BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72810)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người Y Tá Chiến Trường

08 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 3345)
Người Y Tá Chiến Trường
52Vote
42Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.54

Tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh và thương tật,
Cảm ơn Tiểu Đoàn Quân Y TQLC


Từ sau bức tường loang lỗ bị gỗ cột, mái tole đổ nát phủ trùm lên,Thiếu Úy Trần Cao Triều Trung Đội Trưởng Trung Đội 2/ĐĐ4/TĐ 9 TQLC chăm chú nhìn về hướng Tây-Nam, thế đất thoai thoải lên dốc, vị trí của một doanh trại đã bị oanh kích gần như san bằng, chỉ còn lại vài khối đen và bờ bao bọc bị đứt đoạn. Chú ý thật kỹ mới nhận thấy nó giống như công sự chiến đấu hay lô cốt, anh báo về Trung Úy Hoàng Văn Phúc Đại Đội Phó xin yểm trợ pháo binh.

Ngày 27 tháng 7 năm 1972, Tiểu Đoàn 9 TQLC hoán đổi vùng trách nhiệm của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, trên phóng đồ bên trái của TĐ9/TQLC là ranh giới khu vực trách nhiệm giữa Sư Đoàn Nhảy Dù và Sư Đoàn TQLC và (xin xem phóng đồ của Đại Tá Ngô Văn Định). Vị trí này sát vùng hoạt động của sư đoàn bạn, vì thế vấn đề yểm trợ bằng pháo binh thật cẩn thận, tùy thuộc vào trung tâm phối hợp hỏa lực.



Sau khi Thiếu Úy Triều điều chỉnh đạn nổ vào mục tiêu, tiền sát viên xin bắn hiệu quả. Trong lúc pháo binh tác xạ làm bụi khói phủ trùm mục tiêu, anh cho các tiểu đội từng người yểm trợ cho nhau bám theo các căn nhà đổ hay vị trí có thể che chở được trên địa thế. Tình hình trong mục tiêu vẫn im lìm mặc dù khoảng cách từ trung đội đến đó càng lúc càng thu ngắn lại. Anh Triều xin pháo binh ngưng tác xạ, tuy nhiên vẫn giữ yếu tố sẵn sàng bắn khi cần thiết.

Bán tiểu đội tiên phong tiến sát mục tiêu khoảng 20 thước bổng địch bắt đầu khai hỏa dữ dội từ trong các công sự phòng thủ và lô cốt bị hư hại. Trung đội dùng hỏa tiễn M72 và súng phóng lựu M79 bắn vào các vị trí trên, có lẽ một số địch bị sát thương vì tiếng súng địch chỉ còn nổ thưa thớt. Thiếu Úy Triều cho lệnh vừa bắn vừa xung phong, bất ngờ địch xuất hiện thêm tại nhiều vị trí khác và tác xạ mãnh liệt, trung đội bị thương vong, không thể tiến lên được, số người còn lại bám vào địa thế và chờ hoàng hôn xuống.

Đại Úy Nguyễn Minh Trí Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 báo cáo tình hình cho Thiếu Tá Nguyễn Kim Để Tiểu Đoàn Trưởng TĐ9/TQLC chỉ huy cánh A, thương binh của Trung Đội 2 sát vị trí địch nên không thể dùng pháo binh cũng như không quân chiến thuật oanh kích được.



Từ lúc cánh B của Đại Đội 4 xuất phát, Hạ Sĩ Hoàng Thiều Y Tá lơn tơn đi theo người bạn ở Trung đội 2, bất chợt Trung Úy Hoàng Văn Phúc Đại Đội Phó trông thấy liền bảo:

- Này, cậu là Y Tá cho đại đội phải lui ngay về phía sau.

Vì thế trong tình huống trên, anh không thể giúp gì được, nhón người lên rồi chạy nhanh qua đống gạch đổ bên cạnh, đạn đại liên CSBV cày trên mặt đất.

Trung Úy Phúc cho biết hình như địch đã đánh lừa, đợi cho ta sát cận mới khai hỏa. Địch bố trí ở vị trí cao (10 thước), địa thế chung quanh trống trải nên tác xạ chính xác. Cánh B tiến thối lưỡng nan, đành phải án binh bất động đợi màn đêm mới lần mò đem thương binh về phía sau. Y Tá Thiều tuy bị mảnh gạch sướt nhẹ chảy máu trên cánh tay, anh vẫn nhanh chóng băng bó cùng chích thuốc cho anh em bị thương trước khi tất cả được di chuyển về phía sau. Đại Úy Nguyễn Minh Trí được lệnh di chuyển Đại Đội 4 xa mục tiêu để không quân oanh kích.

Bên trong một căn nhà không còn nguyên vẹn, Thiều ngồi thở dốc, lưng tựa vào bức tường, hai chân duỗi thẳng, anh nhìn những khối lửa bùng lên giữa bóng đêm như ánh đèn chớp sáng rồi tắt ngay, tiếng nổ tiếp theo sau làm mặt đất rung nhẹ. Đạn lửa vạch những lằn sáng hướng về Bệnh Viện Quảng Trị và Trường Trung Học Bồ Đề, nó chạm chướng ngại liền tủa ra theo nhiều góc độ. Thiều nhớ gương mặt trắng bệt, lạnh ngắt của thằng bạn cùng khóa ở TTHLRC trong số thương binh được kéo về, anh đã lau sạch vết máu trên mặt bạn, kiểm soát lại dây đeo thẻ bài, viết phiếu tản thương và cài chắc vào khuy áo, tránh trường hợp thất lạc khi di chuyển, có thể thông báo kịp thời cho thân nhân nhận lãnh.



Hình ảnh những ngày ở quân trường chợt hiện đến, gợi nhớ vào một tháng gần cuối năm 1970, anh tìm đường vào Bệnh Viện Lê Hữu Sanh làm đơn nhập ngũ. Thấp thoáng bên trong (sau văn phòng Bệnh Viện) anh thấy bóng dáng thương binh, y tá đẩy xe thuốc đi vào các phòng bệnh.

Bệnh Viện Lê Hữu Sanh đang tuyển mộ Y Tá cho Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Điều kiện căn bản trước tiên là trình độ học vấn từ lớp 10, đầy đủ sức khỏe. Khi được tuyển chọn, họ sẽ học về cách thức băng bó trong mọi tình huống: ngoại thương thông thường, xương bị gãy hay mạch máu bị đứt. Kế đến là cách xử dụng ống chích (syringe), dung lượng có in trên mỗi ống để người y tá dùng đúng yêu cầu của từng loại thuốc. Tìm vùng để chích và khử trùng, điều căn bản là phải chích thuốc ngừa phong đòn gánh ATS (Anti Tetanus Serum) cho mỗi thương binh. Khi có khóa học ở Trung Tâm Huấn Luyện Rừng Cấm, họ sẽ được gởi qua thụ huấn căn bản quân sự, cá nhân chiến đấu, thoát hiểm mưu sinh.

Mãn khóa học ở Trung Tâm Huấn Luyện Rừng Cấm, các tân binh được phân phối về các tiểu đoàn tác chiến và bổ sung ra hành quân ngay, riêng các y tá sẽ trở về Bệnh Viện Lê Hữu Sanh để được huấn luyện thêm về khoa ngoại thương, nội thương.

Sau một thời gian họ được đưa ra các Đại Đội Quân Y, ngay tại Bộ Chỉ Huy của Lữ Đoàn TQLC. Bác Sĩ Đại Đội Trưởng (Y Sĩ Trưởng Lữ Đoàn) hướng dẫn thêm cho những y tá mới, họ được thực hành ngay với thương binh, khi bị đạn ở chân tay, máu ra nhiều thì phải cột đai chỉ huyết ở đâu? Chích thuốc cầm máu, thuốc giảm cơn đau, phiếu tản thương…Đầy đủ sự hiểu biết cùng thực hành, người y tá được bổ sung ra Trung Đội Quân Y (cấp tiểu đoàn), tùy nhu cầu Y Sĩ Trưởng biệt phái người y tá ra phục vụ các đại đội tác chiến.

Y Sĩ Trưởng (Bác Sĩ) Nguyễn Văn Việt, Trung Đội Trưởng Trung Đội 3 Quân Y của Tiểu Đoàn 3/TQLC, dáng người quắc thước chiều cao bình thường của người Việt Nam, hơi mũm mỉm, hàm râu đen mọc tua tủa, bộ quân phục trên người ông bị nhàu nát trong lúc đang hối hả cùng Y Tá Trưởng Trung Sĩ I Rớt cấp cứu thương binh, những người này được thiết vận xa M113(Thiết Đoàn 18) chở từ các đại đội về Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Trông ông có vẻ bụi đời (danh từ anh em dùng với sự nể trọng), cứ tưởng chắc phải là một Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch, nhưng thực tế ông là một Bác Sĩ Trưng Tập.

Các Bác Sĩ Dân Sự khi nhận được giấy gọi trưng tập của Cục Quân Y, sẽ trải qua 9 tuần lễ thụ huấn căn bản về quân sự tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Khóa huấn luyện gồm có tác xạ các loại vũ khí cá nhân, di chuyển, ngụy trang, thoát hiểm mưu sinh… rồi tiếp tục 5 tuần lễ về hành chánh quân y tại Trường Quân Y ở Sàigòn. Sau khi tốt nghiệp Bác Sĩ Trưng Tập được phân phối về các Tiểu Đoàn Quân Y của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hai Sư Đoàn Tổng Trừ Bị Nhảy Dù, và Thủy Quân Lục Chiến mới có Trung Đội Trưởng Trung Đội Quân Y là Bác Sĩ, các đơn vị khác của QLVNCH chỉ là Sĩ Quan Trợ Y mà thôi.

Bác Sĩ Việt rất thân mật với các y tá trong trung đội, và quân nhân trong tiểu đoàn mỗi khi họ về khám bệnh hoặc chữa trị. Sinh trưởng ở miền Bắc, Bác Sĩ Việt thích nhất là Cờ Tây với rượu đế, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có nhất là trong vùng hành quân, rượu đế dã chiến thường được pha chế bằng dung dịch nước biển với cồn (alcohol). Hàng tiếp tế cho trung đội lúc nào cũng có thêm một lô viết mực “Bic”, thực phẩm săn bắt như Rùa Rắn Ếch Nhái, Cá…được ông bác sĩ bụi đời ưa chuộng.

Ông rất gan dạ và nhiệt tình, mỗi khi thương binh chuyển về, với đôi mắt chuyên nghiệp, ông lướt nhìn qua vết thương để xác định những gì cần thiết phải làm ngay lập tức, đôi lúc địch pháo kích rải rác bên ngoài, ông vẫn tiếp tục tiểu giải phẫu “Thông Khí Quản (Tracheotomy)” bằng cách đặt ống mực “Bic” không ruột xuyên qua chỗ trũng ngay yết hầu vào thẳng khí quản, với phương pháp này ông đã giữ được mạng sống rất nhiều quân nhân các cấp về đến bệnh viện. Một phi công A.37 của SĐ1/KQ bị bắn rơi trên vùng trời quận Triệu Phong, tuy bị vết thương khá nặng, nhưng được Bác Sĩ Việt giành giật khỏi bàn tay của Thần Chết.

Có trường hợp bị mảnh đạn vào phổi, ông đã làm phổi giả (chest tube) bằng cách xẽ bên cạnh xương sườn số 7 cho một ống thông vào khí quản giúp cho thương binh có thể thở được. Trong lần tấn công vào Chi Khu Triệu Phong, một số quân nhân Trung Đội 2 của Thiếu Úy Nguyễn Văn Phán bị sức ép Bê Ta làm nghẹt thở, được tản thương gấp về tiểu đoàn. Sau khi biết rõ nguyên nhân, Bác Sĩ Việt dùng tay đấm vào khu vực huyệt đạo trên mình họ, tất cả thở hắt ra thật mạnh và trở lại bình thường, họ trở về đại đội tiếp tục chiến đấu.

Trước năm 1972, hầu hết các đơn vị của QLVNCH hành quân với mục đích tìm và tiêu diệt địch, mỗi lần đơn vị tiên phong chạm địch (trung đội, đại đội), thương binh được di chuyển xa về phía sau, tìm bãi đáp an toàn là trực thăng tản thương bốc về bịnh viện. Vào dịp Lễ Phục Sinh 1972, CSBV ngang nhiên mở các mũi tấn công với lực lượng hùng hậu từ 2 sư đoàn trở lên cùng hỏa lực yểm trợ dồi dào của pháo binh, thiết giáp (ngoại trừ không quân), hỏa tiễn, phòng không, mặt đối mặt trên trận tuyến. Vì thế Thiết Vận Xa M113 phải di chuyển thương binh thật xa chiến trường, do đó Y Sĩ Trưởng và Trung Đội Quân Y vô cùng bận rộn, rất nhiều trường hợp nếu người thương binh không được phẩu thuật ngay trong lúc chuyển tiếp thì họ sẽ chết trước khi về tới bịnh viện. Tuy nhiên cũng còn tùy thuộc tình hình, vị trí và cá tính của từng bác sĩ, dù gì chăng nữa khi các đốc tờ khoát bộ quân phục rằn ri, cũng đã thấy hãnh diện, thêm vào đó bao nhiêu cặp mắt lờ đờ, vết đạn nhầy nhụa máu của thương binh, thúc hối họ phải tận tâm cứu chữa đôi khi quên cả bản thân mình.

Nhập học lớp y tá sau Hoàng Thiều một khóa, Nguyễn Đăng Thâu được huấn luyện và bổ sung về Trung Đội Quân Y của Tiểu Đoàn 3 TQLC vào đầu năm 1972. Ngày 13 tháng 5, TĐ3 và TĐ6 đột kích vào Hải Lăng, khi rút lui TĐ3 bố trí phòng thủ tuyến Mỹ Chánh. Thời gian này ở Ấp Vân trình, đột nhiên có lệnh Binh I Y Tá Phạm Đồng Đãng trở về Trung Đội Quân Y và Binh I Y Tá Nguyễn Đăng Thâu biệt phái cho Đại Đội 2.



Phạm Đồng Đãng hoạt bác, những mẫu chuyện vui về đời lính không bao giờ đứt đoạn trên đôi môi. Khi nhập ngũ mỗi người đều có ước muốn riêng tư thầm kín để lựa chọn đơn vị phục vụ. Trong ký ức của anh hình ảnh người lính quân phục TQLC rằn ri đã nổi bật trong nhà thờ lúc nối bước tiến lên rước Mình Thánh Chúa.

Nguyễn Đăng Thâu hiền hòa, nụ cười thay cho lời nói, âm thanh lúc nào cũng từ tốn dễ mến, động tác nhanh nhẹn. Mỗi lần đại đội chạm địch, hoặc bị địch pháo kích, Thâu đã sẵn sàng với túi y tá,túc trực bên cạnh hiệu thính viên đại đội, trung đội có người bị thương là anh nhanh chóng đi ngay. Anh thực hiện đúng như phương châm “Cứu người như cứu hỏa”.

Những anh em bị gãy xương tay hoặc chân, Thâu băng bó và nẹp kỹ lưỡng, trường hợp này anh chích thêm Morphine cho bệnh nhân thiêm thiếp ngủ để quên đi cơn đau đang hành hạ. Một lần anh đang cấp cứu cho thương binh thuộc Trung Đội 23, dù ẩn núp bên trong tường gạch đổ nát, nhưng đôi khi sơ sót bị địch trên bờ thành bắn sẻ, đạn xuyên qua túi cứu thương phá vở các ống thuốc.

Trong trận đánh tại ấp Đại Phú ngày 24 tháng 5, một mình Thâu cáng đáng 25 thương binh và tử sĩ, tình huống đó Chuẩn Úy Khúc Thừa Thế Trung Đội Trưởng đã cho anh em trung đội súng nặng phụ giúp gói poncho và di chuyển tất cả ra xe cứu thương.

Trung đội Quân Y chỉ biệt phái duy nhất một y tá cho mỗi đại đội, vì thế người y tá phải di chuyển như con thoi từ vị trí trung đội này qua trung đội khác, ngoại trừ trường hợp người thương binh có thể tự đi về phía sau để được anh săn sóc. May mắn trong suốt cuộc chiến Thâu vẫn bình an, tiếp tục mang niềm hy vọng cho anh em thương binh nơi chiến trường.



Y Tá Phạm Đồng Đãng được thưởng mấy ngày phép ở Sàigòn, sau đó biệt phái cho Đại Đội 4. Khi tiến vào Ngô Xá Đông anh bị thương, một phần nhỏ của óc lòi ra nơi đỉnh đầu, nhờ Bác Sĩ Việt dùng phương pháp “thông khí quản”, anh được cứu sống.

Trực thăng tản thương vừa đáp xuống bãi đáp của bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở Huế, lập tức những thương binh nằm trên băng ca được khiêng vào phòng lựa thương. Chờ đợi một lúc thì cửa phòng làm việc hé mở, một trung sĩ quân y đi đến từng băng ca, trước tiên anh cắt đứt hết các băng cá nhân cũng như ống quần và tay áo nếu bị đạn ở chân hoặc tay. Người hạ sĩ quan nhìn vết thương, nếu ai bị gãy tay hay gãy chân anh sẽ cột chặt một băng vãi nhỏ về phía bên trên. Sau khi xong nhiệm vụ người trung sĩ trở về phòng và quên mất những vết thương đã bị anh cắt băng bắt đầu rỉ máu trở lại.

Thảo được tản thương về bệnh viện Nguyễn Tri Phương, anh nằm trên băng ca và quan sát việc làm của người y tá ở hậu phương, băng vãi nhỏ mà anh y tá cột chặt là dấu sẽ cưa bỏ một phần thân thể của người thương binh. Thảo được khiêng lên xe cứu thương chở về bệnh viện dã chiến TQLC, ngoái nhìn lại chiếc băng ca, máu tươi của anh còn đọng vũng trên đó.

Sau Tết Mậu Thân 1968, TQLC hành quân thường xuyên ở Vùng IV Chiến Thuật, một số anh em thủ thỉ về bệnh viện Phan Thanh Giản ở Cần Thơ, họ âm thầm cầu nguyện nếu lỡ có bị thương gãy chân hoặc tay, mong trực thăng đừng chuyển họ về đó, hầu hết ai nấy đều lo ngại trở thành thương phế binh. Báo Tiền Tuyến có phổ biến bài viết đề cập và phỏng vấn vị Y Sĩ Trưởng của bệnh viện này.

Người lính quân y trên chiến trường luôn luôn tìm mọi cách để giành giật mạng sống cũng như gìn giữ tất cả những gì nếu có thể được giúp cho đồng đội lành lặn, sớm bình phục, trong khi làm nhiệm vụ đó rất nhiều y tá đã hy sinh. Họ mãi mãi là niềm vui, niềm hy vọng vô biên của người thương binh, sự hiện diện của họ trên chiến trường giúp người lính xông pha nơi tuyến đầu an tâm dốc lòng chiến đấu.

Giang Văn Nhân

Trích “Hồi Ký Người Lính Tổng Trừ Bị”

Nguồn Thủy Quân Lục Chiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn