BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73219)
(Xem: 62210)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cuối Năm, Về Với Đơn Vị

11 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 2769)
Cuối Năm, Về Với Đơn Vị
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương…

(Thơ Vũ Hữu Định - Phạm Duy phổ nhạc)

Tôi tin rằng, trong cánh anh em nhà binh mình, chắc chắn không có chiến hữu nào, nếu đã từng có thời đáo nhậm, đồn trú tại Pleiku, cái xứ của quanh năm nắng bụi mưa bùn nầy, mà không hề biết hay không có lần ngâm nga mấy câu hát trên, ngay cho dù chẳng phải là một ca sĩ tài tử hay…chính huấn gì hết!...

Mà Pleiku ở đâu vậy? Còn em ở đó thì ra sao đến nỗi cái ông nhà thơ vắn số VHĐ đã phải thốt lên “May mà có em đời còn dễ thương”…! Thiệt tình, nếu như bài nhạc nầy xuất hiện trước năm một ngàn chín trăm bảy mươi, nó sẽ không có cách chi thoát khỏi cái lỗ tai dễ “bắt” nhạc của tôi, để rồi bản thân tôi sẽ không quá buồn bã, u sầu khi cầm trong tay cái sự vụ lệnh trình diện đơn vị mới, Tiểu đoàn 20 Chiến tranh Chính trị vào hạ tuần Tháng Chạp Ta, ngay ngày đưa ông táo; chính xác là tuần lễ cuối của năm đó. Và nếu cái anh chàng nhà thơ đó, khi “Mai xa lắc trên đồn biên giới”, ít có dịp về thăm qua phố bụi bùn mà đã thấy “đời còn dễ thương” (hay Em dễ thương?) thì tôi, dù gì cũng là một tay đàn quọt quẹt chút đỉnh, biết ca hát om xòm, đồng thời sáng tác hay tối tác nhạc gì cũng được, chả lẽ không nhìn thấy các em gái trên cao nguyên đó…dễ thương hết sức hay sao?!...Xin thưa, “Em Pleiku”, với tôi, còn dễ mến, dễ thương và đáng yêu không biết chừng nào!!..Tưởng chừng như, nếu không có Mùa Hè Đỏ Lửa 72, thời thân tôi, khó lòng mà tránh khỏi chuyện : “Pleiku đi dễ khó về. Trai (lính) đi thời có…vợ!”...Mà gái về thì…có… ít khi lắm!!. Con gái thời kỳ đó, ở những miền xuôi khác, có em nào khơi khơi mà mò lên thành phố lính Pleiku làm gì. Trừ khi muốn…”Tìm chồng giữa chốn ba quân”!

Nhưng đó là chuyện của những tháng ngày về sau trong một đề tài khác, khi tôi đã trở thành một khách…quen, vừa đi lên đi xuống hà rằm, lại thêm đi lòng vòng, trăm lần nghìn lượt trong suốt hơn hai năm rưỡi trời ở đây mà không… lãng phí một ngày nào dù đó là ngày đang có lệnh cấm trại!…

…Tự hỏi cũng chỉ làm bộ hỏi chớ thú thiệt, nhờ có thói quen và thú vui đọc nhựt trình hằng ngày, kể từ tuổi thiếu niên, nên trong đầu tôi cũng có ít nhiều lơ mơ mường tượng về cái địa danh mình sắp tới để trình diện đơn vị mới sau những ngày tháng miệt mài rèn luyện nơi hai quân trường Quang Trung , Thủ Đức; rồi thì là ở trung tâm huấn luyện cán bộ Chiến Tranh Chính Trị Lam Sơn trong vòng thành trại Lê Văn Duyệt.

Pleiku. Đó là một tỉnh thuộc cao nguyên Trung phần. Đồng thời, cũng là tên gọi một thành phố mà vẻ ngoài chỉ như một thị xã nhỏ, thủ phủ của Quân Đoàn II & Quân Khu 2. Đây là thành phố của lính. Là nơi có thắng cảnh Biển Hồ khá mênh mông, hùng vĩ vào bậc nhất miền Nam VN. Là nơi có ngọn đèo nổi tiếng An Khê, về mạn đông nam thành phố trên quốc lộ 19 xuôi xuống Qui Nhơn, bởi một trận phục kích long trời lở đất của Việt minh choảng nhau với lính Tây thời đất nước còn thuộc Pháp. Sống còn trong trận chiến đẫm máu nầy đã khiến một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết feuilleton của nhật báo thời trước đã lấy địa danh An Khê làm bút hiệu…

Khi cầm tờ sự vụ lệnh trình diệnTiểu Đoàn 20 CTCT trên Pleiku từ Tổng Cục CTCT tại Sài Gòn, tôi rầu rĩ như lính thú ngày xưa sắp phải từ giã vợ con đi trấn thủ lưu đồn, với“ngày thời canh điếm tối dồn việc quan. Chém tre đẵn gỗ trên ngàn…”. Chuyện nầy thời không có đâu! Vì dù sao tôi cũng là sĩ quan CTCT chớ bộ! Còn thì, vợ con chưa có nên trong ruột chỉ sầu não vì sẽ phải xa gia đình, xa bè bạn báo chí văn nghệ văn gừng mà thôi. Và cuối cùng là xa Gia Định , Sài Gòn. Nơi chôn nhau cắt rún mà tới thời điểm đó, tôi chưa hề từng bị xa bao giờ. Nhứt là cận kề những ngày thiêng liêng, Tết dân tộc sắp tới. Tuy nhiên, dù bịn rịn với một em gái Trưng Vương sắp trở thành là em hậu phương cách mấy, tôi cũng không dám nấn ná trễ hạn kỳ ghi rõ ràng trong sự vụ lệnh, đúng nhằm ngày thứ bảy. Là tân sĩ quan, tôi phải thi hành nghiêm chỉnh pháp lệnh nhà binh. Biết vậy nên tôi đã đi mua vé máy bay trước cả tuần. Hàng không Việt Nam, tất nhiên. Chuyện nầy tôi chơi sang. Thay vì mang sự vụ lệnh ghi danh, đi máy bay quân sự, tại văn phòng chuyển vận trung ương nơi đầu đường Trần Quốc Toản cũ; do sẵn mới lãnh lương…lính nên tôi…tính liền! Trình diện đơn vị đáo nhậm bằng máy bay dân sự cho thoải mái.

…Đó là một ngày quá trưa Thứ bảy, gần cuối năm. Đường phố Sài Gòn tấp nập xe cộ lẫn dòng người chen chúc đi lại. Tất cả hầu như vẫn điềm nhiên, vui vẻ đi mua sắm chuẩn bị cho những ngày Tết đang đến gần dù đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh, khi tôi khăn gói tới phi trường Tân Sơn Nhứt. Với tôi, đó là lần đầu tiên trong đời đi bằng phi cơ. Tuy có một chút gì đó lo lắng vu vơ, nhưng cảm giác nầy chìm xuống hoàn toàn bởi một niềm xao xuyến , xốn xang không đâu, trào dâng phủ trùm tâm hồn tôi khi máy bay cất cánh. Tối cố nhắm mắt, ngăn không cho mình nhìn xuống thành phố thân yêu, nơi ôm ấp tôi suốt hơn hai mươi năm đầu đời với biết bao tình thân kỷ niệm, qua khung kiếng tròn sát bên ghế ngồi, dù với tâm trạng luyến lưu, giã từ lần chót…

Suốt gần hai giờ bay của chiếc DC 4, tôi hoàn toàn chìm trong cơn trầm tư mông lung, không ngủ được nhưng vẫn cố nhắm mắt. Cho đến khi có tiếng của cô tiếp viên, qua loa phóng thanh, vực tôi bừng mắt. Cảm giác tai ù khi máy bay đang hạ dần cao độ. Tôi làm theo cho giống ông già đồng hành bên cạnh, thắt dây an toàn. Qua vòng tròn kính, nhìn lên là lớp lớp những dãy mây mù xám đục. Còn ngó xuống, tôi thấy cả một màu xanh ngắt của cây rừng xen lẫn với những khoảng đồi trơ màu đất đỏ cùng những lùm cây thâm thấp. Thấp thoáng trong tầm mắt là một vài khu nhà sàn biệt lập, trơ trọi trên những ngọn đồi thưa cây cỏ. Ý chừng là các buôn người Thượng. Khi tôi trông rõ dần cả một rừng nhà cửa nhấp nhô trên một vùng đồi khá lớn, tương bối bằng phẳng, cùng mấy con đường có cây xanh đứng lặng im hai bên lề thì cũng là lúc thấy được đường băng của phi trường trước mắt khi nhìn xeo xéo mặt tròn cửa sổ. Vài hôm sau tôi mới biết đó là phi trường Cù Hanh, sân bay duy nhứt của Pleiku, dùng cho quân sự lẫn dân sự.

Pleiku đây rồi! Quê hương thứ nhứt trong đời lính của tôi đây rồi!

Pleiku


Cảm giác đầu tiên khi rời cửa máy bay bước xuống sân phi trường là một cảm giác khó quên với tôi. Lạnh tái lạnh tê. Lại thêm từng luồng gió đông vù vù quất vào mặt buốt giá, tưởng chừng có thể cắt được da mặt ra. Thật sự, trước khi đi tôi đã nghe nói Pleiku lạnh lắm. Hơn mùa đông Sài Gòn nhiều. Cả Đà Lạt nữa! Nhưng không dè nó ác liệt như vầy. Đã vậy, khi đi tôi ra vẻ lịch sự, nho nhã. Như công chức. Mặc phong phanh quần áo dân sự. Lại không cả khoác áo ấm…Hậu quả là quai hàm tôi đánh bò cạp không sao kềm được. Tôi run rẩy chui thật mau lên chiếc xe đưa rước khách về trạm của hãng máy bay. Không gian đã ngã màu chiều. Mặt trời cao nguyên thấp xuống vội vã. Cơn lạnh theo lên xe tấn công vào hai buồng phổi làm tôi húng hắng ho. Nhưng hình như cũng có một vài khách khác trên xe cũng bật ho khan như tôi. Điệu nầy thì tệ hại thiệt. Chưa trình diện, chưa công tác ngày nào cho đơn vị mà đã muốn nhuốm bệnh thì còn gì là thân ”Cà Tong Cà Teo” như “Con Tôm Con Tép” để “cố gắng” đây?!...

Xe chạy. Tôi bần thần nhìn về phía tay phải. Trên một ngọn đồi rộng lớn, phẳng phiu, hùng dũng một tòa nhà lớn hai từng với bề ngang kéo dài cả trăm mét và quanh nó, bên hông và sau lưng, còn có nhiều dãy nhà xây, nhà tiền chế khác mà qua dò hỏi trước, tôi biết chắc chắn đó là doanh trại Bộ Tư Lệnh Quân đoàn II cùng các đơn vị nhỏ phụ thuộc, nơi tôi sẽ trình diện.

Nhìn thấy hình dáng bề thế của doanh trại mà mình sẽ được đồn trú trong đó nay mai, dù xa gần nửa cây số, tự dưng tôi lên tinh thần, tỉnh rụi. Cơn lạnh quên mất.Và mấy tràng ho cũng qua đi. Dù gì trong người cũng có tiêm đầy đủ thuốc chủng TAB hồi mới vào Quang Trung rồi. Đâu dễ gì bệnh hoạn dữ vậy!

À á!... Nói đến cái vụ chích ngừa TAB, tôi xin lạc đề ít dòng một chút ở đây. Một số các tân binh bạn, sau khi chích, bỗng nghe “hôi cơm tanh cá”, khai bệnh ăn cháo, bỏ cơm liền trong một hai ngày vì các bạn nầy cảm thấy khó chịu, se se người vì “thuốc chạy” (?).Không nhớ kinh nghiệm ai chỉ bảo hay đọc thấy ở đâu, ngay khi vừa chích xong, tôi chạy vòng vòng trong sân trại cả chục vòng. Sau đó lại hít đất liên tục đến khi không còn hít nổi. Nhác thấy khoảng sân trước phòng chích có chiếc xà đơn tập thể dục, tôi phóng lên chụp xà rồi gồng tay hít như điên. Hai bắp chuột tay căng nhức, lỗ mủi thở phì phò như trâu, còn mồ hôi thì tươm ra nhễ nhại. Mấy bạn tân binh khác nhìn ngó, lấy làm lạ, tưởng tôi khùng điên hay “mát dây”, cười. Dĩ nhiên tôi đâu có mà khùng! Vì kết quả đã trả lời nhãn tiền sau đó. Mấy ngày kế tiếp tôi khoẻ như văm. Không chê cơm cá mối dưa leo, khai bệnh ăn cháo gì cả! Mà còn thao trường đổ thêm nhiều mồ hôi tập dượt hơn là đằng khác….

Đường Trịnh Minh Thế - Pleiku


…Chỉ hơn mười lăm phút sau chiếc xe ca đưa khách đã vào tới thành phố bằng một con đường gần như độc đạo vì chỉ thấy có một hai lối rẽ mà thôi. Con đường nầy, chỉ ngày sau sau tôi biết đó là đường Lê Lợi, có một nhánh rẽ chữ Y ngay cửa ngõ thành phố là đường Trịnh Minh Thế, chạy thẳng vào trung tâm thị xã. Với hai hàng cây dương, cây thông chi đó,che bóng mát quanh năm cho những tà áo trắng trong của nữ sinh trường trung học Pleime trên đường tan học về hằng ngày, mà chỉ thời gian ngắn sau, đã làm cho chàng sĩ quan trẻ là tôi nhiều phen lâng lâng tâm hồn, chôn chân ven đường để nhìn ngắm.

Xe đánh một vòng cua bồn binh nhỏ giữa thị xã rồi dừng hẵn lại trước một dãy phố thương mãi trên con đường Hoàng Diệu, trục lộ xương sống của Pleiku. Sau nầy, có lần tôi nghe một bạn nhà binh nào đó cao hứng xướng lên câu thiệu:” Đường nào dài bằng đường Hoàng Diệu. Gái nào điệu cho bằng gái Pleiku!”. Thiệt sai lệch hết sức. Có lẽ để cho câu nói được bắt vần với nhau mà thôi chứ chính xác, theo tôi, con gái Pleiku nề nếp, hiền lành và hầu hết rất giỏi giang. Bởi đa số là con cái của cánh nhà binh thâm niên phe ta. Số khác là con cái của các di dân từ miền Trung vào, từ vài tỉnh duyên hải lên.

Trạm hàng không chỉ là một căn phố nhỏ, thiết kế sơ sài, nhếch nhác như gương mặt chung của thị xã, đối diện với tòa nhà khách sạn có tên Hoàng Liên. Ngay bên hông khách sạn nầy, hướng ra chỗ bồn binh, tôi thấy có một rạp chiếu bóng mang tên Diệp Kính. Nơi mà sau nầy, cùng với rạp Thanh Bình trên đường Hoàng Diệu và rạp Diên Hồng trên khu Chợ mới, tôi là khán giả thường xuyên hằng tuần, bất kể phim gì.

Nhận hành trang từ quầy giao trả hành lý xong, tôi khệ nệ xách ra hè đường phố. Chỉ là một ba lô nhà binh gồm một ít thứ cần thiết mà tôi đã liệt kê tỉ mỉ trước khi dồn vào và một bao xách “ma-rin” hải quân căng đầy tư trang quần áo, vớ giày, mùng mền, sách vở bên trong. Tôi lớ ngớ, lóng ngóng quan sát đường phố, thầm lo không biết có phương tiện nào để đi ngược về trại Quân Đoàn hầu trình diện cho kịp trước trời tối hay không. Dù vậy, tôi cũng có chút an tâm khi thấy trước mặt mình tấp nập người qua kẻ lại, nhứt là phe ta trong quân phục dập dìu. Vẻ mặt hầu hết đều có vẻ…nhàn nhã như những khách rong chơi, bát phố. Nơi tôi đang đứng đúng là trung tâm thành phố. Cạnh bùng binh, chênh chếch và đối diện rạp hát là một ngôi nhà thờ trông có vẻ cổ kính nằm bên trong một khoảng đất rộng cùng một khu phố thương mãi tứ giác, đủ loại cửa hàng buôn bán đồ tiêu dùng lẫn ăn uống. Cả vùng phố nầy, nhìn kỹ, đúng là không lớn hơn…một chiếc khăn tay! Chính vì vậy mà chàng thi sĩ Biệt động quân của nhà binh chúng ta mới phóng bút thành thơ “Đi dăm phút đã về chốn cũ”!...

Tôi chợt nhớ, chiều nay thứ bảy cuối tuần, lại là tuần lễ cuối năm, tất nhiên anh em lính tráng mình cũng phải có những thời khắc thong dong vui vẻ chớ nếu không phải bị cấm trại hay có lịch trực, gác nầy nọ. Nên phố xá thật ồn ào, đông đảo người qua kẻ lại mua sắm thì cũng bình thường thôi. Đặc biệt tôi thấy họ bu quanh nhiều ở mấy chỗ bán quần áo, giày vớ, đồ tiêu dùng lỉnh kỉnh được người bán bầy biện trên những sạp gỗ đặt dọc theo lề đường, trước những nhà phố cửa hàng. Trông thiệt bát nháo nhưng cũng vui mắt.

Có một vài bạn lính đi ngang nhìn ngó tôi với chút ngạc nhiên như muốn chia sẻ điều gì đó. Có lẽ họ đoán hoặc nhận ra tôi là “em mới”, mới từ đâu xa xôi tới để trình diện đơn vị nào đó tại đây qua hành trang tôi mang theo. Đúng là lính mới tò te rồi, không trật vào đâu được. Chắc bụng họ nghĩ vậy. Tôi thừa cơ níu ngay một “khách lạ đi lên đi xuống” trạc tuổi tôi, hỏi:” Đường lên Quân Đoàn có xe nào chạy không, anh bạn? Tôi mới tới đây”. Tuy bất ngờ nhưng anh bạn lính hiểu ngay tình thế, vui vẻ: “Có có. Anh băng qua bên kia đường. Chờ xe lam đi Biển Hồ. Nó sẽ tới ngay. Coi chừng hụt chuyến chót. Sắp tối rồi đấy”.

Tôi vội vã bê hành trang băng qua đường, quên ngay cả lời cám ơn. Thời may, đúng như anh bạn chỉ dẫn. Chưa đầy năm phút sau có một chiếc xe lam chạy tới. Tôi đưa tay ngoắc lia lịa. Cũng lại may, xe còn độc một chỗ, đủ trống cho tôi dồn bao hành trang. Phần tôi phải ngồi ké phía trước, bên tài xế. Tôi nói liền, không đợi tài xế hỏi: ” Tôi trình diện đơn vị ở Quân Đoàn. Tiền xe, tính luôn chỗ hành lý cũng được.”. Bác tài rồ ga, tỏ vẻ thông cảm, không nói gì, chỉ cười.

Chiếc xe lam rời khỏi thị xã hướng lên lộ trình đi Biển Hồ mà khoảng nửa đường, có thành Pleime, nơi tôi sẽ xuống. Tới lúc đó tôi mới thấy cảm giác lạnh lùa tới, giống như lúc vừa xuống máy bay, buốt cả mặt, tê cả hai bàn tay. Có lẽ vì xe vừa chạy ra khoảng lộ trống mênh mông, không có nhà cửa chi hai bên đường. Gió ù ù hú hai bên lỗtai. Mắt tôi hấp him nhưng vẫn còn nhận thấy những tia nắng mặt trời yếu dần phía bên trái của tài xế, về phía trời tây. Xe chậm dần lại rồi ngừng hẵn, bỏ cách khoảng, dưới cổng thành Pleime độ năm mươi mét. Tài xế nói:” Chịu khó nghe em. Dừng xa cho an toàn”. Tôi xuống xe, hỏi giá, móc tiền trả. Bác tài chỉ lấy phần tôi, không tính bao hành lý. Tôi nhớ tôi có nói cám ơn. Xong, khệ nệ vác bao hành trang chậm rãi tiến về phía cổng. Một lính quân cảnh, từ chiếc cổng phụ nhỏ, bước ra, ra dấu tôi đứng lại. Tôi biết mình phải làm gì. Vội vàng buông bao hành trang xuống đất, móc lẹ chiếc ví, lôi tờ sự vự lệnh ra trình tay quân cảnh, đồng thời miệng nói vài thông tin cần thiết; luôn tiện hỏi vị trí trại của đơn vị mình. Anh ta vui vẻ chỉ dẫn tôi và nói thêm:”Xa đó nghe, chuẩn úy!”.

Xa thì xa. Dù sao cũng đã tới rồi! Tôi nghĩ bụng vậy. Trước mặt tôi là toà nhà của BộTư Lệnh Quân Đoàn I I sừng sững, uy nghi trong tia nắng muộn cuối cùng của buổi chiều đang nghiêng dần xuống trên ngọn đồi dốc thoai thoải. Tôi cặm cụi rảo bước. Đôi chân lính mới rời quân trường mà. Năm ba trăm mét hay nửa cây số thì nhầm nhò gì! Lúc đó trời lại nổi gió. Lạnh ớn! Nhưng lạnh thì lạnh. Lòng tôi vẫn cảm thấy ấm dần trong một tâm trạng vừa có chút hồi hộp lẫn phấn chấn khó tả. Một thoáng thời gian rất ngắn nữa thôi, tôi sẽ về tới với đơn vị, sẽ được gặp những anh em chiến hữu cùng đơn vị, hoạt động cùng ngành với mình…Còn niềm hãnh diện và phấn khởi nào hơn dù chưa biết công việc cụ thể mà mình sẽ đảm nhận sau ngày trình diện đơn vị là phần việc gì, công tác ra sao…?

Trong khoảnh khắc của buổi hoàng hôn, thời điểm cuối năm ngày ấy, trong vòng thành Pleime, thủ phủ của Quân Đoàn I I & Quân Khu 2 kiên cố, an toàn nầy, có một chàng sĩ quan chuẩn úy trẻ mới ra trường, với ba lô trên lưng cùng hành trang nặng trĩu bên vai, mạnh mẽ, bươn bả tiến bước về phía cổng trại đơn vị Tiểu đoàn 20 Chiến tranh Chính trị của mình trong tâm trạng vui tươi, bằng lòng tin vững chắc vào lý tưởng của ngành mình sẽ phục vụ, nói riêng; và niềm tin tất thắng sau cùng của chính thể VNCH, nói chung. Chàng sĩ quan trẻ đó, quý độc giả tất biết rồi. Là tôi đây. Hay là một bạn đồng ngũ, một Chiến hữu nào đó, cũng đúng thôi. Chúng ta là những quân nhân của Quân Lực VNCH. Chúng ta đã phục vụ trong quân đội toàn thời gian. Khi chưa vào quân ngũ, bất cứ khi nào rời gia đình để đi đến nơi nào đó, hết thảy đều nghĩ rằng: mình ĐI. Còn về, thì chỉ là VỀ với gia đình.

Nhưng, từ buổi chiều cuối năm ấy, tâm ý tôi hoàn toàn đổi khác rồi! Đi trình diện đơn vị mới, xa lắc xa lơ Sài Gòn, tôi lại nghĩ mình như đang Về Với Đơn Vị. Tâm trạng chẳng khác nào như đang Về Với Gia Đình vậy! Một Đại Gia Đình!!

Trong các Chiến Hữu, nếu cùng trải qua tâm cảnh nầy một ngày xa xưa nào đó, có ai có cùng cảm nghĩ như tôi không?...

Hồ Hoàng Hạ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn