BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73388)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Dòng sông tĩnh lặng!

05 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 3109)
Dòng sông tĩnh lặng!
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56



(Xin thắp một nén nhang lòng tưởng niệm cố Trung Tá Phi Công Lê Bá Định. Để nhớ lại một thời đã qua...Một đời đã qua!)

Trần Ngọc Nguyên Vũ


"Tịch tịch Lăng Già nguyệt"
"Không không độ hải chu"
Thiền Sư Huệ Sinh


*****


Người khách lữ hành miệt mài đi trên con đường cái quan của đất nước, bắt đầu từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Vượt qua biết bao nhiêu những dòng sông lịch sử, từ Bạch Đằng Giang, Hồng Hà, tới sông Gianh, sông Bến Hải. Qua dòng Thạch Hãn, vượt đỉnh Trường Sơn ngược nguồn lên cao nguyên lần theo những dòng sông PoKor, Dakbla huyền hoặc. Rồi xuôi Nam tụ về 9 dòng Cửu Long Giang cuồn cuộn đổ ra trùng khơi biển cả. Ở mỗi nơi, khách đều dừng chân ngậm ngùi chiêm ngưỡng những dấu tích bi tráng của một thời. Nhưng cảnh vật còn đây mà "Anh Hùng Hào Kiệt" ngày xưa nào đâu thấy...Chỉ thấy sóng nước gầm lên khúc độc hành...

...Ông ra chào đời và lớn lên vào "thủa trời đất nổi cơn gió bụi" (1). Lúc thiếu thời, ông miệt mài nấu sử sôi kinh, rèn luyện bản thân và tạo cho mình một gánh hành trang cần thiết để đi vào cuộc sống...Cũng như bao người trai cùng thế hệ "mầu tím hoa sim" với ông, thế hệ của những người đã "...Bao năm mài gươm dưới nguyệt - Mà tưởng nghe hồn thép réo sông sâu." (2) Năm 1958 ông tình nguyện đầu quân vào quân chủng Không Quân, và được huấn luyện để trờ thành một phi công. Sau khi tốt nghiệp, ông về phục vụ tại Phi Đoàn 1 Khu Trục (tiền thân của PĐ Phượng Hoàng 514) đồn trú tại căn cứ không quân Biên-Hòa. Là một phi công tài hoa son trẻ và nhiệt tình, ông cùng các bạn đồng lứa ôm trong lòng một hoài bão của những người lấy "Chí làm trai dậm nghìn da ngựa - Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao" (3) làm phương châm cho cuộc sống. Chính những nguời như ông cùng các bạn đã làm cho ngành Khu-Trục trở thành những đơn vị tác chiến lừng danh của KLVNCH thời bấy giờ.

Hồi mới vào KQ tôi đã nghe danh ông cùng những tên tuổi như Phạm Long Sửu, Võ Xuân Lành, Nguyễn Quang Tri, Lưu Kim Cương, Nguyễn Ngọc Khoa, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Hồng Tuyền, Nguyễn Văn Tường, Chế Văn nghĩa, Ôn Văn Tài, Nguyễn Văn Giang, Lê Văn Thảo, Huỳnh Văn Vui, Nguyễn Quốc Hưng, Nguyễn Quốc Thành, Lê Mộng Hoan, Lê Như Hoàn, Dan Hoài Bửu, Phạm Đình Anh, Lê Phước Cung, Trần Văn Việt, Phạm Đăng Cường, ...nhưng chưa có dịp quen ông cho đến khi đi biệt phái PleiKu, bay cho MAC SOG yểm trợ Chiến Đoàn 2 Xung Kích ở KonTum, và B50 ở Ban Mê Thuột, tôi mới được hân hạnh gặp gỡ và quen biết ông. Tôi gặp ông cũng là do cái "duyên nghiệp" đưa đẩy. Lúc đó ông đang giữ chức vụ Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến của căn cứ 92 chiến thuật. Vì cùng là dân KT nên thỉnh thoảng ông hay ghé biệt đội thăm chúng tôi, và chia sẻ những kinh nghiệm bay bổng. Qua những lần gặp gỡ đó, tôi thấy ở ông như đang có ngọn lửa ưu tư bập bùng trong lòng. Tôi vốn là người thích thơ văn, gặp ông cũng là tay sính văn chương thơ phú, cho nên tuy mới gặp mà đã như quen biết tự bao giờ...Thủa ấy vào những ngày mưa dầm gió bấc, ông hay mời chúng tôi đến nhà ông. Có khi cùng ông ăn một bữa cơm thanh đạm gia đình, do bàn tay khéo léo của người vợ hiền sửa soạn. Hay những buổi tối đội mưa ghé thăm ông để được thưởng thức một chén chè đậu đỏ ngọt đậm tình người. Hoặc những buổi chiều mây dông đen kịt kéo về phủ kín cả bầu trời phố núi, tôi cùng Vũ Công Hiệp, Nguyễn Hoàng Mai, Hoàng Mạnh Dzũng đến thăm ông, cùng ông bàn chuyện thơ văn bên ấm trà sen thơm ngát...Ông là một người hào phóng và lịch duyệt, nói chuyện rất có duyên, hiểu biết nhiều, lại thêm giọng nói trầm ấm, đằm thắm và lôi cuốn làm cho người nghe phải cảm mến. Qua những buổi trà đàm cùng ông, ông thường nói về nghệ thuật uống trà của kẻ sĩ. Ông nói uống trà không cần phải cầu kỳ qúa như Trà Đạo của Nhật Bản, hay lối pha trà kiểu cách của người Tầu, nhưng cũng không qúa giản dị mà để mất đi cái "lễ" đối với trà. Uống trà là phải uống được cái hồn trà, cũng như đọc thơ văn hay nghe nhạc là phải cảm nhận được cái hồn của văn thơ và nhạc. Mà hồn văn thơ hay hồn nhạc là gì nếu không phải là tâm tình của tác gỉa hòa lẫn vào câu thơ, lời văn hay khúc nhạc mong gởi đến người nghe đó sao. Hồn trà cũng vậy, có phải là hồn của người pha trà gởi vào trong ấm trà, bình trà để khi rót ra, tức là rót cả tâm tình của mình vào ly vào tách để mời khách đó hay sao. Cho nên khi uống trà, người uống có thưởng thức được vị trà, và cảm nhận được tâm tình của người pha trà mới gọi là tri âm, tri kỷ...Nghe ông nói dù chưa uống trà nhưng tôi đã thấy đâu đây thoang thoảng hương trà đậm tình tri kỷ bốc lên rồi...Trong số những văn nhân thi sỹ Đông Tây kim cổ, ông thích nhất Tô Đông Pha, và Hàn Mặc Tử. Với họ Tô , ông thích cái hào khí của một kẻ sĩ quấn lấy bước chân của thi nhân trên những chặng đường đầy ải. Với Hàn Mặc Tử, ông cảm nhận được cái phong thái phiêu diêu, lãng đãng và những nỗi day dứt, thiết tha ẩn sau những cơn đau đớn tột cùng của thân xác thi nhân. Hình như qua cuộc đời thăng trầm đầy những sự đau đớn, oan khuất và đọa đầy của những nhà thơ tài hoa nhất mực ngày xưa này, mà ông đã tìm được chân diện mục của chính mình chăng...Ông có một lối sống ung dung tự tại...Một lối sống rất thiền trong triết lý "Cư Trần Lạc Đạo" của vua Trần Nhân Tôn, vị đệ nhất tổ thiền phái "Trúc Lâm Yên Tử" của Việt nam. Ông đem thiền cả vào trong cuộc chiến để vượt ra khỏi vòng cương tỏa của những chết chóc, của bom nổ đạn bay, để thấy được cái hạnh phúc thật đơn giản của con người, những cảnh trí đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Nó luôn luôn ở ngay bên cạnh mình, không cần phải vọng tâm mong ước; chỉ cần nhận ra nó, và nhìn nó bằng một cái nhìn "bất nhị", và nhất là để biết mỉm cười với thế nhân. Hãy nghe ông tâm sự:

"...Lúc trở vào mục tiêu lần thứ ba, có nhiều va chạm mạnh ở toàn thân phi cơ. Cánh chim lao chao… Tôi trút hết số bom vào mục tiêu đang cháy bùng vỡ toang… Tôi chợt thấy rợn người… Tôi đã xuống quá thấp và hiện ra ở cách độ 1500 bộ… Vách đá trước mắt tôi với nhiều vết đạn dài bay lên như sắp đổ ập lên tôi… Chậm quá rồi…

Tôi phải kéo thật mạnh để tung bổng lên cao. Nhưng nếu cần lái lại bị kẹt vì lý do nào đó… Nếu các định luật gia tốc và thăng tốc không còn đúng nữa ở trong trường hợp này?

Bao sức mạnh trong tôi dồn cả vào đôi tay níu kéo cần lái như chỉ một lần cuối níu kéo định mệnh, níu kéo những giây phút sau cùng của cuộc đời. Tôi cố nhấc bổng khối sắt nặng nhiều tấn đang rung mạnh lên cao… Hôm nay không có trời xanh cao đẹp, nhưng những đám mây xám ngoẹt kia giờ đây sao lại đẹp dị thường. Các bạn tôi đang tìm tôi trên vùng mây kia.

Những giây phút này chắc tôi không còn có thể đưa họ trở về phương Nam như một “đàn chim Việt”. Lòng tôi thanh thản vô cùng. Tôi nhớ rõ trước khi đi, tôi đã ra lệnh tỉ mỉ cho người phi đội phó thay tôi nếu tôi rơi rụng… Họ sẽ trở về an toàn dù có thiếu vắng tôi. Không có gì là quá đắt nếu chỉ một mình tôi phải trả giá cho phi vụ này… Trong phim Le Pont de Toko Ri có ai trở về đâu… Thế mà các bạn tôi sẽ trở về. Chắc chắn họ sẽ trở về… Chấp nhận kiếp sống mây trời là để sống hào hùng và chết oanh liệt…

Chợt một khe núi thoáng hiện bên phải hướng hai giờ. Tôi không cần thấy rõ những gì trong ấy. Bấy nhiêu đó quá đủ giúp tôi vượt khỏi bàn tay tử thần một lần nữa… Thôi tử thần, ta chào mi. Hẹn lần khác nhà.

Tôi vượt lên cao…

Các bạn tôi đang lượn vòng chờ đợi.

Chúng tôi im lặng hướng về Nam, luôn luôn ở đội hình chiến đấu để chờ đợi một cuộc săn đuổi của phi cơ địch. Nhưng rồi lại thoáng hiện chiếc cầu với hai cột cờ.

Lần này thì lại nằm bên cánh tay phải.

Phải, trái? Ai phải, ai trái? Tôi không cần.

Chỉ biết rằng chúng tôi đang trở về toàn vẹn và bây giờ hiện bay trên Huế…

Hầu hết phi cơ bị trúng đạn, nhưng nhạc gió vẫn quay đều. Tôi báo cáo sơ lược cho đài kiểm báo và cho biết đang trên đường về.

Hoàng hôn đẹp.

Sóng biển lấp lánh ánh bạc.

Tôi gỡ nhẹ đôi găng tay để đốt một điếu thuốc nhăn nheo được vuốt thẳng.
Trời tối dần. Khi đưa điếu thuốc lên môi, tôi chợt thấy bàn tay run run… Vì sung sướng thành công hay vì những phút giây căng thẳng rợn người vừa qua còn vương vấn? Có lẽ hai thứ hoà chung.

Thuốc ngon quá.

Buổi tối, lúc đang sửa soạn cho phi vụ hôm sau, thành tích của tôi được loan truyền trên đài phát thanh Sài Gòn. Tò mò bắt sang đài Hà Nội, họ đang khoe đã hạ được năm máy bay trong số ba mươi máy bay tiến đánh lúc ban trưa ở cùng một nơi chốn và thời gian mười hai chúng tôi đã đến và trở về.

Tôi mỉm cười…

Lê Bá Định".

Lê Bá Định


Thật là một nụ cười dí dỏm. Nụ cười thoang thoảng hương "Thiền" trong cuộc sống.

...Không phải vô cớ mà từ một Phi Đoàn Phó của phi đoàn Phượng Hoàng 514, một phi đoàn khu-trục lừng danh của Không Lực VNCH, cùng với hàng ngàn giờ bay cá nhân, qua các phi vụ bình Nam phạt Bắc, ông lại thu mình ngồi mai danh ẩn tích trong cái văn phòng nhỏ bé, trên ngọn đồi của căn cứ 92 Chiến Thuật đèo heo hút gió này. Cái văn phòng vỏn vẹn chỉ có dăm ba nhân viên, cả Kinh lẫn Thượng, và một người lính văn thư ngày ngày ngồi đợi ông đọc xong giấy tờ từ trên gởi xuống để cho vào sổ lưu...

...Cho đến ngày ông bước ra khỏi cái văn phòng nhỏ bé đó để về làm phi đoàn trưởng phi đoàn "Thái Dương 530", quy tụ những anh-hùng hào-kiệt từ các nơi đổ về, hợp cùng với phi đoàn quan sát "Black Cat" (3) của Thiếu Tá Võ Công Minh, các phi đoàn trực thăng "Lạc Long" của Thiếu Tá Lê Văn Bút, và "Sơn Dương" do Thiếu Tá Vĩnh Quốc làm Phi Đoàn Trưởng, cùng các đơn vị kỹ thuật của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Sung, tạo nên cái sườn cho Không Đoàn 72 Chiến Thuật, dưới quyền chỉ huy của chiến lược gia lỗi lạc của KQ là Trung Tá Nguyễn Văn Bá, mà chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Không Đoàn tân lập này đã vươn mình như Phù-Đổng Thiên-Vương, lập được nhiều thành tích đáng kể, và đã góp phần vào cuộc chiến thắng lẫy lừng của toàn quân vào mùa Hè năm 72...

...Ông làm Phi-Đoàn Trưởng PĐ "Thái-Dương 530" chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, rồi lên làm liên Đoàn Trưởng LĐ72 Tác Chiến thay Tr/Tá Trang được thuyên chuyển về Nha Trang. Ít lâu sau, tôi cũng rời phi đoàn để lên coi phòng Huấn Luyện Không Đoàn, thay thế Th/Tá Hưng đi làm sĩ quan liên lạc trực thăng bên Hoa Kỳ. Tuy ngồi ở phòng huấn luyện, nhưng tôi vẫn thường xuyên về phi đoàn để chia sẻ cùng anh em những nhọc nhằn, nguy hiểm trong cuộc chiến...Trong khoảng thời gian này, khi bay những phi vụ hành quân, chúng tôi đã nhiều lần phát hiện ra dấu vết của những con đường mòn do địch quân khai phá, xuyên qua vùng núi đồi trùng điệp của miền Tây Nguyên. Có những đoạn rộng thênh thang đủ cho xe tăng và molotova của địch di chuyển. Những phi-tuần trưởng có uy tín của phi đoàn như Nguyễn Văn Huynh, Phạm Văn Thặng, Vũ Công Hiệp, Bạch Diễn Sơn, Hồng Khắc San, Trần Thanh Long, Hoàng Mạnh Dzũng, Nguyễn Hoàng Mai, Lê Thuận Lợi, Vũ Văn Thanh đã nhiều lần viết những bản báo cáo tỷ mỷ gởi lên ông và Trung Tá Bá để trình lên thượng cấp, nhưng không lần nào thấy hồi âm...Riêng chỉ có ông và ông "Bá Chủ" là những người chia sẻ ưu tư cùng chúng tôi. Ông tỏ ý lo ngại không biết đất nước này rồi sẽ đi về đâu...Ông lo ngại cho những người lính trẻ đầy nhiệt tình và lòng qủa cảm, sẵn sàng hy sinh cho đại cuộc, đang bị buộc chân, cột tay, dấn thân vào một cuộc chiến không có lối thoát...Ông tâm sự với chúng tôi là chúng ta cần phải làm một cái gì đó để thoát ra khỏi tình trạng này, dành lại quyền làm chủ chiến trường, để sớm đem lại cuộc sống thanh bình cho đất nước. Nếu không thì cuối cùng chúng ta sẽ phải lãnh một hậu qủa vô cùng thảm khốc...Câu nói này đã để lại trong tôi những day dứt suốt cả cuộc đời...Và cũng vì câu nói này mà định mệnh đã đẩy tôi cùng Phạm Văn Thặng, Trần Kim Long, Trần Văn Phúc, và Trần Cao Chánh bên BĐQ vào một khúc ngoặt của lịch sử...

...Vào khoảng cuối mùa Xuân năm 1971, Trung Tá Khoa, sếp cũ của tôi hồi ở BĐ83, bất thần bay lên Pleiku để gặp Trung Tá Bá và ông. Không ai biết được chi tiết về cuộc gặp gỡ bí mật của những con người coi núi Thái Sơn nhẹ như chiếc lông hồng này. Buổi trưa hôm đó, tôi được gọi lên trình diện ông và Trung Tá Bá để nhận lệnh thành lập một phi đội đặc nhiệm. Tôi nộp cho ông một danh sách 4 người gồm có tôi cùng Phạm Văn Thặng, Trần Kim Long và Trần Văn Phúc, để ông làm SVL di chuyển.

Sáng sớm hôm sau, khi đất trời còn đang ủ mình trong màn sương lạnh của núi rừng, ông đưa chúng tôi ra tận chỗ chiếc trực thăng đang quay máy chờ nơi đầu phi đạo 09. Trước khi lên phi cơ, ông nắm chặt tay từng người nói qua sức gió thổi của cánh quạt quay vù vù trên đầu: "Tụi 'Toi' về trong ấy gặp anh Khoa. Công việc chưa biết ra sao, nhưng ở ngoài này 'Moi' và ông Bá chủ sẽ phải gồng mình chờ đợi..." Nghe ông nói tôi lặng người đi như vừa chạm phải một dòng điện...Nhìn vào mắt ông, tôi thấy trong tận cùng sâu thẳm nơi đáy mắt của ông, như đang bốc lên ánh men say của khúc "Tống Biệt Hành." Chúng tôi nhẩy lên phi cơ. Chiếc trực thăng bốc mình rời khỏi mặt đất, quay một vòng như để chào tiễn biệt, rồi chúi mũi lao về phía trước. Từ trên chiếc trực thăng nhìn xuống, tôi thấy dáng ông nghiêng ngả trên sân bay, giơ tay vẫy...Tôi thấy lòng mình trùng xuống, qua tiếng động cơ của con tầu, tôi nghe như có tiếng gào thét vọng về từ một dòng sông định mệnh...

...Nhưng ý trời chưa thuận chiều theo lòng người nên mọi chuyện đã không thành. Sau một thời gian nằm chờ tại Tân Sơn Nhất, chúng tôi lại trở về đơn vị cũ. Lúc đi không có rượu Bồ Đào, chén Dạ Quang đưa tiễn; lúc về cũng âm thầm như cơn gió thoảng, không để lại dấu vết gì, mà chỉ để lại cái âm hưởng hào hùng của tráng sĩ qua những vần thơ: "Một nhát dao bay ngàn thủa đẹp - Dù sai hay trúng cũng là dư." (4) Cũng từ đó, trên vầng trán của ông và của những người trai thời loạn, càng hằn sâu thêm những nếp nhăn ưu tư cho vận nước.

Sau mùa Hè năm 1972, Đại Tá Bá đổi về Phan Rang làm Chỉ Huy Trưởng căn cứ 20 chiến thuật, và ông được điều lên làm Không Đoàn Trưởng KĐ/72/CT. Cùng quãng thời gian này, khi Sư Đoàn 6 KQ được thành lập, dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Phạm Ngọc Sang, thì cuộc đời và sự nghiệp của ông lại bung ra như mây như mưa bay khắp bốn phương trời...Nhớ lại ngày nào ông từ cái văn phòng "Tâm Lý Chiến" chật hẹp, đứng lên vươn vai xoải cánh như con phượng hoàng vùng vẫy, tạo ra biết bao nhiêu những huyền thoại, bạch thoại quấn lấy bước chân...Nay cái duyên của ông với vùng trời biên trấn cũng đã hết. Ông lại ung dung cùng gia đình ngất ngưởng ngồi trên chiếc xe đò xọc xạch, từ PleiKu xuyên qua Quốc Lộ 19, đánh một vòng ngao du sơn thủy, đắm mình vào với khung cảnh kỳ tú của non xanh, nước biếc, nhuộm thắm tâm hồn người "chinh nhân nghệ sĩ". Rồi qua đèo đổ dốc xuôi Nam về miền biển, ngày ngày chăm lo cho những cánh chim non, đào tạo cho Không Lực VNCH những phi công ưu tú trẻ tuổi, để sau này tung vào cuộc chiến.

Tháng Tư năm 75, lịch sử lại một lần sang trang. Những ưu tư, lo lắng của ông ngày nào như một lời tiên tri nay đã ứng nghiệm. Đời ông cùng với vận mệnh của đất nước lại rẽ vào một khúc ngoặt nghiệt ngã của cuộc bể dâu...Sau mười năm bầm dập trong chốn lao tù, ông bước ra khỏi vũng lầy dâu bể, trở về với nhân thế để chứng kiến sự phá sản đến tận cùng của quê hương, và của những mảnh đời bất hạnh. Sóng gió ầm ầm nổi lên cùng những câu hỏi quay cuồng trong đầu... Than vãn ư? Có cần thiết lắm không khi quanh ông đầy những tiếng oán than. Trách móc ư? Trách cái gì và trách ai đây khi tất cả mọi người đang ngụp lặn trong cơn ba đào của cuộc sống. Nhưng đó là cái phong độ hào sảng của một "chinh nhân" trong ông. Nó không cho phép ông được yếu lòng như vậy. Thế còn là một "thi nhân" thì sao? Có lẽ nào ông không có những cảm xúc hay rung động gì sao? Có lẽ nào ông không cảm được hồn của người pha trà đã rót hết tâm tình của mình vào ly trà hội ngộ mừng ông trở về đó hay sao? Và ông đã ngửa cổ uống cạn ly trà tri kỷ, uống cạn cả những ân tình đọng trong đáy mắt của tri âm...Ông trở về như người về trong cõi thơ và nhạc:

"Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Từ kiếp nào xưa tưởng lạc nhau
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm" (5)


...Chỉ có thế thôi, và cũng chỉ mới có ngần ấy thôi mà cũng đã đủ để làm cho nước mắt của người bạn đời tuôn ra chan hòa như dòng suối mát, cuốn trôi tất cả những héo úa, mỏi mòn của những tháng năm chờ đợi...Là một kẻ sĩ bất phùng thời, ông ung dung hòa mình vào với dòng đời xuôi ngược, sắn tay vén ống thu dọn những đổ nát của xã hội nhân quần:

Ta về dạy dỗ đàn con trẻ
Đạo lý vuông tròn của tổ tiên
Tu bổ ngôi đền thờ Quốc Tổ
Vun bồi công đức thủa Hùng Vương.
Ta về lợp mái nhà loang lổ
Sửa bức tường nghiêng đắp lại nền
Cuốc xới khu vườn hoang phế cũ
Cho mầm hạt giống mới vươn lên.
Ta về lật quãng thời gian cũ
Đếm bước ngày xưa phủ bụi đường
Ai có vì ta mang hệ lụy
Cúi đầu ta nhận hết đau thương.
Ta về gây lại nong tầm cũ
Dệt nốt cho em tấm lụa vàng
Se kết đường tơ còn dang dở
Cho nàng áo mới đón Xuân sang.


Ông bắt đầu xây dựng lại cuộc sống cho gia đình. Ông dậy con cái rất nghiêm minh, để sau này các con ông trở thành những người hữu ích cho nhân quần, xã hội. Với bản thân, ông luôn luôn giữ cho mình cái tiết tháo của một kẻ sĩ. Rồi ông lại ung dung nắm tay dìu người bạn đời, cùng nhau cất bước đi cho trọn quãng đường trần...

Suốt cuộc đời ông trong cuộc sống, ông đã trải qua biết bao nhiêu những thăng trầm, lao đao lận đận...Từ một chinh nhân và thi nhân bồng bềnh theo cơn gió bụi, tới một tha nhân chìm đắm trong cõi vô thường. Cho đến những ngày tháng cuối cùng nơi trần thế, nằm trên giường bệnh, chịu đựng sự hành hạ đau đớn đến tột cùng của thân xác, như để trả hết cái nghiệp của "Nhân Duyên" do "Vô minh và Hành" gây ra từ vô lượng kiếp. Gột sạch những "tạp niệm" tích lũy trong thân tâm. Buông xả những cái "chấp" do "Ái, Thủ, Hữu" bám vào. Ông để lộ ra cái "Tâm" thanh khiết và trong suốt của một hành gỉa đã "chiếu kiến ngũ uẩn giai không" mà bước ra khỏi vòng "Sanh, Lão tử"...Rồi tìm về một dòng sông tĩnh lặng...nơi có con thuyền vượt bến mê, con thuyền "Bát Nhã" đưa ông qua bờ, về cõi vĩnh hằng cao diệu vợi.


 

Trần Ngọc Nguyên Vũ
(Mùa Xuân năm Giáp Ngọ)

Chú thích:
(1) Chinh Phụ Ngâm
(2) (4) Thơ Vũ Hoàng Chuơng
(3) "Black Cat" sau này đổi thành "Bắc-Đẩu" dưới quyền chỉ huy của Th/Tá Võ Ý
(5) Thơ Tô Thùy Yên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn