BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73218)
(Xem: 62210)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Niềm Vui Quân Trường

02 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 1753)
Niềm Vui Quân Trường
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Quân trường, có ai nói vui bao giờ? Những anh em trai trẻ một thời bắt đầu làm lính nơi quân trường, cứ phải vừa ách ê một hai ba bốn vừa phải hát “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đỗ máu” một cách khô khan cằn cỗi và công việc thì chạy không kịp với thời gian đong đưa. Ai tìm đâu cho ra được nụ cười mà nói vui với vẻ cho đời một chút thảnh thơi, thoải mái? Sáng mờ mờ tinh sương đã ơi ới nhau thức dậy mà vật lộn đến đêm tối. Người ta hết sức khắc nghiệt bắt làm đủ thứ trên đời. “Quân lệnh như sơn” ai dám nhúc nhích mà nói qua nói lại! “Thi hành trước, khiếu nại sau” ai dám chần chờ mà hỏi tới hỏi lui. Ăn uống, không kịp ăn uống. Đái ĩa cũng không kịp đái ĩa nữa là. Gần như không một ai có dư chút thì giờ để lên được nửa câu vọng cổ “ôi nhìn trời hiu quạnh…” mà than trời thở đất. Cả ngày, quần quật một cách vội vàng mà kỹ thì hết sức là kỹ những công việc chà láng giao thông hào, vệ sinh doanh trại, vệ sinh cá nhân, gọn gàng chỗ ăn chỗ nằm, mau mau lót bụng lót dạ một cái gì, quân trang quân dụng đi bãi, ngủ gục nghe giảng chiến thuật, “tùng thiết” chạy hộc hơi, leo trèo trên thang cao, bò trườn dưới đất nóng, nhảy chạy đoạn đường chiến binh, bắn đùng đùng đạn mã tử điếc tai, chùi súng, khám súng bở hơi tai, đánh giầy bóng lộn, chùi bút nịt sáng lạn…Bung việc ra là ngủ, là ngáy ngay mà chờ tiếp tục ngày mai như mọi ngày. Đúng, anh em bạn của chúng ta từ đâu đâu về ban đầu lạ, sau là chiến hữu, thường cùng nhau tả oán “nỗi đau không rời”, rằng: “quân trường là lò luyện thép, nơi huấn nhục đời người, địa ngục đọa đầy thân xác, trung tâm tàn phai tuổi ngọc…”. Cuộc đời luôn luôn có hai mặt. Hai mặt là đen với trắng, phải với trái, buồn với vui…trong cái đau khổ có cái hạnh phúc; trong nước mắt có nụ cười. Cho nên “có một điều chắc chắn là không có một điều gì chắc chắn hết”. Chính vì vậy, nơi quân trường dẫu là “lò luyện thép”, là “nơi huấn nhục đời người” vân..vân…người ta vẫn bắt gặp những nụ cười “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng”, không phải nụ cười “cười ra nước mắt”. Tôi, đời trai thời chinh chiến đã qua nhiều quân trường, nhưng kỷ niệm những nụ cười “cười sằng sặc”, những nụ cười “cười toe toét miệng” thì ở quân trường Trường Bộ Binh Thủ Đức là đáng nhớ nhất và đáng nói tới nhiều nhất.

 



Tân sinh viên sĩ quan



 

 Mấy tháng trước mới vừa đi chơi với mấy thằng bạn nối khố thời học Trung Học Phan Bội Châu Phan Thiết, Chu Văn An Sài gòn, đứa nào đứa nấy chải chuốt lắm! O bế tới, o bế lui vẫn là cái đầu. Cái đầu, đứa thì tóc để “một mái”; đứa thì bờm xờm “hippi”; đứa thì tóc “tém đuôi vịt”; đứa thì “demi court”…Ai mà làm hư cái đầu thì “chết với tao”. Thằng Nghê, người cùng xóm với tôi ở Đức Long, cái thằng đeo lon Chuẩn Úy chưa ấm ấm cái vai thì đã chết ngayngày đầu tiên ra trận ở Hòa Tân,Gò Công đã gây lộn và “từ” ông Tư Thâu đã “hớt bậy hớt bạ cái đầu tao dưỡng gần hai năm nay”. Còn ông Bình, cái ông nhát gái phải mất tiền bao bạn bè uống nước rau má thời học Chu Văn An thì lúc nào cũng xênh xang quần áo. Vải phải hàng Anh Quốc và luôn luôn áo bỏ trong quần, tay áo cài khuy “manchette”. Anh ta thường bảo với bạn bè rằng “ai mà làm hư cái “plis” quần của tao như kêu cha tao mà chữi”. Vậy mà bây giờ, tôi lại gặp mấy đứa tụi nó, đứa nào y như đứa nào “đầu giống Ông Thầy Chùa”, còn lòi chình ình mấy cái thẹo to quá là to, dấu vết hồi nhỏ đánh lộn nhau. Quần áo của hết thảy tụi nó đều thùng thình thụng thịnh lại thêm cát bụi quân trường không sạch sẻ chút nào, nhìn thật “không giống ai”. Giày thì giày “Botte de Sault” vừa xấu xí lại vừa nặng nề. Da thịt đứa nào y như đứa nấy đen như Người Thượng Rhadé, Djarai. Gặp nhau, ai lại không cười!? Có điều, tụi nó cười tôi biết “cười ra nước mắt”. Còn tôi, tôi “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng”. Tôi có bao giờ quan tâm ăn mặc, chưng diện đâu mà có cái hư, có cái mất mà giận, mà buồn, mà tức người ta? Dù là kiểu cười nào, tôi dám cả quyết, dám cam đoan ông bà nào, già trẻ nào nhịn mà không cười, dù nhếch môi thôi, tôi cũng xin bái phục làm sư phụ có công lực thượng thừa đến mức có mắt mà không nhìn thấy gì hết, không cười. Và một khi nhiều đại đội ngang dọc đụng với nhau, những Sinh Viên Sĩ Quan mới mẻ, quân phục còn lượm thượm, người ngợm còn nhếch nhác, thân trai còn“liễu yếu đào tơ” vừa đi theo nhịp đếm “một, hai, ba bốn” vừa cứ hùng dũng nhưng yếu xìu “dù ngàn hiểm nguy quyết chí. Một lòng thề luôn nêu danh “Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức” hùng anh” hay “đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn. Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang” hay “cố lên, cố lên, dù nhọc nhằn, da chan mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh”, ai tôi không biết, tôi không cười, không chịu nổi…

 


Vũ Đình Trường


Bởi vì, cái non choẹt, cái vụng về, cái xô bồ của những người lính mới tò te nầy, ai nhìn mà không cười cũng là lạ, nhất là cho những ai đoạn đường mình mới đi qua. Nói gì những ai ngoài kia, ngoài bốn ụ đất cao to và dài một chiều dài các tuyến A, B, C. D của nhà trường, có biết gì đời lính đâu thì họ cười lăn cười ngả là cái chắc. Chỉ mới ngày đầu ở Vũ Đình Trường được giới thiệu các ông Sĩ Quan Đại Đội 37, Tiểu Đoàn 3 cũng đã muốn cười mà không dám cười rồi. Ai đời một ông Đại Úy sẽ là Đại Đội Trưởng của mình cao thì cao lêu nghêu mà hai chưn lại nhỏ quá là nhỏ như hai ống thổi lửa mà dài cũng dài thiệt. Đàn bà chắc chắn ổng sẽ được danh “trường túc bất tri lao”. Còn đàn ông, ổng được gì nhỉ? Chắc chỉ được anh em tặng liền cho một cái tên, đúng hơn là một bí danh “Đại Úy Cò” là đúng hơn hết. Đứng kề bên ổng là ông Chuẩn Úy vừa xấu trai chi lạ lại vừa thấp lè tè quá sức. Chuẩn Úy đứng gao lắm cũng chỉ ngang nách “Đại Úy Cò” mà thôi. Về sau Sinh Viên Sĩ Quan Đại Đội 37, nhất là Trung Đội 3 của ổng ban cho ổng một biệt danh là “Chuẩn Úy Lùn Gieo Máu Lửa”. Không xa ông Đại Úy với ông Chuẩn Úy, một ông Thiếu Úy sau là Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 của tôi, miệng dù ngậm kín cách mấy, người ta cũng thấy ổng bị sứt môi trên. Ổng dính ngay cái tên “Thiếu Úy Không Môi Mép”. Tại sao đặt ổng là “Thiếu Úy Không Môi Mép”? Mấy anh hiểu chuyện trả lời: “Có 3 cô bạn thợ may “tìm bạn bốn phương” trong báo Tiền Phong được 3 anh. Một anh “không có chưn đứng trong xã hội”. Một anh “không có môi mép với người ta”. Một anh “không khả năng ăn nói với đời. Hóa ra, anh “không có chưn đứng trong xã hội” là người chỉ có một chưn. Anh “không có môi mép với người ta” là người bị sứt môi trên. Anh “không khả năng ăn nói với đời” là người mắc tật “ngọng”. Một khi cả ba ông đứng trước hàng quân của đại đội, tiếng xì xào như làn gió rít, anh em thường cười khúc khích. Cười khúc khích không phải cái trời sinh ra cái gì cho mấy ổng, mà cười khúc khích là cười cái các ổng ưa ta đây mà huênh hoang, huếch hoác như hề. Và khi “tan hàng, cố gắng” thì cười khúc khích thành “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng” cũng chẳng có lạ lùng gì.

 

Ai bảo quân trường không có nụ cười? Đại đội của tôi có một anh gốc Nghĩa Quân, không nhớ chắc tên, có thể là Trí, người Phú Yên chạy chọt làm sao mà làm được chức Thư Ký Đại Đội. Khỏe thì có khỏe thiệt, nhưng bị “dũa” dài dài. Cho nên, tôi cũng “đếch” nhận ba cái “chức sắc” trốn đi bãi đó, nói gì đến lo với lót, chạy với chọt mà mất công mất của lại mất danh . Trí mắc một thứ bệnh trời ơi đất hỡi là “Trĩ”. Trí phải chịu chết cái tên danh chính,ngôn thuận là Trí Trĩ. Trí Trĩ đi tới đâu, người ta cười đến đó, cười ngặc nghẽo, cười lăn cười lóc, “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng”. Có ai cười cái bệnh của anh ta đâu? Thương và đau giùm cho ảnh không hết! Ngay cả anh ta diễn tuồng loay hoay như đàn bà đẻ, như thằn lằn đứt đuôi. Khi đi, Trí cứ ịn ngón tay trỏ vào đít sợ “con trê” nhảt tọt ra. Khi đánh máy thì ngồi nhấp nha nhấp nhỏm kiểu nước lụt, sợ đau cái trĩ dưới xương khu. Người ta cười là cười ảnh sợ gì mà sợ đến són đái, sợ đến rịn cứt ra quần. Mấy lần bị Đại Úy Cò xì nẹt, nói theo tiếng Pháp là “s’enerve” thì ba hồn chín vía của ảnh chạy trốn đâu mất tiêu, chỉ còn một chút tỉnh táo mà nói “tao đi thay quần”. Người ta cưòi bể bụng với Tùng Lâm, Thanh Việt nhưng chắc không ai mà không cười đến chết đi được khi thấy Trí Trĩ lúc bấy giờ đang “đau khổ vì bịnh trĩ”! Đại đội 37 của tôi có 141 Sinh Viên Sĩ Quan mà có, nếu tôi không quên, chỉ 5 cái cầu tiêu vừa cho đại tiện vừa cho tiểu tiện. Cùng thức một lượt, cùng “đi cầu” một lượt tránh làm sao không sắp hàng rồng rắn mà chữi nhau như hàng tôm hàng cá! Anh trong cầu chưa kịp rặn của quý ra thì mấy anh ở ngoài đã la ơi ới “cái thằng ĩa gì mà ĩa lâu như rùa”. Anh chàng Thọ, Thọ Quốc Gia Hành Chánh, có tên Thọ Dâm Dục không nén nổi, đành “phẹt” ra cái quần treillis cho xong nợ đời mà “đụ má, tao ĩa đầy quần rồi”. Đằng kia anh chàng Nghi, người Nùng ở Đức Trọng, Tuyên Đức kẹt đái, đái bậy vào người đứng trước để khỏi chờ mất công. Không may bị Thiếu Úy Lượng, Trung Đội Trưởng Trung Đội I bắt được và phạt Nghi chạy 30 vòng sân đại đội, vừa chạy vừa la to “tôi không bao giờ phóng uế bừa bãi nữa”. Mấy đứa anh em chúng tôi người trong cuộc, dù đang dầu sôi lửa bỏng với cái bụng là “vùng xôi đậu” cũng phải “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng”. Cái cảnh đứng chờ đái, ĩa trong Trường Bộ Binh Thủ Đức có lẻ nặng nề, éo le hơn những quân trường tôi đã đi qua. Ai mà nhìn vào hoạt cảnh lúc đó, không tức, không giận không buồn cười quá sức thì đúng là người sắt đá, vô tâm, vô trí.

 


Leo thang dây


Trong trường, các Sĩ Quan Cán Bộ, các bảng viết nguệch ngoạt mấy chữ treo quanh vòng thành đại đội đều ra lệnh “cấm ăn quà rong”. Nhưng lệnh là lệnh, dòm dáo dác không thấy ai thì mua cứ mua, có “chết thằng Tây nào?”. Bởi trong quân trường, ai cũng biết rằng Sinh Viên Sĩ Quan đâu có lúc nào dư thì giờ. Không “tiện đâu làm đó” thì dễ như chơi không kịp giờ giấc mà bị “hít đất”, “nhảy xổm”, “trùm poncho”, “cúp phép”, “phạt dã chiến”…Mấy ông Sĩ Quan Cán Bộ thì núp trong Văn Phòng Đại Đội nhìn ra, chờ bắt “mấy con nhạn là đà”. Mấy anh chàng Sinh Viên Sĩ Quan thì “ba chớp ba nháng” mua cứ mua cho thật mau mà “dzọt”. Nhưng anh bạn Mỹ là Kỷ Sư Nông Lâm Sức; anh bạn Kham là Nhà Văn trẻ bị Đại Úy Cò bắt tại trận, bị phạt “móc giò” mà uống, mà ăn. Móc giò là móc hai chân lên lan can trước của doanh trại đại đội, đầu chúc xuống, hai tay chống. Anh Mỹ thì “ăn cách nào không biết cho hết gói xôi”. Anh Kham thì “uống cách nào không biết cho hết ly cà phê sửa”. “Quân lệnh như sơn”, ai dám cải. Vậy mà anh em đang trong hàng ngũ đại đội sửa soạn đi bãi cũng khúc khích. Cho đến khi Đại Úy Cò, Chuẩn Úy Lùn Gieo Máu Lửa không dấu được cái cười xí xóa thì toàn thể đại đội “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng” dù cười là cười vô tình trên sự đau khổ của hai người anh em bạn.

 

Những ngày đi bãi học Chiến Thuật, học Tác Xạ, học Pháo Binh, học Chống Biểu Tình…đâu có gì là lạ. Lạ là lạ những bài học “Trung Đội Tấn Công”, “Đại Đội Lục Soát” vân..vân…có phe ta, phe địch “oánh” nhau dữ dội bằng đạn mã tử kêu chạch chạch, bốp bốp… cũng tơi bời khói lửa. Thọ Dâm Dục to con lớn xác nhất của đại đội và Thọ Luật Sư thì yểu điệu thục nữ như cô gái Kim Long, Huế lúc nào cũng xin cho được làm Việt Cộng. Làm Việt Cộng là làm giả VC núp trong bóng mát vài lùm cây nơi bãi tập khô khan, nóng cháy. Các anh em còn lại làm Lính Việt Nam Cộng Hòa đang hành quân dưới trời nắng chết cha và mệt thì cũng mệt chết cha. Những “chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt” là những Sinh Viên Sĩ Quan đóng giả Lính Việt Nam Cộng Hòa tấn công, chiếm mục tiêu, lục soát mấy ổ phục kích của VC là Thọ Dâm Dục, Thọ Luật Sư…thì đấm giả, đánh giả. Nhưng mấy thằng chịu nắng chịu mưa đâu để mấy thằng núp bóng an nhàn, “ngồi mát ăn bát vàng” khỏe re, nên đấm, đánh liên miên những cái đấm giả cũng hơi mạnh tay, những cái đánh giả cũng hơi mạnh tay như đánh thiệt. Thọ Dâm Dục ăn to nói lớn, la lên “đụ má, sao đánh nhiều quá dzậy”, “sao đánh đau quá dzậy”. Thọ Luật Sư thì “răng đánh mạnh rứa”, “răng thụi đau rứa”. Mấy anh đóng giả Lính Việt Nam Cộng Hòa “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng”.

 


Hít đất


Trong quân trường, nhất là Trường Bộ Binh Thủ Đức, chuyện phạt là thường. Phạt đủ thứ, đủ kiểu, đủ điệu. Phạt cá nhân. Phạt tập thể. Một bữa từ Bến Nọc vào Cổng Số 9, Đại Đội 37 của tôi mới vừa tấp trái vào Nhà Bàn ăn cơm trưa trể. Vì sơ xuất của anh Tuần Sự Đại Đội cũng như anh Đại Đội Trưởng Tác Chiến mà đại đội bị phạt tập thể ngay nơi sân trước Nhà Bàn, dưới ánh mặt trời chói chang. Tất cả bị bắt nằm xuống, mặt nhìn lên trời, súng để bên phải, ba lô gối đầu, hai chưng gát “chữ ngũ”, miệng phải hét tới hét lui cả 10 phút “mặt trời đã ngủ yên, xin mặt trời hãy ngủ yên”. Mình không thấy mình “không giống con Giáp nào” nhưng liếc trái, liếc phải thấy anh em mình đó, không nhịn được cười. Rồi, tất cả hét thì hét nhưng “ăn gian” được một chút thời gian là cứ cười tủm tĩm, cười kín hai hàm răng. Dĩ nhiên là đừng để mấy ông Sĩ Quan Cán Bộ thấy. Thấy là chết cha, ai không biết! Khi được đứng dậy, anh em nghe nhiều tiếng cười “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng”, tiếng cười của mấy cô, mấy bà ở Khu Sinh Hoạt nằm bên kia đường. Chúng tôi, đâu có “mắc cở” gì ba cái lẻ tẻ đó nơi quân trường. Ngay cả chúng tôi, nhiều người cứ cười, cười hoài vì nó “ngộ”, nó “kỳ”, nó “mắc cười thấy mẹ”, huống gì người ta, người ngoài, người đàn bà,con gái.

 

Hôm học Tác Xạ, một anh bạn trẻ tên Bơ trong Trung Đội I vô ý một chút mà quên “người đâu súng đó” đã bị Thiếu Úy Không Môi Mép phạt “súng cầm tay” chạy 30 vòng sân đại đội, vừa chạy vừa la “súng là vợ, tôi không bao giờ bỏ súng”. Anh em, người ăn, người uống, người lặt vặt chuyện nầy chuyện kia để đi bãi, nhìn Bơ ai cũng cười quá trời. Cười to nhất vẫn là ông to con lớn xác nhất Thọ Dâm Dục. Ổng cưòi dai, cười dài, cười lâu, “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng” còn một chút nữa là bị Thiếu Úy Lượng của Trung Đội I bắt ra phạt rồi. Mới mấy hôm trước đó, Thọ Dâm Dục đã bị cả một tiểu đội Huynh Trưởng đứng giăng hàng phạt “30 cái hít đất”. Hít cách nào cũng bị mấy Huynh Trưởng chê là “ngỗng đầu”, “ngỗng đít”, dợt cho nhừ xương vẫn chưa đếm tới số 2, số 3 được, nói gì tới “30 cái hít đất”. May có mấy Siêu Huynh Trưởng đằng xa kia đi tới, mấy Huynh Trưởng nầy cũng ngán nên mới buông tha. Về Đại Đội, gặp chúng tôi, dù Thọ Dâm Dục đang thở không ra hơi, cũng ráng chữi thề “đụ má, mấy thằng Huynh Trưởng nó chơi tao quá mậy”. Đại Úy Cò nghe được, bắt phạt Thọ Dâm Dục “30 cái nhẩy xổm”. Thử tưởng tượng, Thọ cao to, mập mạp, “nhớt” lại vụng về nữa… mà nhẩy xổm thì “không giống ai” một chút nào. Trông ổng hai tay bắt chéo đằng trước, hai ngón tay cái và trỏ nắm chặc 2 cái lổ tai mà nhảy cao một chân đá ra trước một chân xoạt ra sau một cách nặng nề, ô dề và thở ột ột như heo bị khiêng đi làm thịt. Không ai nhịn được cười, không phải cười một người bạn bị nạn mà cười hoạt cảnh Thọ Dâm Dục đang diễn tuồng quá vụng về, dở ẹt.

 

Trong đại đội, có anh cao to quá là cao to như Thọ Dâm Dục nhưng cũng có anh thấp lùn, bé tí tẹo như Cường Con, gốc Giáo Sư ở Huế, lúc nào cũng phải đi sau cùng hàng quân của đại đội. Súng M.16 mà Cường Con mang, mũi đã là đà trên mặt đất rồi. May là súng M.16, nếu là súng Garant thì Cường Con chỉ có nước cầm, vác, bồng mà thôi. Đi Đoạn Đường Chiến Binh, anh em trong đại đội lúc nào cũng phải “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng” hai ông nầy. Ông Thọ Dâm Dục thì bị móc, bị kẹt, bị xước khi bò, trườn, lết qua lớp kẽm gai ngoằng nghoèo, chằng chịt, thấp chủn. Ông Cường Con thì khổ lắm mấy cái hầm,mấy cái hố “đào chi mà đào sâu dữ rứa, mần răng bò lên”. Anh ta cứ trèo lên, tụt xuống đỏ cả mặt, tía cả tai, mồ hôi thắm ưới bộ treillis. Tưởng “dã tràng xe cát Biển Đông”, nhưng cuối cùng Cường Con cũng bám víu mà lên được. Lên được, Cường cũng ráng nở một nụ cười, dù là nụ cười méo miệng và cũng ráng mở miệng, dù là mở miệng nói gỡ gạc: “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

 


Lễ gắn Alpha


Chuẩn bị cho ngày Lễ Gắn Alpha, anh em bảo nhau xuống Khu Sinh Hoạt ở Tuyến B mua băng vệ sinh. Ai cũng biết, sân Vũ Đình Trường toàn đá dăm, sạn nhỏ, quỳ gối xuống đó đầu gối chỉ có “chết tới bị thương”. Hôm đó, tôi cũng xuống mua 2 cái, một cho tôi và một cho Sơn Rhadé. Mấy cô Nữ Quân Nhân đứng kế bên đang mua viết, giấy chắc để viết thư cho “bồ” lên tiếng chọc quê “chỉ ở nhà, sao anh biết chỉ “có” mà mua nhiều dữ vậy”. Tôi, thằng mặt lì, ba hoa nói: “biết mấy cô ở đây “có”, tôi mua biếu vậy mà”. Trời ơi! Mấy cổ “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng”. Đằng kia, mấy ông bạn đồng Khóa 6/70 của chúng tôi đang đứng mua ba cái lăng nhăng băng vệ sinh cũng “cười sằng sặc”,“cười toe toét miệng”. Trong Trường Bộ Binh Thủ Đức, từ Cổng Số I đi vào, qua khỏi Đồn Quân Cảnh 301 một đoạn, nằm phía tay phải là dãy nhà Nữ Quân Nhân. Mấy cô Nữ Quân Nhân ở Lễ Gắn Alpha đâu không biết, chứ ở đây các SVSQ coi chừng bị “ăn thịt”, bị “nuốt” như chơi. Anh em cứ bảo nhau“chốn ấy hang hùm, chớ mó tay”. Có ai nghĩ ra, Trường Bộ Binh Thủ Đức toàn “đực rựa” mà tôi dám cam đoan, tôi dám “cá” với bất cứ ai không nơi nào trên đất nước Việt Nam Cộng Hòa xài nhiều băng vệ sinh hơn.

 

 “Đi Dây Tử Thần”, có nhiều anh em ngán biết mấy. Quân trường, ngán chừng nào, Huấn Luyện Viên lại bắt tập nhiều chừng nấy. Ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, dây tử thần là hai sợi dây thép căng cứng, được treo từ một đồi cao chót vót, chạy qua một hồ nước thăm thẳm phía dưới và tới một cột xi măng xa xa đằng xa. Sinh Viên Sĩ Quan 2 tay cầm 2 cái róc rách, người Huấn Luyện Viên đẩy nhẹ xuống. Gió thổi vù vù nghe rào rào bên tai. Ngọn cờ đỏ phất, mình thả tõm xuống. Có người không lội được. Có người đau mình đau mẩy. Nhưng khốn nạn nhất vẫn là mấy anh bị “thằng nhỏ tao đau quá” mà vừa đi vừa bụm nó lại. Nhìn mặt méo mó, nhăn nhó của họ, anh em với nhau thông cảm hết sức. Nhưng bảo những ông vui tính đừng “cười sằng sặc”, đừng “cười toe toét miệng” thì khó như bắt thang lên hỏi ông trời.

 

Ở Khu Tiếp Tân nằm bên phải Cổng Số I, sát Tuyến B những ngày Chủ Nhật thật ồn ào, thật náo nhiệt và vui thì hết nói. Tiếp Tân là tiếp thân nhân, bè bạn của các Sinh Viên Sĩ Quan không đi phép hay bị cúp phép. Dĩ nhiên, Trường Bộ Binh Thủ Đức mà những người vào học là những thanh niên tuổi đời còn trẻ trung hung sức. Người thăm nhiều nhất vẫn là những nữ sinh viên, nữ học sinh là những người tình thề non hẹn biển. Mỗi cặp tình nhân chọn cho mình một chốn bình yên mà tâm sự chuyện tình hai đứa mình. Họ rủ nhau cùng hát bài ca Xích Lại Gần Anh Tí Nữa của Mặc Thế Nhân: “xích lại gần anh tí nữa đi em. Sao em ngồi xa anh thế?...Nào có ai đâu mà em ngại, để rồi ngồi xa cách nhau!”. Vì quá say sưa đồng ca, anh với em đã không để ý đến mấy thằng bạn tinh nghịch đang nhìn mình mà chúm chím cười. Ngày tàn một Buổi Tiếp Tân, về doanh trại đại đội, mấy thằng bạn “quỷ tha ma bắt” đó kể toẹt loẹt chuyện đời ngoài Khu Tiếp Tân hồi sáng ra mà “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng”.

 

Ai bảo quân trường không có niềm vui và nụ cười? Vui là vui thiệt, không phải “vui là vui gượng kẻo là”. Cười là cười thiệt, không phải cười là “cười ra nước mắt”. Những trưa trong Đại Giảng Đường, thường được Sinh Viên Sĩ Quan gọi là Đại Hỏa Lò, vì nó nóng sao mà nóng quá sức! Không nóng sao được, một nhà lớn thì lớn thiệt mà làm bằng tôle với tôle đem nhốt cả mấy trăm mạng người vào những trưa Hè nóng như thiêu như đốt của cái nắng “Trên Đồi Tăng Nhơn Phú”. Ai còn tâm dạ đâu nữa mà “nhìn đồi xa xa muôn trùng. Mịt mờ xanh xanh cây rừng. Ghìm chặt súng hát ru cuộc tình mù sương” của Vũ Đức Sao Biển ở Đại Đội 33, Tiểu Đoàn 3 Khóa 6/70!? Vậy mà, nhìn tới nhìn lui cũng thiếu gì những người anh em bạn vốn thiếu ngủ hết sức, đang há hốc mồm ngáy to hơn cả người ta “hò kéo gỗ” không màng thế sự chung quanh. Nhịn gì nhịn, mình cũng không nhịn cười được. Ngủ thì ngủ đi một cách im lặng, ai đời còn nầy còn kia để bị “bể dĩa” mà lảnh 30 cái hít đất, 30 cái nhảy xỗm cho vỡ mộng “Giấc Nam Kha”. Một anh bạn trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” nhất của Đại Đội 37 của tôi “lì” hơn hết. Vào, lúc nào cũng ngủ. Ảnh ngủ mê ngủ mệt đến mơ về quê Bình Định của mình mà đi chơi với bồ, mà đánh lộn với tình địch, mà bị Quân Cảnh “hốt”…mà la hét như ngoài mặt trận. Dầu trong giờ “Liên Hợp Binh Chủng” nhưng hằng mấy chục người kế bên cũng phải “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng”, ồn ào biết mấy. “Anh bạn trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới nhất của đại đội” nhận lệnh “Phạt Dã Chiến” một tuần. Tất cả Sinh Viên Sĩ Quan hiện diện được cảnh báo rằng “học là học nghiêm chỉnh, không thì đeo cánh gà”.

 



Trung Nghĩa Đài


Một chiều chập choạng tối, tiểu đội của tôi di chuyển từ doanh trại đại đội gần Cổng Số 9 qua Vũ Đình Trường để bàn giao gác Tuyến D, Khu Thiết Giáp. Khi đến Trung Nghĩa Đài, thì bị một tốp đàn anh Khóa 5/70 chận lại, phạt mấy chục cái hít đất. Quân trường đừng hỏi “tại sao mà phạt”. Bởi vì, quân trường là nơi huấn nhục, nơi trui rèn kỷ luật quân lệnh, nơi luôn luôn bắt phải chịu áp lực khốc liệt cho chiến trường ngày mai xông trận. Mấy anh Huynh Trưởng Khóa Đặc Biệt nầy, chúng tôi đã biết quá trời, quần mấy tên Trung Ngha Đài Khóa 6/70 Thuần Túy chúng tôi không một chút nương tay. “Hít thì hít”, mấy anh em chúng tôi nói nhỏ với nhau và cũng không quên nháy mắtngầm bảo với nhau là “nằm”. Chỉ đủ cho Huynh Trưởng đếm “một” và “hai” thì cả chục chúng tôi “nằm vạ”, nhất định không đứa nào lên. Huynh trưởng la, hò, hét, thét…mệt quá, làm gì bây giờ. Huynh Trưởng đành để mấy thằng “lì như trâu” đi đổi gác cho kịp giờ. Thật mà nói, chống tay xuống đây toàn là đá, sỏi, sạn nhọn hoắc mà hít đất với trên người mang nón sắt, súng, đạn, ba lô, mùng, chăn… thì không những đổ mồ hôi mà còn đổ máu là cái chắc. “Huynh trưởng bỏ đi, thì đàn em bỏ phạt, đứng dậy “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng” một cách hả hê. “Đi Tuyến”, nhà trường có 4 tuyến A,B,C,D như đã nói ở trên, nhưng Tuyến C nằm ngang Cổng Số 9 nhìn ra ngoài kia Bến Nọc mịt mùng là tuyến được lưu ý về an ninh nhiều nhất. Những ngày không đi bãi hay không được đi phép, Trung Đội 2, Đại Đội 37 của tôi mỗi khi làm tạp dịch ở đây, ông bạn Luật Sư Thọ được đề cử làm đại sứ, liên lạc với Đại Úy Án để hùn tiền mua nước ngọt, bánh, kẹo, cà rem, xôi, chè…ổng bán. Mua nhiều, Đại Úy mới làm lơ, mới cho cho xong công tác mà Đại Úy kê ra dài thoòng loòng thấy mà sợ. Thầy cười, trò cười, ai ai cũng cười, “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng”, vui vẻ cả làng! Nếu không mua thứ gì của Đại Úy bán thì làm hoài, làm miết cũng không bao giờ xong mà còn bị phạt nữa là chắc. Tội, một Đại Úy quân trường “nghèo rớt mồng tơi” phải làm ba cái chuyện con con như vậy. “Làm ba cái chuyện con con như vậy”, vậy mà chúng tôi quý mến ông vô cùng. Quý cái tính ngay thẳng, chân tình và vui hết sức của Đại Úy.


 Người lính với sự sống, sự chết là lằn ranh mong manh vô minh, không có nhiều niềm vui bằng đau thương chất ngất, không có hạnh phúc đủ cho chính mình nhưng cứ đổ xương máu mình cho hạnh phúc đồng bào. “Cái gì hiếm thì quý”, người ta nói đúng. Người lính sống đời gian nguy nơi trận tiền nhiều hơn phù phiếm nơi phố phường, một khi bắt gặp được ở đâu đâu “niềm vui qua bửa” thì vắt cho kiệt, xài cho hết, không thì uổng biết mấy! “Mai ta ra trận, ta còn sống. Về ghé Sông Mao phá phách chơi. Tiêu hết nỗi sầu cùng gái điếm. Đốt tiền mua vội một ngày vui”, nghe Nhà Thơ Bắc Sơn, bạn học Trường Phan Bội Châu, Phan Thiết của tôi nói mà thương đời lính biết chừng nào!

Trong quân trường Trường Bộ Binh Thủ Đức, người Sinh Viên Sĩ Quan đang chịu gian đầy và đang cảm nhận con đường sẽ đi trong tương lai, thì họ cũng quý niềm vui hết sức mà lúc nào có được nụ cười là cứ “cười sằng sặc”, “cười toe toét miệng” làm hành trang xung trận ngày mai. Tôi viết bây giờ chuyện hồi đó cũng đã 41 năm rồi, bạn bè người còn còn rất ít, người chết “Vị Quốc Vong Thân” thì vô số kể. Xin những oan khiên các anh về bên kia thế giới được cởi trói mà thảnh thơi, thanh nhàn! Xin những bạn bè có những ngày vui, buồn nơi quân trường xưa còn hiện tiền hay đã quá vãng hãy xuề xòa, xí xóa với nhau để những nụ cười hiếm hoi, hiếm muộn hồi đó cho đến bây giờ vẫn chưa hề suy suyển và sẽ không bao giờ suy suyển./.

NGUYỄN THỪA BÌNH

Thu Năm 2012
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn