_ “Thôi, một chai là quá đủ rồi, tôi còn phải về.”
Tôi biết Hạp ở San Diego, cách Little Saigon, chỗ chúng tôi đang họp mặt khoảng 2 giờ lái xe, lúc đó đã là 9 giờ đêm rồi, nên khi nghe Hạp nói “tôi phải về” làm tôi quá ngạc nhiên, làm sao một ông già 70 có thể ngồi ôm vô-lăng suốt hai tiếng trên freeway trong đêm tối được? Ôm cái gì thì được chứ ôm vô-lăng như vậy là nguy hiểm quá! Tôi thầm nghĩ hay Hạp đã dọn về thủ đô tỵ nạn rồi nên hỏi:
_ Ông dọn về Little Saigon hồi nào mà không cho anh em biết?
_ Không, nhà tôi tôi vẫn ở San Diego.
_ “Nhà tôi” của ông vẫn ở San Diego, thế giờ này mà ông đòi về là về phòng “nhì” hay phòng “tư” ở Little Saigon đây?
Thấy câu hỏi của tôi có hàm ý “đốt nhà” nên anh bạn phòng nhì Lê Văn Châm vội thanh minh cho anh bạn phòng tư:
_ Thằng Hạp này nó hiền như ma-sơ thì làm gì có phòng nào khác đâu.
_*Ma-sơ hay ma-só hoặc ma-sờ đây?
Biết tôi có tật hay ăn nói linh tinh, sợ bạn bị hàm oan nên Liễn chen vào:
_ Hạp đòi về San Diego thật đấy, nghe tin chúng tôi từ xa về Little SG chơi, Hạp từ San Diego đã lên và có mặt ở đây từ lúc 6 giờ sáng rồi cả ngày hôm nay Hạp cùng với Châm đưa Cang, Tú và tôi đi khắp nơi rồi về nhà Châm ngồi lai rai cho đến bây giờ. Đúng ra là Hạp đã phải về San Diego từ lúc 6 giờ chiều, vậy mà cứ “quấn quít” với anh em, chưa nỡ rời bước, nhưng cuối cùng thì vẫn phải chia tay vì sáng sớm mai Hạp có việc không thể vắng mặt được. Tôi đã nói với Hạp là thì giờ eo hẹp và xa xôi quá thì đừng lên, nói chuyện qua phôn là được rồi. Nhưng Hạp nói rằng “lâu quá không gặp mặt tụi mày tao nhớ”.
Đó là vắn tắt câu chuyện tôi ghi nhận được trong bữa cơm họp mặt tại nhà Lê Văn Châm K17/VK/TQLC, nhân dịp Lê Quang Liễn, Nguyễn Cao Nghiêm, Phạm Cang, Nguyễn Ngọc Tú về Nam CA dự đại hội K20/VB. Ngoài Cang, Liễn, Nghiêm, Tú, là khách phương xa thì thành phần “chủ nhà” có Châm, Hạp, Hữu, Giao K17/VK, niên trưởng Quách Ngọc Lâm K12/VK , kẻ viết bài này được gọi đến để.. phá mồi. Dĩ nhiên không thể thiếu thành phần quan trọng “không thể thiếu” là các chị. Nhưng bài này tôi nói về những tay súng, những tiếng nổ nên không dám ghi quý danh của những vị thục nữ vào trong chốn ồn ào này.
Rượu ngon XO hai ba chai mà kén người uống, bia ngọt dăm ba thùng thiếu người say! Mồi đưa cay thượng hảo hạng đầy bàn không cá đớp! Ôi một mình tôi phá mồi khiến ngất ngư! Còn họ, những người bạn ngày xưa từng sát cánh bên nhau, “mày mày-tau tau”, cùng nghe AK, CKC, RPD réo bên tai, sau nhiều năm xa cách nay gặp lại thì biếng ăn, nhác uống mà thi nhau “nổ”! Nổ chuyện đơn vị cũ, chiến trường xưa, nổ những kỷ niệm khi xung phong vào mục tiêu, dù MT ở trận địa hay hậu phương, và những nỗi buồn xuống xóm bị nổ! Sau bao năm xa cách mà thấy họ thân nhau, tình nghĩa anh em còn hơn ruột thịt nơi xứ tạm dung này nên tôi hơi ngạc nhiên, khẽ hỏi Lê Quang Liễn:
_ K17VK/TQLC với K20VB/TQLC “đụng nhau” hồi nào mà thân với nhau quá vậy? Đụng ngoài chiến trường hay ở hậu phương?
_ Tous les deux, cả hai, dân “Quái-Điểu” với nhau mà, (nhưng cẩn nhắc anh khi viết đừng có làm mất chữ “i” trong chữ Quái Điểu là không xong với tụi tôi đấy). Ngoài chiến trường tụi tôi dành nhau mục tiêu VC, về hậu phương chúng tôi nhường nhau “em-tê” MT..Vả lại anh không thấy đằng sau những chữ VK & VB thì chỉ có 4 chữ TQLC hay sao? Tôi hỏi anh câu này, AK, CKC, Peta, RPD, cối, pháo v.v.. là những thứ không có mắt, vô tri, nó có phân biệt VB hay VK không?
Tôi vội vàng đưa tay ra hiệu rồi cắt ngang lời Liễn:
_ Bạn hiểu lầm ý tôi rồi, thấy các bạn thân nhau quá, dù xa cách cả thời gian lẫn không gian nên tôi mới dùng chữ “Đụng nhau” với hàm ý là đã sống chết với nhau nhiều rồi, nổ ở tiến tuyến và hậu phương cũng bị “nổ”, dân chơi thứ thiệt mà, chứ không hề có ý phân biệt VK và VB. Nếu nói theo phong cách bình dân thì “võ nào cũng là võ, anh võ khoai, tôi võ bí. Hoặc giả Thủ-Đức thì “thức đủ” năm canh để đánh giặc, còn Đà-Lạt thì thành “lạc đà” với súng đạn trên vai mười hai ngày gạo để ra chiến trường.
Phản ứng của Liễn cũng là phản ứng chung của đa số anh em ta, ai cũng cảm thấy rất khó chịu mỗi khi có một cá nhân nào đó suy nghĩ theo cái “đầu lệch” của họ về nguồn gốc của hắn, gọi nôm na là “kỳ thị”. Sự kỳ thị đã gây nên nhiều hậu quả tai hại khôn lường, thế giới văn minh ngày nay đã lên án thái độ đó, và chỉ còn sót lại ở những nơi hoang dã, những cái đầu hoang tưởng.
Mọi người đều có niềm hãnh diện về dân tộc, quê hương, xứ sở, tôn giáo, binh chủng, quân trường v.v.. của chính bản thân mình. Nhưng coi chừng, đề cao tôn giáo mình mà chê tôn giáo bạn là có thể gây ra “Thánh Chiến” đấy. Trong quá khứ, trên đường phố Saigòn, con chiên, phật tử đã gậy gộc với nhau vì mắc mưu của “lũ” hoạt đầu chính trị! Gần đây nhất ở Bolsa, tôi nghe được trên radio chương trình phúc âm của một hội thánh tin lành nọ đã phê bình một tôn giáo khác khiến tôi phải viết bài báo bảo họ “sất-ấp” (shut up) và họ đã biết điều, đã biết sất-ấp.
Hiện nay, quanh chúng ta ở hải ngoại, không thiếu những cái đầu lệch phát ngôn bừa bãi “tụi Mễ thế này, tụi Mễ thế kia” mà quên đi thân phận “sống nhờ ở đậu” của chính bản thân mình! Cũng không thiếu những quân nhân hợm hĩnh phê bình hay viết lách rất cẩu thả, vô trách nhiệm về một đơn vị bạn. Gặp trường hợp này, chúng ta không nên ngại ngùng mà chỉ tay vào mặt họ: “sất-ấp”.
Nhớ lại năm tôi thập-tam, con trai tuổi thập tam thì chưa biết gì, ngoài chuyện lấy dây thung bắn con chim chich-chòe của cô bé hàng xóm, nên mới xẩy ra chuyện một cu tí Bắc Kỳ di cư vào học trường Nam Kỳ Petrus Ký! Một con cừu non sống giữa một đàn 50 đứa chỉ thua có quỷ ma! Chúng kỳ thị Nam Bắc, xé sách, vất bút, nhái giọng nói ngọng N&L của tôi. Chân tay tôi tê đi khi đến trường, ngồi gục mặt trong lớp và khóc trên đường về. Tôi là nạn nhân của nạn kỳ thị.
Đã hơn nửa thế kỷ rồi, 55 năm chứ ít sao! Nhưng mà tôi vẫn ghét con virus “kythism”, nay gặp người đồng đội đồng thuyền Lê Quang Liễn cùng chung tâm trạng, cùng có những người bạn thân K17VK/TQLC nên đã gợi ý cho tôi nói về những chuyện mà tôi ấp ủ từ lâu, chuyện vui buồn với những niên trưởng Võ Khoa/TQLC là cấp chỉ huy là đồng đội của tôi.
Một ngày thâm niên Binh Chủng TQLC là niên trưởng của tôi rồi, tôi xin bắt đầu với những niên trưởng ít thâm niên nhất. Tôi không biết chính xác là bao nhiêu ngày, nhưng nếu tính cho tròn thì vào khoảng một tháng, giữa tháng 12 năm 1964 khi tôi về trình diện TĐ.5/TQLC thì đã thấy các ông ở đây rồi, cái lon của các ông còn trắng tinh, chưa dính bụi chiến trường, đó là các niên trưởng K17VK/TQLC.
K17VK/TQLC.
Đơn vị đầu đời binh nghiệp của tôi là Trung Đội 3, Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 5, đại đội trưởng của tôi là Thiếu Úy Dương Bửu Long, K9/VK. Đây là lúc tôi học hỏi được ở các niên trưởng 17VK nhiều điều cần thiết cho một lính chiến hơn là một sinh viên quân trường, các “ông” gồm có Nguyễn Văn Lộc, Ngô Thành Hữu, Trần Văn Hên, Lương Văn Cường, và..còn ai nữa không nhỉ?.
Vì tiểu đoàn mới thành lập, còn đang trong thời kỳ bổ sung và huấn luyện nên các trung đội trưởng kiêm huấn luyện viên luôn, ngày làm việc, trưa ăn cơm bàn, tối cấm trại và rồi trốn trại đi thăm dân cho biết sự tình nhưng sáng tinh sương vẫn có mặt tại suối Lồ-Ồ để dẫn quân chạy bộ, quân thở ít thì quan thở nhiều, thở như trâu! Nhờ môi trường này mà chúng tôi kết thành một khối, tôi học được ở các niên trưởng nhiều điều bổ ích mà quân trường không dạy.
Quân trường không lường được trường hợp bị thương hư một mắt mà vẫn cố năn nỉ xin tình nguyện ở lại tiếp tục chiến đấu. Anh bị thương hư một mắt trong trận Đức Cơ khoảng năm 1965, nhưng vẫn còn cầm súng cho tới 30/4/75. Người ấy là Trần Văn Hên, tên thân mật gọi là “Hên-Đui”, văn vẻ một chút gọi là “độc nhãn” tướng quân, nói về “Danh Dự và Trách Nhiệm” thì Hên-Đui xứng đáng cho tôi gọi anh là ông Tướng. Những năm 1994-95, tôi gặp lại “Độc Nhãn” tướng quân ở một nơi dễ tìm thấy dầu mỡ, ở một tiệm sửa xe ở Santa Ana, Nam CA. Nhưng rồi ông Tướng biến đâu mất! Hên ơi bây giờ anh ở đâu?
Sau độc nhãn tướng quân là vua “lựu đạn” Ngô Thành Hữu. Mấy em núp trong hầm có nắp, chỉ thò ra cái lỗ be bé xinh xinh với họng AK khiến nhiều anh hùng vất vả, nhưng gặp Hữu lựu-đạn là đời các em banh. Hữu chặt cành cây làm cần câu, cột trái M26 vào đầu, dí từ từ, từ từ vửa lọt vào lỗ là Hữu giật dây rút (dây cước cột vào chốt), em-26 banh là các em VC banh theo. Từ mưu nhỏ đến việc lớn Hữu đều cười mím chi rồi hoàn thành xuất sắc, nhưng trên ngực thì huy chương lác đác như lá mùa Đông! Công trạng của anh, nếu không phải sống trong một gia đình TQLC đất chật con đông thì đã là ông nọ ông kia từ lâu rồi, nhưng vẫn cười và bám trụ TĐ.5. Tôi phục Hên-Đui và Hữu Lựu-Đạn là ở chỗ đó.
Lương Văn Cường (lai) và Nguyễn Văn Lộc (lùn) là dân chơi chính hiệu, rượu uống không biết say, nhảy không biết mệt, dù nhảy rào hay nhẩy đầm hoặc nhẩy trực thăng , hai tên này là anh em một nhà, Cường Lai cưới em gái Lộc. Vì cùng đại đội, nên Lộc chính là niên trưởng là ông thầy của tôi trong bốn món ăn chơi và đánh đấm, cái hay của ông Lùn này là lúc nào cũng cười và chửi thề. Lương Cường giờ này ở đâu thì không ai biết, nhưng Lộc Lùn thì ở Florida. Tôi đã liên lạc được và Lộc hứa sẽ về San Jose để xem tài tổ chức của Lâm Tài Thạnh.
Tây Đô Lâm Tài Thạnh! Vào một buổi chiều năm 1967, tại xóm Xuân Trường, Bồng Sơn, tôi từ ĐĐ.4 sang ĐĐ.1 nhận nhiệm sở mới. ĐĐT Đà Lạt giới thiệu tôi với Tây Đô và bố già Chung Văn Nghiêm, được biết hai ông là những sĩ quan giỏi và kỳ cựu của Đại Đội 1 khiến tôi khớp.
Thời gian sau tôi coi đại đội thì may mắn có Tài-Cao giúp đỡ, anh cao hơn tôi một “cái đầu” nên những khó khăn của đại đội đã có anh lo vì anh rất có uy đối với anh em, nói xuông không bằng chứng minh cụ thể. Trận Mậu Thân 1968, sau khi đánh đấm khắp nơi không đến nỗi tệ nên Đại Bàng Đồ Sơn thưởng cho ĐĐ.1 nhiệm vụ rất “hấp dẫn” là trấn thủ Bưu Điện và đài phát thanh Phan Đình Phùng! Vì trời sinh ra “bắt xấu” lại thêm tí râu, nếu mà đóng sát BTL ắt là có ngày lãnh búa nên tôi giao cho Thạnh và 2 trung đội của Quang (18VK) và Ngộ giữ Bưu Điện trung ương, còn tôi và ĐĐ (-) thì lui về đài phát Phan Đình Phùng ẩn náu.
Bưu điện ở ngay trung tâm Saigon, sát bên là BTL/SĐTQLC, trước mặt là dinh Độc Lập, cả hai nơi đều có “Mặt Trời”! Nóng quá, nóng quá! Đối diện là Vương Cung Thánh Đường, là nơi “Dễ Tìm Thấy Thiên Đàng” như tựa đề cuốn truyện của nhà văn Phú-Phét! Điều nguy hiểm hơn nữa là giai nhân dập dìu trên phố, ra vô bưu điện cả ngày, nói theo truyện Kiều là “ngổn ngang gò đống kéo lên”, phụ nữ đẹp đi qua trước mặt lại còn nháy mắt khiến anh Trâu Điên tức phát điên, muốn huýt sáo nhá tín hiệu nhưng lại sợ! Thân trâu chẳng sợ lấm bùn, nhưng sợ BTL, lỡ tiếng huýt sáo chọc gái lọt đến tai “ngài” thì chỉ có thác! Thôi thì Trâu Điên ĐĐ.1 chỉ còn biết ngước mặt lên trời mà nhe răng cười cho hạ hỏa chứ biết làm gì khác! Sau hơn một tháng sống trong vòng lửa của Tướng, Vua, Chúa mà 2 trung đội của Th/Uy Quang và Ch/Úy Ngộ không ai “bị thương” là nhờ khả năng chỉ huy và tâm lý của Tây Đô, phần thưởng cho anh là dân chúng xung quanh thương yêu MX và nhất là Tây Đô được xem như anh em con cháu trong nhà.
Tâm lý là vậy, còn đánh đấm thì sao?Chỉ kể một thí dụ cụ thể thôi. Ngày N tháng 9/68, ĐĐ.1 (-) nhảy trực thăng diều hâu xuống Cầu Khởi, Tây Ninh, chúng tôi bị lọt vào vòng vây của Tiểu Đoàn14DVC. Cánh của Thạnh đi trong rừng cao su bị địch ép sát thiếu điều gốc cao su muốn chẩy nhựa, phải thú thực là đã có vài anh em trung đội đầu tính gài số “de”! Nhưng vừa quay lại là đụng phải ngay Lâm “Tài-Cao”, đứng thẳng lưng móc colt chỉ thiên “pằng pằng”, nhờ vậy mà toàn đại đội tôi bám gốc sao su trụ lại, trong khi đó Đại Bàng Đồ Sơn điều động tiểu đoàn tiếp viện và ông yểm trợ tối đa PB, trực thăng, phản lực nên ĐĐ.1 đã được bình an để bắt tay được với Tiểu Đoàn vào sáng hôm sau.
_“ Tây Đô! Không có những cấp chỉ huy can đảm cứng như anh thì hôm đó đại đội mình đã tan hàng hết rồi chứ đâu phải chỉ có 10 w & 3 k. Anh cố vấn đi với mình quá teo nên đã leo theo trực thăng tải thương bay mất tiêu khiến tôi phải báo lên anh Đinh Xuân Lãm, B3/TĐ. Cám ơn Tây Đô.
Đó là “tình anh lính chiến”, còn ba ông K17 VK nữa thì phải thành thực nói rằng trước 30/4/1975 tôi ít có dịp tiếp xúc, chỉ nhìn qua là đã sợ ba ông “ba-bị” này rồi, đó là các ông Lê Đình Bảo và Lê Văn Châm, Đỗ Trung Giao.
Trong một lần họp mặt ôn chuyện cổ tích, tôi tâm sự rằng anh X , anh Y, các anh K17/VK quá dư tiêu chuẩn để làm anh “Hai Râu” chứ đâu phải chỉ có một mình Tây Đô thì Đỗ huynh bất chợt xen vào:
_ “Thôi bỏ qua đi, gia đình TQLC mình đất chật người đông mà”.
Chỉ một lời nói bất chợt nêu trên khiến tôi hiểu tính khiêm nhường từ đáy lòng của anh, đó là Đỗ Trung Giao. Còn Lê Đình Bảo ư! Họ Lê, chữ lót “Đình” khiến tôi bị ám ảnh nỗi sợ hãi, kính nhi viễn chi. Nhưng khoảng tháng 9/68, trong trận Bời Lời, chú em ô-đô của tôi, Hạ Sĩ Bùi Ngọc Đường, cứu được anh cố vấn Mỹ đã bị thương và đang trong vòng tay của VC nên đã được Trưởng Phòng Chính Huấn SĐ Lê Đình Bảo cứu xét và đề nghị tưởng thưởng cho Đường một xe Honda*. Từ đó tôi phục anh. “Đình” này tượng trưng cho đình làng, nơi hội họp tiệc tùng đình dám, đem niềm cho dân quê chất phát. Nhưng điều đáng phục hơn nữa là NT Lê Đình Bảo lúc nào cũng lái xe to, đẩy xe con cho chị nhà đi chợ, cứ vui như hồi 40 năm về trước khiến anh chị trẻ mãi không già. (* Đường lãnh xe Honda xong, chưa chạy hết rô-da thì Đường tử trận !).
Thời Pháp thuộc, dân Việt Nam ta mà nghe đến “đơ-zèm-buya-rô”, tức Phòng Nhì là đổ mồ hôi cái, đái mồ hôi con. Nghe ông làm Phòng Nhì, lại thêm cái dáng cao cao, mặt lạnh như tiền, thỉnh thoảng nhéch mép cười ruồi khiến tôi cũng ớn, không dám lại gần! Nhưng lầm to, tôi đã bỏ qua nhiều dịp để làm quen để học hỏi nơi anh nhiều điều hay, nhất là thái độ cư xử đầy ắp tình nghĩa với đồng đội. Người đó là nhà thơ Chương Đài Đ/Úy Lê Văn Châm. MX Nguyễn Thế Thụy, một âm thoại viên đã nói về người Anh trong TOC (trung tâm hành quân):
_ “Em mới ra trường, vể làm âm thoại viên trong TOC tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, chỉ có 3 âm thoại viên chúng em là lính còn toàn là quan, mỗi khi ông Lạng Sơn bước vào TOC là tụi em quýnh lên, chân tay lạng quạng thì có ông trung úy đến vỗ vai nói nhỏ “cứ bình tĩnh, không có gì phải run”. Rồi một đêm vào lúc 1 giờ, 3 thằng truyền tin tụi em ngủ gục ngon lành, loa khuếch âm réo mà không ATV nào trả lời, ông trung úy đến vỗ vai, tụi em tỉnh dậy, sợ té đái, nhưng ổng mỉm cười, bảo tụi em đi rửa mặt, ổng còn chia cho hớp café (có đường). Từ đó tụi em gọi ổng là TOC, có nghĩa là “Thích Ông Châm”, tức Tr/Uy Lê Văn Châm. Một kỷ niệm đầu đời lính nhớ mãi cho đến nay”.
Trần Quang Duật K21VB nói về Lê Văn Châm K17/VK.
Năm 1968 TĐ.1/TQLC đánh ngoài Huế, tôi dẫn trung đội đi ngang BCH/TĐ thì nghe Lê Văn Châm B2/TĐ gọi
_ Ê Dầu Tiệng, nọn sặt mi đâu?
_ Vừa mới xuất viện ra, chưa trang bị kịp.
_ Lậy cại của tau mà đội, tau kiệm sau.
Và cái nón sắt của Châm cho tôi mượn đã bị một vết sẹo do đạn AK đụng vào, còn tôi chỉ cảm thấy hơi ê-ê cái đầu.
Còn MX Lê Quang Liễn K20VB thì kể nhiều kỷ niệm đẹp với người bạn ít nói nhưng nhiều tình, người viết chỉ xin ghi một kỷ niệm mặn mà .. mà thôi:
_ Sau ngày 20/3/75, tôi được lệnh về trình diện Tango tại Hương Điền đề nhận nhiệm vụ mới, đang mệt mỏi phờ phạc đói ngủ thì đụng Lê Văn Châm, hình như Châm trông thấy dạ dầy tôi cũng trống nên chạy đi kiếm được 2 đùi gà rô-ti rồi ra lệnh cho tôi thánh toán xong mới được vào trình diện Tango.
Nghe MX Nguyễn Thế Thụy tâm sự về người Anh ở “TOC”, nghe Trí Vũ Trần Quang Duật nói về “vết hằn trên nón sắt” của Chương Đài Lê Văn Châm, ông thần cứu mạng, nghe Lê Quang Liễn kể về “miếng khi đói” thì người viết có nói gì thêm nữa cũng bằng thừa. Nhưng cũng cần nói Chương Đài Lê Văn Châm có những bài thơ rất hay (đón đọc trong ĐSST 2010) và xin bật mí một cái bí mật là nhà Châm có một cái sân chứa được một đại đội (-) dưới tàn cây bơ cổ thụ. Trái bơ thì anh chị Châm hái cho vào từng bịch rồi chia cho anh em hội cafe, còn cái sân thì lúc nào cũng sẵn bàn ghế để đón khách MX phương xa. Sân rộng, tấm lòng cũng rộng thì “tu tại gia và tu chùa” thoải mái, cười sảng khoái.
Đó là những ông niên trưởng K17VK/TQLC của tôi, ngoài ra, tôi còn được hân hạnh làm bạn với khá nhiều K17/VK khác thuộc nhiều quân binh chủng bạn, trong số đó có một người khá đặc biệt, anh nói thông thạo 8 thứ tiếng gồm Việt, Miên, Lèo, Tiều, Anh Pháp, Đức và Đan Mạch. Anh là tổng thư ký một tập san nổi tiếng, là Cọp thứ thiệt nên anh không ngại ngùng giúp tôi phổ biến những tài liệu về săn bắc cọp, đó là Thiên Lôi BĐQ Đỉnh Đầu Bạc Nguyễn Thế Đỉnh.
Từ K17/VK lui về những ông thâm ..niên hơn thì tôi được làm việc, làm bạn với 3 anh, đó là anh Lê Bá Bình, Quách Ngọc Lâm và Nguyễn Kim Tiền.
Khi anh Lê Bá Bình về thay anh Trần Ngọc Toàn làm CHT/CC/ST thì tôi đã ở căn cứ rồi (4 đời CHT mà chỉ có 1 CHP là tui), là phó thì phải giữ đúng bổn phận, không thể “rỡn mặt khó làm việc”, anh Bình là người làm việc không biết mệt, luôn hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ thượng cấp trao phó.
Quách “đại nhân” thì sao? Vào trại tù Long Giao tôi ở chung tổ với Lâm, sống tạm dung trên đất khách, tôi ở gần Quách đại ca nên có nhận xét là ai đã tiếp xúc với Quách Ngọc Lâm đều mến và .. yêu. Lâm là một người to lớn và tốt bụng nhưng thẳng tính, nói và làm như nhau, “đâu cần thì Lâm có, chỗ nào khó thì Lâm mó tay vô”. Bản tính hiền lành miền Nam sông Hậu, không mấy khi đổ quặu, hiền như con cọp đang ngủ. Nhưng coi chừng, cọp đang ngủ mà ai liều lĩnh dám thò tay đụng vô cọp là không được với chúa sơn Lâm à nha. Anh từ từ, thủng thỉnh đủng đỉnh như một chúa sơn Lâm với bộ lông rằn ri óng ánh vàng đen tuyệt đẹp. Quách đại ca có số đào hoa là vì vậy.
Một kỷ niệm rất vui với Quách đại ca tôi xin kể cho bà con nghe để cùng vui với bản tính thật thà của anh. Từ Utah trở về sau buổi tham dự lễ khánh thành tượng đài Việt-Mỹ do Facoto mời, trên khoảng 5 cặp, trong đó Quách’s grilfriend. Hẳn quý vị biết phe ta mà đi chơi xa, ngồi chung một xe thì vui hơn tết. Sáng sớm hôm đó lại có trận đá banh tranh chức vô địch thế giới giữa 2 đội nữ Đức và Anh. Nghe vài anh em tiếc rẻ là không có TV đê coi trận đá này nên Lâm thương tình những số phận hẩm hiu bèn tường thuật lại cho anh em nghe:
_ “Sáng nay tui nằm trên giường coi tụi nó đá thấy đã ..mắt, tụi Đức đá hay quá, nó sút một lúc vào lưới đội Anh 3 trái liền ..”.
Nghe “sút” là có chàng đang ngủ gật giật mình tỉnh giấc hỏi cắt ngang:
_ “Thế anh có sút được cú nào không?”
Lâm thật thà trả lời câu hỏi mà người hỏi có hàm ý “mách qué”
_ “Anh sút hụt 2 trái, con mẻ giữ gôn đội Đức khép góc kín quá!”.
Câu trả lời thật thà miền Nam của Lâm khiến cái xe rung lên, có sự hiểu lầm giữa chữ “anh” viết thường (anh em) và “Anh” viết hoa, tức nước Anh. Cả câu hỏi và đáp thật là thú vị ý nhị, niềm vui tiếng cười kéo dài mãi. Hiện nay Lâm đại ca là tổng đàn trưởng “Hào-Trâu-Điên Café Club”, một nơi quy tụ anh em MX mỗi sáng Chúa Nhật, hội viên thường là 20 đến 30, khách MX phương xa về Little SG Bolsa là không thể bỏ qua “ở một nơi dễ tìm thấy” tiếng cười của đồng đội, anh em.
Nguyễn Kim Tiền ư? Nói gì và bắt đầu tư đâu về “ông nội” này? Phải tốn cả trăm trang giấy tôi mới kể hết những kỷ niệm vui buồn với Tiền, việc này tôi đã khởi sự viết ngay từ khi vừa “chôn” hắn xong, nhưng mỗi khi cầm viết nghĩ đến Tiền là tôi chỉ còn thấy lờ mờ, ngồi cắn quản bút, mực viết bi mà cũng làm nhòe trang giấy! Thôi, kể kỷ niệm vui với Tiền vậy.
Tháng 6/69 tôi mới quen thân với Tiền ở bệnh viện Lê Hữu Sanh, hai thằng nằm sát giường nhau, nó bó bột một chân tới đầu gối, còn tôi bó bột một chân kéo lên tới rốn lại thêm một tay bó bột vòng quanh ngực! Nó chống nạng cà nhắc bay nhảy, còn tôi nằm ngửa một chỗ, nó đào hoa, tôi cô đơn. Vì bệnh viện nhà, y sĩ là bạn, y tá là đàn em nên các em ra vô bất kể giờ giấc, em nào cũng yêu “tiền”, không hề ghen. Đây là nỗi khổ đau bàng quang của thằng bạn nằm bên cạnh!
Các em ngồi lên giường thay nhau nắn “bóp Tiền”, em nào tới phiên nghỉ xả hơi thì ngồi ké lên giường bên cạnh. Các em vui, các em cười rồi các em rung đùi! Em rung thì cái giường sắt bọc nệm cũng rung theo! Ai đã từng gẫy xương thì biết hai đầu xương nhúc nhích cọ vào nhau thì nó phê, nó tê dường nào. Mỗi khi em của Tiền rung là mặt tôi tái đi, đau đổ mồ hôi, hết chịu nổi thì hét lên;
_ “Ối giời ơi!”
Những người yêu Tiền liền vội vàng lo lắng hỏi tôi:
_ “Anh làm sao vậy? Có sao không? Cần gì không? Muốn gì không?”
_ “Người yêu của Tiền rung đùi làm tôi đau! Tôi không muốn ..”
Tôi nằm một chỗ nên mỗi khi làm “thủy lợi” thì phải dùng cái chai làm hồ chứa nước, khổ nỗi những bồ Tiền cứ ngồi ngay đó thì làm sao tôi đẩy con giun vào miệng chai được! Nhiều khi tức nước vỡ bờ muốn trào ra nệm..! Tuần 7 ngày, ngày 12 tiếng, ôi đau khổ! Họa vô đơn chí, đã bị thương chiến trường lại còn bị em hậu phương của Tiền hành hạ!
Năm 1971 thành lập BCH/CC/Sóng Thần thì nó lại cố vấn cho CHT Trần Ngọc Toàn kéo tôi về làm chung một chỗ, nỗi khổ vì em như khi nằm bệnh viện lại tái xuất hiện! Cũng may là chung phòng nhưng ngăn vách nên tôi không đau mà chỉ bị mất ngủ thôi! Xin nói cho rõ, lúc đó Tiền và tôi còn độc thân. Quanh Tiền có cả ngàn đóa hồng. nhưng cuối cùng thì 999 đóa bị cho qua mà Tiền chỉ chọn một đề chung sống cho đến trọn đời, vì thế chị Kim vui lên đi và hãnh diện với chính mình, vui lên đi và chớ có ghen với zĩ-zãng.
Tiện thể nói về Kim Tiền có số đào hoa, tôi xin bật mí luôn là tất cả đàn ông TQLC đều có số đào hoa cả, từ lúc biết yêu lần đầu cho tới khi dừng bước giang hồ thì có bao nhiêu đốt ngón tay là có bấy nhiêu tình. Nhưng cuối cùng họ chỉ chọn một, vậy thì quý phu nhân Mũ Xanh chắc chắn sẽ hãnh diện về tài và sắc của mình, và quý phu nhân MX nào đang còn có những anh “đần ông” quanh quẩn bên mình thì cũng xin nhẹ tay một chút, sai họ ít thôi. Chiến tranh và tù đày đã biến những chàng Cọp Biển thành những anh “đần ông” chứ thực sự xưa kia họ là những Strong Men, Super Men cả đấy chứ.
Năm 1990, ngày đầu tiên bước chân đến Mỹ thì Tiền lôi tôi đi lung tung và điểm đến cuối cùng là Bicycle club, đến để ôn lại kỷ niệm ngày xưa “cú lũ tàng tàng thì bán cái honda”. Sau một đêm với Bicycle thì cả nó và tôi không còn cái xe đạp để bán nên tôi quyết định chia tay vĩnh viễn cô đầm Q kể từ đó.
Sống với nhau, làm việc với nhau hằng chục năm trên đất khách, chia nhau từng câu nói, đôi khi chen vào tiếng chửi thề “mẹ mày” rồi nó đột ngột đi tìm cuộc sống riêng tư! Trên đường tiến chiếm mục tiêu cuối cùng, Tiền không cần xin hỏa lực yểm trợ, không xin tiếp tế mà hắn lại nói nhiều về chiến tranh, về Binh Chủng Mũ Xanh, những đàn anh, đồng đội và đàn em, một trong những câu nó hỏi là:
_ “Chương trình tổ chức đại nhạc hội cho TPB tới đâu rồi?” !
Nhận thấy hằng năm, hội “Bạn Người Cùi” họ tổ chức đại nhạc hội gây quỹ cho “cùi” trong nước, còn TPB, nói chung, thì đói meo nên anh em chúng tôi liên lạc bàn với một vài “giới chức có thẩm quyền” tìm cách phải tổ chức đại nhạc hội, việc chưa đi đến đâu thì Tiền đổ bệnh nên kế hoạch gác sang một bên, nay nằm trên giường chờ chết mà nó hỏi một câu khiến tôi ngượng. Khi Tiền đi rồi, tôi phổ biến lời kêu gọi thay cho Tiền.
Không biết vì Thượng Đế nhận lời Tiền cầu xin hay do trùng hợp mà một thời gian sau thì thấy đại nhạc hội gây quỹ giúp TPB lần đầu tiên được tổ chức. Chúng tôi xin nhấn mạnh điểm “Thượng Đế nhận lời hay do TRÙNG HỢP” để tránh một sự ngộ nhận là chúng tôi có ý “vơ vào” kể công.
Nhắc đến Thượng Đế thì lại phải nói thêm vể những con chiên không ngoan đạo Tiền và người viết. Khi thấy hết thuốc chữa Tiền ngỏ ý muốn tìm một vị linh mục để “tâm sự” khiến tôi ngạc nhiên, mấy chục năm chơi với nhau mà tôi không biết nó theo tôn giáo nào và ngược lại nó cũng không biết tôi là Phật tử hay con chiên. Nhưng đó chỉ là cái võ lười biếng ham chơi, thích đạo thờ-bà còn trong tận đáy trái tim, mỗi người đều có một niềm tin và chỉ tìm đến niềm tin đó một khi bản thân không còn khả năng vượt qua những khó khăn, và Thượng Đế, Chúa, Phật lúc nào cũng tha thứ, đón nhận những đứa con hoang trở về. Đó cùng là tấm lòng của các bậc cha mẹ. Tiền đã được đón nhận đầy đủ các phép bí tích của một con chiên khi được Thiên Chúa gọi trình diện.
Nguyễn Kim Tiền, người của mọi người, vì mọi người.
Giữa K17 và K12 không biết có ai ở giữa không? Và giữa K12 với K9 có ông nào không thì tôi không biết, vì vậy tôi đi tìm ba ông chín nút và cũng chỉ biết ba ông kẹ này thôi, đó là Phu Nhân Nguyễn Văn Phán, Facoto Phan Công Tôn và sư phụ “Bù-Loong” Dương Bửu Long. Không biết tuổi của các ông là bao nhiêu nên bắt đầu từ người trông “già” nhất là Phu Nhân.
Nguyễn Văn Phán Phu Nhân là “public figure” thì nói năng chi cũng bằng thừa, ai cũng biết xưa kia ông là “hụt phò mã”, nay ông là một trong những Tổng Đàn Trưởng “Bến Cũ”. Riêng với ông thì tôi xin gọi thêm là “bến cũ con đò xưa”, đò-xưa là ..ghe-củ. Cũng xin hỏi thêm là tại sao ông chọn danh hiệu Phu Nhân làm chi khiến cho nhiều người hiểu lầm! Trong một buổi họp mặt, khi MC giới thiệu: “Phu Nhân Phán” đến, một lúc lâu có một bà ngồi cạnh tôi hỏi:
_ Bà Phu Nhân Phán đâu không thấy mà chỉ thấy ông có râu kia?
_ Thì ông ấy tự nhận mình là Phu Nhân đó, còn đích thực người ấy là phu nhân hay phu quân thì chỉ có trời biết, đất biết và nửa kia của ổng biết, còn bà muốn biết thực hư thì xin một cái hẹn.
Phịa chọc quê PN chút cho đỡ buồn, sau đây mới là chuyện thật.
Năm 1968 Mậu Thân, ĐĐ1/TĐ.2 tôi đến thay vị trí đại đội của anh Phán TĐ.1 tại xi-măng Hà Tiên thì tôi gặp Nguyễn Văn Sự là phó cho anh Phán. Sự là Á-Khoa của K19. Rất giỏi, vậy mà không hiểu lý do gì hắn trầy vi tróc vẩy ở TĐ.1 và sau này thì xuất Binh Chủng. Tháng 7/09, tôi sang Pháp thăm ông già và bẩy đứa em thì gặp Sự, hắn hỏi tin tức một số anh em TĐ.1/TQLC rồi nói:
_ Mày về Mỹ cho tao gửi lời thăm và cám ơn anh Phán, nếu không có anh ấy giúp đỡ che chở thì không biết đến bao giờ tao mới đứng dậy nổi”.
Tôi không hỏi thêm gì cả mà chỉ chuyển lời Sự lại cho anh Phán, ảnh hối:
_ Mi cho tau sộ phôn cụa Sự đi, mi họi Sự xem nọ cọ qua Mỵ chơi được không? Tau mua vẹ mạy bay cho hặn, qua đây tau lo hệt, đừng ngại chi mô..”.
Chuyện giữa anh Phán và Sự “ra răng” tôi hông biết, nhưng một kỷ niệm đã hơn 40 năm rồi nay được nghe qua những thư đi tin lại giữa hai chàng VK&VB mà thấy ấm lòng. Sự còn đó Phán còn đây, sự thật là vậy, người viết không phịa, phịa làm chi cho bài viết thành vô duyên. Tha cho ông Phán chuyện Phu Nhân bị Phu Nhân xách xéng đuổi khiến ông chạy xì khói. Tạm biệt ông, tôi đi tìm anh thiếu chiều cao facoto.
Facoto đích thực có phải là viết tắt của chữ Phan Công Tôn? Khi còn ở Việt Nam tôi nghĩ anh Tôn lấy ám danh như vậy là chính xác, nhưng ai ngờ ông còn có thâm ý khác, khi sống ở Mỹ rồi tôi mới hiểu cái danh Facoto có âm thanh nghe lạ tai! Quả thật tên làm sao thì chiêm bao là vậy, phải không ông Phan Công Tôn?
Anh gốc Đà Lạt, xứ hoa anh đào, khởi đầu binh nghiệp từ Quái Điểu nên có số đào hoa và tài “đánh đấm”cũng ra trò. Sàigòn, cựu TĐT/TĐ.1 nhận xét:
“Trong chiến thắng trận Ba Gia ngày 2/6/1965, Trung úy Phan Công Tôn là người có công đầu nên được đặc cách thăng cấp đại úy tại mặt trận. Phan Công Tôn luôn hăng say và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một sĩ quan tham mưu giỏi”.
Facoto đào hoa, đánh giặc giỏi như lời nhận xét của Saigon, nếu tôi kể thêm thì hóa ra vuốt đuôi Saigon. Tôi xin kể một vài kỷ niệm “hại bạn” của bạn ta.
Khởi sự đi tù và ở chung với nhau đội 8 trại Long Giao gồm có 9 tên TQLC là Phan Công Tôn, Trần Kim Hoàng, Lê Văn Cưu, Huỳnh Văn Phú (tổ 1), Trần Văn Hợp, Quách Ngọc Lâm, Trần Quang Duật, Doãn Thiện Niệm và Tô Văn Cấp (tổ 2) toàn là những tên “dài lưng tốn vải ăn xong lại nằm”, chỉ có một người không dài lưng là Facoto, anh sắp xếp sao cho anh em ăn ở có vệ sinh, đoàn kết chống đối cai tù và hạch tội tù antena, thằng đội phó tên Cương-què đi “mét-bu” bố nó nên chẳng bao lâu sau “tiểu đội tù TQLC” tan đàn xẻ nghé, mỗi anh một nơi, hơn 10 năm sau tôi mới gặp lại Facoto tại Saigon.
Vẫn cái tính siêng năng, Tôn rủ tôi đi học điện toán, ngôn ngữ “cô-bôn”, “bê-zíc”, “bồ-gam-mơ” gì đó để có nghề nghiệp cho tương lai, nhưng học hoài không zô nên Facoto tìm được một cô giáo về kèm trẻ em tại tư gia, cô tên Hải, chuyên viên điện toán IBM. Cô và học trò ngang tuổi nhau, cùng thuộc chế độ cũ nên không rủ cũng tới. Rồi một ngày kia, sau khi giảng xong phần cứng, phần mền thì cô mang phần mềm trò mang phần cứng cùng nhau biến mất! Vài tuần sau tôi nhận được công điện Tôn báo đang bình an trên đảo một mình.(?)
Năm 2007, TQLC Nam CA sang Utah dự lễ khánh thành tượng đài Việt Mỹ do Tôn làm chủ xị, tôi tạm trú tại nhà Tôn, đêm về không biết lý do gì mà gia chủ bắt máy lạnh chạy tối đa, tôi và phóng viên KBC Lê Tường Vũ lạnh teo tim, thiếu điều muốn ôm nhau cho ấm! Tôi nghi Facoto muốn gài độ cho tôi và anh chàng phóng viên LTVũ vào cái thế “gậy ông đập lưng ông***” chăng? Nhưng nhờ nội công thâm hậu nên chúng tôi không bị sập bẫy! Sáng ra tôi than phiền về vụ mở máy lạnh tối đa thì anh chị Tôn chỉ 2 cái mền để sẵn trên đầu giường! Nhưng phiền một điều là mền còn để trong bọc nylon mà không nói cho chúng tôi biết thì sao dám bóc tem! Đúng là một ký niệm hại bạn! Kẻ đắp chăn ..da, kẻ lạnh lùng!
(*** Nhân nói về vụ “gậy ông đập lưng ông” và “lá rách đùm lá nát” tức ám chỉ giới đồng tính luyến ái thì tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để nói vắn tắt về vụ diễn hành tết cổ truyền VN vào dịp tết Nguyên Đán năm Canh Dần 2010 tại Nam California. Vào phút chót, city Westminster, ban tổ chức, thông báo có hiệp hội “đồng tính luyến ái” tham dự vào cuộc diễn hành này! Đây là môt việc hết sức bất ngờ gây khó khăn cho các hội đoàn mà họ đã tốn công của chuẩn bị và tập dượt. Phản ứng tức khắc là hội đồng Liên Tôn không tham dự nữa và kêu gọi tín hữu của mình tẩy chay cuộc diễn hành. Nhưng liên hội Cựu Chiến Sĩ, một tập thể gồm các hội đoàn quân đội và quân trường, vẫn tiếp tục tham dự nên Hội Trưởng Hội TQLC Nam CA đã tham khảo ý kiến anh em Mũ Xanh để cân nhắc thiệt hơn và đa số đi đến quyết định không tham gia diễn hành nữa. Một quyết định hết sức khó khăn, nhưng đành hy sinh cái hão danh trước mắt mà giữ vững được lập trường chống đối giới đồng tính luyến ái xâm nhập vào tập tục văn hóa Việt Nam. TQLC đã hy sinh bảo vệ quê hương thì tiếp tục hy sinh để bảo vệ văn hóa Việt Nam. Vì sao? Vì đồng tính luyến ái là một lối sống tình dục bệnh hoạn, khó mà diễn tả bằng bạch văn, vì thế tôi xin mượn hai câu tục ngữ (có chữ tục) để ám chỉ đồng tính nam là “gậy ông đập lưng ông” và đồng tính nữ là: “lá rách đùm lá nát”!). Đóng ngoặc.
Trước đây tôi có viết một bài về những “ông thầy” đầu đời binh nghiệp của tôi ở TĐ.5/TQLC, kể từ ông Trung Sĩ 1 trung đội phó Nguyễn Văn Lô đến ông Thiếu Úy ĐĐT Dương Bửu Long, nay xin vắn tắt đôi điều chưa nói hết.
Anh Long là ông thầy của tôi về mọi phương diện, Anh là cấp chỉ huy đại lượng, nhưng lại rất bướng đối với những lệnh .. lạc, nôm na là những cái lệnh bắt “thi hành trước khiếu nại sau” khiến anh thường chịu thiệt thòi, “đệ tử” lây cái tính của “ông thầy” nên cũng không khá. Sau trận Mộ Đức Quảng Ngãi, ĐĐ.4 của anh hy sinh nhiều nhất, 2 trung đội trưởng tử thương (Phương K18VK và Thảo) một bị bắt (Quỳ K20VB), Lộc và anh bị thương! Thay vì có anh dũng thì anh lãnh cán búa! Anh về ngồi chơi sơi café đắng ở TTHL! Ly nước tràn là vào thời điểm tết Mậu Thân, anh mang vết thương lòng về với BĐQ. Năm 1969, anh và tôi gặp nhau ở ngay trận chiến Chương Thiện rồi biệt tăm từ đó!
Năm 2000, thấy hình anh và bài viết về trận Mộ Đức trong cuốn chiến sử TQLC do BS Dũng biên soạn, tôi tìm cách liên lạc và đã nhận được hồi âm. Anh sống cô độc và không sinh hoạt với đơn vị gốc. Đây là chuyện khá lạ, vì anh Long vốn là người của đám đông, mang niềm vui đến cho anh em. Sau một thời gian thư đi tin lại tôi mới biết anh đang bị bệnh phổi, rồi thư anh thưa dần và ngưng hẳn, tôi không biết làm sao hơn vì không quen biết ai ở bên Úc cả.
Năm 2003, nhân dịp đại hội TQLC ở Houston TX, tôi gặp MX Trân Như Hùng từ Úc về dự, tôi có hỏi nhưng Hùng không biết, tôi vội viết thư cho anh Long và nhờ Hùng cầm về Úc tìm tung tích BĐQ cựu TQLC Dương Bửu Long. Ngay khi về tới Úc, Hùng đã tìm ra tung tich anh Long và báo cho tôi với đại ý:
_ “Anh Long đang đi dần vào hôn mê, trên đầu giường còn những sách báo TQLC do anh gửi, anh Long không còn nói năng gì nhưng khi đọc thư anh và anh Phán thì anh Long tỏ dấu hiệu mấp máy đôi môi!”
Khi đã tìm ra và biết anh Dương Bửu Long là ai thì Trần Như Hùng cùng anh em MX thay nhau thăm viếng và săn sóc anh Long. Khi anh Long chiếm được mục tiêu cuối cùng thì MX Trần Như Hùng đã điều động cả BĐQ lẫn TQLC để lo hậu sự cho anh với đầy đủ nghi thức và đã trao tro cốt về cho gia đình anh tại VN. Và hiện nay hằng năm anh em vẫn nhớ đến ngày giỗ cho anh. Tôi không đủ ngôn từ để ca ngợi cho đúng tình Huynh-Đệ của TQLC Hùng đối với BĐQ Long, dù Trần Như Hùng và anh em MX bên Úc không hề quen biết anh Dương Bửu Long.
Một niên trưởng thâm niên nhất, hiền nhất và trẻ trung nhất trong số các niên trưởng mà tôi đề cập đến trong bài này là Trần Kim Đệ, anh là K8VK/TQLC. Ngày xửa ngày xưa, nếu không bị loại vì lý do sức khỏe, vì thiếu vài kg thì tôi đã là đồng khóa đồng chìa với Đệ Đức rồi, đã “mày-mày tao-tao” rồi, và dĩ nhiên những ông thần Nước Mặn kể trên đều là niên đệ của tôi đấy nhá. Nhưng nhờ trời thương nên sau này tôi được làm đồng-đàn với anh ở Tiểu Đoàn Trâu Điên.
Đệ Đức Trần Kim Đệ là một lão làng trong Binh Chủng Mũ Xanh nhưng không hiểu tại vì nguyên cớ nào mà anh chịu nhiều thua thiệt! Làm sao người viết biết lý do? Bản tính hiền lành nhưng cũng hay lý-sự có ảnh hưởng gì tới binh nghiệp của anh chăng? Đệ Đức chỉ biết chửi thề nửa vời, chỉ biết nói tiếng “mẹ” mà thôi! Không biết có phải Đệ Đức sợ tiếng đức, sợ “đ..” mà bỏ đi chữ này nên câu chửi thề không tròn, đó là một trong cái dễ thương của Đệ Đức. Nếu phải tóm tắt về bản tính của Đệ Đức thì tôi xin dùng bốn chữ “Khẩu Phật, Tâm Phật”.
Trong TĐ Trâu Điên anh và tôi có nhiều kỷ niệm khó quên, đặc biệt là trong giai đoạn Mậu Thân 1968. Đệ Đức Trần Kim Đệ và Lâm Đồng Đinh Xuân Lãm luân phiên nhau giữa hai nhiệm vụ đại đội trưởng và Ban Ba tiểu đoàn nên tôi khó xác định chính xác thời gian, nhưng sự kiện thì không sai.
Khi ĐĐ.1 thanh toán những mục tiêu vùng Gia Định, rạp hát Cao Đồng Hưng, Cây Quéo vừa xong thì được lệnh cấp tốc quay trở lại vùng Chợ Lớn để tiếp viện cho đại đội của Đệ Đức đã bị VC tấn công chia cắt trong đêm, và trung đội của Chuẩn Úy Hồng đang trong thế “chỉ mành treo chuông”. Tôi giao cho Trung đội 14 của Th/úy Huỳnh Vinh Quang lãnh nhiệm vụ bắt tay với Hồng và Quang đã giải thoát được cho Hồng.
Sau Mậu Thân, vào sáng ngày N tháng 9/1968, TĐ.2 đi hành quân Tây Ninh, ĐĐ.1 được giao nhiệm vụ nhảy diều hâu vào vùng Cầu Khởi để tìm địch. Không cần lùng đâu cả, địch nằm sẵn chờ nên ĐĐ.1 (-) dính trấu ngay, tiểu đoàn liền nhẩy bao vây để diệt và tiếp cứu. Đồ Sơn lệnh cho Đệ Đức:
_ “Đệ Đức, bằng mọi giá ông phải bắt tay được với Cần Thơ”.
Liên lạc hàng ngang cho biết hướng tiến của Đệ Đức và trung đội đi đầu là Chuẩn Úy Hồng lại nhằm vị trí của Th/Uy Huỳnh Vinh Quang. Hai cố tri Hồng-Quang cố gắng bắt tay nhau lần nữa. Nhưng than ôi! Mừng vui chưa bắt thì đã sầu chia ly, Chuẩn Úy Hồng đã gục ngã trên đường tiến quân và phải đến ngày hôm sau chúng tôi mới bắt tay được với nhau.
Quả thật đời lính chiến “ra đi” quá dễ dàng, “sống nay chết mai” là chuyện bình thường, vừa mới nhăn răng cười vung nước miếng thì đã chết nhăn răng sùi bọt mép! Thằng em vừa mồi cho ông thầy điếu thuốc bên miệng hố, khói thuốc chưa kịp bay ra khỏi miệng thầy thì đệ tử gục xuống vì đạn AK, máu và óc đệ tử văng đầy mặt ông thầy!
Ai vay của Tổ Quốc không biết mà chỉ có người lính chiến phải trả, một người tiền tuyến trả thì cả ngàn hậu phương vay rồi quỵt, làm sao lính trả hết nợ đây? Lời chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ khi nào cha mẹ vợ con lãnh được 12 tháng lương tử tuất thì lúc đó người lính mới hết nợ “Đã Đền Xong Nợ Nước”!!!
Nỗi buồn này ai hay? Vậy mà có những tên sob chưa một ngày mặc áo lính, chúng được sống còn là nhờ người lính để ngày nay dung thân đời tầm gửi nơi đất khách thì lại ngoác mồm thối sủa lại người lính VNCH! Quả thật bọn này không xứng đáng mang thân phận “chó đẻ”, quả tim vong ân của chúng thua xa loài chó. Lũ cẩu trệ.
Xin lỗi độc giả, tôi quay về với Đệ Đức một kỷ niệm khó quên, khó quên nên nhớ cả ngày tháng, nhớ cả không gian và thời gian. Sáng ngày 19 tháng 6 năm 1969, trên cánh đồng ngập nước mênh mông thuộc Hỏa Lựu, tỉnh Chương Thiện, đường mòn chớ đi, binh thư đã dậy như vậy nên cánh B/TĐ.2 bì bõm, nước ngang lưng, tiến vào mục tiêu và rồi mìn gài dưới nước tung lên! Trong tích tắc tôi biết mình cũng tung lên rồi ..đi.
Khi nghe tiếng phành-phạch của cánh quạt trực thăng, tôi run lên vì lạnh, cái lạnh khủng khiếp làm tôi tỉnh lại, mơ màng nghe được tiếng Đệ Đức báo cáo với những tiếng quen thuộc “Whiskey”, “Kilô” .. như vậy là tôi chưa đi.
_ “Hey Đệ Đức, tôi chưa chết à nha”
Muốn gào lên mà không ra tiếng, nhìn thấy mặt ổng nhưng ông ấy cứ lờ đi như không thấy tôi mấp máy đôi môi! Sình, nước, máu chui vào miệng mặn chát dù đang khát nước! Khi trực thăng đáp xuống sân bay tỉnh Chương Thiện, tôi nghe lao xao tiếng nhận lựa thương: “đi rồi”, “còn thở”, cố vấn cụt tay và Cần Thơ nát bét nhưng còn nhúc nhích. Tôi được chuyển tiếp về bệnh viện Phan Thanh Giản Cần Thơ, chưa kịp lên bàn mổ, chưa kịp nghe tiếng “kéo cưa lừa xẻ” vào ống xương đùi như lời phán của quan đốc địa phương thì “ông thầy” Hạnh đến nhận và đưa ngay chúng tôi về bệnh viện Lê Hữu Sanh Thị Nghè để các thầy Dõng, thầy Hiệp, thầy Hạnh, thầy Tựu, thầy Hải, thầy Vi không nỡ cắt của tôi bỏ đi nên nay tôi cũng còn một chút gì để đứng để đi. Cám ơn các thầy lang Tây Mũ Xanh, mong có ngày sẽ được ôn lại chuyện vui buồn bệnh viện với các thầy.
Này ông Đệ Đức! Lúc đó ông làm chức gì mà có trực thăng bay vòng vòng mà kịp thời đáp xuống lấy xác tôi vậy? Không phải TĐTrưởng Trâu Điên, vì lúc đó là anh Robert Phúc, ông cũng không là Lữ Đoàn Trưởng, vậy thì ông là Ban 3/LĐ chăng? Quần áo ướt, nằm dưới sàn trực thăng lộng gió lạnh thí mẹ, lạnh và đau quá làm tôi không biết đau nhưng thèm điếu thuốc, ông tiếc gì mà không cho tôi một hơi! Nghĩ lại mà tôi ghét ông, nhớ ông, cám ơn ông đã nhanh chóng tải thương nên tôi được cứu sống và sau này được làm tới chỉ huy phó CCST, một cái chức to mà chưa có bảng cấp số, nhưng nhờ đó tôi có cơ hội trả nợ ơn ông.
Mỗi lần gặp lại ông là tôi nhớ đến một đêm ở BCH/CC Sóng Thần, nhân dịp TĐ.2 về hậu cứ, Trâu Điên Trưởng cho “đàn trâu” nhảy ..đầm, Đệ Đức đến thăm đơn vị cũ cũng tham gia, ông vui như một lão “Ngoan Đồng” với cánh đồng cỏ non mà quên nhiệm vụ với mục tiêu chính nên đã bị bà rượt! Nhớ ơn xưa, tôi vội mở cửa cho ông tỵ nạn. Ông cứu tôi, tôi cứu ông, nhưng so ra thì ông ở trong tình thế dễ bị xé xác, nguy hiểm đến tính mạng hơn tôi ngày trước nên coi như ông vẫn còn nợ tôi. Cám ơn niên trưởng Đệ Đức Trần Kim Đệ.
Khi đọc đến đoạn này, nếu có ai đó nằm cạnh thì thế nào Đệ Đức cũng mằng tôi: “nói tầm bậy, đâu có đâu”! Đúng thế, vì thấy ông “nhát gái” quá nên tôi phịa ra cho vui ấy mà.
Làm sao kể cho hết những kỷ niệm vui buồn vàng son thời súng đạn với các niên trưởng Võ Khoa/TQLC đây? Mới kể mỗi ông một “tội” mà đã hết 20 trang giấy, người đọc đã chán mà “tội lỗi” của các ông thì nhiều, thôi thì để dành coi như “án treo”, buồn buồn mang ra kể tiếp.
Đối với các vị đại niên trưởng, những cấp chỉ huy trực tiếp thì tôi đã đi thăm các anh trước đây một lần rồi. Tango, lần cuối cùng ông ra lệnh trực tiếp cho tôi là ngày 30/4/1975 tại BCH/CCST sau khi tông tông Big Minh tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho các đơn vị quân đội VNCH bàn giao cho VC! Bàn giao cái gì đây? Tango ngồi thừ người rồi ông lập lại lời của thượng cấp tối ..cao:
_ “ Cấp ở lại bàn giao ..”!
Tango không thể nói tiếp được vì nghẹn lời. Và tôi đã bất tuân lệnh ông. Tôi đã đi thăm Saigon rồi, tuy là LĐT nhưng đã nhiều lần ông vào tần số nội bộ ra lệnh cho Cần Thơ. Trong trận Hố Bò, thấy tiếng ông trong máy tôi xin ông cho vài phi tuần lên cái đồi cao phía sau lưng. Ông hỏi có gì trên đó? Tôi nói chưa thấy gì nhưng sao lạnh lưng quá, đập trước cho chắc ăn. Ông cười, chừng nào có hãy hay. Tôi đã đi thăm Bắc Ninh, vì khi ông làm CHT/CC, ông giao cho tôi muốn làm gì thì làm. Và tôi đã đi thăm Đồ Sơn, vị tiểu đoàn trưởng của tôi từ 1967-1969.
Vui buồn với các niên trưởng Võ Khoa xin tạm chấm dứt ở đây. Thăm anh thì cũng cần thăm em, nhiều lắm nhiều lắm, không đến thăm bắt tay nhau được thì mai mốt “mượn giấy thay mặt, mượn bút thay lời” thăm nhau vậy.
California đầu Xuân con cọp
Cọp Biển không cho ai bắt nạt cọp
Tô Văn Cấp
Gửi ý kiến của bạn