Diên Sanh QT tháng 12/1973
Ngày mãn khóa chọn đơn vị, không hiểu sao tôi lại chọn ngay Quảng Trị mà về, trong khi cả gia đình đã tản cư vào tận Mỹ Tho. Chỉ hai năm phục vụ, mất hơn 5 năm rưỡi tù cải tạo. Đôi dép Bình Trị Thiên lết từ Ái Tử ra Thanh Hóa vào lại Huế mới được về nhà. Giờ nghĩ lại cũng là cái số, cũng có thể do sự lòng thuơng nhớ quê huơng vừa bỏ đi nay tôi nóng lòng muốn trở lui thăm lại dù chỉ còn là đống gạch vụn vào thời điểm bấy giờ, tức cuối năm 1973.
Trên đường ra đơn vị, tôi không quên ghé Đà Nẵng thăm bà con đang còn tạm cư tại đó vừa lúc Đà Nẵng đón Giáng sinh 1973. Thời gian này lại là khi lưu dân Quảng Trị thêm một lần chia tay. Bao nhiêu là lưu luyến rộn ràng, chuyện xe cộ, chuyện đồ đạc và sau hết là chuyện đau lòng cho những tấm lòng người Quảng Trị phải "rứt ruột" ra đi vì không còn đất sống.
Gần hai năm tạm cư tại Đà Nẵng, không có của đâu để người ta nuôi mãi? Thế là phải đi, phải chia tay, một nửa vào Bình Tuy theo chương trình Khẩn Hoang Lập Ấp, một nửa hồi cư về lại quê hương. Người đi kẻ về, tất cả đều sắp sửa đương đầu với một tương lai bấp bênh phía trước, trong khi chiến sự chưa yên, chưa có hòa bình thực sự.
Nấn ná ở Đà Nẵng chơi vài ngày. Tôi qua Hòa Khánh thăm Nguyễn Văn Bốn, hắn ra trường trước tôi chọn "rằn ri" tức là Biệt Động Quân làm binh chủng giờ hắn liên đoàn 15 vùng Tây nam Huế. Hòa Khánh chắc người di cư QT khó quên; những quán cà phê thấp lè tè một bên con đường của căn cứ nhà binh cũ, cái chợ lợp lá cũng tạm bợ 'lỏng chỏng' ba cái sạp tre. Con người ăn ở chen chúc nhau trong mấy cái nhà tiền chế của trại lính bỏ lại cho dân lánh nạn. Người QT không biết đi đâu, về đâu? những tâm hồn lững lơ, những lứa thanh niên không biết đâu là tương lai sự nghiệp? Lứa của chúng tôi, thì đã chọn rồi, đó là Nghiệp Lính con đường phải đi cùng với quê huơng ngập tràn khói lửa. Tôi lại qua Non Nước, phi trường này cũng bỏ phế và cũng là chổ tạm dung thân cho người Quảng Trị nhưng có liên hệ đến công chức và quân đội. Những đợt kiểm tra người, những lần hành quân kiểm soát, sự chạy đôn chạy đáo của những gia đình khai thêm hồ sơ để kiếm thơm mớ gạo, vài ổ bánh mì phát phụ ban chiều thấy cũng thảm hại làm sao. Ôi một quê huơng ngoài kia, bao sự nghiệp nát tan theo Mùa Hè Đỏ Lửa để vào đây kiếm năm ba ổ bánh mì "đổi lấy tương lai"; một sự đổi chác không ai muốn mà phải chấp nhận đắng cay làm sao? Nghĩ lại phận mình, tôi cũng chua chát nhận ra các bạn và tôi sự nghiệp học hành giữa đường 'đứt gánh bút nghiên' không ai muốn mà phải khoác vào. Ngày về lại quê huơng, chỉ sau hơn một năm trời, đầu tóc húi cao, áo quần trận màu xanh ô liu, nước da sạm nắng quân trường, tự mình thấy lạ cho mình trong niềm vui tái ngộ với bà con cô bác. Tất cả đều còn may mắn hơn bà con ta đã bỏ xác lại bên Đoạn Cầu Dài, những cái chết oan khiên, giờ hồn họ vất vưởng tận nơi đâu?
Nấn ná Hòa Khánh, Non Nước... đến khi tôi ra trình diện Tiểu Khu Quảng Trị tại Diên Sanh thì tôi thật sự đã trễ phép gần cả tuần. Nhưng nhờ thế, tôi có dịp thăm lại Diên Sanh nơi Khu Thị Tứ Quảng Trị xây dựng trên cồn cát Diên sanh đối diện với Tiểu Khu. Tiếng là Khu Thị Tứ, nhưng là một vùng đất khô khan nghèo nàn. Những dãy nhà tôn sát cạnh nhau, không có lối sống như xưa nữa. Người dân ăn theo đồng lương lính, ngoài ra chẳng còn gì. Hết trợ cấp 6 tháng, ba bữa ăn tiết giảm còn lại 2 cũng còn chật vật. Hồi Cư tiếng là vậy nhưng hết 6 tháng trợ cấp, chuyện mưu sinh trên một vùng đất trắng đang trở thành một "thảm nạn" cho bà con trước đây là dân "thành phố"; lại một sự "đổi đời" đắng cay cho những người về trước.
QUA CỔNG TRƯỜNG XƯA!
Tôi theo chiếc xe GMC tiếp tế ra trình diện tiểu đoàn cũng như sẽ về đại đội đang đóng quân ở cầu Ba Bến. Chiếc GMC ra đến xa lộ Đại Hàn thì quẹo phải hướng về thành phố Quảng Trị. Khó diễn tả nỗi xúc động trong lòng tôi lúc đó, nó cứ dâng mãi không thôi. Mới hơn một năm giã từ Quảng Trị trong cơn loạn lạc của chiến chinh, giờ thì tôi trở về trong quê hương với màu áo lính. Màu áo trắng vĩnh viễn không còn nữa nó đã bay xa và cuốn theo bao nhiêu mộng ước của tuổi học trò. Thực tại hôm nay chỉ là cảm giác nôn nao bỡ ngỡ của một anh lính trẻ ngày đầu về đơn vị mới.
... Chiếc xe đơn vị ì ạch qua dấu vết cũ của ‘bót’ Long Hưng, lắc lư chạy theo con đường Lê Huấn hoang phế hướng về Cổ Thành, rồi nó quẹo phải… Nguyễn Hoàng đây chăng? Trường cũ của tôi trước mắt chỉ là một đống gạch đá đổ nát hoang tàn. Tôi thật bàng hoàng vì cảnh tan nát của mái trường thân yêu vượt xa sức tưởng tượng của tôi. Ôi chiến tranh chỉ là tàn phá và hận thù. Tôi cố tìm lại vị trí của cái cổng trường nhưng giờ đây chỉ còn lại mấy lõi sắt cong queo. Chiến tranh đã xô đẩy biết bao nhiêu đứa học sinh Nguyễn Hoàng trôi dạt khắp mọi nẽo đường đất nước. Tôi trở về, bơ vơ bên ngôi trường thân yêu đã chết, cạnh một thành phố tan nát, đìu hiu lau lách. Tất cả đứng chịu tang trong cơn lạnh mùa đông nơi miền Giới Tuyến Địa Đầu.
Quá khứ thoáng qua mau như gió thoảng, 1972-1973 - chỉ một năm mà 'vật đổi sao dời' sao như huyền thoại? Xưa bà Huyện Thanh Quan từng khóc cho cảnh đổi thay của thời bà mà thuơng cho "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo"; chỉ ngần ấy thôi, đủ làm bà đau xót, thuơng cảm.
Nhưng hôm nay nỗi đau nói mấy cho vừa? gấp bao lần người xưa! Mẹ gánh con mệt đứt hơi qua làn bay đạn pháo, ông ôm xác cháu huớng về nam sao còn cứu được mạng bé thơ? Đoạn Cầu Dài còn khắc ghi máu lệ, làm sao nhạt nhòa được khi chỉ với một năm?
Tiếng xôn xao vào cổng như vẳng lại bên tai tôi. Hình ảnh hai cái cổng phụ đang bị ông phu trường lạnh lùng đóng lại cho "những cậu những cô" tới trễ. Rồi những khuôn mặt ngơ ngác, ân hận hay âu lo của những "tiểu thư" áo trắng còn đó và những quyết định 'vượt rào' của mấy 'cậu nam sinh', những hình ảnh tưởng chừng như hôm qua thôi! Thế mà giờ đây trước mặt tôi là sự hụt hẫng, những cảm xúc buồn bã nhớ nhung, một người đang háo hức về lại chốn xưa bị dội lại từ một thực tế quá phũ phàng
DÒNG SÔNG QUÊ TÔI
Đến cầu Ba Bến chiếc cầu sắt nhỏ bắc qua con sông Vĩnh Định, chiếc GMC chạy thẳng vào sân Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn, tôi vội nhảy xuống xe lo ‘gôn’ quần, xắn tay áo cho đúng quy cách. Tôi cố gắng chuẩn bị tư thế nhà bình thật nghiêm chỉnh trước khi vào trình diện tiểu đoàn trưởng. Thật sự tôi đã trễ phép gần 2 tuần lễ, biết ăn nói sao với tiểu đoàn trưởng đây? hay là mình lấy lý do gia đình ở tận Mỹ Tho tỉnh Đình Tường, tôi còn phải thăm bà con chiến nạn đang tạm cư ở Đà Nẵng nữa. Tôi hy vọng mấy lý do này cũng tạm ổn.
Tôi đứng nghiêm chào, xưng tên họ, số quân, cấp bậc... bên ngoài tôi cố gắng làm ra dáng bình tĩnh nhưng trong bụng tôi thực sự run run. Tiểu đoàn trưởng trợn mắt gằn giọng hỏi lý do trễ phép, ông to giọng phê phán vấn đề vô kỷ luật của tôi, hơn nữa tôi là một sĩ quan trẻ mới ra trường.
Tội nghiệp cho tôi, ấp úng trình bày lý do trễ phép mong tiểu đoàn trưởng ‘thông cảm’. Hình như Tiểu đoàn trưởng thấy vẽ mặt ‘búng ra sữa’ của tôi ông cũng thấy ‘tội nghiệp’, dịu giọng ông cho phép tôi ra ngoài chuẩn bị qua trình diện đại đội trưởng Lê Kim Chung [1] anh người gốc làng Bích Khê, đại đội anh đang đóng bên kia múi cầu Ba Bến canh Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn.
Ra đứng tần ngần ở sân tiểu đoàn, cũng may tôi gặp anh Trần Quang Hiền, trưởng ban 3 tiểu đoàn. [2] Anh Hiền coi bộ biết thương khóa đàn em mời ra trường như tôi. Thật đúng với cái tên Hiền, anh hiền lành vui vẻ, mới gặp anh lần đầu mà tôi đã thấy gần gũi vững lòng lại sau một phen bị tiểu đoàn trưởng "quạt một trận".
Chia tay anh Hiền, tôi lại mang ba lô súng đạn đi bộ qua lai cầu Ba Bến chiếc cầu mà mấy mùa vắng bóng dân đi. Bên kia ngã ba sông là thôn Nại Cửu, làng ngoại tôi, nghe văng vẳng tiếng kẻng liên hồi kêu dân đi ‘sản xuất’ của phía 'bên kia'. Ngang giữa cầu trời vẫn mưa, những cơn mưa phùn dai dẳng ngày này qua ngày khác. Đối với dân Quảng Trị như tôi thì chẳng lạ gì với cảm giác mưa lạnh mùa đông nhưng sao hôm nay tôi thấy cảm giác nao nao buồn buồn của một người đã hết phép và phải về đơn vị mới và hình như tôi có một cảm giác nhớ gia đình ba mạ các em tôi đang ở xa tít trong Nam.
Tôi dừng lại giữa cầu lặng ngắm nhánh sông đào Vĩnh Định. Con sông vắng vẻ in bóng tre, đôi bờ đìu hiu không một con đò. Dân chưa về hồi cư để cùng nhau xây lại nếp sống thanh bình với đồng lúa xanh cùng bóng mục đồng, hình ảnh ngày xưa tôi thường thấy mỗi lần về thăm quê ngoại Nại Cửu.
VỀ ĐƠN VỊ đại úy LÊ KIM CHUNG
Sau khi trình diện đại đội trưởng Lê kim Chung, tôi được nằm chờ tạm ở một căn hầm nằm sát bờ sông để chờ ngày ra giữ trung đội. Đại đội 2 đóng phía bên này sông có nhiệm vụ bảo vệ cho Tiểu đoàn nên tương đối nhàn hạ hơn mấy đại đội khác. Đại đội trưởng Lê Kim Chung tính trầm lặng - hình như anh cũng thông cảm khóa đàn em có lẽ những cảm giác bỡ ngỡ đó cũng giống anh những ngày đầu khi anh mới ra đơn vị. Ngoài trời vẫn mưa, những cơn mưa phùn dai dẳng lê thê tưởng như bất tận. Ánh sáng nhạt nhòa của mấy cục pin xài lại từ máy truyền tin trong hầm trú ẩn là cơ ngơi cho tôi ngày đầu tiên về đơn vị mới. Tôi may mắn được nằm trên một tấm ván ép Mỹ cũ kỹ, có lẽ do lính đại đội lên tận Cổ thành đào kiếm đem về đây.
Lính xa nhà, thú vui giữa các sĩ quan đại đội là bộ cờ quân đã cũ. Cái nền nhà và vài vách tường còn sót lại của ban chỉ huy đại đội là cơ ngơi cho tất cả mọi người ở đây. Bộ cờ quân là thú vui duy nhất cho anh Chung và mấy sĩ quan khác. Chiều mưa trung úy Ba, đại đội phó, dạo khúc đàn với bản nhạc "Donna Donna" tự nhiên lòng tôi lâng lâng xao xuyến.
Chẳng màng đến cởi giày, tôi nằm thừ trên miếng ván kê gần sát mặt đất nên tôi ngửi được cả mùi ẩm thấp và ướt át trong căn hầm. Ngày ra trường tôi tự nguyện chọn về đây kia mà! Tôi đã chọn quê hương Quảng Trị vì tôi nhớ nó, vì tôi còn thương cả một vùng trời đầy ắp kỷ niệm. Tôi cố gắng lấy lại giấc ngủ sau một hành trình đầy lo lắng và cảm xúc. Trong cơn lim dim, tôi mơ màng thấy những khuôn mặt bạn bè năm xưa, mái trường Nguyễn Hoàng còn nguyên vẹn, những tà áo trắng xôn xao trước cổng trường cũng còn y nguyên. Mơ hồ trong giấc ngủ mệt mõi, tôi nghe phảng phất một âm thanh nào đó của chợ Quảng Trị ngày giáp Tết... tiếng máy cắt cẩm lệ, những sạp bán mứt, những gánh cải cay cuối năm hoa hoa lốm đốm vàng.
Tôi chợt mở mắt nhìn qua khe hở của căn hầm - mùa đông chiều xuống thật mau. Tôi nghe đâu đây, hình như dưới chân cầu Ba Bến có tiếng con chim bói cá kêu từng hồi buồn não ruột, trên mặt sông Vĩnh định màn mưa phùn theo gió lướt thướt bay./
ĐINH HOA LƯ
Ghi chú:
[1] đại úy Lê Kim Chung người làng Bích Khê Triệu Phong, có vợ tên là Phước đã mất chiều 23 tháng 3 năm 1975 tại làng Lương Mai Phong Điền, người sĩ quan duy nhất mất trong ngày tàn cuộc chiến của đơn vị tôi.
[2] đại úy Trương Quang Hiền còn sống ở Georgia Hoa Kỳ.
Gửi ý kiến của bạn