BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Viết Cho Người Nằm Xuống

19 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 2529)
Viết Cho Người Nằm Xuống
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.73
 Đáng lẽ tôi không muốn nhắc lại các vết thương lòng đã có từ lâu, cũng như không muốn khơi lại nỗi đau xót, nhức nhối tâm can đã mang theo trong gần suốt cuộc đời, nhưng nếu tôi không lên tiếng thì tôi cũng có lỗi với những người đã tạo dựng ra nước VNCH, cũng như những anh chị em đã nằm xuống cho đất mẹ.

Trước năm 1954, gia đình, họ hàng, thân thích của tôi đa số sống tại thành thị. Phần lớn đã gia nhập binh chủng Nhảy Dù, và hầu hết đều tham dự các cuộc hành quân ở miền Bắc Việt Nam khi trận Điện Biên Phủ cuối cùng đã xảy ra. Các anh em của tôi đã đóng góp xương máu để chống lại Cộng Sản, đội lốt Việt Minh lường gạt đồng bào nhẹ dạ. Một số đã tử trận. Một số bị bắt làm tù binh. Một số đã thoát được sau những trận đánh cam go. Dù hiệp định đình chiến đã được ký kết vào năm 1954, nhưng Cộng Sản tráo trở, gian sảo đã không thực thi một cách nghiêm chỉnh việc trao đổi tù binh. Nhờ một số quân nhân trốn thoát về từ những trại tù của CS Bắc Việt, danh sách những người vẫn còn bị chúng giam giữ mới được đưa ra trước Uỷ Hội Quốc Tế. Lúc đó, CS mới chịu trao trả những người này. Tuy nhiên, một số vẫn còn bị dấu đâu đó trên nùi rừng Việt Bắc. Đến năm 1972, toán BOONE Biệt Kích Dù, nhảy xuống chung quanh Điện Biên Phủ, vẫn còn bị giam tại Trại Trung Ương số 1, phân trại K3 tại Lào Cai.

Sau đình chiến, binh chủng Nhảy Dù được rút về miền Nam cùng các đơn vị khác theo hiệp định ngưng bắn lúc bấy giờ. Các người bà con của tôi, chưa vợ hoặc mới lập gia đình, cũng rút theo Quân Đội Quốc Gia Việt Nam vào Nam. Sau đó, một số chuyển về các tiểu đoàn1, 3, và 5; một số khác chuyển về Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Nhảy Dù, tại trại Hoàng Hoa Thám.

Nhưng quê hương chúng ta chỉ có hoà bình trên danh nghĩa. Quốc gia VN đã gặp nhiều khó khăn ngay từ khi đồng bào đang được di cư vào Nam, khi ông Ngô Đình Diệm được mời về làm Thủ Tướng. Một số các phe phái thân Pháp, kể cả Pháp cũng chống lại ông. Nhưng ông cũng được một số người và tổ chức có tinh thần quốc gia ủng hộ, giúp đỡ trong những ngày sóng gió. Tôi có thể kể đến cựu Đại Tá Cao Đài Hồ Hán Sơn. Nhưng sang năm 1955, ông Hồ Hán Sơn cùng 4 người nữa đã bị thủ tiêu khi được mời đi họp. Người ta nhận diện được ông Sơn nhờ sợi dây lưng quần có chữ S.

Trong số những người bị thủ tiêu đó có anh trai lớn của tôi. Đây là một sự mất mát to lớn cho gia đình. Vì thế, bố mẹ tôi không muốn tôi, vốn là con út, tham gia vào quân đội nữa. Dù các anh lớn của tôi đã ở trong quân đội, tôi không bị động viên, nhưng chính phủ miền Nam, cũng như phiá Mỹ vẫn kêu gọi tôi tham gia vào công tác chống Cộng, trong những nhiệm vụ đặc biệt.

CS luôn tráo trở và gian sảo. Saigon và các tỉnh ở miền Nam tạm sống trong yên lành, nhưng tại các vùng xa xôi và hẻo lánh, CS vẫn tiếp tục quấy phá. Đời sống dân chúng vùng này vẫn còn bị kìm kẹp hà khắc đưới bàn tay của CS.

Để thuyết phục tôi, một ông, đại diện Tổng Thống Phủ, đã gặp tôi và úp mở khuyên:

- Quốc gia cần những người trẻ gánh vác lấy trách nhiệm của cha chú. Sau khi đuổi Pháp dành độc lập nửa nước, nếu chúng ta không có kẻ kế tục, giữ gìn để gánh vác trách nhiệm, thì sau này lại mời người Tàu, thay Tây về giữ nước ư? Đây là thử thách rất lớn dành cho những ai muốn tham dự. Không phải ai muốn tham dự là được tuyển chọn. Họ sẽ phải qua nhiều kỳ sát hạch khắc nghiệt. Nếu được nhận và vượt qua mọi thử thách thì họ mới được tuyển dụng. Đây là lực lượng không tác chiến như các đơn vị khác. Tuy nhiên không vì thế mà đơn vị này kém quan trọng.

Từ những trao đổi và gặp gỡ đó, tôi đã đồng ý tham gia vào phòng Hoạt Động của Tổng Thống Phủ. Tôi đã phải qua nhiều cuộc sát hạch. Trước tiên, họ hỏi tôi có biết bơi không? Tôi trả lời có. Họ đã đưa tôi ra sông Bạch Đằng, trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân và yêu cầu tôi bơi sang bên kia sông. Tôi đã thực hiện đúng lời yêu cầu đó một cách dễ dàng. Sau đó, họ đưa tôi đi khám sức khoẻ tại Tổng Y Viện Cộng Hoà. Từ đó, tôi được thụ huấn tại Trung Tâm Quân Báo Cây Mai, và học nhảy dù tại trại Huấn Luyện Hoàng Hoa Thám.

Bộ Tư Lệnh Hải Quân QLVNCH


Nơi đây, tôi gặp lại chú em họ, tên Sản, làm ban quân lương và Tống Quang Hoành thuộc đại đội kỹ thuật huấn luyện các tân binh nhảy dù. Khi thấy tôi, họ ngạc nhiên hỏi tại sao tôi không đi lính giống họ. Tôi dấu không nói rõ, trả lời là tôi không đi tác chiến, chỉ ở chuyên môn thôi. Trên bảo sao tôi chấp hành như vậy.

Trong giai đoạn này, tình hình chính trị của miền Nam bắt đầu có dấu hiệu bất ổn. Ngày 11 tháng 11 năm 1960, Tướng Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông đã cầm đầu cuộc đảo chánh. Hai ông này đã lừa Lữ Đoàn Nhảy Dù vào dinh Độc Lập cứu Tổng Thống Diệm. Sau khi bị thất bại, họ đã cùng ông Phan Lạc Tuyên trốn sang Kampuchia.

Cùng lúc đó, mặt trận mỗi ngày thêm khốc liệt. Đến năm 1961, anh em bà con tôi ở binh chủng Nhảy Dù đã “mẻ” gần hết. Thậm chí đến năm 1972, đứa em họ của tôi đi Nhảy Dù cũng bị tử trận tại Quảng Trị. Các cháu của tôi từ 1964 về sau này lại chọn Biệt Động Quân. Một số đã đền nợ nước, lúc chưa vợ con.

Năm 1962, tôi nhận được tin chẳng lành. Trung Sĩ Tống Quang Hoành, huấn luyện viên nhảy dù tại bãi Ấp Đồn, Củ Chi, biểu diễn nhân các tân sĩ quan khoá 16 Võ Bị Đà Lạt, vừa ra trường, chuẩn bị đi trình diện đơn vị. Ban tổ chức đã chỉ định 2 huấn luyện viên để nhảy dù ngày hôm ấy. Tống Quang Hoành, nhảy thay thế cho một huấn luyện viên bị bận công việc, đã sanh nghề tử nghiệp. Khi nhảy ra máy bay vì gió lớn, dù của anh đã bị bay qua bên kia sông, ra ngoài vòng an ninh bãi đáp. Anh, đã bị một tên du kích bắt đi mất tích từ đó. Người huấn luyện viên thứ hai cũng bị gió tạt đến rià bãi nhảy, cũng bị VC bắt khi vừa nhảy dù xuống đất, nhưng may mắn anh trốn thoát. Vợ anh Hoành đã nhận được tin dữ khi đang mang thay cháu thứ ba.

Khoá 16 Đà Lạt đã quyên tiền nhờ Lữ Đoàn Nhảy Dù chuyển đến cho vợ con anh để xoa dịu nỗi thương đau. Thông cảm với nỗi khó khăn của gia đình anh, trung tâm huấn luyện Nhảy Dù cũng đã sắp xếp cho vợ anh Hoành được bán trong câu lạc bộ, nuôi còn, hy vọng chồng mình còn sống để trở về.

Khi nhận được tin không may này thì tôi, đangmang cấp bâc thiếu uý, được Phủ Tổng Thống cử đi làm sĩ quan liên lạc của văn phòng tuỳ viên bên Vương Quốc Lào, mà chỉ huy trưởng của tôi là Th/Tá Đang. Nhưng một hiệp định về sự trung lập của Vương Quốc Lào vừa được ký kết, không cho phép quân đội các nước lân bang được ở lại (Thái Lan, VNCH, và CS Bắc Việt). Tôn trọng hiệp định, phái bộ quân sự cuả VNCH đã rút về VN, trong khi binh đoàn Trường Sơn của CSBV vẫn lẩn lút đóng quân trên lãnh thổ Lào, và còn tăng cường thêm lực lượng. Theo phái đoàn, tôi đã về nước năm 1962, và trở về Sở Phòng Vệ Duyên Hải, đóng tại Đà Nẵng. Bôn ba với nhiệm vụ mới tôi không có cơ hội liên lạc với vợ con của anh Hoành từ khi anh mất.

Sau khi đi thám sát cục R của VC về, tôi được tưởng thưởng Biệt Công Bội Tinh và được lên trung uý. Kế đó, tôi được chỉ định phụ trách trung đội bảo vệ yếu nhân, đặc biệt là bảo vệ nhà các vị tướng, tá trong cư xá SQ cao và trung cấp trong Bộ TTM. Tại đây, trung đôi có 2 nhiệm vụ chính:

1. Để ý đến các sĩ quan tuỳ viên. Thân thiện và nắm vững hành động của từng người vì sợ địch cài vào.

2. Bảo vệ gia đình các yếu nhân.

Tuy mang tiếng là “bảo vệ”, nhưng mật lệnh từ Phủ Tổng Thống đưa xuống là để kiểm soát các gia đình đó. Nếu những người này tham dự đảo chánh thì các gia đình của họ sẽ trở thành con tin. Nhưng khi cuộc chính biến 1-11-1961 xảy ra, trung đội bảo vệ yếu nhân của tôi được lệnh rút khỏi các gia đình có các vị ủng hộ cuộc chính biến, và co lại tại tư dinh của Trung Tá Ngô Dzu, lúc đó là Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, đang bị các lực lượng tham dự cuộc chính biến bao vây. Tôi vẫn giữ liên lạc với Tổng Thống Phủ. Đến 2 giờ sáng ngày 2-11-1963 thì liên lạc bị ngưng. Lúc này cũng là lúc Tướng Nguyễn Khánh đánh điện tín ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Tư dinh của Trung Tá Ngô Dzu được giải toả ngay sau đó.

Sau ngày đảo chánh, tôi bị câu lưu điều tra về hoạt động, cùng chức vụ, cũng như huy chương và việc thăng thưởng. Tôi đã trả lời cho họ rõ rằng việc tôi được huy chương, do ông Ngô Đình Nhu đại diện Tổng Thống và chính phủ gắn, là phần tưởng thưởng tôi vinh dự được nhận vì tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc sau nhiều tháng sống trong địa ngục hoạt động trong cục R của VC. Sau khi không tìm thấy bằng chứng nào rằng tôi có liên quan đến đảng Cần Lao, Đại Tá Ngô Du (vừa lên chức) đã cho tôi đi học khoá Trung Cấp về Tình Báo và chuyển về Phòng 6 BTTM. Tháng 6 năm 1964, tôi kiêm nhiệm một chức vụ khác tại Sở Kỹ Thuật, cũng thuộc Phòng 6.

Đến năm 1965, tôi cùng làm việc với các toán HECTOR, mà Đại tá Trần Hỗ đặt tên là khoá Nguyễn Huệ, tức Bắc Bình. Lúc này, tôi được Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, gọi về trình diện. Tôi phải dùng kế hoãn binh để dàn xếp sao cho ổn thoả giữa Tình Lý và Công Vụ. Sau cùng vì tình cảm và lời hứa với gia đình của cha mẹ của nhân viên dưới quyền nên tôi đã đồng ý dẫn đưa toán Nhảy Bắc một chuyến.

Khi thuyết trình, họ đòi thả vào bãi cũ của toán anh Nguyễn Hữu Luyện,và trang bị toán theo kiểu Nhảy Dù, trong khi toán được thả từ trực thăng CH-53. Để chuẩn bị, tất cả máy móc đều được đóng trong kiện hàng và cần 3 tháng để chụp không ảnh. Việc chậm trễ thời gian khiến tôi không đồng ý. Tôi đòi thay đổi bãi đáp và trang bị. Vì thế, tôi bỏ phòng hành quân ra ngoài, nhận trách nhiệm đưa anh em ra toà và không đi. Ông Vinh, người chịu trách nhiệm thuyết trình, đã nhờ anh em năn nỉ để tôi đồng ý. Tôi đã phân tích với họ về tầm mức độ nguy hiểm sẽ gặp phải. Vùng hoạt động của toán nằm ngoài sự yểm trợ của chính phủ VNCH.

Trước tinh thần hăng hái, không sợ hy sinh gian khổ, tôi đã thay đổi ý định trở lại phòng hành quân, cùng toán nhận lệnh lên đường. Trước lúc toán nhảy ra Bắc, tôi được lên đại uý.

Ngày 23 tháng 9-1966, Đại Úy Nguyễn Văn Vinh đưa tôi và toán đến bãi đáp bằng 2 chiếc CH-53. (Tôi đã chọn 11 người sau khi cho 2 người ở lại.)

Đúng như tôi dự đoán, khi máy bay rời bãi đáp, toán an ninh bãi đã đụng với địch quân. Tôi cố gắng đến kiện hàng số 1 lấy máy truyền tin để liên lạc, nhưng hỏa lực của địch quá mạnh. Tôi bỏ ý định, cùng một số anh em, tìm đường thoát hiểm. Trong đêm, toán đã tổn thất 2 thành viên. Chúng tôi chia nhỏ thành nhiều toán, chạy theo nhiều hướng hy vọng chia nhỏ địch quân đang đuổi bắt. Sau một thời gian thoát khỏi vòng vây vì địch mất dấu vết, chúng tôi sang được đất Lào với muôn vàn khó khăn, nơi đây bộ đội CSBV còn đông hơn bọn ở nội điạ Bắc VN.

Sau một thời gian, chúng tôi đã về gần đến phạm vi hành quân của Tiểu Đoàn 33 Hoàng Gia Lào. Khi chuẩn bị vượt sông Nam Ta Lê, chúng tôi bất ngờ gặp một bà cụ già, khoảng 70 tuổi, đang dắt một đứa nhỏ 7 tuổi. Chúng tôi đã dùng ngôn ngữ điạ phương nói chuyện với họ. Vì lòng nhân đạo không muốn “xuống tay” với một bà cụ đáng tuổi mẹ và đứa bé đáng tuổi cháu chưa làm nên tội, chúng tôi đã để họ đi. Chính lòng nhân đạo đó đã hại chúng tôi. Họ đã báo cáo cho bộ đội điạ phương và lực lượng chính quy của CSBV trên đất Lào. Chúng đã dùng chất nổ phục kích chúng tôi trên dòng sông Nam Ta Lê.

Thật không may mắn, chúng tôi đã bị bắt và cầm tù. Từ đó, tôi đã bị cắt đứt mọi tin tức liên quan đến người thân trong họ hàng của tôi, ở trong Nam.

20 năm sau, tôi đã trở về nhà sau thời gian tù đày dường như vô tận. Tôi đã biết thêm những tin tức liên quan đến gia đình của anh Hoành. Năm 1973, khi 2 bên trao đổi tù binh theo hiệp định Paris, anh đã không có mặt trong số người được trở về. Gia đình của anh vẫn không hề nhận tin tức gì thêm. Có thể anh Hoành đã mất ở đâu đó trong các trại tù CS trong đói khổ, bệnh tật, hoặc thương tật, và bị hành hạ như một số các tù binh khác do CS giam giữ. Sự đau khổ không dừng ở đó. Sau 30-4-75, gia đình cháu tôi, với 3 con còn nhỏ, đã bị đuổi khỏi căn nhà họ đang sinh sống về vùng Kinh Tế Mới. Từ đây, cuộc sống gia đình của cháu tôi mù mịt như vận nước điêu linh lúc bấy giờ.

Sau khi tù về mọi chuyện đã thay đổi, đời sống con người đã thay đổi, có nghiã đã trở nên rất xấu đi. Ai ai cũng trở nên túng thiếu, ngượng ngập khi gặp nhau, buồn phiền phảng phất qua nét mặt và ánh mắt. Khi về trắng tay, tôi cũng phải bôn ba kiếm sống vì thế cũng chưa gặp được gia đình chị Hoành.

Khoảng 3 năm sau, khi sang Mỹ tỵ nạn, tôi nhắn tin và may mắn gặp được vợ và 2 con đầu. Các cháu giờ đã lớn sau khi trải qua nhiều biến cố đau thương. Khi gặp chị, tôi xúc động đến nỗi không thể nói nên lời. Người đàn bà nhỏ bé, gầy gò, phờ phạc đang đứng trước mặt tôi là chị đó sao? Thời gian có thể tàn phá tất cả, nhưng khi nhìn thấy chị, tôi biết người đàn bà này đã chịu đựng biết bao đau thương, khổ sở do chế độ CSVN mang đến.

Chúng tôi đã sống sót sau khi trải qua nhiều trại tù CS. Dù đã quyết định sai lầm khi thả bà cụ già người Lào đi, dẫn đến việc cả toán bị bắt và bị giam giữ, chúng tôi vẫn luôn hãnh diện về việc làm nhân đạo của chính mình, cũng như hãnh diện về tính nhân bản, sáng ngời chính nghiã Quốc Gia của chúng ta, khác hẳn chế độ của CSVN đầy dối trá và vô nhân. Chính niềm hãnh diện đó đã khiến chúng tôi có thể tồn tại trong những nhà tù đầy khắc nghiệt của CS trong một thời gian rất dài.

Chúng tôi đã đoàn kết vượt qua khỏi những mưu mẹo của địch trong thời gian tù đày. Những thủ đoạn của chúng luôn là mua chuộc, đe doạ, và gây chia rẽ. Nhiều điều đã thay đổi sau 40 năm kể từ khi chiến tranh chấm dứt, nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ mãi lòng trung thành tuyệt đối với chính thể Cộng Hoà, mong cơ hội tươi sáng đến với dân tộc VN bất khuất và kiêu hùng.

Nghĩ đến người đã mất, những tử sĩ của VNCH đã hy sinh cho cuộc chiến, trong đó có họ hàng và anh em tôi, như anh Hoành, tôi không thể nén lòng bùi ngùi. Cho tôi được nghiêng mình tưởng nhớ đến những hy sinh cao cả ấy. Sự hy sinh của các anh, dù không ngăn chặn được bọn CS Bắc Việt hiếu chiến, nhưng cũng đã làm chậm lại sự bành trướng của chủ nghiã CS trên toàn thế giới, đưa đến sự tan rã của CS Nga sau này. Dù CSVN đang cố bám chủ nghĩa CS phi nhân, làm tay sai cho Tàu cộng, chúng đang phải lùi bước và sẽ bị tiêu diệt vì phong trào đấu tranh dành dân chủ và tự do cho dân chúng VN.

Wetminster, ngày 24 tháng 10 năm 2014.

Mùa Thu nhớ quê hương. 

Tống Văn Thái
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn