BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ về một chiến sĩ tài hoa: Tướng Nguyễn Văn Minh

11 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 3398)
Nhớ về một chiến sĩ tài hoa: Tướng Nguyễn Văn Minh
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84
Sau những ngày nghỉ phép mãn khóa 13 Thủ Đức, một chuẩn úy, từ Sài Gòn đi xe đò về tỉnh lỵ Bạc Liêu trình diện Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, đầu tháng 1 năm 1963. Ngày xa xưa ấy, nay đã qua hơn 43 năm.

Sư Đoàn 21 Bộ Binh có 3 trung đoàn cơ hữu: 31, 32, 33. Tôi may mắn được thuyên chuyển về Trung Đoàn 33, Bộ Chỉ Huy đang đóng ở thành lính Gạt (Garde - Vietnam Sud), phía sau Tòa Hành Chánh và khám lớn Châu Đốc. Thật là hạnh phúc, cơ hội bằng vàng, tôi được về lại nơi sinh trưởng và nơi đi dạy học đầu tiên của mình đúng vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán.

Trong nhóm 13 sĩ quan mới ra trường về trình diện Trung Đoàn 33, con số 13 lại đeo đuổi, không phải là con số xui xẻo mà con số hên cho cá nhân tôi. Chúng tôi, gồm có 3 khóa: 13 Thủ Đức, 16 Đà Lạt và 3 Nha Trang. Khóa 16 Đà Lạt, sĩ quan hiện dịch đeo lon thiếu úy, khóa 13 Thủ Đức quy tụ hầu hết là những thanh niên vào hạng tuổi tổng động viên, ra trường với cấp bậc chuẩn úy trừ bị và khóa 3 Nha Trang ra trường cũng cấp chuẩn úy, nhưng ngạch Hiện Dịch (gồm những hạ sĩ quan ưu tú được tuyển chọn học khóa sĩ quan đặc biệt này). Cả 3 khóa đều được chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm đặt tên là Khóa Ấp Chiến Lược và đích thân tổng thống đến chủ tọa lễ mãn khóa liên tiếp từ giữa tháng 12 đến ngày 28 tháng 12 năm 1962 là lễ tốt nghiệp của khóa 13 Thủ Đức, thời Đại Tá Lam Sơn Phan Đình Thứ giữ chức chỉ huy trưởng; Trung Tá Vĩnh Lộc, chỉ huy phó; Thiếu Tá Đồng Văn Khuyên, giám đốc huấn luyện (?). Sau 3 vị này đều là tướng lãnh mà mọi quân nhân hình như đều nghe tên biết tiếng.

Trong cái rủi lại có cái may, như chuyện tái ông mất ngựa, khi trình diện Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB, mất hơn 1 tuần mới biết mình về trung đoàn nào và còn đợi xe của đơn vị đi công tác đến đón. Nhân cơ hội chờ đợi, tôi cùng vài anh em, chiều thường thả bộ “bát phố” của cái xứ “dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.” Cơ may, tôi gặp lại vài cô nữ sinh của trường Trung Tiểu Học Phước Kiến ở số 266 đại lộ Khổng Tử-Chợ Lớn mà tôi có dịp làm giám học về các môn dạy Việt Ngữ, nơi mà nhiều sĩ quan cấp tá chết và bị thương do phi cơ trực thăng phe ta bắn nhằm phe mình trong vụ VC tổng tấn công Tết Mậu Thân, năm 1968.

Cùng đánh vũ cầu với các em nữ sinh gốc người Hoa đã từng học với tôi ở trường Phước Kiến, mãi lo chạy theo một đường cầu, chẳng may, bị sụp ổ gà, cổ bàn chân trái bị trẹo gân và sau đó sưng phù. Cái bàn chân trái bị phù, không mang giày được, dù mặc quân phục số 2, thắt cà vạt đen và đội cát-két nghiêm túc lại kéo lê đôi dép, không giống ai khi trình diện Đại Tá Tư Lệnh Bùi Hữu Nhơn. Lúc về trình diện Thiếu Tá Trung Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Thanh cũng mặc quân phục vàng số 2 mà đi dép, chẳng giống con giáp nào. Có lẽ vì lý do đó, tôi được giữ lại đại đội trọng pháo của trung đoàn và mấy tháng sau lại nắm chức vụ trưởng Ban 5 của trung đoàn (sau này, gọi là Phụ Tá Chiến Tranh Chính Trị Trung Đoàn), còn 12 sĩ quan khác được chia đều mỗi tiểu đoàn 4 người.

Ngay chiều ngày trình diện và nhận nhiệm vụ tại Trung Đoàn 33 đang đóng quân ở Châu Đốc cũng là dịp đầu tiên tôi được gặp trung tá tỉnh trưởng An Giang, Nguyễn Văn Minh, tuổi đời rất trẻ mới trên tam thập nhi lập. Trung tá tỉnh trưởng đến thăm Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 33, đơn vị này mới di chuyển về Châu Đốc và cũng cận ngày Tết Nguyên Đán năm 1963. Lý do Trung Đoàn 33 BB về Châu Đốc (lúc bấy giờ tỉnh Châu Đốc bị sáp nhập vào tỉnh Long Xuyên, thành tỉnh mới An Giang) vì trước đó chừng 1 tuần, nhà máy điện của thị xã Châu Đốc bị đặc công CS đặt chất nổ phá hủy.

Trung Tá Nguyễn Văn Minh, vóc dáng trung bình, nghĩa là không cao lắm, không mập, không ốm, có làn da trắng khỏe mạnh, chân mày dày rậm, mũi cao, đôi mắt rất sáng có nhiều “power” khi nhìn người khác. Ông nói mau, nhỏ tiếng và rất bặt thiệp với tất cả mọi người, đặc biệt với cấp dưới, ông rất vui vẻ bắt tay, làm thân, hỏi thăm chuyện này chuyện nọ cởi mở và thoải mái. Cái tính chất nhạy bén, mềm mỏng, khéo léo và chinh tâm vi thượng sách từ cấp nhỏ, đàn em đến thượng cấp của Trung Tá Nguyễn Văn Minh trước sau như một.

Từ ngày tôi biết lần đầu khi ông còn là trung tá cho đến khi ông là tướng 3 sao tư lệnh Quân Đoàn 3 & Quân Khu 3 kiêm đại biểu chính phủ miền Đông, cung cách giao tế của ông không thay đổi. Những tháng ngày trước 30 tháng 4 năm 1975, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh được bổ nhiệm trở lại chức Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô kiêm tổng trấn Sài Gòn-Gia Định thay thế Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang và đô đốc trở về giữ chức tư lệnh Hải Quân.

Phong cách của Trung Tướng Nguyễn Văn Minh đối với mọi người vẫn như xưa, nhưng thời điểm dầu sôi lửa bỏng này, những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam, ông ít nói hơn trước và gương mặt luôn đăm chiêu suy nghĩ. Lúc bấy giờ tôi là thiếu tá trưởng phòng Tâm Lý Chiến Biệt Khu Thủ Đô nên có nhiều dịp họp tham mưu, gần gũi ông thường xuyên hơn.

Ăn xong cái Tết Nguyên Đán năm 1963 tại Châu Đốc, Trung Đoàn 33 BB được lệnh di chuyển Bộ Chỉ Huy về thị xã Long Xuyên, đóng trong một căn cứ, cạnh cầu Hoàng Diệu, ngang hông trường trung học Thoại Ngọc Hầu, trường trung học lớn nhất của tỉnh An Giang. Nhiều năm sau, khi BCH Trung Đoàn 33 di chuyển về thị xã Sóc Trăng, khu quân sự này trở thành Quân Y Viện Long Xuyên cho đến ngày 30 tháng 4, 1975.

Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn ổn định cơ ngơi mới, trung tá tỉnh trưởng lại đến thăm viếng xã giao trung đoàn trưởng và Bộ Chỉ Huy, cùng đi với ông có Thiếu Tá Trần Chí Thẩm và Thiếu Tá Nguyễn Văn Bê là phụ tá đắc lực của trung tá tỉnh trưởng An Giang về Nội An và chỉ huy các đơn vị Bảo An của tỉnh.

Thiếu tá trung đoàn trưởng 33 trình bày về 3 tiểu đoàn cơ hữu đang hành quân ở 3 tỉnh gần An Giang, trung tá tỉnh trưởng hỏi trung đoàn cần gì thì ông sẽ giúp và giúp thật tình. Ông còn mời thiếu tá trung đoàn trưởng và BCH Trung Đoàn đến Tòa Hành Chánh tỉnh để nghe ông trình bày tỉ mỉ về mọi vấn đề quân sự, an ninh, tình báo, các khu trù mật, dinh điền của tỉnh... và kế hoạch đào con kinh mới nối liền với con kinh số 1 ở Quận Tri Tôn (vùng Thất Sơn), vòng qua núi Tượng, tức là xã Ba Chúc của tỉnh Châu Đốc cũ để nối liền với kinh Vĩnh Tế (từ tỉnh lỵ Châu Đốc, kinh Vinh Tế được Ngài Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào cách đây hơn 200 năm trước chạy dài chừng 80 cây số đến địa phận quận Giang Thành của tỉnh Hà Tiên cũ, một công trình vô cùng vĩ đại của Triều Nguyễn).

Lúc đầu Bộ Chỉ Huy Hành Quân của trung đoàn đóng tại đầu con kinh số 1 gần cầu Cây Me, sau Sư Đoàn 21 chỉ thị đóng ở vùng vòng cung giữa đoạn con kinh mới đào để giữ an ninh cho 2 đoàn dân công luôn luôn có đến trên 500 người, gọi là làm xâu (làm nghĩa vụ của người dân trong tỉnh phải tham gia công việc chung). Một đoàn từ bên núi Tượng đào qua và 1 đoàn đào từ hướng Tri Tôn tới, cách chân núi Tượng cũng không xa. Trung đoàn đóng chốt tại đây khoảng 4 tháng giữ an ninh cho công cuộc đào kinh to lớn cho đến ngày dứt điểm. Tại nơi đây, nếu không có 3 tiểu đoàn cơ động của trung đoàn thường xuyên hành quân xa trong vùng Thất Sơn, vấn đề an ninh cũng sẽ có nhiều rắc rối vì đầu não VC của Tỉnh Ủy An Giang đóng trong các hang động trên núi Dài, cách kinh mới đào hơn 5 cây số đường chim bay. Về đêm, VC thường cho các toán nhỏ ra tấn công quấy phá các đơn vị bảo vệ an ninh cho việc đào kinh kéo dài cũng khoảng 2 năm rồi.

Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm hướng dẫn một phái đoàn hùng hậu gồm có đại sứ Mỹ, Anh, Pháp... nhiều tổng bộ trưởng trong chính phủ cùng đoàn tùy tùng đông đảo đến khánh thành đoạn kinh đào mới này. Lần đầu tiên, tôi thấy Trung Tá Minh thuyết trình bằng tiếng Pháp rất gãy gọn, có giọng rất Tây và tiếp theo là BCH Hành Quân của Trung Đoàn 33 thuyết trình do Đại Úy Lê Thọ Trung, trung đoàn phó, trình bày việc bảo vệ an ninh của đơn vị. Đại Úy Lê Thọ Trung vốn xuất thân từ trường Pháp Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, nói tiếng Tây như Tây chính cống. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, nơi nào có tổng thống đến lại có ngoại giao đoàn tháp tùng thường tổng thống chỉ thị thuyết trình bằng tiếng Pháp để khỏi mất thì giờ thông dịch chuyển ngữ vì lúc bấy giờ các sĩ quan VNCH và giới chức hành chánh cao cấp lớn tuổi ít có người biết tiếng Anh giỏi như tiếng Pháp vì tiếng Pháp như là tiếng mẹ đẻ.

Trong vấn đề giao tế, xã giao hàng ngang hay hàng dọc từ thời năm 1963, Trung Tá Nguyễn Văn Minh luôn chu toàn, được lòng mọi người. Với con mắt của nhà giáo thường hay chấm điểm, tôi nói với bạn bè ở Trung Đoàn, tôi cho điểm 10/10 cách giao tế tuyệt vời tròn trịa của Trung Tá Minh. Một việc làm rất tế nhị và dễ chinh phục cảm tình với người khác, trong túi của Trung Tá Nguyễn Văn Minh thường có nhiều tiền lẻ, khi ông gặp em út làm việc dưới quyền, nhất là các cấp nhỏ, ông vừa hỏi thăm việc này việc nọ vừa móc bóp lấy tiền tặng biếu cho gọi là tiền nhẩm xà, ca phê hủ tíu. Làm như thế, Trung Tá Nguyễn Văn Minh đã đắc nhân tâm và chinh tâm vi thượng sách.

Lúc bấy giờ tôi thường nghĩ, nếu chẳng may, giả sử Trung Tá Minh có bị VC ám sát bằng cách bắn hay ném lựu đạn, nếu cận vệ thấy chắc sẽ dùng thân mình nhảy ra che chắn hy sinh cứu ông vì ông luôn đối xử tốt với thuộc cấp. Cái tình cảm của Trung Tá Minh luôn đối với anh em cấp dưới đúng câu tình huynh đệ chi binh, ít có cấp chỉ huy nào có được cách đối xử với cấp dưới như ông.

Những quân nhân từng phục vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tôi làm việc ở cấp trung đoàn được biết trong hệ thống Quân Ủy của đảng Cần Lao có đặt người để báo cáo thẳng với cấp cao không qua hệ thống quân giai. Vì vậy, mọi sĩ quan phải chú ý, dè chừng những việc làm của mình, lạm dụng quân xa hay xăng dầu... của đơn vị đều có tai mắt báo cáo qua hệ thống đảng mà ông đơn vị trưởng không hay biết. Khi có lệnh trên đưa xuống bảo ông đơn vị trưởng khiển trách hay phạt người vi phạm, lúc ấy ông đơn vị trưởng mới vỡ lẽ.

Các ông tỉnh trưởng thời Đệ Nhất Cộng Hòa, người ta thường nghĩ là người nằm trong đảng Cần Lao, nhưng không biết có hay không. Tuy nhiên, thời đó việc được bổ nhiệm giữ nhiệm vụ như Tỉnh Tưởng, chắc chắn phải được chế độ tin dùng, cánh tay đắc lực của chế độ. Khi Đệ Nhất Cộng Hòa bị sụp đổ sau cuộc đảo chánh đẫm máu 1 tháng 11, 1963, nhiều cấp chỉ huy mật thiết với chế độ đều bị thay thế hoặc bị đưa ra tòa, giải ngũ... Trung tá tỉnh trưởng An Giang Nguyễn Văn Minh cùng chung số phận với các vị có chức quyền cao của chế độ. Nếu tôi nhớ không lầm, Trung Tá Nguyễn Văn Minh cũng nằm trong danh sách bị “thanh trừng,” nghĩa là sẽ bị đưa ra tòa xét xử có thể bị giải ngũ hay ngồi tù...

Lúc bấy giờ, dư luận đồn ầm lên là Trung Tá Tỉnh Trưởng An Giang Nguyễn Văn Minh nào nuôi nhiều chim yến quý mua từ Nhật Bản, bông hoa cây kiểng hiếm quý mua từ nước ngoài, giàu sang... Người ta đồn đãi 1001 chuyện về một ông trung tá tỉnh trưởng hào hoa, chịu chơi, khôn khéo, giao tế giỏi, bị đưa ra tòa. Nhưng, khi Trung Đoàn 33 chuẩn bị đưa Bộ Chỉ Huy Hành Quân xuống Cà Mau thì có lệnh của Sư Đoàn 21, tuân hành chỉ thị của Bộ Tổng Tham Mưu, thay vì Sư Đoàn có 3 Trung Đoàn, nay Sư Đoàn 21 làm thí điểm thành lập 2 Lữ Đoàn. Lữ Đoàn A do Trung Tá Nguyễn Văn Minh làm lữ đoàn trưởng (Lữ Đoàn A gồm 2 Trung Đoàn 31 và 32), Lữ Đoàn B, nòng cốt là Trung Đoàn 33 do Trung Tá Nguyễn Văn Thanh (được thăng cấp sau 1 tháng 11, 1963) trung đoàn trưởng, nay đươc bổ nhiệm làm lữ đoàn trưởng. Tin này đến với sĩ quan các cấp của TRĐ 33 thật bất ngờ vì có tin đồn Trung Tá Nguyễn Văn Minh bị nhốt và bị đưa ra tòa xét xử về tội danh là cán bộ tin cậy, người của chế độ Ngô Đình Diệm.

Điều này chứng tỏ sự khéo léo giao tế của Trung Tá Nguyễn Văn Minh đối với cấp trên, cấp dưới đều nhận được sự cảm tình quý mến của mọi người nên ông được “quới nhơn” che chở, thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Từ chức lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn A chỉ được một thời gian ngắn, mô hình Sư Đoàn Bộ Binh có 2 Lữ Đoàn cũng được Bộ Tổng Tham Mưu hủy bỏ.

Từ thời điểm đó, cuộc đời binh nghiệp của Trung Tá Nguyễn Văn Minh qua bước ngoặt mới, lên hương. Ông được thăng lên đại tá sau mấy lần có biến động chính trị “chỉnh lý, biểu dương lực lượng.” Đại Tá Nguyễn Văn Minh có một thời gian ngắn giữ chức tham mưu trưởng Quân Đoàn 4 và Vùng 4 Chiến Thuật. Sau đó, Đại Tá Minh được bổ nhiệm nắm chức tư lệnh Sư Đoàn 21 thay thế Thiếu Tướng Cao Hảo Hớn thuyên chuyển về trung ương. Từ chức vụ của đơn vị này, Đại Tá Nguyễn Văn Minh thăng hoa lên tướng 1 sao rồi 2 sao và được thuyên chuyển với chức vụ cao hơn, tư lệnh Quân Đoàn 3 và Quân Khu 3 và sao thứ 3 cũng đến với ông. Đến ngày 28 tháng 4, 1975, ông lên trực thăng bay ra Hạm Đội 7 để sang Hoa Kỳ tỵ nạn, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh tri bỉ tri kỷ nên ông hoàn toàn im lặng suốt 31 năm cho đến ngày ông giã từ vũ khí trên cõi trần này.

Trong QLVNCH có đến 3 trung tướng tên Minh: Trung Tướng Trần Văn Minh thuộc Lục Quân, xuất thân từ hàng ngũ sĩ quan Pháp, vóc dáng hơi thấp, nhỏ con một chút, có biệt danh Minh nhỏ, sau khi quân đội nắm quyền lãnh đạo quốc gia, hình ảnh của ông tướng này mờ nhạt và được đi làm đại sứ một nước nào đó và chúng ta quên lãng tên ông. Người thứ hai là Trung Tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Không Quân cho đến 30 tháng 4, 1975, gốc xứ “Bồ Líu” (Bạc Liêu), nước da không trắng lắm, có người gọi là Minh đen. Thứ ba là Trung Tướng Nguyễn Văn Minh thuộc típ “bô trai,” hào hoa thích văn nghệ và biết đàn nữa nên có biệt danh là Minh Đờn, một tên gọi thân thương của mọi người đối với ông.

Trong QLVNCH còn có thêm 2 ông tướng cũng tên Minh. Đại Tướng Dương Văn Minh, gọi là Big Minh hay Minh Cồ vì ông tướng này cao lớn to con hơn nhiều vị tướng lãnh khác. Một ông tướng thuộc Hải Quân cũng tên Minh mới đeo một sao không lâu lắm trước ngày chế độ VNCH bị sụp đổ vào Tháng Tư Đen 75, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh. Tỵ nạn sang Hoa Kỳ, Đề Đốc Hoàng Cơ Minh thành lập Mặt Trận nhằm phục quốc bằng quân sự, có tên gọi tắt là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.

Cả 5 ông tướng có tên đẹp là Minh lần lượt ra đi, giới kaki gọi là được thuyên chuyển về “Vùng 5 Chiến Thuật.”

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, có biệt danh là Minh Đờn, nhận sự vụ lệnh sau cùng về Vùng 5 Chiến Thuật vào mùa Lễ Tạ Ơn của xứ Cờ Hoa tại thành phố du lịch San Diego ngày Thứ Sáu, 24 tháng 11 năm 2006. Lễ an táng của vị tướng lãnh có thể nói là hào hoa, dễ cảm mến nhất và giao tế khôn khéo nhất trong hàng tướng lãnh, được cử hành trang trọng với đầy đủ lễ nghi quân cách do các Hội Đoàn Cựu Quân Nhân ở miền Nam Cali phụ trách. Tướng Minh rất xứng đáng được các Cựu Chiếu Binh đàn em ngậm ngùi đưa tiễn một cấp chỉ huy tài giỏi, biết thương mến và thông cảm với anh em cấp dưới, nêu một tấm gương sáng lãnh đạo chỉ huy tuyệt vời. Lễ an táng được cử hành vào chiều ngày Chủ Nhật, 3 tháng 12 năm 2006 tại nghĩa trang Peek Family đầy cảm động, chúng ta vô cùng thương tiếc.

Cố Trung tướng Trần Văn Minh


Trung Tướng Nguyễn Văn Minh có pháp danh Hằng Minh, sanh năm 1928, tính theo tuổi ta, ông mất lúc 79 tuổi.

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, trước khi vào quân đội, ông là một công chức, hình như làm việc tại Tòa Đô Chính Sài Gòn, nhập ngũ khóa 4 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (sau này có tên gọi là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam) và tốt nghiệp năm 1951.

Thời vàng son, có quyền có chức, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh luôn có cử chỉ đẹp với đàn em, thuộc cấp của mình. Trong quân đội, người chiến sĩ cần có lon, có chức, có nhiều huy chương, tưởng lục. Những chiến sĩ làm việc dưới quyền ông luôn được che chở, nâng đỡ và trong phạm vi thẩm quyền, Tướng Minh Đờn không tiếc sự ân thưởng cho những nhân viên dưới quyền có công nhiều hay ít. Ông luôn tỏ ra một tướng lãnh gentleman hết lòng với cấp dưới . Vì vậy, những người may mắn làm việc trực tiếp dưới quyền ông đều được ông cất nhắc, giúp đỡ.

Một đặc tính khác làm cho tôi nhớ mãi. Khi Tướng Minh Đờn nắm chức tư lệnh Sư Đoàn 21, Bộ chỉ Huy Hành Quân của sư đoàn đặt tại sân bay tỉnh Chương Thiện, ông chỉ thị sĩ quan báo chí của SĐ gọi về Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ xin đưa phái đoàn báo chí xuống Chương Thiện làm phóng sự viết bài. Đích thân ông tướng tư lệnh chiến trường trình bày diễn tiến cuộc hành quân đang đụng mạnh với VC và đã chiến thắng trong ngày đầu.

Từ Cần Thơ, tôi xin trực thăng đưa một phái đoàn báo chi chừng 8 người, trong đó có 3 phóng viên ngoại quốc đang có mặt ở Cần Thơ. Về phía báo chí VN có phóng viên Việt Tấn Xã, đài phát thanh Quân Đội, nhật báo Tiền Tuyến, đài phát thanh Cần Thơ và phóng viên chiến trường Mai Hòa của Quân Đoàn 4. Lúc bấy giờ, tôi làm Trưởng Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn 4 phụ trách đưa đón ký giả đi tham gia các cuộc hành quân, thực hiện tờ bán nguyệt san Chiến Sĩ Miền Tây và phụ trách chương trình phát thanh Tiếng Nói Vùng 4 Chiến Thuật trên đài phát thanh Cần Thơ.

Khi trực thăng vừa đáp xuống phi trường Chương Thiện, bụi mù chưa tan hết, chiếc xe Jeep có biển đỏ với 1 sao trắng chạy đến gần sát càng trực thăng, tôi bước xuống trước và thấy Tướng Minh Đờn, cầm can chỉ huy đến gần, tôi đứng nghiêm chào và ông Tướng chào lại nghiêm chỉnh, bắt tay vỗ vai tôi, ông hỏi đi như thế này có khỏe không và hỏi nhanh phái đoàn báo chí có mấy người, rồi ông tướng lần lượt bắt tay niềm nở từng người và cũng hỏi thăm sức khỏe, xã giao. Tướng Minh Đờn quay lại tôi bảo: “Em đưa phái đoàn báo chí đi ra chợ Chương Thiện vào ăn ở nhà hàng, rửa mặt cho mát mẻ, có tỉnh lo mọi thứ.”

Ông tướng đã chỉ thị trước, Tiểu Khu chuẩn bị cho 3 chiếc xe Jeep, phần tôi, trưởng đoàn, 1 chiếc cùng đi với sĩ quan báo chí sư đoàn và 1 sĩ quan của tiểu khu, hai xe còn lại chở ký giả. Mất gần 2 giờ ăn uống và nghỉ ngơi, ông tướng cho mời phái đoàn báo chí đến phòng hành quân, có đầy đủ sĩ quan tham mưu của ông hiện diện. Thay vì, như nhiều ông tướng khác để cho Phòng 2, Phòng 3 trình bày, chính ông tướng đích thân trình bày. Thỉnh thoảng ông hỏi lại sĩ quan tham mưu liên hệ xác nhận con số hay chi tiết gì đó. Tất cả phái đoàn báo chí đều khen ông Tướng hào hoa, tài giỏi trình bày rõ ràng, đến 3 ký giả ngoại quốc cũng tỏ vẻ khen ông giỏi vì trình bày bằng tiếng Việt xong, ông trình bày lại bằng tiếng Anh rất gãy gọn. Tóm lại mọi phóng viên đều có cảm tình và nể phục Tướng Minh Đờn về phương diện giao tế và tế nhị trong lúc tiếp chuyện.

Tôi sực nhớ đến 1 ông tướng cũng 1 sao tư lệnh SĐ21, đang hành quân ở giữa lòng Rừng U Minh, khi tôi về phục vụ ở Khối Thông Tin Giao Tế Dân Sự thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị ở Sài Gòn, khoảng năm 71, 72, tôi có hướng dẫn một phái đoàn báo chí có hơn 10 người, phân nửa là ký giả ngoại quốc. Khi phái đoàn báo chí đến lều làm Trung Tâm Hành Quân, ông tướng chẳng buồn bắt tay tiếp đón nhà báo, tỏ vẻ hách dịch ra mặt, sau ông tướng này cũng lên 3 sao và có làm tư lệnh Quân Đoàn 4.

So sánh giữa hai ông tướng tư lệnh Sư Đoàn 21 thời tướng Minh Đờn và ông tướng sau này, chắc chắn tướng Minh Đờn được báo chí quý mến và viết bài ca tụng, nói tốt đủ thứ cho đơn vị của ông và chiến thắng của ông trong cuộc hành quân này cũng được đề cao xứng đáng hơn ông tướng kia. Đây là một bài học căn bản về giao tế và đắc nhân tâm để chiếm trọn cảm tình của người khác.

Cuộc đời là vô thường, sanh ký tử quy, nhưng phẩm cách của người này hơn người khác ở chỗ biết người biết ta và biết xử thế đúng cách có kết quả tốt nhất.

Người viết bài này rất ngưỡng mộ Trung Tướng Nguyễn Văn Minh từ năm 1963 dù chưa hề được ông tướng ban tặng một ân huệ nào về lon lá, huy chương hay tiền bạc.

Anh Phương Trần Văn Ngà
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn