BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73245)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

KBC 3303

05 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 2933)
KBC 3303
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
(Để tưởng niệm anh linh các sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên Giang Đoàn 25 Xung Phong đã vì nước hy sinh trên khắp các chiến trường Vùng 4 Sông Ngòi. Cầu nguyện hương linh Hải Quân Thiếu Tá Trần Thế Tráng, Thiếu Tá An Văn Điện, Hải Quân Đại Úy Mã Hùng Cường, Hải Quân Y Sĩ Đại Úy Khương, cùng các đoàn viên, thủy thủ Bạch, Cư, Nhung, Tài sớm siêu thăng tịnh độ.)

Năm nay là năm thứ 40 chúng ta làm Lễ Húy Nhật Đức Trần Hưng Đạo tại hải ngoại. Ba mươi Tháng Tư năm nay cũng là lần tưởng niệm thứ 40 ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay bạo quyền cộng sản. Hãy hồi tưởng lại những kỷ niệm thân thương của một thời quân dân miền Nam chiến đấu bảo vệ đất nước. Mọi người chắc chắn đều có những hình ảnh không thể quên được trong quá khứ. Người lính Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, chẳng những hình ảnh, những chuyện vui buồn, mà còn có những con số không thể nào không nhớ như bốn con số sau ba chữ KBC.

Sau thời thụ huấn tại các quân trường là đến ngày mãn khóa, chắc lời thề long trọng trước vũ đình trường năm nào vẫn chưa phai mờ trong tâm khảm những chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt năm xưa: hy sinh vì tổ quốc, nêu cao danh dự của quân đội, quyết tâm bảo vệ đất nước. Rồi đến lúc chọn đơn vị phục vụ, chọn một KBC (Khu Bưu Chính) cho mình. Không một người lính nào quên được KBC cũng như quên số quân của mình.

Bên trong trại Bạch Đằng - Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà


Đối với tôi, từ lúc bước vào cổng Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ, rồi vườn Cộng Hòa, vườn Tao Ngộ, tiểu đoàn Gia Long, rồi Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân trại Bạch Đằng II, trường sinh ngữ Boat School, Tiểu Đoàn Trần Hưng Đạo, trường Sĩ Quan Hải Quân Hoa Kỳ (US Naval Officer Candidate School tại tiểu bang Rode Island), rồi Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn, đến ngày mãn khóa chọn đơn vị, tất cả là những kỷ niệm không thể quên được. KBC 3303 cũng như các KBC khác, nếu không có danh xưng đơn vị thì không ai biết đó là đơn vị nào. Tôi nhìn lên danh sách, KBC 3304 là địa chỉ một đơn vị tác chiến của Hải Quân Việt Nam tên là Giang Đoàn 25 Xung Phong, căn cứ đặt tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi, bến Ninh Kiều Cần Thơ. Vị thiếu tá trưởng phòng tổng quản trị thao thao bất tuyệt thuyết trình về tiểu sử của đơn vị này. Đây là một đơn vị kỳ cựu của Hải Quân Việt Nam do Pháp chuyển giao, trước đây gồm một số chiến đĩnh như soái đĩnh chỉ huy (monitor commandement), tiền phong đĩnh (monitor combat) quân vận đĩnh (LCM 6), tiểu giáp đĩnh (fom) và giang đĩnh RPC, cùng với một giang pháo hạm LSIL. Đơn vị này từ Hải Phòng, Nam Định di chuyển vào Nam năm 1954. Sau khi được chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam năm 1955 tại Cần Thơ, đơn vị này có tên là Hải Đoàn 25 Xung Phong (Do tên bằng tiếng Pháp 25è. Division Naval D'Assault). Cũng như các hải đoàn xung phong khác, về sau Hải Đoàn 25 Xung Phong được đặt tên lại là Giang Đoàn 25 Xung Phong. Một số các vị chỉ huy trưởng Việt Nam của Giang Đoàn 25 Xung Phong đã trở thành những tướng lãnh của hải quân như Đề Đốc Lâm Nguơn Tánh, các phó đề đốc Diệp Quang Thủy, Hồ Văn Kỳ Thoại, Nguyễn Thanh Châu. Tôi ký tên nhận đơn vị này không phải vì KBC 3303 có số hên 9 nút mà vì số 25 của Giang Đoàn 25 Xung Phong. Tôi thích số 25 vì thuở xưa học lớp nhất trường nam tỉnh lỵ Vĩnh Long, thầy Chấn có dạy là tất cả những số tận cùng bằng số 5 khi bình phương lên đều có số tận cùng là 25, còn những số đứng trước là số thành của tính nhân giữa số đó và số đó cộng thêm 1. Thí dụ muốn có 65 bình phương thì lấy 6 cộng 1 thành 7 rồi nhơn cho 6 thành 42 xong thêm 25 = 4225. Số 25 rất hên đối với tôi, nó gắn liền với đời quân ngũ của tôi gần 5 năm.Sau khi vượt qua mấy cái mô do Việt Cộng đào đường đặt mìn trên Quốc Lộ 4, rải rác từ Cái Bè, Long Định, rồi Ba Càng, Rạch Mút, cuối cùng chiếc xe đò Đức Hiệp về đến Bến Xe Mới Cần Thơ.

Phà Cần Thơ


Thủ phủ miền Tây trù phú này đang vươn lên với những ngôi nhà 10 tầng kiến trúc bê tông. Tôi chưa vội hân hoan bát phố vì trong lòng vẫn còn mang nặng một cảm giác vừa hậm hực tức giận, vừa tiếc thương cái cầu Tân Hữu bê tông, mái nhà chợ Cai Lậy bể tan nát nằm chơ vơ cùng với những mô đất, lỗ hang bê bết mà tôi vừa chứng kiến trong cuộc hành trình từ Sài Gòn về tân đáo đơn vị. Hình ảnh đổ nát của chiến tranh lần đầu tiên chạm vào mắt tôi như một cái tát làm tôi bàng hoàng. Mới một tuần lễ trước đây tôi còn đứng ngắm tượng Nữ Thần Tự Do tại New York. Ôi đất nước người ta sao giàu sang vĩ đại, Hồng Kông diêm dúa, Bangkok rực rỡ huy hoàng; còn đây, cái cầu bê tông vừa xây xong đã bị phá sập, một mái trường, một nóc chợ tan tành. Tôi đứng bên bờ sông Ninh Kiều thả khói thuốc nhìn xa xa thấp thoáng những con thuyền mong manh nhấp nhô theo sóng nước. Một bức tranh thơ mộng thật tuyệt diệu và nhẹ nhàng thanh thản, lòng tự hỏi nơi đây có được mãi cái vẻ thanh bình như vậy không. Tôi đâm ra oán hận kẻ phá hoại và khinh bỉ sự lừa bịp của chủ nghĩa Marx-Lenin, lợi dụng sự chất phác của một số người để đem vinh quang thắng lợi cho những tên cầm quyền đảng trị. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô,” cổ nhân tùng nói như vậy. Tôi vứt điếu thuốc xuống dòng nước, đi thẳng vào trại Yết Kiêu, bản doanh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi

Cần Thơ - 1965


Hải Quân Thiếu Tá Vũ Văn Bảng, chỉ huy trưởng Giang Đoàn 29 Xung Phong kiêm xử lý thường vụ chỉ huy trưởng Giang Đoàn 25 Xung Phong đi công vụ; nói với tôi là rất hân hạnh đón mừng tôi về đơn vị này. “Ở đây vui lắm, anh sẽ không quên nổi Cần Thơ đâu. Thế nào anh cũng cưới vợ Cần Thơ, tin tôi đi. Còn điều này nữa, đơn vị mình đi công tác nhiều lắm và xa lắm, có khi 5, 6 tháng mới về lại bến Ninh Kiều. Hiện chúng ta đang tăng phái cho chiến dịch U Minh một cánh, chiến dịch Trần Hưng Đạo một cánh. Ở đây hên xui do số mạng, một xanh cỏ, hai đỏ ngực. Thôi, về phòng nghỉ ngơi. Mai lên vùng hành quân sớm.”

Tôi lăn xả vào cơn lốc chiến tranh, miệt mài theo năm tháng, nay đây mai đó. Chiến trường đầu tiên, chúng tôi chạm sung dữ dội tại đầu kinh Ngã Bảy, Cây Dương. Địch thuộc Tiểu Đoàn Tây Đô, nằm trong hầm hố và công sự bắn B40 vào các LCM đang chở đầy đạn đại bác 105 ly tiếp tế cho căn cứ hỏa lực Cây Dương. Thủy lôi nổ tung khắp nơi, máy bay trực thăng và phản lực A37 yểm trợ hai bên sườn, trong khi đoàn tàu tiến vào căn cứ hỏa lực. Chúng tôi ủi bãi đổ quân lên bờ tiến chiếm mục tiêu, tiếp tế đạn dược, bốc quân, yểm trợ hải pháo tác xạ vào những mục tiêu tiên liệu, bắn quấy rối, bắn hủy diệt... Cùng với lục quân, không quân, thủy quân lục chiến, biệt động quân và pháo binh, chúng tôi liên kết nhau chặt chẽ và chí tình theo tinh thần huynh đệ chi binh, dù có khi chưa hề biết mặt mũi nhau ra sao, chỉ nghe tiếng nhau mà thôi.

Sau đó là cuộc hành quân Trần Hưng Đạo 40 ở Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước, Đồng Cùng, sông Ông Đốc, Bãi Hạp, cửa Bồ Đề. Cái tên Bồ Đề nghe từ bi nhưng chứa nhiều tử khí. “Lênh đênh vô cửa Bồ Đề, vụng tu thì chết, khéo tu thì còn.” Thủy thủ đoàn của Giang Đoàn 25 Xung Phong cảm nhận sâu xa câu này hơn ai hết. Thám thính cơ L19 gọi liên tục qua tần số không lục: “Kình Ngư, đây Họa Mi Fox. Kình Ngư, đây Sơn Ca Sierra nghe rõ trả lời” “Nói đi Họa Mi, cho điếu Capstan vào cái Bunker hướng 90 độ, khoảng cách 50 mike, OK trả lời.” “Đáp 5.” “Tới luôn đi Họa Mi. Họa Mi Fox, đây Kình Ngư, thấy rồi bạn ơi, tôi cho ông già 81 hủy diệt mục tiêu. Rõ 5, trả lời” “OK, Bravo Zulu Kình Ngư, cho em Brigitte Bardo đi ngủ đi” (1) “Đáp 5 Họa Mi.” “Bye, Kình Ngư” Cứ như thế chúng tôi tương trợ lẫn nhau ngày đêm trên những chiến trường khốc liệt.

Một lần nọ giang đoàn tăng phái cho một đơn vị biệt động quân, cùng tấn công dọc theo biên giới vùng kinh Vĩnh Tế. Địch bị đuổi chạy Marathon về hướng Tây. Dãy núi Kong Bong Trabeck nằm vắt vẻo dọc theo biên giới Việt Miên, chập chùng và sừng sững phía trước. Tôi liên lạc với pháo binh của Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng và gởi điện văn yêu câu tác xạ hủy diệt mục tiêu sau khi điều chỉnh bằng trái khói. “Hồng Hà, đây Yên Bái. Năm tràng CVT hiệu quả. Bắn, trả lời.” “Yên Bái, Hồng Hà bắn. Hết.” Đạn đi, vang rền, nổ tung cả một vùng, rồi yên lặng đầy tang tóc bỗng bao trùm.

Sông Cái Lớn, chạy dài vào kinh Cán Gáo, độc đạo hướng về Trèm Trẹm, U Minh đầy ma thiêng nước độc. Địch đánh thủy lôi dữ dội vào đoàn convoy, nhiều giang đĩnh đổ quân bị chìm. Đạn B40 trực xạ vào tàu, máu đổ, xác người ngổn ngang. Sau khi tiếng súng ngưng, tôi gác ống liên hợp PRC25, thấy một dòng máu rỉ ra nơi ngón tay.

Thì ra một mảnh đạn ghim vào, làm vỡ tung chiếc nhẫn tốt nghiệp mãn khóa, một kỷ vật của trường Hải Quân Hoa Kỳ OCS năm xưa. Mảnh đạn không làm đứt ngón tay vì chiếc nhẫn tốt nghiệp đã đỡ đạn cho nó. Tôi nhìn dòng sông Cái Lớn, nơi đây vừa lưu giữ một kỷ vật của Đại Đội Tango, Tiểu Đoàn 5, Trung Đoàn Bravo Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân OCS Hoa Kỳ. Tôi nhìn đi nhìn lại với chút luyến tiếc rồi cho tàu hướng về Căn Cứ Hải Quân Cần Thơ.

Tháng Tư năm 1975. chiến trường trở nên căng thăng vùng biên giới. Chúng tôi được tăng phái cho tiểu khu Kiên Giang để giải tỏa các áp lực của địch vào các đồn bót của các chi khu ở ngoại vi tỉnh lỵ. Một chiều chúng tôi chạm nặng với một tiểu đoàn cộng quân từ vùng núi Ba Thê, Vàm Răng, Vàm Rầy, Lình Quỳnh kéo về bao vây siết chặt tỉnh Kiên Giang. Giang Đoàn 25 Xung Phong tiến vào mục tiêu bắn áp đảo và đổ đại đội tùng đĩnh cơ hữu lên bờ. Chúng tôi chiếm từng tấc đất, từng bờ ruộng. Địch tác xạ như mưa bằng đủ loại đạn, Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Tân, người anh cả của đơn vị, cao lớn đẹp trai như tài tử Hollywood, quăng ống nhòm, phóng người từ đài chỉ huy Tiền Phong Đĩnh HQ 6517, bay sà xuống như chim phượng hoàng, chụp ngay khẩu MK19MOD1 tối tân bắn bằng điện tự động với đầu đạn 40 ly. Ông bắn ào ạt như tưới nước vào công sự của địch bên bờ sông đối diện. Ông bị một mảnh B40 vào mắt phải và vài mảnh B40 khác vào trán, máu ra ướt đẫm. Một tay ông vuốt mắt, một tay siết cò súng. Chiếc mũ sắt của ông lăn lóc trên sàn tàu. Bên cạnh ông, một anh lính tùng đĩnh đang hấp hối. Nửa giờ sau đó Giang Đoàn 25 Xung Phong chiếm trọn mục tiêu, thu dọn chiến trường. một giang đĩnh PBR đưa chỉ huy trưởng về Quân Y Viện Long Xuyên. Thủy thủ đoàn đưa ông về bệnh viện dưỡng thương, bùi ngùi xúc động, rồi lại tiếp tục xắn tay áo lên đường nhận công tác mới, tiến chiếm lại khẩu pháo 105 ly bị địch chiếm mấy ngày trước ở Trà Ôn. Sau đó giang đoàn tiến chiếm và bảo vệ an ninh thủy trình các đồn Rạch Tra, Mương Điều, Thuộc Nhàn; các cù lao Tròn, cù lao Lác, cù lao Mây, cù lao Nai, cù lao Cồng Cọc, cù lao Tân Dinh, cù lao Dung và cù lao Phong nấm. Những đồn bót và cù lao này nằm rải rác dọc theo hạ lưu sông Hậu Giang, khúc sông trước khi tách ra hai nhánh đổ ra biển với cửa Định An, Trần Đề và Bassac.

Những ngày cuối cùng Giang Đoàn 25 Xung Phong di tản cùng Hạm Đội 21 ra khơi, ngoài trùng dương bát ngát, để rồi chính thức hạ kỳ vào ngày 7 Tháng Năm, 1975, một tuần lễ sau ngày “Tổng Thống” Dương Văn Minh ban lệnh đầu hàng.

KBC 3303 ngưng hoạt động nhưng trong tâm tư thủy thủ đoàn 25 Xung Phong, KBC 3303 vẫn mãi mãi là một KBC oai hùng, vang bóng một thời trên 9 cửa sông Tiểu, Đại, Ba Lai, Vàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Trần Đề, Bassac của 9 con rồng nằm ôm vựa lúa miền Nam Việt Nam.

Huỳnh Thiện Toàn

Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn