BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đời Thủy Thủ (Chương 1,2,3,4,5)

20 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 2712)
Đời Thủy Thủ (Chương 1,2,3,4,5)
50Vote
41Vote
31Vote
20Vote
10Vote
3.52
Quyển truyện này đã được phát hành khắp Việt Nam Cộng Hòa vào giữa năm 1969. Đây là loại hồi ức tiểu thuyết dự trù gồm nhiều tập. Đời Thủy Thủ là tập đầu tiên. Sau 42 năm (2011), sách được nhuận sắc và bổ túc các phần trước đây bị… phối hợp nghệ thuật. Vũ Thất

Chương 1


 Tôi dựng cây đàn vào cuối giường, bước đến tựa lan can sân thượng của căn phố lầu ba tầng. Âm hưởng của những bản nhạc buồn còn làm tôi thờ thẫn. Tôi nắm chặt thanh sắt an toàn, nhắm nghiền mắt. Tôi có cảm giác nhịp tim như đập chậm lại và thân thể như được nâng cao,bay bổng. Tôi hốt hoảng mở bừng mắt.


Không xa bên dưới, qua những tàng cây thưa lá, hai dòng xe với ánh đèn trắng đỏ xuôi ngược chập chờn. Tôi thấy Dũng mở cánh cổng sắt, dắt xe đạp ra đường. Tôi muốn gọi Dũng nhưng thấy quá xa. Đang đàn hát với tôi, Dũng bảo là cần đi gặp người yêu, khi trở về còn hứng sẽ đàn hát tiếp. Tôi bước về phía cầu thang định xuống lầu uống một ly nước nhưng chợt đứng sựng lại. Giờ này có lẽ Hiền và Thanh đang âu yếm nhau ở bàn học của nàng. Chỉ cần bước thêm vài bước, từ đầu cầu thang, tôi có thể nhìn thấy đôi uyên ương đó qua khung cửa sổ. Họ yêu nhau, họ ngồi bên nhau, họ hôn nhau là chuyện thường tình nhưng mỗi lần nhìn thấy cảnh đó lòng tôi cứ tràn dâng cảm giác đớn đau. Tôi bước về chỗ cũ, nhìn từng người cỡi xe đạp với ước mong Dũng đổi ý quay về.

Dũng là bạn thời trung học ở Nha Trang sáu năm trước. Hiền là em gái Dũng. Thuở đó Hiền ở tuổi mười hai mười ba. Ba năm sau chúng tôi vào đại học khoa học Sài Gòn, có thêm Thanh là bạn học mới của lớp toán đại cương. Và ngay hôm đầu Dũng rủ Thanh đến nhà chơi, cô nữ sinh Gia Long tên Hiền đã tỏ ra quyến luyến Thanh. Chính hôm đó tôi bỗng thấy Hiền đã trở thành một thiếu nữ… rất đẹp. Cũng từ hôm đó, tôi bắt đầu hiểu biết thế nào là đau buồn…

Tôi lặng ngắm hình ảnh quen thuộc của thành phố về đêm. Những ô cửa sổ của các cao ốc có kích cỡ khác nhau, không cùng độ sáng. Vài vì sao rải rác trên khung trời úa vàng. Bây giờ là cuối tháng tư, còn là mùa Xuân, đúng ra là tôi phải thấy các chòm sao quen thuộc nằm về hướng Bắc. Tôi tẩn mẩn ôn lại tên từng chòm sao. Chòm Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh. Chòm Hải sư, Song nam, Thiên hậu… Tôi cũng không thấy nhóm Bảo Bình, là chòm sao quen dạng nhất được dùng để đặt tên cho khóa tôi.

– Anh Bằng!

Tiếng gọi của Hiền từ phía sau nghe thật dịu dàng. Tôi vẫn đứng bất động nhưng cảm giác bần thần gần như tan biến. Hiền đứng chạm cánh tay nàng vào cánh tay tôi. Tôi lại nghe tiếng gọi êm ái:

– Anh Bằng!

Tôi chầm chậm nghiêng mặt nhìn sang nàng rồi nhìn quanh quất, cố giữ giọng thản nhiên:

– Thanh không lên đây với Hiền sao? Anh đang mong gặp Thanh nói mấy lời từ giả…

Hiền nói nhanh nhẩu:

– Anh Thanh về rồi!

Tôi buột miệng, ngạc nhiên:

– Có chuyện gì không vậy? Thường thì sớm lắm cũng nửa đêm mới chia tay mà!

– Đêm nay Hiền muốn dành thời gian đó… cho anh!

Giọng Hiền thật dịu dàng nhưng lại làm tôi chua xót:

– Anh không yêu cầu mà cũng không cần.

– Nhưng Hiền cần!

Tôi thoáng nhìn nàng rồi dõi mắt theo những bộ hành trên hè phố. Hiền đứng lặng thinh, khuôn mặt cúi thấp. Mãi một lúc sau mới lại cất tiếng êm đềm:

– Tự dưng Hiền có linh cảm là anh sẽ không trở lại căn nhà này. Cho nên đêm nay Hiền quyết định chấm dứt … trò đùa của mình.

Hiền xoay người ôm cánh tay tôi:

-Anh Bằng! Anh tha lỗi cho Hiền!

Tôi nắm bàn tay nàng, gỡ nhẹ:

-Hiền có lỗi gì mà xin lỗi!

-Lỗi đã làm anh khổ!

Tôi ngạc nhiên nhướng mắt:

– Lỗi đã làm anh khổ? Nghe lạ!

Giọng Hiền ngập ngừng:

– Từ mấy năm nay Hiền đã cố tình làm anh khổ bằng cả hành động lẫn lời nói. Và Hiền cũng đã rất hài lòng khi thấy anh thật sự buồn khổ! Nhưng đêm nay Hiền cầu mong sự tha thứ của anh…

Tôi ngẩn ngơ chờ Hiền giải thích. Hiền tựa đầu vào vai tôi, thì thầm:

– Xin anh hiểu cho rằng Hiền đã làm thế chỉ vì… chỉ vì Hiền yêu anh.

Hình ảnh Hiền và Thanh mới đây nồng nàn hôn nhau thoáng hiện. Tôi nhích người xa ra, gằn từng tiếng:

– Nếu thật thế, anh xin cám ơn.

Hiền lại nắm chặt cánh tay tôi, giọng thiết tha:

– Anh đừng mỉa! Thật tình Hiền đã ngượng ngùng lắm khi phải thổ lộ Hiền yêu anh. Hiền chưa bao giờ nói với ai như thế.

Tôi lại không ngăn được lời mỉa mai:

– Thổ lộ yêu một người mà hành động lại chứng tỏ yêu người khác thì còn đáng ngượng ngùng hơn.

Giọng Hiền vẫn êm dịu:

– Hiền xin lỗi, vô vàn xin lỗi. Hiền cần phải làm thế để chứng tỏ cho anh thấy là Hiền đã không còn là đứa con nít như ngày nào. Hiền muốn anh thấy Hiền đã lớn, Hiền đã đến tuổi có quyền yêu. Những gì anh thấy từ Hiền và anh Thanh, là do Hiền muốn anh thấy. Thực sự Hiền không yêu anh Thanh, không chút nào. Hiền xem anh Thanh như là … vật xúc tác để khiến anh quan tâm đến Hiền…

Tôi nghĩ đến những nụ hôn Hiền dành cho Thanh từ sau ngày họ gặp nhau. Tôi nghĩ đến thời gian hai năm đăng đẳng ở quân trường. Tôi nghĩ đến những cử chỉ âu yếm của họ suốt tuần qua. Rõ ràng tôi mới là vật xúc tác. Sự hiện diện của tôi đã khiến Thanh chiều chuộng Hiền hơn và Hiền cũng đã tỏ ra vô cùng hạnh phúc đền đáp lại. Tôi lên giọng bực bội:

– Hiền lớn lên, gặp Thanh, yêu Thanh và hạnh phúc với tình yêu của Thanh là lẽ tự nhiên và là quyền của Hiền. Anh có phiền trách gì đâu mà Hiền phải tìm lời an ủi anh. Chính cái lối tỏ ra thương hại của Hiền mới đáng phiền trách. Anh đâu cần Hiền thương hại. Chẳng những không cần mà còn sợ được thương hại. Hiền hãy nhìn xuống đất xem…

Hiền nghiêng người ra bên ngoài, cúi mặt nhìn vào cái bóng tối thăm thẳm rồi hướng đôi mắt vào tôi chờ đợi. Tôi nhìn sâu vào mắt Hiền, tiếp lời:

– Từ ba năm trước, sau ngày Hiền gặp Thanh, anh đã đứng hàng giờ thế này và tự hỏi với độ cao thế này nếu nhảy xuống có đủ để chết ngay không nhưng cuối cùng như Hiền thấy đêm nay anh vẫn còn đứng đây. Hiền có biết tại sao không? Tại vì suy cho cùng, nếu anh có chết thì cũng chỉ được Hiền thương hại.

Hiền bấu chặt cánh tay tôi hơn, giọng thiết tha:

– Hiền không thương hại. Hiền thương… thật mà!

Tôi nói chầm chậm, dứt khoát:

– Hiền có thương thật thì cũng vậy thôi! Đêm nay là đêm chót anh ở nhà Hiền. Anh tự hứa kể từ ngày mai, ngày bắt đầu cuộc đời mới cũng là ngày không gặp lại Hiền. Khổ vì xa Hiền chắc chắn là ít hơn vì gần Hiền. ..

Hiền đăm đăm nhìn tôi:

– Hiền đã làm anh đau đớn đến thế sao anh Bằng? Anh yêu Hiền đến thế sao anh Bằng? Hiền cứ tưởng anh không yêu Hiền…

Giọng Hiền tràn đầy tha thiết nhưng sao tôi vẫn thấy dửng dưng. Dường như những đam mê, những cảm xúc mà tôi dành cho Hiền đã trở nên chai đá. Lời Hiền như làn gió nhẹ thoảng qua:

– Tại sao đêm nay là đêm chót anh ở đây? Hãy ở lại nhà Hiền. Hiền thật lòng không muốn xa anh. Hiền cần anh. Hiền yêu anh.

Tôi gằn từng tiếng:

– Cám ơn Hiền. Suốt thời gian dài bên Hiền, với tất cả những gì anh nhận được từ Hiền anh cho… như thế là quá đủ! Còn Hiền, Hiền chưa hài lòng sao mà muốn anh tiếp tục “ở lại”? Sao Hiền… ác với anh thế?

– Anh Bằng!

Tiếng gọi mang chút dư âm thảng thốt khiến tôi ngăn kịp những lời kế tiếp mà tôi biết sẽ xỉa xói hơn. Tôi thở dài:

– Anh xin lỗi đã cao giọng với Hiền. Thật ra, anh cũng hiểu, từ ngày Thanh xuất hiện trong ngôi nhà này, thì sự hiện diện của anh chỉ là thừa. Tuần lễ vừa qua anh muốn trắc nghiệm một lần chót. Kết quả đã quá hiển nhiên. Hiền có thể cho anh vài phút nói mấy lời từ biệt?

Hiền chớp mắt, giọng buồn buồn:

– Hiền sẽ nghe anh nhưng trước hết anh hãy nghe Hiền. Xin anh nghe cho kỹ. Hiền yêu anh, yêu từ ngày đầu Hiền gặp anh.

Tôi nhìn Hiền chằm chặp. Tôi ra Nha Trang bắt đầu năm đệ tứ. Chưa chơi thân với bạn trai và mới nhập nhằng vài cô cùng lớp. Chỉ thân với Dũng và Tâm từ năm đệ tam. Hôm đến nhà Dũng lần đầu, cô bé Hiền còn khoanh tay cúi đầu chào như trẻ nhỏ.

– Ngày đầu gặp anh, Hiền còn con nít mà!

– Với anh thì Hiền là con nít, nhưng với Hiền, cái khổ là đứa con nít biết nhìn người mình quan tâm chạy theo các cô gái khác! Có một cô, Hiền ghét cay ghét đắng. Cái cô anh thường đưa đến nhà chơi với anh Dũng. Cái cô nhiều lần Hiền bắt gặp anh hôn say đắm nồng nàn. Hiềncòn nhớ tên cô ta và sẽ nhớ hoài: Bạch Tuyết.

Hiền nhớ đúng. Thời đó chính Bạch Tuyết là người chấm dứt mọi lang bang của tôi với các cô gái khác, là người tôi vô cùng hãnh diện khoe khoang với bạn bè. Cuộc tình đang nồng thì Nha Trang hết lớp trung học, buộc tôi phải về Sài Gòn. Rồi đang khi thư qua thư lại thì đột nhiên Hiền nghênh ngang giẫm bước vào đời tôi. Tôi đau khổ vì Hiền và quên lãng Tuyết.

– Thế thì tại sao khi anh tỏ ra thương yêu Hiền thì Hiền lại quá lơ là, đến mức tàn nhẫn với anh?

– Hiền thù ghét anh và muốn trả thù!

– Trả thù?

Hiền nở nụ cười buồn:

– Trả thù những nụ hôn anh tặng người đẹp của anh. Trả thù suốt hai năm ở quân trường anh không một lời thăm hỏi Hiền. Hiền biết, khi anh trở lại Nha Trang, tình cũ không rủ cũng tới…

Tôi đưa tay xoa mớ tóc ngắn trên đỉnh đầu. Hiền nói không sai mà cũng không đúng! Tình cũ bay xa cùng lúc tình mới đến bất ngờ. Ngay từ ngày đầu vào quân trường tôi đã chỉ mong sau chín mươi ngày huấn nhục để được ra phố tìm lại người xưa. Nhưng người xưa đã bỏ đi không dấu vết. Rồi vào một buổi sáng cuối tuần lang thang trên phố Độc Lập tôi bắt gặp một người con gái khác cũng có mái tóc thề. Bất kể đang mặc bộ quân phục trắng với cầu vai alpha vàng ánh tôi cứ bước sau nàng đến tận nhà và liều mạng nhấn chuông. Từ đó các ngày cuối tuần là những ngày hạnh phúc. Từ đó hình bóng Hiền mờ nhạt. Vậy mà, khi ra trường về lại bên Hiền tôi lại sa vào tình trường đau đớn với Hiền. Tôi quên hết những nụ hôn say đắm với Tuyết, quên hẳn dáng vẻ kiêu sa của Hồng. Tôi chỉ thấy những nụ hôn nồng cháy Hiền dành cho Thanh.

Nhưng Hiền bảo đó chỉ là những nụ hôn trả thù. Trả thù một người cũng bằng cách âu yếm mặn nồng với người khác? Có thể thế không? Khi thành chồng thành vợ, liệu Hiền sẽ chấm dứt lối trả thù quái đản này? Tôi thấy mình quyết định xa Hiền là đúng. Ngọn đèn vàng ở ngã tư chớp tắt thật đều báo hiệu sau mười giờ đêm. Tôi không còn được bao lâu nữa bên Hiền. Sẽ nói gì đây? Sẽ nói gì để tôi không còn quyến luyến người con gái mà tôi tin rằng ngày nào tôi còn cạnh kề là còn khổ dài dài…

– Hiền ạ, tình yêu tự nó đến rồi tự nó đi và tự nó không có lỗi lầm gì. Tình yêu là những cuộc đuổi bắt. Người đuổi hay người bị bắt đều có cái quyền hoán đổi vị trí bất cứ lúc nào. Hiền cứ tự nhiên yêu Thanh, không cần xin lỗi. Anh đau khổ hôm nay để ngày mai thấy hạnh phúc hơn…

Hiền ôm chặt tôi, thì thào:

– Em hứa sẽ mang hạnh phúc cho anh. Chỉ toàn hạnh phúc. Hãy ở lại với em.

Chưa bao giờ Hiền xưng em với tôi. Lần đầu nghe tiếng em sao xa lạ ngượng ngùng. Tiếng em chỉ làm tôi thêm dứt khoát:

– Nếu thực Hiền yêu anh, Hiền sẽ đối xử với Thanh ra sao? Hiền sẽ hôn anh nồng nàn hơn cho Thanh thấy? Nghĩ cho cùng, cho dù Hiền có đối xử thế nào thì cũng có một người khổ! Hiền biết là anh chả vui gì khi thấy Thanh khổ. Vậy thì cho anh cám ơn Hiền. Cám ơn đã lắng nghe và cám ơn lời mời ở lại. Và cũng cám ơn nhờ Hiền mà thấy được rằng hai năm ở quân trường quả là anh rèn luyện được ý chí sắt đá. Ba năm trước đứng ở đây, anh cứ muốn nhảy xuống. Nhưng bảy ngày qua, anh cũng từng đứng ở đây mà chỉ cười thầm may mà ngày xưa mình đã không nhảy …

– Anh cứ mỉa mai nhưng xin anh đừng đi.

Tôi cố nở nụ cười, hạ thấp giọng:

– Đừng bắt cá hai tay Hiền ạ! Hiền đã chọn Thanh…

– Không! Hiền chọn anh. Hiền chọn anh từ thuở mười ba!

– Thôi cứ cho là Hiền thành thật đi, thì cũng đã muộn. Mai anh xuống tàu và bắt đầu cuộc sống mới. Anh sẽ cố quên những nồng nàn Hiền dành cho Thanh. Anh nghĩ là đã đến lúc nên chấm dứt những gì thuộc dĩ vãng đau buồn. Mà muốn được vậy, cuộc sống mới đó nhất định phải không có bóng dáng của Hiền…

Hiền đột ngột ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào:

– Anh Bằng! Hiền yêu anh, yêu anh còn hơn cả anh yêu Hiền…

Tôi cảm thấy người tôi như nhẹ bổng, trôi bềnh bồng. Hai tay tôi vẫn buông xuôi, làm như nếu tôi vòng qua người Hiền, chúng sẽ dính hẳn vào da thịt nàng. Rồi tôi cảm thấy rung động thật sự, rung động như lần đầu được Hiền ôm nói lời chia tay tiễn tôi nhập ngũ hai năm trước. Chính cái ôm đó đã mang tôi đến với Hiền sau khi ra trường. Tôi nâng nhẹ đầu Hiền và đẩy khỏi ngực. Tôi đăm đăm nhìn khuôn mặt thật đẹp thật dễ thương. Mái tóc đen buông xoã ngang vai, vài sợi vắt ngang đôi mắt long lanh như sắp khóc. Và đôi môi gợi cảm, mời mọc đang mỉm cười… Tôi chợt uất ức đến nghẹn ngào. Đôi môi đó, mới cách đây vài tiếng đang gắn chặt môi Thanh ở bàn học của nàng khi tôi bất chợt từ sân thượng xuống lầu tìm cây đàn. Và chính nụ cười đó nàng thường dành cho tôi mỗi khi tôi bắt gặp hai người đang âu yếm. Tôi cười gằn, chua xót:

– Lần trước, sắp vào quân trường, anh được một vòng tay ôm tiễn đưa. Lần này, sắp về đơn vị mới, cũng vòng tay ôm đó. Anh không trở lại là đúng. Có trở lại thì vẫn phải nhìn thấy đôi môi thuộc về người khác!

Hiền ôm cứng tôi, môi nàng tìm môi tôi. Môi mím chặt, tôi ngẩng đầu né tránh. Ánh mắt hờn dỗi của Hiền chiếu thẳng vào mắt tôi. Rồi ánh mắt ấy dần dần biến thành tia chớp. Hiền đột ngột nới lỏng vòng tay, bước lùi một bước, khe khẽ lắc đầu.

Tôi rút một điếu thuốc gắn lên môi và thong thả châm lửa. Tôi hít thật sâu, nín thở một lúc rồi thổi ra một hơi dài. Ngụm khói làm tôi choáng váng. Tôi chập choạng bước sang lan can phía đối diện. Một vài căn phố lầu vươn lên giữa một khu xóm nghèo nàn ôm vòng vèo theo những con hẻm chập choạng tối tăm. Bên trên nó là vùng trời thăm thẳm đầy sao. Tôi nghĩ về những ngày sắp tới với những bến lạ bờ xa. Tôi nghĩ về những vùng biển với những đàn hải âu bay lượn. Tôi tưởng tượng những cơn bão loạn cuồng mà tôi sẽ phải chịu đựng suốt một đời. Tôi tin rằng dù biển có động mạnh đến độ nào cũng sẽ không làm tôi chán nản, mệt mỏi như hiện tôi đang chán nản mệt mỏi…

Hiền vẫn đứng chỗ cũ, khuôn mặt hướng xuôi theo con đường Lê Văn Duyệt . Xin từ giã con đường kỷ niệm thân thương. Xin chào biệt ngôi nhà của tình yêu, tình bạn. Xin vĩnh biệt Hiền.

Hiền đang nghĩ gì về tôi, tôi không đoán được nhưng chắc chắn là Hiền đang mỉm cười. Tôi nhún vai búng mẩu thuốc lá. Đốm lửa quay tròn rơi xuống, rơi xuống rồi vỡ tan…

***



Chương 2


Tôi hồi hộp đứng cạnh ông Hạm phó khi ông gõ cửa phòng Hạm trưởng. Tôi nghe tiếng đáp “cứ vào”. Vừa khuất sau tấm màn xanh chưa đầy một phút ông đã bước trở ra và hất hàm ra dấu. Như đã thành thói quen sau ba tháng huấn nhục, tôi cúi mặt kiểm soát lần nữa bộ quân phục đại lễ thẳng nếp với hai hàng nút vàng và đôi giày trắng tinh bóng láng. Tôi hít một hơi dài, vừa thở ra nhè nhẹ vừa vén bức màn. Trong bộ tiểu lễ, Hạm trưởng xoay ghế hướng thẳng vào tôi. Tôi đứng vào thế nghiêm, đưa tay lên chân mày chào thật đúng quân cách với lời trình diện ngắn gọn:

– Hải quân Thiếu úy Võ Bằng số quân 60A700653 trình diện Thiếu tá.

Từ tư thế chào, bàn tay tôi nhấc chiếc mũ kẹp vào nách. Ông hạm trưởng chào đáp rồi đưa tay ra. Tôi nghiêng người nắm bắt. Ông giữ bàn tay tôi khá lâu đủ để tôi lấy lại bình tĩnh. Giọng ông vui vẻ:

– Theo những gì được ghi trong quân bạ thì tôi phải nói là tôi rất hài lòng được anh phục vụ trên tàu này. Anh đã nghỉ phép? Có cần nghỉ thêm không?

Tôi nhìn cặp lon hai gạch lớn kèm một vạch nhỏ vàng ánh trên vai ông và tự dưng dâng lên cảm giác nể phục:

– Thưa thiếu tá không!

– Anh chưa lập gia đình chứ?

– Dạ chưa!

Khi nói môi ông hơi chúm lại như là nụ cười vừa thân ái vừa kiêu hãnh:

– Tốt lắm! Bởi vì trong suốt ba tháng đầu tiên anh cần dốc hết thời giờ để học hỏi mọi thứ trên chiến hạm. Có hai lý do chính: Một là anh sẽ thay tôi khi nhận nhiệm vụ sĩ quan trực nhật. Hai là… khi lãnh trách nhiệm trưởng phiên hải hành. Nghĩa là nếu anh không nghiêm túc học hỏi, nếu anh phạm lỗi lầm thì không chỉ đời hải nghiệp anh đi đong mà đời Hạm trưởng của tôi cũng đi đứt!

Ông cất tiếng cười to, cởi mở. Tuổi ông khoảng trên ba mươi. Mớ tóc ngắn không rẽ ngôi được vuốt xuôi về phía trước. Vầng trán cao, cặp mắt như phát ra những tia tinh ranh làm tăng vẻ trẻ trung yêu đời cho khuôn mặt tròn trịa. Tuy nhiên tất cả những đặc điểm đó không làm giảm nét chững chạc qua cử chỉ và giọng nói của ông, Giọng nói vừa ấm vừa trong, dễ gây cảm tình. Ông chợt đổi giọng nghiêm trang:

– Tại sao anh chọn hải nghiệp?

Tôi lúng túng. Thật ra, tôi chưa hề có ý chọn hải nghiệp. Một người bạn đã chọn cho tôi đúng lúc tôi muốn chấm dứt đời học trò. Nhưng sau hai năm vất vả ở quân trường, tôi đã thấy thật hạnh phúc được mang bộ quân phục trắng. Tôi đáp không chút ngập ngừng:

– Thưa Thiếu tá, tôi thích…

Ông gật đầu, ngắm tôi một lúc rồi quay nhìn sang quyển sổ quân bạ. Ông chầm chậm lật vài trang. Tôi lặng thinh chờ ông lên tiếng.

– Tôi ra trường trước anh tám năm. Phục vụ liên tiếp sáu chiến hạm. Chiếc này là chiếc thứ ba tôi làm hạm trưởng. Anh thích hải nghiệp, hẳn là anh cũng thích sớm trở thành hạm trưởng. Vậy thì tôi truyền kinh nghiệm này cho anh. Anh phải “mó tay” vào mọi việc trên tàu để không một thủy thủ nào, dù với ngành nghề nào, đều không thể “qua mặt” được mình. Anh phải nhập tâm mọi đặc điểm của tàu, quán tính, đặc tính chiến thuật, khả năng tác chiến vân vân. Anh phải nằm lòng mọi chức năng, công dụng của các máy móc thiết bị để có được các phản ứng thích đáng, kịp thời, hữu hiệu. Anh phải hiểu rõ ý nghĩa các màu xanh trắng đỏ đen vàng trên các ống dẫn, trên các con ốc, núm vặn. Nói tóm là anh phải biết rành rẽ mọi thứ trên tàu như biết về… người yêu của mình. Anh hiểu ý tôi chứ?

Thay vì bậc cười, tôi nói lớn:

– Thưa thiếu tá, rõ!

Ông gật gù:

– Được lắm! Còn điều này khó hơn. Nhưng trước tiên tôi muốn biết thêm về anh, về một điều không thấy ghi trong quân bạ. Sổ ghi anh có bị phạt vài lần vi phạm quân kỷ nhưng không có lần nào với lý do trốn đi bờ hay đi bờ về trễ. Thật ra anh có bay bướm lắm không?

Không đợi tôi trả lời, ông cười tiếp:

– Tàu này, sĩ quan nào cũng bay bướm, nhất là ông hạm phó bất kể sắp cưới vợ nay mai. Riêng tôi thì dù đã có vợ, có con mà vẫn còn thích… độc thân tại chỗ. Nếu anh không bay bướm, anh hóa thành người hùng cô đơn! Tôi chủ trương làm việc hết mình thì chơi cũng phải hết mình. Cái khó là trong mọi trường hợp, anh phải biết đặt công vụ trước tư vụ. Cái khó hơn nữa là khi anh chơi hết mình, anh phải chơi cho đẹp, cho phong nhã, nghĩa là anh không được gây buồn phiền cho gia đình, gây tai tiếng cho Hải quân. Đồng ý?

– Thưa rõ!

Ông hơi nhỏm người sửa lại thế ngồi. Hai cánh tay tựa lên thành ghế làm nổi bật hai hàng huy chương đủ màu gắn bên trên nấp túi áo tiểu lễ . Tôi nhận ra được hai “anh dũng bội tinh” nằm ở hàng trên. Phía nấp túi áo bên kia là cái huy hiệu hạm trưởng màu vàng có hình bánh lái tàu vòng quanh ngôi sao năm cánh. Bên dưới là một bảng tên màu đen mang hàng chữ trắng Nguyễn Hữu Hảo. Đọc cái tên, tôi ngạc nhiên mở to mắt nhìn kỹ thêm. Ông chính là nhà thơ tôi ái mộ. Năm ngoái, tôi có mua tập thơ đầu tay của ông được quân trường phổ biến. Có một câu tôi đọc một lần mà nhớ mãi: “Chưa đến với em môi sóng đã cười(thơ Hữu Phương). Thấy tôi nhìn đăm đăm ở ngực, ông tươi nét mặt:

– Đi loại tàu chuyển vận và đổ bộ này khó kiếm huy chương lắm. Phải đi loại giang pháo hạm, hay đi giang đoàn, duyên đoàn… Tương lai anh còn dài, rồi cũng như tôi, phải qua nhiều đơn vị chiến đấu. Lúc đó tha hồ mà hốt huy chương.

Tôi thấy cần nói lên cảm nghĩ của mình:

– Thưa, nhìn bảng tên, tôi không ngờ thiếu tá chính là nhà thơ tôi ái mộ. Rất hân hạnh được phục vụ dưới quyền thiếu tá.

Ông nhìn tôi bằng ánh mắt hài lòng:

– Thế thì càng thêm vui vì nay tôi có người đồng điệu để bàn về thơ. Các ông sĩ quan kia đều thuộc loại… đàn gảy tai trâu!

Ông dừng lại, mỉm cười như biểu lộ sự lỡ lời rồi trở lại công vụ:

– Theo thông lệ, chức vụ sĩ quan ẩm thực thường dành cho các sĩ quan mới ra trường. Một chức vụ không có gì khó khăn, là lo ăn uống cho toàn thể thủy thủ đoàn. Nó chỉ đòi hỏi ở anh đức tính liêm khiết và không ẩu tả. Tôi thích những người bay bướm nhưng lại ghét những người ẩu tả.

– Thưa thiếu tá, tôi hứa sẽ làm tròn nhiệm vụ.

– Tốt lắm! Về chi tiết, anh hỏi anh cựu sĩ quan ẩm thực trong thời gian bàn giao. Tôi cho anh một tuần và bắt đầu ngay hôm nay. Song song với việc bàn giao, anh phải biết qua mọi sự việc liên quan đến chiến hạm trong vòng hai tuần. Đầu tiên là anh phải học nằm lòng quyển H.Đ.C. HĐC là Huấn thị Điều hành Căn bản chiến hạm. Có thể thỉnh thoảng tôi hỏi anh vài đoạn trong đó. Anh còn phải tìm hiểu mọi sinh hoạt, mọi nơi chốn, không bỏ sót nơi nào, từ mũi tới lái. Sau đó, anh có một tuần để làm bản tường trình những sự việc anh đã tìm hiểu. Rồi ba tháng sau nữa, anh làm bản tường trình mọi điều anh đã học hỏi về chiến hạm.

Ông ngừng lời nhìn tôi như dọ dẫm phản ứng của tôi. Tôi vội lên tiếng mạnh dạn:

– Thưa thiếu tá tôi hiểu!

Ông gật đầu tỏ ý hài lòng:

– Tốt! Mọi vấn đề khác, anh hỏi ông hạm phó.

Ông im lặng, dường như xem còn gì nhắn nhủ nữa không. Căn phòng nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi. Một chiếc bàn khá rộng bằng sắt mặt lót mica trắng. Một hồ sơ màu xanh nước biển có dán tựa “Trình Hạm trưởng” đặt ở góc ngoài. Góc trong, sát vách là bức ảnh gồm ba người mà tôi đoán là vợ và hai con ông, một gái một trai. Một cây viết thon dài cắm vào lọ mực màu đen gợi nên hình ảnh lọ mực của các vua chúa thời xa xưa. Bên trên là một giá đầy sách. Phía sau ông là chiếc giường treo, nệm dầy trải drap trắng muốt.

– Anh cần hỏi gì không?

– Thưa thiếu tá không!

Giọng ông trở nên đầm ấm hơn:

– Còn một điều chót tôi muốn nhắc anh là ở trên tàu, như mọi người, anh gọi tôi là hạm trưởng và dĩ nhiên gọi sĩ quan phụ tá tôi là hạm phó. Tôi biết các từ đó còn lạ với anh. Rồi sẽ quen đi. Thôi, cám ơn anh.

Ông nhìn thẳng vào mắt tôi mỉm cười hiền hòa. Tôi đặt chiếc mũ lên đầu, khép chân lại, sửa thẳng người rồi thực hiện động tác chào thật nghiêm chỉnh. Ông chìa tay và tôi trân trọng nắm lấy. Ông nhẹ xiết rồi buông ra. Tôi quay nửa vòng, bước ra cửa, tâm hồn nhẹ hẩng…

Bên ngoài phòng hạm trưởng là một khu vực rộng lớn dùng làm nơi làm việc của bộ chỉ huy mà cũng là phòng ăn, phòng tiếp khách của sĩ quan. Thấy tôi bước ra, ông hạm phó đang ngồi chung với các sĩ quan quanh một chiếc bàn dài trải nỉ xanh thẩm đứng lên, tươi cười:

– Nào, bây giờ ta làm một màn giao duyên. Xin giới thiệu cùng toàn thể sĩ quan, đây là thiếu úy Võ Bằng, vừa tốt nghiệp khóa 11.

Tôi lại đứng vào thế nghiêm, giơ tay chào. Tất cả vui vẻ phát một cử chỉ đáp lễ. Điều tôi kinh ngạc đến sững sờ là thằng bạn học đã dụ dỗ tôi vào Hải quân đang nhìn tôi tủm tỉm cười. Thiếu úy Tâm, trước tôi một khóa, nói bằng giọng bạn bè xưa:

– Đọc lệnh thuyên chuyển, thấy tên mày về tàu này mà đợi dài cả cổ hôm nay mới được chiêm ngưỡng dung nhan. Nghỉ phép kỹ thế!

Tôi định phóng tới ôm Tâm nhưng tiếng hạm phó vang lên:

– Thế là khỏi phải giới thiệu cựu sĩ quan ẩm thực. Nhưng tôi phải giới thiệu tiếp, bắt đầu từ… tôi: Hải quân Đại úy Lê Vĩnh Đắc, khóa 6.

Ngay từ khi xách bị xuống tàu, thấy bảng tên ông trước ngực, tôi đã biết ông là ai. Ông tốt nghiệp thủ khoa với số điểm cao nhất được làm chuẩn mực cho các khóa đàn em. Ông trông đẹp trai hơn bức ảnh được treo ở phòng trực đại đội sinh viên có lẽ nhờ mái tóc kiểu đời thường.

Ông đưa tôi vòng qua chiếc ghế nệm có tay tựa màu nâu nhạt ở đầu bàn. Bảy chiếc khác tương tự cùng màu nhưng có phần nhỏ hơn. Tôi đứng trước vị trung úy có nét mặt khắc khổ ngồi ghế bìa, đối diện ghế của hạm phó.

– Đây là trung úy Hào, khóa 7, sĩ quan đệ tam, phụ trách truyền tin và an ninh.

Chúng tôi bắt tay nhau. Kế đến là trung úy Hải, khóa 8 , cơ khí và phòng tai. Ông có khuôn mặt xương, đôi mắt ranh mãnh, vóc dáng khỏe mạnh. Khi đến bên Tâm, Tâm đứng lên ôm xiết tôi. Tôi cũng xiết chặt bằng tất cả thân tình. Cảm giác lạc lõng hầu như tan biến. Tôi bước sang phía kia bắt tay thiếu úy Được, khóa 9, phụ trách ban chuyển vận và đổ bộ, người có bộ mặt trông bậm trợn, vang danh với các trò huấn nhục dành cho khóa 10 của Tâm mà một vài trò độc đáo được khóa Tâm áp dụng vào khóa tôi. Vị cuối cùng, trung úy Tùng, khóa 8, trưởng ngành trọng pháo, chuyên lo vũ khí đạn dược. Ông sắp rời tàu về đơn vị mới và Tâm sẽ tiếp nhận phần vụ của ông.

Hạm phó chỉ một chiếc ghế ở cuối bàn đối diện ghế hạm trưởng:

– Đấy là chiếc ghế dành cho sĩ quan kém thâm niên nhất. Từ nay, trước mỗi bữa ăn, “cụ” sẽ phải đọc thực đơn và mời hạm trưởng cùng các sĩ quan thưởng thức. Sau bữa ăn, không ai được rời bàn khi hạm trưởng chưa rời bàn. Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được bàn cãi hai đề tài là chính trị và tôn giáo.

Trung úy Hào chen vào:

– Còn thì tha hồ nói … tiếu lâm!

Tôi cười đáp nhận. Ở quân trường, các sinh viên đã được nhắc nhở về các tập tục này. Đó là một trong những huấn thị căn bản để tránh hiềm khích, để duy trì tình hải nghiệp. Hạm phó đưa tôi đến một dãy tủ sắt, mỗi tủ gồm năm ngăn kéo chứa các loại hồ sơ. Mỗi ngăn có dán biển xanh với hàng chữ đỏ: Công văn Đến KÍN, Công điện Đến KHẨN, Hồ sơ Trực Nhật. Ông mở từng ngăn cho thấy hồ sơ được xếp theo từng tháng. Gần đó, bên trên bốn chiếc ghế tựa cùng màu nâu nhạt trông êm ái và đẹp mắt là một giá sách, cuốn nào cuốn nấy thật dày. Đó là những cẩm nang mô tả sơ đồ chiến hạm, thiết bị và máy móc, cách sử dụng, điều khiển, tu bổ, sửa chữa… Tôi nghĩ đến hai tuần sau phải nạp bảng tường trình nghiên cứu cho hạm trưởng mà lạnh người…

Hạm phó lại lên tiếng:

– Mỗi cơ phận trên tàu đều được chụp hình, ghi chú, vẻ vời trong các sách này. Tôi sẽ đưa cụ đi từng nơi, quan sát từng thứ… Thí dụ như trong phòng này, cụ nhìn lên trần sẽ thấy chi chít đủ thứ dây nhợ, đường ống, màu sắc. Cụ phải biết chúng là gì, để làm gì… Cụ có cần một ly cà phê trước khi ta gặp toàn thể nhân viên và sau đó dạo bước từ mũi chí lái chăng?

Không đợi tôi trả lời, ông bước về chiếc bàn giải khát đặt ở góc. Ông rót hai tách và đưa tôi một. Mùi cà phê tỏa thơm đến tỉnh người. Ông chỉ tôi hộp đựng sữa và hộp đựng đường. Cạnh đó là hộp đựng các gói trà, gói ca cao. Tôi vừa hít hơi vừa bước theo ông về bàn. Ông ra dấu tôi đặt ly lên chỗ tôi được chỉ định và nói:

– Trong khi chờ cà phê nguội, tôi sẽ đưa cụ qua phòng ngủ sĩ quan để nhận giường và tủ cá nhân. Nhân đó cụ thay vào bộ quân phục làm việc!

Ông quay sang trung úy Hào:

– Sĩ quan trực cho nhấn còi tập hợp nhân viên. Mười phút nữa tôi sẽ giới thiệu sĩ quan tân đáo.

Tôi nhấc cái xách tay khá nặng đang đặt nằm tạm cạnh cửa phòng hạm trưởng, bước theo hạm phó. Tâm lẽo đẽo bước sau tôi.

***



Chương 3


Trong khi tôi trút bỏ bộ đại lễ cứng chật để thay vào bộ kaki xanh mềm dễ chịu, Tâm hí hửng hỏi:

– Mày còn nhớ Tuyết không?

Tôi làm sao quên được Tuyết của tình đầu của tôi và cả của Tâm nhưng vẫn hỏi lại cho chắc:

– Tuyết nào? Tuyết người Huế?

– Đúng! Tuyết của tụi mình ở đệ tam B2 đấy mà!

Tôi linh cảm Tâm đã gặp lại Tuyết nên hồi hộp hỏi:

– Nhớ, rồi sao?

– Cách đây mấy tháng, tao đang ngồi uống cà phê ngoài lề nhà hàng Thanh Thế thì nàng phất phơ đi ngang qua. Tao gọi và nàng mừng rỡ sà vào ngồi sát bên. Nhưng rồi tao đau thấu trời khi đôi môi gợi cảm mở lời đầu tiên là để hỏi về mày!

Tôi cảm thấy toàn thân rung động nhẹ nhàng:

– Thật hả? Rồi mày bảo sao?

– Tao nói mày cũng đi Hải quân như tao nhưng chưa ra trường. Nghe thế nàng bảo thế nào nàng cũng đi thăm mày. Tao vội bảo là mày cũng sắp ra trường. Nếu muốn gặp mày, việc giản dị nhất là cho tao biết nhà, chừng mày ra trường tao sẽ dắt đến. Thế là nàng cho ngay địa chỉ. Không những thế nàng còn mời tao đi ăn tối và sau ăn tối, nàng còn mời tao về … nhà nàng!

Tôi trố mắt nhìn Tâm. Anh gục gặc ra vẻ thích thú. Tôi mường tượng sự việc diễn ra ở nhà Tuyết. Không. Chắc chắn là không có gì. Liều mạng như tôi mà suốt một năm quen Tuyết nhiều lắm cũng chỉ là những nụ hôn. Ngày còn học năm cuối trung học Võ Tánh, Tâm và tôi cùng đeo đuổi Tuyết học dưới chúng tôi hai lớp. Tâm bạo dạn hơn nên quen nàng và đưa nàng đi chơi trước tôi. Tôi chạm tự ái, nhất định không buông tha nàng. Tôi tiếp tục đưa ra những dấu hiệu cho Tuyết thấy là tôi vẫn dành cho nàng trọn cảm tình. Một tối, Tuyết đến nhà nhà trọ của tôi tìm Tâm. Tâm ở chung với cha mẹ nhưng thường đến học chung với chúng tôi. Mọi người đi vắng đã khiến tôi không kềm nỗi trước nét đẹp tuyệt vời. Tôi ôm chặt Tuyết, hôn lấy hôn để. Tuyết chống cự kịch liệt nhưng tôi cứ ôm riết. Chừng nghe tiếng khóc nức nở của nàng tôi ngỡ ngàng nới lỏng vòng tay. Tôi nói tại tôi quá yêu nàng và tôi xin lỗi. Tuyết lặng lẽ bỏ ra về.

Tiếng của Hạm phó vang từ phòng ăn sĩ quan:

– Nhanh lên cụ Bằng ơi! Qua đây uống ly cà phê rồi lên gặp nhân viên.

Tâm cười:

– Đang hồi hộp muốn biết chuyện gì xảy ra trong đêm thúy kiều tái hồi kim trọng hả? Trưa mày ở lại tàu ăn cơm với tao, tao sẽ kể tiếp…

Tôi lúng túng đứng cạnh hạm phó trên cái sân rộng chạy dài suốt từ mũi đến lái của con tàu chuyển vận và đổ bộ. Trước mặt tôi là một thủy thủ đoàn có đến sáu mươi người đang xếp hàng ngay ngắn, chỉnh tề trong bộ quân phục làm việc. Một thượng sĩ đứng tách một bên, cánh tay mang phù hiệu ngành trọng pháo, chiếc mũ kết không che hết mớ tóc hoa râm và cái vành nón như làm tăng thêm nét nhăn ở trán. Da mặt ông xạm nắng nhưng không làm mờ vẻ tươi vui của một người hài lòng với biển khơi. Hàng đầu là bốn hạ sĩ quan, mang cầu vai đen có các vạch chéo vàng.

Ông thượng sĩ hô lớn:

– Tất cả! Nghiêm.

Toàn thể sáu mươi thủy thủ nhất loạt kéo gót chân sát nhau cùng với tư thế thẳng người . Ông hạm phó cất lời rắn rỏi và có phần trang trọng:

– Chiến hạm chúng ta vừa đón nhận thêm một sĩ quan. Tôi hân hạnh giới thiệu các anh Hải quân Thiếu úy Võ Bằng vừa tốt nghiệp khóa đệ nhất Bảo Bình trường sinh viên sĩ quan.

Ông im lặng một lúc, dường như để nhân viên có đủ thì giờ chiêm ngưỡng dung mạo của tôi rồi tiếp:

– Thiếu úy Bằng sẽ thay thiếu úy Tâm trong chức vụ sĩ quan ẩm thực và lệnh có hiệu lực kể từ hôm nay. Căn cứ vào truyền thống Hải quân và kỷ luật quân đội, tôi ra lệnh tất cả các anh phải tuân thủ mọi chỉ thị của Thiếu úy Bằng như đã tuân lệnh các sĩ quan khác.

Nén cơn xúc động với niềm vui tràn ngập, tôi chầm chậm quét tia nhìn suốt hàng quân. Không có khuôn mặt nào quen biết nhưng tôi đón nhận được những nụ cười và ánh mắt thân thiện. Bỗng dưng cái cảm giác hãnh diện len lỏi kéo về. Tôi vừa nhận ra là bắt đầu từ hôm nay cái thời tôi phải đứng trong hàng quân ngày ngày trình diên… thượng cấp đã chấm dứt. Mà hôm nay cũng là ngày tôi khởi đầu được làm “thượng cấp”. Niềm hãnh diện cũng giúp xóa mờ những nhọc nhằn, gian nan trong quãng đời huấn nhục học tập để được ngày hôm nay.

Hạm phó đưa tôi đi giới thiệu từng hạ sĩ quan. Khi tôi đến trước từng người, họ xưng cấp bậc, họ tên và ngành nghề. Người đầu tiên, đứng ngoài hàng, là thượng sĩ trọng pháo Ngô Tịnh, quản nội trưởng. Tôi cố nhớ tên từng người nhưng biết là chuyện không thể. Tôi chào đáp mà thấy lòng rộn vui. Từ nay, tôi thực sự đã là một sĩ quan chỉ huy và sẽ chia xẻ buồn vui với thủy thủ đoàn của tàu mình. Sáu chục người đứng kia là đại gia đình của tôi.

Khi trở về vị trí cũ, hạm phó hất hàm với thượng sĩ quản nội trưởng. Ông xoay người đối diện thủy thủ đoàn, hô to:

– Nghiêm! Tan hàng.

Mọi người tản mát về nhiệm sở. Tôi theo hạm phó đi một vòng quanh tàu. Thực tế, chiến hạm lớn hơn nhiều so với cái nhìn từ trên bờ. Ông hạm phó thao thao bất tuyệt các sự việc tôi cần biết đến bằng những lời lẽ cợt đùa tế nhị. Nhập học sau hạm trưởng hai khóa nhưng xem ra ông trẻ trung hơn hạm trưởng nhiều có lẽ nhờ còn độc thân vui tính?

Chúng tôi bắt đầu từ đài chỉ huy, có dáng hình trụ vươn cao từ bên hữu hạm. Ông dẫn giải về hệ thống âm thoại, la bàn điện, la bàn từ, hải đồ…. Ngay bên dưới đài chỉ huy là phòng lái điện, phòng truyền tin. Từ phòng truyền tin, chúng tôi xuống nhiều bậc thang, có cái đặt nghiêng có cái thẳng đứng, để đến hầm máy. Căn hầm rộng lớn, bít bùng được tỏa sáng bằng hàng chục bóng đèn. Các quạt máy to tướng đặt quanh đang thổi những luồn gió vù vù dư sức mạnh nhưng không đủ thổi tan hơi nóng. Hai khối máy chánh khổng lồ lổn ngổn cơ phận lộ ra bên ngoài, được thiết trí song song dọc hai bên hông tàu. Chúng tôi lần dò từng bước trên lối đi hẹp lót bằng vĩ sắt. Hàng chục các bảng điều khiển được gắn quanh các bức vách, mỗi bảng chi chít những chiếc đồng hồ đo đạc nhỏ to có màu khác nhau xanh vàng đỏ. Vách và trần hầm chằng chịt các đường ống, nhợ dây. Có những vòng đen quay tròn đóng mở. Có những tay cầm kéo lên xuống để khởi động. Có những núm nhấn đủ màu xanh đỏ trắng vàng. Một cơ phận gì đó ở máy chánh tả đang được toán thợ Hải quân Công xưởng hì hụt tháo mở. Hai máy phát điện nhỏ gọn được đặt ở một phần góc hầm. Cái mùi dầu mỡ thốc vào mũi gợi tôi nhớ một tháng thực tập hải nghiệp vào năm thứ hai của thời sinh viên sĩ quan. Quân trường chọn mùa biển động mạnh nhất để trắc nghiệm sức chịu đựng của chúng tôi hơn là huấn luyện hải nghiệp. Trong suốt một tuần thực tập, tôi chả học hỏi được gì. Từ giường ngủ lần mò mang cái mặt xanh như tàu lá đến tận hầm máy đã là đủ để được điểm tốt! Mùi dầu cặn trong cơn say sóng là cái mùi… quái dị và tàn bạo nhất. Nó nồng nặc đến độ chừng như hóa thành chất nhờn dính vào cổ và trộn vào thức ăn. Rồi cứ thế mà nôn tháo và nằm liệm như chết.

Hạm phó dẫn giải chức năng của từng thiết bị. Tôi vốn giỏi về điện kỹ nghệ và động cơ máy nổ nhưng những gì ông nói đều ngoài hiểu biết của tôi. Chúng tôi đều xuất thân ngành chỉ huy nhưng tôi có cảm tưởng như đang đứng trước một sĩ quan kỳ cựu của ngành cơ khí. Thấy tôi trố mắt nhìn, ông cười:

– Tôi không bịp cụ đâu. Thật đấy! Phải biết hết, biết rành rẽ để khi sĩ quan cơ khí vắng mặt, mấy thằng em nó không qua mặt được mình.

Ông đưa tôi sang một chiếc máy điện đang được hai nhân viên cơ hữu loay hoay tháo một xi lanh. Họ mặc quần đùi, áo thun xanh, mình lem luốt. Thấy chúng tôi tất cả đứng vào thế nghiêm, đưa tay lên trân trọng chào. Tôi thấy vui vui trước động tác sai quân kỷ dễ thương đó. Hạm phó vỗ vai một nhân viên:

– Chừng nào xong, cậu?

– Thưa hạm phó sớm nhất là nửa đêm.

– Coi như xong! Mai các cậu được đi bờ trọn ngày!

Cả hai reo vui:

– Hoan hô hạm phó!

– Khi nào xong thì cho chạy ngay. Cái máy kia đã chạy liên tục trên bốn mươi tám giờ rồi.

– Đáp nhận, thưa hạm phó.

Tôi buộc miệng hỏi:

– Hư hỏng bộ phận nào vậy, thưa hạm phó?

– Piston bị bể. Việc thay thế thuộc phần nhiệm Hải quân Công xưởng nhưng tất cả nhân công của họ đều đang bận sửa chữa các công tác khẩn hơn. Mấy thằng em tình nguyện góp tay. Chắc cụ thấy là tụi nó rất chịu cực chịu khổ?

Tôi gật đầu, ông cười tiếp:

– Cũng có lý do cả thôi! Nếu hỏi tụi nó có muốn đổi nghề không, tất cả đều trả lời không! Cụ muốn biết tại sao?

Thấy tôi nhìn dò hỏi, ông nói nhanh:

– Cụ không nghĩ ra đâu. Tôi phải mất bốn năm đi tàu liên tục mới khám phá ra bí mật. Là tại vì nhiều khi mình không có nước rửa mặt mà tụi nó có nước tắm đều đều…

Dứt lời ông cười phá lên. Tôi không hiểu gì, cũng ráng nở nụ cười. Ông kề miệng nói nhỏ vào tai tôi:

– Tụi cơ điện khí giữ nhiệm vụ phân phối nước ngọt!

Chúng tôi trở lên lòng tàu và đi về phía sân lái. Ông xoay chốt mở một nấp tròn bằng sắt khá nặng, đường kính chừng nửa thước để lộ một cầu thang thẳng đứng dẫn xuống căn hầm khác có cùng vách với hầm máy. Đây là căn hầm nằm cuối con tàu dùng làm hầm lái tay khi lái điện bị hư hỏng. Ông ra dấu tôi tụt xuống trước. Hầm chật hẹp, các góc cạnh lủng củng, vách và trần trơ trụi, được sơn màu nâu tươi như màu sơn lót. Độ nóng bức và mùi dầu mỡ còn nặng hơn ở hầm máy. Một bánh vành tròn đường kính trên cả thước được quay vòng bằng sức của hai bàn tay. Nó được thiết trí kết hợp với nhiều bánh răng cưa khá lớn khác được phết đầy chất mở đặc còn mới. Một sợi dây cáp bằng sắt chạy vòng qua các trục vững chắc và xuyên qua một vách ngăn. Hạm phó hướng dẫn sơ lược cách điều khiển lái tay thay cho lái điện. Ông nhấc một ống liên hợp ở vị trí vừa tầm tay cho biết đây là mối liên lạc duy nhất với đài chỉ huy, nơi ban lệnh vận chuyển. Cuối cùng, ông cười cười:


– Đây cũng là hầm kỷ luật. Khi tàu công tác, nhân viên phạm kỷ luật sẽ bị nhốt ở đây. Chỉ bị nhốt một lần là họ… tản thần! Ngoài nóng bức,hôi hám, nhớp nhúa còn phải chịu đựng tiếng rầm rập của hai máy tàu, cơn lắt lư của sóng gió. Cụ là sĩ quan nên không phải chịu phạt xuống đây mà sẽ được nhốt ở nơi khác… lịch sự hơn khi tàu về bến.

Tôi góp nụ cười đồng cảm với ông. Hạm phó lại tiếp:

– Vậy mà có một tay hạ sĩ của tàu này đã bị nhốt hai lần trong vòng ba tháng. Lần đầu một tuần, lần sau hai tuần. Tay này tỏ ra biết sợ rồi! Tuy vậy cụ cũng nên thận trọng với tay này. Hắn có nhiều quái chiêu nhằm vào sĩ quan…

– Ai vậy, thưa hạm phó?

– Tay này là một hạ sĩ vận chuyển tên Thành dưới quyền thiếu úy Được. Giỏi thì có giỏi. Hạm trưởng chỉ yên trí cặp bến, rời cầu khi có hắn … ngồi nắm tay lái. Nhưng với các công việc khác thì quên trước quên sau. Còn tới phiên trực gác thì gục lên gục xuống. Mà rầy rà nặng lời thì hắn… đánh! Thiếu úy trưởng ngành từng phải ra tay đỡ đòn của hắn.

Lòng tôi trĩu nặng khi bước theo hạm phó trở lên lòng tàu. Chúng tôi leo tiếp một cầu thang thẳng đứng nửa để lên thành tả hạm, từ đó lần lượt ngang qua bốn khẩu đại đại bác 20 ly đặt cách đều trên thành tàu. Ở thành tàu đối diện là bốn khẩu đại bác tương ứng. Các khẩu súng đều được bao phủ kín khi ở bến. Chúng tôi dừng trước khẩu đại bác 40 ly đôi đặt trước mũi. Đây là khẩu có hỏa lực mạnh nhất của chiến hạm. Nó đang được một nhân viên trọng pháo tu bổ vô dầu mở. Hai cái nòng kép của nó chỉa thẳng dọc dòng sông trông có vẻ dọa dẫm. Hạm phó cho biết phần nhiệm kế tiếp của tôi sau một thời gian làm sĩ quan ẩm thực sẽ là lãnh trách nhiệm trông coi vũ khí đạn dược. Ông muốn báo trước để tôi quan tâm sắp xếp thời gian học hỏi…

Khi chúng tôi trở lại phòng làm việc thì vừa lúc cơm trưa đã được dọn sẵn. Hạm trưởng, hạm phó và các sĩ quan lần lượt rời tàu, chỉ còn lại Tâm và tôi. Đúng ra bữa ăn có cả trung úy Hào, là sĩ quan trực nhật, nhưng anh nhờ Tâm trực thế. Tâm quê quán Nha Trang, trở thành kẻ vô gia cư ở Sài Gòn, nên anh lấy chiến hạm làm biệt thự cho riêng mình. Cũng vì vậy, anh sẵn sàng trực hộ cho bất cứ sĩ quan nào với điều kiện vị đó “cung cấp” cho anh mỗi bữa trưa tối, một chai 33 và hai hột vịt lộn. Như hôm nay chúng tôi mở đầu bữa ăn hội ngộ bằng “thực phẩm dịch vụ” của Hào.

Tâm cười ròn tan khi tiếp tục câu chuyện bỏ dỡ:

– Mày hẳn còn thắc mắc không biết chuyện gì xảy ra đêm đầu tiên Tuyết mời tao về nhà? Nhưng trước khi tao tiết lộ, tao muốn biết ngày xưa mày và Tuyết đã đi đến cái thế giới nào rồi?

Tôi cười, lắc đầu:

– Cái thế giới chả có gì nhưng tuyệt đẹp!

Tâm ngắm nghía tôi, ánh mắt dò hỏi:

– Mày vẫn còn yêu Tuyết?

Tôi không đáp, lập lại câu hỏi:

– Mày vẫn còn yêu Tuyết?

Tâm nhún vai:

– Bây giờ nó quá đẹp làm tao hoang mang! Mà tao cũng chỉ gặp lại mới bốn lần. Lần sau cùng cách nay hai tuần vì tuần rồi tàu đi công tác. Sau mỗi lần gặp thì có nhớ, có mong gặp lại. Mà nó cũng ác. Chỉ cho mỗi tuần gặp mỗi chiều tối thứ ba. Tức là chiều ngày mai, sau giờ làm việc, tắm rửa sạch sẽ rồi đi với tao. Mày mang cái mùi dầu mỡ đến nhà nàng sẽ làm “ô uế” cái mùi thơm tho thần thánh của nàng.

– Mỗi tối thứ ba? Không có tối nào khác?

– Tuyệt đối không! Nàng bảo chỉ rảnh tối thứ ba. Các tối khác bận kiếm sống.

– Tuyết làm gì?

– Nàng bảo làm việc tầm thường nên không muốn khoe! Rồi nó dùng đôi môi khêu gợi bịt mồm tao không cho hỏi tiếp….

Tôi hình dung đôi môi căng mộng ngọt ngào mà đã nhiều lần tôi tham lam ngấu nghiến. Và tôi chợt nhớ ra cả tháng nay tôi chưa có dịp gần đàn bà. Hai năm xa Sài Gòn, chắc gì cái nơi từng lai vãng thời đại học còn đó. Mà chẳng lẽ ngay ngày đầu xuống tàu lại nhờ Tâm chỉ chỗ làm chuyện… tào lao!

Giọng Tâm vang lên sau tiếng cười:

– Hì, hì! Đừng có mơ màng vô ích. Cái đêm đầu tao đến nhà nàng, ngồi chưa nóng đít, đã bị nàng mời ra về. Tao khiếu nại thì nàng bảo rằng chẳng phải chính tao ngõ ý muốn biết nhà để sau này đưa mày đến thì giờ đã biết rồi, còn đòi gì hơn! Thấy tao dùng dằng, nàng nhẹ nhàng tặng tao nụ hôn vào má với lời êm ái: “Thôi về đi, thứ ba tuần tới cũng gặp anh ở nhà hàng Thanh Thế và cũng cùng giờ”.

– Và mày ra về!

Tâm thở dài:

– Thì phải về. Ở lại lạng quạng nàng bỏ cái hẹn thì khổ hơn!

– Cho đến hôm nay, mày và Tuyết đã đến… cái thế giới nào rồi?

Tâm nheo mắt:

– Ghen đấy à?

Tôi lắc đầu:

– Không! Hỏi cho biết để tao … tùy nghi.

– Cái thế giới không có thành công mà cũng chẳng thất bại. Cái thế giới êm ả như con tàu đi trong bể lặng gió im. Mày quá biết tính tao mà. Từ thuở nào, tao lúc nào cũng yêu chỉ để yêu cho vui. Được đáp lại càng tốt, không được thì cũng hay. Tao chưa muốn lấy vợ nên không thấy cô nào đáng phải nặng lòng. Vả lại, nếu tao có ý dính với Tuyết, tao đã dấu kín mày. Nói vậy để mày cứ tự nhiên mà tùy nghi.

– Ba mẹ Tuyết thế nào, đều mạnh khỏe?

– Khác với ngày xưa, lần này mày có thể yên chí. Chưa lần nào tao đụng độ hai bô lão đó. Dường như ông bà ở nơi khác.

Tôi ngạc nhiên:

– Tuyết ở một mình?

Tâm gục gặc đầu:

– Chả rõ, nhưng lần nào đến cũng chỉ thấy một mình nàng.

– Mày không hỏi han gì về hai bô lão?

Tâm cạn ly bia một cách khoái trá:

– Tao có hỏi và được nàng đáp “Anh hỏi ba má em làm chi! Ngày xưa anh ớn ông bà lắm mà! Bây giờ một mình em bên anh, anh không thích sao?” Tao nghe mà híp mắt, còn hỏi thêm làm gì…

Nghe cái lối Tâm kể “anh, anh, em, em” tự dưng tôi thấy nao buồn. Tôi nghĩ Tâm và Tuyết hẵn đã đi đến một thế giới nào đó, một thế giới không thể thiếu những nụ hôn nồng cháy. Đầu óc tôi lan man thêm… Nhưng tiếng còi báo giờ làm viêc buổi chiều vang lên giúp tôi làm một cử động vươn vai, nhẹ nhỏm.

***



Chương 4


Đúng vào lúc anh chiêu đãi viên bắt đầu dọn dẹp ly chén của bữa ăn sáng thì tiếng còi làm việc vang lên. Tôi nói với Tâm:

– Tao lên nhà bếp xem tụi nó dọn dẹp.

– Khỏi lo! Ban ẩm thực chưa từng bị khiển trách. Tất cả hỏa đầu quân đều tận tụy, nấu ăn ngon, sạch sẽ và phục vụ khỏi chê. Cả năm nay tao chưa hề phải đề nghị phạt người nào. Chỉ đề nghị thăng cấp.

Tôi ngần ngừ:

– Tao còn vô số việc phải học hỏi và làm bảng tường trình. Ngồi đây, ông hạm trưởng vào thấy…

Tâm cười, ngắt lời:

– Mày hiện là phụ tá của tao. Trưởng ban còn ngồi đây mà phụ tá bỏ đi là bị … củ đấy. Nhâm nhi thêm tý cà phê đã. Hạm phó tám giờ rưỡi mới vào. Hạm trưởng đúng chín giờ.

Tôi dợm đứng lên thì Tâm đã tiếp:

– Mày đã biết có lệnh cấm trại 50%?

Tôi ngạc nhiên:

– Sao vậy?

– Phật giáo tổ chức biểu tình lớn sáng nay. Có thể có rắc rối, lộn xộn.

Tin Phật giáo tổ chức biểu tình lớn không làm tôi ngạc nhiên. Ngày nào Dũng cũng nghe thuyết pháp ở chùa Ấn Quang và đã cho tôi biết từ hai ngày trước. Dũng còn rủ tôi tham gia nhưng tôi thẳng thừng từ chối. Tôi nói tôi đã là một quân nhân và không muốn dính dáng chính trị…

Tâm đổi giọng hăm hở:

– Tao ngồi tính toán thì thấy rằng cả tao lẫn mày đều không bị rơi vào phiên trực hôm nay. Nghĩa là chiều nay mình vẫn đi gặp Tuyết theo chương trình. Nếu không thì… khổ đấy, vì không gặp được hôm nay thì phải đợi thứ ba tuần tới. Mà tuần tới thì không có gì bảo đảm không đi công tác hay không bị trực…

Qua cách nói của Tâm, tôi hiểu rằng Tâm vẫn còn yêu Tuyết. Vậy thì Tâm muốn tôi gặp Tuyết làm gì? Tôi đang thất tình, ngộ lỡ tôi lại yêu Tuyết như ngày xưa thì sao? Khổ nỗi từ khi biết tin, tôi thấy không lúc nào là không nôn nao giây phút gặp lại nàng. Tôi dứt khoát đứng lên:

– Tao còn ăn trưa ăn tối với mày dài dài, dư thời giờ tán dóc! Cái tao lo là bảng tường trình nạp cho hạm trưởng. Ổng mà tặng củ thì phải nặng hơn mày.

Tâm gật đầu:

– OK. Trong thời gian mày học hỏi ở nhà bếp tao xem lại sổ sách kế toán. Đúng mười một giờ mày xuống đây, tao sẽ chỉ dẫn và bàn giao…

Tôi trợn mắt:

– Bàn giao? Hạm trưởng cho tao một tuần…

Tâm cười nhẹ:

– Thì bàn giao sổ sách trước, công việc học từ từ.

Tôi vói tay lên giá vớ chiếc mũ cát két đội lên đầu bước ra khỏi phòng. Tôi xoay qua trái, đi ngang qua bốn cặp giường treo dành cho sĩ quan trước khi bước lên một cầu thang nghiêng dẫn lên nhà bếp. Đây là một dãy hẹp nằm dọc theo vách tả hạm, bên trên trần là phần lộ thiên đặt các khẩu đại bác 20 ly. Hai nhân viên đang lau dọn bốn bếp điện, mỗi bếp có mặt phẳng bằng sắt dài một thước nối liền nhau trông như một chiếc bàn dài . Nồi niêu son chảo nằm chồng chất trong một bồn lớn gắn liền với bếp điện. Trung sĩ Quân đang đổ bỏ thức ăn dư thừa vào máy tống rác, nhìn ngang thấy tôi vội đừng nghiêm, lên tiếng:

– Chào thiếu úy. Xin lỗi đang dở tay.

Tôi cười thông cảm:

– Không sao. Anh cứ tiếp tục.

Nhưng anh vội vàng rửa tay. Tôi còn nhớ anh. Hôm qua hạm phó đã giới thiệu anh là bếp trưởng và là phụ tá ban ẩm thực của Tâm mà cũng là của tôi trong vài ngày tới. Quân giới thiệu các nhân viên dưới quyền. Hai nhân viên đang dọn dẹp là Hạ sĩ Ngân và thủy thủ Bảo ngành tiếp vụ lo đi chợ và phân phối thức ăn cho hạ sĩ quan- đoàn viên. Hạ sĩ nhất Ngọc, kế toán viên kiêm nấu ăn. Thủy thủ nhất Lâm, chiêu đãi viên lo phục vụ bàn ăn sĩ quan. Anh này có biệt danh là Robert Tay Bưng vì mỗi ngày bưng chén, đĩa chạy lên xuống cầu thang. Tất cả đều còn rất trẻ. Ngay trung sĩ Quân cũng chỉ chừng hăm bốn, hăm lăm. Tự dưng tôi cảm thấy yêu mến họ ngay. Tôi thân mật nói với Quân:

– Tôi muốn xem qua kho lương thực. Khi nào anh rảnh cho tôi biết.

Trung sĩ Quân niềm nỡ:

– Thiếu úy có thể xem ngay bây giờ.

Anh dừng trước cái máy to lớn đang chạy rầm rập, bên trong đầy bọt nhào lộn sau tấm kính trong suốt:

– Đây là máy rửa chén. Thường thì phải rửa 3, 4 đợt mới hết mọi thứ cho một bữa ăn.

Quân mở cửa kho kề cạnh nhà bếp. Ngay bên mặt là một khoảng trống với hai bệ đều đang chất đầy các bao gạo. Quân cho biết mỗi tháng lãnh gạo một lần và luôn luôn dự trữ một cấp số. Ở vách đối diện là một máy làm nước đá đủ cung cấp suốt ngày cho toàn thể thủy thủ đoàn. Dọc theo hành lang nhỏ là ba buồng chứa có độ lạnh khác nhau thích hợp từng loại thực phẩm. Mỗi buồng đều có ổ khóa màu trắng đặt ngay ở tay cầm. Trung sĩ Quân mở khóa từng buồng. Buồng đầu tiên chứa thức ăn hộp, kế đến là buồng chứa rau cải và cuối cùng có độ lạnh nhất là buồng chứa thịt cá. Tôi đứng chưa đầy ba mươi giây mà đã thấy buốt da. Trừ buồng chứa đồ hộp, cả hai buồng lạnh còn lại gần như trống trơn.

Tôi ngạc nhiên hỏi Quân:

– Ủa! Trông sao mà lèo tèo quá vậy? Lấy gì nấu nướng?

Trung sĩ Quân cười nhẹ:

– Thưa thiếu úy, đó là phần ăn buổi chiều cho nhân viên trực. Khi tàu về bến chúng tôi đi chợ hàng ngày và chỉ mua thực phẩm đủ cho nhân viên hiện diện. Hai phần ba kia được đi bờ. Tôi phân công nhân viên nhà bếp theo cách thức là nhân viên trực ngày hôm sau, trước khi về tàu ghé chợ mua thức ăn. Như vậy mỗi ngày đều được ăn thức ăn tươi. Theo nguyên tắc thì phải nấu ăn cho toàn thể thủy thủ đoàn nhưng làm như vậy vừa phí thực phẩm vừa phí công nấu. Một lợi ích khác quan trọng hơn là số tiền đi chợ và số gạo thặng dư đó được xung vào quỹ xã hội. Khi một nhân viên thực sự gặp khó khăn, một ủy ban sẽ cứu xét tương trợ và đích thân hạm trưởng hoặc hạm phó ủy lạo.

Tôi gật đầu ra vẻ hiểu biết. Quân tiếp lời:

– Ông hạm trưởng này chịu chơi lắm. Cuối năm, thấy quỹ xã hội còn nhiều, ông cho mở tiệc tất niên, ăn uống, nhảy nhót tưng bừng..

Quân nói một cách vui thích nhưng tôi lại thấy lo rầu. Nhảy nhót không phải là “nghề” của tôi. Ca hát thì may ra được gọi là… tài tử! Nhưng tới đâu tính đó. Không nhảy được thì kiếm đào ngồi rì rầm hoặc xem thiên hạ quay tròn, uốn éo cũng vui mắt chán! Tôi thành thật nói:

– Đáng buồn là tôi không biết nhảy. Chắc là anh nhảy giỏi lắm?

Giọng Quân hăng hái:

– Cũng vừa đủ cho đào hài lòng! Ông thầy đừng lo, thằng em sẽ hết lòng chỉ dẫn ông thầy. Dễ lắm! Sau bốn tuần là dư sức … lả lướt các điệu phổ thông.

Tôi lắc đầu:

– Cám ơn anh, mình bàn chuyện này sau. Thôi anh trở lại công việc, tôi phải sang khu vực khác.

Tôi bước qua một cửa thông nhỏ hẹp ra lòng tàu. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm tôi khó thở. Nắng bắt đầu gay gắt, chan hòa. Tôi bước về phía mũi tàu đang mở rộng, phơi bày dòng sông lấp lánh. Tôi đứng khoanh tay trên tấm sắt rộng lớn, nặng nề đang hạ ngang sàn tàu, một phần nhô khỏi hai cánh cửa mà khi tấm sắt được nâng lên thẳng đứng, hai cánh cửa được khép kín lại thành mũi tàu. Tấm sắt này được hạ xuống gác lên bờ mỗi lần tàu ủi bãi để bốc dỡ hoặc nhận hàng. Nó có nhiều thanh ngang cách đều nhau hàn dính vào mặt bằng nhằm làm tăng độ bám khi xe lên xuống và có vô số các lỗ nhỏ xinh xinh để giúp rơi rớt phần nào bùn đất từ các bánh xe trây trát lên.

Từng cơn gió nhẹ không đủ làm khô các giọt mồ hôi bắt đầu âm ỉ. Hai chiến hạm đang im lìm nghỉ ngơi ở cầu bên cạnh. Nhiều chiếc khác xa hơn. Và xa hơn nữa là bóng dáng những chiếc thương thuyền còn rõ nét giữa những tòa nhà vươn cao. Bên kia bờ, những ngọn dừa xum xuê cành lá buông thõng bên trên các nóc nhà tôn bạc phếch. Vài ba chiếc phao đen trắng trơ vơ, đong đưa. Một cành cây khô cùng vài thứ rác rưởi trôi chầm chậm theo các đợt sóng lăn tăn luồn vào bên dưới tấm sắt đổ bộ.

Tôi có cảm tưởng bước đầu hải nghiệp của tôi trôi êm như nước xuôi dòng. Tôi nghĩ là tôi đã gặp nhiều may mắn. Việc gặp lại Tâm đã giúp tôi đỡ ngỡ ngàng ở nơi chốn lạ. Tôi thích nụ cười hiền hòa của ông hạm trưởng, lối nói chuyện cà tửng thân mật của hạm phó. Các sĩ quan thì xem chừng không hách xì xằng kiểu đàn anh đàn em. May mắn hơn cả là được đổi xuống loại tàu chuyển vận và đổ bộ. Theo tiết lộ của Tâm, đây là loại tàu … tà tà và mang chữ thọ khá to. Khác với các tàu tuần dương, trợ chiến hạm, giang pháo hạm thường phải tham dự hành quân, tuần tiểu và yểm trợ hải pháo lâu vài ba tháng, loại tàu chuyển vận và đổ bộ này thường chỉ đi công tác ngắn hạn, không quá hai tuần. Tôi đã phải xa Sài Gòn suốt thời gian dài. Tôi đã quá nhớ các quán kem, các quán cà phê có nhạc thời trang êm dịu và có cô nàng ngồi sau quầy mơn mởn, dễ thương. Tôi nhớ những bộ mặt già trẻ xấu đẹp thư thả ngược xuôi trên vỉa hè chừng không bao giờ dứt. Tôi mừng là đã bỏ học để chọn nghề đi biển. Mỗi chuyến công tác là đến một bến bờ khác nhau và vừa đủ nhớ nhung để trở về bến cũ.

Tôi vừa bám tay vừa bước chân lên các thanh sắt ngắn gắn trên thành tàu lần lên sân thượng tả hạm. Chiến hạm cặp cạnh có lối kiến trúc hoàn toàn khác biệt. Tôi nhận ra đó là loại tuần dương. Sân mũi là một ổ súng bề thế 76,2 ly. Sân giữa là hai khẩu 20 ly và sân sau mỗi bên một khẩu 40 ly. Chẳng bù loại tàu tôi chỉ có một khẩu 40 ly đôi là chủ lực. Lời một huấn luyện viên văng vẳng: “Loại tuần dương dành cho những người thích hải chiến”. Nó gần như có đủ các loại máy móc hiện đại dùng cho việc hải hành, các loại súng tối tân tác xạ đồng bộ và các dụng cụ tân tiến để săn và diệt tàu ngầm. Tôi nhủ thầm: “Rồi sẽ có ngày mình được đổi đi loại này”.

Tôi bước về phía lái. Khẩu đại bác 20 ly đang được tu bổ cản ngang lối đi. Tôi ngắm nghía ra chiều hiểu biết. Tôi đã được học thật kỹ loại súng nầy và còn nhớ rõ từng cơ phận và cách tháo ráp. Trí thoáng ôn lại các trở ngại thông thường. Tôi mở điện bộ máy ngắm, chờ một chốc rồi ghé mắt vào. Máy còn hoạt động tốt. Tôi quay súng qua lại, nâng nòng chỉ thiên rồi hạ thấp. Lại nâng ngang tìm mục tiêu và dừng ở đỉnh cột cờ Thủ Ngữ.

Tôi chợt nhận ra những giọt mồ hôi đang lăn dài trên ngực và lưng áo ướt đẩm thấm vào da thịt. Tia nắng hừng hực bắt đầu làm tôi mệt mõi khó chịu. Đêm trước ở nhà Hiền tôi đã đờn ca với Dũng đến gần sáng mới chịu tắm rữa sạch sẽ cho tương xứng với bộ đại lễ. Và đêm qua lạ chỗ, lạ giường cứ nằm thao thức. Tôi nghiêng cổ tay nhìn đồng hồ. Còn hơn một tiếng mới tới giờ gặp lại Tâm. Tôi cho súng vào thế phòng không vừa lúc một nhân viên xuất hiện. Anh ta đưa tay chào:

– Xin lỗi thiếu úy, em đi uống nước.

Tôi xua tay:

– Trời hôm nay quả là nóng.

Tôi muốn tiếp lời mà phân vân không biết xưng hô thế nào. Tôi lớn hơn một hai tuổi nhưng cấp bậc thì hơn nhiều, gọi anh không mấy ổn. Tôi chọn một tiếng ra vẻ đàn anh mà thân mật:

– Chú phụ trách bảo trì mấy khẩu đại bác?

– Dạ bốn, hữu hạm. Bên tả hạm do hạ sĩ Cẩn lo.

– Ngày nào cũng tu bổ?

– Dạ không. Chỉ sau khi về bến và sau đó mỗi tuần một lần.

– Nếu không tu bổ, thì làm gì?

– Dạ gõ sét, tạp dịch.

Tôi nhìn khuôn mặt bầu bĩnh chưa quá hai mươi tuổi:

– Sao không tiếp tục học mà lại chọn làm lính Hải quân?

– Em thi rớt tú tài phần một, chọn ngay Hải quân cho khỏi bị gọi động viên đi bộ binh. Em ớn lội bộ lắm. Thiếu úy có thể không biết em, còn em thì biết thiếu úy từ thời ở quân trường. Thiếu úy đi kiểm soát các vọng canh và hỏi mật khẩu.

Tôi nhớ những đêm đảm trách trực nhật. Cứ mỗi đầu giờ, sinh viên trực phải đi một vòng doanh trại kiểm soát việc canh gác. Mỗi góc quân trường là một lô cốt. Giữa hai lô cốt là một hay hai vọng gác. Bên trong lô cốt và vọng gác đều tối tăm nhưng bên ngoài thì đèn sáng trưng. Tôi vui khi thấy mình được quan tâm.

– Bạn em học giám lộ cũng rất thích thiếu úy. Nó nói thiếu úy đánh đèn rất… nghề.

Lại thêm một bất ngờ. Khu vực trường sinh viên sĩ quan và trường chuyên nghiệp hạ sĩ quan-đoàn viên mỗi nơi được trang bị một đèn hiệu để các khóa sinh thực tập truyền tin. Ban đêm, khi rảnh là tôi ra đó chớp đèn qua khu đoàn viên. Thường là hỏi qua lại anh tên gì, khóa nào, mấy tuổi, quê quán. Rồi mỗi ngày một đi sâu vào gia cảnh, tâm tình. Tôi chỉ lo thực tập nên không quan tâm người đối tác. Vả lại, số lượng đoàn viên đông gấp năm lần con số sinh viên, không tài nào nhớ mặt. Tôi hỏi thân mật:

– Chú đó cũng đổi về tàu này?

– Thưa thiếu úy không. Nghe nói đổi về giang đoàn.

– Có dịp gặp cho tôi gửi lời thăm …

– Rất tiếc là em cũng mất liên lạc.

Tôi vỗ vai anh chàng trọng pháo dễ thương:

– Rất vui có chú đi cùng tàu. Gặp lại sau.

Tôi định bước tiếp về phía lái nhưng chợt thấy một số người đứng bên hữu hạm, cả quan lẫn lính đang nghiêm trang hướng nhìn lên bờ. Tôi bước lên chiếc cầu nhỏ hẹp bắc ngang lòng tàu. Đến cuối chiếc cầu, tôi dơ tay chào trung úy Tùng, sĩ quan trực. Một hạ sĩ quan và hai đoàn viên chào tôi. Tôi chào đáp rồi hỏi anh trung sĩ:

– Có chuyện gì vậy, trung sĩ?

Anh đáp rồi quay vội nhìn xuống cầu tàu:

– Thưa, hạm trưởng đang đến…

Tôi nhìn theo anh đúng lúc ông hạm trưởng đặt chân lên hạm kiều. Tôi nghe tiếng “Nghiêm” từ trung úy Tùng tiếp liền theo là lời ngắn gọn:

– Chú ý! Hạm trưởng về tàu.

Tất cả đưa tay lên chào. Tôi hấp tấp làm theo, thế đứng cứng nhắc. Cùng lúc đó một tiết đoạn âm điệu lạ tai “í e, í e, e í….” phát ra từ chiếc còi nho nhỏ từ miệng anh chàng thuỷ giám lộ. Dứt còi hiệu, anh cũng đứng nghiêm chào.

Đến đầu hạm kiều, hạm trưởng dừng lại, hướng mặt về lá quốc kỳ đang phất phới trên trụ cờ ở cuối lái, rồi trịnh trọng nâng tay lên ngang mày. Chưa đầy một giây ông bỏ tay xuống, bước chân lên chiến hạm. Ông tươi cười chìa tay cho sĩ quan trực bắt và nói bằng giọng vui vẻ:

– Sao? Có gì lạ không?

Giọng trung úy Tùng nghiêm túc:

– Dạ không, thưa hạm trưởng.

Ông nói “Tốt” khi mắt hướng vào tôi . Ông cười mỉm trước khi bước vào khung cửa có cầu thang dẫn xuống phòng làm việc sĩ quan. Trung úy Tùng bước theo ông. Anh giám lộ chạy nhanh trên các bậc thang dẫn lên đài chỉ huy để kéo hạ lá hiệu kỳ của hạm trưởng. Đó là lá cờ hình đuôi nheo 3 màu đỏ trắng xanh, mà khi treo lên có nghĩa là Hạm trưởng… không có mặt trên tàu.

Thời còn thụ huấn, tôi đã nghe nói về thủ tục chào đón hạm trưởng rời tàu, về tàu. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến. Hành động chào kính của ông hạm trưởng thật ngắn ngủi mà sao quá trang nghiêm, đầy xúc cảm. Tôi thấy rõ là tôi kính trọng ông hơn sau buổi đầu trình diện. Tiếng còi trầm bổng đã nâng ông cao thêm. Tôi tưởng tượng một ngày kia tôi trở thành hạm trưởng. Ôi chao, sao quá xa vời…

Bây giờ tôi mới có dịp trông mặt hai nhân viên trực. Tôi chợt để ý bảng tên Lý Long Thành của anh lính gác và vội nhìn phù hiệu ngành nghề bên cánh tay. Không ngờ tôi đang “chạm trán” anh chàng ba gai được hạm phó dặn dò là thận trọng. Tôi nghiêm giọng hỏi:

– Anh là hạ sĩ vận chuyển Thành?

Giọng Thành ráo hoảnh:

– Dạ đúng, thiếu úy.

Thành có dáng cao ráo, mặt xương xẩu hằn những nét du đảng. Tuổi hẳn không quá ba mươi. Tôi chưa biết nói gì thêm thì câu hỏi của hạm trưởng lúc tôi trình diện chợt vẳng lên. Tôi hỏi ngay:

– Anh có gia đình chưa?

– Dạ rồi, sáu con.

– Sáu? Chà, đông con dữ…

Tôi buộc thành lời mà nhớ đến ba tôi. Ông có năm con với bà vợ sau và ông đã phải vô cùng vất vả lo chăm sóc chúng. Ý là ông có nghề kiếm ra tiền mà đôi lúc còn thở than.

Hạ sĩ Thành cười buồn:

– Mệt lắm thiếu úy ơi!

– Vợ anh có đi làm?

– Trước kia, mới vài đứa, thì còn gửi nội ngoại để đi làm. Từ đứa thứ tư là nó phải nghỉ ở nhà…

Tôi hiểu là anh mệt tới cỡ nào nhưng vẫn tò mò:

– Anh đi lính mấy năm rồi ?

– Dạ mười.

Tôi không ngăn được lời trách cứ:

– Mười năm lính mà mới đeo lon hạ sĩ. Anh ba gai có ích gì đâu!

Anh đưa tay gãi đầu:

– Thì cái tánh nó như vậy. Nhưng tôi cũng ráng… tu tỉnh được cả năm rồi.

Tôi cười:

– Ráng tu tỉnh cả đời là hay nhất.

– Chắc là phải vậy. Sáu con với lương hạ sĩ muôn năm thì không cách gì sống nỗi. Phải bắt cái lon hạ sĩ nhất mới khá được thiếu úy ơi! Cứ hăng máu hoài chỉ khổ vợ con.

Tôi không biết sự khác biệt của hai mức lương nhưng gật đầu khích lệ:

– Ráng tu để khỏi tù thì sớm lên hạ sĩ nhất thôi. Vài năm sau lại thăng trung sĩ.

Thành nhìn thẳng vào mắt tôi, không chớp:

– Cám ơn thiếu úy an ủi. Tôi nhất định cố gắng.

Tôi như thấy tia nhìn có mang theo đôi chút ấm áp thân tình. Tôi hình dung sáu đứa con của Thành đang nheo nhóc không được ăn no mặc đẹp như năm đứa em cùng cha khác mẹ với tôi . Thật bất ngờ, tôi buột miệng:

– Còn khi nào thật sự gặp khó khăn, anh cứ gặp tôi. Chúng ta thử cùng tìm giải pháp…

Mắt Thành chớp nhanh đầy vẻ ngạc nhiên. Anh nói nhỏ:

– Thành thật cảm ơn thiếu úy.

Tôi thầm trách mình sao nhạy miệng. Có thể tôi đã dành cho Thành nhiều cảm tình. Tôi không hiểu tại sao. Tại vì khuôn mặt xương xẩu già trước tuổi? Hay tại vì Thành mang cái vóc dáng của tay du đảng Trần Đại của quyển “ Điệu Ru Nước Mắt” tôi vừa đọc xong ở nhà Dũng?

Quả là tôi nói liều. Tôi chưa vợ chưa con, chưa trải nghiệm gian nan thì lấy tư cách gì mà giúp giải quyết khó khăn cho kẻ đã có gia đình và có cuộc sống dày dạn hơn. Còn giúp tiền giúp bạc thì là cả một sự khôi hài. Tôi đang nghèo sát ván. Lương thiếu úy mới ra trường của tôi xem ra chưa hẳn đã đủ cho ba bữa ăn và những nhu cầu không thể không thỏa mãn…

Tôi ngường ngượng nhìn về tấm bảng nhật vụ treo cạnh hạm kiều. Một dòng chữ bằng phấn trắng nổi bật chiếm gần trọn khung chữ nhật màu xanh nước biển: “Cấm trại 50%”. Tôi chợt nhớ cái hẹn với Tâm mười một giờ. Tôi nhìn chiếc đồng hồ trên bảng nhật vụ. Còn năm phút nữa. Tôi lại nhìn dòng chữ cấm trại 50%. Nếu đúng như Tâm nói là chúng tôi không nằm trong phân đội cấm trại thì chiều nay tôi sẽ được gặp lại người xưa.

Tôi hình dung Tuyết qua lời mô tả của Tâm. Rồi không biết do mối liên kết nào mà thay vì hình bóng Tuyết hiện ra lại là vóc dáng của Hiền. Và vóc dáng tuyệt vời đó mỗi lúc thêm rõ mồn một. Cùng với vóc dáng là cái cảm giác nhớ nhung da diết ào ạt xâm chiếm. Cuối cùng tôi gần ngợp thở với niềm khát khao gặp lại nàng. Tôi bước đi mà miệng lầm bầm: “ Giá mà cấm trại 100% càng tốt!”

***



Chương 5


Tâm rẽ chiếc Vespa vào một ngõ hẻm tương đối rộng của đường Võ Di Nguy chừng vài mươi thước rồi thắng xe. Anh tắt máy, ngoảnh mặt nói: “Nhà nàng đấy!”. Tôi tuột khỏi xe, đứng ngắm căn nhà hai tầng trước mặt nằm giữa một dãy phố khang trang. Cửa chính sơn màu xanh đọt chuối và cửa sổ che màng màu xanh phơn phớt. Trên lan can bao lơn là bốn chậu kiểng đang nở rộ. Chậu hoa màu trắng đặt chen cạnh hoa màu tím. Tôi không biết là hoa gì nhưng hoa màu trắng có đóa lớn hơn và thưa hơn.

Tâm dựng xe, xoay chìa khóa bỏ vào túi quần đắt tiền màu xám nhạt. Chiếc áo sơ mi có những đường nâu ngang dọc tạo thành những ô vuông đẹp mắt. Chả bù tôi mặc chiếc áo thung trắng cổ lật, nhăn nheo, bỏ ngoài chiếc quần kaki xanh làm việc. Đó là bộ đồ đẹp nhất còn lại sau một tuần tôi ở nhà Hiền không giặt giũ.

Tâm xăm xăm tiến về phía cửa. Tôi lúng túng bước theo và nhận ra tim đập mạnh khi Tâm nhấn chuông. Tôi nghe tiếng reo văng vẳng. Đợi chừng ba mươi giây, Tâm nhấn lần thứ nhì. Không hiểu sao tôi mong Tuyết không có ở nhà. Suốt hôm qua và cả hôm nay tôi nôn nao giờ phút này nhưng giờ tôi cảm thấy chưa sẵn sàng. Tôi không biết sẽ nói gì với Tuyết. Chúng tôi đột ngột bặt tin nhau cũng đã hơn hai năm.

Có tiếng vặn khóa và cánh cửa hé mở. Tôi đăm đăm nhìn cô gái đang ngắm tôi bằng đôi mắt mở lớn. Tuyết đó sao? Những gì tôi hình dung về Tuyết trên đường từ chiến hạm đến đây đều sai lạc. Trước tôi không phải là cô bé Tuyết e thẹn, dễ thương, tóc thề ngang vai. Đó là một thiếu nữ có nét đẹp sắc sảo, mái tóc uốn gợn ôm lấy cổ và thân thể tràn đầy quyến rũ trong bộ đồ màu tím nhạt mong manh.

– Anh Bằng!

Tuyết gọi bằng âm thanh gần như thảng thốt rồi mở rộng cửa ôm vội lấy tôi. Tôi cũng ôm chặt lấy thân hình nẩy nở tuyệt mỹ. Tôi cảm nhận nhịp tim của Tuyết qua bộ ngực căng phồng áp sát ngực tôi. Mùi thịt da thơm tho ngọt liệm. Vừa khi tôi nhớ đến cái xúc cảm lần đầu ôm Tuyết thì Tuyết đã nới vòng tay. Tôi định ghì xiết nhưng chợt thấy Tâm đang đứng cạnh nên cũng vội thả lỏng. Tuyết bước sang ôm lấy Tâm, thì thầm:

– Anh đến, em rất vui.

Tâm vỗ nhẹ lưng Tuyết:

– Anh cũng rất vui thấy em vui.

Tuyết tươi cười, vồn vã:

– Mời hai anh vào nhà. Bất ngờ quá…

Tâm đứng yên, giọng nửa thật nửa đùa:

– Anh hứa sẽ mang Bằng đến và hôm nay anh đã giữ lời. Việc anh coi như xong. Xin chúc cả hai… hạnh phúc.

Tâm vẫy tay từ biệt rồi quay lui. Tuyết vội nắm chặt cánh tay Tâm . Giọng nàng thân mật:

– Đâu có bỏ đi dễ dàng vậy được. Hôm nay là ngày dành cho anh mà! Anh phải ở lại để em… chứng minh rằng em không còn yêu anh Bằng!

Tôi bật cười:

– Anh đến đây cũng đâu mong được Tuyết còn yêu, còn thương. Anh đến chỉ muốn nhìn lại … người xưa sau thời gian dài không gặp…

Tuyết nắm tay tôi bằng bàn tay còn lại, kéo cả hai chúng tôi vào nhà. Tuyết khóa cửa, đưa chúng tôi đến tận bộ sa lông màu trắng sang trọng:

– Hai anh ngồi đó.

Chúng tôi ngồi lên chiếc ghế nệm dài bằng da ngà ngọc, êm ái.Tuyết đứng ngắm nghía hết người này sang người kia rồi gật gù:

– Cả hai đều… đẹp trai như nhau. Muốn chọn một người thật khó! Tạm thời em chọn cả hai!

Tâm cười lớn:

– Được như vậy cũng là phước cho anh! Ngày xưa, đang yêu anh, tự dưng em… bẻ lái sang Bằng. Cho tới bây giờ Tuyết vẫn còn nợ anh một lời giải thích…

Tôi nhích xa Tâm và nói với Tuyết:

– Vì chọn cả hai nên để công bằng Tuyết đến đây ngồi ở giữa.

Tuyết lắc đầu, ngồi lên chiếc ghế đơn đặt cạnh rồi tiếp tục nhìn chúng tôi. Dường như là Tuyết đang lựa lời:

– Anh Bằng giải thích dùm…

Tôi lúng túng châm điếu thuốc lá. Quả là khó giải thích. Sau cái đêm tôi liều mạng ôm Tuyết, tôi thấy mình quá nông nổi nên tránh né cả Tuyết lẫn Tâm. Nhưng cũng từ sau đêm đó hình dáng của Tuyết, mùi hương của Tuyết ám ảnh tôi không nguôi. Vài tháng sau, trong một tối nhớ quay nhớ quắc, tôi thẩn thơ qua lại nhà Tuyết nhiều lần. Chợt tôi thấy Tuyết mở cửa bước ra ngồi trên một ghế tựa trước sân, xung quanh là ánh sáng rỡ ràng của vầng trăng vằng vặc. Chân tôi vẫn tiếp tục bước làm như một kẻ qua đường nhưng lòng thì muốn cất tiếng gọi nàng. Khi tôi quay lại, Tuyết đang ngồi chòm hõm, tay như đang viết gì trên mặt đất. Tôi liều mạng len lén đến đứng phía sau nàng. Tôi say mê ngắm mái tóc thề xỏa kín nửa phần lưng thanh tú. Tuyết đang khe khẻ hát bài Nỗi Lòng: “Yêu ai, ai hiểu được lòng. Thầm kín những đớn đau với riêng lòng ta. Ấp ủ lạnh lùng tình yêu kia mà người nào hay.”  Tuyết vừa hát vừa viết chữ lên cát. Tuyết xóa chữ vừa viết xong rồi lại bắt đầu. Chỉ mới đọc đến mẫu tự thứ hai mà tim tôi suýt văng khỏi lồng ngực. Vừa khi chữ “Bằng” hoàn tất, Tuyết vội xóa đi. Và lại nắn nót từng nét…Không kềm được nỗi vui sướng, tôi kêu khẻ: “Tuyết”. Tuyết đứng phắt lên, hốt hoảng, rồi ôm chặt tôi…

Tôi ngồi im chúm chím cười. Tâm hết nhìn Tuyết lại nhìn tôi, kiên nhẫn chờ. Anh rút điếu thuốc, bật quẹt, thư thả phì phà. Cuối cùng Tuyết lên tiếng:

– Trước hết, em rất chân thành xin lỗi anh Tâm về việc ngày xưa em đột ngột… bẻ lái sang anh Bằng. Cho em bào chữa bằng một lời ngắn gọn: Con tim có lý lẽ của nó…

Tâm gục gặc đầu:

– Ngắn gọn và…chí lý! Còn về lời xin lỗi, cho anh từ chối! Trong tình yêu, xin lỗi chỉ làm thêm … đau lòng!

Chúng tôi cười vang. Tâm lại lên tiếng:

– Thôi! Coi như xong chuyện ngày xưa. Giờ đến chuyện ngày nay. Lần này, Tuyết tham lam chọn cả hai. Hãy như lần trước, Tuyết nên dứt khoát chọn một.

Nụ cười nhếch mép của Tuyết làm đôi môi thắm mọng thêm gợi cảm:

– Em nói… tạm chọn thôi. Nếu một ngày đẹp trời nào đó, một trong hai anh mở lời trước là muốn cưới em làm vợ. Em sẽ chọn người đó. Em quá sợ sống một mình. Và quá sợ phải bắt đầu quen biết một người xa lạ. Em đang mong mỏi một mái ấm gia đình. Em tin là em sẽ là một người vợ hiền, một bà mẹ tốt…

Tôi và Tâm ngơ ngẩn nhìn nhau. Tuyết tung ra đòn bất ngờ làm cả hai chúng tôi tê liệt. Nụ cười nhẹ trên khuôn mặt đẹp mà buồn:

– Em nói nghiêm túc. Nhưng hai anh không phải trả lời ngay. Hạn chót là một năm.

Tôi ngắm nghía khuôn mặt tròn, da mịn màng và ánh mắt tinh anh. Được một người vợ như Tuyết thì còn gì mong mỏi hơn nhưng tôi thấy rõ là tôi chưa sẵn sàng. Ít ra là cũng nhiều năm. Tâm cũng đang đăm đăm nhìn Tuyết, không một cử động nào khác giúp tôi đoán là anh đang nghĩ gì. Tôi lại hướng về Tuyết, hai bàn tay thon thả có móng dài tô hường đang ôm lấy khuôn mặt. Mái tóc ngắn với các dợn sóng rơi phủ hai bên tai. Tuyết hiện tại hoàn toàn không giống Tuyết của tôi ngày xưa. Ngày xưa Tuyết của tôi tóc thề, e ấp, không son phấn. Tôi không phân định được tôi thích hình ảnh nào hơn.

Tiếng tôi vang lên trong không gian tĩnh lặng:

– Cho anh nói lên một nhận xét. Tuyết đã hoàn toàn thay đổi. Nếu Tâm không nói trước, nếu anh tình cờ gặp em ngoài phố anh không nhận ra em.

Tuyết buông thỏng đôi tay, ngẩng mặt, cao giọng:

– Nhưng anh Tâm lại nhận ra em giữa chốn đông người.

Tâm giọng cợt đùa, bồi thêm phát súng ân huệ:

– Rất dễ hiểu vì hình bóng Tuyết lúc nào cũng khắc sâu trong tim anh.

Tuyết bật cười:

– Nói dậy mà không phải dậy.

Tôi lại nhận ra thêm một đổi thay bất thường ở Tuyết. Ngay từ phút đầu gặp lại tôi đã ngờ ngợ. Tuyết không nói bằng giọng Huế của một thời tôi say đắm. Tôi bật hỏi:

– Tuyết bắt chước giọng Sài Gòn? Đừng! Anh thích nghe giọng Huế. Nghe giọng Huế để nhớ một người anh từng yêu.

Tuyết cười thật tươi. Nhưng Tuyết đã hiểu lầm. Tôi không ám chỉ Tuyết. Tôi vừa nghĩ đến một người con gái khác, cũng người Huế, cũng ở cùng đường nhà Tuyết ở Nha Trang mà tôi đã cho rằng số mệnh dun rủi tôi gặp nàng thay cho Tuyết biến đi không còn dấu vết.

– Em bỏ luôn giọng Huế rồi. Nghe cái âm trọ trẹ thêm buồn mà người Sài Gòn cũng không ai muốn nghe. Em muốn thành người Sài Gòn trăm phần trăm…

– Tại sao?

– Tại vì em muốn quên quá khứ, gốc gác của mình. Thật lòng mà nói, hai tháng trước gặp lại anh Tâm, em rất vui mừng mà cũng ngỡ ngàng. Vui mừng vì em đang quá cô đơn. Còn ngỡ ngàng vì gặp anh Tâm, em có linh tính là sẽ gặp lại anh, kẻ mà em quyết tâm cắt đứt.

Tôi ngồi thẳng người, ngạc nhiên:

– Tại sao lại quyết tâm cắt đứt?

Tuyết quắc mắt:

– Anh còn dám tỉnh bơ hỏi tại sao? Tại vì chỉ mới xa vài tháng mà thư của anh thưa dần rồi dứt hẳn.

Tuyết nhìn thẳng vào mắt tôi và tôi chết lặng. Lúc đó tôi bắt đầu yêu Hiền, bắt đầu khổ vì Hiền. Những lời nồng nàn trong thư Tuyết không đủ xóa bóng dáng của Hiền. Và ngày qua ngày tôi quên bẳng Tuyết…

– Đang buồn bị anh bỏ rơi, thì đột ngột em mất luôn cả cha lẫn mẹ.

Tôi sửng sốt:

– Hai bác đã mất?

– Chừng hơn nửa năm sau khi các anh vào Sài Gòn thì ba mẹ em bị tai nạn máy bay. Em không dám sống một mình trong căn nhà nên vào Sài Gòn tìm anh. Em đã đến ký túc xá và họ bảo anh không còn ở trọ. Em đến đại học khoa học mấy hôm liền nhưng anh không đến lớp.

Tôi còn nhớ cái lý do tôi rời ký túc xá nhưng không nhớ vì sao tôi không đi học. Lúc đó Dũng đã rủ tôi về ở chung nhà và cái động lực chính khiến tôi đồng ý chỉ vì muốn gần Hiền.

Tôi đứng lên, bước gần hơn, nắm tay Tuyết, xúc động nói:

– Anh quá sức tệ hại, Tuyết tha lỗi cho anh. Anh chân thành chia sẻ nỗi đau buồn…

Tâm cũng đến bên Tuyết, ngồi sát vào nàng:

– Anh lại càng tệ hơn. Anh có nghe tin tức tai nạn máy bay lúc đang ở quân trường nhưng không biết ba mẹ của Tuyết cũng là nạn nhân. Nếu anh biết , anh đã đến… Suốt hai năm thụ huấn, anh không đến nhà Tuyết vì tự ái, vì nghĩ Tuyết đã là của Bằng!

Giọng Tuyết đầy phiền muộn:

– Em cũng không biết anh nhập trường Hải quân. Nếu biết, em đã không phải lặn lội đi tìm anh Bằng. Nếu biết, mỗi tuần em đã vào thăm anh…

Tôi chợt nhớ ra, hối hả nói:

– Anh nhập khóa sau Tâm một năm. Ngày đầu được đi bờ, anh đến ngay nhà Tuyết. Anh đã sững sờ khi được người chủ mới bảo là Tuyết đã dọn đi và không biết đi đâu.

Tuyết ngẩn lên, nước mắt ven mi:

– Em xin lỗi đã làm các anh mất vui. Em tự hứa là sẽ không kể cho bất cứ ai mà rốt cuộc lại nói với hai anh. Thôi chuyện cũng xưa rồi, hãy vui với hiện tại. Hai tháng qua, em đã hỏi đủ chuyện về anh Tâm và không còn gì thắc mắc. Còn anh Bằng, từ ngày chia tay, anh yêu những ai? Bắt đầu bằng người đẹp đã làm anh quên Tuyết.

– Thật lòng mà nói, từ phút giây gặp lại Tuyết, anh hoàn toàn không còn nhớ là đã yêu những ai. Nói khác đi, là tất cả những hình bóng anh đem lòng yêu thương sau Tuyết, bây giờ đều nhập lại thành một, thành người đang ngồi trước mặt anh.

Tuyết bật cười:

– Anh vẫn có những lời tán thật khéo. Những lời đó và vòng tay ôm của anh lúc nào cũng ám ảnh em…

Tâm la lên:

– Trời ơi! Muồi rệu!

Tuyết giẫy nẩy:

– Anh mà còn phê bình kiểu đó là em đuổi anh về đấy.

Tâm đứng lên:

– Thì anh đã muốn về từ lâu. Anh ở đây chỉ thêm … thừa, chỉ thêm chua xót chứng kiến người xưa của mình tái ngộ với người xưa đến sau mình.

Tâm bước ra cửa. Tuyết đứng lên chạy theo Tâm, giọng dịu dàng:

– Em chỉ đùa, em xin lỗi. Ai cũng đều là “người xưa” cả. Hãy vì em, xin anh ở lại.

Tuyết choàng tay qua lưng Tâm đẩy anh trở vào. Tâm nhìn tôi, rùng vai như muốn nói … không phải tại tao. Tôi cười:

– Mày về là tao lội bộ về tàu. Đi tắc xi khuya khoắt nó chém, chịu sao thấu!

Tâm cười ngồi lại chỗ cũ trên ghế dài cạnh tôi. Tuyết đưa tay bật sáng đèn rồi đi thẳng vào bếp nói vói lại:

– Em đã chuẩn bị cơm tối. Thật tình là để mời anh Tâm vì không biết là có cả anh Bằng. Tuy vậy ba người ăn… càng ngon.

Tôi và Tâm nhìn nhau. Tôi đưa thuốc lá mời Tâm. Chúng tôi đua nhau hít và nhả khói. Tôi đưa mắt khắp gian phòng. Gần cửa chính là chiếc cầu thang hình xoắn ốc bằng gỗ nâu dẫn lên tầng nhì. Trên hai vách đối diện là những khung hình chụp thắng cảnh ở các bờ biển trong đó tôi nhận ra ba tấm là thuộc biển Nha Trang: Một chụp từ biển nhìn vô cầu đá với hải học viện và biệt điện cựu hoàng. Một là vùng biển xanh thăm thẳm ôm ven bờ cát trắng hình cánh cung và một là hình ảnh Hòn Chồng với hòn đá trơ vơ có vết chân khổng lồ in sâu. Những nơi này tôi và Tuyết từng trải qua những giờ hạnh phúc vào cuối tuần…

Tuyết bước tới lui từ cái bếp gọn gàng sang chiếc bàn ăn hình vuông trải khăn trắng có hoa văn chấm phá. Nhìn cái dáng nở nang quyến rũ trong bộ đồ khít khao, tôi muốn nhào tới liều mạng ôm nàng một lần nữa. Và lần này sẽ thẩy tung nàng lên giường… Tôi liếc nhìn Tâm. Anh cũng đang nhìn nàng đắm đuối. Tự dưng tôi thở dài. Tuyết thì đang cần một người chồng mà cả hai chúng tôi thì cứ nghĩ chuyện… đâu đâu!

Tuyết ngoắc chúng tôi từ bàn ăn:

– Xong rồi, xin mời hai anh. Anh Bằng cũng uống bia như anh Tâm, hỉ?

Tôi xót xa gật đầu. Tuyết khui thêm một chai “33” Tâm ưa thích. Món ăn không mấy thịnh soạn. Tô nước canh, dĩa rau muống luột, dĩa cá nục kho khóm đầy ớt xanh. Và dĩa đậu xào nhiều tỏi. Không khách sáo, chúng tôi ăn ngon lành. Tuyết chỉ ăn cầm chừng:

– Về đây, anh Bằng ở vùng nào?

Tôi cười:

– Vùng bến Bạch Đằng!

Tâm chen vào:

– Nó cũng vô gia cư như anh và đang ở cùng tàu anh.

Tuyết tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Hai anh ở cùng tàu, thích quá hỉ? Chà! Chuyện gì, hai anh cũng nói toạt cho nhau. Chỉ có em là thiệt thòi, không được biết…

Tôi xăng xái:

– Tuyết muốn biết gì nào?

– Muốn biết cái mà em đã hỏi và lần này anh không được né tránh. Sau khi xa Tuyết, anh phải lòng thêm bao nhiêu cô nữa?

Tôi gắp một miếng cá bỏ vào miệng, thư thả nhai. Tuyết nhìn tôi đăm đăm chờ đợi. Tôi nói chậm:

– Tuyết có thể không tin, mà là sự thật. Chỉ có hai người.

– Cùng một lúc?

– Không hẳn! Sau khi chia tay Tuyết về Sài Gòn, anh yêu một người. Chừng trở lại Nha Trang không có Tuyết, anh yêu thêm người nữa. Kết quả là hiện tại cả hai đều chê anh!

Tuyết cười sằng sặc:

– Anh kể chuyện khôn hỉ. Nhưng đừng tưởng thế mà chiếm lại em được! Em bây giờ khôn hơn! Bây giờ ai em cũng… yêu!

Tâm buông đũa, nhướng mắt:

– Tức là anh cũng được Tuyết yêu?

Tuyết cười, gật đầu:

– Tất nhiên. Tình đầu mà!

– Nghĩa là anh có quyền … hôn Tuyết?

Tuyết lại gật đầu, tủm tỉm:

– Ai cũng có quyền hôn Tuyết!

Tâm đứng lên:

– Bảo đảm không tát…

Tuyết không động đậy, giọng thản nhiên:

– Bảo đảm!

Tâm bước sang nâng cằm Tuyết lên và mặt anh hạ xuống. Hai đôi môi gắn chặt. Một lúc, chính Tâm là người dang ra trước. Anh cười, đưa tay chùi đôi môi trong lúc tim tôi như thắt lại. Tâm nói bằng giọng trầm buồn:

– Đau thật! Thì ra em chỉ muốn chọc tức Bằng.

Tuyết đứng lên bước qua bếp lấy dĩa nhãn no tròn. Khi đặt dĩa nhãn xuống bàn ăn, nàng yên lặng nhìn Tâm, rồi chầm chậm nói:

– Chẳng việc chi mà em phải chọc tức anh Bằng. Nếu vừa rồi người hôn em là anh Bằng, chả lẽ em muốn chọc tức anh? Em chỉ muốn… chỉ muốn … thay cho lời xin lỗi.

Tâm cười rũ rượi:

– Anh khoái cái kiểu em xin lỗi. Nhưng nếu em xin lỗi vì ngày xưa em bỏ rơi anh để yêu Bằng thì cho anh xin! Anh yêu em nhưng không đến nỗi phát điên để em phải an ủi. Ngày xưa, khi biết em yêu Bằng, anh đã kiếm ngay cô khác… trám vào! Đời quá ngắn ngủi, đau khổ chi cho… đau khổ. Lúc nào anh cũng vui vẻ vẩy tay: “Buồn ơi! Chào mi”. Nếu em vẫn còn yêu Bằng, vẫn bỏ rơi anh thì cứ tự nhiên. Lại nếu thành chồng thành vợ, anh chân thành chúc hạnh phúc. Anh hứa luôn luôn sẽ là … bằng hữu tốt của cả hai!

Tuyết xua tay:

– Chắc chắn là không có chuyện đó. Anh còn cho thấy anh có quan tâm đến em. Với anh Bằng thì tuyệt không. Số em là số khổ nên ngày xưa mới dại dột dứt tình anh. Nhưng cũng thật lạ lùng, ngày gặp lại anh, em mừng vô cùng. Em có ngay cái ao ước được làm vợ anh. Chỉ nghĩ thôi mà em đã thấy hạnh phúc. Nhưng suy đi tính lại, em thấy không ổn. Anh chắc là khó quên một thời bị bỏ rơi. Bây giờ gặp lại anh Bằng, lại càng thấy không ổn. Em đang mang cái mặc cảm từng phụ bạc anh.

Tuyết dừng lại, nhún vai:

– Ngày xưa đã một lần không kham nỗi đau buồn em phải… bán nhà chạy trốn vào đây. Bây giờ em đang có ý nghĩ lại phải bán nhà chạy trốn khỏi thành phố này. Chạy trốn cả hai anh…

Tôi lớn tiếng:

– Đừng có khùng!

Tâm phụ họa:

– Đừng có điên!

Tôi nói đùa, hy vọng xóa tan nỗi buồn của Tuyết:

– Em đã đưa ra cái hạn một năm, rằng trong thời hạn đó, nếu ai ngõ lời cầu hôn em trước, em sẽ làm vợ người đó. Vậy, em đừng vội bán nhà. Biết đâu một ngày rất gần, hoặc nhiều lắm là dăm ba tháng tới, em thấy người nào đó hợp nhãn. Thế là … tiếng sét ái tình! Và hai anh ra rìa!

Tuyết nhăn mặt:

– Anh lúc nào cũng đùa được!

Tôi phản đối:

– Anh không đùa. Tiếng sét ái tình nó giáng bất ngờ, có chạy trốn cũng vô ích. Ngay chính với Tuyết, anh đang bị tiếng sét giáng cho lần thứ nhì…

Tâm nói chậm rãi:

– Bằng nói đúng. Anh cũng bị tiếng sét lần hai…

Giọng Tuyết bực bội:

– Thì hai anh ôm lấy tiếng sét mà cùng biến đi cho khỏi rắc rối đời em!

Tuyết đứng lên, lặng lẽ dọn chén dĩa. Tôi và Tâm vội vàng tiếp tay. Tuyết mở nước chảy vào chậu, bắt đầu lau rửa. Tôi muốn lên tiếng mà không tìm được ý tưởng hợp tình hợp cảnh lúc này. Tâm bước đến bên Tuyết khi tôi cầm ly bia đi về chiếc sô pha. Anh nói nhỏ gì đó nhưng Tuyết lặng thinh.

Đứng xớ rớ một lúc, Tâm thất thểu bước ra ngồi cạnh tôi châm thuốc. Tôi cũng rút một điếu. Tôi không hiểu thái độ của Tuyết. Đang vui đó rồi buồn đó. Tôi cho là đã đến lúc ra về. Tuần tới gặp lại, hy vọng mọi sự sẽ trôi qua. Tôi dứt khoát đứng lên:

– Tụi anh xin từ biệt. Mong Tuyết bỏ qua mọi chuyện không vui…

Tuyết quay phắt lại, giọng giận hờn:

– Hai anh không biết là gặp lại hai anh, em mừng lắm sao? Nói cho cùng, đời em chỉ còn hai anh là thân thiết gần gụi. Nhưng em không thể chọn cả hai mà cũng không thể chọn người nào. Gần hai anh càng chuốc thêm khó xử! Chỉ có trốn hai anh mới bớt khổ!

Tôi ra dấu với Tâm. Anh buồn rầu đứng lên. Tuyết rửa tay, lau khô, bước theo chúng tôi.

Tâm đạp cho máy nổ. Tôi choàng chân leo lên yên sau. Tuyết nói lớn:

– Hôm nào rảnh, mời anh Bằng đến chơi.

Tôi nhìn sâu vào mắt Tuyết:

– Cái cách em mời như là một lời đẩy đưa! Có lẽ anh không đến nữa, tốt hơn.

Tâm quay lại, giọng phiền giận:

– Mày được mời mà còn làm cao. Có mày Tuyết lại chê tao!

Tuyết vươn tay đập vào vai Tâm, miệng cười tươi:

– Mỗi tối thứ ba em đã dành cho anh, còn đòi mời mọc gì nữa…

Tâm và Tuyết trao nhau ánh mắt thân tình. Tôi lại nghe nhói ở tim, nghẹn ở họng. Tâm mở đèn, ánh sáng quét dài trên mặt đường đầy sỏi đá. Chiếc xe rú lên, vọt tới, bánh nghiền trên mặt đường tạo những âm thanh xao xuyến.

Ra đến đường lớn, Tâm quay lại:

– Tuyết còn yêu mày!

– Tao nghĩ trái lại, nó yêu mày!

– Bậy!

– Cái cách nó nhìn mày, cử chỉ nó dành cho mày ra chiều âu yếm lắm!

Tâm nói sau tiếng cười:

– Mày ghen đấy à? Coi vậy chớ không phải vậy! Cách đây hai tuần, tao ở lại nhà nó tới thiệt khuya. Thấy nó tỏ ra thân mật và trông nó thật ngon lành, lại sẵn đang ngồi gần, tao không cưỡng được nên ôm hôn nó…

Tâm ngưng nói. Tôi nghĩ đến lần tôi ôm đại Tuyết hôn tới tắp và thành công nên ngập ngừng hỏi:

– Rồi sao?

– Rồi nàng xáng cho tao một bạt tai!

– Rồi sao?

– Rồi tao phải rối rít xin lỗi!

– Rồi sao?

– Rồi Tuyết đuổi tao về!

– Rồi?

– Thì tao đành phải về!

– Về?

– Chớ ở lại thì thế nào cũng lại lạng quạng và lại ăn tát.

Tôi thở ra. Tôi đã hiểu vì sao Tuyết để cho Tâm hôn trước mặt tôi. Với Tuyết thì đó là cách nàng xin lỗi đã tát Tâm. Nhưng với tôi, nó còn hơn một lời xin lỗi. Tuyết cho tôi thấy là nàng không sợ tôi buồn. Tuyết cho thấy lần này tôi chỉ là cái bóng mờ. Tôi nói lớn hơn tiếng máy xe:

– Nếu tao là mày, tao sẵn sàng nhận thêm cái tát thứ hai, thứ ba… cho tới khi nàng thôi tát.

Tâm lặng lẽ lái xe. Một lúc sau anh quay lại, cười cười:

– Mày nói có lý! Tao… khờ thật.

(Còn tiếp)

Nguồn Vũ Thất
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn