BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kiệm Tân, Long Khánh - Ba mươi năm niềm nhớ khôn nguôi

16 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 2493)
Kiệm Tân, Long Khánh - Ba mươi năm niềm nhớ khôn nguôi
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Như ít dòng địa phương chí, thấp thoáng vài đoạn hồi ký nhưng đúng hơn xin coi như bài tạp bút, viết về một mảnh quê hương, về những người đã cùng sống, chiến đấu, xây dựng, đã cùng chung hạnh phúc, cùng gánh oan khiên.

* NĐP *

Xin làm nén hương cho người đã nằm xuống, nhịp cầu với người cách xa, làm vòng tay xiết chặt giữa người còn được gặp lại hôm nay.

Năm 1966, ra trường tôi đã chọn về Long Khánh. Long Khánh thuở ấy đúng là nơi nắng bụi mưa lầy. Ngoài đường thỉnh thoảng ít chiếc công xa cũ kỹ tới lui. Lâu lâu chiếc xe chạy ra Trung vụt qua chất đầy hành khách, hàng hóa, còn lại toàn xe nhà binh phủ đầy bụi đỏ. Lính đi ngoài đường có lẽ còn thấy nhiều hơn dân.

Chiều về, vài ba quán xá quanh khu chợ đóng cửa rất sớm. Khoảng sáu bẩy giờ kiếm không ra chiếc bánh mì nguội quắt queo mong chi những tô mì, tô phở ngon lành như ở Sài Gòn. Tối đến những ngọn điện vàng vọt, tù mù đó đây. Rừng cao su ôm sát vòng đai tỉnh lỵ càng khiến ánh nắng tắt sớm và cái lạnh núi rừng lùa về nhiều hơn.

Từ một quận thuộc tỉnh Biên Hòa ngày trước, khi được nâng lên thành tỉnh, Long Khánh lúc đó chưa đủ những cơ sở bề thế như những tỉnh lâu đời. Đoạn QL 1 xuyên qua thị xã được mở rộng hơn mang tên đại lộ Hùng Vương có nhà thờ chánh tòa, Tòa Giám Mục. Dinh Tư Lệnh, Tỉnh Trưởng cũng rất khiêm tốn. Một con đường thẳng góc với trục lộ chính, hẹp hơn dẫn vào Tòa Hành Chánh và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Dọc hai bên lộ là những ty, sở mới cất bằng vật liệu nhẹ. Những đường phố khác phần nhiều nhỏ, ngắn, lầy lội hoặc bụi bặm.

Mấy ngày sau khi trình diện nhận nhiệm sở, tôi được diện kiến ít phút Trung Tá Đô, Tỉnh Trưởng. Dường như ông không mấy quan tâm đến công việc hành chánh, mọi sự khoán trắng cho một hai người ông tin cậy. Cả tỉnh chỉ có hai Đốc Sự Hành Chánh đã được cho "yên bề gia thất" ở quận. Ông Phó Cần Xuân Lộc, năm thì mười họa ghé vào Toà họp hành. Ông Phó Sử Định Quán, lâu lâu về tỉnh thì mắt trước mắt sau sợ trực thăng bay mất, lỡ tàu. Nay thêm tôi là người thứ ba. Ông Phó Tỉnh Huỳnh Thanh Danh mới được cải ngạch lên Tham Sự, các Ty trong Toà hoặc không có Trưởng Ty, hoặc do ngạch Thư Ký tạm quyền. Phải kể thêm trước đó cũng đã có mấy đàn anh Đốc Sự đến rồi mau chóng ra đi không kèn trống.

Thuở ấy mang thân Đốc Sự về đây tưởng chừng như một cái tội. Cả mấy tháng trời tôi được lãnh lương nhưng thực chất là siêu nhân viên. Toà Hành Chánh Tỉnh chỉ là căn nhà lầu nhỏ đứng chơ vơ, chưa có phần tiền đình phía trước. Văn phòng ông Tỉnh ở trên lầu, phía trong cùng, cửa sổ đặt khẩu đại liên, còn lại là phòng họp. Ông Phó ngồi dưới với các Ty. Sau này mới có dẫy nhà xây bằng vật liệu nhẹ dành cho hai Ty Tài Chánh, Nội An. Tôi thường ngồi ở Câu Lạc Bộ vách ván lợp tôn phía sau hay đứng chơi vơ vẩn vì thực sự chưa ai bảo tôi ngồi ở góc nào trong Toà.Mấy tuần sau mới có khẩu lệnh xuống Ty Tài Chánh trong khi bác Trọng, Trưởng Ty, ông Tình Chủ Sự vẫn tại vị. Về sau lại có khẩu lệnh khác bảo xuống Nội An, cũng chẳng hiểu để làm gì. Nội An không có Trưởng Ty, Nguyễn Thành Thắng Chủ Sự phòng Chính Trị kiêm luôn phòng Quân Vụ. Lâu lâu Thiếu Tá Tính Phó Nội An tạt qua, đứng chơi năm ba phút rồi đi.Ngày ngày vào Toà chỉ bắt gặp những đôi mắt nhìn mình như thể lại có thêm một tên bất trị nữa đây, hay e dè vì sợ chiếc ghế ngồi có thể lung lay. Cuối cùng chỉ có mấy anh em tùy phái là thân thiết vì quan hệ đôi bên thẳng thắn, chẳng e ngại, "lấn cấn" gì.

Viết lại tôi chẳng còn buồn vui, đã là dĩ vãng 30 năm, lại qua cuộc đổi đời 75, nhất là sau này anh em cũng là bạn tốt cả, chỉ vì cái thời nó phải thế. Viết lại cũng để anh em về tỉnh sau này thấy mình quả có diễm phúc hơn lớp trước thôi.

Ngày được lệnh nhập ngũ, tôi mở cờ trong bụng, vì biết đây là lối thoát tốt nhất cho cả đôi bên. Cầm giấy xin vào trình ông Phó đoán trước ông sẽ ngọt ngào, lưu luyến chưa biết chừng còn đòi can thiệp cho khỏi nhập ngũ nữa. Quả đúng như vậy ! Sau một hồi hai bên cùng đưa đẩy, cuối cùng rồi tôi cũng thoát thân. Trong Thủ Đức, nghe tin Trung Tá Đô tử nạn trực thăng, Trung Tá Bùi Kim Kha kế nhiệm. Gần một năm sau trở lại tỉnh, không khí đã đổi khác khá nhiều. Tôi lại được khẩu lệnh ông Phó Danh xuống quận Xuân Lộc ở ngã ba Tân Phong của ông Quận Sang, ông Phó Cần làm một loại "Phó Nhì". Anh Cần khôn khéo, luôn tươi cười, khoái diện đồ trận, giầy saut, Carbine báng xếp.

Dạo ấy, ở nơi hội họp của tỉnh thường treo huy hiệu vẽ hình con rồng uốn khúc, miệng ngậm chiếc khánh. Tôi thắc mắc về địa danh Long Khánh. Nếu chỉ vẽ con rồng, chiếc khánh lên để trang trí cho đẹp là chuyện khác, nhưng vẽ để phản ảnh nghĩa Long Khánh, hay chọn một biểu tượng thì có lẽ không ổn? Cọp ở Long Khánh còn nhiều, người đeo huy chương cũng lắm chứ tìm đâu ra kim khánh, nhất là rồng? Tôi nghĩ tên Long Khánh rất hay, nhưng phải hiểu theo Hán Việt có lẽ mới đúng. Chữ Long ở đây cách viết và nghĩa như trong bốn chữ Sinh Ý Hưng Long chỉ sự hưng thịnh, hoàn toàn khác chữ Long là rồng trong Tứ Linh (Long, Ly, Qui, Phụng). Chữ Khánh là lễ tết, hội hè như hai chữ Quốc Khánh. Vậy theo thiển ý, Long Khánh chỉ ngày hội, lễ mừng sự hưng thạnh, cũng là nguyện ước dân chúng được sống an vui, thịnh vượng.

Buổi sáng ngày 1 tháng 7, năm 1967, trời thật đẹp, lễ thành lập Quận/ Chi Khu Kiệm Tân được long trọng tổ chức dưới sự chủ toạ của Trung Tá Bùi Kim Kha, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Long Khánh. Buổi lễ cử hành ngoài trời, trước sân cờ UBHC Xã Gia Tân với sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo tinh thần, thân hào nhân sĩ, rất đông Quân Cán Chính và đồng bào. Sau lễ thượng kỳ và bài hiểu thị, Trung Tá Tỉnh Trưởng từ lễ đài bước xuống trao chiếc hộp nhung đựng con dấu đến tay ông tân Quận Trưởng, đánh dấu ngày tỉnh Long Khánh chính thức có thêm một Quận mới: QUẬN KIỆM TÂN, được tách ra từ Quận Xuân Lộc, dân số hơn năm mươi ngàn. Quận có 5 Xã, 23 Ấp, xã Gia Tân và ấp Dốc Mơ dân số đông nhất.

Văn Phòng Quận và Bộ Chỉ Huy Chi Khu tạm thời sử dụng trụ sở của Ủy Ban Hành Chánh Xã Gia Tân. UBHC Xã dời về ấp Bạch Lâm cho tới ngày Quận Đường xây cất xong trên đồi cao.Ngược thời gian, khi Đại Úy Trần Quang Trưởng trình diện nhận nhiệm sở, Văn Phòng Quận Kiệm Tân được tạm thời đặt tại Hội Trường tỉnh tại tỉnh lỵ trước khi di chuyển về Kiệm Tân. Tên Kiệm Tân do qúi vị Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh (quí ông Nguyễn văn Khang, Trấn, Tộ, Quách Liên và hai ông nữa tôi không còn nhớ tên) đặt từ sự ghép hai tên xã Gia Kiệm và Gia Tân là 2 xã chính trong tổng số 5 xã. (thêm Bình Hoà, Bình Lộc và xã lưu vong Bến Nôm). Ngoại trừ xã Bình Lộc nằm sâu cách trục lộ chính, còn lại đều nằm dọc theo QL 20 (Sàigòn-Đàlạt), tụ điểm dân cư là Gia Kiệm, Gia Tân và Bình Hòa (Túc Trưng). Xã Gia Kiệm, Chủ Tịch Xã ông Phạm Hữu Cần, gồm 4 ấp Thanh Sơn, Võ Dõng, Phát Hải, Kim Thượng (ít năm sau thêm 2 ấp Lê Lợi, Nguyễn Huệ). Xã Gia Tân, CT Xã cụ Nguyễn Hữu Ninh gồm Phúc Nhạc, Gia Yên, Bạch Lâm, Dốc Mơ. Xã Bình Hoà, CT Xã ông Phạm Văn Oánh gồm 10 ấp: Cứu Thế, Đức Thắng, Đồng Xoài, Tam Bung, Hoà Bình, Thái Hoà, Đồn Điền, Ân Lập, Trương Tấn Phát, ấp Chợ. Xã Bình Lộc CT Xã ông Đào Văn Định gồm 4 ấp Quang Trung, Lam Sơn, Lộc sơn, Lạc Sơn... Xã Bến Nôm (lưu vong) CT Xã ông Vũ văn Báu với một ấp Thống Nhất.

Phái đoàn Tỉnh, Quận thăm Xã Gia Tân. Ngoài hai ông Chánh Phó, nhân viên quận chỉ có một ông cựu Cai Tổng (ông Tùng ), ông Yên, ông Thổng đều cùng ngạch Biên Ký Viên (thấp hơn ngạch Thư Ký). Quận được lãnh đúng 2 chiếc máy đánh chữ một trục ngắn, một trục dài. Chi Khu không đủ máy cứ lên ngồi chờ, ba ông hành chánh cũng đành thông cảm cho" quân xa ưu tiên qua cầu "nên máy được sử dụng liên tục 24/24 bằng những đả tự viên chỉ biết đánh mổ cò.

Lên đến nơi, sau khi hạ "đồ nghề" xuống trụ sở Xã Gia Tân, ông Quận và tôi đi mướn nhà vì Văn Phòng Quận còn chưa có nói gì tư thất cho ông Quận. Tôi với ông "share" được một căn trong dãy nhà gỗ ọp ẹp, mái vừa lợp tôn, vừa lợp lá ngay trước cổng Quận. Đồng bào địa phương có thói quen từ "bên Bắc ta" nên cứ thường gọi tôi là "Cụ" Quận trong khi tuổi đời mới vừa 26, còn chính ông Quận Trưởng lại chỉ được gọi là Đại Úy. Thời gian đầu, đêm nào ông Quận Trưởng cũng đi phục kích với Chi Khu. Nhiều khi thức giấc thấy nằm chèo khoeo một mình, cửa gỗ mở toang hoang, tôi toát mồ hôi hột. Nếu VC đột nhập thì tính mệnh rõ là chỉ mành treo chuông vì dân đều gọi là "Cụ" Quận , ăn ở đúng nhà ông Quận, mà thân không có một khẩu súng tự vệ thì nói sao chả rét.

Mấy đêm sau khi thức giấc tôi miên man nhớ đến chuyện Khổng Minh thời Tam Quốc một lần bị cha con Tư Mã Ý đến công thành, trong khi không còn tướng, không còn quân Khổng Minh đành cho mở rộng cổng, đóng bộ ung dung ngồi gảy đàn. Cha con nhà Tư Mã tới nơi, nhìn cảnh tượng ấy, sợ có phục binh, quỉ kế hò nhau chạy trối chết. Tôi cũng hy vọng VC có đột nhập mà thấy cảnh "Cụ" Quận như vậy chắc cũng chém vè hoặc chạy ra lại rơi ngay vào ổ phục kích của Đại Úy thì rõ là hay. Ít lâu sau, tôi đón gia đình lên quận để khỏi bận tâm chuyện một cảnh đôi quê, nhất là có lý do "ra riêng" cho chữ Thọ được bảo đảm hơn.

Cái may mắn nhất của tôi là mấy ông Chủ Tịch Xã, sau cải cách hành chánh gọi là Xã Trưởng, Phó Xã, và một số Trưởng Ấp đều rất giỏi, hăng say. Ông Chủ Tịch Gia Kiệm Phạm Hữu Cần văn hóa khá nhất, vững vàng, bén nhậy trong công việc. Bà Xã vừa đẹp, vừa đảm đang, sập vải của bà đủ lo cho chồng con, phụ cấp Xã Trưởng may ra cũng đủ cho ông trà thuốc, khách khứa. Cụ Xã Nguyễn Hữu Ninh cao tuổi nhất, kinh nghiệm và dáng dấp gần như một "Monsieur Le Lý Trưởng" ngày xưa. Tuy thế ai tới đâu cụ cũng tới đó, cũng tốt nghiệp khóa huấn luyện Chí Linh, cũng nằm gai nếm mật như ai. Thật ra cũng chưa phải nằm gai, vẫn là giường kết bằng cây đước thôi. Mật cũng chẳng phải nếm, chỉ thiếu món mộc tồn với chút đưa cay, còn thuốc lào Cái Sắn cụ mang theo thừa thãi vẫn bắn Bazôka đều đều. Ông Xã Bình Hòa Phạm Văn Oánh, tươi tắn, cao lớn, rất xông xáo. Không biết vì lý do gì đột ngột bị bắt giữ, Quận Trưởng là cấp chỉ huy trực tiếp cũng không được biết. Khi giam giữ thì bầm dập, khi thả ra thì không bạch hóa hồ sơ. Tôi an ủi, ông chỉ buồn rầu cho rằng do tư thù trong lúc làm việc. Nghĩ lại viên chức xã ấp, nhất là nơi mất an ninh thật đáng kính phục vì sự hy sinh, gánh vác của họ cao cả, khó khăn quá. Ít nhiều sự tưởng thưởng, thù lao không đáp ứng được là bao. Xã Trưởng Bình Lộc Đào Văn Định, cựu chiến sĩ thiết giáp nên dáng dấp không khác gì cấp chỉ huy quân sự thời chiến. Suốt 5 năm trời ở bên anh, tôi không thấy anh mặc được một bộ đồ tươm tất, lúc nào cũng lấm lem vì đêm ngày cùng nghiã quân, NDTV người Thượng quần thảo với VC. Cả hai ông Xã Oánh, Xã Định tài sản riêng không hơn người phu cạo mủ đồn điền. Ông Xã Bến Nôm Vũ Văn báu, lúc nào cũng chải chuốt vì xã lưu vong, có một ấp, không có cả trụ sở, dân chúng sống nhờ trên đất Bình Hòa, nên chiều chiều thường lưu vong về Hố Nai luôn. Càng về những năm sau này các viên chức xã ấp càng trẻ, hăng say như các ông Xã Đề, Xã Thuần, Xã Bính... Cụ Lưu, Truởng Chi CSQG thì hiền ơi là hiền. Nhiều khi đi họp bằng xe ôm, hỏi lý do, cụ mếu máo nói không biết đứa nào phá phách bỏ cát hay đường vào bình xăng nên xe nằm ụ rồi, mà cả Chi chỉ có một chiếc cũ sơn vàng ngụỵ trang.

Chi Thông Tin tuy cũng chỉ có chiếc xe Lam ba bánh, vài hệ thống âm thanh, chiếu bóng nhưng anh em thật tận tụy. Đi công tác luôn đến trước để thiết lập hệ thống âm thanh, vận động đồng bào và ra về sau cùng. Để cùng chia sẻ, sau những lần công tác, tôi thường ổ lại với xã, ấp, thăm hỏi đồng bào rồi mới về quận bằng honda ôm sau hết. Nhất cử lưỡng tiện vì vừa có thời gian ở lại xem công việc, vừa an toàn. Ông Tuyển Trưởng Chi Y Tế thường được cho miễn chào cờ, hội họp vì bệnh nhân lúc nào cũng vây quanh vòng trong vòng ngoài. Sau này thêm được anh Trưởng Chi Thanh Niên Lang Văn Vinh, không nhân viên, không trụ sở, tôi thường kéo theo cho tiện công tác. Nhìn sang Bộ Chỉ Huy Chi Khu cũng không hơn gì. Chỉ có một Chuẩn Úy, mấy Thượng Sĩ (Hòa, Hồng, Huyên...), vài ba Trung Sĩ quyền Trưởng Ban. Sau mới có Đại Úy Nguyễn Trọng Tài, Chi Khu Phó.

Vừa qua công tác bầu cử Tổng Thống, Thượng Viện mấy anh em nhân viên nêu lý do gia cảnh xin về lại Xuân Lộc. Tôi không thể làm khác chỉ trông chờ người điền khuyết. Kỳ này số người mới, có văn hóa hơn nhưng lại hoàn toàn xa lạ với công việc hành chánh. Hai ông thầy giáo cũ (ông Bá, ông Trực viết công văn tả ra đủ cả trời mây, sông núi cứ như làm luận văn), Bùi Quang lên máy truyền tin thành thạo, đi đâu tôi cũng muốn có anh ở bên vì anh cam đảm, nhưng quanh quẩn chỉ thích viết công văn bằng hình thức bưu điệp, hay công điện mang tay, vì anh vốn là HSQ truyền tin, trong khi văn thư hành chánh đâu chỉ có bấy nhiêu. Sau lại được thêm giáo Tân. Ban Viễn Thông với ông Sắc, suốt ngày cặm cụi dưới hầm nên liên lạc viễn thông lúc nào cũng tốt 5/5. Khi Trung sĩ Danh đổi đi, tôi có Châu, rồi Đệ, thêm Thiếu úy Hải lo Bình Định Phát Triển. Tổ chức NDTV, được Thiếu Uý Quý. Thiếu úy Thắng trước ở Quân Y sau thành Trưởng Chi Y Tế bao gồm quân dân y... Thôi thì anh em cùng dắt dìu nhau học hỏi, một thời gian ai ai cũng biết việc hơn. Tôi còn xin được mấy em Nghiã Quân như Ân, Chính, Chi, Sơn... có chút văn hóa biệt phái (linh động) lên phụ việc. Khi có thanh tra lại phải mau mau trả về Trung Đội, mặc sức dân chúng đứng chờ đến khi thanh tra đi khỏi. Thuở ấy lương tôi kể cả phụ cấp được hơm mười ngàn (Xăng $10 một lít). Công tác phí (phụ cấp vãng phản) hơn một ngàn. Mấy năm đầu, đi tỉnh công tác 4, 5 anh em còn vào được Ba Tiều, Bẩy Sún tô mì, chai la-ve. Vào thời "kiệm ước" chỉ còn đủ ăn cơm tây cầm (bánh mì thịt). Nhớ lại cũng thật vui.

Quận có chiếc Jeep từ thời thế chiến được tân trang. Khi ông Quận lãnh về vừa đi vừa vùng vằng gọi là xe đi bán đu đủ. Mãi sau mới tuyển được Thái làm tài xế, chưa đươc bao lâu lại tái ngũ. Xe không tài xế, tôi kiêm luôn, cũng chẳng hề gì nhưng khổ nỗi để người khác lái hai ba lần gây tai nạn xe tanh banh, may không ai chết chỉ bị gẫy chân (bà Quận), bể mặt (Đệ, Sắc). Cũng may nếu có người chết không biết ai gánh trách nhiệm? Cứ ít tháng xe lại nằm ụ, còn trái nắng trở trời ho cảm đều đều chỉ trông nhờ ông chủ garage Công Lập, Hiệp Thịnh.

Để chuẩn bị ăn Tết, tôi ép ông Quận cho xe về đón vợ ông lên vì biết ông không thể đi phép. Buổi trưa, đang dự tất niên ở Gia Kiệm, nghe tin bà bị trọng thương trên xa lộ Biên Hòa trên đường xuống quận, ông buông đũa về văn phòng gửi điện xin đi phép rồi giao Quận/ Chi Khu cho hai ông Phó xử lý thường vụ. Ai ngờ, khi ông đang nghỉ phép thì Mậu Thân xẩy ra, kẹt khúc Bàu Cá. Mỗi ngày ông lên Bàu Cá đứng nhìn về tỉnh, quận lửa cháy ngút trời, khác nào Quan Công đứng trên Thổ Sơn nhìn về thành Hạ Bì đang bị công hãm. Phần chúng tôi, quyền xử lý thường vụ mà biến cố Mậu Thân đâu còn trong phạm vi thường vụ.

Việt Cộng xâm nhập gần hết các ấp thuộc xã Bình Hòa, dân chạy về Gia Tân, Gia Kiệm đông như kiến. Mục Sư Sinh (tôi thường gọi lén tên ông thành Mục Sư King) ốm tong teo, chất bà vợ rất bề thế và lũ con lên chiếc Honda dame chạy khỏi vùng giao tranh trông thật bi hài.

Xã Bình Lộc rút hết lên đồi, VC đốt phá lung tung, Xã Trưởng Định lên máy báo cáo tử thủ chỉ xin tiếp tế đạn, gạo, nước mắm. Tôi chạy xuống yêu cầu ông Xã Cần Gia Kiệm yểm trợ vì thế môi hở răng lạnh. Xã Gia Tân gánh vác gần 10 ngàn đồng bào chiến nạn Bình Hòa. Mỗi sáng hàng trăm quân nhân đủ mọi quân binh chủng lên Quận quây vòng trong vòng ngoài xin phương tiện về đơn vị hay xin võ trang chiến đấu. Cũng may thời đó Quận có anh cố vấn dân sự Charles Benoit, tên Việt là Nguyễn Văn Nam, nói và hiểu rất rành cả văn hóa Việt, rất can đảm, tận tình. Anh Nam chạy đi xin từng viên đạn súng cối, mấy trái lựu đạn rồi một mình lái chiếc Scout tiếp tế Bình Lộc. Nam rất trẻ, ở thuê nhà dân, không văn phòng, la cà khắp nơi bất kể ngày đêm. Khi ông Xã Oánh bị bắt, chính anh vào thăm ông Oánh, tỏ ra bất mãn vì sự ông Oánh bị đối xử. Tôi nghĩ chính Nam đã can thiệp mạnh cho ông Oánh. Anh cũng kiếm tặng tôi cây Thompson mới toanh. Trong cuốn The Fall Of Saigon, có viết về anh, có cả hình anh dắt tay một em nhỏ Việt Nam. Nếu Nam biết có Hội Long Khánh chắc anh cũng sẽ tìm đến với chúng ta. Sau ông Quận cũng được trực thăng bốc về. Ông tức tốc lên xe chỉ huy đi giải toả các xã ấp bị xâm nhập, khai thông các trục lộ, an ninh vãn hồi lần. Tiếp đến công tác cứu trợ đồng bào chiến nạn. Sau đó ít lâu ông Quận xin đi học khóa Quân Chánh để có lý do từ nhiệm vì nhiều nỗi bực dọc và buồn riêng.

Trên Tỉnh, ông Vũ Văn Khuông được bổ nhiệm thay ông Phó Tỉnh HTD. Hai ấp Lê Lợi, Nguyễn Huệ cùng được sáp nhập vào xã Gia Kiệm, nên Kiệm Tân kéo dài lãnh thổ chạy từ ngã ba Dầu Giây (QL 20) trở lên tới bên này sông La Ngà. Theo lời cụ Phạm Hữu Cần, một viên chức kỳ cựu, tên Gia Kiệm, Võ Dõng có từ trước di cư. Sau cuộc hỏa hoạn khoảng năm 57 được tái thiết, mở rộng thêm mới có Gia Tân. Những tên ấp và ranh giới thường trùng với các xứ đạo. Mọi cơ sở, sinh hoạt như trường học, ký nhi, dưỡng lão, chợ búa đều vây quanh khu vực nhà thờ nguy nga. Trụ sở BTS Ấp/ Phòng thông tin với lá quốc kỳ thường khiêm nhường nằm nơi nào đó.

Từ ngã 3 Dầu Giây, quốc lộ 20 chạy về hướng Bắc như thể bị nuốt chửng vào vùng núi Sóc Lu sừng sững và những cánh rừng cao su âm u. Thời ấy chưa có chương trình phát quang hai bên lộ nên VC chỉ cần hạ một hai cây rồi kéo ra mặt lộ, gài thêm vài trái lựu đạn là giao thông bế tắc. Ấp Lê Lợi kém trù phú nhất, an ninh không bảo đảm phải chỉ định Ban Trị Sự Ấp lâm thời. Khi tổ chức bầu cử chỉ có một ứng viên. Ấp có xứ đạo Bình An của cha Giuse Hoàng Đức An .

Tiếp đến ấp Nguyễn Huệ cũng là xứ Ninh Phát của cha Giuse Nguyễn Duyên Mậu. Đây là một trong những ấp dân chúng rất trù phú, thiên hạ cũng gọi là "nước cha Mậu". Trên bức tường đá trước nhà thờ, rất nhiều pho tượng các thánh trông quang cảnh cứ như công trường thánh Phêrô vậy. Trong vườn của cha đủ mọi chim muông, dã thú như một sở thú. Đã có mấy lần VC về vuốt râu cọp của cha, kết quả vác đầu máu, vắt giò lên cổ chém vè.

Chân núi Sóc Lu, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 199 Hoa Kỳ có thời đồn trú và yểm trợ khu vực này. Ngoài những công tác dân sự vụ, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn và các chiến sĩ đồng minh đối với chính quyền địa phương cũng có nhiều dịp liên hoan, thù tạc. Phe ta phần lớn là lần đầu ăm đồ ăn Mỹ nên chiếu cố tận tình. Được xã ấp mời lại, phe đồng minh cũng "enjoy Vietnamese food" lắm lắm kể cả "hot dog" thứ thiệt.

Tạm tách QL 20 rẽ phải vào xã Bình Lộc. Con đường độc đạo, hai bên cũng vẫn rừng cao su. Khi xe vừa đổ hết những đoạn dốc và khúc quanh chữ chi, một ngôi chùa đột ngột hiện ra trước mặt. Dù người đã từng ra vào Bình Lộc nhưng vẫn bàng hoàng khi bắt gặp ngôi chùa và cảnh sắc quá thanh tịnh tương phản với phía ngoài quốc lộ. Tôi thường dừng xe, đứng bên cầu cúi mình ngắm dòng nước chảy tung tóe và nghe tiếng suối ầm ầm dưới vực sâu.

Dân xã hầu hết là công nhân đồn điền nên mọi kiến trúc nhà thờ, chùa, trường học, nhà thương, chợ, sân vận động,... đều được đồn điền xây cất rất mỹ thuật, tiện nghi. Trụ sở xã, ấp cũng sử dụng cơ sở đồn điền nên hơn hẳn nhiều xã, ấp khác. Đồn NQ nằm kiên cố trên ngọn đồi. Phó Xã An Ninh Điểu Siểng ngày đêm cùng NQ, NDTV truy lùng VC. Anh cũng là thành viên Hội Đồng Sắc Tộc, đại diện toàn quốc sắc tộc Chrau, thỉnh thoảng được giấy mời của Phó Tổng Thống về Thủ Đô họp. Vào những dịp long trọng này anh mới trút bỏ bộ chiến phục, mặc y phục truyền thống, trên ngực hàng lớp huy chương.

Vì tình hình an ninh nên Ban Ấp và dân Lạc Sơn, Lộc Sơn phải tạm thời dời cư về xã lỵ sinh sống. Khoảng 1970, nhờ chương trình Bình Định đã cho hồi cư được ấp Lạc Sơn. Ngày trở về ấp cũ dân vui như mở hội. Ngoài cao-su và những nông sản khác, Bình Lộc nổi tiếng về cà-phê đặc biệt cà-phê cứt chồn và rất nhiều loại thịt rừng.

Trở ra quốc lộ 20, trước khi gặp ấp Thanh Sơn có sở trồng cao su của Đại Tá An khai thác từ trước thời di cư. Dự án đập Thanh Sơn bên phải tưới tiêu một vùng trù phú. Bên trái là nhà thờ của cha Huynh. Cha có một vườn ong mật giống Italy khá lớn. Khi cha tử nạn xe, người nhà phải cấp tốc di chuyển ong đi nơi khác vì theo kinh nghiệm khi chủ ong qua đời, tất cả các bầy ong sẽ bỏ đi hết ngay nếu không di chuyển kịp. Đứng từ Thanh Sơn hướng về Dốc Mơ có 8 ấp liên tiếp nhau gồm 11 xứ đạo với những tháp chuông cao thấp, nhấp nhô. Lớn nhất là nhà thờ Dốc Mơ. Đêm tối, nhìn từ xa khi đèn nhà thờ thắp sáng, giống như con tàu lớn bỏ neo ngoài cửa biển. Khu gia cư trong các xã ấp này thường cách nhau bằng những hàng cây bông bụt xanh tươi, rất sum xuê nên các đường rong càng ngày hẹp lại. Trước mỗi nhà, vài ba cây mít, xoài sai trái. Nhiều gia đình thổ cư rộng còn ao cá sau nhà với những cây sung, mảnh vườn trồng đủ chanh, ớt, tía tô, kinh giới, đinh lăng, riềng, gừng,... sẵn sàng cho những bữa gỏi cá, cầy tơ. Không nhà ai không có mấy ổ lợn. Mức sống của dân chúng từ mức sung túc trở lên tới giầu có, rất giầu. Thế mà trong những trang sách "Đại thắng mùa xuân" của Văn Tiến Dũng ở phần nói khi "giải phóng" đến vùng Gia Kiệm,"Cách mạng" phải mang ngay gạo đến cứu đói vì vùng này từ nhiều năm bị "Mỹ Ngụỵ" bóc lột, kìm kẹp nên dân đói khổ vô cùng.

Điều đáng tiếc nhất, chính quyền lúc ban đầu đã thiếu sự qui hoạch với tầm nhìn đủ xa nên chỉ trong vòng mười năm, từ những trại di cư năm 54, 55 đến khi nâng lên cấp quận năm 67 đã gặp những khó khăn trên lãnh vực thiết kế, sinh hoạt công cộng. Không dành đủ lộ giới nên khi có nhân khoản cũng rất khó khăn trong việc giải tỏa để làm đường cho nông cơ tới lui khu vực canh tác, lối đi lại khu gia cư chật chội, lầy lội, hoả hoạn dễ lan tràn, nói gì đến những khu vực quan trọng như chợ, bến xe, sân vận động...

Vào đến ấp Võ Dõng dân cư càng thêm đông đúc với ngôi chợ nằm sát lộ bên phía trái, một bên cây xăng của ông Thạnh, rồi cửa hàng tạp hóa của ông Trưởng Ấp Tầm. Cụ Tầm là Trưởng Ấp cao tuổi nhất nhì trong Quận, người cao, quắc thước, tiếng nói vang vang với bộ râu như tướng Năm Lửa. VC rất kiêng nể cụ và toán NDTV của ấp, nhưng khi đồng bào vào rẫy sâu, các anh vẫn khoác lác: "Cách mạng về chợ Võ Dõng mỗi ngày thấy rõ thằng ấp Tầm ngồi vuốt râu. Cách mạng khoan hồng nên còn để nó đó thôi." Sau này có thêm phòng mạch BS Đức.

Đến ấp Phát Hải với một tụ điểm các cơ sở đầu não của xã Gia Kiệm cũng như của Quận. Trụ sở xã, ngoài ông Xã Cần, một Xã Trưởng tài năng được xếp hàng đầu, có ông Phó An Ninh như một lão tướng, ông Phó Hành Chánh hiền như một nhà tu, Thư Ký Xã Luyện lanh lẹ nhưng hay nhăn nhó vì chứng đau dạ dày kinh niên. Sau xã là trường tiểu học. Một bên là Chi sau thành BCH/CSQG Quận với Đại Úy Đoàn Đình Đại, thủ khoa khóa Biên Tập Viên. Đối xứng là Chi Thông Tin với ông Dị, Hinh, Phương... đã nói từ đầu. Bên kia đường lộ là nhà thờ của cha Bát, với Hội Trường Hoàng Thiên trong dự án tự túc. Dự án phát điện cũng nằm nơi đây mang điện khí cho gần khắp xã.

Trung học công lập Gia Kiệm nằm sâu bên trong với câu chuyện dài. Là trung học công lập duy nhất trong Quận nhưng kẹt giữa hai trung học tư thục Monica và Dốc Mơ có từ lâu, bề thế nên nó đã sinh sau lại èo ọt. Ông Nghị Khang, nhân danh Hội Phụ Huynh lên thẳng Sài Gòn mời Phó Tổng Thống Kỳ về cắt băng khánh thành. Ngày trước khi mới lập Quận, Phó Tổng Thống lúc đó đang còn là Chủ Tịch UBHPTƯ có chương trình đến thị sát Quận, nhưng khi hạ cánh trực thăng lại chỉ có Tổng Uỷ Viên Y Tế, BS Lữ Y đại diện. Trái lại, lúc này ông Phó đang ngồi chơi sơi nước, lại sắp ra tranh cử được lời mời lên "thủ đô di cư" bèn dắt luôn ứng cử viên Phó Tổng Thống Trương Vĩnh Lễ đi theo. Báo hại nhiều giới chức địa phương bị bắt cóc bỏ diã phải đón tiếp nhưng vì sợ bóng sợ gió đương kim Tổng Thống nên gương gạo tiếp đón. Trên lễ đài, có vị không dám ngó nghiêng cứ nhìn thẳng suốt buổi lễ, đề phòng hình chụp đúng lúc mặt nghiêng về ông Phó sẽ thành đại họa.

Ấp trên cùng của Gia Kiệm là Kim Thượng. Cha Phan Công Bình coi xứ, cha Phạm văn Phương làm Hiệu Trưởng Monica. Cha xứ Kim Thượng cải tiến xây nhà thờ không cột, mái bằng khiến người bảo thủ không mấy hoan nghênh. Nhưng về sau dự lễ không vướng tầm nhìn vì những hàng cột lại khâm phục. Monica là nơi đào tạo khá nhiều nhân tài đi đâu cũng gặp học trò Monica.

Bước vào ranh giới Phúc Nhạc, ấp địa đầu cực nam của xã Gia Tân. Một bên đường là nhà thờ Phúc Nhạc của cha xứ Vũ Suý Ba cũng là Hạt Trưởng. Nhà dòng Mến Thánh Giá phía sau với Bà Nhất tài ba, bao nhiêu cơ sở từ thiện đều do Bà tu tạo. Bên kia đường là chợ Phúc Nhạc sầm uất, náo nhiệt. Gia đình họ Phạm có nhiều cơ sở làm ăn, buôn bán nhất nhì. Giữa chợ có tòa nhà của cụ Chủ Tịch Vũ Ngọc Ruẫn nho nhã, một trong những viên chức xã ấp tiền phong từ khi mới di cư. Ngoài mặt lộ là dãy phố lầu đúc bề thế buôn bán đủ mặt hàng. Cũng ở Phúc Nhạc có gia đình đã giầu có nhất nhì còn trúng độc đắc cá cặp.

Qua Phúc Nhạc tới ấp và xứ Gia Yên, có Siêu Thị đầu tiên trong vùng của ông Nguyễn Định. Tách vào phía trái quốc lộ có dự án đường Tân Yên, dự án hàng đầu của Quận, với sự góp sức nhiệt tình của cha Bề Trên Quốc, một linh mục dòng CCT cấp tiến tài sản riêng không hơn hai bộ áo dòng thay đổi. Đường Tân Yên mở ra một vùng phía tây bao la, trù phú.

Trên đường về Bạch Lâm, xứ Mẫu Tâm với cha Phạm Bá Nguyên, một linh mục sống rất ẩn dật, thánh thiện. Qua xứ Mẫu Tâm đến ấp Bạch Lâm, khu đất rất thấp nên hay úng nước. Nhà thờ cha Yến bên mặt, bên trái có vườn ong mật của Kỹ Sư Quách Đại Cương, người Đài Loan. Ông đã ba đời nuôi ong, đi suốt từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam đã nhận định rằng chỉ có Kiệm Tân là một nơi nuôi ong lý tưởng vì có những điều kiện môi sinh thuận lợi không đâu bằng. Những khi rảnh rỗi tôi thường xuống học ông cách thức nuôi ong và đọc sách mới thấy nhiều điều mình nghĩ đã sai hoàn toàn. Lên tới Dốc Mơ là ấp lớn nhất, đông dân nhất cũng là xã và quận lỵ Kiệm Tân, thế đất lên cao lần lần. Sát đường lộ là trại heo qui mô nhất vùng của ông Phạm Triệu, một cán bộ thú y cũ, biết cách chăn nuôi nên rất thành công.

Căn biệt thự xinh đẹp của ông giáo Ngữ sau là trụ sở ngân hàng đầu tiên trong quận. Chợ Dốc Mơ sầm uất, nhà lồng chợ được xây cất lại, có cây xăng của ông Trần Viết Ngự, nằm ngay bến xe. Ông bà Ngự lúc đó có khoảng chín mười cô gái, sau được cậu qúi tử đặt tên Trần Viết Sử. Quanh chợ, phố lầu đúc đồ sộ của cụ trùm Khuông, ông Cự,... dãy cửa hàng của ông chánh Long rộng ba bốn gian, sâu bốn năm chục thước buôn bán đủ mặt hàng. Giữa chợ cửa hàng vàng, tiệm may ông Bính, bánh kẹo ông xã Thuần. Phòng mạch BS Nguyễn Đức An, dược phòng, trại hòm, trại mộc và từng dãy xe đò Phú Hoà, Nam Thành... xe tải, xe be, xe lam mà chủ nhân đều là dân Dốc Mơ. Tôi nhớ BS An lúc ấy hoàn toàn tự do hành nghề 24/24, không trong quân y cũng như dân y, thật may cho dân cư trong vùng nhất là khi gặp bạo bệnh, cấp cứu.

Dự án phát điện Dốc Mơ lớn như ở Phát Hải nhưng công suất cũng không đủ cung cấp nếu không có hàng chục máy lớn nhỏ của tư nhân. Xứ đạo và nhà thờ Đức Long nằm bên tay phải quốc lộ. Nhà máy chà của cụ Chánh Nhân rất đồ sộ, lò bánh mì từ đốt bằng củi nay dùng điện văn minh hơn của gia đình ông Xướng, máy đèn Hiệp Thịnh, trại cưa ông Giáo Ngữ...

Trở qua quốc lộ, con đường tự túc ôm vòng hết ấp Dốc Mơ chạy dài hàng chục cây số dẫn ra gần đến sông Đồng Nai mở ra cả một vùng canh tác bao la. Từ đó nông cơ chạy tới những cánh đồng thật xa, cũng như dễ dàng vận chuyển nông phẩm thu hoạch trở về. Chỉ trong khoảng hơn mười năm trời, từ tay trắng của người di cư, bây giờ cơ nghiệp phần đông đồ sộ như vậy tưởng như một phép lạ. Từ sự thịnh vượng, gia tăng giáo dân, Dốc Mơ đã xây dựng liên tiếp ba ngôi thánh đường. Giáo đường mới khởi công khi vừa có quận dòng giã trong sáu năm trời, riêng trị giá vật liệu lên tới trăm triệu. Mọi thành quả của xứ Dốc Mơ đều nhờ sự chăm lo của cha Giuse Trần Đình Vận trong suốt 30 năm trời đến khi ngài về nước Chúa. Thánh đường Dốc Mơ khi hoàn thành trông tựa nhà thờ Phú Nhai ở Bắc xưa, bề thế, lớn nhất miền Nam. Với 5 linh mục, không kể những cha khách lưu trú một thời gian đủ thấy việc mục vụ to lớn chừng nào. Ngoài ra còn trung học Dốc Mơ, ký nhi viện, viện dưỡng lão đều là những công trình lớn lao cả. Hàng năm vào dịp Giáng Sinh lễ mừng Chúa Hài Đồng đều được cử hành vô cùng trọng thể, theo sau là những ngày tiệc tùng, vui chơi. Nhưng thật đau buồn vì một tai nạn thảm khốc xẩy đến vào dịp Giáng Sinh 69. Buổi tối lễ, khi đoàn kiệu theo sau hàng ngàn giáo hữu vòng ra quốc lộ, trên lộ trình có nhiều trái lựu đạn khói đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng... do các binh sĩ cất dấu đem ra ném cho đẹp. Bỗng nhiên sau một tiếng nổ, hàng chục người la hét, ngã ra. Trái lựu đạn lân tinh ném ra giữa đám rước vì người ném lầm trái khói màu vì chỉ biết nhìn vạch xám thay vì đọc chữ.

Tạm dời Dốc Mơ, tiếp tục ra quốc lộ, khi vừa leo hết đọan đường dốc, khỏi khúc quanh, bắt đầu đổ dốc, Ngã Ba Cây Gáo dẫn vào Bến Nôm cũ. Khi chưa được toán công binh Ong Biển (Sea Bee) của Mỹ mở rộng quốc lộ và khai quang mỗi bên đường 300 thước, du kích VC luôn luôn lợi dụng những điểm này để phục kích bắn sẻ. Lãnh thổ xã Bình Hoà bát ngát nằm trải dài. Phía mặt sát bên đường là cơ sở chăn nuôi của thầy Pierre, Dòng Chúa Cứu Thế với nhiều đàn bò sữa ngày ngày thong dong gặm cỏ nên ấp mang tên Cứu Thế. Kế đến ấp Thống Nhất, xã Bến Nôm lưu vong nằm nhờ trên đất Bình Hòa. Với chương trình của chánh phủ giúp đỡ Việt Kiều từ Campuchia hồi hương, dân số tăng vọt. Ngôi nhà thờ bằng gỗ nhưng rất đồ sộ do cha Veuillé, người Pháp, vị lãnh đạo tinh thần của nhóm Việt Kiều này xây dựng. Sau 75 nghe tin cha bị VC bắt đem đi sát hại trong khi cả đời ngài chỉ biết dâng cho Chúa và phục vụ người Việt Nam. Xin cùng cầu nguyện cho ngài được nghỉ yên trong Chúa.

Trong phạm vi hai xã Gia Kiệm, Gia Tân nếp sống dân chúng phản ảnh hoàn toàn như những xứ đạo ngày trước ở đất Bắc về lễ tết, hội hè, cưới hỏi, ma chay. Chỉ có điều đời sống vật chất thì sung túc, trù phú với những tiện nghi văn minh hơn. Bình Hoà với mười ấp, sắc dân khác biệt. Hai ấp Đức Thắng, Đồng Xoài nằm ngoài cùng ngay khi vào vòng đai xã thuộc sắc tộc Chrau. Các đoàn cán bộ phát triển sơn thôn của anh Đèo văn Đu tận tình vừa bảo vệ, vừa xây dựng, phát triển ấp. Cố gắng tối đa để đưa các mặt đi lên, nhưng mổi khi thấy lớp học thưa thớt là biết thầy cô đã hết kẹo bánh phát cho học sinh rồi.

Qua con suối Tam Bung, rẽ trái ngôi đền Thủy Lâm Động của cụ đồng Cẩm có thể là ngôi đền đẹp nhất miền Nam, vượt xa đền Đông Cuông, Sòng Sơn ở Sài Gòn. Từ đầu đường, mùi trầm hương ngào ngạt. Những ngày tiệc lớn của Tứ Phủ, con nhang đệ tử từ Sài Gòn và nhiều nơi lũ lượt về lễ bái, hầu thánh, đội bát nhang... như cảnh trẩy hội Kiếp Bạc, Chùa Hương. Thường ngày, cảnh trí đền vắng lặng, chỉ nghe tiếng chim kêu chiêm chiếp, hay tiếng đàn chim cất cánh vụt bay khi có khách vào đền. Từ ngoài cổng và sân đền, từng bụi lớn đủ cả hoa ngâu, sói, huệ, hồng ... Rải rác nhiều hòn non bộ rêu phong đắp cảnh núi, khe, cầu bên suối, cờ tiên, tiều phu... Chánh điện, bức hoành phi sơn son thếp vàng với bốn chữ nho Mẫu Nghi Thiên Hạ treo giữa vô số hoành phi, câu đối khác. Suối Tam Bung uốn dòng dưới vực sâu trước đền. Mậu Thân đền thiệt hại nặng nề, nhất là khi bà cụ đồng bị bắt giữ càng làm cho cảnh đền nhang lạnh khói tàn.

Bên kia đường ấp Tam Bung với cụ Trưởng ấp già nhất nước. Kế bên hai ấp Hoà Bình, Ân Lập của đồng bào Mường Hòa Bình di cư. Ngày Tết cảnh trai gái gieo cầu tung bắt những trái cầu với chùm đuôi ngũ sắc mang hình ảnh tết thượng du đất Bắc ngày xưa. Ai đã đến Long Khánh mà chưa được thưởng thức rượu cần của đồng bào Mường ( do bốn đại gia Đinh, Quách, Bạch, Hà là bốn họ thay nhau làm quan lang, tỉnh trưởng) là một thiếu sót lớn. Sắc tộc Mường, Thái văn minh hơn cả nên rượu cần các sắc dân khác không sánh được. Ấp Thái Hòa toàn tòng Công Giáo, dân ấp Đồn Điền hầu hết làm công cho sở LCD, ấp Chợ với ngôi chợ Túc Trưng, suốt ngày đêm với những quán thịt rừng nổi tiếng để dân xe be khi kéo cây ra hay xe đò, xe tải từ Đà Lạt, Lâm Đồng dừng chân ăn nhậu mệt nghỉ. Phía sau chợ là sân bay. Vào trong sâu, vùng canh tác cây trái đủ lọai.

Ra khỏi xã lỵ, kéo dài cho tới sông La Ngà còn những tiền đồn vùng Nuí Đốt của Địa Phương Quân. Xã mang tên Bình Hòa, với những ấp Thái Hòa, Hoà Bình... nhưng là nơi gánh chịu chiến cuộc thường xuyên nhất với nhiều đổ nát, thương đau. Đổ nát nào rồi cũng xây dựng lại được, nhưng những thổn thất sinh mạng, dù ở phía nào cũng là đau thương không bù đắp được. Những buổi sớm mai lên cưú trợ đồng bào sau đêm có chiến sự, tôi đều muốn những xác du kích nằm co quắp ngoài vòng đai sớm được chôn cất thay vì để phơi mưa nắng. Nhất là du kích phần nhiều chỉ là thiếu niên quanh vùng, vì bị cưỡng bức nên phải thoát ly. Nhiều tên khi phải đột nhập xã, ấp tay run bần bật không trói nổi những người bị bắt mang đi. Thời gian Thiếu Tá Trưởng thụ huấn khóa Quân Chánh, Thiếu Tá Phát xử lý. Khi trở về chỉ trong ít ngày Thiếu Tá Trưởng được thuyên chuyển bàn giao Quận/Chi Khu cho Đại Úy Nguyễn Hữu Đăng cùng tốt nghiệp khóa Quân Chánh. Đại Úy Đăng, gốc Công Binh, ngoan đạo, cư xử mềm mỏng. Ít lâu sau lên Thiếu Tá nhưng chao ôi nhớ lại lần ông được gắn lon sao vất vả làm vậy ! Lúc thì lệnh lên tỉnh, lúc lại bảo ở yên quận, quân cán chính cùng chờ dài cổ. Cả mấy tiếng đồng hồ mới dám hỏi thì được biết Mặt Trời vừa "du lu". Trời nắng chang chang, mồ hôi ai cũng vã như tắm mà chẳng thấy bóng dáng Mặt Trời đâu. Đánh bạo hỏi lại sao chưa thấy Mặt Trời, mãi sau âm thoại bảo "bốn lần tư tưởng" đang ở "tư tưởng kinh kỳ ." Khi mặt trời sắp ngả về tây, Mặt Trời lại ra lệnh cho "quang trung tư tưởng" trình diện "bốn lần tư tưởng" để được gắn lon tại "tango".

Chỉ ít lâu sau Văn Phòng Quận dời lên đồi vì Quận Đường đã xây cất xong. Sát bên quốc lộ là bệnh viện, có phần hẻo lánh vào lúc đó. Ngay ngã ba là hai lớp Trung học còn bỏ trống một thời gian. Chi An ninh Quân đội với Đại úy Hòa. Con đường dốc uốn quanh, có nhà kho cũng là Trung Tâm Điều Hợp. Quận đường nằm trêm ngọn đồi cao, sân cờ khá rộng, nhìn bao quát thấy đủ các xã. Phía ngoài cùng là căn nhà tiền chế của Cố vấn Mỹ. Bộ Chỉ Huy Chi Khu đóng trên ngọn đồi cao nhất, công sự phòng thủ vô cùng kiên cố, chỉ chừa một lối vừa đủ lên xuống. Đêm đêm tiếng đại bác bắn khuấy rối vào các tọa độ được ghi nhận có hoạt động địch. Đại úy Nghị, rồi Đ/u Vũ Mến thay làm Chi Khu Phó, Đ/u Thái Truyền Tin... Càng về sau cấp số Bộ Chỉ Huy càng đầy đủ.

Đặc biệt dưới khu vực lòng chảo nằm khuất phía trong là Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 43 của Trung Tá Trần Văn Nhựt, sau là Tỉnh Trưởng Bình Long với chiến tích lẫy lừng mang danh" Bình Long anh dũng", ông cũng là Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 2 với chiến thắng Sa Huỳnh và đã chỉ huy cuộc lui binh kỷ luật, ít tổn thất nhất cho đơn vị từ miền Trung vào. Trong thời gian trấn đóng ở Kiệm Tân, Chiến Đoàn như một bức thành đồng bảo vệ, như những mũi khoan thép xoáy sâu vào những mật khu VC với những chiến thăng lẫy lừng, chiến lợi phẩm tịch thu trưng bày kín bến xe chợ Dốc Mơ. Sau Tướng Tư Lệnh của ông, tôi luôn luôn được ông cho biết tin chiến thắng sớm nhất chẳng phải tôi là "Phó Tướng" mà là người sẽ chạy đến các cha, xã ấp xin bò bê, ngân khoản khao quân cho ông thôi. Nếu không có Chiến Đoàn 43 với những chiến thắng lẫy lừng, đập tan những âm mưu của Công Trường 5, đánh tan tác Trung đoàn 275 bằng những chiến thắng Túc Trưng, Đồng Nai, khám phá nhiều kho vũ khí, lương thực quan trọng, thì Kiệm Tân tránh sao khỏi tan nát từ những năm 69,70.

Từ "Hồi" đầu tới đây là chuyện ngoài quận, xin đọc gỉa xem tiếp "Hồi" sau trở lại chuyện trong trào.

Khi ông Khuông đáo nhậm Toà Bố (Bố Chánh / Tỉnh Trưởng) là lúc có đủ thiên thời địa lợi nhân hoà. Ông áp dụng chính sách "Tứ Cùng" (CS chỉ có Tam Cùng). Tư Dinh ông Phó giống như nhà vãng lai, anh em cùng ăn cùng ở cùng làm và cùng xoa mạt chược. Ông Phó Cả Long Khánh ngoài quần hùng tả phù hữu bật, lại có ba ông Phó Nhì trấn giữ ba Quận khác nào Quan Công trấn thủ Kinh Châu nên chi thế vững như kiềng ba chân. Rồi ra quốc sĩ khắp nơi ùn ùn kéo về giúp dật. Tướng dưới trướng bên võ phải kể đến các quan Thái tá, Đô úy như Hoàng Măng với hàng ngàn tay súng NDTV, Công Danh, Đức Thành chỉ sông, sông có cầu, chỉ núi, núi thành xa lộ, xi măng, tôn, sắt, lương thảo chất cao như núi Chứa Chan.

Bên văn thì đúng như lời Khổng Minh thiệt chiến ở Giang Đông "lấy xe mà chở, lấy đấu mà đong" không hết. Nào Đốc Phủ Kiển, Phủ Huy, Phủ Tâm, Phủ Luận, Phủ Đạo, Phủ Chi, Phủ Thạnh... không kể những bậc tiền bối như Danh (Mẹo) lão trượng người cầm huyết mạch cả tỉnh từ tiên triều, như các tiên sinh Cả, Trọng, Tình hạ bút phê biến ngay giấy trắng thành bạc triệu như chơi. Bác Chánh Hùng, Phán Đầu Toà thường mặt đỏ như gấc, luôn luôn thanh minh thanh nga: "say sưa gì đâu, dăm ba chai 33, trái khóm giải khát ấy mà".

Ngoài ra ngày xưa triều đình chỉ có" Lục Bộ" bây giờ có cả "chục Bộ ": Danh y có ngài Hoàng Thái Tá, tài hơn Biển Thước, với cả đoàn "lương y như từ mẫu" như các "Zí Sán" Lưu, Thiệu, Phú, Thự... Trước nữa có danh y Hoa Tiên Sử có lẽ là cháu 75 đời của y sư Hoa Đà, sau về làm Ngự Y. Hình pháp có các ông Cò Sơn, Phước, Quận Chánh uy nghi lẫm liệt. Bộ Công có ngài Minh Ba, Kim Ngân, bộ Nông có cụ Trúc hay xài tiếng Phú Lang Sa ngay cả với nông dân, bộ Súc có Bác Vật Trường đẹp trai như Phan Anh Tống Ngọc, Sở Dây thép gió có ngài Đình Giáo đạo mạo, Quốc tử Giám có Nguyễn Xuân (Dậu) tôn sư. Điều giải chủ thợ để "lao tư lưỡng lợi", tranh đấu với tây đồn điền SIPH, LCD ai hơn Hồ Trưởng Ty. Việc truyền hịch, ca vũ trong triều ngoài quận do hàng đoàn đệ tử của Trương Hào đại nhân, cất tiếng vang vang như sấm, múa hát toàn những khúc nghê thường tuyệt diệu. Sắc Tộc và Hoàng Triều Cương Thổ có quan lang họ Đèo (Văn Đu) đi đâu cũng có hàng bầy sơn nữ tháp tùng. Công việc" vỗ yên trăm họ", có ngài Hoàng Nam, mỗi khi thiên tai, chiến nạn xẩy ra tức tốc có hàng đoàn xe tải vận chuyển hàng chục tấn gạo, đường, sữa, nhu yếu phẩm, vật liệu, tiền bạc đến cho bách tính.

Càng về sau nhân tài càng nhiều, rồi kẻ thăng quan người tiến chức, nhưng bỉ nhân đã vân du chỉ còn nghe cao danh như Đinh Mạnh (Ngự) Sử, cầm đầu Ngự Sử Đài. Khi ra mắt thiên hạ lấy hiệu "Đèn Trời" (đèn trời soi xét) hay "đèn cầy" vì đã phần tư thế kỷ nên không nhớ rõ. Nào Phạm Đức Thạnh, cầm chìa giữ khóa cả Toà, "sớ, khải" nếu chưa ghé mắt làm sao vào tới ngài Phó, ngài Chánh Chủ Tỉnh. Khi "Chiếu chỉ" ban ra Phạm Chưởng Ấn chưa áp triện son gía trị mới có "fifty per cent". Trước quốc nạn 75 "người hùng Bình Long anh dũng" Vũ Minh Ngọc được tái phối trí lực lượng về đất Long Khánh.Viết đến đây vừa lo tội vuốt râu hùm, vừa lo câu chuyện đã dài nếu không trên bảng phong thần này sẽ chẳng thiếu một ai.

Trở lại những năm 66, 67, dù mới chỉ là một anh Phó Nhì ở quận Xuân Lộc, tôi đã ước mơ Liên Tỉnh Lộ 2 cần sớm được khai thông để Long Khánh có con đường ngắn nhất qua ngả Phước Tuy thông ra biển Đông. Năm 72 dời Long Khánh lại được về Phước Tuy, tôi đã cùng dân, quân, cán, chính nơi đây dồn nỗ lực thực hiện ước mơ ấp ủ bằng cách biến từ ấp Suối Nghệ hẻo lánh trên LTL 2 thành xã kiểu mẫu Quảng Phước qui mô như một quận lỵ an ninh, trù phú. Pho tượng Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ cao cả chục thước, kinh phí bạc triệu, đã mấy nơi có được như vậy. Xã đón tiếp từ Tổng Thống, Đại Sứ, riêng Phó Thủ Tướng Đán vài tuần lại đến thăm dân. Cùng lúc giúp 3 xã Bình Ba, Ngãi Giao, Bình Giả phục hồi, phát triển như bắc sẵn 3 nhịp cầu kiên cố, chờ 2 nhịp còn lại từ Xuân Lộc nối qua là hoàn thành. Khoảng cách giữa hai tỉnh lỵ, qua LTL 2 chưa tới 50 cây số, mà Phước Tuy đã giữ 30 cây an ninh 24/24 với hai quận Lỵ Đức Thạnh và Long Lễ, với một cao điểm Núi Đất bảo vệ toàn vùng. Chiếc bảng lớn: "Phước Tuy hân hoan chào mừng quân, dân, cán, chính Long Khánh dựng ở ranh giới 2 tỉnh như sự mong ngóng đêm ngày..

Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, ai ngờ tháng tư đen chợt đến. Từ cuộc triệt thoái Quân Đoàn II kéo theo Quân Đoàn I tan vỡ, thế giặc Cộng như nước vỡ bờ, các tỉnh cao nguyên, miền Trung theo nhau mất. Riêng Long Khánh là nơi duy nhất đã nổ ra cuộc kháng cự, phản công trời long đất lở, trận rửa hận tuyệt vời sau cuộc chiến dài nửa thế kỷ với sư đoàn 18 anh hùng, kiệt xuất cùng sự tham chiến, hợp đồng các quân binh chủng, ngay cả ĐPQ, NQ và NDTV với thế một chọi mười. Nhưng rồi dù quyết tử, hy sinh đến mấy một mãnh hổ cũng không địch lại quần hồ.

Đêm 20 tháng 4, 1975 con đường LTL 2 nằm im lịm khóc, chỉ biết đưa tấm thân dài trần trụi cho đoàn chiến sĩ anh hùng nhưng thất thế, cho đồng bào Long Khánh ruột thịt âm thầm cất bước trên đoạn đường di tản thương đau thay vì hân hoan chào đón như niềm ước mơ.

Chín ngày sau Miền Nam mất, Việt Nam Cộng Hòa mất tên, Phước Tuy, Long Khánh, Kiệm Tân cũng mất tên. Tên Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vừa lai căng vừa cóp nhặt, rập khuôn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thay vì văn phạm Việt phải đặt danh từ Việt Nam lên trước như Việt Nam Cộng Hòa. Tên huyện Thống Nhất càng mỉa mai vì nhân dân ngày thêm ly tán, chia lìa.

Sau biến cố 75, vật đổi sao dời, cũng có thể là chuyện Tái Ông Thất Mã, nhưng một điều khẳng định: tình người Long Khánh chẳng hề đổi thay mà còn thêm sâu đậm, thắm thiết hơn xưa. Khởi đi từ các trại tù Cộng Sản, tôi đã gặp bao nhiêu người Long Khánh, Kiệm Tân. Những Thái (Truyền Tin CK/KT), Thắng (Y Tế), Trọng (Cuộc Trưởng Gia Tân), Hùng (Quản Lý Bệnh Viện) thương yêu, đùm bọc nhau hơn bao giờ. Ở nhà, khi chồng con ra đi chẳng biết sống chết, ngày về, chị em nôn nóng tìm nhau nương tựa, đùm bọc. Vợ tôi thân ai hơn chị Khuông, cho nhau tin tức, tìm thầy chạy thuốc... Cùng cất dấu những món tư trang cuối cùng, bán đi mọi thứ trong nhà để lo cho con, thăm nuôi chồng. Cũng phải vươn lên để sống chờ một ngày mai. Cũng chợ trời, thuốc tây, áo quần cũ mới, đổi tiền, dấu đút công an, phường khóm... Chỉ nhìn bảng đỏ, tiếng loa inh ỏi ngày đêm thần kinh đã đủ rũ liệt. Rồi cùng dắt con năm lần, bẩy lượt lên rừng thăm chồng, xuống biển, vượt biên.

Phong ba, bão táp đại dương trôi nổi nhưng không bị nhận chìm. Trại tỵ nạn nắng cháy, đất tự do bát ngát, cô đơn. Năm ba năm đầu, đầu tắt mặt tối, rồi cũng cố đi khắp nơi tìm xem ai còn ai mất. Từ Bắc Cực giá băng, xuống sa mạc thiêu đốt, từ Mỹ sang Âu đâu đâu cũng có Kiệm Tân, Long Khánh. El Monte cụ Chủ Tịch Cần Gia Kiệm đã ngoài bẩy mươi, gượng đau đứng đợi gần ba giờ đồng hồ, ôm nhau khóc ròng trước hạnh phúc tưởng không còn có. Dự định bên nhau vài ngày, nhưng bịn rịn thành cả mười bữa. Chia tay, mấy ngày đường cả nhà ăn vẫn chưa hết quà bánh, xôi thịt chính tay bà cụ nấu nướng. Mỗi khi gặp lại tình càng thắm thiết.

Ngày gia đình anh chị Khuông đến Mỹ, tôi đã chạy 3600 cs trong 34 giờ không tắt máy xe mong sao sớm gặp. Chuyện trò, cười khóc giữa hai gia đình, giữa những người cũ như Tướng Nhựt, cụ Sang, các bạn Hào, Trường, Măng, Giáo, Luận... Tướng Nhựt vẫn có trực thăng cho các con tôi, con anh chị Khuông bay khắp vùng trời quận Cam vui ngày hội ngộ.

Ngày anh Khuông ra đi cũng là dịp gặp lại bao người, Đại Tá Điềm phong thái chẳng hề khác xưa nay lại là nhà thơ Văn Đài, Đại Tá Kha râu dài quắc thước. Còn ba, bốn trăm người Long Khánh thân thương làm sao kể hết ra đây. Dự đám anh Khuông, nghĩ đến những người cũng đã ra đi nhưng cô đơn, uất hận như anh Hùng Chánh Văn Phòng, anh Đăng, Quận Trưởng Kiệm Tân, vùi thân nhà tù Sơn La đèo heo hút gió. Bao người khác nữa những ông Phó Danh, Trung Tá Trưởng, Phát, các anh Trứ, Xã Oánh, Định, Cội, Báu, Trung Đội Trưởng NQ Tuân, Ruẫn, Ân, Chi, Chính, Châu và hàng trăm anh chị em khác nữa giờ đây còn mất, trôi dạt nơi nào, bao giờ gặp lại?

Từ 30 năm, tôi ngồi viết lại cũng như độc giả chắc vẫn hồi tưởng thật rõ từng nét, từng thanh âm của cả một khung trời yêu dấu. Những hồi chuông nhất ròn rã mỗi sáng từ Thanh Sơn kéo lên Dốc Mơ, tiếng trống trường Gia Kiệm, Chân Phước Liêm, tiếng máy xe tải, xe đò Nam Thành, Phú Hòa, máy cày, xe Lam, âm thanh náo nhiệt chợ Võ Dõng, Phúc Nhạc, khí trời lồng lộng cánh đồng Tân Yên,... Tất cả những điều này đã quyện chặt vào làn da, hơi thở, mạch máu mỗi chúng ta. Tất cả làm nên quê hương, nỗi nhớ, thành tình đồng bào, đồng hương. Từ đó, tôi ngồi viết lại chuyện 30 năm, vì tin còn nhiều đồng điệu, đồng tâm. Long Khánh, địa linh nhân kiệt ! Long Khánh, cha hào kiệt, con anh hùng !Phần tư thế kỷ trước, Long Khánh tuyến kháng cự, mũi phản công hiển hách của quân dân ta, của thế hệ cha anh. Xuân Lộc hôm nay, lớp con em vừa phất cao ngọn cờ đầu dẫn cả nước vùng lên.

NGUYỄN ĐÌNH PHÚC
Ý kiến bạn đọc
25 Tháng Bảy 20196:42 SA
Khách
Kính gởi bác Nguyễn Đình Phúc,
Đầu tiên xin được chúc sức khỏe bác, lòng cháu cũng phân vân nếu bác còn đọc được những giòng này của cháu.
Cám ơn bài viết của bác. Cháu là con dân KIệm Tân, ấp Dốc Mơ hiện đang sống tại California rất may mắn được đọc và biết được sự hình thành và phát triển của quê hương cháu. Những điều bác kể lại thật quý và vô giá cho cháu nói riêng và cho mọi thế hệ Long Khánh, Kiệm Tân để có thể hồi tưởng, sống lại, tìm hiểu...về một thời đã qua. Ký ức này nếu không được một người như bác dẫn dắt về rối sẽ mai một theo thời gian, mất đi khi thế hệ của bác nằm xuống. Những điều bác viết về Kiệm Tân, Long Khánh cháu nghe thật gần gũi như tìm lại được người thân. Bác cho cháu hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra khi mà thằng bé con tiểu học năm 75 như cháu mù mờ không thể hiểu.
Cám ơn bác Phúc
Cháu Đạo
18 Tháng Bảy 20107:00 SA
Khách
bài viết hay quá, tưởng như được đọc Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lại phảng phất như đang nghe các bậc truởng thượng kể chuyện khai phá sơn lâm...tôi hậu sinh chưa bao giờ đến Long Khánh, nhưng đọc chuyện bác kể vẫn có thể tìm đâu đó một "Long Khánh" riêng của mình, ai chẳng có những địa danh gắn liền với "một thời để nhớ", mấy người đủ tài viết lại ...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn