“Bất chợt gặp lại anh bên này, sau hơn ba mươi năm vẫn còn nhận ra nhau. Tôi định một ngày nào có dịp sẽ viết một cái gì đó về đơn vị của chúng ta, để anh và tôi cùng nhau suy ngẫm. Trong cuộc chiến những người lính như tụi mình có những chuyến đi, dài có, ngắn có, có thể trở về và cũng có thể không trở về, làm sao nói cho hết được những chuyện buồn nhiều hơn vui, bất hạnh nhiều hơn bình an. Bây giờ sống trên đất nước của xứ người, chúng ta như hạt gạo trên sàng sau một cuộc chiến khốc liệt, còn phần đông anh em trong đơn vị cũ đã mất hoặc sống lây lất trên đất nước mình. Hy vọng một ngày nào đó anh em mình trở về, chạy tìm những bạn cũ để cùng nhau uống ly rượu mừng...”
***
Rồi mười ngày phép cũng qua đi, một khoảng thời gian thật ngắn ngủi cho những thằng lính ra chiến trường. Một đặc ân ban bố cho những người lính mới, bắt đầu tập tành với mũi súng nhắm vào bia người thật sự. Sau mười ngày phép, chúng tôi đối diện với chiến trường. Chúng tôi năm đứa ra trình diện Trung Đoàn 51 Biệt Lập. Đây là một đơn vị chủ lực quân, chịu trách nhiệm vùng Quảng Nam và Đà Nẵng. Khi ở quân trường mà nghe nói tới Quảng Nam đứa nào cũng teo cẳng, cái rủi nhiều hơn cái may. Nơi nầy, chiến trường sôi động và mìn bẫy đầy dẫy. Nhưng đối với tôi đây là một đơn vị gần nhà nhất, buồn buồn có thể chuồn về nhà chơi vài hôm. Thiếu tá Sáng (già) gặp tụi tôi ở Câu Lạc Bộ Sĩ Quan thường nói đùa: “Tụi bay là thứ sĩ quan ham chơi hơn ham làm việc” (sau nầy nghe tin ông chết trong trại cải tạo). Chuyện nguy hiểm chết chóc ở đơn vị tác chiến, thì ở đâu cũng vậy, thí mạng cho trời đất, chứ biết sao mà tính. Chính vì lý luận kiểu “số mệnh” này, nên tôi tình nguyện vào đại đội trinh sát để có dịp mau rửa chân leo lên bàn thờ như những đứa bạn trong quân trường Thủ Đức hay đùa. Trong ý nghĩ của những thằng lính, mang nhiều thất vọng như tụi tôi, thì chết trước hoặc chết sau thì cũng vậy. Đôi khi chết trước còn sướng hơn khỏi phải bị đày ải đau đớn, khỏi phải cực tấm thân.
Tôi và Nguyễn Mạnh Cường mang ba lô xuống trình diện đại đội Trinh Sát. Buổi trưa trời nóng, chẳng có ai trong văn phòng, có lẽ mọi người đi ngủ trưa hết. Chúng tôi thả ba lô ở đó rồi tìm câu lạc bộ uống cà phê. Vào một cái bàn trong góc ngồi quan sát chung quanh. Tôi giật mình nghĩ trong bụng, thôi chết mình rồi, lính tráng ở đây như vậy sao? Họ chẳng thèm chào hỏi chúng tôi, mặt họ lạnh như tiền, có ông tóc dài thườn thượt, có ông đầu cạo trọc lóc. Cường nói nhỏ với tôi, trông coi tụi lính như thế này thì vất vả lắm. Tôi rút trong túi ra bao thuốc Pall Mall hút một điếu rồi để bao thuốc trên bàn. Một ông đứng dậy đến bàn chúng tôi tỉnh bơ cầm bao thuốc trên tay nói với tôi: “Bã quá, xin một điếu nghe chuẩn úy”, rồi rút một điếu ngậm trong miệng. Tôi quay mặt qua bàn bên kia mời những người khác hút thuốc để lấy lòng. Hình như họ cũng đang chờ như vậy. Thế là gói thuốc của tôi hết sạch. Lần đầu tiên đối mặt với những khuôn mặt cô hồn này trong đơn vị, tôi chẳng có một chút xíu nào cảm tình, dù biết rằng đây là những người bạn sau này sẽ cùng chiến đấu bên cạnh tôi.
Ông Thượng sĩ thường vụ đại đội dẫn chúng tôi lên trình diện đại đội trưởng. Tôi nghĩ trong bụng trông coi một đơn vị có đám quân có vẻ xô bồ như vậy thì đại đội trưởng cũng dữ dằn lắm, thế nhưng ông đại úy nầy trông cũng hiền lành, khuôn mặt phúc hậu, ông ngồi giữa bàn chờ chúng tôi làm thủ tục trình diện. Cường bước ra giữa bàn trước, dơ tay chào và đọc cấp bậc, tên tuổi, số quân trình diện đại đội trưởng, y chang nghi lễ quân trường, ông đứng dậy bắt tay mời ngồi. Đến phiên tôi ông khoác tay thôi khỏi làm thủ tục trình diện nầy. Ông hỏi chúng tôi về gia cảnh, nhà cửa ở đâu, rồi nói sơ qua về hoạt động của đơn vị cho chúng tôi biết. Ông gọi Hạ sĩ quan tiếp liệu đến cấp phát thêm quân trang súng đạn cho chúng tôi và gọi Trung đội trưởng Viễn Thám đến nhận chúng tôi về. Bắt đầu từ đó tôi chính thức cầm súng trực diện với quân thù, với chức vụ trưởng toán Viễn Thám. Tôi biết rồi đời tôi sẽ bắt đầu gắn bó với chiến trường, thăng trầm với đơn vị, đối đầu với sự sống chết trong đường tơ kẽ tóc. Tôi cũng bắt đầu ganh ghét với đám thanh niên phè phỡn ăn chơi trong thành phố, họ được sự che chở hợp pháp bởi gia đình quyền thế, lắm bạc nhiều tiền, mạng sống của họ được bảo vệ cẩn mật. Một sự bất công của xã hội tạo nên những bất mãn cho những kẻ bần cùng cô thế như chúng tôi, làm gì có sự công bằng khi mà xã hội bị thao túng bởi quyền thế. Chúng tôi những con vật bị hy sinh, bị đẩy vào chiến trường làm vật tế thần, tuổi đời trên dưới hai mươi. Chúng tôi chết một cách tức tưởi, oan ức. Suốt trong cuộc đời chiến đấu làm sao được may mắn mãi mãi. Nếu được trở về cũng bị què quặt, lê lết tấm thân tàn ma dại trên đường phố bị người đời khinh khi, chà đạp. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho đất nước, cho lý tưởng cao quý của dân tộc nhưng phải có sự công bằng.
Trong đại đội trinh sát nầy tôi có ba người bạn cùng học một lớp với nhau thời trung học, Thiếu úy Nguyễn Xuân Âu khóa 24 Võ Bị Quốc Gia làm trung đội trưởng Viễn Thám, Chuẩn Úy Nguyễn Tấn Trung khóa 3/69 Thủ Đức trung đội trưởng trung đội 1/trinh sát, và Binh nhì Lê văn Quang toán viên Viễn Thám. Khi tôi về Viễn Thám thì Âu làm trung đội trưởng nên tôi có bàn với Âu là sắp xếp cho Quang trực trại khi đại đội đi hành quân. Có lẽ vì sự chiếu cố nầy mà Quang đã tránh được những trận đánh khốc liệt mà sau nầy đại đội gặp phải, cho đến ngày 30-4 Quang chưa một lần bị thương. Khi tôi về trình diện thì đại đội trong tình trạng dưỡng quân, chỉ còn vài ngày nữa thì Tết nguyên đán, đại đội làm nhiệm vụ ứng chiến phòng thủ cho Trung Đoàn.
Một đêm 29 tết vào lúc 11 giờ, đang thiu thiu ngủ chúng tôi giật mình bởi tiếng súng nổ quá gần. Sau đó tôi nghe tiếng Thượng sĩ thường vụ đến phòng chúng tôi kêu lên, hai thằng lính Viễn Thám nhậu say bắn nhau chết trước cổng đại đội. Tôi tung mùng chạy ra, một cảnh tượng thật hãi hùng, một người nằm chết ngực banh, miệng trào máu và người kia ôm cây súng M16 quỳ xuống khóc nức nở. Thấy tôi và Âu người lính này buông súng xuống đất vừa khóc vừa phân trần: “Thiếu úy ơi, em đâu muốn bắn nó, nó bảo áo nó có bùa thiêng lắm, đạn bắn không lủng, nó đưa súng cho em bắn, em không chịu nó đòi bắn em, nó bắt em phải bắn vào áo có bùa mà nó đang mặc, không ngờ như thế này”.
Tôi điếng hồn, một trò chơi ngu dại, đem cả mạng sống của mình để đùa với súng đạn. Gần gũi với cái chết hằng ngày ngoài chiến trường, chứng kiến biết bao nhiêu cảnh tượng đồng đội và quân thù ngã xuống, nên họ xem thường cảnh chết chóc, họ đùa giỡn với súng đạn một cách nguy hiểm đem cả bản thân ra để thách đố nhau, chết một cách lãng xẹt.
Tối hôm sau, đêm 30 Tết đại đội đón giao thừa rất buồn, nhưng một vài nhóm cũng tụ họp uống rượu. Riêng năm thằng sĩ quan Viễn Thám nằm co ro trong mùng, nghĩ ngợi miên man, nhớ nhà, nhớ người yêu. Sơn không chịu nổi cảnh trạng nầy bật dậy chạy đi mua rượu. Tôi quơ trên đầu giường mấy lon thịt ba lát, tiệc rượu bày ra, năm thằng chúi đầu vào cốc rượu không nói với nhau một lời, chỉ biết uống, uống để quên, uống để vơi đi sự buồn tủi thua thiệt, uống để biết mình còn sống sót, uống để ngày mai có thể không còn dịp để uống. Cường tay cầm ly rượu mà nước mắt lăn tròn, nó nhớ Sài Gòn, nhớ người yêu, có lẽ giờ nầy người yêu của nó đến nhà thờ cầu nguyện cho nó, hay cũng có thể cặp tay một thằng nào đó có cuộc đời an toàn hơn, đảm bảo hơn. Làm người yêu những thằng lính tác chiến bất trắc có thể bổ xuống đầu bất cứ lúc nào. Làm sao bắt người khác phải sống trong cảnh đợi chờ mong manh, trong lúc chính mình cũng không đảm bảo được mạng sống. Năm đứa chúng tôi chưa ai có vợ, nên sự ràng buộc và trách nhiệm đối với gia đình cũng nhẹ nhàng. Uống đến ba giờ sáng thì đứa nào cũng ngã lăn say nhừ.
Mồng bốn Tết, Việt Cộng tấn công Đức Dục, Tiểu đoàn 2 tiếp viện nhưng bị thiệt hại rất nặng, vợ con của những quân nhân tử trận đến phòng nhân viên khóc lóc thảm thiết. Tôi đứng nhìn họ mà lòng tôi rối bời, rồi một ngày nào đó đến phiên chúng tôi. Chiến tranh quả thật tàn bạo, cướp đi tất cả, hủy diệt tất cả, để lại những tang thương đau khổ cho những gia đình mất chồng, mất cha, mất con. Tiếng khóc của họ nghe đứt ruột. Những người gây chiến tranh chắc chắn họ không gặp những cảnh ngộ như thế nầy, họ không biết thế nào là sự đợi chờ trong lo sợ cho những người thân đang chiến đấu ngoài mặt trận. Họ và gia đình sống trong tháp ngà, được những thuộc hạ bảo vệ an toàn. Con cái của họ được gởi ra ngoại quốc học hành không chịu ảnh hưởng bom đạn của chiến tranh, thành tài trở về nước được trọng dụng ăn trên ngồi trước. Chỉ có đám dân đen gánh chịu mọi hậu quả khốc liệt của chiến tranh. Tôi đi vòng ra phía biển ngồi một mình trên bãi, hai mươi mốt tuổi đầu đã biết thấm đau những nhọc nhằn của quê hương, đã kê vai gánh chịu một phần nào với đồng bào tôi, đóng góp xương máu sinh mệnh trong một cuộc chiến tranh vô lý, tồi tệ nầy. Tôi thừ người ra nằm dài trên bãi, chúng tôi như những làn sóng, hết lớp nầy đến lớp khác tan biến trong hư không. Tài nguyên nhân lực của quốc gia cạn mòn, chiến tranh vẫn ngùn ngụt. Tiếng khóc còn văng vẳng bên tai át đi tiếng sóng biển đang gào thét.
Đại đội Trinh Sát là một đơn vị tinh nhuệ nhất của Trung Đoàn 51 Biệt Lập, chúng tôi đã giẵm nát trên những vùng địch chiếm, khám phá sào huyệt, những hầm bí mật, tiến chiếm lại mục tiêu nghĩa là chúng tôi khi ra hành quân thế nào cũng mang chiến lợi phẩm trở về. Những địa danh như Cẩm Hải, Phong Thử, Phù Kỳ, Gò Nổi, Thanh Trường, Hà Nha nổi tiếng mìn bẫy, hầm chông. Bằng những cuộc hành quân diều hâu chớp nhoáng chúng tôi đã đột nhập ngay tận sào huyệt địch, đập tan những đơn vị lừng danh như Đội Nữ Pháo Binh Phù Kỳ, Du kích Cẩm Hải, Đội Pháo 122 ly Hòa Đa (chuyên pháo kích phi trường Đà Nẵng). Nghĩa là ở Quảng Nam, trung đoàn chúng tôi làm chủ mọi chiến trường nơi này. Hồi đó Đại tá Trương Tấn Thục làm Trung Đoàn Trưởng của chúng tôi, mỗi lần đại đội Trinh Sát hành quân diều hâu trở về, trực thăng sắp sửa đáp xuống, chúng tôi thấy xe Jeep của ông đậu sẵn ở bãi đáp để đón chúng tôi, ông bắt tay từng đứa, hỏi han từng người. Ông là một cấp chỉ huy để lại trong lòng tôi một hình ảnh đẹp, trong đơn vị tôi ai cũng gọi ông bằng bố rất thân thương, ngược lại ông cũng xem chúng tôi như con em của ông vậy. Buổi sáng lúc 5 giờ khi chúng tôi dẫn đại đội ra tập thể dục thì đã trông thấy ông chạy bộ trước, ông có một cuộc sống mực thước, ngăn nắp. Một lần chúng tôi hành quân Viễn Thám có một toán bị mất liên lạc mấy ngày, ông phái trực thăng liên tục tìm kiếm, khi tìm được chúng tôi trở về ông đến ôm từng đứa khi xuống máy bay, ông chỉ thị Đại đội trưởng cho chúng tôi đi phép ngay để gia đình yên tâm.
Mỗi lần đi hành quân về là chúng tôi chạy xe ra phố uống café, hoặc vùi đầu vào mấy quán nhậu. Thật tình thì chúng tôi muốn thấy sự sinh hoạt của phố xá, muốn thấy bóng đàn bà, muốn ngửi mùi da thịt mấy cô gái điếm để làm cân bằng những ngày lặn lội nơi rừng rú, chỉ có cỏ cây và mùi thuốc súng. Những thằng sĩ quan mặt mày non choẹt, từ cửa nhà trường bước qua cửa chiến trường và chết một cách tức tưởi vẫn còn trai tân, chưa thật sự làm đàn ông. Vì vậy có dịp là phải tranh thủ nếm mùi vị của đàn bà. Bực tức nhất là gặp những thanh niên cùng trang lứa, ăn chơi phè phỡn trong thành phố, chúng tôi hay gây sự với họ. Bây giờ nghĩ lại chẳng qua cũng chỉ vì ganh ghét, một bên thì sống sung sướng an toàn, còn một bên thì khổ cực và nguy hiểm.
Tôi đã tham dự nhiều cuộc hành quân, trong thời gian đó hành quân diều hâu là nhiều nhất. Khi còn Mỹ thì chúng tôi thường được trực thăng của Lữ đoàn I Không Kỵ Hoa Kỳ yểm trợ, sau nầy chúng tôi thường đi với Phi Đoàn Trực Thăng 213 của Không Quân Việt Nam. Mỗi lần đi thế nào chúng tôi cũng tịch thu được súng đạn, tài liệu, cũng khui được những hầm bí mật. Đơn vị chúng tôi là hung thần của các tên du kích, những đơn vị nằm vùng của Quảng Nam. Chỉ có một lần, một lần mà trong đời tôi không bao giờ quên được, hình ảnh đau thương này ám ảnh tôi suốt một khoảng thời gian dài, để lại cho tôi nỗi buồn đau ray rứt. Sau khi ăn cơm chiều xong, Đại đội trưởng qua phòng chúng tôi báo cho biết là đơn vị đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến. Thường thì những lệnh như thế này do Thượng sĩ Thường vụ Đại đội thông báo, đằng này đích thân Đại đội trưởng trực tiếp ban lệnh, chúng tôi nghĩ ngay đêm nay chúng tôi sẽ có một cuộc hành quân hệ trọng. Đến 6 giờ chiều tất cả sĩ quan đến văn phòng Đại đội nhận lệnh hành quân. Lệnh được ban hành là theo tình báo cho biết là tối nay vào giờ G có một đại đội việt cộng đổ bộ vào địa điểm X bằng thuyền đánh cá, trên bờ biển thuộc địa phận Cẩm Hải, quận Điện Bàn. Chúng tôi mở bản đồ chấm tọa độ phục kích, lộ trình duy chuyển, nhận mật khẩu, dấu hiệu nhận diện khi lâm trận. Đại úy Điệp cho biết rằng đây là tin tình báo mà mức độ tin cậy rất cao và khá chính xác. Đúng bảy giờ tối chúng tôi bắt đầu xuất phát.
Trung đội Viễn Thám được chia làm ba toán và tôi chỉ huy toán đi đầu làm tiền sát. Đến mục tiêu chúng tôi âm thầm đào hố cá nhân, vì bãi cát nên cũng dễ đào và không gây tiếng động. Toán của tôi được tăng cường một cây đại liên M60 và toán của Cường đi cuối cũng có một cây súng như vậy, khi đụng trận vùng tác xạ của hai cây đại liên đan chéo vào nhau, mục tiêu xuất hiện trong vùng tác xạ này khó thoát khỏi. Còn hai trung đội Trinh Sát kia do Thiếu úy Lân và Chuẩn úy Trung cũng bố trí dọc theo bờ biển để yểm trợ khi cần thiết. Dúng vào giờ G, tôi cúi sát xuống mặt đất nhìn thấy trên mặt biển, nhờ ánh sáng mờ mờ của đường chân trời, tôi phát hiện chừng năm chiếc thuyền đang tiến vào bờ, đúng hướng chúng tôi đang phục kích. Trong bụng tôi nghĩ tin tình báo của Ban 2 chính xác quá, thì trong máy tôi nghe tiếng Thiếu úy Âu, trung đội trưởng báo cáo với Đại Bàng là mục tiêu đã xuất hiện nhưng chưa ở trong tầm sát hại của hỏa lực. Mười phút sau những chiếc thuyền cập bến và trên thuyền nhiều người đang đổ bộ xuống, tôi thấy đầu người và súng dài lố nhố hiện trên mặt phẳng mờ mờ của đường chân trời, tôi lo lắng vì lực lượng địch quá đông, và trong đầu tôi tự hỏi tại sao một cuộc đổ bộ như vậy mà không có toán tiền sát vào do thám trước? Tôi đang phân vân thì nghe trong máy tiếng Đại Bàng ra lệnh cho chúng tôi khai hỏa. Tất cả đại liên M60, M16, M79 và súng cối nổ liên hồi. Khi ngưng bắn chúng tôi nghe tiếng kêu la thảm thiết của các nạn nhân trên bãi biển, pháo binh của Trung Đoàn bắt đầu bắn trái sáng để cho chúng tôi nhận diện và dứt điểm mục tiêu. Thì hỡi ơi, tất cả đàn bà, con nít, người già cả nằm la liệt trên bãi biển cách chỗ chúng tôi phục kích chừng hai mươi thước, nên trông thấy rất rõ ràng. Bên cạnh họ nằm là sào, là lưới, là cào, những dụng cụ đi biển mà chúng tôi quan sát trong đêm tưởng nhầm là súng ống.
Tôi dẫn lính chạy ra hiện trường để quan sát rõ ràng và báo cáo, trái sáng bắn để giúp chúng tôi nhìn rõ, nhận diện từng người. Trước mắt tôi toàn là đàn bà, con nít. Kẻ chết người bị thương, máu nhuộm đỏ một vùng bãi biển. Người ta đã đẩy những kẻ vô tội, cô thế nầy vào một tuyệt lộ khốn cùng để chết thay cho họ. Ở thành phố còn phải chịu giới nghiêm, không ai được ra khỏi nhà, thế mà một vùng mất an ninh hoàn toàn, oanh kích tự do, mà tại sao một đoàn người đông đảo xuất hiện trong đêm khuya?
Tin tình báo rất chính xác, nhưng sở dĩ có việc nhầm lẫn này là bởi địch muốn giữ an toàn tuyệt đối của cuộc đổ bộ cho đơn vị chính quy của họ, vì thế họ đẩy những người dân làm nghề đánh cá đang sinh sống trong vùng họ kiểm soát vào chỗ cấm địa này trước, nếu an toàn họ sẽ đổ quân sau, còn nếu bị phát hiện mọi bất trắc những người dân vô tội này sẽ gánh chịu thay cho họ. Họ đạt được cùng một lúc hai mục đích, vừa an toàn cho đơn vị đổ quân, vừa gây phẫn uất trong lòng dân chúng. Một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, vô cùng thâm độc, chính họ đề xướng và gây biết bao cảnh nồi da xáo thịt, họ không chừa bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục đích điên rồ của họ, họ không ngại ngùng đẩy những người dân hiền hòa, vô tội làm bia đỡ đạn.
Tay tôi cầm ống liên hợp của máy truyền tin PRC25 run lên, vừa xúc cảm, vừa tức giận, miệng lắp bắp nói không nên lời. Tôi báo cáo đầy đủ khi quan sát hiện trường và tôi xin Đại Bàng cho băng bó tải thương ngay những người còn sống sót. Tôi nghe trong máy tiếng thở dài và yên lặng mặc dù ông vẫn bóp chặt ống liên hợp định chỉ thị cho tôi, nhưng có lẽ ông cũng xúc động nghẹn ngào. Rồi sau vài giây trầm tĩnh trở lại, ông quát lên trong máy, huy động tất cả “con cái” làm hết sức mình để cứu lấy họ. Cả trung đội của tôi chạy ra mở tất cả băng cá nhân của mình để băng bó những người còn sống sót. Tôi ôm một em bé trong tay, em bị thương nơi chân, tôi vừa băng bó vết thương cho em vừa hỏi em, ai đã đẩy em vào chỗ này? Em lắc đầu không nói, người ta đã dạy cho em sự thù hằn, sự khinh miệt chúng tôi. Người ta đã nhồi nhét trong đầu óc của các em những điều không tốt về chúng tôi. Làm sao tôi nói cho em hiểu rằng trong giờ này các em đã ngủ say ở nhà, không ai bắt em phải thức để bước vào chỗ dầu sôi lửa bỏng, chết thế cho họ, làm sao em tin rằng họ đưa em vào tuyệt lộ không lối thoát. Cái bất hạnh của chúng tôi, và kể cả cái bất hạnh của em, bất hạnh của những người dân gắn bó với ruộng vườn là không chịu hiểu nhau, bị những đường lối tuyên truyền nhồi sọ, lợi dụng một cách triệt để.
Trời hừng sáng, một đoàn trực thăng đáp xuống tải thương và chở tất cả nạn nhân đi bệnh viện, chúng tôi lo dọn dẹp và chuẩn bị ra về. Một chiếc trực thăng đáp xuống ngay chỗ chúng tôi đóng quân, Đại tá Thục trên máy bay bước xuống, ông lặng người đứng nhìn bãi cát nhuộm đỏ máu một vùng mà nghẹn ngào. Có lẽ trong lòng ông xót xa cho sự oan nghiệt của chiến tranh mà những người dân vô tội bị ép vào con đường cùng không lối thoát. Ông đến vỗ vai tôi và nói với tôi nhưng cũng để cho mọi người cùng nghe: “không phải lỗi của chúng ta, chính chúng nó đẩy dân chúng vào chỗ chết”. Mặc dù nói vậy, tôi thấy trên khuôn mặt ông cũng nặng trĩu trách nhiệm, nhiều ưu phiền.
Vài ngày sau, đại đội chúng tôi có một cuộc hành quân diều hâu cũng tại làng Cẩm Hải. Chúng tôi bắt được một tên du kích đem về cho Ban 2 khai thác, thì được nó cho biết về cuộc đổ bộ của đêm hôm đó tại bãi biển. Đúng như dự trù có một đại đội chính quy sẽ đổ bộ vào bờ biển giờ G. Nhưng để giữ an toàn cho đơn vị, họ xua những thuyền của dân trong vùng họ kiểm soát vào trước, khi dân lọt vào ổ phục kích và bị sát hại thì đoàn thuyền chở quân ngoài biển chạy thoát. Tôi nghiến răng, uất ức cho một cuộc chơi đầy gian manh lừa lọc. Làm gì có lương tâm khi mà thủ đoạn đem ra xài một cách bừa bãi để phụng sự cho mục đích chiến tranh.
“Thưa anh, đó chỉ là một trong tất cả những gì mà anh em chúng ta đã chịu đựng trong cuộc chiến. Ngoài xương máu, ngoài sự khổ cực, ngoài sự sống chết mong manh, chúng ta còn bị những nhục hình về lương tâm đã tra vấn chúng ta suốt cả một thời gian dài đăng đẳng. Cho đến khi chính anh, chính tôi thoát ra được cảnh nặng nề này, là lúc những người thắng trận đã bắt đầu thực hiện và phô bày những điều bất nhân trên quê hương chúng ta, họ đã thẳng thừng áp dụng những chính sách vô nhân đạo, trả thù hèn hạ, đày ải cả một đất nước đứng bên bờ khánh tận. Chắc giờ này những người dân Cẩm Hải đã hiểu vì sao thân nhân của họ phải đẩy đến cái chết oan uổng mà lúc đó họ không thể ngờ được. Đứa bé mà tôi ẵm trên tay, băng bó vết thương nơi chân, nếu em còn sống thì bây giờ trên ba mươi tuổi, em đã hiểu thấu đáo lòng nhân đạo của những người lính của chúng ta đã dành cho em.. Và cho đến bây giờ chúng ta vẫn còn tự hào rằng, xương máu của chúng ta đổ xuống trên quê hương, chiến đấu oanh liệt để cố giữ lấy cuộc sống nhân bản, mà những người bên kia không có được”.
Phan Xuân Sinh, Boston
(Trích KBC Hải Ngoại, Số 31)
Gửi ý kiến của bạn