BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73256)
(Xem: 62218)
(Xem: 39406)
(Xem: 31153)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ông thần râu kẽm

10 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 2180)
Ông thần râu kẽm
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
“Mai anh đi rồi còn chút ước mong
Nếu có thương anh thắp nén hương lòng
Dìu dắt đàn con nên người xứng đáng
Tiếp tục đường anh giữ lấy non sông”
Lê Kim-Cúc
 

Đọc bài thơ “Mai Anh Đi” của phu-nhân bạn HVBảnh với hình ảnh cùng lời thương tặng các anh HC2 đã trở về với biển cả làm tôi nhớ đến một người bạn cùng khóa đã vĩnh viễn ra đi. Những kỷ niệm ngày xưa của những ngày đầu Xuân năm 69 lần lượt hiện về trong ký-ức ......

***


Đang lo o bế lại chiếc xe Mini-Lambretta cho được sạch sẽ hơn thì chợt nghe tiếng nói từ sau lưng: “Ê Thạnh, Hải Quân đang tuyển mộ khóa 20 SQHQ, mầy có muốn đi không? Tôi nhìn về phía cổng thì thấy NVĐược đang lửng thửng đi vào.


“Ê, Ông Thần Râu Kẽm, ngọn gió nào thổi ông tới đây vậy? Tôi cũng vừa đọc thông cáo trên báo sáng nay. Nếu ông đi thì tôi cũng đi.”


Được nhìn tôi cười cầu tài và nói: “Nhưng mà điều kiện cân nặng là 45 kí-lô, mà tao chỉ nặng có 44 kí thì làm sao?”


Tôi cười và nói: “Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó ông thần, tôi chở ông đến Phở Tàu Bay, ông vớt hai tô xe lửa vô bụng là tôi cam đoan ông thần đủ bi-nhê ngay.”


Câu nói của tôi có lẽ làm cho Ông Thần tự tin hơn nên vui vẻ hứa hẹn: “Được rồi, ngày mai tụi mình đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân lấy đơn và làm thị thực giấy tờ luôn.”


Tôi gật đầu: “OK, ngày mai tôi sẽ chở ông thần đi.”


Được, quê ở Bà Điểm và mồ côi cha từ nhỏ, chỉ có một em trai, mẹ của Được mặc dầu nghèo nhưng cũng cố gắng dành dụm tiền bạc để lo cho anh em Được đi học. Bắt đầu từ những năm đầu của bậc trung học, Được phải ở tạm nhà của người bác tại Sài-Gòn để đi học. Vì lòng thương cảm sự hy-sinh của mẹ, thêm vào ý chí phấn đấu để vươn lên, Được đã hoàn tất chương trình trung học và hiện đang theo học ở Đại Học Khoa Học. Biệt danh Ông Thần Râu Kẽm là do các đứa cháu nội của người bác đặt cho, vì lúc còn đi học, Được để râu mép trông cũng hách xì xằng lắm. Nhưng đó chỉ là cái vỏ bề ngoài dùng để hù mấy đứa cháu hay phá phách mà thôi, chớ thật ra Được rất hiền lành và thường hay giúp đỡ mọi người.

Phần nộp đơn đã xong, và đến ngày khám sức khỏe. Như đã dự định, tôi chở Được trên chiếc Mini-Lam trực chỉ Phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ. Tôi cố gắng ép Được ăn cho hết hai tô phở với lời dọa: “Ông mà không ăn hết hai tô nầy thì lúc cân đo ông chỉ có 44 ký rưởi thôi đó, ráng ăn đi ông thần”.


Trả tiền xong, hai thằng đến số 2 Thi-Sách họp cùng các bạn khác để được hướng dẫn sang bệnh xá Bạch Đằng để khám sức khoẻ tổng quát.


Xong phần khám sức khoẻ, Được gặp lại tôi với nụ cười khoái chí trên môi: “Tao pass rồi, đúng 45 kí-lô, cám ơn mầy.”

Ngày trình diện để hoàn tất thủ tục nhập ngũ, và nhận lãnh số quân cũng ở địa điểm cũ. Trong khi chờ đợi, tôi và Được đang đứng tán dóc với một số bạn bè khác thì có một bàn tay đập lên vai tôi và tiếng nói: “Ủa, hai cha nội nầy cũng có mặt ỏ đây hả?”


Thì ra là TTĐức ở cạnh nhà. Hắn âm thầm đăng lính khóa 20 mà tôi đâu có hay? Chỉ tưởng hắn đang lo đeo theo Hoa, cô cháu ngoại của bác hai của tôi mà thôi, không ngờ hắn cũng ôm mộng hải-hồ.


Tôi kéo Đức vào xấp hàng chung và nói: “Vô đây luôn nói chuyện cho vui.” Và kết quả là ba thằng tôi có số quân với ba số tận cùng liên tiếp với nhau.


Những ngày đầu lính mới tò te của chúng tôi ở trại tạm trú Bạch Đằng II trong khi chờ đợi để đi học chín tuần lễ Căn Bản Quân Sự ở TTHL/Quang-Trung là những buổi tập họp, điểm danh, hít đất, thăng thiên độn thổ, xếp hàng ăn cơm bốn thằng một ca-rê, và… đi bờ. Ban đêm thì ba tên nằm ngủ cạnh nhau trên sàn nhà, và một số các bạn khác thì ngủ ở Tạm-trú-hạm trên sông Sài-Gòn phía trước cửa trại.


Chín tuần lễ ở TTHL/QT rồi cũng qua mau theo những bước quân-hành của những lần đi bãi, vừa đi vừa hát:


“Đường trường xa .....
Đoàn hùng binh say sưa nhìn trong trời sương,
Ta anh hùng đời đời Hải Quân Việt Nam.
Một, …hai,… ba,… bốn.”

Rồi đến ngày lên đường ra Nha-Trang để thụ-huấn hải nghiệp, các chàng trai trẻ “xếp bút nghiêng theo việc binh-đao” đã cảm thấy lòng nao nao với những cái vẫy tay chào nhau của người thân, những giọt lệ tiễn đưa, và những ánh mắt trông theo của người tình, trong đó có người yêu của Ông Thần khi con tàu xuôi dòng ra biển.

Hai mươi tháng bảy năm nao,
Hơn hai trăm sáu lao-xao hành-trình.
Giã từ cha mẹ người tình,
Ba lô nặng gánh hải trình NhaTrang.
Quân-trường trực chỉ mở màn,
Bắt đầu huấn-nhục ngỡ-ngàng đời trai.

Nguyễn Xuân Dục

 



Sau bảy tháng làm đàn em “kiêu hùng lên đi anh”, khóa 20 tiễn đàn anh 19 ra trường vào ngày 21-02-70. Và với những thành tích về thể thao, văn nghệ, tinh thần kỷ luật, cùng với sự thương mến của các Sĩ-Quan trong quân-trường. Thỉnh Nguyện Thư đề nghị cho khóa 20 được mang cấp hiệu Alpha Chuẩn-Úy đã được Bộ Tư Lệnh Hải Quân chấp-thuận, và các “QUAN” Đệ Nhị Hổ Cáp đã mang cấp hiệu nầy để sẵn sàng chào đón khóa đàn em nhập trường. Ông Thần được chọn làm một trong số các Trung Đội Trưởng cán bộ của khóa đàn em. Những lúc nhìn TĐT NVĐược hò hét khóa 21 ở sân tập họp Đại đội làm tôi nhớ lại biệt danh Ông Thần Râu Kẽm mà các đứa cháu đặt cho quả thật không sai.

Vì thuộc thành phần chức sắc nên Ông Thần được đi bờ cả hai ngày Thứ Bảy và Chúa Nhựt. Nhưng vì là “con bà phước,” không có ai quen, nên Ông Thần ít khi đi bờ. Trái lại, phần tôi vì có đào ở Nha-Trang nên ngoài ngày đi bờ chính thức theo phân đội của mình, tôi còn tìm gặp NVĐược và nói: “Ê, ông thần, không ra phố thì đưa giấy đi bờ của ông cho tôi, để tôi ra cổng.”

Với nụ cười hiền-hòa và thông cảm, Ông Thần móc túi lấy đưa liền. Tôi cầm tờ giấy trên tay và hỏi: “Ông cần gì bên ngoài không? Tôi mua cho.” Ông Thần chỉ cười và lắc đầu. Và việc đi bờ ở lại qua đêm của tôi cũng phải nhờ đến sự bao che của NVVũ. Những buổi điểm danh 10 giờ đêm cuối tuần, NVVũ đứng trước hàng quân và hỏi PVĐộ là bạn chung phòng Alfa 5 với tôi: “Ê, Độ, thằng Thạnh về chưa?”

Độ trả lời: “Nó ở ngoài rồi.”

Và TĐT NVVũ quay về phía ĐĐT TGĐịnh đưa tay chào và nói lớn: “Trung Đội 1 báo cáo, quân số đủ.” Làm cho cả Trung đội đều cười khúc-khích.

Tháng bảy năm 1970, khóa 20 rời trường mẹ và theo ý thơ của NXDục “Mỗi người mỗi ngã tiến thân tùy tài.” Ông Thần được bổ nhiệm về BTL/V3 Duyên Hải cùng với BVTâm. Riêng tôi thì về BTL Lực lượng Duyên Phòng 213 ở Cam Ranh, sau đó được thuyên chuyển về HQ 702 của “Ông Phó” LATuấn thuộc Hải Đội 3 Duyên Phòng. Tôi gặp lại Ông Thần, tuy khác đơn vị nhưng cùng chung một căn cứ ở Cát Lở, VũngTàu.

Ngày Ông Thần lập gia-đình tôi lại được hân hạnh làm Phù Rể. Tôi đi trước, Ông Thần theo sau, tôi quay lại nói đùa: “Đi đăng lính thì tôi cũng chở ông đi, tôi ngồi trước, ông ngồi sau. Bây giờ tôi cũng bưng khay trầu rượu nầy đi trước để ông đi sau được sướng nhé.”

Ông Thần trợn mắt: “Coi chừng vấp té đổ bể hết bây giờ.”

Người ở đơn vị bờ, kẻ lênh đênh trên sóng nước. Bạn bè chỉ gặp lại nhau sau những chuyến hải hành. Những lúc tàu nghỉ bến, tôi và Tuấn thường hay rủ Ông Thần đi bộ ra ngoài căn cứ, ăn bún riêu ở một quán nhỏ bên đường. Rồi lại chia tay, chúng tôi trở về tàu và Ông Thần về barrack.

Sau đó chúng tôi được tin vui là vợ Ông Thần đã sanh cho ông một trai đầu lòng. Và mỗi chiều cuối tuần Ông Thần leo lên xe đò vọt về Sài-Gòn để thăm vợ con mà không cần giấy phép. Nên tôi ít có cơ hội gặp Ông Thần.
Rồi một ngày cuối Thu, vừa từ văn phòng Hải Đội trở về tàu, thì LATuấn cho biết lính gác ngoài cổng chánh vào báo cáo là tôi có người nhà tìm. Tôi đi ra phòng chờ đợi thì gặp anh Đáng là người anh con ông bác của Ông Thần cho biết: “Được đã bị một người say rượu lái xe ngược chiều đụng phải, té xuống đường và bị chấn động não; khi xe cứu thương chở đến bệnh-viện thì Được qua đời.”

Tôi cố gắng cầm nước mắt, dẫn anh đi gặp BVTâm để làm thủ tục giấy tờ. Phần tôi thì lo thu xếp tất cả những đồ đạc của Ông Thần để lại, đưa cho anh Đáng mang về.

Cám ơn bạn BVTâm rất nhiều. Vì tình cảm thân thương giữa các ĐNHC, và cũng nhờ sự liên-hệ gia-đình với Đại Tá TL/V3DH, bạn đã xin ông ký cho NVĐược tờ giấy Sự vụ lệnh, và bạn cũng đã hết lòng lo-lắng để tổ chức tang lễ theo đúng lễ nghi quân cách, từ xe GMC chở quan tài cho đến đội súng chào danh dự.

Lễ an táng được cử hành ở quê nhà, và Ông Thần được chôn bên cạnh mộ của người cha. Ngày tiễn bạn ra đi có: Tôi, BVTâm, HVXách, NMTrí, và một số các bạn khác. Nhìn người vợ trẻ ôm đứa con thơ, mọi người đều ứa nước mắt. Các HC2 đưa tay lên nón chào người bạn cùng khóa lần cuối trong tiếng kèn thê lương, và các phát súng chào. Xin vĩnh-biệt bạn, vĩnh biệt con Hổ-Cáp đầu tiên đã lìa đàn và Ông Thần Râu Kẽm của tôi.

Sau đám tang Ông Thần, bạn LATuấn rời HQ 702 để học khóa huấn luyện Thuyền Trưởng PCF. Tôi theo tàu biệt phái cho Hải Đội 1 Duyên Phòng ở Đà Nẵng. Sau đó về Duyên Đoàn 33, và đơn vị cuối cùng là HQ5 Trần Bình Trọng.

30/04/75 tàn cuộc chiến, tôi theo chiến hạm và đoàn người di tản đến Subic Bay. Lúc sắp vào hải phận Phi-Luật-Tân, tất cả các chiến hạm được lệnh ném tất cả đạn hải pháo xuống biển, sơn lấp số tàu và tên tàu, hạ cờ VNCH xuống, thay thế bằng cờ Hoa Kỳ để chuẩn-bị vào vịnh. Lúc làm lễ hạ kỳ, đưa tay lên chào quốc kỳ trên kỳ đài của chiến hạm lần chót, vừa đau lòng ứa lệ, vừa liên tưởng đến cái chào đầy nước mắt trong lần đưa tiễn Ông Thần ra đi.

Sau hơn 30 năm vật lộn với cuộc sống vật chất nơi xứ người, tôi chưa một lần trở lại quê hương. Nhưng vẫn tự hứa với lòng, nếu có dịp trở về, tôi sẽ tìm đến mộ của người bạn xưa, thắp một nén hương, khui cho bạn một lon bia, và ngồi bên mộ của Ông Thần kể lại cho Ông nghe những chuyện buồn vui của những “Cái Mền Rách” cùng khóa đang sống ở hải ngoại. Hy vọng trong cõi giới vô hình Ông Thần sẽ nghe được những lời tâm sự của tôi.

Giờ đây, Đức và Hoa với bốn con đã trưởng thành, vợ chồng tôi cũng được một gái và một trai. Hồi tưởng lại khi các con chúng tôi còn nhỏ, trong các bữa ăn vợ tôi thường ép các con ăn thêm với lời nói: “Ráng ăn nhiều cho mau lớn,” làm tôi chợt mĩm cười nhớ đến Ông Thần Râu Kẽm và hai tô phở Tàu Bay của những ngày đầu nhập ngũ năm xưa. ..........

Lê văn Thạnh
Houston, Texas
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn