BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73242)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một Kỷ Niệm Khó Quên Trong Đời

12 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2279)
Một Kỷ Niệm Khó Quên Trong Đời
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Năm 1971-1972, tôi học sinh ngữ tại trường Sinh Ngữ Quân Đội, để chuẩn bị cho những ngày đi thụ huấn kỹ thuật ở Hoa Kỳ. Hồi đó, khoá sinh chúng tôi được ở tập trung trong một cái trại, tên chính thức là Trại Khoá Sinh, nhưng nó cũng có một cái tên không chính thức nữa là Tent City.



Tent City hay còn được gọi là “Thành phố lều vải” nói đúng hơn, là một trại lính dã chiến. Sỡ dĩ trại này có cái tên Tent City là toàn trại được thành lập bởi những cái lều vải khổng lồ, một hình thức trại rất phổ thông của quân độI Hoa Kỳ. Tent City được dựng lên cho chúng tôi, những khoá sinh của trường Sinh Ngữ Quân Đội, tạm trú trong suốt thời gian học sinh ngữ. Từ Tent City, khoá sinh đi học, chỉ cần đi bộ qua một cái cổng là tới trường.

Tent City toạ lạc tại một địa danh rất nổi tiếng của vùng Gia Định có tên là Ngã ba Chú Ía. Tôi thực tình không hiểu tại sao nó lại có cái hỗn danh này. Chỉ biết rằng, ngã ba Chú Ía không lạ gì đối vớI bọn thanh niên mới lớn, mấy ông sồn sồn đã có vợ nhưng vẫn thèm của lạ, hoặc những anh lính trận suốt năm tháng sống trong rừng rú lâu lâu mới có dịp về phép tại Sài Gòn.

Rộng khoảng trên dưới chục mẫu tây, chung quanh bao bọc bởi hàng rào kẽm gai, rải rác là những vọng gác cao, Tent City chỉ có một cổng ra vào độc nhất được kiểm soát bởi một tiểu đội Quân Cảnh. Chỉ huy và chịu trách nhiệm toàn trại là Thiếu Tá B., cùng hai ông Đại Uý và hai ông Trung Uý phụ tá.

Trại được chia ra làm nhiều khu, ngăn bởi những con đường tráng nhựa. Mỗi khu gồm khoảng trên dưới chục cái lều vải, mỗi cái được dựng trên một nền xi-măng chữ nhật. Trong lều, hai mươi cái giường sắt hai từng được kê thành hai hàng, mỗi hàng mười cái với một lối đi nhỏ ở giữa.

Trong những ngày tháng sống ở Tent City, tôi có một kỷ niệm rất khó quên, đó là chuyện bị Quân Cảnh “ hốt” về Quân Vụ Thị Trấn. Xin được kể cho các bạn cùng nghe.

Hôm ấy là ngày 29 tết năm Nhâm Tí (đầu năm 1972), tất cả các khoá sinh chúng tôi được thông báo là nếu ai xung phong hiến máu sẽ được hưởng 24 giờ phép. Nghe tin này, hầu hết các khoá sinh trong Tent City đều xung phong hiến máu để được đi phép, vì chúng tôi đã bàn với nhau, tất cả sẽ "dù" luôn cho tới ngày mồng 7 tết, ngày trở lại trường. Chúng tôi lý luận, năm nay, sau khi rời đây, dù cho chúng tôi được đi Mỹ hay đi Nha Trang, sau đó cũng sẽ đi phục vụ tại các đơn vị xa xôi, đây sẽ là cái Tết cuối cùng của chúng tôi tại Sài Gòn, vì thế phải hưởng cái đã, ra sao thì ra. Cùng lắm là bị phạt làm tạp dịch, nhổ cỏ chứ chẳng lẽ họ sa thải hết cả ngàn khoá sinh sao? Vả lại, chúng tôi biết chắc các ngài trung sĩ, thượng sĩ cán bộ, các ngài thiếu uý Đại Đội Trưởng cũng sẽ thay phiên nhau "vắng mặt" như chúng tôi.

Sau khi hiến một bịch máu ở Tổng Y Viện Cộng Hoà kế bên, chúng tôi được phát mỗi người một tờ giấy phép 24 giờ.

Nói đến đi phép, tôi không thể nào không than phiền về hệ thống hành chánh của binh chủng Không Quân nói riêng, và cũng có lẽ cho toàn thể các cơ quan khác trong guồng máy hành chánh Việt Nam Cộng Hoà nói chung. Họ làm việc bê bối không thể tả.

Trong thời gian học sinh ngữ và sống ở Tent City, chúng tôi được đi phép mỗi tuần từ 10 giờ sáng thứ Bảy đến 5 giờ chiều ngày Chủ Nhật hôm sau. Mỗi lần đi phép như vậy, mặc dù có giấy phép hẳn hòi, chúng tôi vẫn nơm nớp lo sợ mỗi khi bị mấy “ngài” Quân Cảnh chặn hỏi. Lý do là vì chúng tôi vẫn còn là khoá sinh, nên chúng tôi không có chứng chỉ tại ngũ, trong người chỉ có một căn cước tạm màu vàng in trên giấy bìa cứng, mặt sau lại chi chít những con dấu mộc của những lần lãnh lương. Khi bị xét hỏi, với tờ giấy phép 24 giờ cùng cái căn cước tạm, chúng tôi thế nào cũng bị làm khó dễ bởi những ngài Quân Cảnh. Truyền thống bất di bất dịch là các ngài Quân cảnh rất có ác cảm với hai binh chủng Không Quân và Hải Quân. Họ cho chúng tôi là lính thành phố, lính kiểng. Họ không nghĩ là chúng tôi cũng là quân nhân như họ, cũng có số quân, cũng lãnh lương chính phủ và cũng làm việc ngày tám tiếng như họ. Trong số anh em chúng tôi, cũng có người vào sinh ra tử, cũng anh dũng đền nợ nước nhưng những binh chủng khác. Đành rằng, nhóm chuyên viên kỹ thuật của chúng tôi chỉ phục vụ nơi hậu cứ, ít nguy hiểm, nhưng thử hỏi, nếu không có chúng tôi, ai bảo trì phi cơ, ai sửa chữa những hư hỏng để những chàng phi công có thể yểm trợ dướI đất bằng không lực? Nếu không nhờ những trái bom, những quả rocket rót trên đầu địch, liệu những chiến sĩ dưới đất có thể kình chống lại một sư đoàn hung hăng của cộng quân hay không? Sau khi làm khó dễ chúng tôi, đôi khi các ngài còn nổi hứng ngang nhiên mang chúng tôi về quân vụ thị trấn, giam giữ chúng tôi, trong khi các ngài phối kiểm với đơn vị liên hệ. Nhiều người bạn cùng khoá của tôi đã bị nằm quân trấn một hai đêm một cách oan ức, để chờ Bộ Tư Lệnh Không Quân đến lãnh về. Đây là một trong hằng trăm chuyện mà chỉ có thể xảy ra trong một nước nhược tiểu.

Một vài nét về Quân Vụ Thị Trấn Sài Gòn.

Quân Vụ Thị Trấn hay còn được gọi tắt là Quân Trấn, là một cơ quan của quân đội, nằm trên đường Lê Văn Duyệt nối dài (nay là đường Cách Mạng Tháng 8), gần công trường Quân Chủ. Cơ quan này có nhiệm vụ tổ chức những toán tuần tiểu hỗn hợp, mỗi toán gồm có một trung đội binh sĩ, một cảnh sát và một quân cảnh dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan cấp úy để đi tuần tiểu vòng quanh Sài Gòn-Chợ Lớn, xét hỏi giấy tờ các thành phần trốn quân dịch, chận bắt các binh sĩ đào ngũ và tuần tiểu an ninh trong vùng. Quân Trấn cũng là nơi tạm giam các anh lính đào ngũ, lính "dù" (lính xuất trại không phép, không phải là quân nhân thuộc binh chủng nhảy dù), lính phạm kỷ luật nhà binh như nhậu nhẹt say sưa, quần áo không chỉnh tề, thanh niên trốn quân dịch v.v... Thường những người bị bắt về đây, nếu họ chỉ "dù" không phép, vi phạm kỷ luật nhà binh, họ sẽ bị tạm nhốt một hay hai ngày rồi chờ đơn vị cho người đến lãnh về. Nếu họ thuộc thành phần đào ngũ, họ sẽ được đưa qua một trại khác, cũng gần đó, chờ ngày ra toà xét xử và thọ án, sau đó bị đưa đi làm lao công chiến trường. Nếu họ thuộc thành phần trốn quân dịch, họ sẽ bị đưa về Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngũ, sau đó sẽ được huấn luyện tại quân trường Quang Trung và khi mãn khoá, họ sẽ được bổ sung vào các đơn vị tác chiến. Vì chỉ là tạm giam, nên những ai bị nhốt ở Quân Vụ Thị Trấn phải tự túc trong vấn đề ăn uống. Muốn có thức ăn, họ phải đưa tiền qua khung sắt chắn cửa sổ, nhờ các em bé hay những người sống trong trại, mua thức ăn, thức uống dùm. Một điều oái oăm là, vì hệ thống hành chánh như rùa bò, nên những quân nhân trú đóng ở Sài Gòn, danh tánh được phối kiểm nhanh, thường thì họ được lãnh ra sớm, ngược lại, những quân nhân thuộc những đơn vị xa xôi, họ phải nằm chờ cả tuần lễ vì danh tánh của họ phải mất một thời gian mới phối kiểm được. Vì vấn đề ẩm thực phải tự túc, nên một quân nhân không có tiền mà đơn vị lại ở xa, thì chỉ có nước nhịn đói hoặc trông chờ vào lòng thương hại của các bạn cùng tù, chia xẻ cho một chút gì ăn uống để cầm hơi.

Đêm hôm đó, đến phiên tôi được nếm mùi Quân Trấn.

Như đã trình bày ở trên, mặc dù tôi đi phép hợp pháp, nhưng khi đi uống cà phê với đám bạn đêm hôm đó, tôi vẫn nơm nớp bị mấy ngài Quân Cảnh "xúc" về Quân Trấn. Lý do là vì tôi không có chứng chỉ tại ngũ, trong khi đó cái căn cước tạm, được in trên một tờ giấy bìa cứng, không được bọc nhựa vì mặt sau được đóng chi chít những con dấu khi chúng tôi lãnh lương, đã hết hạn vài tháng nay mà không ai gia hạn hay cấp cho chúng tôi cái mới. Cái giấy phép tuy có con dấu của Không Quân đàng hoàng, đôi khi vẫn có thể bị mấy ngài Quân Cảnh làm khó dễ.

Khi trên đường từ quán cà phê về, lúc đó khoảng 10 giờ đêm, mặc dù đã rất cẩn thận, chúng tôi cũng bị dính một nút chận trên đường Lý Thái Tổ gần ngã bảy. Khi được hỏi giấy tờ, tôi lo lắng móc tờ giấy phép và cái căn cước tạm đưa cho người Quân Cảnh. Anh ta cầm lấy xem xong rồi hất hàm, lạnh lùng hỏi:

-Chứng chỉ tại ngũ của anh đâu?

Tôi trả lời:

-Dạ thưa anh, tôi vẫn còn là khoá sinh, chúng tôi không có chứng chỉ tại ngũ.

Anh ta hỏi lại:

-Anh là lính sao không có chứng chỉ tại ngũ?

Tôi đáp:

-Dạ, tôi mới vừa thưa với anh, tôi còn là khoá sinh, đang đi học Anh Văn tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội để chuẩn bị đi học kỹ thuật bên Mỹ.

Anh ta lại hỏi:

-Nhà anh ở đâu? Ba má anh làm nghề gì?

-Nhà tôi ở đường Minh Mạng. Ba má tôi buôn bán đồ gỗ.

Nghe tôi nói thế, quay qua người bạn đang đứng kế bên, anh ta chửi thề:

-Đ.M. dân con nhà giàu, lính kiểng.

Nói xong anh quay lại tôi, giọng hách dịch:

-Vậy thì tôi phải mang anh về Quân Trấn (Quân Vụ Thị Trấn) để chờ phối kiểm vì cái căn cước tạm của anh giống như đồ giả. Nếu đích thực anh là quân nhân thực thụ, đơn vị anh sẽ cho người đến lãnh anh về.

Nghe nói tơí Quân Trấn, tôi tái mặt nghĩ thầm: thôi bỏ mẹ rồi! Giờ này có ma nào bên Không Quân đến lãnh mình về, điệu này, đêm nay chắc mình phải ngủ trong "hộp" rồi.

Tôi xuống nước năn nỉ:

-Xin anh thông cảm, đây là lỗi của hệ thống hành chánh của Không Quân, không phải lỗi của chúng tôi.

Mặt lạnh như tiền, anh ta lắc đầu bảo tôi ngồi lề đường chờ, rồi bỏ đi.

Tôi nhắn mấy tên bạn đi cùng (chúng còn được hoãn dịch) giúp về báo cho gia đình tôi biết là tôi sẽ bị vào Quân Trấn đêm nay, sau đó tôi và vài ba quân nhân cùng cảnh ngộ, ra ngồi lề đường hút thuốc, chờ mấy ngài Quân Cảnh mang xe đến chở chúng tôi về Quân Trấn. Đang phì phèo điếu thuốc và suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra trong những giờ phút sắp tới thì anh chàng Quân Cảnh hồi nãy trở lại. Anh ngoắc tôi vào một chổ tối, nói nhỏ, một cách trắng trợn:

-Tụi tui cần một số tiền, anh có đưa, chúng tôi sẽ cho anh đi.

Trời, họ ăn hối lộ một cách công khai vậy sao? Tôi chán nản kêu thầm, ôi phận làm dân của một nước nhược tiểu. Tôi hỏi anh ta:

-Các anh cần bao nhiêu?

Anh đáp gọn:

-Hai mươi ngàn đồng.

Trời đất ơi! Lương khoá sinh của chúng tôi lúc đó khoảng 5 ngàn một tháng, một lít xăng 400 đồng, một ly cà phê 80 đồng, một gói thuốc Casptan hay Ruby 100 đồng. Tiền lính, tháng nào hết tháng đó, hai mươi ngàn đồng là bốn tháng lương, tôi làm gì có số tiền lớn như vậy. Tôi đáp:

-Tôi không có số tiền lớn như vậy, trong túi tôi chỉ có vài trăm. Nếu anh cần, tôi xin biếu các anh hết.

Anh ta nói:

-Tôi nói hai chục ngàn. Anh không có tiền thì về nhà, kêu ông già chi ra. Ông già anh buôn bán đồ gỗ, thiếu gì tiền.

Thế này thì thật là quá lắm. Tôi thà nằm Quân Trấn chứ không cho tiền những thứ ung nhọt của xã hội như những tên lính bất nhân này. Tôi đáp sẵng:

-Tôi không có tiền. Các anh muốn làm gì tôi thì làm. Tôi là quân nhân thực thụ, tôi không phải là dân đào ngũ, các anh bắt tôi về Quân Trấn, ngày mai đơn vị của tôi cũng sẽ lãnh tôi về.

Biết không sơ múi gì được với tôi, anh ta bỏ đi về phía mấy người bạn của anh và nói nhỏ với họ một điều gì. Khoảng hơn tiếng đồng hồ sau, một chiếc GMC trờ tới. Tôi cùng hơn một chục người nữa được lệnh lên xe và được chở về Quân Trấn. Lúc đó, đồng hồ tay tôi chỉ 12 giờ 15 phút.

Đến nơi, sau khi qua những thủ tục hành chánh, chúng tôi được đưa tới chỗ tạm giam. Chúa ơi, tôi không tin vào mắt mình. Trong gian phòng rộng khoảng bằng rưỡi cái garage 2 xe (20ftx30ft), ba vách là tường gạch, trước là cửa sắt chắn song, khoảng chừng vài trăm người đang ngủ, nằm la liệt san sát nhau như cá hộp Sadin. Âm thanh của những tiếng ngáy không cùng giao điệu vang lên từng hồi, hỗn độn. Cuối phòng, góc phải là một cái cầu tiêu hai bàn một lỗ, không cửa, bên cạnh là một bể nước bằng xi măng. Tôi tìm được một chỗ chỉ đủ đứng hoặc ngồi sát song cửa sắt, đưa mắt quan sát chung quanh. Tất cả những chỗ có thể nằm được đều bị chiếm, chỉ còn một khoảng trống nhỏ gần cái cầu tiêu và bể nước. Mặc dù chỗ tôi đứng cách cái cầu tiêu và bể nước một khoảng xa, tôi vẫn ngửi được mùi xú uế của nước tiểu và phân xông lên nồng nặc, đừng nói chi phải nằm gần nó suốt đêm.

Tôi thở dài ngồi xuống tại chỗ, và vì quá mệt mỏi, tôi bó gối gục đầu rồi chập chờn đi vào giấc ngủ ....

Tôi đang chập chờn, nửa tỉnh nửa mê thì bỗng giật mình tỉnh giấc vì tiếng kẻng đánh liên hồi. Nhìn đồng hồ tay, 6 giờ 30 sáng. Tất cả những người trong phòng đều dậy, và lục tục đi về phía bể nước làm vệ sinh hoặc kéo nhau ra sân để đánh răng rửa mặt. Phần đông, trên tay họ đều có một cái ca uống nước bằng stainless steel (loại ca dùng trong quân đội để ăn uống), cùng bàn chải đánh răng, có người còn có khăn mặt nhỏ. Điều này làm tôi rất thắc mắc, vì nếu họ như tôi, bị bắt về đây tạm giam thì làm sao họ chuẩn bị để có những thứ này? Tôi định bụng chút nữa sẽ tìm hiểu điều này. Sau thời gian làm vệ sinh cần thiết, chúng tôi được lệnh sắp hàng tập họp và điểm danh. Điểm danh xong, chúng tôi lại bị lùa trở vào nhà giam.

Khoảng 11 giờ trưa, cánh cửa nhà giam rộng mở, tất cả mọi người lại được lệnh sắp hàng ra sân để lãnh thức ăn trưa. Ngoài cái sân đất rộng, chúng tôi được lệnh sắp hàng tư, lần lượt từng người lên lãnh cơm và canh. Trước mặt chúng tôi là một chiếc GMC đậu quay đuôi, cái bửng phía sau được hạ xuống. Trên sàn thùng xe là hai cái nồi cao (nồi nấu thức ăn trong các doanh trại), tôi đoán là nồi cơm và nồi canh. Hai người lính đứng hai bên nồi, cầm hai cái mui lớn, múc cho mỗi người mỗi thứ một mui. Nhìn những người lính vừa lãnh nhận phần ăn của mình, tôi cảm thấy thật đau lòng. Phần ăn trưa cho mỗi người là một muỗng cơm vàng khè và một muỗng canh bầu. Nói là canh cho có vị, chứ nó chỉ là thùng bầu luộc, không thịt không tôm, họ có thể cho vào thêm chút hành lá và chút muối cho mặn mà thế thôi.

Lại một thắc mắc nữa đến với tôi. Tôi nghe nói là Quân Vụ Thị Trấn không cho ăn uống, thế sao chúng tôi lại được lệnh sắp hàng tư để lãnh thức ăn? Ban sáng, việc những người bị giam ở đây có ca uống nước, bàn chải đánh răng đã là điều tôi không hiểu, giờ lại đến việc đi lãnh thức ăn? Thế này là thế nào? Không thể để những câu hỏi này trong đầu được nữa, tôi quay hỏi người lính đứng cùng hàng cạnh bênh:

-Xin lỗi anh, tôi mới vào đây lần đầu nên không hiểu, tôi nghe nói, ở Quân Trấn mình phải tự túc, tại sao mình lại được đi lãnh thức ăn? Cái ca anh đang cầm trên tay, ở đâu anh có vậy?

Người lính quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt thật lạ lùng, như thể tôi là người từ hành tinh xuống. Anh nhìn tôi một lúc lâu rồi đáp:

-Đây không phải là Quân Vụ Thị Trấn. Đây là trại Phan Đăng Lưu.

Nghe anh nói, tôi giật mình, hỏi dồn:

-Cái gì ? anh nói đây không phải là Quân Trấn? Chỗ này là gì?

Anh chỉ tay về phía trái:

-Quân Trấn phía bên kia. Cách đây vài trăm thước. Trại này là trại Phan Đăng Lưu, nơi giam giữ thành phần phạm tội đào ngũ, đang chờ ngày ra toà xét xử và lãnh án.

Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tôi hỏi:

-Vậy thì các anh là ....

Tôi bỏ lửng câu hỏi vì tế nhị không muốn đụng chạm, nhưng anh tỉnh bơ đáp:

-Cũng như anh, đào ngũ bị bắt.

Tôi lắc đầu trả lời anh:

-Không, tôi không phài là lính đào ngũ. Tôi đang đi phép.

Đến phiên anh tròn mắt, vẻ ngạc nhiên hỏi:

-Anh không phải lính đào ngũ thì tại sao lại vào đây?

Tôi lo lắng đáp:

-Tôi cũng không biết nữa? Tối hôm qua, tôi đi uống cà phê với mấy tên bạn, bị dính nút chặn, mấy cha QC nói giấy phép tôi là giấy giả, nên “hốt” tôi về đây. Tôi tưởng họ đưa tôi về Quân Trấn chờ đơn vị đến lãnh ra. Sao kỳ vậy?

Anh nhìn tôi lắc đầu, thông cảm:

-Tôi cũng không biết tại sao? Anh hỏi họ xem.

Anh vừa nói đến đây thì cũng đúng lúc tới phiên anh lên lãnh thức ăn. Lãnh thức ăn xong, anh quay lại vẫy chào tôi rồi rảo bước ra một góc sân. Đến phiên tôi lên lãnh thức ăn. Người lính phụ trách múc cơm thấy trên tay tôi không có cái ca sắt, hất hàm hỏi:

-Ca sắt của ông đâu?

Tôi đáp:

-Dạ tôi không có ca.

-Cái gì? Không có ca sắt? Ông lấy gì đựng cơm, đựng canh?

-Dạ tôi cũng không biết nữa.

Anh ta chỉ tay, chửi thề:

-Đi kiếm đồ đựng đồ ăn. Đ.M đi lãnh cơm mà không có ca, bộ mấy ông tưởng nhiệm vụ chúng tôi phải mang chén bát cho mấy ông hay sao?

Tôi bước ra khỏi chỗ phát thức ăn mà trong lòng vừa giận, vừa tức, không biết phải làm gì bây giờ. Thế này thì quá lắm. Tôi phải đi tìm người hỏi cho ra lẽ. Tôi quay nhìn quanh dáo dác xem có thấy người quân cảnh, hay sĩ quan điều hành không, thì bỗng nhiên tôi nghe tiếng loa cầm tay gọi:

-Khoá sinh Trần Quốc Sỹ, số quân 72/608142, tới đây trình diện.

Nghe tên mình tôi hô lớn:

-Có mặt

Tôi chạy nhanh về chổ người lính đang cái cầm loa sắt. Anh ta hỏi tôi vài câu về lý lịch để kiềm chứng rồi nói:

-Anh vào thu dọn đồ vật cá nhân, chuẩn bị về Quân Trấn.

À, lúc này tôi mới chợt hiểu. Lẽ ra, tối hôm qua những người Quân Cảnh phải đưa tôi về Quân Trấn, nhưng vì một lý do nào đó không rõ, họ chở tôi về đây. Nơi này là chỗ tạm giam thành phần đào ngũ bị bắt, tôi không thuộc những người này.

Gần 12 giời trưa, tôi và hai người nữa được lệnh lên xe Jeep QC để về Quân Trấn. Sau mười lăm phút lập thủ tục và khai lý lịch, chúng tôi được đưa tới phòng tạm giam.

Không giống như bên trại Phan Đăng Lưu, phòng tạm giam của Quân Vụ Thị Trấn Sài Gòn nhỏ tí xíu. Đó là một căn phòng xây bằng gạch ống bít bùng, tường quét vôi, rộng khoảng bằng một cái phòng ngủ nhỏ (12ftx12ft), nằm riêng biệt tít phía sau trong góc trại. Cửa ra vào là một cánh cửa gỗ, được khoá trái. Bên trong phòng, chia làm hai phần, bên phải là chỗ cho tù tạm giam nằm, ngồi, bên trái là phòng vệ sinh, được ngăn với nhau bằng một vách tường gạch và một lối ra vào không có cửa. Chỗ tạm giam có một sàn xi măng, hình chữ U, rộng khoảng 6 ft (2m), xây cách mặt đất khoảng 6ft (2m), chia căn phòng làm hai từng, dưới và trên. Một cái thang cây, dựa sát vách dùng để leo lên tầng trên. Phía trên sàn xi măng của từng trên, nơi bức vách bên phải và đằng trước là những cái cửa sổ, được chắn bằng song sắt. Trong phòng vệ sinh, bên phải là cầu tiêu, bên trái là bể nước.

Vừa bước chân vào phòng, tôi cũng đã phải nín thở vì mùi xú uế từ từ phòng vệ sinh xông lên nồng nặc. Trong phòng, từng trên và dưới, đã có gần hai mươi người, vừa nằm, vừa ngồi. Vài người đang nói chuyện với nhau, vài người đang hút thuốc, một số đang ngồi trên nền xi măng chung quanh một bàn cờ, số còn lại nằm lim dim ngủ, hoặc ngồi dựa lưng vào tường, mắt nhìn mông lung. Tôi leo lên tầng trên, ngồi dựa lưng gần cái cửa sổ bên vách phải, mong hít thở không khí bên ngoài cho đỡ mùi hôi thối. Một người tù tạm giam, mặc quần đùi, cởi trần, đang nằm gần thấy tôi, ngồi dậy bắt chuyện:

-“Dù” hả?

-Không. Tôi đáp.

-Không "dù" sao vô đây cha nội?

-Tôi đang đi phép thì bị họ hốt vì tôi vẫn còn đang là khoá sinh, chưa có chứng chỉ tại ngũ, căn cước lại hết hạn. Họ nại lý do là tôi mang giấy tờ giả. Họ nói rằng, họ phải tạm giam tôi để họ kiểm chứng về lý lịch của tôi.

Nghe tôi nói, anh văng tục:

-Đ.M tụi nó. Làm ăn như ***.

Tôi thở dài:

-Vẫn biết thế. Nhưng tôi đâu làm được gì? Hy vọng rằng đơn vị của tôi sẽ cho người sang lãnh tôi về ngày hôm nay.

Anh cười:

-Ngày mai, hôm nay trễ rồi. Buổi sáng họ đã lãnh người ra rồi. Ở đây thêm một đêm cũng chẳng sao. Chậm về thì chậm chết.

Nghe anh nói, tôi đoán anh thuộc đơn vị tác chiến.

Anh chợt hỏi tôi:

-Anh nói anh vẫn còn là khoá sinh? Đang học quân sự hả?

Tôi lắc đầu:

-Không, tôi đang học trường Sinh Ngữ Quân Đội.

-Trường Sinh Ngữ Quân Đội? Anh thuộc Không Quân hay Hải Quân?

-Dạ, Không Quân, ngành kỹ thuật. Sau khi mãn khoá, nếu thôi đủ điểm, họ sẽ cho tôi đi thụ huấn tại Hoa Kỳ.

-Sướng dữ ha.

Tôi cười:

-Cũng chưa có gì chắc chắn. À quên, tên tôi là Sỹ, Trần Quốc Sỹ, còn anh?

Tôi đưa tay cho anh bắt. Anh nói:

-Trung Uý Phan Trọng Thanh, Liên đoàn 81 Nhảy Dù.

Như một cái máy, tôi vội đưa tay ngang mày chào:

-Dạ chào Trung Uý, em không biết.

Anh khoát tay:

-Thôi cho xin, bỏ cái đó đi. Tôi có mặc quân phục đâu mà anh chào tôi?

-Nhưng Trung Uý vẫn là Trung Uý. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội.

Anh cười lớn:

-Haha, lính mới khoá sinh có khác. Tôi chỉ hơn anh vài tuổi, đi lính trước anh vài năm, lon lá thời này chẳng có nghĩa gì cả, chỉ hơn nhau cái hên xui. Tôi có thằng bạn cùng khoá, bây giờ nó đã là Thiếu Tá, chỉ vì nó hên không chết. Thôi chú đừng gọi anh là Trung Uý nữa, gọi anh bằng anh được rồi.

Nghe anh nói chuyện cởi mở, tôi cảm thấy vui vui. Ít ra vài tiếng trong này, tôi cũng có người trò chuyện. Tôi hỏi:

-Anh Thanh vào đây lâu chưa? Khi nào đơn vị anh đến lãnh anh về?

-Anh vào đây tối hôm qua, nhưng có lẽ còn ở đây hơi lâu vì đơn vị anh ở xa. Cũng may anh còn được một ít tiền ăn uống, nếu không, như thằng kia thì hốc hác.

Nói xong anh đưa tay chỉ một người nằm co ro, ở tầng dưới. Tôi nhìn rồi hỏi anh:

-Ông đó bị bệnh hả?

-Bệnh gì, đói thì có. Nó ở đây hơn tuần rồi mà không có tiền ăn uống. Anh em trong này thương thì bố thí cho nó một ít cầm hơi.

-Không ai báo cáo với những người có trách nhiệm sao?

-Đ.M. họ biết chứ, nhưng chẳng ai làm gì cả. Thật là bất nhẫn.

Nghe anh nói tới vấn đề ăn uống, lúc này tôi mới cảm thấy bụng đói cồn cào. Tôi hỏi anh:

-Ở đây làm sao mua đồ ăn hả anh Thanh?

Anh chỉ ra cái cửa sổ, đáp:

-Chú kêu lớn vài tiếng, sẽ có mấy thằng nhóc chạy tới. Chú muốn ăn gì bảo tụi nó, xong quăng tiền xuống. Tụi nó đi mua đồ ăn cho chú, cột vào sợi dây này cho chú kéo lên.

Khi ấy, tôi mới để ý đến một sợi dây thừng nhỏ, dài, một đầu cột vào song cửa sắt, đầu kia thòng xuống đất. Tôi lại hỏi:

-Lỡ đưa tiền cho tụi nó, tụi nó “dông” luôn thì làm sao?

Anh cười:

-Thì đói, chứ làm sao. Nhưng tụi nhóc cũng đàng hoàng, chưa giựt tiền của ai cả. Chú đói hả? Để anh gọi tụi nó lại.

Nói xong, anh quay mặt ra cửa sổ, chúm miệng huýt gió. Trong khoảnh khắc, có một thằng bé chạy tới:

-Các chú muốn mua gì?

Tôi ghé mặt sát song sắt nói:

-Cháu mua dùm chú ổ bánh mì, lon nước ngọt, một gói Casptan.

Dường như thằng bé quá quen với công việc này, nó đáp nhanh:

-Hai trăm đồng.

Tôi móc hết tiền trong túi ra đếm được khoảng gần một ngàn. Tôi tính nhanh trong đầu, tôi còn ở đây cho tới ngày mai, với số tiền này, tôi vẫn có thể sống được. Tôi lấy ra hai tờ 100, quăng xuống cho chú nhỏ. Nó cúi xuống nhặt rồi chạy biến.

Một lát sau thằng bé trở lại, la lớn:

-Bánh mì nè.

Rồi nó cột một cái túi ny lông vào đầu giây, giật nhẹ. Tôi kéo sợi giây lên. Trong túi ny lông có ổ bánh mì, lon nước ngọt và gói thuốc Capstan. Thằng bé vẩn đứng dưới nhin lên. Tôi hiểu ý, móc túi lấy 20 đồng và quăng xuống cho nó.

Tôi cầm ổ bánh mì, bẻ một nửa đưa cho Thanh:

-Anh ăn với em?

Anh lắc đầu:

-Không anh mới ăn xong, thì chú vào. Chú cứ tự nhiên.

Tôi thẩy cho anh gói Capstan, hỏi:

-Các anh đi đánh trận chắc gian khổ lắm. Em xem trên TV, thấy cảnh các anh phải mang ba lô, băng rừng, vượt suối thấy tội quá.

Thanh cầm gói thuốc, bóc giấy kiếng bao bên ngoài, rút một điếu rồi quăng trả lại cho tôi. Anh móc túi lấy hộp quẹt Zippo, bật tách một cái, mồi thuốc. Mắt nhìn xa xăm, anh rít một hơi, nhả những vòng khói tròn, giọng trầm, buồn:

-Cái gì rồi nó cũng quen. Lúc còn ở nhà, thịt cá ê hề ăn cũng không thấy ngon. Tới khi vào rừng sâu, đói ăn gạo sấy muối tiêu cũng bá cháy. Hồi xưa, khi mới về đơn vị, sau những lần hành quân, đụng trận, nhìn đồng bạn bị thương hay tử trận, anh thường hay bất mãn với cuộc đời. Nhưng bây giờ thì, anh phó mặc cho số mạng, sống chết là do trời. Hơi đâu mà lo cho mệt.

Tôi vừa ăn bánh mì, vừa hỏi:

-Anh có vợ con gì không?

-Chưa, anh chưa có vợ, chỉ mới có người yêu. Cũng vì lưu luyến, không muốn xa nàng, anh đánh liều ở thêm một ngày, định hôm nay trở về đơn vị, nhưng chưa kịp đi thì tối hôm qua bị "hốt".

-Em cũng bị “hôt'”đêm hôm qua?

Anh nhìn tôi ngạc nhiên:

-Đêm qua chú ở đâu?

-Bên trại Phan Đăng Lưu. Không biết tại sao họ chở em về bên đó, tới trưa nay mới được về bên này.

Tôi vừa dứt câu thì cánh cửa phòng tạm giam mở rộng. Một anh QC, thò đầu vào hỏi lớn:

-Ai là khoá sinh Trần Quốc Sỹ?

Nghe đến tên mình, tôi hô lớn:

-Dạ tôi. Có mặt.

Người QC nói:

-Anh có người nhà đến thăm.

Tôi tuột xuống cái thang cây thật nhanh, phóng vội ra cửa vài đi theo người QC về phòng điều hành. Người nhà của tôi không ai xa lạ mà là anh Tích, ông anh cả của tôi. Nhìn vẻ mặt bơ phờ của tôi, anh tôi xót xa:

-Em có mệt không? Tối qua ngủ được không?

Tôi cười gượng:

-Em không sao. Tối qua cũng nhắm mắt được vài tiếng. Xui quá nên bị vào đây.

Anh tôi đưa tôi một túi xách nhỏ, nói:

-Anh đã liên lạc với bên Không Quân. Họ nói sáng nay họ đã cho người sang lãnh người về nhưng lại không có em. Ngày mai là mồng một tết, họ không đi lãnh. Anh đã yêu cầu họ đến lãnh em chiều nay. Họ nói họ sẽ cho người làm việc đó. Hy vọng em sẽ được về chiều nay.

Nghe anh tôi nói tôi mới nhớ hôm nay là chiều 30 tết. Đêm nay là đêm giao thừa. Tôi mong mấy ông Không Quân giữ lời, tôi không muốn đón giao thừa trong ngục thất.

-Em còn tiền không?

-Dạ còn. Em còn khoảng hơn năm trăm.

Anh tôi móc ví đưa cho tôi thêm một ngàn, dặn dò tôi thêm vài điều nữa rồi giã từ. Tôi cầm túi xách, theo người Quân Cảnh về phòng tạm giam. Anh Thanh thấy tôi về, còn xách thêm một cái túi, cười:

-Bộ chú có "gốc" hả? Ở Quân Trấn mà được thăm nuôi là chuyện lạ.

-Anh cả của em là công chức cao cấp trong chính phủ. Anh quen biết nhiều với mấy ông tướng tá Không Quân. Anh nói, chiều nay bên KQ sẽ cho người đến lãnh em ra.

-A, thì ra thế. Chúc mừng chú. Quen biết nhiều cũng là cái lợi.

Tôi mở túi xách, trong túi là mấy gói thuốc Ruby, một ít thức ăn, một hộp bánh bích quy, một hộp kẹo và một ít trái cây. Tôi khui hộp bánh và hộp kẹo, mời tất cả các bạn tù cùng ăn. Riêng anh chàng đói đang nằm co ro, tôi tặng anh một phần lớn thức ăn trong túi.

Khoảng 5 giờ chiều, cánh cửa phòng lại xịt mở và tên tôi được gọi vì có đơn vị đến lãnh. Tôi bắt tay anh Thanh, chúc anh được nhiều may mắn và cũng không quên chào tất cả các anh em kém may mắn phải đón giao thừa sau bốn bức tường gạch. Đó là lần đầu tiên và lần cuối cùng tôi được nếm mùi Quân Trấn.

Chiếc xe Jeep của QC Không Quân thay vì chở tôi về Tent City, lại đưa thẳng tôi về phòng tạm giam của Sư Đoàn 5 Không Quân mà chúng tôi quen gọi là “ngục thất”. Ở đây, họ cho tôi biết là tôi phải ngủ qua đêm trong phòng giam, sáng mai mới có người đến lãnh tôi về. Vì không muốn đón giao thừa sau những chấn song sắt nên tôi đã cố gắng phân trần với người trung sĩ trực, nài nỉ xin anh làm ơn gọi về Tent City để họ cho người lãnh tôi về. Sau khi nghe tôi trinh bày, người trung sĩ trực, tỏ vẽ thông cảm và hứa sẽ cố gắng. Tôi nằm trong ngục thất đến khoảng gần 11 giờ đêm thì được gọi ra vì bên Tent City cho người qua lãnh.

Chiếc xe Jeep QC về đến phòng điều hành Quân Cảnh của Tent City lúc khoảng gần nửa đêm. Tôi được lệnh ngồi chờ ở căn phòng bên ngoài. Nhìn vào căn phòng nhỏ phía trong, tôi thấy trên mặt đất la liệt những đĩa thức ăn, những lon bia và những chai rượu cùng chén với đũa. À, họ đang chuẩn bị "nhậu" đón giao thừa. Vài anh QC chạy tới, chạy lui lăng xăng sắp xếp. Từ phòng ngoài, tôi có thể nghe được những lời đối thoại của họ bên trong. Giọng một người:

-Ê Tiến, mày gọi anh em đầy đủ chưa? Sắp tới giờ đón giao thừa rồi.

-Rồi, tụi nó trên đường về.

Giọng một người khác:

-Cha bữa nay vui nghen. Đông đủ tất cả.

-Đ.M, đêm giao thừa không đươc ở nhà với vợ con, phải vào đây, không nhậu thì còn gì là đời nữa.

Bỗng một người lên tiếng hỏi:

-Mấy cha nội tính sao với thằng Khoá Sinh mới lãnh về.

Nghe nói tới mình, tôi vểnh tai lắng nghe. Một ngưòi trả lời:

-Thì trả nó về cho Đại Đội của nó.

-Đ.M. có thằng nào dưới đó đâu mà trả. Tụi nó “dù” với “lặn” hết rồi.

-Cha Thiếu Uý V. đâu?

-Chả cũng “lặn” mất tiêu từ chiều.

-Nhưng mà cũng phải trả nó về dưới chứ.

Một giọng khác, cười đểu:

-Tao có ý kiến. Hay là mình cho nó nếm mùi nằm “hộp” đêm nay.

-Chỗ nào mà nhốt nó?

-Thì cái nhà kho đằng sau. Cho nó bị muỗi cắn một đêm, đâu có sao?

-Thôi đi cha nội. Con người ta đâu có tội gì. Làm vậy thất đức chết.

-Đức với không đức. Tại sao hồi đó ông không đi tu, vô quân cảnh làm chi?

-Thôi, tao không can dự vô trò chơi của tụi bay. Tụi mày muốn làm gì thì làm.

-Tao có ý kiến, bây giờ tao lấy bộ bài, rút một lá, nếu là cơ hay rô, mình trả nó về Đại Đội, nếu là Chuồn hay Bích, mình cho nó nếm mùi muỗi quân trường. OK?

Cả bọn dường như cũng đồng tình, vỗ tay khoái chí. Tôi nghe đến đây, người bỗng rụng rời. Trời đất thánh thần ơi, họ đem tôi ra làm trò đùa trong đêm giao thừa. Tôi sẽ bị nhốt cho muổi cắn hay trả về lều là do lá bài họ rút.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ lại một cảnh trong phim "Deer Hunter". Trong phim có đoạn diễn tả về cách đối xử rất tàn nhẫn với tù binh mà người xem phải rùng mình, nổi gai ốc. Đoạn phim chiếu trong một cái nhà sàn được dựng trên dòng sông, một đám quân nhân vài chục người đang nhốn nháo, đứng, ngồi chung quanh một cái bàn, tay cầm những tờ giấy bạc, miệng la hét, cổ võ. Nơi bàn, ngồi trên một cái ghế đẩu là một anh tù binh, mặt không còn chút máu. Một người lính cầm khẩu súng Ru-lô, (loại súng có vòng quay) bỏ một viên đạn vào vòng quay, một tay xoay mạnh vòng cho quay tít, đóng vòng quay và đưa cho anh tù binh. Anh tù binh cầm cây súng, nâng lên ngang thái dương, nhắm mắt và bóp cò. Những người chung quanh hò hét đánh cá với nhau, 1 ăn 6. Thí du, người cá 1000 đồng là viên đạn sẽ nổ khi người tù binh bóp cò sẽ được chung 6000 đồng, nếu nó không nổ, chỉ mất 1000. Trong phim cho thấy sau lần đầu không nổ, viên đạn đã nổ khi một anh tù binh bóp cò súng lần thứ hai. Anh té vật qua một bên, máu từ thái dương anh phun ra từng vòi. Những người thắng cá vui mừng reo hò và xác người tù binh được kéo quăng qua một bên. Một người trong bọn, mở cái nắp hầm dưới sàn nhà, kéo lên một anh tù binh khác, mình mẩy ướt như chuột lột vì bị ngâm trong dòng sông. Trò chơi lại tiếp diễn cho tới khi viên đạn nổ, và một người tù binh khác được kéo lên. Dã man.

Đêm nay, chính tôi lại bị đem ra làm trò chơi cho đám người vô nhân này. Lần này thì số tôi không được may mắn, lá bài họ rút là một con bài đen. Thế là, họ dẫn tôi vào cái nhà kho phía sau phòng điều hành, bỏ tôi vào đó và khoá trái cửa lại. Thật là tránh vỏ dưa, lại đạp vỏ dừa.

Căn nhà kho, làm bằng ván đóng thưa, tương đối rộng mặc dù có nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh vất ngổn ngang. Qua ánh sáng hắt vào những khe hở và lỗ hổng trên vách từ những ngọn đèn bên ngoài đồn, tôi có thể thấy lờ mờ cảnh vật bên trong. Sau vài phút thu dọn, sắp đặt, tôi cũng tạo cho mình một chỗ rộng vừa đủ ngả lưng.

Tôi tự nhủ, cũng không đến nỗi tệ lắm. Cởi quần áo, xếp lại làm gối, tôi ngả lưng trên nền nhà, định đánh một giấc cho đến sáng, ngày mai sẽ hay. Nhưng chưa kịp nhắm mắt thì tai tôi nghe tiếng vo ve, cùng lúc hai cánh tay, hai bắp chân, bụng, ngực tôi bỗng nghe đau nhói. Chết mẹ, muỗi. Không phải một hay hai con mà là một đàn. Chúng bắt đầu tấn công tôi tới tấp. Tôi hoảng quá ngồi bật dậy, đập lia đập lịa, mặc vội lại bộ quần áo, cài các khuy áo cho kín mang giày vớ cẩn thận. Đỡ được cái thân, nhưng vẫn còn cái cổ, cái mặt không có gì che chở. Bọn muỗi đói hung hăng không thể làm gì với bộ quần áo nhà binh của tôi, bèn tìm đến những chỗ không che đậy của thân thể tôi. Chúng bắt đầu tấn công, đầu, cổ, mặt và tai tôi. Tôi chợt nhớ trong túi mình có mấy bao thuốc lá. Tôi lấy một bao, xé lấy ra mười điếu thuốc, bật quẹt đốt cả mười và đặt những điếu thuốc chung quanh. Khói từ mười điếu thuốc toả tràn lan, dù vậy, cũng chẳng ngăn được đàn muỗi đói. Chúng lại hung hăng tấn công tôi. Vừa đập muỗi, tôi vừa than thầm, điệu này làm sao mà ngủ. Trong khi đó, tiếng cười đùa, nhậu nhẹt của những tên Quân Cảnh gác đồn vang lên từng chập bên kia bức vách mỏng. Bất giác lòng tôi sôi lên một nỗi căm hận tột cùng.

Bỗng mắt tôi sáng lên khi tôi nhìn thấy trong góc phòng có hai ba lon sơn lớn (loại 1 galon). Tôi bước tới, cầm một lon lên. Lon sơn nhẹ tênh. Tôi cầm một lon nữa lên, cũng nhẹ tênh. Một lon nữa, cũng vậy. Lon cuối cùng, ah, lon này hơi nặng. Tôi xách mấy lon sơn tới chỗ mình nằm, dùng chìa khoá xe nậy mở nắp từng lon. Ba lon gần hết sơn, một lon còn gần nửa. Tốt, như thế này là đủ. Với bốn lon sơn này, tôi có thể cầm cự với bọn muỗi qua đêm nay (cũng may là hồi đó họ xài sơn dầu, chứ sơn nước như bây giờ thì tiêu tán đường).

Tôi nhặt một tờ giấy, cuốn tròn lại rồi bật quẹt châm lửa đốt rồi bỏ mồi lửa vào một lon sơn gần cạn. Ánh lửa chợt bùng lên, bập bùng. Hơi nóng, mùi xăng, mùi sơn bắt đầu lan toả khiến bọn muỗi đói phải dạt ra. Tôi ngồi duổi dài chân, lon sơn cháy bập bùng bên cạnh, lấy thuốc ra mồi hút rồi mỉm cười với chính mình. Tiếng nói oang oang, cười đùa, chửi thề của những tên Quân Cảnh đang nhậu nhẹt trên kia vẫn vang đều trong đêm vắng.

Tôi ngồi như vậy cho đến khi trời hừng sáng mới thiếp đi.

Khoảng 11 giờ sáng hôm sau, Thiếu Uý V. cho người lên lãnh tôi về. Sau khi nghe tôi trình bày mọi sự, ông nói:

-Tôi rất ân hận những gì đã xảy ra cho anh hôm qua. Tôi sẽ làm báo cáo lên cấp trên về tình trạng giấy tờ của các anh. Thôi bây giờ anh về lều tắm rửa rồi đi ăn. Hôm nay là mồng một tết, nhà bàn có nhiều món đặc biệt để khoản đãi các anh ở lại trại.

Tôi đưa tay chào ông rồi về lều của mình. Tại lều, không một bóng người, tất cả các bạn đồng khoá tôi đều “dù” cho đến sau Tết. Tôi lục sắc- ma-ranh (túi quân trang), lấy quần áo đi tắm. Hai ngày rồi tôi không tắm, ngứa ngáy khó chịu dễ sợ. Dội từng gáo nước lạnh lên người, tôi hồi tưởng lại những gì xảy ra trong gần 40 tiếng vừa qua mà trong lòng không khỏi dân lên nỗi căm giận.

Tắm xong, tôi mặc quần áo chỉnh tề, bách bộ xuống nhà ăn vì nghe nói hôm nay họ có nhiều món đặc biệt. Tới trước cửa nhà ăn, tôi bỗng gặp Thông, một tên khoá đàn em, đang đứng lớ ngớ trước cửa nhà ăn. Thông thấy tôi, ngoắc lại hỏi nhỏ:

-Anh Sỹ, “dù” về không? Hôm nay mồng một tết, cả trại dù gần hết, ở lại đây buồn chết?

Tôi cười, xua tay:

-Thôi đi mày, cho tao xin hai chữ bình an. Tao mới ở Quân Trấn về, dù nữa, nó bắt nữa phiền lắm.

-Tại anh xui thì mới bị bắt thôi. Mấy ngày Tết, tụi QC cũng lo ăn tết, lơ là hơn. Em nhất định dù, ở đây buồn thấy mẹ.

-Nhưng làm sao mày qua khỏi cái cổng gác ngoài kia?

Thông ghé vào tai tôi nói nhỏ:

-Dễ ợt. Em đã móc nối với thằng tài xế chở đồ ăn rồi. Chút nữa nó ra cổng, mình theo nó. Nằm đằng sau thùng xe, phủ tấm poncho lên trên, họ không biết đâu.

Tự nhiên, tôi lại thèm được về nhà ăn Tết với gia đình. Đây là cái tết cuối cùng mà tôi sẽ được hưởng ở Sài Gòn. Năm tới, chắc chắn tôi sẽ không còn lái xe Honda lượn qua các nẻo đường của cái thành phố thân yêu này. Tại sao mình không hưởng cái đã, chuyện khác tính sau. Tôi gật đầu:

-OK, tao đi với mày. Mày có chắc ăn không?

-Đừng lo. Anh đi theo em. Mọi việc em đã dàn xếp.

Thông dẫn tôi đi ra phía sau nhà bàn, gặp một người đàn ông, giới thiệu tôi cùng anh ta. Anh ta dặn dò tôi vài điều rồi bảo tôi và Thông trở lại khoảng nửa giờ. Đúng giờ hẹn, tôi và Thông trở lại. Anh tài xế bảo chúng tôi leo lên thùng xe, nằm áp xuống sàn, giữa những cái nồi cao. Xong anh lấy hai tấm bạt lớn và phủ kín mọi thứ. Nằm im trên sàn xe, tôi liên tưởng tới những phim trinh thám, khi những chàng điệp viên phải dùng phương cách này trốn ra khỏi tù hay doanh trại của địch mà cảm thấy thật hồi hộp, tim đập thình thịch.

Không có gì trở ngại, chúng tôi qua cổng Quân Cảnh một cách dễ dàng. Ra khỏi Tent City, tới ngã ba Chú Ía, anh tài xế dừng xe lại cho chúng tôi xuống. Tôi bắt tay và dúi vào tay anh tờ giấy 100 cùng một bao thuốc lá. Sau đó tôi và Thông đón xe lam về Sài Gòn.

Tôi về đến nhà lúc 2 giờ chiều. Cả nhà tôi reo lên mừng rỡ khi nhìn thấy tôi bước vào. Sau khi thay bộ đồ lính ra, tôi bắt đầu hưởng những giây phút xum họp, vui vẻ thật hạnh phúc với gia đình tôi trong những ngày tết, lẽ dĩ nhiên là tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, không dám bước ra khỏi nhà một bước.

Chiều mồng 6 tết, tôi đón xe lam trở về Tent City. Đêm đó, trong giờ tập họp, Thiếu Tá trưởng trại đã cho chúng tôi bài "moran" dài thậm thượt, và lẽ dĩ nhiên, vì không thể nhốt hay sa thải hết cả ngàn khoá sinh, nên hình phạt nhẹ nhàng của tất cả chúng tôi, những chàng dù về nhà ăn tết, là bị cạo đầu và cúp phép của tuần lễ sau đó.

Quá rẻ, tôi nghĩ thầm. Đổi mấy ngày Tết, xum họp bên gia đình với cái hình phạt này thì quá ư là lời. Tôi chẳng than phiền gì, ngoài chuyện vẫn còn nhớ và còn hận cho cái đêm giao thừa bị muỗi cắn trong cái nhà kho sau đồn Quân Cảnh, trong khi bọn họ nhậu nhẹt tưng bừng phía trước.

Một đêm để nhớ đời, một kỷ niệm thật khó quên.

Trần Quốc Sỹ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn