BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngày Xuân Nghe Bạn Kể Chuyện Đời

10 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 1764)
Ngày Xuân Nghe Bạn Kể Chuyện Đời
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56


Quảng Đức, Virginia

Anh em,

Mưa suốt đêm. Sáng nay trời mù câm, cái lạnh tràn về Virginia sớm quá. Mùa thu chưa kịp báo tin cho lá cây chuyển màu. Sáng của những ngày mưa trên rừng Quảng Đức cũng y như thế này. Lành lạnh, ướt át và rừng cây ngái ngủ, mờ mịt hơi sương. Những ngày mưa dầm trên cao nguyên, trần mây thấp, không có không yểm, súng cối kỵ bắn qua đầu, là những ngày lính trinh sát “thức khuya dậy sớm, đi mãi đi hoài đi hông biết mệt”. (khác RNSL một chút)

Vào mùa mưa trên cao nguyên Việt Nam, trong rừng, bóng tối phủ xuống rất mau. Dừng quân, có khi chưa kịp giăng mìn bẫy trời đã mịt mùng. Tao đang nhớ về những lần dẫn trinh sát đi lòng vòng Kiến Đức dọc theo biên giới Việt Miên. Có nhiều khi cứ lo sợ là mình chấm điểm đứng sai, mà xin trái khói thì sợ lộ. Trời mưa suốt đêm, rất khó gác giặc. Đất nước gì mà rất lạ, cứ lên cao điểm là có hầm hố, giao thông hào. Hầm của mình cũng có mà hầm của giặc cũng nhiều. Chẳng biết đâu mà lần, cứ sáng thức dậy là lo lấy phương hướng, chọn đường tiến quân và chuẩn bị tới mục tiêu kế tiếp. Rùng rợn nhất là phải di hành trên những con đường xe be trong rừng sâu, sát với quốc lộ 14 cũ. Có những nơi chỉ cách biên giới vài trăm thước.

 

Vào căn cứ Hồng Hà, 1971 (trong cuộc hành quân Lam Sơn 719)


Những lúc bắt buộc phải đi trên những “con rắn đỏ” này, mạng ai nấy giữ. Mỗi người lính cách nhau một khoảng xa vừa đủ để còn thấy nhau, còn có thể lên mà yểm trợ nhau khi cần thiết. Làm thân trung đội trưởng, dẫn tám chín người lính băng rừng, lội suối suốt 5 ngày mới về tới nơi tiểu đoàn đóng quân. Hai toán thay nhau đi rà dấu vết địch quân cho tiểu đoàn. Có đụng là có thương vong. Đi băng rừng là an toàn nhất nhưng nếu không cẩn thận có khi vào ngay “ổ kiến lửa”. Đi quá tầm 81 ly là bắt đầu đo khoảng cách và theo dõi địa thế liên tục. “Đi từ sáng tới giờ chắc là đã tới chỗ cái đồi này rồi.” “Cái triền đồi này phiá dưới kia phải là con đường xe be mà tối nay mình phải kích. Không biết có đúng không?” Cho toán nghỉ lấy sức. Có khi cái điểm mình phải kích đêm là cái chốt của “nó”. Xuống tới dưới phải phóng hai khinh binh xuống đường trước, chờ đến khi nhận được thủ hiệu mới cho cả toán di chuyển. Gần mục tiêu bao giờ cũng vậy. Nhát như thế mới sống lâu tới giờ. BMN, xuống mà không thấy đường xe be là ói ra máu hết. Trời tối ụp xuống là hết biết mình đang ở đâu trên thiên đàng. Mưa suốt đêm suốt ngày nhiều khi muốn cho lính kiếm chỗ nào trong rừng tre mà chăng poncho nằm ngáy cho khoẻ.

Tre nhiều vô số, hết trảng này đến rừng khác. Tre gai, lớp này già nằm rạp xuống, lớp mới vươn lên. Phải đi băng qua rừng tre là te tua ngay. Lúc đó, rừng tre rậm quá, che kín trời, máy 25 gọi lên trực thăng chỉ huy không được. Trên tàu ông TĐT gọi xuống thì mình nghe, mà ở trên đó chẳng nghe được tiếng mình. Chỉ bấm máy hai lần trả lời xếp lớn thôi.

Lạc trong đó thì khóc cũng phải hết một buổi chiều. Có những đoạn phải bò sát đất xuyên qua đám tre chằng chịt bên trên. Vậy mà khi thoát ra thì thấy mình đang ở ngay trên một ngọn đồi. Bên dưới kia, xa ngoài kia, bên kia cái trũng là con lộ 14 chạy dọc biên giới. Ông TĐT thiệt tài tình, chiếc trực thăng đảo một vòng rồi bay đi hướng Tây. Hai ba lần là mình hiểu ý, đi theo hướng tây thì ra tới. Lúc đó mới thở được.

- ”Chín Mươi, đây Charlie, cái nón lá, hướng 5 giờ của cào cào đó Chín Mươi.”

Tàu bay bay đi sau khi nghe ông thầy nhỏ nhẹ,

- ”Charlie coi lại tờ báo cho kỹ.”

Cứ mỗi lần đi làm ăn mà bắt xếp phải đi tìm thì thế nào về tới nhà cũng được mấy ông thầy hỏi han kỷ lưỡng,

- ”Sáng hôm đó anh nằm ở chỗ nào? Bắt đầu đi theo phương giác bao nhiêu? Trên đường đi qua mấy triền, mấy suối, mấy rừng tre, rừng già, mấy trảng tranh?”

Ông ĐĐT trinh sát còn hỏi,

- ”Ông đi suốt ngày, ông có thấy… mây không? Ông học địa hình ở Đan Mạch hả?”

Mẹ, bị rượt thì biết đường nào mà chọn, hướng nào không thấy địch thì phóng vào hướng đó. Vào rồi thì tre đan kín mít, mịt mùng. Chọi trái lựu đạn vào chưa chắc đã thấy có dấu vết của trái lựu đạn vừa nổ. Thấy mây trời thế đíu nào được. 

Tường trình xong, lên khỏi hầm trung tâm truyền tin tiểu đoàn, mấy thằng em còn đứng hút thuốc chờ dưới trời mưa rỉ rả. Dẫn nhau về tuyến, mì gói, cà phê, thuốc lá và “nổ”. Thằng này “nổ”, thằng kia xài tiếng đan mạch. Toán 2 của Y-Biêng-Niê chắc đang nằm kích dưới suối. Sáng ngày mai tới phiên nó trở lại điểm đỏ trên tờ báo. Liên Đoàn muốn biết cấp số quân địch. Mẹ, có B40, có AK 47. Biết vậy thôi, nó bi nhiêu làm sao mà biết. Ra chỗ ông Th/úy già công vụ, xối mấy gáo nước tắm sơ sơ, rồi chui vào “nhà”. Nhà là 2 cái vòm sắt nối lại. Tụi Mỹ đưa qua làm ống cống, mình lấy làm “nóc nhà”. Úp nó lên trên mấy thùng gỗ đựng đạn, chụp hai tấm poncho bên ngoài là có nhà có cửa đàng hoàng. Trung đội trưởng mà, phải có nhà chứ. 

Không biết cái vòm có chịu nổi miểng không chứ chui vào rồi, có pháo kích cũng chẳng muốn chui ra. Đang khô ráo hiếm hoi mà phải phóng xuống hố cá nhân ướt át hết thì “quan” chê. Chỉ có dám ló đầu ra hét lính nhào xuống giao thông hào chứ lính xuống hết thì “quan” thụt đầu vào ngay. Tự nhiên sáng nay nhớ chiến trường chi lạ. Virginia và Quảng Đức không biết cách nhau bao xa?

Trần Nguyên Công

Theo Biệt Động Quân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn