc.

Gần đến phố, tôi giở giấy tờ ra xem thức ăn nhận hôm nay như sau: 100 kg thịt bắp đùi, 100 kg cá thu, đậu hũ, rau cải và nước mắm hạng nhất. Bữa ăn được ấn định như sau: bữa trưa gồm cá kho cà chua, canh rau, sà lách và nước chấm. Bữa chiều gồm các món: thịt kho với đậu hũ, canh bắp cải, sà lách và nước chấm. Lúc xe dừng lại, chúng tôi thấy một quang cảnh làm việc thật sống động và thích thú. Mọi việc hầu như được sắp sẵn, đang chờ chúng tôi đến: hàng hóa được để ở đầu chợ một cách thứ tự và ngăn nắp, những người giao hàng đứng cạnh bên. Xe của chúng tôi chỉ việc đậu sát vô để nhận hàng. Ai mà không thích thú cái thứ tự hài hoà của sự sẵn sàng nầy. Khi chúng tôi bước xuống xe, một cô gái trẻ xinh xắn bước đến cạnh tôi và nói: mời anh đến nhận hàng. Tôi nhận rau cải và cần xé cá. Phần nước mắm thì hơi rắc rối, bởi vì nước mắm được họ đựng sẵn trong những bình nhựa trông rất mất vệ sinh và không phải là nước mắm hạng nhất. Tôi từ chối, không nhận. Sáu người giao hàng đứng quanh tôi nhìn nhau như ngầm bàn bạc và rồi kẻ trước, người sau đều nói đó là nước mắm hạng nhất được chiết ra thùng nhựa để dễ dàng cho việc di chuyển. Tôi trả lời: tôi không thích bàn luận nhiều với các anh chị, tôi chỉ muốn nhận nước mắm hạng nhất đựng ở trong bình sành chưa khui ra. Trước thái độ cứng rắn của tôi, họ bực bội và lặng lẽ bỏ đi, mang theo những bình nước mắm đã bị tôi từ chối. Tôi hơi chột dạ vì thái độ lạnh nhạt quá nhanh của những người giao hàng nên suy nghĩ coi phải làm gì để giải quyết chuyện nước mắm. Tôi đang tính kêu các bạn trong đội hoả thực để hỏi ý kiến thì những người giao hàng đã trở lại, lần này, họ mang theo những tĩnh nước mắm hạng nhất còn dán niêm mới toanh trên nắp. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là đã có nước mắm ngon theo đúng giấy tờ rồi.

Tôi bước đến 2 cần xé thịt đựng trong giỏ. Không cần thọc tay vào như các bà nội trợ, tôi cũng thấy chỉ toàn là thịt mỡ. Mỡ thì nhiều, nhưng thịt lại ít, tệ hơn nữa, dường như đa số chỉ là thịt vụn. Đã đích thân phản ứng quyết liệt với họ về chuyện nước mắm, nên tôi không muốn không khí căng thẳng đó một lần nữa. Im lặng không nói gì, tôi chờ cho đến khi có hai phụ nữ ở lứa tuổi trung niên đi ngang qua. Tôi mỉm cười làm quen, nói lớn với một trong hai bà: kính chào chị, xin chị cho tôi hỏi thăm phần thịt nầy có phải là thịt bắp đùi không? Bà nội trợ hơi ngạc nhiên khi thấy có ông lính Võ Bị nhờ xem thịt giùm. Đang bước đon đả, bà khựng lại, liếc mắt vào hai cần xé thịt và ngoắc tay biểu bà kia cùng đến xem. Hai bà moi móc những miếng thịt một lúc như ráng thi đua với nhau, trổ tài đi chợ cho mấy ông lính Võ Bị thấy. Một bà bĩu môi nói lớn để mọi người cùng nghe: đây là thịt bụng không phải thịt bắp đùi. Bà kia cũng cao giọng không kém: mấy miếng này là thịt bạc nhạc mà. Những người giao hàng lộ vẻ lo lắng và bất mãn thấy rõ. Họ không tụm lại gần hai cần xé thịt như lúc ban đầu mà lảng ra xa, một hai người nhanh chân bỏ đi. Tôi tươi cười cám ơn hai bà nội trợ rồi lắc đầu với những người giao hàng: tôi không nhận đâu. Hai bà nội trợ bỏ đi không quên nhấn mạnh: đó là thịt bụng, không phải thịt đùi, đừng có mua.

Cũng cần nói thêm một chút là đúng 10 giờ 15 phút, xe phải khởi hành để quay trở về trường thì mới kịp giờ nấu ăn cho bữa trưa. Lúc này Niên trưởng Trường cũng đến đứng cạnh chúng tôi để giúp tìm cách giải quyết. Bất chợt, một chiếc xe mazda trắng lộng lẫy chạy đến dừng sát cạnh xe GMC của chúng tôi và một phụ nữ sồn sồn sang trọng bước xuống xe. Bà bước về hướng chúng tôi, tôi chẳng quan tâm gì lắm vì đang bận suy nghĩ. Bà sồn sồn đến gần chúng tôi, rảo mắt nhìn mọi người rồi gọi ngay tên tôi (tôi mang bảng tên ở ngực), làm tôi giật mình. Bà bảo rằng bà muốn nói chuyện riêng với tôi. Vâng, chị cứ nói. Tôi đáp trong khi vẫn đứng yên tại chỗ. Chú thông cảm nhận cho tôi số thịt nầy, nếu phải đổi 100 kg thịt bắp đùi thì chúng tôi sẽ bị lỗ nặng. Tôi trả lời bà: anh em tôi được lịnh ra đây để nhận hàng, không đúng trên giấy tờ mà nhận thì chúng tôi sẽ bị phạt, xin chị cung cấp cho chúng tôi phần thịt đúng theo giấy tờ. Nằn nì một lúc không thành công, bà chủ sồn sồn bồi một phát cuối: đàn anh của chú cũng nhận hàng như thế. Tôi lạnh lùng làm thinh nhưng cố nghĩ trong đầu cách giải quyết cho mau vì đã 10 giờ. Bà chủ sồn sồn vẫn đứng đó nhưng chẳng biết bà dùng tín hiệu gì mà nhân viên của bà mang một cần xé thịt khác đến có rất nhiều thịt nạc. Bà chủ sồn sồn nói với chúng tôi: tôi xin được đổi như thế. Tôi đồng ý nhận hàng và cho xe chạy. Thế là, tôi đã lấy thêm được nhiều thịt ngon. Quá thích thú trước cách làm việc của toán hỏa thực, NT Trường không chịu ngồi phía trước với tài xế nữa mà thót lên phía sau cùng ngồi với chúng tôi tán dóc.



Phạn xá trường Võ Bị

Xe dừng lại phía sau phạn xá thì một việc náo nhiệt chưa từng thấy xảy ra. Hơn 10 người nấu ăn ở phạn xá đã chờ sẵn để giúp mang thức ăn vào bếp, lại có thêm gần 20 đứa trẻ con chừng 13, 14 tuổi đứng thành một hàng dọc chờ sẵn từ xe đến phạn xá. Quá đỗi ngạc nhiên trước quang cảnh nầy, tôi thảo luận nhanh với các bạn với sự lưu ý: họ sẽ chôm hàng của chúng ta. Chúng tôi cho chuyển rau, đậu, nước mắm vào nhà bếp. Mấy người khiêng bắp cải cứ làm bộ vụng về, vô tình để rơi vãi dọc đường từng bắp, từng bắp... Bọn trẻ con nhào vô giành giựt và cho vào bao mang theo sẵn, rồi để trên bãi cỏ. Khi tôi bước trở ra thì bạn Phan văn Ếch kiểm soát để mang 100 kg cá thu vào đã thấy có bốn năm con cá thu rơi rớt trên đất cát dơ bẩn. Võ Bị mà, đồ đã rớt xuống đất thì bỏ đi. Chúng tôi làm thinh nhìn nhau mỉm cười, ngầm hiểu mánh khoé của những người làm bếp. Tất cả thực phẩm được mang vào bên trong phạn xá thì tình hình có vẻ yên tĩnh hơn. Người nào vào việc nấy: kẻ nhặt rau nấu canh, người sắt cà chua, thái hành, người khác pha nước mắm, vài người làm cá, rửa cá để đem kho. Chúng ta có thể mường tượng một cảnh yên lành, mọi việc sẽ đâu vào đấy. Rồi sẽ xong nồi cá kho, nồi canh nóng, món nước chấm... Chúng tôi sẽ có bữa ăn ngon miệng.

Miên man suy nghĩ đến bữa ăn ngon lành đó thì cá thu bắt đầu "lội" thêm theo rãnh nước ra bên ngoài. Những bắp cải non được nhanh chóng chuyền lẹ theo những lỗ hổng được ngụy trang sẵn, và lũ trẻ con đang tranh giành thực phẩm của Trung đoàn sinh viên sĩ quan . Khi phát giác ra việc này, tôi chạy nhanh ra ngoài rãnh nước phía ngoài (là nơi thoát nước từ hồ nước rửa cá bên trong) thì thấy bọn trẻ con đang tranh giành nhau gần 10 con cá thu, mỗi con nặng trên dưới 1kg. Tới đây thì tôi không còn nhịn được nữa, như thế thì còn gì là phần ăn của Trung đoàn sinh viên sĩ quan . Tôi thông báo cho các bạn cùng biết và giữ số cá nầy lại. Tôi mời ông thượng sĩ thường vụ chịu trách nhiệm phạn xá đến và dẫn ông ra rãnh nước "cá thu lội" chỉ cho ông xem (bạn Ếch đang giữ số cá thất thoát nầy). Tôi yêu cầu ông giúp tôi giải quyết vấn đề. Viên thượng sĩ cho tập họp tất cả những người nấu ăn vào phòng bên để nói chuyện. Tôi đứng gần cửa sổ và nghe tiếng ông nói: NT hỏa thực hôm nay khó tánh, yêu cầu mọi người đừng làm bậy. Sau khi tan hàng, mọi người việc nào vào việc nấy, không được chậm trễ bữa cơm trưa của Trung đoàn. Tôi bước đến chào ông và nói lời cám ơn, ông nói với tôi: có việc gì cần, Niên trưởng cứ gọi tôi. Tất cả món ăn được nấu xong, đầu bếp lần lượt báo cáo, và việc xúc cơm, chia cá, xẻ canh bắt đầu... Mọi diễn tiến đều phải chờ lịnh của toán hỏa thực. Có một việc mà chúng tôi không thể tưởng tượng được là: sau khi chia phần ăn xong lại dư ra một chảo cá kho, tức là dư phân nửa vì có cả thảy 2 chảo cá kho với cà chua. Tôi yêu cầu đầu bếp phân chia hết cho Trung đoàn sinh viên s quan nhưng họ nói là không còn đủ thì gìờ. Tôi vừa đưa tay xem lại đồng hồ thì đã nghe tiếng giày tập họp của Trung đoàn SVSQ nện bước tiến vào phòng ăn của phạn xá. Không nao núng trước việc đã hết thời giờ, tôi cho múc hết chảo cá vào 2 nồi to rồi mang ra để ở phía đầu của từngTiểu đoàn 1,2. Tôi báo ngay cho NT Trung đoàn phó K28 để thông báo đến các đại đội nào cần dùng thêm thức ăn thì tự đến lấy về dùng.



Sau bữa ăn, chúng tôi kiểm soát việc nấu nướng cho buổi chiều. Phần thịt heo được chừa lại hơn 2 kg để nấu cháo đêm bồi bổ thêm cho cán bộ Tân Khoá sinh K28, phần thịt còn lại được kho với đậu hũ. Khi thịt kho xong, chúng tôi phát giác ra 2 bịch ni lông giấu dưới đống củi cạnh bếp. Tôi cầm lấy 2 bịch nầy và gọi các bạn đến xem: đó chính là gần 5 kg thịt heo nạc ngon mà chúng tôi đã phải đấu trí với bà chủ thầu sồn sồn ban sáng mới có được, và bây giờ thì cũng không còn thời gian để nấu nướng. Tôi im lặng cho cất số thịt nầy vào kho. Các người đầu bếp gườm gườm nhìn tôi. Chắc họ nghĩ rằng tôi sẽ mang 5 kg thịt nầy về phòng để anh em tôi chén một bữa. Chúng tôi biết vậy nhưng cũng chẳng mở một lời phân trần nào với họ. Chúng tôi dự định sẽ cho tất cả số thịt nầy vào nồi cháo đêm để tăng cường thực phẩm cho cán bộ Tân Khoá sinh K28. Bổn cũ được soạn lại: sau khi chia xong phần ăn cho Trung đoàn sinh viên sĩ quan thì dư 1 chảo thịt lớn, tôi làm tương tự như bữa trưa, nghĩa là lại chia đều ra 2 nồi lớn cho 2 tiểu đoàn. Niên trưởng Trường K28 rất khoái chí và rủ tôi đến bàn ăn của cán bộ dùng cơm chung, vì hôm nay thức ăn quá dư thừa. Niên trưởng Trường tiết lộ cho tôi biết: Thiếu tá Lê Diêu tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 đã nhận thấy thức ăn hôm nay bỗng nhiên trội dư hơn thường ngày. Thiếu tá muốn biết tại sao như thế, và bằng khẩu lệnh là sáng mai Niên trưởng Trường phải đến trình diện ông ta để báo cáo điều này. Sau bữa ăn, chúng tôi trở về phòng nghỉ ngơi. Bạn bè tò mò đến hỏi han và nghe chúng tôi kể lại những gì đã làm trong ngày. 8 giờ tối, tôi xuống phạn xá để lấy thịt nấu cháo. Số thịt trên được cắt từng miếng to bằng ngón tay cái rồi cho hết vào nồi cháo và mang ra cho một số cán bộ TKS K28 trực đêm dùng. Cán bộ khen ngon và mời tôi cùng ăn, sau đó tôi trở về phòng đánh một giấc ngon lành đến sáng. Ngày hôm sau thì thức ăn trở lại như cũ. Trước bữa cơm chiều, Niên trưởng Trung đoàn phó K28 báo cho Trung đoàn sinh viên sĩ quan biết là : Thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 thưởng cho toán hỏa thực của tôi mỗi người 60 điểm, số điểm nầy được tính vào điểm để lên năm thứ 3.

Nhiều năm sau, trôi dạt đến Bataan, một trại tỵ nạn ở Philippines, tôi đã gặp lại nhiều Niên trưởng như: Nguyễn Minh Châu K16. Tôi còn có dịp sống cùng phòng với Niên trưởng Nguyễn văn Ân K18, Niên trưởng Huỳnh văn Giai K18, Niên trưởng Phan văn Hường K19... Hầu như, họ đều hỏi tôi một câu: nghe người ta kể, thời tụi bây ở trong trường, ăn uống thiếu thốn lắm phải không? Tôi mỉm cười, yên lặng. Quả có như vậy, một phần vì quân viện đã bị cắt bớt, khẩu phần sút giảm, nhưng điều chánh yếu mà ít ai để ý, đó là cái phong thái coi nhẹ miếng ăn, xem thường miếng uống của sinh viên sĩ quan. Tôi có một ý nghĩ là thức ăn ngon vẫn đầy đủ cho Trung đoàn sinh viên sĩ quan , nhưng vì chúng ta luôn quan niệm: Võ Bị mà, để ý làm gì đến con cá, tô canh... Do đó, chúng ta cứ để cho thịt bắp biến thành thịt bụng làm giàu cho nhà thầu, cứ để cá lội theo rãnh nước ra bên ngoài, cứ để thịt heo chui vào đống củi để bồi bổ cho mấy anh lính cà... rồi trách người nầy, người nọ. Tôi cho rằng, phạn xá vẫn là bầu sữa đầy của trường Mẹ, cung cấp thật đầy đủ thức ăn cho các khóa, cho dù là ở thời kỳ nào.



Phạn xá gắn liền với đời sống của người sinh viên sĩ quan trong vai trò phòng ăn của một mái ấm gia đình. Từ những ngày huấn nhục đầu tiên, mỗi khi nhận lệnh tấn công xuống phạn xá, là tân khoá sinh biết rằng mình sắp được thoải mái và được nghỉ ngơi đôi chút để ngồi vào bàn ăn. Những giờ khắc ngắn ngủi nầy là niềm vui không bao giờ quên trong thời gian Tân Khoá sinh . Khi trở thành sinh viên sĩ quan , phạn xá là nơi sinh viên quây quần một cách thoải mái trong tình anh em. Phạn xá còn là nơi để tổ chức những lễ tiệc không thể nào quên như: dạ tiệc tiếp tân sau lễ gắn alpha, lễ đeo nhẫn khi lên năm thứ 3, tiệc chia tay với khóa đàn anh sắp ra trường, v.v... Khi nói đến phạn xá là nói đến niềm vui, nói đến sự thoải mái chứ không thấy ai nói đến... nỗi buồn phạn xá.

MAI HƯƠNG
(Bút hiệu của 1 CSVSQ Đại Đội G - K30)
Hoà Lan ngày 05/04/2007
Ý kiến bạn đọc
16 Tháng Tám 20117:00 SA
Khách
Chào (chị) MAI HƯƠNG, bút danh giống nữ nhi quá.Đọc bài của MH, nhớ trường Me chi lạ.Nhìn ảnh các anh "tấn công Phạn Xá" mà tức cười. Tôi xuống núi năm 1967, chưa bao giờ thăm lại trường Mẹ.Mong có ngày vận nước đổi thay sẽ viêng 1 lần!!!!!!!!!! Cám ơn MH có bài viết hay, cảm động làm tôi nhớ chốn xưa. Chúc MH & GIA ĐÌNH sức khỏe,hạnh phúc. Trân trọng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn