BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73255)
(Xem: 62218)
(Xem: 39406)
(Xem: 31153)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cầu Đà Rằng

08 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 3061)
Cầu Đà Rằng
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56


(Kính dâng hương linh cố Trung Tá Nguyễn Văn Tố, nguyên Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên)

Hồ Đắc Huân

Mỗi năm vào đầu tháng 6, tâm trí tôi thường nhớ về ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 6 năm nay (2012), tôi muốn tìm lại bản nhạc 19 tháng 6 Ngày Quân Lực.

Mắt tôi lướt qua từng trang báo của các tập Bán Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa phát hành trước năm 1975. Sau một hồi tìm kiếm, không những tôi tìm được bản nhạc trên mà còn phát hiện thêm nhiều tài liệu quý báu của Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có bài phóng sự “Cầu Đà Rằng” với bút hiệu LAN đăng trong Bán Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa số 239 ra ngày 1 tháng 3 năm 1971. Tôi rất mừng nên đọc qua rồi đọc lại nhiều lần vì nội dung bài báo có tính cách lịch sử, giá trị cao, do Tiểu Đoàn 201 Công Binh Chiến Đấu đảm trách thực hiện xây cất. Đặc biệt phần tường thuật buổi lễ khánh thành cầu Đà Rằng, đồng bào Phú Yên được vinh dự tiếp đón Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu từ thủ đô Sài Gòn ra chủ tọa và cắt băng khánh thành vô cùng trọng thể.

Hình tác giả Hồ Đắc Huân.


Bài phóng sự ghi rất chi tiết về những sự kiện lịch sử do nhiều người đóng góp công sức làm nên. Rất tiếc hiện nay ít người biết đến việc làm đó của thế hệ cha anh trước đây, nhất là các bạn trẻ sinh ra sau này.

Chúng tôi đem việc sưu tầm được phóng sự trên kể lại với Trung Tá Nguyễn Văn Tố, nguyên Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên trong thời gian ông tại chức Tỉnh này và chính ông là người đích thân lập chương trình khánh thành cầu Đà Rằng.

Nghe qua chuyện trên, tôi nhận thấy ông rất vui khi biết tôi tìm được tài liệu gốc. Ông liền đề nghị tôi soạn viết lại bài này. Tôi liền nhận lời và tiện thể hỏi ông còn nhớ ít nhiều gì về công việc tiếp đón Tổng Thống Thiệu ra chủ tọa lễ khánh thành cây cầu Đà Rằng không? Ông tâm tình cùng tôi: Lúc bấy giờ chính ông là Tỉnh Trưởng nên đã đích thân lo sắp xếp chương trình Tổng Thống ra thăm viếng nên ông còn nhớ rất rõ, để ông ghi lại việc chuẩn bị cùng sự đón tiếp Tổng Thống Thiệu rồi gởi cho tôi để tham khảo. Tôi cám ơn ông và mong chờ tài liệu ông ghi lại để kết hợp viết lại bài báo này.

Hình cầu Đà Rằng khi khánh thành.



Thêm nguồn tài liệu sống từ Trung Tá Nguyễn Văn Tố trao lại

Qua cuộc đàm thoại giữa tôi và Trung Tá Tố như đã kể ở phần trên, những ngày tháng sau cùng sức khỏe ông có phần yếu dần song ông cố gắng hồi tưởng để ghi lại công việc ông đã làm của 41 năm về trước hầu giúp tôi có thêm tài liệu sống để hoàn thành bài viết.
Sáng 27 tháng 8 năm 2012, qua điện thoại, Trung Tá Nguyễn Văn Kiểm, nguyên Tiểu Khu Phó Phú Yên gọi hỏi tôi có biết tin tức gì về ông Tố không? Nghe qua tôi đâm lo, chắc có chuyện gì xảy ra với ông vì khoảng năm ngày nay không nghe ông Tố gọi tôi mỗi sáng như thường ngày. Tôi liền hỏi ông Kiểm có tin gì về ông Tố không. Được ông Kiểm trả lời:

- Ông Tố vừa xuất viện về nhà, nghe nói người ông tiều tụy lắm. Ngày mai tôi đi thăm ông Tố, chú có muốn đi chung luôn không?

Tôi mừng quá liền nói:

- Vậy anh ghé đón tôi đi luôn.

Sáng ngày 28 tháng 8 năm 2012, ông Kiểm cùng Thiếu Tá Võ Văn Tùng nguyên Quận Trưởng Tuy Hòa và tôi cùng đến thăm ông Tố. Gặp ông, tay bắt mặt mừng. Nhìn thấy ông ốm yếu so với lần tôi gặp trước rất nhiều. Sau hai giờ hàn huyên, thăm hỏi, chúng tôi xin ra về để ông nghỉ ngơi. Lúc đứng lên, ông trao cho tôi một phong bì bên trong có một tập tài liệu, rồi ông nói:

- Huân đem về tham khảo thêm tài liệu để viết bài Cầu Đà Rằng.

Tổng Thống thăm hỏi các thân hào, nhân sĩ tại Phú Yên.


Tôi vui và cám ơn ông đã sốt sắng giúp tôi. Trên xe khi trở về, tôi mở bì thư ra xem thì thấy có 9 trang giấy viết tay từ ký ức về cuộc kinh lý của Tổng Thống Thiệu ngày 13-2-1971 tại Phú Yên. Đọc qua tài liệu thấy ông viết rất chi tiết. Tôi điện thoại cám ơn ông và không quên khen ông còn minh mẫn nhớ lại chuyện xưa khá rõ. Tôi biết ông chuyên môn về Phòng 2 lại từng du học các khóa tình báo cao cấp ở Singapore và Okinawa nên có đùa ông một chút:

- Anh lập chương trình quá chu đáo, nhất là luôn đề phòng sự phát hiện của địch. Anh có ám số chuyên nghiệp 240.9 là đúng quá! (Theo chuyên nghiệp quân sự của Sĩ Quan Lục Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: số 240 là Đơn Vị Trưởng Đơn Vị Bộ Binh, còn số lẻ .9 là An Ninh, Tình Báo và Điều Tra).

Đọc qua tập tài liệu, tôi vui rồi tự mỉm cười và thầm nghĩ: Đúng là người trong cuộc viết lại nên độ chính xác và trung thực có khác.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cắt băng khánh thành cầu Đà Rằng.


Hai lần nhắc nhở: viết lại bài Cầu Đà Rằng

Vào ngày 8 tháng 9 năm 2012, chúng tôi gồm 8 chiến hữu có thời gian phục vụ dưới quyền Trung Tá Tố tại Phú Yên mà tôi biết như: Trung Tá Nguyễn Văn Kiểm, Thiếu Tá Võ Văn Tùng và các Thiếu Tá nguyên Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng như: Nguyễn Đức Thăng, Sông Cầu, Nguyễn Sĩ Tri, Tuy An, Bùi Văn Thế, Tuy An (XLTV) và Đại Úy Trần Hùng Quân Tiểu Đoàn Trưởng Địa Phương Quân. Ngoài ra còn có Trung Tá Nguyễn Văn Tăng nguyên Tiểu Khu Phó Quảng Trị và Thiếu Tá Lê Văn Trung Tiểu Khu Bình Thuận là bằng hữu. Riêng tôi có cơ duyên biết ông là bạn đồng tù nằm sát nhau 8 tháng tại trại tù Cộng Sản Kỳ Sơn, Tiên Lãnh, Quảng Nam, Đà Nẵng. Chúng tôi đến tại tư thất viếng thăm ông.

Trong lúc hàn huyên, rất tiếc là ông không nói được vì đau nơi cổ họng. Ông nhìn tôi rồi lấy viết ghi nơi tờ báo ba chữ Cầu Đà Rằng, xong ông chỉ tay vào đấy có ý nhắc nhở tôi viết lại bài Cầu Đà Rằng. Tôi liền nhờ cô Nguyễn Thị Mỹ Hương (con đầu của ông) cho tôi mượn cây kéo để tôi cắt ba chữ “Cầu Đà Rằng” ông vừa viết hầu làm kỷ niệm, nhờ đó mới có thủ bút của ông để minh họa ở trong bài này.

Thêm vào đó, qua linh cảm, ông tự lượng sức khỏe của mình thời gian sống không còn lâu nên chiều ngày Chủ Nhật 21 tháng 10 năm 2012, qua điện thoại, đầu máy bên kia là cô Nguyễn Thị Hoài Yên (con út của ông) nói:

- Thưa chú Huân, ba con muốn nói chuyện với chú.

Hình Tháp Nhạn.



Tôi nói:

- Con đưa máy cho ba.

Rồi tiếp liền:

- Dạ, Huân đây anh Tố. Anh khỏe không?

Tiếng nói ông yếu đi nhiều. Ông vừa thở vừa nói:

- Mệt lắm.

Tiếng nói lúc rõ lúc yếu, không như trước đây luôn luôn 5/5 rồi qua những lời dặn dò như trăn trối lại với tôi một số việc, trong đó có đến hai lần ông nhắc nhở tôi cố gắng viết lại bài Cầu Đà Rằng và nhớ khi viết xong trao lại cho Hội Đồng Hương Phú Yên và các báo thân hữu để nhờ phổ biến. Nghe đến đó lòng tôi xúc động tột cùng rồi định ngày hôm sau sẽ ghé thăm ông. Nhưng tiếc thay không còn kịp vì lúc 7 giờ 15 sáng hôm sau từ chuông điện thoại qua tiếng nói của ông Đoàn Ngọc Đa (người thân trong gia đình) thông báo hung tin ông Tố đã qua đời lúc 7 giờ sáng tại Montclair, Nam California, hưởng thọ 83 tuổi.

Nghe xong, tim tôi se thắt lại, ngậm ngùi thương tiếc ông đến tột cùng! Tôi quý ông như người anh, người thầy. Từ đây không còn nghe tiếng nói thân tình, nồng nàn của ông qua điện thoại để trao đổi tin tức, thời sự hàng ngày, bạn bè, chiến hữu ai còn, ai mất và biết bao nhiêu chuyện cũ trong binh nghiệp ông đã từng trải qua mà ông thường kể lại cho tôi nghe.

Qua các nguồn tài liệu tôi thu thập được như vừa kể khi tổng hợp viết xong bài này, ông Tố đọc qua chắc sẽ vui nhiều khi ông ở vào tuổi cuối đời 83. Vì nội dung bài viết có một số chi tiết ghi nhớ lại những kỷ niệm trong đời binh nghiệp trước đây của ông.

Nhưng rồi, cuộc đời khó ai biết trước được. Tiếc thay khi tôi viết xong bản thảo bài này ông đã mãn số được 49 ngày!

Thưa bạn đọc, viết xong phần mở đầu, đọc lại thấy có phần dài song tôi nghĩ chắc bạn đọc dễ thông cảm cho cách viết từ tâm mình "nghĩ sao viết vậy".

Vào phần chính bài Cầu Đà Rằng mời bạn đọc lần lượt xem qua các tiết mục:

I. Công trình xây cất Cầu Đà Rằng

II. Lập chương trình khánh thành Cầu Đà Rằng

III. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu kinh lý Tỉnh Phú Yên và khánh thành Cầu Đà Rằng

IV. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu kinh lý phía Bắc Tỉnh Phú Yên

V. Lịch sử Tỉnh Phú Yên (từ năm 1960 trở về trước)

Lời kết

I. Công trình xây cất Cầu Đà Rằng

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngoài việc phải lo đối phó chống trả âm mưu thôn tính Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt, mặt khác phải lo cho đồng bào Miền Nam có đời sống dân chủ, tự do, ấm no, hạnh phúc, không thua kém các nước trong vùng Đông Nam Á. Chính sách kiến thiết Quốc Gia luôn được cải tiến không ngừng ở mọi lãnh vực, trong đó có hệ thống kiều lộ cần được sửa chữa và xây mới cho tới mức đặc tính quốc tế những trục giao thông chính yếu để sử dụng cho các loại xe ngày càng nhiều, trọng lượng chuyên chở và tốc độ ngày càng tăng lên và nhất là lưu thông hai chiều tránh được tình trạng phải chờ từ trước mà những cây cầu cũ xây cất từ thời Pháp chỉ cho lưu thông một chiều.

Cầu Đà Rằng nằm trên quốc lộ 1, dài nhất Miền Nam, thuộc tỉnh Phú Yên, là một trong những công trình xây mới lại vào thời điểm năm 1970, được giao phó cho Tiểu Đoàn 201, Liên Đoàn 20 Công Binh Chiến Đấu thực hiện.

Xin trích đăng nguyên văn phần phỏng vấn của phóng viên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa trong ngày lễ khánh thành với các vị sĩ quan chỉ huy đơn vị Công Binh xây cất cầu Đà Rằng đăng trong Chiến Sĩ Cộng Hòa số 239 ra ngày 1 tháng 3 năm 1971:

Tổ Ủy Hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến Tuy An viếng thăm Tỉnh và Tiểu Khu Phú Yên (Trung Tá Nguyễn Văn Tố Tỉnh Trưởng và Phái Đoàn tại bến xe Tuy Hòa 1973).


Cầu Đà Rằng, được coi là tối tân nhất Việt Nam thuộc quận Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), dài 1.101 thước do Tiểu Đoàn 201, Liên Đoàn 20 Công Binh Chiến Đấu đảm trách. Cầu nằm cách 3 cây số Đông Nam quận Tuy Hòa, bắt ngang qua con sông mà tên đặt cho cầu, dưới chân ngọn núi Tháp Nhạn song song với cây cầu sắt cũ.

Cầu Đà Rằng gồm 59 nhịp với 58 trụ trung gian. Lòng cầu rộng gần 7 thước 50, lề bộ hành rộng 0,90 thước mỗi bên. Trọng tải của cầu là 35-50 tấn và lưu thông hai chiều.

Để được biết một số chi tiết của cây cầu đã làm hãnh diện cho binh chủng Công Binh Việt Nam, chúng tôi đến gặp Trung Tá Lê Văn Lầu, quyền Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 20 Công Binh Chiến Đấu.

Trung Tá Lầu đã tiếp chúng tôi ngay ở đầu cầu. Với dáng người dong dỏng cao, hơi gầy, biểu tượng cho con người ưa hoạt động và ẩn tàng một sức mạnh phi thường, với mái tóc hoa râm và tuổi đời đã khá cao và cũng vì sương gió của công trường, Trung Tá Lầu hướng về cây cầu dài thăm thẳm, cho biết: "Cầu này có 59 nhịp thì gồm 52 nhịp, mỗi nhịp dài 18 thước và 7 nhịp dài 21 thước, mỗi nhịp có từ 5 đến 6 đà dọc. Riêng 58 trụ trung gian được kiến tạo bằng cừ sắt H với mã đầu trụ bằng bê tông cốt sắt. Mỗi trụ trung gian gồm 6 cừ đóng thẳng và 4 cừ đóng xiên. Theo địa thế, cừ được đóng sâu vào lòng đất từ 18 đến 24 thước".

Sau đó Trung Tá Lầu đã giới thiệu chúng tôi với Thiếu Tá Hà Thúc Xáng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 201 Công Binh Chiến Đấu, vị sĩ quan chỉ huy trực tiếp việc làm cây cầu Đà Rằng. Cũng như Trung Tá quyền Liên Đoàn Trưởng 20 Công Binh Chiến Đấu, Thiếu Tá Xáng với màu da sạm nắng, tượng trưng cho một người "hoàn toàn hiếu động". Thiếu Tá Xáng cho biết những khó khăn mà Tiểu Đoàn 201 Công Binh Chiến Đấu "đụng" phải trong thời gian thực hiện cầu là vấn đề tiếp liệu, đặc biệt là các đà sắt lớn. Thiếu Tá Xáng nói: "Ở Việt Nam không có loại đà dài thích hợp cho các nhịp cầu 18 và 21 thước. Do đó, Công Binh Việt Nam đã phải tự hàn nối các đà cầu ngắn thành đà cầu có đủ chiều dài cần thiết. Công tác này phải sử dụng loại cơ giới đặc biệt như máy hàn tự động để thực hiện các mối hàn". Đáp câu hỏi hàn như vậy có chắc chắn như loại nguyên gốc của nó không. Thiếu Tá Xáng khẳng định: "Không những tinh vi mà còn hoàn toàn đảm bảo. Vì mỗi khi hàn xong, các mối hàn đều được kiểm soát bằng máy quang tuyến X".

Để thực hiện cầu Đà Rằng, Thiếu Tá Xáng tiếp, Tiểu Đoàn 201 Công Binh Chiến Đấu phải sử dụng tới 280 quân nhân và ngoài phần quân xa, cơ giới cơ hữu, Tiểu Đoàn còn được tăng cường thêm hai cần trục 40 tấn trang bị đóng cừ diesel 3.400kg và 8.200kg, 3 cần trục 20 tấn thủy động lực, một máy trộn hồ tự động 3 thước khối, hai máy hàn điện hàn tự động, một xe nâng hàng và 6 máy hàn điện.

Về vật liệu, công tác kiến tạo này đã tiêu thụ khoảng 15.600 tấn vật liệu nặng gồm gần 2.000 tấn cừ sắt H loại 14H73, hơn 1.500 tấn đá 1 loại 36W F230 và 36W 150, 2.250 tấn xi măng, gần 4.500 thước khối đất, gần 3.000 khối cát và 970 tấn sắt tròn.

Theo Thiếu Tá Xáng thì công tác thực hiện cầu Đà Rằng không những được coi là vĩ đại nhất của Tiểu Đoàn 201, Liên Đoàn 20 Công Binh Chiến Đấu mà còn là niềm hãnh diện chung của binh chủng Công Binh Việt Nam. Thiếu Tá Xáng cho biết tiếp niềm sung sướng riêng của ông là trong suốt thời gian công tác đã không hề xảy ra một tai nạn nào cho binh sĩ. Trong khi đó, ông nói: "Theo lời đồng bào địa phương thì khi thực hiện cây cầu sắt, tức cây cầu cũ có đường xe lửa chạy qua, mấy trăm công nhân đã bị thiệt mạng".
Thế là kể từ ngày 13-2-1971, đồng bào tỉnh Phú Yên cũng như nhân dân toàn quốc có dịp di chuyển trên quốc lộ 1 ra miền Trung đã có cây cầu mới đẹp nhất, tối tân nhất, lưu thông hai chiều tránh được tình trạng đợi chờ từ trước mà cây cầu cũ chỉ cho lưu thông một chiều. Và cũng kể từ ngày trên, danh hiệu Tiểu Đoàn 201 Công Binh Chiến Đấu cùng với những tên tuổi Trung Tá Lầu, Thiếu Tá Xáng, Thiếu Tá Hiển (Tiểu Đoàn Phó) đã gắn liền với tên cầu Đà Rằng và được ghi sâu vào trí nhớ của người dân quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Riêng đồng bào địa phương, điều làm cho họ vui mừng nhất phải kể là từ nay, hàng năm vào mỗi vụ lụt khỏi sợ có người bị chết oan khi đi qua cầu bị dòng nước cuốn đi như đã từng xảy ra ở cây cầu cũ... (LAN)

Hoàn tất bài viết, khi đọc đến đoạn này tôi sực nhớ đến Đại Tá Dương Công Liêm, nguyên Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 5 Công Binh hiện định cư tại San José. Tôi liền điện thoại hỏi thăm sức khỏe ông cùng gia đình nhân thể biết qua tin tức về ba vị sĩ quan chỉ huy đơn vị Công Binh xây cầu Đà Rằng hiện nay ở đâu? Được Đại Tá cho biết qua tin buồn, vui lẫn lộn như sau:

- Trung Tá Lê Văn Lầu đã qua đời.

- Thiếu Tá Hà Thúc Xáng thăng Trung Tá năm 1971, hiện định cư ở Úc. Đại Tá Liêm mới nhận được thiệp của Trung Tá Xáng chúc mừng mùa lễ Giáng Sinh vào sáng nay (12-12-2012).

- Riêng Thiếu Tá Hiển ông không biết được tin tức gì.

Ít ra tôi còn liên lạc được với Trung Tá Xáng. Khi báo phát hành tôi sẽ gởi biếu ông để làm kỷ niệm. Nhận được báo chắc ông vui lắm!

(Xin nói rõ cấp bậc của Trung Tá Lầu và Thiếu Tá Hiển trên đây là vào thời điểm năm 1971, không rõ cấp bậc cuối cùng là gì).

Những thành quả sau khi xây Cầu Đà Rằng mới

Kể từ ngày khánh thành và sử dụng cầu mới không những giúp cho đồng bào địa phương trong việc giao thông thuận lợi hơn cây cầu cũ rất nhiều, ảnh hưởng tốt cho chính quyền Địa Phương và Trung Ương qua các lãnh vực kinh tế, chính trị và quân sự...

Thắng cảnh du lịch

Cầu Đà Rằng mới là một trong những biểu tượng đẹp thuộc quận Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên.
Khách du lịch khi đến Tỉnh Phú Yên thường thích cảnh trí hữu tình nơi đây.

Từ ngày có cây cầu mới, có nhiều nam thanh nữ tú lui tới hẹn hò, thề thốt trao duyên. Có nhiều mối duyên trở thành chồng vợ cũng từ thắng cảnh êm đềm nơi cây cầu này.

Cầu Đà Rằng hiện xuống cấp trầm trọng

Theo tin từ đồng bào trong nước, kể từ ngày chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hoàn thành cầu mới đã trải qua 41 năm sử dụng. Hiện nay cầu đã cũ, mỗi ngày lưu lượng xe qua lại quá nhiều, có hàng trăm xe vận tải từ 50-60 tấn khiến cho mặt cầu xuống cấp bởi mặt bê tông nhựa đã bong tróc nên tạo ra khá nhiểu ổ gà lớn, nhỏ trở nên gồ ghề. Các khe cao su co dãn đã biến thành rãnh sâu trông vô cùng nguy hiểm.

Thực tế từ sau năm 1975 đến nay việc tu bổ, sửa chữa của Cộng Sản chỉ chắp vá vì không có kinh phí. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu không lường được trong an toàn giao thông và phát triển kinh tế nước nhà.

Thủ bút của Trung Tá Tố ghi nhắc tác giả viết bài Cầu Đà Rằng


II. Lập chương trình khánh thành Cầu Đà Rằng

Đầu tháng 1 năm 1971, văn phòng Tỉnh Trưởng Phú Yên nhận được công điện tối mật của Phủ Tổng Thống với nội dung:

1. Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa sẽ đến Phú Yên chủ tọa lễ khánh thành cầu Đà Rằng, sau đó viếng thăm vài nơi do Tỉnh đề nghị. Thời gian từ 9 giờ sáng và rời Tuy Hòa lúc 17 giờ cùng ngày. Phi cơ DC6/B của Tổng Thống sẽ đáp tại căn cứ Không Quân Đông Tác lúc 9 giờ sáng ngày N. Ngày N cùng Phái Đoàn tháp tùng Tổng Thống sẽ thông báo sau.

2. Phu nhân Tổng Thống cùng tháp tủng Tổng Thống trong cuộc kinh lý có chương trình thăm viếng một số cơ sở xã hội và từ thiện tại Tuy Hòa do Tỉnh sắp xếp, cùng dự lễ khánh thành và dự bữa ăn trưa với Tổng Thống và Phái Đoàn do Tỉnh khoản đãi, sau đó trở về Sài Gòn trước bằng phi cơ riêng.

3. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II Quân Khu 2, Sư Đoàn 22 Bộ Binh và Toán Tiền Sát Phủ Tổng Thống sẽ yểm trợ quý Tỉnh về mọi nhu cầu và phương tiện cần thiết.

4. Chương trình lễ Khánh Thành và Thăm Viếng do đích thân Tỉnh Trưởng soạn thảo. Địa điểm viếng thăm, lộ trình di chuyển bằng đường bộ cũng như trực thăng và các bãi đáp ghi rõ trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 và được đệ trình sớm nhất.

Giữa tháng 1 năm 1971, Đại Tá Võ Văn Cẩm, Chánh Văn Phòng Tổng Thống điện thoại cho Trung Tá Nguyễn Văn Tố, Tỉnh Trưởng Phú Yên: Vì tính chất đặc biệt của cuộc kinh lý của Tổng Thống. Tỉnh Trưởng hoàn tất chương trình kinh lý và đích thân cầm tay mang vào Phủ Tổng Thống gặp Đại Tá Cầm để nhận chỉ thị càng sớm càng tốt.

Sau khi sắp xếp công việc tại Tỉnh và Tiểu Khu, Tỉnh Trưởng Phú Yên dùng Hàng Không Việt Nam vào Sài Gòn ngay. Chương trình thăm viếng và lễ Khánh Thành cầu Đà Rằng kèm theo bản đồ được đệ trình cho Đại Tá Cầm. Sau đó Đại Tá Cầm cho Tỉnh Trưởng Phú Yên biết các chi tiết:

- Các nhân vật thuộc phái đoàn tháp tùng Tổng Thống.

- Phái đoàn gồm bốn bà tháp tùng phu nhân Tổng Thống.

- Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II Quân Khu 2 lo cung cấp đủ trực tăng cho Phái Đoàn sử dụng trong suốt cuộc kinh lý. Chỉ thị cho Công Binh thiết lập khán đài đủ rộng, chắc chắn, có mái che, nền trước khán đài lót bằng những tấm vĩ nhôm trắng, bên trên trải chiếu mới do Tỉnh cung cấp.

- Sư Đoàn 22 Bộ Binh cung cấp đơn vị danh dự dàn chào tại địa điểm lễ Khánh Thành cùng Toán Quốc, Quân Kỳ Sư Đoàn, Trung Đội Quân Cảnh đầy đủ xe jeep. Cung cấp đầy đủ xe jeep tốt để Phái Đoàn sử dụng từ các bãi đáp trực thăng đến các địa điểm hành lễ. Cung cấp ghế ngồi đặc biệt cho Tổng Thống và các VIP ngồi hàng trước cùng ghế ngồi cho quan khách. Thiết lập hai bục trước khán đài (một dành cho Tổng Thống và một cho xướng ngôn viên).

- Cục Truyền Thanh chịu trách nhiệm về hệ thống âm thanh.

- Tỉnh lo chuẩn bị bữa ăn trưa cho Tổng Thống và Phái Đoàn cùng cán bộ Tỉnh, Quận, xã, Ấp, Dân Biểu và Hội Đồng Tỉnh cùng thân hào, nhân sĩ địa phương... sau lễ Khánh Thành cầu. Địa điểm bữa ăn trưa do Tỉnh chọn thuận tiện để sau đó dùng trực thăng viếng thăm quận Sông Cầu.

- Tại quận Sông Cầu, hội trường là nơi tập trung thành phần cán bộ, thân hào, thương gia và đồng bào để đón và tiếp xúc với Tổng Thống.

Đặc biệt, Tổng Thống Thiệu khi ở cấp Thiếu Tá đã tham dự chiến dịch Atlante 1954, sau đó là Tiểu Khu Trưởng Phú Yên đóng tại Sông Cầu nên Tổng Thống muốn đến đây để thăm lại một số thân hào và quan sát sự thay đổi nơi địa phương này. Ngoài những điểm trên, Đại Tá Cầm cũng cho Tỉnh Trưởng Phú Yên biết một số công việc khác phải làm trong dịp Tổng Thống kinh lý Phú Yên.

Vài ngày sau khi trở về Tỉnh, Văn Phòng Tỉnh nhận được công điện mật mã của Phủ Tổng Thống với nội dung chính là chương trình thăm viếng và khánh thành cầu Đà Rằng do Tỉnh đề nghị được chấp thuận hoàn toàn. Ngoài ra Phủ Tổng Thống chỉ thị thêm một vài việc để Tỉnh thi hành.

Được sự chấp thuận của Phủ Tổng Thống về chương trình kinh lý của Tổng Thống tại Tỉnh Phú Yên.

Để chuẩn bị cho chương trình thăm viếng Tỉnh Trưởng/TKT xúc tiến các việc làm tiếp:

- Trình ngay cho Trung Tướng Ngô Du, Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2 để xin yểm trợ các phương tiện cần thiết như đã liệt kê ở phần trên và xin thông báo cho Tư Lệnh Sư Đoàn Bạch Mã Đại Hàn ở Vạn Ninh, Khánh Hòa và Tư Lệnh Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn ở Diêu Trì, Bình Định nhờ chỉ thị hai Trung Đoàn của hai Sư Đoàn này đang chịu trách nhiệm an ninh ở vùng phía Nam và Bắc tỉnh Phú Yên.

Trình Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh để cung cấp đơn vị chào kính, an ninh cùng thêm phương tiện như trình bày ở phần trước.

- Tỉnh Tiểu Khu tổ chức họp hạn chế các Ty, Sở Trưởng liên hệ Tiểu Khu và Quận Chi Khu Hiếu Xương, Sông Cầu, Cố Vấn Mỹ, An Ninh Quân Đội, Quân Cảnh, Cảnh Sát Quốc Gia để phân công, phân nhiệm cho từng đơn vị nhận lãnh nhiệm vụ và hoàn toàn chịu trách nhiệm thi hành.

- Yêu cầu Cố Vấn Trưởng Tiểu Khu thông báo cho Chỉ Huy Trưởng căn cứ Không Quân Mỹ tại Đông Tác biết các chuyến bay của Phủ Tổng Thống lên xuống tại phi trường trước và trong ngày kinh lý của Tổng Thống tại Phú Yên.

- Tiểu Khu Trưởng hoặc Phó liên lạc Đại Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 26 Mãnh Hổ Đại Hàn tại Ghềnh Đỏ (Nam Sông Cầu) và Đại Tá Trung Đoàn Trưởng 28 Bạch Mã đồn trú tại Phú Hiệp (Nam Hiếu Xương) để giúp kiểm soát chặt chẽ ngày đêm vòng đai an ninh xa và gần để ngăn ngừa địch pháo kích tại các địa điểm khánh thành cầu, nơi ăn trưa tại quận Hiếu Xương (thuộc phạm vi Trung Đoàn 28 Bạch Mã). Tại quận lỵ Sông Cầu và phi trường dã chiến phía Bắc Sông Cầu (thuộc phạm vi Trung Đoàn 26 Mãnh Hổ).

- Các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân các Chi Khu Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa, Hiếu Xương gia tăng hoạt động: trinh sát, tuần tiễu, phục kích và hành quân lục soát những nơi nghi ngờ địch hoạt động ngày lẫn đêm. Phối hợp các Chi Cảnh Sát Quận tổ chức hành quân Cảnh Sát thanh lọc theo chương trình Phượng Hoàng...

- P3 và Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu theo dõi chặt chẽ về tình hình địch và bạn, mọi hoạt động an ninh ngày, đêm tại các Chi Khu.

Phái đoàn tiền phương đến Tuy Hòa

Ngày kinh lý và khánh thành cầu Đà Rằng, Phú Yên đã đến.

Sáng ngày N-1 (tức 12-2-1971), một phi cơ quân sự C.130 chở Phái Đoàn Tiền Phương Phủ Tổng Thống đáp xuống phi trường Đông Tác, Tuy Hòa.

Phái đoàn gồm có: Giám Đốc Nha Nghi Lễ Phủ Tổng Thống, một số thành viên thuộc khối Cận Vệ, các Ban Kỹ Thuật, Văn Phòng Nội Chính, một số thành viên chuyên môn khác đến trước để sắp xếp và chuẩn bị cuộc kinh lý của Tổng Thống vào ngày hôm sau.

Nha Nghi Lễ đem Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Lệnh Kỳ Tổng Thống để cắm nơi đầu xe chở Tổng Thống cùng các bảng số gắn trên xe và trực thăng chở Phái Đoàn.

Giám Đốc Nha Nghi Lễ cho Tỉnh biết Phái Đoàn Trung Ương tháp tùng Tổng Thống gồm các nhân vật:

- Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa và phu nhân.
- Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm.
- Chủ Tịch Hạ Nghị Viện Nguyễn Bá Lương.
- Phó Chủ Tịch Thượng Nghị Viện.
- Tổng Trưởng Quốc Phòng.
- Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
- Trung Tướng Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Điều Hợp Phát Triển Trung Ương.
- Tổng Trưởng Công Chánh.
- Cục Trưởng Cục Công Binh.
- Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
- Đại Sứ Cộng Hòa Liên Bang Đức.
- Đại Sứ Đại Hàn Dân Quốc.
- Bốn vị phu nhân tháp tùng Tổng Thống Phu Nhân.

Phái Đoàn bắt tay sắp xếp chỗ ngồi các nơi đón tiếp Tổng Thống và Phái Đoàn tháp tùng tại Phòng Khánh Tiết Tỉnh, khán đài khánh thành cầu Đà Rằng, địa điểm ăn trưa tại Quận Hiếu Xương và địa điểm thăm viếng tại Sông Cầu.

Bộ phận an ninh Phái Đoàn túc trực canh giữ nơi khán đài cho đến khi chấm dứt buổi lễ.
Nhờ sự giúp đỡ của Phái Đoàn Tiền Phương Phủ Tổng Thống mà Tỉnh bớt phần lo lắng đến 60, 70% cho công việc tiếp đón.

Tỉnh Trưởng đã trình bày với toán kiểm soát an toàn thực phẩm: thực đơn ăn trưa cho Tổng Thống và Phái Đoàn Tỉnh đã nhờ bà phu nhân Trung Tá Quận Trưởng Hiếu Xương thực hiện với các món ăn nóng. Chén bát, ly tách, khăn ăn cùng nguyên liệu đều nhờ bà ấy mua sắm và chịu trách nhiệm. Bà rất có thiện chí và nghệ thuật nấu ăn rất ngon.
Đồ ăn cho Cán Bộ Xã, Ấp, Tỉnh cử người vào Nha Trang đặt mua 400 khẩu phần đựng trong hộp giấy, các loại nước uống và nước đá cũng đặt mua tại Nha Trang. Vì lý do an ninh nên không mua sắm tại Tuy Hòa.

III. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu kinh lý Tỉnh Phú Yên và khánh thành Cầu Đà Rằng

9 giờ sáng ngày N (13-2-1971), máy bay của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa đã đáp xuống phi trường Đông Tác, Tuy Hòa. Đón tiếp tại phi trường có Trung Tướng Ngô Du Tư Lệnh Quân Đoàn II, Quân Khu 2, Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, Tỉnh Trưởng Phú Yên, Đại Tá Chỉ Huy Trưởng căn cứ Không Quân Đông Tác và Phái Đoàn Phu Nhân Tỉnh.

Phái Đoàn lên trực thăng qua sự hướng dẫn của Nha Nghi Lễ bay về bãi đáp trực thăng tư dinh Tỉnh Phú Yên.

Tại Phòng Khánh Tiết Tỉnh, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa và Phái Đoàn nghe Trung Tá Tỉnh Trưởng thuyết trình về tình hình bình định, phát triển của Tỉnh. Tổng Thống duyệt xét thành quả theo chỉ tiêu do Trung Ương quy định.

Cùng lúc Phái Đoàn của Tổng Thống Phu Nhân lên xe du lịch và xe jeep đến thăm Bệnh Viện Quân Dân Y Tỉnh Phú Yên, hai Cô Nhi Viện rồi đến khán đài dự lễ khánh thành cầu Đà Rằng.

Rời Phòng Khánh Tiết Tỉnh, Tổng Thống và Phái Đoàn dùng xe jeep đến khán đài được thiết lập phía Bắc sông Đà Rằng.

Sau phần chào đón theo lễ nghi quân cách do Sư Đoàn 22 Bộ Binh đảm trách, Tổng Thống và Phái Đoàn an tọa vào vị trí do Nha Nghi Lễ sắp xếp.

Lần lượt qua diễn văn chào mừng của Trung Tá Tỉnh Trưởng Phú Yên, diễn văn của Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 201 Công Binh Chiến Đấu, đơn vị trách nhiệm xây cầu Đà Rằng. Kế đến là phần nói chuyện của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu mà mọi người tham dự buổi lễ đang mong đợi.

Trích nguyên văn những lời nói chuyện của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa cùng đồng bào Phú Yên tại lễ đài khánh thành cầu Đà Rằng của 41 năm về trước được đăng trong báo Chiến Sĩ Cộng Hòa:

Đứng giữa khán đài tràn ngập màu cờ và biểu ngữ, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa hướng mắt về phía gần 10.000 đồng bào, tươi cười: "Bây giờ đồng bào hãy cùng tôi hoan hô Công Binh Việt Nam". Rồi Tổng Thống giơ cao cánh tay, hô lớn: "Hoan hô Công Binh Việt Nam! Hoan hô Tiểu Đoàn 201 Công Binh Chiến Đấu!". Tiếp theo lời Tổng Thống, hàng ngàn cánh tay giơ cao cùng tiếng hoan hô của đồng bào vang dội cả một góc trời...

Đó là quang cảnh buổi lễ khánh thành cầu Đà Rằng tại Tuy Hòa ngày 13-2-1971, dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, cùng sự hiện diện của phu nhân Tổng Thống, ông Chủ Tịch Hạ Viện, Thủ Tướng Chính Phủ, một số Tổng Bộ Trưởng, Tướng Lãnh thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh.

Sau khi cắt băng khánh thành, Tổng Thống và Phái Đoàn đi bộ trên cây cầu mà chính Tổng Thống đã thốt lời khen ngợi: "Cây cầu dài nhất Việt Nam! Đẹp nhất Việt Nam! Tối tân nhất Việt Nam lần đầu tiên do chính Công Binh Việt Nam thực hiện". Cũng như khi nói chuyện với đồng bào tỉnh Phú Yên, Tổng Thống đã nhấn mạnh: "Nếu đồng bào chưa có dịp đi qua xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, chưa biết cầu xa lộ thì đây chính là xa lộ. Nhưng cây cầu Đà Rằng này còn dài hơn, đẹp hơn cầu xa lộ...".

Kết thúc lễ khánh thành cầu Đà Rằng, Tổng Thống và Phái Đoàn lên xe chạy về hướng Nam đến quận lỵ Hiếu Xương để dùng bữa ăn trưa với Hội Đồng Tỉnh, thân hào, nhân sĩ và Cán Bộ Tỉnh, Quận, Xã, Ấp.

Sau bữa ăn trưa Phái Đoàn Phu Nhân Tổng Thống đến phi trường để về Sài Gòn trước.

IV. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu kinh lý phía bắc tỉnh Phú Yên

Rời địa điểm ăn trưa, Tổng Thống lên xe jeep chạy dọc Quốc Lộ 1 về hướng Bắc độ 15 cây số để đến bãi đáp Phú Hiệp lên trực thăng bay đi Sông Cầu.

Tại quận lỵ Sông Cầu, Tổng Thống đã tiếp xúc nói chuyện với thân hào, nhân sĩ, Cán Bộ Quận, Xã, Ấp và số đông đồng bào đón tiếp. Tổng Thống rất vui và gặp lại vài thân hào mà năm 1954 lúc bấy giờ Tổng Thống là Tiểu Khu Trưởng Phú Yên đóng tại Sông Cầu và tham dự chiến dịch Atlante do quân đội Pháp thực hiện để tái chiếm vùng Pleiku, khai thông quốc lộ 19. Sau đó Tổng Thống viếng thăm thị trấn Sông Cầu.

Rời Sông Cầu, Tổng Thống và Phái Đoàn bằng trực thăng bay về phi trường Đông Tác để trở về Sài Gòn sau một ngày kinh lý.

Mọi sự diễn tiến trôi chảy, không có bất cứ một trục trặc nào xảy ra với kết quả bình an vô sự, kết quả thật tốt đẹp.

V. Lịch sử tỉnh Phú Yên (từ năm 1960 trở về trước)

- Lịch sử: Tỉnh Phú Yên trước kia là đất Chiêm Thành, ở phía Nam Châu Vijaya. Năm 1470, trên danh nghĩa, Phú Yên thuộc về Việt Nam, nhưng mãi đến năm 1611, người Chiêm mới chịu nhường hẳn đất để rút vào Châu Panduranga, tức là Bình Thuận bây giờ. Cho tới năm 1611, Phú Yên chỉ là một phủ của đất Quảng Nam.

- Tỉnh lỵ: Tuy Hòa.
- Vị trí, ranh giới: Đông giáp biển Nam Hải, Tây giáp hai Tỉnh Pleiku và Đắc Lắc, Nam giáp Tỉnh Khánh Hòa, Bắc giáp Tỉnh Bình Định.
- Diện tích: 4.700 cây số vuông.
- Dân số: 337.000 (đa số là người Việt, chỉ có chừng 300 Hoa kiều). Người Ê-đê, Ba-na sống trên miền núi giáp giới Đắc-lắc, Pleiku, Kon-tum, ít giao thiệp với người Kinh. Người Chàm cứ các ngày phiên chợ thì về đồng bằng trao đổi hàng hóa.
- Giáo dục: 4 Trường Trung Học (công, tư), 53 trường Tiểu Học (công, tư, Hoa kiều), 196 lớp bình dân.
- Y tế, xã hội, bệnh viện, bệnh xá: 4 bệnh xá, 3 nhà hộ sinh, 3 tiểu bệnh xá, 1 Hội Từ Thiện Thánh Vinh Sơn, 1 Hội Từ Thiện Phật Giáo, 1 Hội Bảo Sinh, 2 Trại Tế Bần, 3 Nghiệp Đoàn.
- Kinh tế:
+ Nông nghiệp: Lúa: diện tích khai thác 54.000 mẫu, sản xuất hàng năm 60.000 tấn. Bắp: 2.700 tấn. Mía: 18.000 tấn. Thuốc lá: 1.200 tấn. Đậu đen: 900 tấn. Xoài. Đá trắng (ở Chí Thạnh, Tuy An). Bột hoàng tinh ở miền cao nguyên Vân Hòa, Sơn Hòa.
+ Ngư nghiệp: 7.000 dân chài và 3.500 ghe thuyền, 4.000 tấn cá.
+ Công kỹ nghệ: Nghề dệt lãnh hàng năm sản xuất được 26.000 thước; 20 nhà máy xay lúa; nhà làm gạch bông; 1 nhà máy cưa; 2 nhà máy nước đá; nhà máy làm đường ở Quận Tuy Hòa; các nhà làm đường nội hóa theo lối cổ truyền ở Quận Đồng Xuân và Tuy An, sản xuất hàng năm 1.800 tấn; nghề ép dầu dừa ở Sông Cầu sản xuất mỗi năm 20.000 lít. Nghề làm muối tại Lê Uyên và Tuyết Diêm (quận Sông Cầu), sản xuất hàng năm 3.500 tấn.
- Đường sá: 226 cây số.
- Số và tên Quận: 5 Quận: Đồng Xuân (5 xã), Sông Cầu (5 xã), Sơn Hòa (8 xã), Tuy An (14 xã), Tuy Hòa (16 xã).

- Thắng cảnh:

+ Hòn Nầng, tại xã Xuân Thịnh, quận Sông Cầu, là một hòn núi nhỏ nổi lên giữa Đầm Cù Mông. Giữa Hòn Nầng có Miếu Công Thần, lập từ 1802, để thờ một số tướng sĩ trận vong của nhà Nguyễn. Tương truyền hồi bấy giờ vua Gia Long bị quân sĩ Tây Sơn đánh bại, cùng một số bầy tôi trung nghĩa chạy vào đó cố thủ. Bị tuyệt lương, quân sĩ tòng vong đã tưởng phải chết cả, nhưng sau nhờ tìm ra tại đó một thứ củ ăn được, dân địa phương gọi là củ nầng, nên qua khỏi nạn đói. Do đó gọi hòn núi này là Hòn Nầng. Trên đảo, ngoài ngôi miếu cổ ra còn có 55 ngôi mộ xây bằng vôi, và tại Cửa Cù Mông còn vết tích thành lũy quân nhà Nguyễn đã đắp để chống với quân nhà Tây Sơn.

+ Núi Đá Bia (Bi Sơn), tại xã Hòa Xuân, Quận Tuy Hòa. Trên núi có một tấm bia đá rất to, tương truyền dựng từ đời vua Lê Thánh Tôn, để ghi chép công cuộc bình định Chiêm Thành và cảnh cáo quân Chiêm đừng sang quấy nhiễu Việt Nam nữa.

+ Núi Nhạn, tại thị xã Tuy Hòa, cao không tới 50 thước. Trên đồi có ngọn Tháp Chàm không biết xây từ đời nào. Tương truyền ngày xưa trong tháp nhạn ở rất nhiều, nên mới gọi là Núi Nhạn. Bên cạnh tháp có một ngôi miếu thờ Bà Thiên Y A Ha, gọi là Miếu Bà.

+ Đập Đồng Cam, tại xã Sơn Bình, Quận Sơn Hòa, là một công trình nhân tạo phối hợp với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ.

(Tài liệu lịch sử Tỉnh Phú Yên trên đây được trích từ sách Niên Lịch Công Đàn 1960-1961 do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Linh chủ trương, biên tập)

Lời kết

Bài Cầu Đà Rằng bạn đọc vừa xem qua trên đây được tổng hợp từ nguồn tài liệu lịch sử hơn bốn thập niên trước cùng với ký ức của cố Trung Tá Nguyễn Văn Tố nguyên Tỉnh Trưởng Phú Yên ghi lại trước khi ông qua đời với mong ước được phổ biến rộng rãi.

Nội dung kể lại công việc làm của Binh Chủng Công Binh nói chung và Tiểu Đoàn 201 Công Binh Chiến Đấu đã hoàn thành cây cầu lịch sử này trong giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa vừa chống chiến tranh lấn chiếm của Cộng Sản Bắc Việt vừa xây dựng đất nước để phát triển.

Loạt bài không ngoài mục đích giúp cho bạn đọc biết thêm về công tác của Binh Chủng Công Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng hương sinh trưởng hoặc đã làm việc tại Phú Yên trước đây biết qua hoặc hồi tưởng lại một giai đoạn lịch sử của Tỉnh nhà đã sang trang.

Nhân dịp cuối năm 2012 (Nhâm Thìn), kính chúc bạn đọc và gia đình một mùa lễ Giáng Sinh, năm mới 2013 và Tết Tân Niên Quý Tỵ luôn luôn được vui tươi, an lành và tràn đầy hạnh phúc.

Westminster, 12 tháng 12 năm 2012
Hồ Đắc Huân

Liên lạc tác giả: Hồ Đắc Huân, P.O.Box 1711, Westminster, CA 92684

Tài liệu tham khảo:
- Báo Chiến Sĩ Cộng Hòa số 239 ra ngày 1-3-1971.
- Niên Lịch Công Đàn 1960-1961.
- Hồi ức của Trung Tá Nguyễn Văn Tố nguyên Tỉnh Trưởng Tỉnh Phú Yên về lễ khánh thành cầu Đà Rằng 1971.

 

Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Năm 20173:42 SA
Khách
Ba tôi là đại đội trường Đại uý Nguyễn Do từng làm cầu này có chú bác nào biết ba cháu ko?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn