BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73178)
(Xem: 62205)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tổng Y Viện Duy Tân Trong Cuộc Chiến Chống Cộng (1967-1973)

05 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 1892)
Tổng Y Viện Duy Tân Trong Cuộc Chiến Chống Cộng (1967-1973)
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.73
Dẫn nhập

Tháng 11 năm 1959, sau khi tham dự khoá hướng dẫn về y khoa dự phòng tại Fort Sam Houston, Hoa Kỳ trở về, tôi được Nha Quân Y thuyên chuyển đến Bộ Tham Mưu Quân Đoàn I tại Đà Nẵng. Hồi đó, đối với tôi việc di chuyển từ Saigon ra nơi địa đầu giới tuyến xa xăm là một sự việc quan trọng và không sao tránh khỏi bối rối. Như đọc được suy nghĩ của tôi, y sĩ đại tá giám đốc nha quân y hứa với tôi là sẽ chuyển tôi về lại Saigon sau một năm nếu tôi thích.

Tại bộ Tham Mưu Quân Đoàn I tôi được làm việc với nhiều bác sĩ quân y khác, người đi kẻ đến, kế tiếp thay phiên nhau, riêng có tôi là trụ lại tại Quân Đoàn một thời gian lâu. Đến năm 1967 tôi được thuyên chuyển đến Tổng Y Viện Duy Tân, cách Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I khoảng một cây số.

Cho đến năm 1963, tình hình tại Vùng I Chiến Thuật tương đối yên tĩnh, chỉ có những cuộc hành quân lẻ tẻ cấp Đại Đội hoắc Tiểu Đoàn diễn ra. Nhất là thời kỳ những năm trước 1962, bộ tham mưu Quân Đoàn chỉ chú trọng vào việc giám sát các đơn vị huấn luyện tác chiến. Để hâm nóng tinh thần người lính, bộ tham mưu thường tổ chức các cuộc đi bộ, mang theo hành trang dã chiến vào những buổi sáng sớm về các vùng phụ cận. Người lính quân y tại bộ tham mưu quân đoàn I lúc đó thật vô cùng thanh thản.

Sau một thời gian phục vụ tại Quân Đoàn I, tôi cảm thấy cuộc sống lý thú, ngoài không khí vui vẻ nơi làm việc, được đi đây đó thăm và tìm hiểu nhu cầu của các đơn vị quân y trong Vùng I Chiến Thuật, tôi còn bị quyến rũ bởi phong cảnh đẹp đẽ hữu tình của thành phố Đà Nẵng với dãy Ngũ Hành Sơn, động Non Nước, bãi biển Mỹ Khê, eo biển Tiên Sa, cũng như tính tình hiền hòa, chất phác, hiếu khách của người dân địa phương. Tôi không còn nghĩ đến việc xin thuyên chuyển về Saigon như đã dự tính.

Phi trường Đà Nẵng (1960)


Năm 1965 Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng, đã khiến thành phố này sôi động hẳn lên, kéo theo rất nhiều xáo trộn về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, và cũng từ đó, chiến trận tại Vùng I Chiến Thuật gia tăng cường độ. Tôi thật sự đã rất lo âu khi được lệnh thuyên chuyển từ bộ tham mưu quân đoàn I sang tổng y viện Duy Tân, một phần vì nội bộ đơn vị phức tạp, phần khác trách nhiệm quá lớn lao đang chờ đợi. Cũng may, tôi đã quen thuộc với tổng y viện Duy Tân trong nhiều năm, và được sự tín nhiệm của Cục Quân Y và bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, nên đã vượt qua được những khó khăn ban đầu.

Tổng Y Viện Duy Tân nằm sát cạnh phi trường Đà Nẵng, trên đường đi từ phi trường về thành phố. Đơn vị được lớn lên và bành trướng trong khói lửa chiến tranh, từ một quân y viện 400 giường tăng lên 800 giường và sau cùng mang cấp số của một Tổng Y Viện 1200 giường với trên 800 quân nhân cơ hữu và số thương bệnh binh điều trị hàng ngày thay đổi từ 1200 đến 1800 người.

Doanh trại của đơn vị bao gồm các dãy nhà cũ kỹ nguyên là một phần của cư xá không quân thuộc quân đội viễn chinh Pháp, được tu sửa và cải biến thành một quân y viện. Vì thiếu mặt bằng, nên khi có nhu cầu bành trướng, các công trình xây cất về sau thường chắp vá, không theo một đồ án nhất định nào. Do vậy, ngoại cảnh trông có vẻ ngổn ngang, và sự di chuyển thương bệnh binh giữa các phòng trại gặp rất nhiều trở ngại. Các phòng giải phẫu, săn sóc đặc biệt, các phòng trại, vừa cũ vừa nhỏ hẹp, không xứng với tầm vóc to lớn về số giường bệnh và công tác điều trị. Thêm vào đó, tiếng gầm của phi cơ phản lực lên xuống, tiếng đạn pháo kích của địch nổ đêm đêm đã làm tổng y viện không có được sự yên tĩnh cần thiết.

Một con đường thẳng chạy từ cổng chính đến cổng sau chia đơn vị ra làm hai. Từ cổng chính đi vào, về phía tay phải bao gồm phòng nhận bệnh, khu ngoại chẩn, chi nhánh trung tâm tiếp huyết, khu răng hàm mặt, khu mắt, tai mũi họng, khu quang tuyến X, khu nội thương, khu điều trị gia đình binh sĩ, và trong cùng là nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Về phía tay trái, ngoài cùng là khu lựa thương, rồi đến khu ngoại thương, Niệm Phật Đường, khu xét nghiệm và cơ thể bệnh lý, phòng tiếp liệu y dược. Đi xa hơn về phía trái, sát với phi trường quân sự, gần bãi đáp trực thăng và nhà vĩnh biệt là trại thần kinh tâm lý và khu điều trị bệnh lao. Khối hành chánh chiếm vị trí trung tâm.

Tổng Y Viện Duy Tân là một đơn vị quân y điều trị lớn đứng hàng thứ hai sau Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Saigon. Ngoài nhiệm vụ yểm trợ điều trị các thương bệnh binh thuộc các đơn vị quân đội hoạt động trong vùng I chiến thuật, chạy dài từ tỉnh Quảng Ngãi đến vĩ tuyến 17, do các đơn vị quân y di chuyển đến, tổng y viện còn thâu nhận điều trị cấp 1, cấp 2, cấp 3 các thương bệnh binh thuộc các đơn vị đồn trú trong phạm vi quân trấn Đà Nẵng. Nhịp độ hoạt động của tổng y viện gia tăng theo mức độ sôi động của chiến trường. Theo dõi thống kê nhập viện hàng ngày của thương binh, cũng như các ca phẫu thuật khẩn cấp trong ngày, có thể biết được một cách khái quát hoạt động quân sự trong vùng. Nói cách khác, giữa người lính quân y nơi hậu tuyến và người chiến binh ngoài mặt trận, họ đều có chung sự thử thách và căng thẳng tinh thần ở cùng một thời điểm, có khác chăng là người chiến binh phải chiến đấu trong những điều kiện gian khổ, hiểm nguy và có thể bị thương vong.

Tôi đã có mặt tại tổng y viện Duy Tân trong những thời kỳ mà cuộc chiến tại vùng hỏa tuyến gay go, sôi động nhất, điển hình là biến cố tết Mậu Thân (1968), cuộc hành quân Lam Sơn 719 (1971) và mùa hè đỏ lửa (1972). Vào dịp tết Mậu Thân, Việt Cộng đã lợi dụng lệnh hưu chiến và sự buông thả của quân dân miền Nam trong ngày tết dân tộc cổ truyền, vi phạm thỏa hiệp ngưng bắn, bất thần tấn công đồng loạt vào các tỉnh thành miền Nam. Cộng sản mơ ước có cuộc tổng nổi dậy của dân chúng, nhưng khi gặp sức kháng cự mãnh liệt của dân chúng và quân đội, trước khi trốn chạy, họ không quên trả thù, chém giết nhân dân, và ở Huế, họ đã chôn sống tập thể những người dân hiền lành vô tội một cách hết sức man rợ. Tổng y viện Duy Tân cũng như các đơn vị quân y bạn, trong tết Mậu Thân, không những chỉ lo điều trị thương binh và gia đình họ mà còn phụ giúp dân y điều trị cho cả dân chúng nữa.
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại miền nam nước Lào (tháng 2/1971), theo tôi biết là để trắc nghiệm khả năng hành quân phối hợp đại đơn vị của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, đồng thời cắt đứt đường tiếp liệu huyết mạch, đường mòn Hồ Chí Minh của cộng sản. Cuộc chiến diễn ra ác liệt không ngờ, gây rất nhiều thương vong. Liên đoàn 71 quân y, quân y viện Nguyễn Tri Phương, phải lập các trạm tiền phương tại Đông Hà, Quảng Trị để tiếp nhận thương binh. Vì quân y viện Nguyễn Tri Phương bị quá tải, nên tổng y viện Duy Tân phải nhận trực tiếp thương binh từ mặt trận chuyển về. Một đôi khi cũng tiếp nhận thương binh của các sư đoàn tổng trừ bị như nhảy dù, thủy quân lục chiến, mặc dù các đơn vị này có hệ thống tản thương và điều trị riêng của họ.

Mùa hè năm 1972 (tháng 4) quân chính quy miền bắc vượt sông Bến Hải, dùng xe tăng, đại pháo, ồ ạt tấn công quy mô vào tỉnh Quảng Trị. Dân chúng hoảng sợ, chen nhau chạy về phía thành phố Huế. Cộng sản đã điên cuồng dùng đại pháo bắn vào dòng người di tản, khiến xác người gồm các ông bà già, phụ nữ, trẻ em, nằm la liệt trên đường. Đoạn đường từ Quảng Trị về Huế được mệnh danh là đại lộ kinh hoàng từ đó. Trong cuộc tấn công này, địch đã sử dụng những sư đoàn tinh nhuệ nhất để quyết thắng, nhưng trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hoà tham chiến, địch đã phải tháo lui, để lại rất nhiều thương vong. Các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng chịu nhiều tổn thất, và người lính quân y vùng hỏa tuyến cũng phải trải qua một thời kỳ vô cùng khẩn trương, tinh thần căng thẳng tột độ.

Trong những ngày vừa kể trên, tổng y viện Duy Tân tràn ngập thương binh, có ngày số thương binh nằm điều trị lên đến gần 2000 người. Thương binh nằm ra cả ngoài hành lang, bên trong hội trường. Các bệnh nhẹ phải nằm chung hai người một giường. Khu nội thương thu hẹp lại, dành chỗ cho khu ngoại thương. Bác sĩ và y tá khu nội thương được tăng phái tới trại lựa thương và khu ngoại thương. Các bác sĩ có khả năng phẫu thuật và y tá phòng mổ thay phiên nhau túc trực tại phòng mổ để bảo đảm thương binh được cứu cấp kịp thời. Các trại bệnh được sắp xếp để có giường trống nhận bệnh mới. Ban chỉ huy tổng y viện cũng xin được bộ tư lệnh quân đoàn chấp thuận cho thêm doanh trại. Các thương binh nhẹ được xuất viện về đơn vị sau khi được điều trị. Hội đồng y khoa gia tăng các phiên họp để nhanh chóng giải quyết dứt khoát tình trạng của thương bệnh binh, và giúp giữ vững tiềm năng chiến đấu của các đơn vị. Thương binh loại 1 được trả về đơn vị tiếp tục chiến đấu. hương binh loại 2 làm việc nhẹ và thuơng binh loại 3 được đề nghị ra hội đồng miễn dịch.

Trại lựa thương, tuyến đầu của đơn vị tiếp nhận thương binh, là một trại mới xây cất, nên thoáng rộng và có tiện nghi, được trang bị phương tiện hồi sinh cấp cứu. Có nhiều lúc, thương binh được di chuyển ồ ạt từ mặt trận về, các anh em ở trại lựa thương phải làm việc hết sức khẩn trương. Mầu máu, mùi máu, mùi đất còn thoảng mùi thuốc súng, tiếng kêu rên đau đớn giao thoa cùng tiếng trao đổi giữa những người lính quân y làm phận sự cấp cứu và lựa bệnh, đã khiến cho trại lựa thương có quang cảnh vừa tấp nập vừa thê lương. Có chứng kiến sự đau đớn của thương binh, sự mất mát một phần thân thể, hay những giờ phút chót của cuộc sống của họ, mới nhận thức được một cách đầy đủ sự hy sinh của người chiến binh và không có giá nào có thể trả được. Sự hăng say và tận tâm cứu chữa thương binh của người lính quân y, trong trại lựa thương, nơi phòng mổ, phòng săn sóc đặc biệt, các trại bệnh và phòng ban hỗ trợ, cũng chỉ là sự đáp đền trong muôn một. Tôi đã nhiều lần gần gũi các thương binh khi họ ở tình trạng vô cùng tuyệt vọng. Trong những giờ phút ấy, bên cạnh người thương binh chỉ có người lính quân y. Họ đã ra đi trong đau đớn, cô đơn, thiếu vắng cà người bạn đời. Hàng ngày tôi cứ phải chứng kiến và bất lực trước những cảnh thương tâm ấy, rồi thỉnh thoảng lại phải đọc những mẩu tin chê bai, xuyên tạc người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa và đề cao cộng sản của giới truyền thông thiên tả quốc tế, và người nước ngoài ăn phải ‘bả’ tuyên truyền bịp bợm của cộng sản, tinh thần tôi sao khỏi phẫn uất căm thù?

Trong biến cố tết Mậu Thân, sự lo lắng lớn nhất của ban chỉ huy tổng y viện là sự an nguy của thương bệnh binh, nếu đơn vị bị địch xâm nhập, và những trái đạn pháo kích của địch bắn vào. Thiết lập một hệ thống ẩn núp đạn pháo kích cho một tập thể thương bệnh binh 1800 người và 800 quân nhân cơ hữu của đơn vị không phải là chuyện dễ làm. Tuy nhiên, trong biến cố này, địch đã phải rút ngay ra khỏi bộ tư lệnh quân đoàn vài giờ sau khi tấn kích. Đạn pháo kích bắn vào tổng y viện đã không gây một thương vong nào...

Mối lo thứ hai không kém quan trọng là vấn đề ăn uống, giường nằm và vệ sinh của thương binh khi bệnh viện bị quá tải. Phòng hỏa thực phải theo dõi, cập nhật và tính toán thế nào để kịp thời cung cấp bữa ăn cho thương binh mới nhập viện. 

Mối quan tâm chính yếu khác là việc điều trị, tiếp liệu y dược và máu truyền. Việc quản lý các thương binh bị bại liệt gặp nhiều khó khăn. Loại thương binh này mỗi ngày một đông, lại không thể cho xuất viện được, nên tổng y viện phải tổ chức một khu trại riêng. iệc chăm sóc họ rất phức tạp, vượt quá khả năng của bệnh viện, nên ban chỉ huy phải chấp nhận để cho gia đình ở lại chăm nuôi, săn sóc, phụ giúp y tá. Thuyết phục để họ đồng ý di chuyển về trung tâm bại liệt Vũng Tàu ít khi thành công, vì họ không muốn xa gia đình. Có nhiều khi họ đã đồng ý di chuyển, đã lên danh sách, máy bay chờ sẵn, nhưng vào giờ chót họ lại đổi ý.

Một vấn đề khác làm nhức nhối tim óc là quân lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung và ngành quân y nói riêng, theo truyền thống nhân đạo, đã cứu chữa tù binh cộng sản tại mặt trận, sau đó di chuyển họ về các quân y viện để điều trị tiếp. Tổng y viện Duy Tân dù chật hẹp không đủ chỗ cho thương bệnh binh, nhưng cũng phải dành một trại riêng biệt để điều trị tù thương binh cộng sản. Họ đa số là những người trẻ, bị tuyên truyền nhồi sọ, trở thành những tên ác ôn khát máu một cách đáng thương hại. Có gì mỉa mai, vô lý, bất công cho bằng khi các chiến hữu thương binh phải nằm hai người một giường, hoặc nằm ngoài hành lang, thì kẻ tử thù lại được mỗi người một giừơng, và cũng được điều trị đúng mức không phân biệt.

Khi viết đến đây, tôi không thể không nhớ đến ngày tôi ở trong trại tù cải tạo. Cán bộ trại bắt chúng tôi phải tự kiểm những hành vi tội lỗi của mình, càng thành khẩn càng chứng tỏ đã học tập tốt (!!!) và sẽ được đảng và nhà nước khoan hồng. Sự xảo trá, thâm độc của cộng sản chẳng đánh lừa được ai, nên ai cũng tự kiểm một cách chung chung cho xong chuyện.Thế nhnưng cũng có một vài trường hợp cá biệt nhẹ dạ, cả tin đã nhận tội một cách thành khẩn quá đáng. Tôi suy nghĩ mãi không tìm ra tội lỗi của mình. Khi theo học ngành y khoa, ngoài sự mong muốn được yên ấm tấm thân, tôi mang hoài bão cứu giúp người bị bệnh. Khi trở thành một quân y sĩ, tôi đã điều trị cho cả kẻ thù. Thấy tôi suy nghĩ, người cán bộ nhắc tôi: ‘tội của anh to lớn lắm, anh chữa trị cho các thương binh ‘ngụy’ để chúng quay lại chống phá nhân dân’. Thật mỉa mai! giữa cá nhân tôi nói riêng, các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung và bọn cộng sản, ai là kẻ thù của nhân dân? Ai độc tài khát máu, cướp đoạt quyền tự do, dân chủ của nhân dân? Ai tổ chức và xúi dân đen đấu tố man rợ, giết hàng trăm ngàn nông dân vô tội miền Bắc trong cuộc cải cách ruộng đất? Ai gây ra cảnh huynh đệ tương tàn, gài mìn giữa đường, pháo kích bừa bãi giết hại dân lành? Ai chôn sống người trong các mồ chôn tập thể ở Huế? Ai mớm hơi cho đám trẻ thơ, miệng còn hơi sữa, xông pha nơi mũi tên hòn đạn như những con thiêu thân? Ai điên cuồng áp dụng chiến thuật biển người để quyết thắng, khiến hàng triệu thanh niên phải sinh Bắc tử Nam? Ai chịu trách nhiệm về sự nghèo nàn lạc hậu của đất nước ngày nay? Ai dâng đất dâng biển cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc? Và nhiều tội to lớn khác của cộng sản đối với nhân dân không thể nói hết được.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn cứ thắc mắc là tại sao giới truyền thông quốc tế, các tổ chức nhân quyền, các quốc gia tự do dân chủ lại có thể không để ý tới hoặc quên không nhắc tới những tội ác to lớn của cộng sản đối với nhân dân Việt Nam. Thời gian làm người ta quên sao? Chắc không phải, vì sự tàn ác của Hitler đến nay vẫn còn được nhắc đến. Nhiều tội phạm chiến tranh của thế chiến II, trốn tránh hơn nửa thế kỷ, nay vẫn còn bị phát hiện và đem ra xét xử, mặc dù tuổi đã gần đất xa trời. Cố tổng thống A. Pinochet của nước Chí Lợi bị ra toà vì tội vi phạm nhân quyền mà ông đã phạm phải từ hàng chục năm về trước. Còn như sự bắn giết của người Serb ở Bosnia và Kosovo, so với những gì cộng sản đã làm ở Việt Nam, ít nghiêm trọng hơn nhiều, thế mà các nước Âu Mỹ đã có những phản ứng khá quyết liệt, đưa các người có trách nhiệm ra xử tại tòa án quốc tế. Tại sao lại có sự khác biệt ấy? Hay mạng sống của người Việt Nam không được coi trọng bằng mạng sống của người phương tây? Hay các nước dân chủ tự do, các tổ chức nhân quyền cũng ngán sự ngoan cố và côn đồ của cộng sản Việt Nam? Cộng sản Việt Nam có thói quen phủ nhận ngay tức khắc các tội lỗi nếu bị phát hiện, và đáp lại những ai chỉ trích họ bằng một thái độ trịch thượng, thù địch, với những lời lẽ côn đồ, đê tiện. Nghĩ vậy nên nhiều khi tôi nghi ngờ thiện tâm thiện chí của các quốc gia thường tự nhận là đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền. Đằng sau lời nói ồn ào của họ, có sự tính toán hơn thiệt, có sự chi phối của chính trị, kinh tế và cả chủng tộc nữa.

Cộng sản coi việc chúng tôi điều trị các chiến hữu thương binh là một tội to lớn với nhân dân, nếu chẳng may các thương binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị rơi vào trong tay họ, chắc không còn đường sống. Thảo nào, khi họ tập trung các sĩ quan thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị kẹt lại vào các trại tù cải tạo, họ đã đầy đọa và chẳng ngó ngàng gì đến sức khỏe của các tù nhân. Trại tù Suối Máu, Biên Hòa giam giữ hàng ngàn người, chen chúc nhau trong những ‘láng’ nền đất, vách tôn, ăn bo bo và vài miếng bí luộc với muối suốt tháng cùng năm, điều kiện vệ sinh không có, dịch kiết lỵ lan tràn, dòng người chờ đợi để đến được các nhà cầu lộ thiên, có hàng ngàn ngàn nhặng xanh bay lượn, kéo dài hàng chục thước. Thế mà họ chẳng có mảy may một biện pháp, dù là một viên thuốc trị tiêu chảy. Cả trại chỉ có một tên gọi là ‘y tá’, với hai bàn tay không, chữ nghĩa, khả năng không có, thuốc men cũng không, nhưng hách dịch thì ngoại hạng. Tên này, hàng ngày hai tay bỏ túi quần, đi rảo chung quanh trại để thị oai và để nhận những lời chào hỏi rất lễ phép của những người nịnh bợ. Các bệnh nhân phải tự chữa bằng thuốc do gia đình lén lút gửi vào, nếu chẳng may bị chết, may mắn lắm mới có tấm chiếu rách quấn thân, và được các bạn tù vùi lấp vội vàng nơi khoảng đất trống chung quanh trại.

Trở lại chuyện đơn vị, tôi giữ một kỷ niệm khó quên là quang cảnh và không khí làm việc hăng say, đầy tình đoàn kết anh em tại tổng y viện mỗi khi tình hình sôi động. Tôi vẫn chưa quên những bữa cháo gà giữa đêm cùng một số anh em, sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy mệt nhưng không khí thật ấm tình anh em, tinh thần thoải mái vì đã chu toàn nhiệm vụ giao phó. Kiểm điểm lại, anh em chúng tôi trong quá khứ, dù trẻ tuổi đời, nhưng cũng đã làm nên việc. Các thương bệnh binh tại tổng y viện Duy Tân đã được chữa trị kịp thời và đến nơi đến chốn, giải quyết được sự ứ đọng thương binh khi chiến cuộc leo thang bất ngờ, góp công vào sự giữ vững và nâng cao tiềm năng chiến đấu của các đơn vị quân đội trong vùng I chiến thuật. Tổng y viện đã nhận được nhiều thư khen ngợi và tín nhiệm của các đơn vị bạn, cũng như của các tư lệnh quân đội đồng minh hoạt động trong vùng. Nhiều quân nhân trong tổng y viện đã nhiều lần được ân thưởng các huy chương cao quý của quân đội và dân sự. Một vị tư lệnh quân đoàn I khi đến chủ toạ lễ gắn huy chương cho những quân nhân xuất sắc của tổng y viện đã phát biểu: ‘Các bác sĩ quân y, mặc dầu không trực tiếp đối đầu với địch tại mặt trận, nhưng những hoạt động tích cực và tận tâm cứu chữa các thương binh kịp thời và có kết quả tốt rất xứng đáng được đề cao và tuyên dương công trạng. Những thành tich mà tổng y viện Duy Tân đạt được đã góp một phần không nhỏ vào việc duy trì tinh thần và tiềm năng chiến đấu của các đơn vị trong vùng 1 chiến thuật’.

Kết quả đạt được là do động cơ chống cộng sản, khát vọng lý tưởng tự do dân chủ, nhiệm vụ đối với đồng đội và tình huynh đệ chi binh, đã thúc đẩy chúng tôi hăng say, tận tụy hoàn thành nhiệm vụ.

Thời gian trôi nhanh, thấm thoát đã hơn 30 năm, tôi xa lìa một đơn vị, mà trong đời binh nghiệp đã có nhiều kỷ niệm vui buồn nhất. Ngày nay đơn vị đã mất, anh em cộng sự mỗi người một ngả, kẻ còn người mất, muốn tìm nhau để ôn lại chuyên cũ cũng khó lòng. Tất cả chỉ còn là những kỷ niệm.

Nói về tổng y viện Duy Tân mà không nhắc tới các thương bệnh binh là một thiếu sót lớn, vì thương bệnh binh là đầu mối, là đối tượng phục vụ của người lính quân y. Bây giờ đây, một số đã ra đi vĩnh viễn, một số khác đang sống vất vưởng nơi quê nhà, chịu mọi sự đắng cay và thiếu thốn cả về vật chất cũng như tinh thần, do thù hận và kỳ thị. Một số nhỏ khác có lẽ đang sống một cuộc sống không kém khó khăn tại các nước tạm dung tự do dân chủ. Có thể nói trong cuộc chiến vừa qua tại Việt Nam, các thương binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã thực sự bị bỏ rơi, và bị nhiều thiệt thòi nhất. Biết đến bao giờ các anh hùng tử sĩ, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa mới được chính thức vinh danh trở lại? Còn giờ đây, tuy thời cuộc đã đổi thay, nhưng tôi vẫn tin rằng trong thâm tâm, người dân miền Nam vẫn tôn xưng người lính cộng hòa là những anh hùng vô danh, đã dũng cảm chiến đấu, oanh liệt hy sinh, bảo vệ nhân dân, chống lại bạo quyền cộng sản. Điều này chắc chắn sẽ được lịch sử dân tộc chứng minh.

Phạm Viết Tú
(2008)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn