BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện nhớ trong đời

01 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 2376)
Chuyện nhớ trong đời
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
-Viết để nhớ những ngày trên lộ 7B…

( Con đường di tản quá dài, đầu đã tới sông Ba khúc đưôi còn tại Pleiku, tôi may mắn đi trong khoảng đường tương đối ít gian nguy…)

Đầu năm 75, trung đoàn 45 thuộc sư đoàn 23 bộ binh được lệnh rời Hàm Rồng về lại Ban Mê Thuộc. Đại đội 201 CTCT đang tăng phái cho trung đoàn đóng tại Hội Quán Tây Nguyên cũng được lệnh lên đường tăng phái cho bộ chỉ huy Biệt Động Quân vùng 2 đang trú đóng tại B15, thuộc tỉnh Kontum, đơn vị tăng phái được chỉ định đóng quân tại kho gạo của tỉnh… Thế là anh em từ giã Hàm Rồng, từ giã các buôn làng thân quen vẫn thường ngày đến làm công tác dân sự vụ tâm lý chiến như làng La Sơn, Plei ô Ngo…tại Kon Tum đơn vị vẫn công tác như thường lệ đến các buôn làng thuộc quận Đắc Tô mới, làng Pa-ra-đi…để khám bệnh phát thuốc, hớt tóc … cho dân làng . Sáng đầu năm âm lịch cả đại đội tăng phái đều có mặt tại sân cờ bộ chỉ huy BĐQ để tham dự lễ thượng kỳ đầu năm. Đại Tá Tất chỉ huy trưởng đến tận hàng quân bắt tay từng sĩ quan tăng phái…



Ngày 13-3-75, Anh Cải, đại đội trưởng lên bộ chỉ huy họp về cho biết là bộ chỉ huy BĐQ đã rời Kon Tum… Thế là anh em trong đơn vị tự động thu xếp gọn ghẻ chờ lệnh về Pheiku.. Tôi ngồi ghế trưởng xa trên chiếc Dodge có tất cả 13 người, xe lăn bánh lúc 13 giờ ngày 13-3-75…tôi cũng thấy hồi họp vì con số 13 nầy, đoàn xe gồm 5 chiếc, 4 dodge, một jeep chậm chậm rời kho gạo hướng về cầu Đakpla…. Mấy chiếc loa phóng thanh của ty dân vận chiều hồi liên tục đọc đi đọc lại thông cáo của Đại Tá Hùng, tỉnh trưởng Kontum… Nội dung thông cáo là kể từ giờ phút nầy cấm tất cả các quân nhân ra khỏi tỉnh…



KonTum vẫn rất yên lặng, không nghe một tiếng súng nổ, là đơn vị tăng phái nên quân cảnh gác cầu, chốt đường ra tỉnh không xét hỏi…. Con đường KonTum- Pleiku tuy xuyên núi nhưng tráng nhựa rất phẳng phiu… tuy nhiên khi xe gần tới Chư Pao anh em cũng cảm thấy hồi họp, ghìm tay súng sẳn sàng trong tư thế phản phục kích…Bởi ‘Một chiếc khăn tang một tấc đường” ( Quên tác giả) là đây. Rồi đoàn xe cũng bình an về tới hậu cứ đóng trong quân đoàn 2.



Pleiku lúc nầy thường xuyên bị pháo kích, phi trường Cù Hanh ăn đạn liên tục… Đêm 17 tháng 3 đặc công đánh vào quân đoàn nhưng chẳng gây thiệt hại gì đáng kể vì vị trí quân đoàn trên cao, lực lượng phòng thủ tinh nhuệ có M48 yễm trợ, thà đánh nhau ngoài mặt trận còn thấy dễ chịu hơn là ngồi chờ pháo…Đơn vị về đây chỉ tạm thời trực ứng chiến chờ lệnh. Là đơn vị CTCT trừ bị cho quân đoàn II, chúng tôi thường phải rày đây mai đó tăng phái cho các lực lượng trừ bị, hay các sư đoàn, tiểu khu thuộc quân đoàn 2, trung đội di chuyển bằng một chiếc xe dodge có cửa, kéo theo một cái rờ mọt. Trên xe chất chứa đủ vật dụng sinh họat thường ngày…nồi niêu soon chảo, gạo, mắm, muối, dầu lửa, bếp dầu…, nên việc ra đi trong cuộc di tản nầy trung đội chúng tôi không lấy gì làm bở ngở, không phải chịu cảnh thiếu ăn thiếu uống như nhiều đơn vị khác. Tôi nhớ hoài buổi sáng hôm ấy khi hay tin quân đoàn đã rút đi nhiều đơn vị… Ông Tiểu đoàn trưởng xuất thân khóa 14 VB, ra phi trường về Sài Gòn còn không quên phone về đơn vị ra lệnh cho Tiểu Đoàn Phó trông coi việc ứng chiến của đơn vị vì ông đang… bận họp ở quân đoàn, mạng sống ai không quý, ông tiếc mạng của ông mà bỏ cả đàn em bơ vơ, về Sài Gòn ấm cúng bên vợ con..quân mà thiếu cấp chỉ huy..??Ông tiểu đoàn phó mới từ Sài Gòn đổi ra chưa tới 3 tháng nên rất khó thích ứng với tình hình, bởi không dám quyết định vì cứ ngỡ xếp đi họp ở quân đoàn. Lúc bấy giờ quân đoàn chỉ còn lại tiểu đoàn 20 CTCT, cạnh bên là Truyền tin, thiết giáp… còn lại các ban phòng đều vắng lặng như tờ. Bởi không có lệnh nên đêm đó quân nhân các cấp trong doanh trại tiểu đoàn đều ra sân nằm cạnh giao thông hào dù không có lệnh, có lẽ vì sợ ngủ trong phòng sẽ ngủ quên khi đơn vị di chuyển bất thình lình, nằm ngoài sân, nhìn trăng sao với giấc ngủ chập chờn trong lo sợ…một đêm yên lành trôi qua… Sau khi hội ý với một số sĩ quan, Tiểu đoàn phó ra lệnh phá kho lương thực, nhờ vậy mà anh em có thêm được một số khẩu phần lương khô lọai C của Mỹ, không tiên liệu được đoạn đường sẽ đi qua nên bỏ lại gạo rất nhiều… Đoàn xe của tiểu đoàn( Gồm bộ chỉ huy, đại đội hành chánh và đại đội 201) trên mười chiếc, xe jeep tiểu đoàn phó dẫn đầu, đến xe các ban và nhóm xe đại đội 201 bọc hậu, cũng nón sắt, súng đạn cầm tay, đoàn xe chầm chậm tiến ra cổng…Điếm canh vẫn còn lính gác. Sáng hôm đó trời có chút sương, chút gió nhẹ lành lạnh trong cảnh trống vắng của quân đoàn,mấy chiếc M48 vẫn yên vị nơi cổng chính , binh sĩ gác cổng vẫn giữ đúng tư thế, nhưng cảnh vật hình như mất vẽ sinh động, tạo cho anh em một không khí khá căng thẳng. Vẫn không biết đi về đâu, đi ngả nào,xe ngang qua trường Trung Học Pleime, phía sau là trại gia bình của tiểu đoàn, tôi ở trọ trong nhà của trung sĩ Hiếu nằm trong trại gia binh nầy, xe chầm chậm ngang qua mà không dám ngừng lại vào nhà lấy thêm hành trang, vì sợ trể lạc đơn vị, đoàn xe tạm dừng trên con đường có dinh ông tướng… Anh em xuống xe đứng trên lề, dưới tàn những cây thông già cỗi, nhìn trên đường người qua lại tấp nập vội vàng dù trời còn lờ mờ tối…Tôi nhìn thấy một anh trung sĩ BĐQ tay cầm chai rượu Martin đi về hướng tôi, anh nhìn tôi cười cười:

- Trung úy uống 1 nắp cho ấm lòng, rượu nầy lấy ở nhà ông tướng…

Tôi cầm chai rót uống liền 2 nắp rượu đầy… thấy ấm lòng .Tuy có hơi lo lắng, vậy là ông tướng đã đi rồi. Tôi cũng mới từ tiểu đòan 50 CTCT thuyên chuyển ra đây gần 4 tháng nên cũng không rõ là dinh của ông tướng nào, có lẽ là dinh của Tư lệnh vùng. Xe cộ vẫn tiếp tục xuôi hướng Hàm Rồng, xe quân đội ngoài quân nhân còn có thêm gia đình binh sĩ, thùng rương chất đầy ắp.

Trời sáng tỏ, anh em trong đơn vị hầu hết đều chưa ăn sáng, tôi thấy một vài anh em lấy phần gạo sấy ngâm nước. Đại Úy Thiện( khóa 18 TĐ, (đã có nghị định thăng cấp thiếu tá nhưng chưa làm lễ gắn lon tân thăng) nhìn thấy một đoàn xe jeep quân cảnh chạy ngang, ông ra hiệu cho anh em lên xe nối đuôi đoàn xe quân cảnh, ngang qua rạp hát Diệp Kính quẹo trái về hướng Hàm Rồng. Với 2 bông mai trên ve áo, tôi không biết một chút gì về lộ trình sẽ đi, chiếc trước chạy, chiếc sau chạy theo, tạo thành một đoàn xe rồng rắn không biết dài tới bao nhiêu cây số, khi bắt đầu nhìn thấy núi Hàm Rồng, tôi thấy đoàn xe rẽ mặt leo lên bờ lề, chạy băng đồng hình như đang chạy dưới chân một ngọn đồi thấp, bên đường có vài chiếc xe quân đội chết máy nằm rải rác, xe bắt đầu vào con lộ đá có dấu vết tráng nhựa loang lỡ, nhưng tương đối dễ chạy hơn lúc băng đồng. Tài xế chiếc dodge là hạ sĩ Đặng Giác, cũng trạc tuổi tôi, sức vóc khỏe mạnh có gia đình nhà cửa ở KonTum, rất vững vàng ôm tay lái, tới thung lủng Hồng, một tấm bảng gắn trên hai trụ có khắc rõ chữ Valey Rose, một vài chiếc GMC bị lật, xác binh sĩ chết nằm rải rác khoảng trên 10 người… Đòan xe vẫn chạy với tốc độ chậm, bụi cát mịt trời, tuyệt không nghe tiếng súng, rải rác nhà dân bên đường, người lớn trẻ em ra sân nhìn đoàn xe chạy, mấy em trong xe tôi gốc miền Nam cười vui như những lần được về phép, Trung sĩ Bùi Ngọc Mỹ thằng em vẫn ăn cơm chung với tôi, với tay chuyển cho tôi một bịt cơm sấy với lon thịt ba lát khui sẳn, tôi không thấy đói nhưng vẫn phải ráng ăn, bởi tôi linh cảm con đường đi sẽ còn nhiều bất trắc lắm…Lòng tôi cũng có chút vui khi được về Nam nhưng cũng ngổn ngang trăm mối, tại sao cả quân đoàn phải bỏ đi trong lúc chưa thấy bóng dáng một tên lính sinh Bắc tử Nam nào, tại sao ra đi mà không có lệnh lạc gì cả, lộ trình để đi cũng hoàn toàn không biết, rồi tin chiến sự từ đài V.O.A, BBC, áp lực Cộng quân nặng nề trên nhiều mặt trận, Đài Quân Đội, đài Sài Gòn vẫn phát thanh những bản tình ca, vẫn ngọt ngào tình em hậu phương với người trai tiền tuyến… Đầu óc tôi rối mù… Thôi thì, mệnh số do trời..Bài học Hán văn thầy Bùi Cận dạy tôi học năm đệ ngũ tôi vẫn còn nhớ….Nhất trác, nhất ẩm, giai do tiền định… hơi đâu mà lo…Với máy C25 bên cạnh tôi mở máy liên tục liên lạc với các bạn cùng chung đơn vị: Thái tăng An, Như ,Chấn,Nguyễn Hữu Cải …

Đến Phú Bổn, trời xế chiều, xe cộ tràn lan, đoàn xe đơn vị tôi dừng sát bên lề đường, tất cả xuống xe ngơ ngác nhìn chung quanh. Đã thấy hầu hết các sắc lính tại quân đoàn… Người ta dừng, mình dừng lại chẳng lệnh lạc gì cả, trời chiều xuống dần, dù cuối tháng ba nhưng sương trời và gió tạo một cảm giác lành lạnh… Tôi thấy có một toán quân nhân , có máy truyền tin đi bộ quanh các con đường… Thì ra là toán lính địa phương, Trung Tá Lò văn Bảo, tình trưởng và một số sĩ quan, tôi còn nhớ Trung tá Bảo dáng cao ráo, to con, gương mặt hiền từ chậm rải nói với anh em di tản:

-Các anh em yên tâm tìm chỗ ngủ , tôi đã cho hai đại đội địa phương quân giữ an ninh…

Tôi nghe lệnh mà trong lòng thấy không an, quân đoàn tự dưng bỏ chạy …hai đại đội mà nhầm nhò gì… thôi thì ai sao mình vậy …giày dép còn có số mà…

Tôi cùng họa sĩ Thái Tăng An ( Mỹ Thuật Huế) Bạn cùng khóa, khoát thêm áo jacket, hút thuốc vặt nhìn thiên hạ. Anh Nguyễn Hữu Cải ( Đại đội trưởng, chết trong tù CS) họp anh em sĩ quan bên vệ đường, anh có được 1 mẫu bản đồ tiện tay xé được trong phòng tiểu đoàn trưởng trước lúc ra đi, Anh chỉ sơ qua về lộ trình sẽ đi…theo như dự đoán của anh… Tôi chẳng buồn quan tâm. Người ta đi đâu mình theo đó, súng bắn trúng ai người đó chết hơi đâu mà lo cho mệt…. Trời tối hẳn, anh em đã cơm nước xong xuôi, Trung đội Chính Huấn của Trung úy Như ( khóa 1/69) bắt đầu làm việc, chạy chung đơn vị có vợ chồng ca sĩ Xuân An của sư đoàn 23 tháp tùng theo. Anh em xếp thành vòng tròn, sẵn khẩu phần C với cà phê thuốc lá Mỹ…Tiếng đàn dạo lên, Xuân An cất giọng, đây là giọng ca xuất sắc nhất của quân đoàn 2 lúc bấy giờ…. Giọng ca ngọt ngào, lời ca phù họp với bối cảnh đã thu hút khá đông anh em đơn vị bạn đến nghe… Thái Tăng An và tôi nằm trên bờ đê cỏ:

- Ê chạy giặc mà giống đi picnic quá mậy.

Tôi cười đồng ý. Nằm nhìn sao trời, hút thuốc Lucky, uống cà phê nóng nghe nhạc sống … còn thua ai nữa. Người xe tuy đông, tuy ô họp mà đêm yên lặng lắm… Gịong ca của Anh Xuân An cao vút réo rắt lòng người…”Bỏ làng ra đi mang theo tiếng nói con tim…”… Tuyệt nhiên không nghe một tiếng súng, thỉnh thoảng trên bầu trời có lóe sáng lên, một vài trái hỏa châu hình như từ chi khu bắn lên, các cô bé chính huấn của đại đội như Mỹ Chi, Phương Hòa…cũng lần lượt góp tiếng hát ngọt ngào, trời đầy sương, ngập ngụa không khí núi rừng, những giọng ca ngân vang xa thu hút khán giả càng lúc càng đông, Tan buổi nhạc bất đắc dĩ, giấc ngủ chập chờn đến với mọi người, ngày mai rồi sẽ tới đâu???

Trời chưa sáng mà mọi người cùng thức dậy, nước rửa mặt rất khó tìm, một số quân nhân thuộc một vài ngành tự động tháo bỏ phù hiệu như CSQG, ANQĐ, QC…, tiếng máy xe bắt đầu nổ, âm thanh thật ồn ào, khói xe bay mù mịt, một số xe từ từ lăn bánh về hướng quận Phú Túc, tiểu đoàn tôi cũng bắt đầu lên đường, còn giữ được đội hình lúc đi, nhiều chiếc xe jeep của đơn vị bạn bị bỏ lại vì bị bề kết nước, bởi đoàn xe chạy, ngừng bất thường, thắng không kịp là ủi đít .Nắng dần lên, sương tan và trời bắt đầu nóng, khói xe và âm thanh động cơ, tiếng gọi nhau trong ánh nắng chói chang làm cho con người rất dễ mệt, Nhưng trong bước đường sinh tử mọi người đều cố gắng. Cho tới quá trưa đoàn xe tràn ngập quận Phú Túc, hàng ngũ rối loạn không còn thấy lối đi . Mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Trong đoàn quân chẳng có một sĩ quan nào biết được lộ trình cuộc di tản nầy, tôi thấy có vài sĩ quan mang cấp trung tá, dân theo lính cũng rất đông hầu như là nửa dân nửa lính, thương cho dân bám theo lính mà lính nào có được lệnh lạc gì đâu. Một chiếc trực thăng đáp xuống một khoảng đất trống nhỏ vào lúc giữa trưa. Tôi đứng cách xa trực thăng nhưng cũng nghe được tiếng anh em bàn tán

- Tướng Cẩm tới thị sát có mang theo hai hạ sĩ quan quân cảnh với mục đích giải tỏa lộ trình bị nghẻn. Tướng Cẩm hỏi xem ai là người có cấp bậc cao nhất ở đây.Tôi thấy có một vị trung tá lên tiếng. Tôi không nghe rõ được lời đối đáp nhưng cũng được thuật lại đại ý

- Anh Trung Tá mà không chỉ huy được đoàn quân nầy

- Tôi không có khả năng, Thiếu tướng xuống chỉ huy đi.

Trực thăng mang tướng Cẩm bay đi, với rất nhiều cặp mắt ngơ ngác nhìn theo. Tội nghiệp hai anh quân cảnh xé vội phù hiệu rồi lẫn vào trong đám loạn quân….

Rồi đoàn xe cũng bắt đầu di chuyển, đoàn xe quá dài nên người ở khúc nào chỉ biết chuyện ở khúc đó. Tiểu đoàn tôi có lẽ đi vào khúc giữa. Đường bắt đầu xấu dần. xe chạy với tốc độ thật chậm, chiếc nầy ủi đít chiếc kia là sự thường. Một vài xe chết máy vì hết xăng, rất nhiều xe jeep chết máy bị đẩy vào bìa rừng… Số lượng người mất xe càng đông, xe nào còn trống có người quen thì được cho lên, đa số ôm súng mang ba lô đi lếch thếch lẫn lộn với đám dân, giữa cái nắng tháng ba của vùng cao nguyên, hành trang và nắng gió làm cho người mau mệt, khi đã mệt rất dễ sinh quạu quọ. Xe qua những đám rừng thưa, lửa than đốt rừng còn cháy đỏ, Biệt Động Quân biên phòng trong tư thế tác chiến đứng thành hàng hai bên đường bảo vệ cho đoàn quân di tản. Tôi nhìn thấy nhiều em binh sĩ Biệt Động Quân còn quá trẻ, súng cầm tay với lưởi lê tuốt trần hướng mắt nhìn về hướng rừng, quên đi sinh mệnh của mình để giữ an toàn cho đoàn người di tản. Tôi đi chưa biết rồi sẽ tới đâu, riêng các em còn đứng đó không biết đến bao giờ, sự sống còn của anh em lấy gì bảo đãm, lòng tôi rất cảm kích trước những con người biết tuân thủ kỷ luật quân đội. Cũng tại quận nầy, Anh Cải ra lệnh xe nào giữ hồn nấy cố gắng về tới nơi an toàn. Tôi ngơ ngác, nơi nào là nơi an toàn đây.??

Một vài người hiểu rõ lối đi cho biết đoàn di tản đang tiến lần tới quận lỵ Củng Sơn thuộc tỉnh Tuy Hòa, người đi bộ vẫn bước nhanh hơn xe đang chạy, trung sĩ Mỹ chỉ tôi

- Ông xem kìa, Ông thiếu tá đang ăn trái bầu sống…

Tôi nhìn theo tay chỉ của Mỹ, mắt tôi nhìn thấy một quân nhân không rõ binh chủng vì người đang mặc áo khoác, tay cầm trái bầu loại bầu có eo cổ giống như trong hình vẽ bầu cua cá cọp, ông bẻ ra từng miếng cạp ăn ngon lành. Đa số người di tản đến ngày thứ ba đã bắt đầu hết lương thực, vì cuộc di tản xãy ra quá vội vàng không ai kịp chuẩn bị, riêng đơn vị tôi vì thường xuyên đi công tác dân sự vụ nên lúc nào trên xe cũng tạm đầy đủ gạo thóc mắm muối…, Nắng bắt đầu ngã chiều mà đoàn xe vẫn đi chưa tới đâu, tôi mở tầng số máy C25,tôi rà đai bất cứ tầng số nào, có lúc liên lạc được với dân con gà( Sư đoàn 23) còn ở Phú Túc, có lúc liên lạc được với toán đã tới phi trường Củng Sơn, xe vẫn chậm rì lăn bánh, toán công binh chiến đấu của quân đoàn vẫn cưa cây, mở đường, mấy chú lính trong toán nấu nước ngâm gạo sấy, tôi ngồi trên nóc xe chân thòng trên nắp đầu xe, vừa ăn cơm gạo sấy với thịt ba lát với chút muối tiêu vừa nhìn trời đang bảng lảng hoàng hôn, chút hơi lạnh của núi rừng phần nào xoa bớt cơn mệt mỏi, trời tối nhanh, muỗi rừng được dịp tunh hoành chit cắn, tiếng ồn ào dịu dần theo với bóng đêm tràn về… Xe tôi cũng vào tới phi trường Củng Sơn. Phi trường khá rộng, phi đạo lót vĩ sắt, tôi chỉ chỗ cho tài xế lái vào một khoảng đất trống, đầu xe hướng về cổng phi trường, khoát lên người chiếc áo jacket, quấn lên cổ chiếc khăn, kéo mủ lưởi trai sụp xuống, tôi vẫn còn thấy lạnh, muỗi bớt cắn vì phần thịt da ít lộ ra ngoài, sương xuống mịt mờ chẳng mấy chốc mà người tôi đã thấy ướt nước, Tôi nằm trên đầu xe tay kẹp cây M16 sát người, thằng Mỹ đệ tử nằm kế bên cũng khư khư ôm cây AR15, trong thùng xe là đàn bà con nít ngủ ngồi, chú tài xế và anh toán phó trong cabin xe, còn lại rải rác trải poncho nằm cạnh xe. Sương nhiều quá không nhìn thấy sao trời, tôi nằm dù thật mệt mỏi nhưng dễ gì dỗ giấc ngủ, bây giờ mới hết tháng giêng âm lịch, mà tháng giêng là tháng ăn chơi, hiện tại tôi cũng ăn và đi lang thang, không chơi là gì…Tôi nhớ Sài Gòn vô cùng, tôi nhớ giảng đường 2, giảng đường 4, tôi nhớ mấy cây phượng bên hông trường, tôi nhớ tới mấy nhỏ bạn thân từ năm nhiệm ý,tôi trở lại giảng đường sau gần 4 tuổi lính, nhỏ Ngọc, nhò Sang, Thơ, Hoàng Cúc,Dung Bải Xàu, Ngọc Hà Gò Vấp, nhỏ mắt nâu , con nhỏ mà khi đi chung có dịp gặp người quen tôi vẫn thường giới thiệu là vị hôn thê, mới hôm Noel, tôi về phép kẹt phi vụ ở lại Sài Gòn cả tháng trời, Tôi ngoan ngoản như con mèo con trở lại lớp Việt Hán, lớp văn Minh Việt Nam, chăm chỉ hơn cả sinh viên thuần túy, tạm quên đi Phước Long đã vào tay Cộng Sản… Thanh An đang ăn đạn pháo tơi bời… Con bé đêm nay ngồi học bài không biết có nhớ đến tôi không, bé có hay biết gì về quân đoàn đang tháo chạy mà sĩ quan cấp úy như anh không biết một chút gì về lý do di tản cũng như lộ trình di tản…Bên tai tôi tiếng ngái đều đều của thằng Mỹ…, tôi nhớ.tôi chỡ bé vào quán biên thùy, dĩa tôm càng nướng, rau sống bánh hỏi, 33 khui rót vào ly nước vàng sóng sánh, tôi lột vỏ tôm gắp bỏ vào chén em không quên sớt tương xay vào một dĩa nhỏ…Tôi thiếp đi lúc nào không biết…

- Dậy Trung úy có xe chạy rồi. Tiếng hạ sĩ Giác tài xế …

Thì ra tôi chưa tròn được giấc mơ tại Phi trường Củng Sơn. Tôi bật dậy gon gàng, khóa an toản súng, móc túi lấy thuốc châm lửa

- Thủng thằng chờ xe đi kha khá rồi mình hãy chạy theo. Anh em lo ăn sáng cho chắc bụng, mấy ngày nay yên tình còn hôm nay chưa biết ra sao, nghe nói rời Củng Sơn là bắt đầu rời cao nguyên về đồng bằng, mình sẽ di chuyển đến Sông Ba rồi vào Tuy Hòa.

Tôi nói sơ về lộ trình rồi tạm làm vệ sinh buổi sáng bằng chút nước trong bi don, rất nhiều chú lính cũng như dân làm chuyện đệ tứ khoái ngay bên đít xe…cũng may ăn ít và không có rau rát nên đa số đều bị bón nếu không thì mùi xú uế chịu sao cho thấu…

Đoạn đường bắt đầu rời quận Củng Sơn thật là gay go, vì có nhiều suối và công binh phải phá rừng mới có lối cho xe chạy, có con dốc 45 độ khoảng 30 thước, cuối dốc phải quẹo thẳng góc không thì xuống suối, thình thoảng một vài trái đạn 60 ly rớt ven rừng, có lẽ đề lô giặc chưa điều chỉnh kịp tọa độ…Tin giây thép lạc dừa cho biết là sư đoàn Thép và Sao Vàng ngỡ quân đoàn rút về Quy Nhơn nên đã dàn quân phục kích trên quốc lộ 20, nay biết hướng di tản đã bắt đầu đuổi theo…Theo thì theo vì có muốn chạy mau cũng không thực hiện được.Cũng tin cho biết là sở kỷ thuật vùng 2 hợp với công binh chiến đấu mở đường dưới sự chỉ huy tổng quát của chuẩn tướng Tất tư lệnh Biệt Động Quân vùng 2 vừa tân thăng…Cả giờ chưa di chuyển được trăm thước, cát bụi theo gió bám đầy người …”Nếu chẳng quen nhau lung, đố nhìn ra được”, tôi mỉm cười khi nhìn thấy mặt đầy bụi của anh em mà nhớ thơ của Phan Khôi. Trời tối mịt xe tôi vẫn chưa thấy được bờ sông Ba… Xe tạm dừng trong ánh sáng le lói của từng bếp củi tạm nấu cơm bên đường, thực đơn của toán vẫn u như kỳ, gao sấy thịt ba lát muối tiêu….Trời lạnh, cơm nguội lạnh nuốt muốn ngay cổ….Đọan đường còn dài còn lắm gian nan, phải cố ăn mới có sức mà đi, bìa rừng có vài con suối có nước nên việc “nước’ tạm thời thong thả, rửa mặt rửa soon nồi thoải mái, tôi với Thái tăng An rủ nhau ra suối tắm, khoảng suối nhỏ nhưng nước trong uốn khúc bên gốc cây cổ thụ, cũng có khá đông người đang tắm… đang kỳ cọ tai bỗng nghe tiếng cười nho nhỏ…âm thanh con gái… thì ra bên kia thân cây có 3,4 cô bé có lẽ là học sinh Trường Trung Học Pleime đang tắm, dưới ánh trăng tôi nhìn thấy rõ đường nét thiên nhiên qua áo vải ướt bó sát lấy người. Tuổi trẻ ai mà thấy cảnh nầy mà không say đắm nhìn…!!

- Ê An, về Sài Gòn mày phải vẽ lại cảnh nầy nha An…Tao đặt tên tranh là “Thiếu nữ tắm trăng”.

Về lại chỗ nằm,mở đài BBC, phóng viên của đài tường thuật cảnh di tản y hệt như những gì mắt tôi đã thấy, tai tôi đã nghe, tôi có cảm tưởng cha nội phóng viên nầy đang đứng lãng vãng gần tồi, tôi còn nhớ một câu trong bài bình luận: cả quân đoàn di tản trong tình trạng bi đát tuyệt vọng như vậy mà Sài Gòn hình như không muốn biết tới….Từ những bản tin nầy anh em trong đoàn di tản tinh thần có xuống vì không còn niềm tin ở Sài Gòn tìm cách mở đường tiếp viện… Thôi thì thân ai nấy lo. Hầu hết các đơn vị đều phân tán không còn hệ thống chỉ huy nữa… Đơn vị tôi đã được lệnh tan hàng từ Phú Túc, toán nào tự lo cho toán đó, thực ra sống chết do trời, không có Đà lạt, Thủ Đức hay Đồng Đế gì cả …Có Tề Thiên Đại Thánh xuất hiện chưa chắc đã chỉ huy nỗi đoàn quân nầy…Dưới mắt tôi anh em quân nhân vẫn còn giữ được tác phong kỷ luật dù đang ở trong một thế cờ hết sức bi thảm.

Tôi nhìn Trung Tá chỉ huy trưởng trường thiếu sinh quân vùng 2 đang dẫn đoàn quân nhi đồng di tản, đồng phục nghiêm chình di chuyển theo hàng dọc, các em với nét mặt thật bình thản, vững vàng bước trên lộ trình đầy chông gai…. Không biết các em đã đi bộ như thế từ bao giờ….Vị Trung tá quân phục còn tươm tất, thắc lưng mang súng colt, tay cầm gậy bước đi thoăn thoắt dù tuổi cũng đã khá cao…Lòng tôi hết sức ngưỡng mộ, tôi chỉ cho mấy em trong toán tôi nhìn, hành trang của các em TSQ trông nhẹ nhàng, chỉ một ba lô trên lưng cũng không lấy gì nặng lắm, vũ khí thì em có em không…Các em không nói cũng không cười. Đoàn xe ùn tắc trên khoảng nầy mất mấy ngày, cứ mỗi lần bị pháo, đoàn xe lại rối lọan lên, mạnh xe nào nấy lũi vô rừng, cơm nước đang nấu dỡ dang ngã đổ tùm lum, trẻ con lạc cha mẹ khóc vang rân, tôi và thằng Mỹ ẵm từng em bỏ lên xe chờ yên pháo tìm cha mẹ chúng trả lại, bây giờ tiểu đoàn chỉ còn xe tôi lạc trong đoàn xe bạn, những xe chung đơn vị sau nhiều lần bị pháo đã thất tán…Ban ngày trời nắng, tôi với thằng Mỹ cầm súng vào trú nắng trong rừng, hoa bằng lăng trổ tím rất đẹp mắt, tụ năm tụ ba trên bờ suối nhiều thiếu nữ rất trẻ da rám nắng như mới từ biển Vũng Tàu về.

Một hôm tôi và Mỹ đang lang thang trong rừng, tôi nhìn thấy hai quân nhân đang gối đầu trên rễ cây ngủ say sưa, lại gần mới biết là Thái tăng An, và nhà thơ Kim Tuấn, với bản nhạc nỗi tiếng “Từng bước chân âm thầm”, tôi dùng mũi giày lay An dậy

- Ê, sao lại ngủ bờ ngủ bụi vậy...

Thằng An ngáp dài…:

- Đói cả ngày nay mà lười quá ngủ cho đã có chết cũng no con mắt.

Thằng Mỹ nhìn 2 ông lười, nó chạy về xe lấy cơm sấy. Hai ông lười ăn xong tỉnh táo xin thuốc hút. Tôi cười cười nhìn Kim Tuấn:

- Chạy giặc phải chạy cho lẹ chứ …Từng bước từng bước thầm hoài thì làm sao tới bến được.

Rồi đoàn xe lết từng tấc cũng tới dược bờ sông Ba. Buổi sáng đầu tiên trên bờ sông Ba, sương mù dày đặc, mọi người lùm xùm trong áo jacket, có người khoát thêm poncho, có người chơi luôn cái mềm cho đủ ấm, ngồi chùm nhum trên từng xe hút thuốc…mắt mơ màng phần mệt mỏi phần lo lắng, muỗi cắn, sương lạnh, vắt đeo….Đường còn xa mà trước mặt sông lớn chắn ngang , ơi Sài Gòn, Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, con đường Cường Để, dốc cầu chữ Y, ngả tư Bình Hòa…liệu tôi có còn thấy lại hay không …?!

Bài học chiến thuật của trường bộ binh Thủ Đức, bài cuối cùng tôi còn nhớ rất rõ: Lui Binh Cấp Tiểu Đoàn, thực tế tôi chưa từng tham dự cuộc lui binh cấp tiểu đoàn nào mà nay lại nằm trong trận lui binh tới cấp quân đoàn, sĩ quan cấp úy như tôi đành chịu phó mặc mạng sống do trời…

Mặt trời lên, sương tan, cảnh vật trông rõ, công binh phát quang khoảng trống canh bờ sông, bên trái là cánh rừng thưa, qua bên kia bờ sông đi thêm trên cây số rừng thưa là tới đập Đồng Cam, đi dọc theo con lộ 7B nầy một bên là đập nước, tới một cánh đồng, xa phía trong là rừng, bên trái là triền đất kéo dài khoảng cây số tới rừng và những ngọn đồi, ngày xưa Đại Hàn xây nhiểu lô cốt trên những ngọn đồi nầy, con lộ nầy bỏ hoang từ ngày Mỹ rút, Một anh trung sĩ thuộc chi khu Củng Sơn nói sơ cho tôi biết về lộ trình phía trước…

Tôi lần mò tầng số trên máy C25, gặp một số anh em sư đoàn 23 còn ở Phú Bổn, còn đoạn đầu tôi không biết đã tới đâu, nước sông chỗ sâu nhất tới rún, Thiết giáp vòng dây kéo từng chiếc quân xa, mất khoảng 10 phút mới qua tới bên kia bờ , chuyền xe được kéo phải chi trả ít nhất là 10.000$, giá trung bình thường là 20 ngàn, mười xe qua tới bờ chết máy hơn phân nửa, xe được kéo phải nổ máy đều, nếu máy tắt là nước vào ống bô kể như bỏ xe….

Nơi khúc sông kéo xe là khúc cạn nhất, Công binh sẽ bắt cây cầu dã chiến tại đây, xe tôi đậu cách xa khúc sông nầy khoảng một cây số, cứ thế mà lết dần từng mét một, có đi tắm giặt cũng phải trực người ngồi ôm vô lăng, chứ xe trước nhít tới mà mình dậm chân thì xe sau sẽ hất xe mình ra khỏi hàng

Dưới lòng sông Ba có rất nhiều cồn cát nổi cao lên khỏi mặt nước, cồn tròn khoảng 10 mét vuông, trời càng trưa càng gay gắt nắng, mọi người xuống sông giỡn nước, nước sông Ba trong thấy đáy, mát vô cùng, tầm nghịch xong lên cồn ngồi, đàn bà con gái lúc đầu còn e thẹn, sau vài ngày rồi cũng dạn dĩ ra, cũng tầm nghịch bơi giỡn dưới sông, thỉnh thoảng một vài trái đạn 60 ly rót xuống, một điều hết sức may mắn là xe chen chút sát bờ mà đạn cứ rớt ùm xuống sông, Tôi nhìn thấy nhiều lần trái đạn rớt chui ngay cồn chui xuống sâu mới nổ hất tung những người ngồi trên cồn tung lên rớt xuống nước lũm chũm, hết hồn chút đỉnh chứ chẳng sao cả, mấy trái đầu còn sợ, pháo riết rồi quen, cứ an ủi bằng câu trời kêu ai nấy dạ, ba bốn ngày đầu tôi thấy ông trời vẫn chưa kêu ai…!

Triệu chứng kiết lỵ đã thấy xãy ra cho nhiều người lớn tuổi vì đoàn người quá đông mà phóng uế bừa bải, nước sông dù vẫn lặng lờ chảy nhưng đã bị ô nhiễm nhiều rồi, với lại khó nấu nướng món gì trọn vẹn vì giặc pháo thường xuyên mà mỗi lần pháo là đoàn xe rối lọan, càn bừa chạy tránh đạn. Tôi đã thấy trên nhiều xe lô bồi nhiều người đàn ông tụt luôn quần ngồi chờ tháo dạ.. sau 3 ngày bệnh lỵ xuất hiện tôi thấy bụng tôi ngầm đau… rồi trong phân có lẫn máu. Mấy chú lính hết tình chăm sóc cho tôi, cố gằng rang gạo nấu lấy nước cho tôi uống, với một vài chén nước gạo rang mà tôi đi ngòai khoảng trên 20 lần trong ngày, tôi đã gầy mà bây giờ bị bệnh như vầy, mắt sâu má hóp, nhìn qua mặt nước dáng hình tôi trông thật thảm, đau như cắt ruột sao lại là đệ tứ khoái được đây??… Tôi thấy trong mình tôi rã rời, ngồi không muốn vững, miệng đắng mà lạt nhách…Tôi nghĩ dại… có lẽ bên bờ sông Ba nầy tôi không còn dịp gặp lại người thân nữa. Buổi sáng quá đói và mất ngủ tôi thều thào gọi thằng Mỹ đến, tần mần tháo dây thẻ bài, tay móc bóp trao cho nó. Thằng Mỹ nhìn tôi có vẽ ngạc nhiên - -Nếu mày về được tới Sài Gòn, mang những vật nầy trao cho gia đình tao, nói rõ cho nhà tao biết về cái chết của tao. Thằng Mỹ mắt đỏ hoe:

- Vài bữa là hết ông đừng có lo…Ông nằm nghỉ để tôi bắt lửa nấu cho ông chén cháo.Không biết nhờ ân sủng nào mà trong tình trang suy sụp thể lực như vậy mà bệnh lỵ của tôi lại thuyên giãm và mấy ngày sau là tôi bình phục dù trong người rất yếu, dù chẳng có uống một viên thuốc nào

Thuốc hút bắt đầu khan hiếm, một gói thuốc capstan giá thường là 400$ nay 2.000$ một gói mà tìm đỏ con mắt không ra, phần rỗi rảnh nên buồn miệng cứ hút luôn, xe lô bồi cạnh tôi có lẽ nhìn mặt tôi thấy có cảm tình sao đo.., một cô xẩm độ tuổi đôi mươi vứt qua cho tôi 1 cây thuốc bastos xanh, Tôi cám ơn rối rít, móc tiền ra trả nhưng người thiếu nữ gốc Hoa nầy khoát tay không nhận, còn nở một nụ cười thật tươi, một chút tình quân dân, tình em hậu phương…!

Cứ thêm một ngày thì lượng xe và người càng tăng dần…. Nhít qua nhít lại rồi đoàn xe cũng vào được đội hình hàng tám…Nhìn thấy cảnh chết máy của các xe kéo qua sông, với lại tiền không có nhiều nên đa số đành sắp hàng chờ cầu phao.Si Núc, lọai trực thăng vận tải bắt đầu chỡ vĩ sắt đáp cạnh bờ sông, dân lính ùng ùng tranh nhau lên phi cơ dù phi hành đòan hết sức ngăn cản… Tình trạng nầy lặp đi lăp lại sau mỗi lần phi cơ đáp xuống, người ta tranh nhau lên quá tải, phi công sợ nặng nên cất cánh trước khi đóng bửng, một vài người lính đeo theo càng trực thăng, tôi cũng thấy nhiều lần phi cơ bắt đầu bình phi, bửng sau từ từ khép lại …có vài người sẩy tay rơi xuống trông như chim…Tôi nghe thuật lại rớt như vậy mà không có ai chết chỉ bị sứt tai gãy gọng thôi…Cảnh trông thật kinh hồn hơn trên màn ảnh ci nê, những cảnh thực mà trong đời người khó có dịp trông thấy lại …

- Gạo thóc vẫn là việc nan giải, nhiều bà Sơ đi tìm mua gạo để có cơm cho các em nhỏ, tôi lại trích phần gạo chia sớt với các em. Có một vài chị tới ngày sinh nở… mấy người thân chạy táo tác tìm người đở đẻ, poncho quay tạm che gió… rồi tiếng hài nhi khóc chào đời… chìm lẫn trong tiếng súng đạn ầm vang. Phía bên kia bờ sông tiếng súng vẫn râm rang, phía sau hướng Củng Sơn cũng vang rền tiếng súng…Tình thế …kẹt cứng… lưỡng đầu thọ VC

Những ngày tôi lê lếch trên bờ sông Ba là những ngày đầu tháng hai âm lịch, Đêm mùng 6 tôi nghe đài BBC tả cảnh Sài Gòn, Bà Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đang chủ tọa lễ Hai Bà Trưng, người bình luận :… Sài Gòn hầu như không cần biết đến đoàn quân rã ngũ đang đi trên tử lộ cố tìm ngõ sống về Nam, người bình luận còn nói thêm…. Hầu hết các quân nhân đều tỏ ra bất mãn với vị tổng tư lệnh Nguyễn văn Thiệu họ thề sẽ về tới Sài Gòn tìm hỏi tội ông ta tại sao đã bỏ rơi bao nhiêu sinh mạng đã phục vụ dưới quyền ông.

Trong một vài buổi sáng có những chiếc trực thăng bay thấp trên đầu đoàn quân di tản. trên trực thăng rải xuống nhiều lọai thực phẩm: Cơm vắt đựng trong túi ny lon nhỏ, sữa họp, bánh mì ổ, mì gói, gạo sấy… với những tờ truyền đơn bươm bướm có in hàng chữ: Con đường các bạn đi còn dài, còn nhiều chông gai, chúc các bạn may mắn( tôi nhớ đại ý như vậy) ở dưới có in hàng chữ Cơ Quan Công Giáo Bác Ái, Nhìn cảnh thực phẩm rơi xuống, lòng tôi bi hài trộn lẫn, Người ta dành nhau, những vắt cơm rơi trúng đầu không nói chi, họp sữa , tôi nhìn thấy nhiều lần rất may mắn là rơi trúng vai, người lính nhăn mặt biểu lộ cảm giác đau rồi cười khum xuống nhặt họp sữa. Tôi cũng thấy có nhiều chiếc trực thăng đáp xuống phía cách xa đoàn xe, họ thả vài người lính xuống rồi cất cánh, những người lính không quân nầy đi len lõi vào đoàn xe ra giá kiếm khách, hình như giá tối thiểu cũng phải 10.ngàn đồng( bằng ½ tháng lương chuần úy ). Những người lính nầy kiếm khoảng 10 người rồi cùng đến tọa dộ đã định sẵn, Cũng không thiếu những người thừa dịp ăn theo…Trong bất cứ tình huống nào, con người vẫn nghĩ ra cách làm tiền, dù cho đồng tiền đó có vương mùi máu… Những người còn ở lại đều có ý bất mãn trước tình huynh đệ chi binh… tuy thế mà rất nhiều lần tôi không hề thấy một xạ thủ nào canh bắn trực thăng dù việc làm nầy rất dễ dàng , bắn vô tội vạ, Đồng lương lính quá thiếu thốn chăng? Thiếu thốn thì ai lại không thiếu, sao lại nỡ để mất đi tình huynh đệ. Trước cảnh tình quá bi đát nầy, hơn 10 ngày không có cách gì qua sông, mà giặc phía sau đã gần kề, phía trước chưa mở xong đường máu, tôi nêu ý kiến với anh em trong toán

-Trong hoàn cảnh nầy, tôi không ép anh em theo tôi, anh em cứ tự nhiên canh chừng trực thăng đáp xuống đu theo về trước, Tôi quay qua Mỹ:

- Mỹ, mày ba lô gọn nhẹ đi đi, về ghé nhà tao, nói tao sẽ về sau..

Thằng Mỹ sau mấy lần canh me cùng 2 chú lính đi thoát được… lại thêm mấy chú lính cùng tiểu đoàn chạy lạc gặp tôi xin tá túc, có thêm đông càng tốt. Một phụ nữ trạc 25 tuổi tay bế em bé khoảng 10 tháng tuổi, tay dắt 2 con thơ, từ 3 và 5 tuổi đến trước mặt tôi mếu máo xin được đi nhờ xe… Trên xe đa số là đàn bà con nít, vợ con anh em trong toán, thiếu phụ còn cho biết chồng là Trung úy Thiết Giáp bị thất lạc… Tôi ngần ngừ nhìn mấy mẹ con rồi quyết định cho lên ngồi trên cabin xe… Tôi nhìn thấy thái độ bất mãn của mấy chị em ngồi phía sau xe…, họ ganh tỵ với người lạ sao lại được ưu đãi. Tôi làm lơ như không thấy…. Giúp được cho ai điều gì trong khả năng thì cứ giúp. Tôi không nhớ rõ bao nhiêu ngày nhưng chắc hẵn là không dưới 10 ngày thì cầu phao mới làm xong, giữa cầu hình như là 2 vĩ sắt bắt trên trái nổi vì khi xe chay ngang qua, vĩ sắt chìm xuống mặt nước khoảng 2 tấc.Mỗi lần sang sông chỉ một chiếc xe… Pháo địch tăng nhiều, phía đập Đồng Cam tiếng súng vẫn ầm vang, nhiều trái đạn chỉ cách cầu khoảng 10 mét, lòng sông đầy cát nên khi đạn nổ chỉ có nước và cát văng xa… Có mấy lần tôi chỉ đứng cách trái pháo chừng 5, 6 mét, cát văng lên mặt, tay rát rạt, anh em thảo luận rồi đồng ý lần lượt mỗi hàng xe một chiếc qua cầu, Trong hàng cử một quân nhân có dáng “Ngầu” cầm súng trước trước đầu hàng xe, tám người canh cho xe qua cầu, khi xe của người gác nầy qua cầu thì toán lại cử người khác, cho tới 4 giờ chiều thì tôi được hàng xe đề nghị gác hàng xe với lý do trong hàng toàn lính trẻ, tôi có lon lá dễ ăn nói hơn. Đám đệ tử sửa lại nón sắt cho tôi, một cây AR15 với 2 băng đạn, Trung sĩ Khâm còn màu mè gắn lên dây ba chạc tôi 2 trái mini lựu đạn, Khâm cũng không quên bẻ bâu áo cho lộ 2 bông mai ra ngoài… Nó cười cười :Trông Ông cũng ngầu lắm……Nhịp độ pháo của giặc tăng dần, Délô của tụi nó trong hàng quân nên độ chính xác ngày càng thấy rõ, lòng tôi thấy hồi họp lắm vì xe tôi đã tiến dần lên, thứ 10, rồi thứ9…hạ sĩ Đặng Giác, nón sắt áo giáp, bên cửa xe treo lủnh lẳng cây M16 với 2 băng đạn, miệng ngậm điếu thuốc, tôi đi trước đầu xe hướng dẫn xe qua cầu, nước sông đã bắt đầu lớn, bấy giờ là 5giờ 20 chiều, trời lành lạnh và hoàng hôn đã đến, 2 bánh xe trước chạm vào vĩ sắt, nước ngập gần nửa bánh xe…

Ầm ầm, hai trái đạn nổ cách trung tâm cầu khoảng 5 mét, cát bay mù mịt, tôi mở mắt nhìn qua làn bụi … Nhờ ơn trên không sao …Đề lô đang điều chỉnh gần chính xác cây cầu rồi… Tôi nhìn lên bờ thấy Chấn( khóa 3/68, cùng đơn vị)hàng xe xếp cách tôi khoảng 5 chiếc, đang đứng nhìn tôi hướng dẫn xe, xe lên dốc lên bờ….Tôi khoác vội nước sông rửa mặt, và tự nhiên thấy tối sầm lại, tôi vội ngồi xuống, thằng Khâm nhảy xuống xe xốc nách tôi lên xe… Có lẽ vì ăn uống thất thường,vì sau cơn đau kiết lỵ, vì mất ngủ và vì quá căng thẳng tôi bị suy nhược?

Trời chiều xuống thật nhanh, đường rừng cũng tương đối bằng phẳng, rất nhiều xe tấp vào những gốc cây tạm nghỉ chờ sáng. Xe tôi cũng tìm một vị trí tương đối có nhiều xe chung quanh, tạm dừng chân. Trung sĩ Khâm trong toán chính huấn bắt được một con bọ chắc là của ai sút chuồng, vợ chồng Khâm bận rộn lo nấu nướng, một bao củ hành tây sấy khô , thực phẩm của Mỹ, tôi cũng không hiểu Khâm tìm nó ở đâu, với con dao Khâm khéo léo lột da con bọ, Khâm nhìn tôi cười mỉm:

-Lọai nầy phải làm khô chứ không rửa nước, tôi sẽ xào mặn nó với hành tây, ớt khô và muối.

Trời tối thật nhanh, muổi bắt đầu tấn công dữ dội. Vợ Khâm, cô ca sĩ chính huấn cũng vừa xong nồi cơm, mấy gia đình chung xe cũng đã nấu xong cơm, bên ánh đèn pin, ánh sáng đủ tỏ soi chập chờn mặt mọi người… Mười mấy ngày nay mới được ăn cơm ngồi đàng hoàng, với cơm nóng đúng nghĩa.

Đêm trong rừng lành lạnh, sau một đoạn đường ăn uống thất thường, bệnh họan húp cháo mấy ngày, hôm nay được ăn cơm nóng với thịt bọ xào củ hành, tôi ăn thấy ngon miệng làm sao, làm 4 chén mà miệng còn muốn ăn nữa… Tôi nhớ tới những bữa giổ, ngày tết, tiệc cưới nhà hàng, những tiệc nhậu ở Thanh Hải, Lưởng Nghi, Biên Thùy… Chưa có bữa ăn nào mà tôi cảm thấy ngon như hôm nay.

Đêm nay trăng mười bốn lên sớm… Ánh trăng muôn thuở vẫn ngời sáng tuy có bị chút sương mù, tôi nhìn chung quanh, xe của các bạn đồng hành cũng đều cơm nước xong , mọi người đang chuẩn bị sửa soạn cho chỗ nằm, tôi nằm trong cabin với tài xế để tiện việc luân chuyển lái xe, vì một người ôm vô lăng suốt ngày rất khó chu toàn…Tôi mồi điếu thuốc, nhả từng ngụm khói… Sài Gòn bây giờ ra sao? Tại sao Sài Gòn không có kế họach khả dĩ an toàn cho đoàn quân di tản, hiện tại đài phát thanh Sài Gòn cũng như đài quân đội không có lấy một câu bình luận về việc rút bỏ quân đoàn.Cô bé mắt nâu chắc là lo cho tôi lắm, mẹ tôi và ba tôi có lẽ suốt ngày cầu nguyện cho tôi,người chị thứ năm của tôi đang ở Hàm Rồng, chồng chị phục vụ trong Sư đoàn 23, trung đoàn rời Hàm Rồng lên Ban Mê Thuộc, không biết bây giờ chị tôi và 2 cháu nhỏ ra sau… tàn điếu thuốc, mắt tôi nặng, giấc ngủ tôi biết sẽ đến rất dễ dàng… Tôi đâu có biết sau giấc ngủ nầy, ngày mai tôi và các bạn đồng hành sẽ phải đi trên con đường đầy máu và nước mắt… Gian nan rồi cũng qua, chỉ còn lại là ký ức, vui, buồn, thương, hận… đâu dễ gì trong một sớm chiều mà nhạt phai …

Tôi ngồi đây, viết lại những dòng chữ nầy, trong ký ức, hình ảnh năm xưa hiện rõ trước mắt, cuộc chiến nào mà không tàn khốc, tiếc cho quân đội miền Nam không thiếu anh hùng, không thiếu lòng can đãm….Nhưng cơ trời vận nuớc… Nguyện cầu anh linh quân dân cán chính bỏ mình trên lộ 7 sớm siêu thoát

Viết tại Kỳ Đà Động Tháng 12-2005
THỦY LAN VY
Ý kiến bạn đọc
01 Tháng Ba 20118:00 SA
Khách
trời hỡ trời, tổng thống nhỡ nhơ trước thảm cảnh, vc pháo kích dân lành di tản, người lính kq làm tiền ... bà nội thằng mỹ muốn giúp cũng không nổi , mà có muốn giúp thì thấy cảnh này chắc cũng hết cách, hơn nữa cũng chẳng biết phải từ đâu . dân lành vn & và người lính chân thật là khổ mãi. cám ơn bài viết cũa Chú phần nào đã cho thế hệ sau này được sự thật cũa cuộc chiến VN.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn