BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77574)
(Xem: 63345)
(Xem: 40794)
(Xem: 32430)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Thừa Thiên-Huế

19 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 2851)
Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Thừa Thiên-Huế
56Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.97
 -Cảnh Sát Quận Hương Thủy Phục Kích giết Thiếu Tá VC Thanh Bình: Phá vỡ tổ chức Đặc công, Kinh tài, Tuyên vận của VC tại Thừa Thiên-Huế.
 -20.000 người biểu tình chống Cộng tại Huế (ngày 13/4/1971)
 -Phái đoàn Ủy Ban Nội Vụ Hạ Nghị Viện ra Huế điều tra...( tháng 04/1971)

Nguyễn Lý-Tưởng

***


 Đầu tháng 4/1971, tôi đang làm việc ở Hạ Nghị Viện Sài Gòn thì được tin Cảnh Sát Quận Hương Thủy do Trung Úy Trần Đức Anh chỉ huy, đã phục kích giết chết tên Thiếu Tá Việt Cộng bí danh Thanh Bình (bí thư Thị ủy Huế và Nam Thừa Thiên) tại khu vực thuộc thôn An Cựu Tứ Tây (phía sau lưng núi Ngự Binh) xã Thủy An, Quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Từ lâu tôi đã từng nghe danh tên VC Thanh Bình là một người sinh trưởng tại miền Bắc, xâm nhập vào Nam, hoạt động tại thị xã Huế và Nam Thừa Thiên, đã từng tổ chức móc nối được nhiều sinh viên học sinh nằm vùng và một số công chức, thương gia trong thành phố Huế... Hoạt động của chúng trên 3 lãnh vực : đặc công, kinh tài và tuyên vận. Chúng đã lợi dụng các phong trào tranh đấu đối lập với chính phủ quân nhân tại Sài Gòn đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh đạo Quốc Gia) và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ (Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương) từ 19/6/1965 trở đi. Mùa Hè 1966, khi Phong trào Tranh đấu tại miền Trung lên đến cực điểm và gần như toàn bộ chính quyền tại Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng đã ly khai ủng hộ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, chống chính quyền Trung Ương (mà họ gọi là bọn Thiệu-Kỳ-Có) thì một số sinh viên học sinh ưu tú trong Phong Trào nầy đã được cơ sở Việt Cộng đưa vào vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc và Châu Chữ, Nguyệt Biều... để dự những lớp huấn luyện về đặc công, tuyên vận và đã trở thành đảng viên Cộng Sản. Để đối phó với tình hình, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình báo Sài Gòn đã cho người ra Huế bí mật gặp một số sinh viên chống Cộng thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Cách Mạng để tìm hiểu tình hình và dự trù kế hoạch phá vỡ tổ chức đặc công, tuyên vận của Việt Cộng. Sau đó, quân đội Sài Gòn do Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy đã ra Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị dẹp tan Phong trào tranh đấu, ổn định tình hình.

Một số sinh viên, học sinh trong Phong Trào Tranh Đấu (như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Lê Hiếu Đằng,v.v...) sợ bị An Ninh Quân Đội hay Cảnh Sát VNCH bắt nên đã trốn vào vùng Việt Cộng kiểm soát (Riêng Bửu Tôn đã vào vùng Việt Cộng rồi, sau đó trốn ra và đến trình diện với chính quyền quốc gia, xin đầu thú. Sau 1973, Bửu Tôn là Chủ Tịch Hội Đồng Thị xã Huế )... Trong Tết Mậu Thân 1968, chúng đã dẫn đường cho các toán đặc công và bộ đội Cộng Sản vào thành phố Huế. Sau khi Cộng Sản bị đánh bật ra khỏi Huế, bọn nằm vùng lại theo chân Cộng quân lên núi. Nhưng cuộc truy lùng của quân đội VNCH và Đồng Minh sau Tết Mậu Thân đã làm cho bọn chúng cùng đường, nhiều đơn vị tan rã, nhiều người đã bị bắt hoặc ra đầu thú (trong số nầy có những học sinh, sinh viên đã thoát ly vào mùa Hè 1966). Bộ phận phản gián của Cảnh Sát Thừa Thiên đã móc nối, tổ chức họ trở lại cộng tác với Quốc Gia để lấy tin tức trong nội bộ Việt Cộng xâm nhập, do đó các hoạt động của chúng trong thành phố và vùng phụ cận đều bị ta theo dõi.

Khoảng cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/1971 (tôi không còn nhớ ngày nào), Cảnh Sát Quận Hương Thủy được tin tên Thiếu Tá VC có bí danh Thanh Bình là Bí Thư Thị ủy Huế và Nam Thừa Thiên đang hoạt động trong vùng ngoại ô Huế và sẽ đến điểm hẹn để gặp cơ sở của chúng tại một địa điểm thuộc thôn An Cựu Tứ Tây, xã Thủy An, quận Hương Thủy (Thừa Thiên). Trung Úy Trần Đức Anh đã chỉ huy một toán Cảnh Sát đặc biệt đi phục kích để bắt sống tên Thanh Bình. Khi anh em Cảnh Sát đặc biệt đã bố trí đâu vào đấy và chờ đợi, thì không lâu sau đó bọn chúng xuất hiện đúng như tin tức tình báo đã cho biết trước. Lập tức, toán Cảnh Sát của ta đã nổ súng và bắn chết tại chỗ người đi đầu trong đoàn. Nhưng người nầy chỉ là tên tiền sát viên chứ không phải Thanh Bình. Mặc dầu tên Thanh Bình thoát chết, nhưng y đã bị thương và đang lẫn trốn trong vùng. Cảnh Sát tiếp tục bao vây và kiểm soát chặt chẽ những địa điểm khả nghi. Đồng thời Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên lúc đó là Thiếu Tá Liên Thành đã ra lệnh bắt tất cả cơ sở nằm vùng của bọn chúng mà ta đang theo dõi (mục đích để bảo vệ người của ta đang hoạt động trong hàng ngũ địch).

Một số người của Việt Cộng bị bắt trong đó có Hồ Dự và Bôn đang ở trong chùa Trà Am (gần lăng Kinh Tế, sau lưng núi Ngự Bình). Tại Bến Ngự, Cảnh Sát đã bắt được tên Ma Văn Hai, Nguyễn Xin, Nguyễn Hải... đang ẩn núp trong một hầm bí mật có vũ khí, tiền bạc, các tài liệu tuyên truyền cho Việt Cộng như báo chí, truyền đơn.v.v... Đây là một tổ chức đặc công, kinh tài và tuyên vận đang hoạt động tại thành phố Huế. Qua điều tra, bọn nầy đã khai ra một số người có tên trong Hội đồng Tỉnh Thừa Thiên và Thị xã Huế, và một số công chức thuộc tỉnh Thừa Thiên đã từng cộng tác với chúng. Hãng làm đồ mộc của Lê Hữu Tý trước cửa Thượng Tứ và một số nhà máy cưa xẻ gỗ và máy xay gạo, các tiệm buôn trong thành phố Huế là cơ sở kinh tài của chúng.

Đồng thời, Cảnh Sát tiếp tục bao vây và kiểm soát vùng An Cựu Tứ Tây, địa điểm tổ chức cuộc phục kích tên Thiếu Tá Thanh Bình của Việt Cộng mấy hôm trước thì phát hiện có dấu hiệu khả nghi: có làn khói bay lên từ mặt đất. Toán Cảnh Sát hoạt động truy lùng đã tìm ra hầm bí mật, và đã bắc loa kêu gọi bọn chúng ra đầu hàng. Nhưng tên Thành Bình vẫn cố thủ trong hầm và đang gấp rút thủ tiêu tài liệu quan trọng. Cuối cùng Cảnh Sát đã tung lựu đạn vào miệng hầm, tên Thanh Bình bị tử thương...

Trước khi quyết định bắt tên Hồ Dự và đồng bọn Việt Cộng nằm vùng, Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên đã gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng (Lê Văn Thân) để trình nội vụ. Vì tên Hồ Dự đội lốt nhà tu ( Đại đức) nên Đại Tá Tỉnh Trưởng e ngại có sự phản ứng của phía Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên nên đã chỉ thị cho Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên phải đi gặp Thượng Tọa Thích Mật Nguyệt tại chùa Linh Quang để thông cảm trước. Nhưng nếu làm như vậy thì bọn chúng sẽ biết và sẽ tẩu thoát trước khi bị ta bắt. Do đó, Thiếu Tá Liên Thành đã cho bắt hết bọn chúng, lấy lời khai xong, sau đó mới đi trình nội vụ cho Thượng Tọa Thích Mật Nguyện biết... Khi một tu sĩ đang ở trong chùa bị bắt thì dư luận trong giới Phật tử xúc động và bàn tán xôn xao... và đã có người lên tiếng trách Đại Tá Tỉnh Trưởng đã không ngăn chận trước, để cho sự việc đáng tiếc nầy xảy ra. Đại Tá Tỉnh Trưởng liền gởi công điện cho Thiếu Tướng Trần Thanh Phong, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia tại Sài Gòn yêu cầu “khiển trách” Thiếu Tá Liên Thành và đòi trả Thiếu Tá Liên Thành về lại cho Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát và đề nghị cho một người khác lên thay. Sự việc rất gay cấn vì lúc đó đang chuẩn bị bầu cử Tổng Thống VNCH nhiệm kỳ II (1971-1975), Tỉnh Trưởng Thừa Thiên lo sợ tình hình chính trị tại địa phương sẽ bất ổn như hồi 1965, 1966 trước đây. Phủ Tổng Thống cũng muốn cho tình hình ổn định, không muốn có những chuyện rắc rối xảy ra.
Lúc đó, tôi đang là Dân Biểu Hạ Nghị Viện tại Sài Gòn, được hai người bạn là BS Lê Thuận (nghị viên Hội đồng Thị xã Huế) và Nguyễn Tâm Tú (nghị viên Hội đồng tỉnh Thừa Thiên) cho biết tin nầy; đồng thời Hội Nạn Nhân CS Tết Mậu Thân tại Thừa Thiên Huế (do Y sĩ Nguyễn Văn Duệ làm Hội trưởng) đã yêu cầu tôi với tư cách là Cố Vấn của Hội, phải lên tiếng về vụ nầy.



Ngày 11/4/1971, tôi trở về gặp bà con trong Hội Nạn Nhân Cộng Sản (có 4.000 gia đình hội viên) và đồng bào. Tôi đã đến Ty Cảnh Sát Thừa Thiên xin Thiếu Tá Liên Thành cho tôi được xem hồ sơ nội vụ như thế nào. Qua những chứng cớ mà Cảnh Sát VNCH bắt được, chính tên Thiếu Tá VC Thanh Bình đã liên lạc với Hồ Dự tất cả trên 10 lần (bằng thư từ). Người giao liên tên là Bôn là đàn em của Hồ Dự. Từ đó, Hồ Dự liên lạc trực tiếp với các cơ sở nội thành để chuyển chị thị đến cơ sở nằm vùng của chúng.

Ngày 12/4/1971, tôi đi khắp các quận trong tỉnh hỏi ý kiến đồng bào. Ai cũng đòi hỏi tôi với tư cách Dân Biểu, phải lên tiếng.

Ngày 13/4/1971, tôi dẫn đầu 20.000 người đến Tòa Hành Chánh tỉnh Thừa Thiên xin gặp Đại Tá Tỉnh Trưởng và yêu cầu ông trả lời công khai trước mặt đồng bào: Tại sao ông đề nghị bộ Tư Lệnh Cánh Sát Sài Gòn cách chức và thuyên chuyển Thiếu Tá Liên Thành đi nơi khác? Tại sao ông ra lệnh trả tự do cho những tên CS nằm vùng bị bắt (như Hồ Dự)...? Đại Tá Tỉnh Trưởng lên máy bay trực thăng đi Đà Nẵng và cho Phó Thị trưởng là ông Tôn Thất Tùng đại diện ra tiếp đồng bào để nhận nguyện vọng! Không gặp được Đại Tá Tỉnh Trưởng, tôi liền dẫn đầu đoàn biểu tình với những khẩu hiệu chống Cộng từ Tòa Hành Chánh đi qua cầu Trường Tiền, đến cửa Đông Ba, vào Thành Nội, ra cửa Thượng Tứ rồi mới giải tán. Anh em sinh viên, học sinh chống Cộng tại Huế đã đến các trường học kêu gọi học sinh bãi khóa, tham gia biểu tình. Đồng bào nông thôn cũng kéo lên. Giáo sư Lê Đình Cai (lúc đó đang là nghị viên Hội Đồng tỉnh Thừa Thiên) cũng sát cánh bên cạnh chúng tôi và rất đông đảng viên Đại Việt Cách Mạng, Việt Nam Quốc Dân Đảng,v.v. nhất là thân nhân của những nạn nhân CS trong Tết Mậu Thân 1968 tại Huế và Thừa Thiên đã tham gia cuộc biểu tình chống Cộng nầy.

Trong lúc hai bên đang căng thẳng thì có “người tay trong” trợ giúp, mở khóa bên ngoài phòng giam tại Ty Cảnh Sát cho Hồ Dự vượt ngục! Đồng thời, Thiếu Tướng Tư Lệnh CSQG gọi Thiếu Tá Liên Thành vào trình diện tại Sài Gòn. Cuối cùng, Hồ Dự không thoát ra khỏi thành phố Huế được và bị Cảnh Sát chận bắt, đem về giam trở lại. Các báo ở Sài Gòn đăng hình và bài tường thuật về cuộc biểu tình nầy.

Sau cuộc biểu tình ngày 13/4/1971 tại Huế, Tôi đã viết một văn thư gởi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ Tướng Trần Thiên Khiêm và Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm (Vùng I) và Ủy Ban Nội Vụ Hạ Nghị Viện, trình bày nội vụ (kèm theo giấy tờ chứng minh). Mấy tuần sau, Dân Biểu Hoàng Thông, Chủ Tịch Ủy Ban Nội Vụ Hạ Nghị Viện đã dẫn đầu một phái đoàn ra Huế gặp Thiếu Tá Liên Thành, Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên (lúc bấy giờ đã được Thiếu Tướng Trần Thanh Phong cho trở về Huế, tiếp tục nhiệm vụ) để nghe trình bày và trả lời các câu hỏi do Ủy Ban đưa ra, đồng thời thu thập các tài liệu như lời khai của các tội phạm (đặc biệt của Hồ Dự)...

Trong các tài liệu có cuốn sổ tay công tác của tên Thiếu Tá V.C. Thanh Bình... có liên quan đến nhiều tên tuổi trong giới thương gia tại Huế...

Năm 1972, khi Việt Cộng tấn công Quảng Trị... tất cả những tên nằm vùng mà cảnh sát đã theo dõi từ trước tới nay... đều bị bắt và bị an trí tại Côn Đảo...

Hiện nay các nhân chứng như Thiếu Tá Liên Thành, Trung Úy Trần Đức Anh, cựu Dân Biểu Hoàng Thông, cựu nghị viên Nguyễn Tâm Tú,v.v... và nhiều người khác trong ngành Cảnh Sát đặc biệt... đều còn sống tại Hoa Kỳ. Chỉ trừ BS Lê Thuận (đã qua đời tại San Diego) ông Tôn Thất Tùng (mới qua đời tại Orange County 9/2007)... Hai năm gần đây chúng tôi thấy xuất hiện một loạt hồi ký của Thiếu Tá Liên Thành trên Tập san Biệt Động Quân... Rất mong Thiếu Tá là người trong cuộc, có dịp đề cập đến vụ nầy...

Sau ngày 30/4/1975, những tên Cộng sản nằm vùng còn sống sót, từ các trại giam trở về và những tên thoát ly theo VC từ 1966, đã trở về và trả thù những người chống Cộng đã từng góp phần tiêu diệt chúng. Cá nhân tôi, 3 lần bị cùm trong nhà kỷ luật, 7 tháng bị biệt giam tại nhà giam Hỏa Lò Hà Nội... Và năm 1992, lại bị bắt lần thứ hai, bị biệt giam tại nhà giam Phan Đăng Lưu (Gia Định), 3 C Bến Bạch Đằng (Tôn Đức Thắng) Sài Gòn, trại giam Chí Hòa (Sài Gòn)... đó cũng là hình thức “trả thù” những người chống Cộng.

Nguyễn Lý-Tưởng

10/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn