Dù không ước muốn và không trông chờ, nhưng cái gì đến nó đã đến: chúng tôi phải vào Quân đội. Chỉ còn một chọn lựa: hoặc đi quân dịch hoặc vào trường Sĩ quan Trừ bị. Tôi và một số bạn chọn vào Trường Thủ Đức! Trong “nhóm” các bạn thân, có “Khánh Bánh Bò” và tôi cùng “xuống núi”, rời bỏ quê hương Đà Lạt để vào Khóa 9 Thủ Đức.
“Khánh Bánh Bò” là cái hỗn danh của các bạn cùng lớp và cùng trường đặt cho Lê Văn Khánh. Số là, vào một dịp trình diễn văn nghệ toàn trường năm chúng tôi học lớp đệ lục Trung học Phương Mai, Đà Lạt; lớp chúng tôi trình diễn một vở kịch, trong đó Khánh thủ diễn vai một anh ba tàu bán bánh bò. Khánh đóng vai đó thật hay, đặc biệt là giả giọng lơ lớ của một anh ba tàu nói tiếng Việt thật là xuất sắc. Sau lần trình diễn đó, cả lớp, cả trường và ngay cả với một số quý vị giáo sư đều gọi Khánh với cái tên rất thân thương: “Khánh Bánh Bò”.
Sau này khi ra đơn vị, Khánh có nhiều “nickname” khác nhau như “Khánh Mập”, “Khánh Voi” nhưng so với cái “chết tên” “Khánh Bánh Bò” của thời chúng tôi thì cái “tên” này vẫn còn đó, vẫn rực sáng, vẫn bất tử mỗi khi nói và nhắc về kỷ niệm của tuổi học trò …
Khóa 9 chúng tôi chính thức khai giảng vào ngày 7 tháng 10 năm 1959, lúc bấy giờ mang tên “Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức”. Khóa dự trù thụ huấn một năm, gồm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 6 tháng.
Các Sinh viên Sĩ quan theo ngành Bộ Binh hoặc tình nguyện chọn Binh chủng Nhảy Dù hoặc Thủy Quân Lục Chiến thì thụ huấn cả 2 giai đoạn tại Trường Thủ Đức. Còn các SVSQ được chọn các Binh chủng chuyên môn khác thì giai đoạn 2 phải học tại các trường của Binh chủng liên hệ như Pháo binh ở Thủ Dầu Một; Truyền Tin, Công Binh ở Vũng Tàu; Quân Nhu, Quân Cụ, Thông Vận Binh ở Sài Gòn v..v.. Sau khi hoàn tất giai đoạn 2 ở các Trường của các Binh chủng, tất cả các SVSQ của Khóa phải về làm lễ mãn khóa tại Trường Thủ Đức.
Tôi là một học sinh ở tỉnh lẻ, bản tánh hiền lành, nhút nhát; từ thuở bé lớn lên và sống gần 20 năm tại thành phố du lịch này nên tánh tình và tâm hồn tôi cũng bị ảnh hưởng của vùng đất trời đầy lãng mạn, đầy mộng mơ …Đùng một cái, bị ném vào một không gian xa lạ, một môi trường sống hoàn toàn khác biệt: bị gò ép phải sống trong khuôn khổ và kỷ luật của một quân trường.
Lúc đầu tôi như chới với, như hụt hẫng vì chưa kịp thích nghi với môi trường mới; tôi lòng nhủ lòng phải cố gắng để tự hòa nhập, cứ coi mình như một cục đá còn nhiều góc cạnh, phải tự gọt, phải tự bào mòn các góc cạnh đi, làm sao cho cục đá tròn trịa hơn cho dễ lăn hoặc nó tự lăn đi vào đời sống mới; và cứ như thế, cục đá tôi lăn đi …
Lúc bấy giờ, gia đình tôi không có bà con hay thân nhân nào ở Sài Gòn cả ngoại trừ gia đình chú Nghĩa ở Bến Vân Đồn, chú Nghĩa là người em kết nghĩa với ba tôi; lần đầu tiên họ quen nhau trên một chuyến xe đò từ Đà Lạt về Sài Gòn mấy năm về trước.
Vì không có bà con ở Sài Gòn nên tôi cũng không tha thiết lắm đến việc đi phép, chỉ lâu lâu mới về thăm gia đình chú Nghĩa mà thôi. Ngay cả những khi có phép cuối tuần, tôi vẫn ở lại trong trường để dành thì giờ viết thư về thăm cha mẹ và các em, vì tôi vốn nặng tình với gia đình. Đặc biệt hơn, tôi thường viết thư về thăm Yvonne, một cô bạn gái người Pháp, quen nhau từ trường Petit Lycée, Đà Lạt và tôi cũng dành thì giờ viết thư cho chị Thành, chị của mấy thằng bạn thân của tôi ở Cầu Đất, Đà Lạt; Chị Thành là người tôi đặc biệt mến thương và viết thư tâm tình nhiều nhất …
Những cuối tuần không đi phép, trừ thì giờ viết thư, tôi xoay ra “gạo” bài, tôi vẫn còn mang nhiều tánh thư sinh và rất ư là chân chỉ hạt bột. Bài loại nào, có thì giờ thì tôi vẫn “gạo” ráo trọi, từ các bài chiến thuật, địa hình, các bài thuộc TVM (Tác xạ, Vũ khí, Mìn), các bài thuộc các binh chủng Pháo binh, Truyền tin, Quân y, Quân nhu, Quân cụ, Thông vận binh …, các bài thuộc về các Cơ quan và Phòng sở, ngay cả các bài về Tâm lý chiến tôi cũng đem ra “gạo” tuốt, đúng là “thừa giấy làm gì chẳng vẽ voi”! Cũng vì cái “tật” gạo bài này mà tôi được “lên chức” (chỉ có một lần thôi) và “lên ruột” không biết đến bao nhiêu lần trong suốt thời gian thụ huấn …
Một cuối tuần, sau khi viết thư xong, như thường lệ tôi đem bài ra “gạo”. Ngoài bài của các môn khác đã học trong tuần vừa qua, kỳ này có bài “vận chuyển cơ hành bộ máy cò súng trường Garant M1” (bài này sẽ được học vào tuần sắp tới). Bài vận chuyển cơ hành này chỉ dài hơn nửa trang giấy quay ronéo, được phát trước cho SVSQ “học” trước và chuẩn bị cho tuần tới.
Tôi đem bài này ra đọc, một lần, hai lần, ba lần … và nhiều lần nữa, nhưng sao rối rắm quá, cứ phải tưởng tượng các cơ phận trong bộ máy cò phải hoạt động như thế nào từ khi “…viên đạn bị kích hỏa, một phần hơi đẩy đầu đạn bay đi, xoáy theo đường khương tuyến của nòng súng, một phần hơi đẩy khối cơ bẩm ngược về phía sau …” và từ đó cơ phận này chuyển động thúc đẩy cơ phận kia, mỗi cơ phận làm một chức năng đặc biệt trong một thế liên hoàn theo một chu kỳ đã định sẵn.
Các danh từ như ngàm, chó lửa, chốt liên hợp, lò xo hoàn lực …và biết bao tên gọi khác, rất là lạ, rất là phức tạp, chúng nó thúc đẩy nhau, phối hợp nhau vận hành trong bộ máy cò đầy “bí hiểm” này. Tôi đọc hoài mà tưởng tượng không nổi chúng nó “làm cái giống gì” trong đó, càng đọc càng thấy rối reng, càng thêm nhức đầu.
Tôi muốn có một cái gì thực tế hơn, cụ thể hơn chứ với hơn nửa trang giấy chỉ nói toàn lý thuyết và bắt tôi tưởng tượng quá nhiều …
Tôi lôi khẩu súng trường Garant M1 của tôi ra, mở bộ máy cò ra ngắm nghía; tôi chỉ thấy con chó lửa, cò súng và một phần của lò xo hoàn lực lòi ra mà thôi, tất cả các cơ phận khác đều nằm khuất trong hộp của bộ máy cò, rốt cuộc coi như vẫn chẳng thấy được gì bên trong, và như vậy thì cũng như không, chỉ đọc và tưởng tượng cái mà tôi đang thắc mắc: chúng nó “làm cái giống gì” trong đó?!
Không chịu đựng nổi tánh hiếu kỳ thôi thúc, cuối cùng tôi quyết định mạo hiểm: mở bộ máy cò. Tôi gọi là “mạo hiểm”, còn hơn thế nữa, một sự “liều lĩnh ghê gớm”, bởi vì chúng tôi đã được các Sĩ quan Huấn luyện viên của Ban TVM nhắc đi nhắc lại nhiều lần là “cấm không được mở bộ máy cò” và ngay cả các Sĩ quan Cán bộ cũng thường dặn chúng tôi như vậy!
Theo tâm lý thông thường, cái gì càng bị cấm thì càng bị thôi thúc làm ngược lại cho thỏa tánh tò mò. Nhưng hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ, còn bị thôi thúc mãnh liệt hơn vì cái nhu cầu thực sự (còn cao hơn sự tò mò), tôi cần muốn biết cụ thể hơn các cơ phận bên trong bộ máy cò hoạt động như thế nào để giải đáp những thắc mắc đang lởn vởn trong đầu.
Tôi chạy đi tìm một cái “tournevis” rồi hăm hở, nhưng với đầy hồi hộp trong lòng, loay hoay mò mẫm mở bộ máy cò. Một lúc sau, khi ấn mạnh vào cái chốt tam hợp, tôi nghe một tiếng “phụt” và sau đó nghe những tiếng lách cách vang lên trong phòng ngủ, lúc đó chỉ có một mình tôi.
Hóa ra, khi cái chốt bị ấn mạnh, bung ra, làm cái lò xo hoàn lực (trong thế bị nén) được bung ra và một số cơ phận khác “bay” ra theo, đụng vào trần nhà và các đồ đạc trong phòng. Sự việc xảy ra quá nhanh, chỉ trong mấy giây thôi nhưng cũng làm tôi hốt hoảng và chới với.
Khi định thần lại, thấy cái hộp của bộ máy cò và một vài cơ phận còn nằm dưới sàn xi măng còn số khác thì bay tung toé đâu cả. Tôi sợ quá, trán và màng tang ướt đẫm mồ hôi, tôi chỉ kịp thảng thốt kêu lên: “Trời ơi! Chết tôi rồi!”.
Gia đình tôi chỉ thờ cúng ông bà, nên tôi không biết khấn Phật hay cầu xin Chúa mà trong tiềm thức tôi như mơ hồ khấn vái hay van xin điều gì đó với những tiếng như: “Xin Ơn trên”, “Xin Ông bà” phù hộ, giúp đỡ cho qua cơn “hoạn nạn” này!
Tôi bò lăn dưới sàn nhà, sờ soạng trên mỗi giường ngủ, trong các góc phòng; mỗi lần nhặt được món gì, tôi mừng húm, đưa lên môi hôn. Người ta thường nói “Mừng như bắt được vàng”, tôi chưa có và chưa biết cảm giác khi bắt được vàng thì mừng ra làm sao, nhưng hôm đó, mỗi lần vớ được một cơ phận của bộ máy cò, tôi mừng đến điếng người và nghe cảm giác lành lạnh chạy dài theo gáy xương sống! Trong hơn nửa giờ đi “săn tìm” các “báu vật”, tôi miên man nghĩ đến điều khủng khiếp nhất: nếu bị phát hiện tôi đã vi phạm điều cấm kỵ, lén mở bộ máy cò và làm mất các cơ phận của nó, thì thế nào tôi cũng bị phạt kỷ luật.
Cho tới lúc đó, tôi chưa hề bị phạt dù với bất cứ hình thức nào, ngay cả phạt “trình diện dã chiến” (ngoại trừ những lần bị phạt tại hiện trường do Thiếu Úy Sự, Huấn luyện viên TVM bắt chạy vòng vòng tại sân huấn luyện). Thuở ấy chúng tôi coi Thiếu Úy Sự như là một “hung thần” về việc phạt tại bãi huấn luyện.
Nội cái vụ phạt “trình diện dã chiến” cũng đã làm tôi ngán ngược, nghe các bạn bị phạt về kể lại những “cực hình” của “trình diện dã chiến” như từ văn phòng phải chạy về phòng ngủ thay quân phục (với thời gian hạn định), hết thay bộ đồ số 4, rồi bộ số 2, rồi bộ số 3 …Với các hình phạt “cả quỷnh”, “vớ vẩn” khác như chạy tới vòi nước, dùng cái nắp của bi đông đựng nước đem lại (nơi văn phòng trình diện) đổ vào cái bi đông cho đến khi bi đông đầy nước. Hoặc phải trả lời những câu hỏi “trời ơi đất hỡi” như “đôi giày brodequin của anh có mấy cái đinh?”.
Tôi ghét cái hình phạt “trình diện dã chiến” này lắm, nhưng với cái viễn ảnh tối thui tối mò của vụ bộ máy cò, chắc tôi phải bị “đi nằm ấp” mất, và cái tương lai đen tối sẽ đến với tôi: cái “cánh gà” đang lởn vởn đón chờ trước mặt!
Trong thời gian thụ huấn, chúng tôi vẫn kháo với nhau và rất sợ cái “Thượng sĩ Láng” thay vì được “Thượng sĩ Gân” và sợ nhất là cái “Cánh Gà” (tức là bị rớt, cho ra trường với cấp bậc Trung sĩ)! Hôm đó trong khi lo săn tìm các cơ phận của bộ máy cò, tôi thầm cầu xin: “Nếu có bị phạt, tôi xin nhận mấy chục cái ‘trình diện dã chiến’ cũng được chứ đừng cho tôi cái ‘cánh gà’”…
Sau hơn nửa-giờ-dài-nhất-đời-tôi, tôi gom được một mớ “xà bần” cơ phận của bộ máy cò. Cũng chẳng biết đã đủ chưa? Nhưng thôi, cứ cố gắng ráp vào xem sao! So với các danh mục trong tài liệu, tôi rất mừng vì đã gom đủ số và tôi bắt đầu vừa đọc bài vừa ráp “nguội” dưới sàn nhà.
Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ tôi “vờn” với các “báu vật đã tìm thấy” của tôi, tôi đâm ra nhuần nhuyễn và tôi đã thuộc vanh vách bài vận chuyển cơ hành của bộ máy cò lúc nào không hay! Giai đoạn cuối cùng và cũng không kém phần gay cấn, ráp lại bộ máy cò: phải ráp thật sự vào “hộp” của nó!
Rút kinh nghiệm lần mở ra đầu tiên, tôi sợ nhất là bị bung cái lò xo hoàn lực, tôi đem bộ máy cò leo lên giường và buông mùng xuống. Nếu lỡ bị bung, các cơ phận vẫn còn trên giường, khỏi phải vất vả chân lấm tay bùn đi săn tìm như lúc đầu.
Giống như một số các bạn khác, giường của tôi là “giường thờ”, không dám nằm, sợ nó bị nhăn, bị thụng và các góc giường bị chùng, sáng ngủ dậy nếu không đủ thì giờ làm giường và căng giường cho đúng qui cách thì sẽ bị phạt. Nhưng hôm đó, vì lý do an toàn, tôi đành phải hy sinh, phải “thượng” lên giường trong khi ráp lại bộ máy cò cho chắc ăn!
Tôi nhớ mãi nhớ hoài ngày Chủ nhật hôm đó, từ gần trưa cho đến xế chiều, khi các bạn lục đục trở về sau thời gian thăm gặp thân nhân và gia đình tại khu vực Câu lạc bộ Sinh viên Sĩ quan -thời gian này chúng tôi chưa được đi phép cuối tuần, nhưng thân nhân được phép vào thăm trong chiều Thứ bảy và ngày Chủ nhật- thì cái “mission impossible” của tôi cũng đã hoàn tất.
Cây Garant M1 của tôi đã được trả về vị trí cũ của nó, cho đến lúc đó, không ai hay biết gì về việc tôi đã “vớ vẩn” với “trái cấm”. Suốt mấy tiếng đồng hồ tôi đã “quậy” cô Em Một của tôi, thậm chí tôi đã dám “cả gan” đột nhập vào “thâm cung bí sử” của “Nàng”. Tôi đã trải qua những giờ “thót … lên càng cổ” với cái viễn ảnh đen tối: cái “cánh gà” lởn vởn, tòn teng trước mặt ...
Tối hôm đó, các bạn đã về đầy đủ, như thường lệ, các mẫu chuyện vui của lần thăm gặp gia đình được kể râm ran. Tôi vui lây với những niềm vui của các bạn và riêng mình, tôi cảm thấy thật vui và thật hạnh phúc vì tôi vừa thoát khỏi một “tai nạn” và hơn nữa, tôi đã thuộc lòng bài vận chuyển cơ hành của súng trường Garant M1.
Trong khi đó một số bạn đem bài ra học trước và cứ than như bộng, sao bài này rắc rối và khó quá dzậy cà!
Như chương trình thường lệ, tối thứ hai cả trung đội lên lớp học; đây là buổi học bắt buộc do Sĩ quan Cán bộ phụ trách. Đêm đó, Chuẩn úy Nguyễn Huy Trầm, Sĩ quan Cán bộ phụ trách trung đội chúng tôi hướng dẫn lớp học. Thường thì có 2 phần: phần đầu là ôn lại và giải đáp những thắc mắc nếu có liên hệ đến các bài học và sinh hoạt chung trong tuần qua; phần thứ hai là dượt lại một số bài học (mà tài liệu đã được phát trước cho Sinh viên Sĩ quan) để chuẩn bị cho các môn học trong tuần lễ sắp tới. Đặc biệt tối nay Chuẩu úy Trầm sẽ chỉ định một Sinh viên Vũ khí hiện trung đội chưa có.
Phần đầu thông qua, không có gì đặc biệt nhưng đến phần thứ hai thì… có vấn đề! Khi dượt đến bài “Vận chuyển cơ hành của bộ máy cò súng trường Garant M1”, Chuẩn úy Trầm gọi 3,4 Sinh viên lên để trình bày xem họ hiểu thế nào về bộ máy cò? Không một ai nói hoặc trình bày rõ ràng và thông suốt bài này cả, vài người đưa ý kiến: bài này rắc rối quá, khó tưởng tượng nổi vì chỉ toàn là lý thuyết phức tạp, hơn nữa vì không được phép mở bộ máy cò nên làm sao thấy được sự vận chuyển cơ hành của nó như thế nào? (Đâu ai dám nêu lên một sự thật: sau ngày cuối tuần thăm gặp gia đình, thân nhân hoặc bạn bè, ngay cả những người còn độc thân, chưa có bạn gái cũng “bám trụ” tại CLB/SVSQ để “rửa mắt” cho … đỡ ghiền. Khi trở về phòng, người nào cũng cảm thấy đê mê và mệt nhoài, ai có thiện chí lắm thì đem bài ra xem qua, đọc một vài lần, thấy nó lôi thôi rắc rối quá bèn dẹp nó qua một bên, đợi hôm nào Huấn luyện viên giảng thêm ắt sẽ biết … )
Chuẩn Úy Trầm nhìn khắp cả phòng học rồi hỏi xem có ai tình nguyện lên trình bày bài học?
Cả phòng học im phăng phắc!
Tôi quan sát mặt Chuẩn Úy Trầm hơi tái đi và hiện rõ sự thất vọng. Đến khi Chuẩn Úy Trầm hỏi lần thứ hai, cũng không thấy ai đưa tay tình nguyện.
Lúc bấy giờ không biết tại sao tay tôi vung lên như một phản xạ trong vô thức (tánh tôi vốn nhút nhát nhưng không biết tại sao lúc đó “thần hồn nhập thần tính” làm sao đó, tay tôi vung lên và tôi nghe cảm giác “nổi da gà” sau gáy!).
Dĩ nhiên, cả phòng học nhìn về phía tôi và coi tôi như một “Lê Lai cứu Chúa” vậy.
Chuẩn Úy Trầm ra hiệu cho tôi lên bục và bảo tôi trình bày bài vận chuyển cơ hành của bộ máy cò.
Tôi hơi run, cố hít hơi thở để lấy thêm can đảm và bắt đầu …“mở máy”.
Càng nói tôi càng tự tin và tối hôm đó tôi đã “thao thao bất tuyệt” trình bày rạch ròi, khúc chiết bài bộ máy cò như một “Guấn liệng dziên” thứ thiệt! Tôi trình bày không phải một lần mà hai, ba lần như vậy khi có ai nêu lên thắc mắc hoặc đặt câu hỏi.
Cả phòng học xôn xao làm mất cái không khí im lặng, căng thẳng lúc đầu. Tôi còn ghi nhận giọng Thinh (tôi quên mất họ), ngồi khoảng mấy dãy ghế đầu vang lên như một thắc mắc, như một thích thú: “Thằng Tôn? Sao nói giỏi …dzậy cà!”
Vào cuối giờ học, khi những căng thẳng, những buồn vui đã lắng xuống, Chuẩn Úy Trầm gợi ý sẽ chọn một Sinh viên Vũ khí cho Trung đội theo lệnh của Trung Úy Nguyễn Khắc Kỳ, Đại Đội Trưởng. Tôi như một “ngôi sao sáng” tối hôm đó, được chỉ định và được chọn. Tôi trở thành Sinh viên Vũ khí của Trung đội từ hôm đó cho đến ngày mãn khóa!
Trước đó, Trung đội chúng tôi chỉ có một “Chức sắc”, đó là Sinh viên Trung Đội Trưởng (hay Sinh viên Kỷ luật) Đặng Kim Lê. Thời đó Sinh viên Trung Đội Trưởng thì le lói và oai … thấy mẹ! Được mang Alpha đỏ đặc biệt, nhìn vào thì biết ngay đó là “chức sắc”, lúc nào cũng hô hoán “ắc ê” Trung đội khi cả Trung đội di chuyển, đi học hoặc đi ăn. Sinh viên Trung Đội Trưởng có quyền “sinh sát” Trung Đội như một Sĩ quan Cán bộ, lúc tập họp mà làng chàng thì SV/Trung Đội Trưởng Đặng Kim Lê cho phạt chạy mấy vòng sân thì có nước bỏ bú!
Sinh viên Vũ khí được coi như một “chức sắc” của Trung đội về khoản được đặc ân đi phép cuối tuần (tuần nào cũng được đi phép và được miễn gác).
Những bạn có vợ hay có bồ thì khoái cái mục đi phép này lắm. Còn tôi, thì “có cũng như không” vì tôi không có bồ hay thân nhân ở SàiGòn nên tôi rất ít đi phép mà ngược lại đôi khi còn “tròng tréo” ở lại Trường gác thế cho các bạn khác khi cần …
Đời SVSQ, ai ai cũng có những kỷ niệm buồn vui! Đa số còn trẻ ở vào tuổi học sinh, sinh viên, vẫn có những cái lớ ngớ của tuổi học trò. Bước vào quân trường, cái gì cũng lạ lẫm làm mình thêm bỡ ngỡ, thường để lộ ra những cái lẩn thẩn, vụng về rất đáng nhớ và rất đáng yêu!
Riêng cái phần Sinh viên Vũ khí của tôi, vui thì ít mà “lên ruột” thì quá nhiều và cũng vì cái phần hành này mà tôi phải “dính” với một người bạn đáng ghi nhớ một đời! Trung đội của chúng tôi lúc bấy giờ có Đặng Bá Nhẫn, người Nam, dáng tầm thước nhưng rắn rỏi. Nhẫn thường xuyên bị kiết nên nhiều lần Trung đội đi học ngoài bãi, Nhẫn khai bệnh xin được ở nhà. Vào dịp Trung đội tập bắn trung liên FM/BAR, cái khổ của anh Sinh viên Vũ khí là phải chùi sạch mấy chục khẩu FM, đặc biệt là phải thông nòng thật sạch trước khi trả lại cho nhà kho.
Vào cuối giờ học, khi những căng thẳng, những buồn vui đã lắng xuống, Chuẩn Úy Trầm gợi ý sẽ chọn một Sinh viên Vũ khí cho Trung đội theo lệnh của Trung Úy Nguyễn Khắc Kỳ, Đại Đội Trưởng. Tôi như một “ngôi sao sáng” tối hôm đó, được chỉ định và được chọn. Tôi trở thành Sinh viên Vũ khí của Trung đội từ hôm đó cho đến ngày mãn khóa!
Trước đó, Trung đội chúng tôi chỉ có một “Chức sắc”, đó là Sinh viên Trung Đội Trưởng (hay Sinh viên Kỷ luật) Đặng Kim Lê. Thời đó Sinh viên Trung Đội Trưởng thì le lói và oai … thấy mẹ! Được mang Alpha đỏ đặc biệt, nhìn vào thì biết ngay đó là “chức sắc”, lúc nào cũng hô hoán “ắc ê” Trung đội khi cả Trung đội di chuyển, đi học hoặc đi ăn. Sinh viên Trung Đội Trưởng có quyền “sinh sát” Trung Đội như một Sĩ quan Cán bộ, lúc tập họp mà làng chàng thì SV/Trung Đội Trưởng Đặng Kim Lê cho phạt chạy mấy vòng sân thì có nước bỏ bú!
Sinh viên Vũ khí được coi như một “chức sắc” của Trung đội về khoản được đặc ân đi phép cuối tuần (tuần nào cũng được đi phép và được miễn gác).
Những bạn có vợ hay có bồ thì khoái cái mục đi phép này lắm. Còn tôi, thì “có cũng như không” vì tôi không có bồ hay thân nhân ở SàiGòn nên tôi rất ít đi phép mà ngược lại đôi khi còn “tròng tréo” ở lại Trường gác thế cho các bạn khác khi cần …
Đời SVSQ, ai ai cũng có những kỷ niệm buồn vui! Đa số còn trẻ ở vào tuổi học sinh, sinh viên, vẫn có những cái lớ ngớ của tuổi học trò. Bước vào quân trường, cái gì cũng lạ lẫm làm mình thêm bỡ ngỡ, thường để lộ ra những cái lẩn thẩn, vụng về rất đáng nhớ và rất đáng yêu!
Riêng cái phần Sinh viên Vũ khí của tôi, vui thì ít mà “lên ruột” thì quá nhiều và cũng vì cái phần hành này mà tôi phải “dính” với một người bạn đáng ghi nhớ một đời! Trung đội của chúng tôi lúc bấy giờ có Đặng Bá Nhẫn, người Nam, dáng tầm thước nhưng rắn rỏi. Nhẫn thường xuyên bị kiết nên nhiều lần Trung đội đi học ngoài bãi, Nhẫn khai bệnh xin được ở nhà. Vào dịp Trung đội tập bắn trung liên FM/BAR, cái khổ của anh Sinh viên Vũ khí là phải chùi sạch mấy chục khẩu FM, đặc biệt là phải thông nòng thật sạch trước khi trả lại cho nhà kho.
Tôi có quá nhiều kinh nghiệm với mấy anh quân nhân ở nhà kho này, họ đã làm tình làm tội tôi mỗi khi đem vũ khí hay các quân dụng khác trả lại. Vào mùa bắn trung liên, tôi “hãi” lắm!
Trên nguyên tắc, mỗi SVSQ phải lau chùi vũ khí thật sạch trước khi nạp cho tôi để tôi trả lại nhà kho. Nhưng khổ nổi “phe ta” làm biếng thấy mẹ, cứ lau đại khái chủ nghĩa, đem giao cho tôi. Tánh tôi thì hiền lành, cả nể, tôi chưa hề “bất” bất cứ bạn nào, do đó tôi phải “lãnh búa” khi trả lên kho.
Một mình tôi mà thông nòng và chùi sạch mấy chục khẩu FM cho vừa ý mấy anh quân nhân trên kho thì có nước “thác”!
Hôm đó tôi đang hùng hục “chân lấm tay bùn” với mấy chục khẩu FM thì Nhẫn xuất hiện (Nhẫn khai bệnh và được ở nhà hôm đó).
Nhẫn đến rù rì với tôi: “Mày xin với Chuẩn Úy Trầm cho tao làm phụ tá cho mày, mỗi lần chùi súng tao ở nhà giúp mày. Chớ tao thấy một mình mày quần quật làm bá thở như vậy, tao thấy tội nghiệp mày quá!”.
Nói xong Nhẫn lăng xăng phụ tôi thông nòng, tháo từng cây FM lau chùi từng cơ phận rồi ráp vào, rồi chùi và chà giấy nhám vào từng đế súng nữa. Tôi thấy thằng “Nhẫn kiết” sao mà được việc quá chừng chừng và sau đó tôi trình xin Chuẩn Úy Trầm cho Nhẫn phụ với tôi.
Chuẩn Úy Trầm đã được tôi trình bày về cái sự làm khó làm dễ của nhà kho từ lâu nên rất thông cảm với tôi. Cho nên khi tôi đề nghị cho Nhãn ở nhà phụ với tôi thì ông đồng ý ngay, vì đằng nào thì Nhẫn vẫn thường khai bệnh ở nhà!
Từ đó Nhẫn được mặc nhiên công nhận là “Phụ tá Sinh viên Vũ khí” mặc dù không chính danh và không có văn kiện chính thức.
Nhẫn cật lực giúp tôi và tôi rất sung sướng có được một thằng bạn phụ tá đắc lực. Nhưng (ở đời lúc nào cũng có những chữ “nhưng” như vậy) chỉ được một vài lần đầu thôi …Sau đó, những lần được ở nhà với chức năng “Phụ tá Sinh viên Vũ khí”, Nhẫn “lặn” mất tiêu. Tôi đi tìm để nhờ nó ra tiếp tay, nó cũng ráng hụ hợ giúp một chút rồi than đau bụng quá, rồi “lặn” tiếp! Cứ như thế, chỉ khi nào thấy tôi rất ư là khẩn cấp, Nhẫn mới ra phụ một chút, còn không thì cứ để mặc kệ tôi. Lúc đầu tôi rất bực, nhưng lâu dần, “đời mình cũng … quen”, hơn nữa thấy Nhẫn ôm bụng than đau, tôi chẳng biết mô tê gì về bệnh kiết nên cũng không dám nhờ “ông phụ tá” giúp nữa!
Trong một khóa học, chỉ trừ cái súng trường Garant M1, mỗi SVSQ được giữ tại phòng ngủ, còn các loại vũ khí khác: trung liên, tiểu liên, đại liên các loại, súng cối v..v.. và các dụng cụ khác liên quan đến các môn học như ống dòm, địa bàn, sa bàn, họa bản v..v.. đều phải mượn tại nhà kho. Như đã nói, tôi rất “hãi” mấy ông nội ở nhà kho của SVSQ, từ “ông Binh nhì” trở lên. Gặp cở mấy “ông Hạ sĩ” thì còn “hãi” thêm, chưa nói tới mấy “ông Trung sĩ”, đụng tới mấy ông này là muốn “són đái ra quần”. Vì mấy ổng mà “bất” thì ôm cả một đống súng về mà thông nòng lại, mà chùi sạch lại thì chỉ có nước ngất ngư con tàu đi!
Tôi còn nhớ “ông Hạ sĩ Bé” làm ở nhà kho, tôi “đụng độ” với ông ta nhiều lần và tôi đã biết bao lần ngậm bồ hòn làm ngọt với “ông” này. (Về sau Bé được đi học Khóa 10).
Tôi thường nói chuyện với các bạn bè và ai cũng đồng ý là, Sinh viên Sĩ quan ở trong quân trường là một con số không to tướng, “rét” từ “ông Binh nhì” trở đi!!!
Câu khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi, Sa trường bớt đổ máu” thật có ý nghĩa, đối với tôi lại càng thấm thía hơn vì tôi đã biết bao lần ôm mấy đống súng về “vật lộn” với chúng để cho vừa lòng mấy “ông nhà kho”.
Ngoài mồ hôi đổ ra ở thao trường như các bạn cùng khóa, tôi còn đổ thêm biết bao “mồ hôi phụ trội” cho cái vụ Sinh viên Vũ khí này. Tôi rất “hãi” cái chức vụ này và lòng bảo lòng … “kiếp sau, nếu có phải vào quân trường, tôi nhất định không bao giờ chịu làm Sinh viên Vũ khí!”
Khóa 9 chúng tôi dự trù thụ huấn 1 năm, nhưng xui cho chúng tôi là bị rơi vào một biến cố lịch sử, nên thời gian thụ huấn kéo dài thêm. Trong tháng 10/1960 khóa chúng tôi thi mãn khóa, Trung Tá Vương Văn Đông (thuộc binh chủng Nhảy Dù) làm Chánh Chủ khảo kỳ thi mãn khóa của khóa 9.
Bất ngờ, biến cố lịch sử xảy ra: ngày 11 tháng 11 năm 1960 lực lượng đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm do Đại Tá Nguyễn Chánh Thi (thuộc binh chủng Nhảy Dù) cầm đầu.
Cuộc đảo chánh bất thành, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và tất cả các đơn vị trưởng các đơn vị đảo chánh đào thoát qua Cao Miên, trong đó có cả Trung Tá Vương Văn Đông. Biến cố này gây ảnh hưởng trực tiếp đến cả khóa 9, chẳng biết tin đồn từ đâu đưa đến làm anh em bàn tán xôn xao: nào là Trung Tá Chánh chủ khảo tham gia đảo chánh nên cả khóa 9 rớt hết, cho ra trường với cấp bậc Trung sĩ; nào là phải tổ chức thi mãn khóa lại; nào là “Cụ” ghét mấy ông đảo chánh lắm nên giận cá chém thớt, “Cụ” cứ ngâm tôm cái khóa 9 này, không cho “xoọc ti” … Cái điều chán chường trước mắt là suốt cả tháng 11 lên cơn sốt, cả khóa tập diễn hành và tập lễ mãn khóa, khi thì với bộ đồ số 4 (bộ đồ trận) và đội nón sắt, khi thì với với bộ đồ số 2 (bộ đồ kaki tay dài và ống quần dài) cũng với cái nón sắt trên đầu, trông không giống con giáp nào cả! Tập thì tập vậy nhưng trong lòng cứ thấp thỏm, phập phồng, mặt mày anh nào anh nấy cứ dài thoòng thấy mà phát chán!
Trường Bộ Binh và Trường của các Binh chủng khác đệ trình danh sách các Sinh viên Sĩ quan xuất sắc để thành lập “Thủ khoa đoàn” của Khóa 9.
Tôi là một thành viên thuộc Trường Bộ Binh được đề nghị vào Thủ khoa đoàn, cũng tập múa kiếm mất mấy hôm. Nhưng đến hôm Trung Tá Nguyễn Đức Thắng, Tham Mưu Trưởng Trường Bộ Binh (sau này là Trung Tướng) ra vũ đình trường duyệt lại thành phần Thủ khoa đoàn, tôi và một số bạn khác bị loại.
Một trong những thành viên “Thủ khoa đoàn” thuộc Trường Bộ Binh còn đọng lại tới giờ chót là Trần Văn Phến. Đúng ra Phến được chọn làm Thủ Khoa, nhưng khi “coi giò coi cẳng” lần cuối cùng, Phến không được chọn!
Câu “coi giò coi cẳng” thường được hiểu theo nghĩa bóng là xem xét lại trạng huống, điều kiện của một vấn đề nào đó; còn ở đây “coi giò coi cẳng” áp dụng với Phến theo nghĩa đen hoàn toàn.
Phến có điểm ra trường cao, to con, đủ tiêu chuẩn làm Thủ khoa; nhưng rất tiếc cặp giò của Phến không được thẳng lắm nên đành để chức Thủ khoa rơi vào Lương Văn Hoa (thuộc Trường Pháo binh).
Khi nhắc đến Trung Tá Nguyễn Đức Thắng, thì không thể nào quên Trung Tá Vĩnh Lộc (sau này cũng là Trung Tướng), thuộc Trường Thiết Giáp (cũng nằm trong Liên Trường). Trung Tá Vĩnh Lộc thường cưởi chiếc mô tô Harley, trông rất đẹp trai và rất hào hùng.
Nhắc đến các vị Sĩ quan cấp Tá mà không nhắc đến Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Chỉ Huy Trưởng Liên Trường là một điều thiếu sót; cứ mỗi lần tôi đi ngang tư dinh của Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng, lúc nào cũng vậy, nghe nó ơn ớn làm sao!
Là một cậu học trò tỉnh lẻ, một sớm một chiều bước vào quân trường, cái gì cũng làm mình lạ lùng, bỡ ngỡ. Bất cứ “nhân vật” nào, cho dù là Hạ sĩ quan Huấn luyện viên, Sĩ quan Huấn luyện viên hoặc Sĩ quan Cán bộ, trong mắt tôi, lúc nào họ cũng “vĩ đại” và “cao vời”.
Tôi nhắc đến một vài “nhân vật” ở đây để gợi nhớ cho các bạn ở vào thời “ngơ ngơ ngáo ngáo” của tụi mình …
Các bạn còn nhớ Thượng sĩ Hòa, người Nam, Huấn luyện viên cơ bản thao diễn? Riêng tôi, thời gian đầu, nhìn thấy ông tôi khớp quá! Tôi và một số bạn rù rì, nói lén với nhau: “ăn gì to lớn đẫy đà thế kia?”. Quả thật Thượng sĩ Hòa to lớn và đẫy đà quá chừng làm tôi phát khớp. Mỗi lần nghe ông hô đếm bước, chân tôi cứ ríu cả lên …
Hàng ngũ Sĩ quan Cán bộ, tôi vẫn còn ghi đậm nét: ngoài Chuẩn Úy Trầm, người Bắc, không cao lớn lắm và hơi mập, lúc nào cũng ra vẽ bệ vệ.
Chuẩn Úy Hồ Tấn Luy, người Huế, dong dõng cao, mắt sáng quắc (năm 1969, ông là một trong những Huấn luyện viên phụ trách khóa PRAISE –Program-Review-Analysis-Improvement-System “hệ thống cải tiến, phân tích và duyệt xét một chương trình” mà tôi theo học tại Bộ Tổng Tham Mưu).
Thiếu Úy Huy Huệ, ngưòi Bắc, trắng trẻo, đẹp trai, thường cưởi chiếc xe vespa màu xanh trông thật lã lướt. Nghe đâu ông đang cặp bồ với cô Lan ở Câu lạc bộ Khóa sinh, gần rạp xi nê, cuối Trường Thiết giáp? (Mấy năm sau, qua tin đồn trong toàn quân, cô Lan CLB/Khóa sinh là nguyên nhân gây ra cái chết của Thiếu Tướng Hồ Văn Tố, lúc bấy giờ là Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức!?)
Trung Úy Vàng, người Nam, hơi móm, tay hơi cán vá nhưng hiền lành, dễ thương.
Trung Úy Nguyễn Khắc Kỳ, người Bắc, Đại Đội Trưởng, ôm ốm, lúc đứng trước Đại đội, ông hô “nghiêm” nhưng nghe như “u ..uôm” v..v..
Sĩ quan Huấn luyện viên: chắc chắn một trăm phần trăm không ai có thể quên Thiếu Úy Sự, người Nam, thuộc Ban TVM (Tác xạ, Vũ khí, Mìn). Ông dạy rất hay nhưng ông là một “hung thần” phạt chạy toé khói, cái gì cũng phạt, hở ra là phạt, khóa chúng ta rất ít người thoát khỏi cảnh “ôm đầu máu” của Thiếu Úy Sự.
Ban TVM còn có Trung Úy Đoàn Thức, người Huế, rất uyên bác trong khoa huấn luyện; điềm đạm, hiền lành và không phạt sinh viên (tình nguyện về Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến từ năm 1964, sau này là Trung Tá, có thời gian ở cùng đơn vị với tôi, chúng tôi thường gọi “thầy” là “Thầy Từ Thức”, “thầy” cũng đi tù ngoài Bắc, bị bệnh xơ gan cổ chướng nằm chờ chết ở Phủ Lý, Cộng sản tha cho về, hơn tháng sau “thầy” qua đời vào tháng 3 năm 1980 tại Phú Nhuận).
Trung Úy Trực, người Bắc, Huấn luyện viên Chiến thuật, dạy rất hay, những lần huấn luyện ngoài bãi, ông thường kể chuyện tiếu lâm hoặc hát, hoặc ngâm thơ cho Sinh viên nghe trước khi vào đề tài … Trên Bộ Chỉ Huy thì có Đại Úy Hoàng, về sau là Thiếu Tá Vĩnh Biểu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn Khóa sinh.
Một sĩ quan nữa chắc anh em Khóa 9 chúng ta khó quên, đó là Chuẩn úy Nguyễn Văn Thanh, thủ khoa Khóa 7 Thủ Đức, sau khi mãn khóa, ông ta ở lại làm Sĩ quan Cán bộ, thời Khóa 9, ông ta là Sĩ quan Kỷ luật của Trường.
Ở dưới doanh trại của Sinh viên Sĩ quan, có 2 nhân vật rất là gần gủi và thân thiết đối với SVSQ, đó là 2 anh quân nhân: anh Năm, bán hột vịt lộn và anh Kiếm, bán chè, bán cháo.
Hai anh này thuộc nằm lòng chương trình huấn luyện của từng Đại đội, ngày nào học ở trong trường, ngày nào đi bãi, mấy giờ ở bãi về v..v.. Nhiều đêm đi bãi về, bất cứ giờ nào cũng thấy anh Năm, anh Kiếm đợi sẵn ở doanh trại để bán hang; nhờ vậy mà “phe ta” được bồi dưỡng rất là đúng mức. Hai anh này nhớ và thuộc tên “phe ta” vanh vách, vì các anh cho “à la ghi” (ghi sổ thiếu chịu, tới tháng lãnh lương mới trả tiền). Thậm chí, khi “phe ta” kẹt dzỏ, không có tiền đi phép, thì hai anh ứng cho “mượn” trước mớ nhắm, nhờ đó mới có chút ít mà rủng rỉnh với em út khi đi phép! Dĩ nhiên các anh cho vay theo lãi xuất “xanh xít đít đui” của “thị trường” lúc bấy giờ (cinq-six, dix-douze: có nghĩa là mượn năm trăm thì trả sáu trăm, mượn một ngàn thì trả ngàn hai …)
Dĩ nhiên, tôi không nhớ hết những “nhân vật” nổi bật liên quan và gần gũi với Khóa 9, tôi chỉ ghi nhận (qua góc nhìn của tôi) với “bộ nhớ” đã cũ, mòn về những con người và sự việc đã xảy ra gần 45 năm về trước.
Về phía anh em SVSQ cũng có nhiều “nhân vật” và “sự việc” nổi bật. Trong phạm vi bài này tôi chỉ đi thoáng qua một hai nhân vật mà thôi (vì bài viết đã quá dài).
Gần với tôi nhất là nhà Vô địch Bóng bàn Pháp quốc Lê Văn Tiết, Tiết đạt danh hiệu này khi tranh giải Vô địch Pháp quốc năm 1958. Hồi nhỏ tôi rất mê thể thao, đặc biệt là môn bóng bàn (thời đó đã từng nổi danh trong vùng Châu Á) do đó các tay vợt lừng lẫy một thời như Mai Văn Hòa, Trần Văn Liễu, Lê Văn Tiết, Nguyễn Văn Hằng v…v…
Vào Khóa 9, tôi lại được ở chung Trung đội với Tiết, lại được chung phòng và ngay cả chung giường (phải nói rõ là giường đôi, Tiết giường trên, tôi giường dưới, nếu không có người méo mó tưởng “chung giường” đồng nghĩa Tiết và tôi là “gay” thì thêm phiền!).
Sau thời gian huấn nhục 3 tháng, lúc được đi phép, cứ y như rằng, mỗi lần đi phép về, Tiết đem vô Trường một số thức ăn mà Tiết gọi là “đồ ăn dặm”; thiếu gì thì thiếu nhưng nhất định không thể thiếu hủ mắm thái.Tôi còn nhớ mãi hình ảnh, trước khi tập họp đi ăn cơm, Tiết lấy hủ mắm thái dấu sau cột nhà trước hành lang, ra đứng sắp hàng nghiêm chỉnh.
Sinh viên Trung đội trưởng Đặng Kim Lê hô hoán tập họp, đi từng hàng kiểm soát xong, trở về vị trí chỉ huy, ắc ê cho Trung đội di chuyển về nhà ăn. Nhanh như chớp (còn nhanh hơn cú “tờ riu” sở trường của mình), Tiết dzọt ra phía sau, chốp hủ mắm thái, nhét vào áo, phóng trở lại vị trí trong hàng quân để tiến về nhà ăn. Các động tác này xảy ra rất lẹ, nếu không, Đặng Kim Lê bắt gặp thì không thể nào thoát khỏi bị phạt chạy mấy vòng sân. (Thuở đó, Sinh viên Trung đội trưởng Đặng Kim Lê mặt rất “ngầu” làm anh em trong trung đội “rét” thấy mẹ!)
Một nhân vật khác trong khóa 9, rất nổi tiếng, không phải tự mình làm cho mình nổi tiếng, mà “ké” vào tên tuổi của bà xã! Đó là Nguyễn Thanh Lân, chồng của Người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng.
Còn nhớ lại, trong thời gian 3 tháng huấn nhục, chưa được đi phép, SVSQ được phép đón thân nhân vào thăm tại khu vực Câu lạc bộ SVSQ. Mỗi người, tùy theo hoàn cảnh của mình: còn độc thân chưa có bồ, còn độc thân nhưng đã có bồ hoặc đã có vợ v..v.. những lần thăm nuôi đó đều có nhiều ý nghĩa và có nhiều kỷ niệm.
Nhưng nổi bật nhất và rình rang nhất, có lẽ là cặp Thẩm Thúy Hằng/Nguyễn Thanh Lân và cũng vì cặp này mà rất nhiều SVSQ bị vạ lây (bị phạt chạy vòng vòng chung quanh Câu lạc bộ).
Số là mỗi lần cô Thẩm lên thăm đều kéo theo một vài người bạn, dù không đẹp bằng Người đẹp Bình Dương nhưng cũng rất là “mướt”. Ở khu vực cô Thẩm và Lân thì khỏi phải nói, lúc nào cũng đông “khách”. “Phe ta” thừa cơ hội ghé đến “nhá đèn” các người đẹp, bắt chuyện làm quen hoặc xin ảnh cô Thẩm … Rất nhiều bạn trong phe ta bị “họa” vì “bu” quá nhiều chung quanh cô Thẩm.
Chuẩn Úy Thanh, Thủ khoa Khóa 7/Sĩ quan Kỷ luật và một số SVSQ đàn anh (Khóa 8) đã xử dụng “quyền hành” của mình để phạt “phe ta” chạy té …khói!
Vì tánh hiếu kỳ, tôi cũng lên Câu lạc bộ một vài lần khi Thẩm cô nương đến thăm chồng, nhưng không dám “bu” rần rần như một số bạn khác; chỉ dám ngồi xa xa để xem Người đẹp Bình Dương đẹp như thế nào thôi chứ không dám nhào tới xin ảnh.
Tôi rất nhát và càng “rét” hơn khi thấy một số “phe ta” bị phạt này nọ bởi các giới chức có thẩm quyền.
Tôi lúc nào cũng tránh né, không dám chạm trán các “giới chức” này; cứ học nằm lòng câu “tránh voi chẳng hổ mặt nào” cho chắc ăn!
Vụ xin chữ ký của cô Thẩm cũng có nhiều chuyện ly kỳ lắm, thường thường cô Thẩm ký vào ảnh và tặng cho các người ái mộ -có trường hợp đặc biệt, cô Thẩm ngay cả còn ký luôn vào áo của người ái mộ nữa- như trường hợp Sinh viên Trung đội trưởng Đặng Kim Lê.
Một lần tháp tùng đoàn thân nhân, tiễn cô Thẩm ra tận cổng Trường, Lê đã được người đẹp “đè” ra ký cho một chữ to tổ bố đằng sau lưng, sướng đến mê tơi! Nhiều người trong “phe ta” rất ganh với Lê về cái “ân huệ” đặc biệt này!
Đặng Kim Lê cũng là một trong những “dân chơi tới bến”, dám “xé rào” và “phá lệ” làm những điều mà lúc bấy giờ, chỉ nghe thôi, tôi đã phát khiếp!
Trong trường, SVSQ chỉ được phép đến ăn uống tại Câu lạc bộ SVSQ và Câu lạc bộ Khóa sinh mà thôi; cấm chỉ không được đến khu ăn uống ngoài trời (đặc biệt về ban đêm) dành cho quân nhân các cấp và các khóa sinh khác nằm trong Liên Trường.
Vậy mà, rất nhiều lần Đặng Kim Lê đã “giả dạng thường dân Nam Bộ”, lột bỏ alpha trên cầu vai, trà trộn vào nhậu trong khu này vì “trong khu này mới có đủ thứ rượu ngon và ‘mồi’ thì rất ‘tới’” Lâu lâu nghe Lê bật mí như vậy!
Khi nói về Thẩm Thúy Hằng, tôi vẫn còn nhớ như in về tên tuổi của người đẹp Bình Dương được đám bạn tù chúng tôi thường xuyên nhắc đến trong những năm đi tù trên đất Bắc.
Thời gian chúng tôi còn ở các trại vùng Hoàng Liên Sơn (từ 1976 đến 1978, còn do Bộ Đội Cộng sản quản lý, thời gian này chẳng có quà cáp gì cả và ngay cả thăm nuôi, dĩ nhiên, cũng chưa hề nghe đề cập đến, nên “phe ta” cứ đói rã ruột, đói triền miên …).
Lúc đi lao động anh em thường hỏi đùa nhau: “Bây giờ, nếu cho ông, hoặc cô Thẩm Thúy Hằng hoặc một cái đùi gà, ông chọn kí dzì?”
Trăm người như một, câu trả lời vẫn chỉ là: “Dạ, cho ‘em’ xin cái đùi gà!”
Dĩ nhiên đây là loại câu hỏi “đố vui để chọc” vì cả 2 cái “phần thưởng” nêu trên đều thuộc loại không tưởng, nằm ngoài vòng tay với và ngay cả nằm ngoài tầm của ước mơ! Vì lẽ, Thẩm cô nương thì đang chung sống với chồng là Tony Oánh ở SàiGòn; còn cái đùi gà? Ôi, cả một ước mơ cao vời vợi! (Hằng năm chỉ mong đến 3 ngày Tết Nguyên Đán hoặc các ngày “nễ nớn” tù “phe ta” mới được đặc ân cho thưởng thức “ăn tươi” với 2 miếng thịt trâu và vài miếng da trâu ninh nhừ với muối. Và chỉ có thế! Làm gì dám mơ tới cái đùi gà!)
***
Khi viết bài này và nhắc về cái “nghiệp” Sinh viên Vũ khí của tôi (nếu có ai cắc cớ, thêm chữ “tội” vào trước chữ “nghiệp” chắc nghe càng thêm thấm thía!). Tôi như được sống hoàn toàn vào khung trời kỷ niệm của gần 45 năm về trước. Biết bao nhiêu chuyện, dù vui dù buồn, cũng đã trở thành những dấu ấn khó mờ phai, làm thêm ắp đầy vùng trời kỷ niệm của một thời tuổi trẻ!
Trong hơn 15 năm từ khi ra Trường, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ của một quân nhân qua các vai trò Chuyên môn, Chỉ huy hoặc Tham mưu của các đơn vị thuộc các Quân, Binh chủng liên hệ.
Chúng ta, dù sao cũng đã -trong chừng mực nào đó- hoàn thành được nhiệm vụ của “người trai thời loạn” mà Tổ quốc và Quân đội đã trao phó cho chúng ta.
Biết bao nhiêu bạn bè chúng ta đã nằm xuống trong khi thi hành nhiệm vụ (trước 1975) và sau khi miền Nam bị rơi vào tay Cộng sản, biết bao nhiêu bạn bè đã cùng chung số phận cay đắng và tủi nhục trong các trại tù lao động khổ sai từ Nam ra Bắc và biết bao nhiêu bạn bè đã ngã gục trong đớn đau và uất hận trong lao tù Cộng sản!
Và cho đến bây giờ, ngay cả khi đang sống trong nước hoặc được định cư tại các quốc gia khác rải rác trên thế giới, bạn bè cùng Khóa chúng ta đã lần lượt ra đi (vì già yếu hay bệnh tật) …
Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, được mang tên “Đoàn Kết” với tổng số 223 SVSQ (kể cả 43 SVSQ thuộc Trung đội của Lực lượng Bảo An).
Cho tới bây giờ, chúng ta đang duy trì liên lạc với khoảng 105 bạn bè và gia đình còn lại (ở Mỹ và Canada) chưa kể một số bạn cùng khóa đang ở Việt Nam.
Chúng ta vẫn duy trì liên lạc và sinh hoạt, đặc biệt qua quan, hôn, tang, tế trong tinh thần đùm bọc, thương yêu và đoàn kết.
Rất cám ơn tất cả các bạn đã và đang tham gia vào các Ban Đại Diện Khóa 9/LTVKTĐ và các bạn Đại diện cho các Vùng ở Mỹ và Canada (và ngay cả ở Việt Nam). Nhờ công lao của các bạn mà anh em cùng Khóa mới có môi trường và cơ hội gặp gở, liên lạc, tìm hiểu, gợi nhớ tới nhau qua các hình thức sinh hoạt và đặc biệt là qua các Đặc San Đoàn Kết.
Tất cả các hình thức sinh hoạt này đáng được duy trì, đáng được ủng hộ và đáng được hoan nghênh nhiệt liệt!
***
Trở lại vụ Sinh viên Vũ khí của tôi, có dính líu tới “Ông Phụ tá Sinh viên Vũ khí” Đặng Bá Nhẫn!
Nhẫn và tôi, do “số Trời đã định” nên bị kết dính vào nhau. Dù bị đau rề rề vì bệnh kiết và được tôi xin phụ giúp tôi những lần phải lau chùi vũ khí và các loại quân dụng và trang bị khác để trả cho nhà kho. Như đã nói ở phần trên, Nhẫn rất hăng và rất tích cực được vài lần đầu và sau đó vì bệnh nên cứ ì ra và tôi đành ứ hự “lãnh đủ”. Tôi đành an ủi, thôi thì “có còn hơn không” và cứ như thế cho đến hết khóa.
Trong các bạn tình nguyện về Thủy Quân Lục Chiến gồm có Lê Văn Khánh, Nguyễn Văn Phán, Nguyễn Thế Phương và riêng cho Tiểu Đoàn 3/TQLC thì có Lâm Quốc An, Phạm Văn Tư, Đặng Bá Nhẫn và Phan Công Tôn.
Nhẫn mà đi TQLC, đối với tôi, là một chuyện lạ lùng!
Tôi còn nhớ hôm vị sĩ quan TQLC đến Trường để tuyển chọn các SVSQ tình nguyện về Binh chủng, Nhẫn đứng gần tôi. Tôi buột miệng nói: “Mày bệnh rề rề như vậy sao còn đòi đi TQLC?” Nhẫn, với con mắt him híp, nhìn chằm chặp vào tôi và cương quyết nói “Tao mạnh lắm mà Tôn, rồi mày sẽ thấy, đừng có lo cho tao!”. Tôi coi đó là lời bào chữa, còn hơn thế nữa đó là lời ngụy biện.
Tôi nghĩ và nói thầm trong bụng: “với cái mững bịnh của mày, dù có được chọn về TQLC, chỉ ba bảy hăm mốt, mày sẽ bị loại là cái cẳng!”
Ấy thế mà, khi ra đơn vị, Nhẫn khỏe như văm, đi hành quân liên miên, chẳng thuốc men gì và chẳng bệnh ngày nào. Thật lạ lùng!
Hai đứa cùng về Tiểu đoàn 3/TQLC, đây là một đơn vị tân lập nhưng đã xảy có một “vấn đề” rất ư là “lịch sử”!
Số là trong vụ đảo chánh hụt ngày 11 tháng 11 năm 1960, Tiểu đoàn 3/TQLC tham gia vào lực lượng đảo chánh. Hôm đó vì thiếu quân xa, nên vị Tiểu Đoàn Trưởng (Đại Úy Nguyễn Kiên Hùng) đưa nửa Tiểu đoàn đi trước gia nhập lực lượng đảo chánh để tấn công dinh Độc Lập.
Nửa Tiểu đoàn còn lại, đang chờ trong Trại Cửu Long, Thị Nghè; oan nghiệt thay, được Đại Tá Hồ Tấn Quyền (Tư Lệnh Hải Quân lúc bấy giờ), leo qua cầu Avalanche, bốc nửa Tiểu đoàn này vào Dinh để bảo vệ Tổng Thống và chống lại lực lượng đảo chánh!
Thành ra, khi chúng tôi về đơn vị (giữa tháng 12/1960), Tiểu đoàn 3/TQLC đang trong tình trạng “chấn chỉnh tâm lý”, vì đối với “Cụ” (Tổng Thống Ngô Đình Diệm), đơn vị này nửa có công, nửa có tội!
Nhẫn và tôi trở thành đôi bạn thân, sau ba tháng, được lãnh tiền hồi tố lương Chuẩn Úy, Nhẫn nói tôi hùn tiền để mua một chiếc mô tô hiệu “Puch” để đi chơi chung.
Nhẫn khoái đi “bar” uống rượu chứ không thích cua đào (tôi chưa hề thấy Nhẫn có cô đào nào cả).
Nhẫn rất khoái đi chung với tôi, vì tôi không bao giờ say (cho tới lúc đó tôi vẫn chưa biết uống bia thì lấy gì mà say!) và những đêm Nhẫn say mèm ở các “bar” thì tôi có nhiệm vụ chở Nhẫn về. (Tiểu đoàn 3 sau này dời trại từ Thị Nghè về Thủ Đức, nên “đường về Trại” càng xa thêm).
Có một lần, tại một “bar” trên đường Hoàng Diệu, gần kho 5, Nhẫn say mèm, không thể nào ôm eo tôi để tôi chở về. Các cô trong “bar” phụ đẩy cái mô tô vào bên trong và tôi định đón taxi để hai đứa về Thủ Đức.
Nhưng đêm đó Nhẫn nổi chứng, hễ chiếc taxi nào rề lại thì Nhẫn đá lung tung, làm cho mấy ông tài bỏ chạy hết ráo.
Tôi phải dìu Nhẫn từ Kho 5 Khánh Hội lội bộ về tới chợ Bà Chiểu. Mệt ngất ngư là một chuyện, chưa kể, cứ mỗi lần ói, Nhẫn cứ ôm tôi và “cho chó ăn chè” vào ngực và bụng tôi. Nó làm như ngực và bụng tôi là cái “lavabo” dành riêng cho nó vậy!
Mãi tới gần sáng, khi có chuyến xe đò Sài Gòn - Thủ Đức đầu tiên ghé bến Bà Chiểu, lúc đó Nhẫn đã tỉnh rượu nên mới chịu lên xe đò về Thủ Đức!
Đặc tính của Nhẫn là khi đi hành quân, đánh đấm rất gan lì và rất ngon lành nhưng có dịp về thành phố dưỡng quân hay về hậu cứ, thì Nhẫn nhậu dữ lắm. Nhẫn rất thương bạn và bênh bạn hết mình, nhất là đối với tôi. “Ai muốn đụng tới mày, phải bước qua xác tao trước đã!” Nhẫn thường nói với tôi như vậy!
Nhẫn được thuyên chuyển về Tiểu đoàn 2/TQLC (hậu cứ tại Cam Ranh) vào năm 1962, lúc đó tôi đang theo học Anh văn tại Trường Sinh ngữ Quân đội tại Sài Gòn, để chuẩn bị đi Mỹ.
Mấy tháng sau (khoảng tháng 11/1962) thì tôi nghe được hung tin: sau này tôi được kể lại thì mới biết, Nhẫn bị chết vì lật xe khi lái chiếc xe dodge trên đường về hậu cứ, cũng đang trong cơn say chếnh choáng!
***
Hôm nay, thật tình cờ, thật sung sướng và tràn đầy cảm động: tôi được gặp lại “thằng bạn hiền” Đặng Bá Nhẫn trong một cái “bar”. Khung cảnh cái “bar” này cũng na ná như tất cả những “bar” khác trên đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Catinat hoặc bên Khánh Hội của ngày xưa …
Trong không khí mờ ảo của đèn màu và khói thuốc vớí tiếng nhạc dập dình muôn thuở của nó, Nhẫn và tôi đang ngồi trên cái “bar stool” nơi quầy rượu. Các cô gái xinh đẹp đang lượn vờn qua lại, ghé qua các bàn hoặc nơi quầy rượu, ôm vai bá cổ, thì thầm vào tai và thậm chí còn hôn lên má các ông khách hào hoa …
Tôi nhìn nghiêng về phía Nhẫn, vẫn với con mắt him híp, cái trán vồ cố hửu làm gương mặt như tăng thêm bướng bỉnh, và vẫn nụ cười nhếch mép như bất cần đời …
Nhưng sao Nhẫn im lặng quá vậy? Chẳng nói năng gì. Nét mặt Nhẫn như tai tái. Như trắng bệch. Như nhạt nhòa. Lúc ẩn lúc hiện qua làn khói thuốc?!...
Tôi đang miên man nhớ đến những kỷ niệm của gần 45 năm về trước: Nhẫn chính là người dạy tôi uống ly bia 33 lần đầu tiên trong đời và về sau tăng “dose”, tập cho tôi uống “consommation” và ngay cả “whiskey on the rock!”…
Một cô gái “đẹp như mơ”, dáng rất liêu trai đẩy nhẹ 2 “consommation” về phía tôi và Nhẫn với lời nói êm và nhẹ như gió thoảng: “Em xin mời hai anh”.
Nhẫn và tôi cùng nâng ly và cụng ly vào nhau. Nhưng sao lạ quá! Tôi không nghe tiếng leng keng của thủy tinh chạm vào nhau như thường lệ.
Tôi mơ hồ nghe nghèn nghẹn nơi cuống họng và tự dưng nước mắt tôi như òa vỡ: tôi khóc cho lần tái ngộ với “thằng bạn hiền” của 45 năm về trước.
Vẫn chìm đắm trong không khí âm u nơi “bar” chúng tôi đang ngồi, tôi nghe được chính lời tôi như đang thảng thốt và uất nghẹn:
“Tao đang nhớ mày
Và thương mày lắm
Nhẫn ơi!”
Phan Công Tôn