BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73173)
(Xem: 62202)
(Xem: 39376)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Kỷ Niệm Đời Quân Ngũ

22 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 2041)
Những Kỷ Niệm Đời Quân Ngũ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


Lời nói đầu: tôi đang viết một truyện ngắn liên quan đến đời quân ngũ thì nhận được phone của một chiến hữu cùng đơn vị, Thượng Sĩ Vinh - thường gọi là Vinh Đầu Bạc. Anh Vinh vừa đọc một truyện ký của tôi mang tên Đón Xuân Nơi Tiền Đồn, do đó anh muốn tôi viết tiếp về những tháng ngày Tiểu Đoàn 11 chúng tôi hành quân ở vùng Bồng Sơn-Tam Quan (Bình Định). Sẵn dàn khung cũa câu chuyện cũng liên quan tới khu vực này, tôi gọi cho một chiến hữu khác là Đại úy Trần Cao Chánh để hỏi thêm về một số sự kiện. Viết ký đòi hỏi tính chính xác, bởi đây là tường thuật lại những vụ việc khác với viết truyện cứ thoải mái phiệu ra miễn là đừng bốc cái tôi lên quá để người đọc khỏi hiểu lầm rằng đang “tự sướng” như một huynh trưởng khác từng làm.

o O o


Sau khi ra trường, tôi được về Tiểu Đoàn 11/BĐQ, thuộc Liên Đoàn 2/BĐQ hậu cứ ở Biển Hồ Pleiku. Liên Đoàn 2/BĐQ khi đó là lực lượng tiếp ứng vùng nghĩa là nơi nào chiến sự cần chuyển quân nhanh thì LĐ2 được đưa tới tăng cường, chẳng kể là cho Tiểu Khu hay Chi Khu hoặc Trung Đoàn, Sư Đoàn. Trong 4 vùng chiến thuật Vùng II có lẽ là rộng nhất với 12 tỉnh nhưng lại có tới 7 tỉnh trên cao nguyên và 5 tỉnh dưới đồng bằng. Cao nguyên Vùng 2 lại giáp với Lào và Miên. Từ Kontum, Pleiku qua Phú Bổn, Ban Mê Thuột tới Quảng Đức đều là cửa ngõ xâm nhập của Cộng quân vào chiến trường miền Nam.

Pleiku - 1967


Qua những hành lang nối đường mòn Hồ Chí Minh dọc theo biên giới Lào-Việt-Miên, chúng chuyển quân đội, vũ khí, tiếp liệu để bắn giết đồng bào chúng dưới danh nghĩa Chiến Tranh Giải Phóng Dân Tộc, mà Kontum chính là một địa bàn quan trọng nhất. Kontum cũng còn là một khu vực rất đặc biệt nữa, được gọi là Ngã Ba Biên Giới. Nơi đây là một ngọn đồi không cao lắm nằm phía Tây Bắc cách thành phố Kontum chừng 80 km, cách trại Benhet của TĐ95 /BĐQ khoảng 8km về hướng Tây.

Chiến trường càng sôi động, càng khốc liệt thì những đơn vị tiếp ứng chúng tôi càng bận rộn, càng vất vả. Từ cuối năm 1971 với ý đồ chiếm lĩnh khu vực quan trọng này, Cộng quân đã âm thầm điều động lực lượng đến đây để chuẩn bị Trận chiến mùa hè 1972, khởi sự với trận Polei K’leng. Polei K’leng là 1 làng người Thượng nằm về hướng Tây Bắc thành phố Kontum, cách thị xã khoảng 30km do TĐ 62 BĐQ Biên Phòng trấn đóng, trước đây là một căn cứ Biệt Kích CIDG do người Mỹ xây dựng. Sát ngay trại có 1 phi trường dã chiến lát bằng những tấm PSP. Những công sự trong trại rất kiên cố nhất là hệ thống giao thông hào và những bunker phòng thủ chung quanh trại. VC đã huy động cả 1 trung đoàn với toan tính làm cỏ khu vực này. Chúng liên tục pháo kích, cô lập trại với bên ngoài. Đường bộ không xử dụng được buộc Quân đoàn II phải lập cầu không vận trực thăng để tiếp tế vũ khí và nhu yếu phẩm trong nhiều ngày.

Poleikleng - Kontum


Ngày 23 tháng 11 năm 72, TĐ 11/BĐQ được điều động vô chiến trường, khi phi tuần B52 đánh trúng ngay vị trí của Trung Đoàn 95 thuộc Sư Đoàn 320 của VC. Khi trực thăng đưa chúng tôi vào vùng, từ trên không tôi đã nhìn thấy những dấu tích tàn phá của B52. Đó là một vùng chiều dài khoảng 2km và chiều rộng chừng 500m cây cối bị đốn rạp, rất nhiều những hố bom chi chít tạo nên khoảng trống gần như trần trụi. Đáp xuống mặt đất chúng tôi bắt đầu phát giác những dấu vết của Cộng quân với xác chết và băng cứu thương la liệt. Qua một con suối cạn, chúng tôi khám phá ra vị trí đóng quân của BCH Trung Đoàn địch. Sau một thân cây lớn bị đốn ngã là một hang núi khá lớn lộ ra chính là Bệnh xá dã chiến của trung đoàn này. Những thương bịnh binh VC chưa kịp di chuyển bị chúng tôi bắt làm tù binh trong đó có một nhân vật khá quan trọng mà sau chúng tôi mới được biết là một Chính Ủy VC.

Áp lực địch đương nhiên biến mất và trại Polei K’leng được giải tỏa. Chúng tôi rời vùng và chuyển lên phía Bắc gần Tân Cảnh, cũng bắt đầu chịu áp lực của cộng quân. Qua những chuyến bay quan sát chúng tôi khám phá địch quân đang thiết lập “sạn đạo”. Đó là những con đường được lót bằng cây rừng qua những khu vực đầm lầy hoặc qua suối. Những tin tức quý giá này giúp các nhà hoạch định chiến lược xác định rằng địch đang chuẩn bị mang chiến xa vào chiến trường. Và quả thật, chỉ từ Mùa Hè 1972 trên chiến trường và sau đó là trên các báo chí, các phương tiện truyền thông, Miền Nam Việt Nam mới được nghe nói về T 54, PT 76, đồng thời với những khẩu đại pháo 130 ly. Những khám phá đầu tiên này trên Vùng 2 do chính những trinh sát BĐQ của chúng tôi thu thập và báo cáo về. Chỉ tiếc rằng lúc đó máy chụp hình rất quý, rất hiếm, rất mắc tiền nên những đơn vị tác chiến chúng tôi không được trang bị và vì thế chúng tôi không thể có một tấm hình nào. Các Cố Vấn Mỹ của Tiểu Đoàn lúc đó cũng rất tiếc vì họ không phải là những người đầu tiên chụp được hình và cung cấp cho các cơ quan truyền thông.

Ăn Tết tại Kontum xong chúng tôi được tăng phái cho Lữ Đoàn 2 Dù mới từ Saigon chuyển ra. Ngày 22 tháng Tư năm 72, chúng tôi được trực thăng vận lên đỉnh 1049, còn có tên là căn cứ Delta, để hoán chuyển cho TĐ 11 Dù đang trấn thủ tại. Căn cứ này do Công Binh Dù kiến tạo rất kiên cố. Những hầm lớn được làm từ những tấm PSP. Các đà ngang là những cây trụ điện đường kính cả nửa thước. Phía trên khoảng từ 7-15 lớp bao cát. Có hầm xếp tới 2 tầng lớp bao cát, có lẽ do biết chắc cộng quân sẽ dùng đại pháo và hỏa tiễn 122 ly nên họ phải làm hầm kiên cố như vậy. Quả nhiên, đang bàn giao chúng tôi nhận được hàng loạt pháo từ Tân Cảnh bắn tới!

Căn cứ Tân Cảnh


Tân Cảnh lúc này đã bị Cộng quân chiếm từ hơn nửa tháng trước. Đây là một căn cứ hỏa lực khá lớn của Trung Đoàn 42 thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh, có đủ 2 loại pháo 105 và 155 ly, còn đạn dược có lẽ rất nhiều. Sau khi chiếm được căn cứ này bọn Cộng quân dùng chính vũ khí của ta nã lên đầu mình. Có lẽ các tiểu đoàn Dù là những đơn vị đầu tiên lãnh nhận những hậu quả này.

Tiểu Đoàn 11 BĐQ chỉ để lại 1 Đại Đội giữ căn cứ này, 1 Đại Đội giữ căn cứ Yankee (Yên Thế). Phía sau còn Đại Đội 2 của Trung Úy Huỳnh Trọng Hà và Đại đội 4 của Trung Úy Trần Cao Chánh lại được tăng phái cho chính Tiểu Đoàn 11 Dù giữ căn cứ Charlie. Khi Chalie thất thủ chính ĐĐ 4 của Tr/Úy Chánh đã đón được 6 binh sĩ Dù chạy đến. Tr/Úy Chánh báo đã báo cho BCH Dù, nên họ đã yêu cầu dọn bãi đáp trực thăng để đưa về. Trong suốt 22 ngày đêm phối hợp với Lữ Đoàn 2 Dù, thương vong của TĐ 11 BĐQ là một sự kiện đáng nói. Khi vào vùng với Dù, quân số là 677 người, vậy mà khi rút ra chỉ còn lại hơn 300. Hơn một nửa nếu không bỏ mạng thì cũng để lại một phần thân thể lại chiến trường. Hàng ngày trên các báo cáo gởi Ban 3 Lữ Đoàn 2 Dù, chúng tôi báo cáo đầy đủ (lúc đó do Đại Úy Nguyễn Trọng Nghi, khóa 20 Võ Bị, làm Trưởng Ban).

Cũng cần nói thêm, trong tất cả các thiên phóng sự chiến trường, vai trò của TĐ 11 BĐQ trong mặt trận tại căn cứ Charlie vào tháng 4 -1972 hoàn toàn không được nhắc tới. Dường như Tiểu đoàn 11 BĐQ không hề hiện diện trong trận đánh này. Phải chăng lỗi lầm lớn nhất của BĐQ là đã không có đến nổi một phóng viên chiến trường nổi tiếng cho riêng binh chủng của mình?

Sau khi cùng các đơn vị bạn đẩy lui được cuộc tổng tấn công Mùa hè Đỏ Lửa ở mặt trận Kontum và bàn giao chiến địa lại cho Sư Đoàn 23 Bộ Binh, (Lữ Đoàn 2 Dù được rút ra Vùng 1 tăng cường cho Sư ĐoànThủy Quân Lục Chiến tại Cổ Thành Quảng Trị.) TĐ 11 BĐQ cũng được trả về lại Pleiku vào tháng Sáu năm 72, nghỉ ngơi ít ngày để bổ xung quân số và chiến cụ, rồi lại cùng LĐ 2/BĐQ tăng cường cho mặt trận Tam Quan -Bồng Sơn, thuộc tỉnh Bình Định.

o O o


Nói đến Bình Định vào những năm trước 75 hầu hết mọi người nghĩ đến đây là vùng đất của VC. Quả thật ở những vùng nông thôn hẻo lánh như ở đây, nhà nào cũng có thân nhân tập kết hoặc “mất tích”. Dĩ nhiên tất cả đều là đàn ông. Còn phụ nữ thì dù có đi làm giao liên hay có đi du kích cũng không bị chính quyền địa phương quan tâm lắm, bởi câu trả lời khá dễ dàng “eng đi lấy chồng” hoặc “eng theo trai rồi” vậy là xong. Chẳng ai thắc mắc lấy chồng người địa phương nào sao không làm hôn thú v.v.. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khi đó không muốn bị mang tiếng là hà hiếp khắt khe với dân chúng quá nên chỉ trừ khi bị buộc phải điều tra còn thì các cán bộ địa phương luôn luôn du di, xuề xòa cho xong việc. Đây chính là những sơ hở chết người của chế độ, tạo thêm điều kiện để bọn VC dễ bề xâm nhập hoặc cài người.

Tháng Tư năm 1972, trong khi tỉnh Kontum trên cao nguyên bị 2 sư đoàn chính quy và 2 đến 3 trung đoàn độc lập của Cộng quân Bắc Việt đánh phá, căn cứ Tân Cảnh thuộc Trung Đoàn 47 BB của Sư Đoàn 22 BB bị mất vào tay cộng quân, thì dưới đồng bằng căn cứ Đệ Đức thuộc Trung Đoàn 41 BB, Sư Đoàn 22/BB, tỉnh Bình Định, bị nội tuyến và đặc công VC đánh phá tơi bời. Tuy căn cứ không bị thất thủ như Tân Cảnh nhưng tổn thất cũng rất lớn. Nhiều khẩu pháo 105, 155 và cả chiến xa, thiết vận xa và nhiều loại quân xa, máy móc thiết bị truyền tin bị Cộng quân phá hủy.

Đệ Đức là một căn cứ quan trọng nằm ngay trên Quốc Lộ số 1, cách thị trấn Bồng Sơn chừng 1km và cách tỉnh lỵ Quy Nhơn chừng 60km. Từ đây đi về hướng Bắc chừng hơn 20km nữa là tới ranh giới với tỉnh Quảng Ngãi. Trung Đoàn 41 BB phụ trách một khu vực khá rộng lớn bao gồm toàn bộ quận Hoài Nhơn, Hoài Ân, và An Lão. Trong đó An Lão là một cái gai nhức nhối vì đó chính là mật khu của VC. Do địa thế núi đồi trùng điệp nên quân ta và cả Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn đã nhiều lần hành quân càn quét vẫn nhưng không hoàn toàn bình định được.

Vào tháng Sáu năm 1972, an ninh khu vực này vẫn không có gì khả quan lắm. Bọn VC tuy không dám mở những cuộc tấn công quy mô như ở Kontum, Quảng Trị, Bình Long, nhưng chúng luôn luôn gây quấy nhiễu bằng những trận đánh lẻ, mục đích cầm chân Sư Đoàn 22 dưới đồng bằng. Với chiến thuật này, VC coi như tạm thành công. Hai Trung Đoàn 40 và 41 bị cầm chân trong các căn cứ, biến lực lượng di động trở thành những đơn vị cố định như Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Không chỉ bị cầm chân, các đơn vị bộ binh này thường bị dính những trận tấn công tiêu hao bằng đủ mọi loại chiến thuật từ công đồn, đả viện, phục kích… Đó là lý do để Quân Đoàn II phải điều động lực lượng tinh nhuệ nhất, những đứa con cưng của Quân Đoàn xuống tiếp cứu và đánh dẹp.

Những chuyến C130 cất cánh từ phi trường Cù Hanh, Pleiku đưa đoàn quân trang phục rằn ri chúng tôi đáp xuống phi trường Phù Cát, Bình Định. Từ đây, chúng tôi phải di chuyển về hướng Bắc thêm 25km nữa mới tới Bồng Sơn để bắt tay với Sư Đoàn 22BB. Mặc dù Bình Định là một tỉnh đồng bằng nhưng thực ra chỉ có phía Đông quốc Lộ 1, phần giáp với biển, là đồng bằng thôi. Còn phía Tây cũng là những đồi núi, àng vào sâu, vào xa đồi núi càng cao càng hiểm trở, và các mật khu VC thường ở đó. Những trận chiến ác liệt mà đơn vị tôi đụng độ với Cộng quân cũng thuộc khu vực này.

Tiểu Đoàn tôi di chuyển theo tỉnh lộ 634 tiến về phía Tây. Con đường này có lẽ trước đây có tráng nhựa, nhưng do lâu năm không được tu sửa lại bị đám xe be chở cây tàn phá nên giờ đây chỗ nào còn tốt thì giữ được một lớp đá trên mặt, còn thì trơ đất, ổ trâu ổ gà đầy khắp nơi. Chúng tôi nhận ra nó là tỉnh lộ chỉ hoàn toàn nhờ bản đồ và những dấu tích còn lại của một con đường. Thỉnh thoảng một chiếc xe cơ giới chạy qua như muốn giới thiệu nền văn minh còn thì toàn xe thổ mộ do trâu bò kéo, cũng có khá nhiều xe đạp được chế biến thêm để có thể thồ hàng hóa.

Những xóm làng chúng tôi đi qua đều trong tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Đã gần qua ¾ của thế kỷ 20, nhưng vùng này ánh sáng đèn điện chưa được rọi tới. Nhà cửa hầu như toàn bộ là nhà tranh vách đất trống hoác, tài sản cũng chẳng có gì. Dân ở đây vẫn giã gạo bằng cối đá với những cái chày dài cả 2 thước. Đôi nhà có cối giã bằng chày đạp chân, và thỉnh thoảng bắt gặp một cái cối xay đắp bằng đất, ngoài là tre cật. Họ có thói quen gạo ăn ngày nào giã ngày đó chứ không trữ gạo và hầu hết đều ăn độn khoai mì khô! Nghề chính của dân ở đây là làm rẫy, nhưng theo kiểu người Kinh, nghĩa là làm ruộng cao, khác với cách làm rẫy của người Thượng trên cao nguyên. Ruộng của họ cũng được cày, cuốc, bừa cẩn thận trước khi gieo hạt. Ngoài ra còn thêm một nghề phụ nữa là đốn củi.

Ra khỏi xóm làng chừng vài ba cây số là rừng, nhưng chỉ toàn những cây con, còn những cây gỗ lớn đã bị khai thác từ thuở nào đó rồi. Họ đốn củi cũng chỉ bằng những cây rựa. Cây rìu giống như cha ông của họ đã làm từ trước hoặc nếu gặp cây to thì cũng dùng những lưỡi cưa tay cá mập do hai nguời kéo. Mặc dù lúc này người Mỹ đã mang vô Miền Nam rất nhiều cưa máy loại nhỏ cho một người xử dụng, chính phủ cũng đã nhập rất nhiều loại cưa như vậy của các nước khác như Pháp, Đức, Đài Loan hoặc Nhựt Bổn, nhưng học không hề biết đến. (Có lẽ vì quá nghèo chăng?) Tên các máy cày như John Deer hoặc Kubota đã trở nên quá quen thuộc với nhà nông, các loại máy nổ Koler 5, Koler 7 cũng đã thay người bơm nước vào ruộng hoặc thay mái chèo với cái “đuôi tôm” gắn phía sau lướt sóng rẽ nước ào ào, vậy mà nông dân ở đây vẫn sinh hoạt theo kiểu bán khai của đầu thế kỷ!

Sau này khi tìm hiểu kỹ lưỡng chúng tôi mới té ngửa ra rằng, mặc dầu trong nhà có người tập kết hoặc được móc nối “vô bưng” nhưng người dân ở đây hoàn toàn không muốn sắm sửa cái gì, bởi họ không muốn bị “cống hiến” cho “cách mạng”. Nhà nào có máy móc có công cụ sản xuất hiện đại, thậm chí là cái radio cái đồng hồ đeo tay cũng được cán cán bộ chiếu cố tận tình để yêu cầu “đóng góp cho cách mạng”. Thực ra, bọn chúng cố tình đẩy những người nông dân chất phác vào cảnh khốn cùng rồi tuyên truyền rằng đó là hậu quả do chính quyền của VNCH và Mỹ, và chúng mới là người “giải phóng” nhân dân khỏi vòng kềm kẹp đó. Những người dân cúi đầu trước áp lực của họng súng, của mã tấu lưỡi lê nên không dám phản kháng. Nhưng họ cũng nhận thấy sự phi lý sau những lời tuyên truyền đường mật, nên họ luôn chạy về hướng của ta nhờ che chở. Phía chính quyền cũng biết rõ điều đó, nhưng khả năng bảo vệ dân có hạn, không thể gom dân vào một chỗ như kiểu “ấp Chiến Lược” thời Đệ Nhất Cộng Hòa, mà để dân sống thoải mái thì lại không đủ lực lượng để bảo vệ.

Từ Quốc Lộ 1 đi vô, Tỉnh lộ 634 dài khoảng hơn 15 km. Cuối con đường là hồ nước Hội Sơn khá lớn, thuộc xã Phú Ninh. Hồ này là một vùng đất trũng giữa những đồi thấp chung quanh, dài khoảng hơn 3 cây số và ngang chừng nửa cây số. Ba mặt còn là những ngọn đồi cao chưa tới 100 mét. Cư dân chỉ sanh sống ở phía Nam của hồ. Những ngọn đồi này cũng thoai thoải, ít đá và còn rất nhiều cây rừng. Nhờ vậy mà đám lính cao nguyên chúng tôi đỡ khổ vì sự khác biệt khí hậu. Khác với Pleiku “buổi chiều quanh năm là mùa Đông”, nơi đây dưới đồng bằng 10 giờ đêm cũng còn nóng rát da, nhất là hè. Gió thổi từ hướng nào cũng mang đến những cái nóng ghê hồn, gió từ biển: nóng, gió từ lục địa (gió Lào): càng nóng. Chính vì thế khi di chuyển trong rừng cây, chúng tôi lấy lại được phong độ, vì rừng cây ngoài bóng mát còn là người bạn che chở, bảo vệ. Người lính trên cao nguyên luôn biết cách di chuyển, dù luồn lách qua những chướng ngại vật nhưng họ luôn giữ đúng hướng di chuyển. Núi đồi khu vực này tương đối thấp và thoai thoải, ít dốc nên di chuyển dễ dàng, mặc dù vậy đề phòng những cạm bẫy mà bọn du kích cộng quân thường dùng, chúng tôi cũng phải quan sát rất cẩn thận, do đó tốc độ tiến quân không nhanh.

Chiều hôm sau, rời khỏi những cánh rừng, chúng tôi cũng ra đã đến được xã Nghĩa Điền, một xã hẻo lánh trong vùng núi non mà ngay cả trung tâm cũng chưa tới 50 nóc nhà. Trụ sở xã là một căn nhà gạch có hàng rào cũng bằng gạch quét vôi trắng phía trước với một cổng chào trên có bảng hiệu Ủy Ban Hành Chính Xã Nghĩa Điền. Tấm bảng loang lổ nhiều chỗ tróc sơn chứng tỏ đã khá lâu không tu sửa. Dĩ nhiên cũng có một trụ cờ Quốc Gia, mặc dù không cao lắm. Xã không có trường học, cũng chẳng có bệnh xá và cũng chẳng có chợ. Tất cả đều tập trung tại xã Bình Sơn phía trên. Tuy vậy xã này cũng chẳng sầm uất gì, chỉ hơn được là có vài quán cóc bán rượu đế và thuốc rê. Dân ở đây cũng chưa có ý niệm gì về cà phê, tuy họ có được nghe nói hoặc có được thưởng thức khi đi chợ huyện. Còn thì họ không bán hoặc không biết pha chế. Ngay cả thuốc điếu thì Mélia, Bastos là quá sang rồi, Ruby và Capstan cũng chẳng ai đủ tiền để hút.

Đóng trong vùng 3 ngày, chúng tôi cho quân lục soát chung quanh khu vực trong tầm kiểm soát của súng cối 81 ly. Cái khó cho chúng tôi là đơn vị không nằm trong tầm yểm trợ của Pháo Binh bởi địa bàn quá lớn. Địch quân không lường được vì chúng nghĩ những đơn vị rằn ri ắt hẳn hỏa lực phải hùng hậu ghê lắm. Nhưng chính những cây súng cối lại yểm trợ rất đắc lực vì các trận đụng độ cấp số địch quân cũng không lớn.

Từ Tỉnh Lộ 630 chếch hướng Đông Bắc rồi đổi lên hướng Bắc để nối vào Tỉnh Lộ 629 chúng tôi đã ở sau lưng căn cứ Đệ Đức. Đây là một khu đồng bằng hẹp, xóm làng tương đối đông đúc. Điều đặc biệt là có khá nhiều Thánh Thất Cao Đài tại hầu hết các làng. Đình miếu trong khu vực này hầu như không mấy khi thấy, mà nếu có thì biết làng đó không theo Cao Đài. Những làng Cao Đài tương đối an ninh, vì tín hữu Cao Đài luôn chống cộng. Trong những làng Cao Đài họ tổ chức khá ngăn nắp, đường phố sạch sẽ, nhà cửa cũng khang trang hơn, có nhiều nhà gạch nhà ngói hoặc ít ra thì cũng mái tôn, thỉnh thoảng cũng thấy vài ba cây ăng ten TV cao ngất ngưởng. Mặc dù đài TV của thị xã Quy Nhơn chỉ tiếp vận đài Sàigòn, nhưng như vậy cũng đủ thấy ánh sáng văn minh khác hẳn với vùng chúng tôi vừa qua trước đó một tuần.

Trong lúc Tiểu Đoàn chúng tôi nhổ cái gai phía sau lưng cho Trung Đoàn 41 Bộ Binh thì Liên Đoàn 2/BĐQ đã kéo lên phía Bắc và lập căn cứ ngay thị trấn Tam Quan. Đây là một khu vực sầm uất dọc theo Quốc Lộ 1 dài chừng hơn 2km và ngang cũng khoảng 500m. Nhà cửa xây dựng khang trang. Những nhà mặt phố đúc bê tông cốt thép cao 2, 3 tầng cửa sắt kéo, không khác các thành phố lớn. Thị trấn có nhà máy phát điện cung cấp điện 24/24 và có đủ mọi tiện nghi công cộng. Căn cứ của LĐ2/BĐQ nằm sâu phía Tây bên trong QL1 chừng 100m, có một pháo đội hỗn hợp 105 ly và 155 ly, cộng thêm một chi đội thiết giáp M41. Về phía Tây chừng 10 km là các ổ VC ở các xã Tuy An, Hoài Châu, Hoài Hảo và xa thêm chừng 5 km nữa chính là Mật Khu An Lão. LĐ2 BĐQ lập căn cứ ở đây chính là nhắm bình định khu vực này. Tiểu Đoàn chúng tôi tiếp tục theo Tỉnh lộ 629 tiến lên phía Bắc để phối hợp với Liên Đoàn. Lúc này chúng tôi đã ở ngay sát cạnh Mật Khu An Lão rồi. Vùng núi này cũng không lấy gì cao, và khu vực chung quanh cũng chẳng lấy gì là hiểm trở. Nhưng dọc theo Tỉnh Lộ chúng tôi đã thấy chi chít hố bom trên các sườn đồi, dấu tích chiến trận còn bỏ lại bên xác các chiến xa GMC hoặc Thiết Vận Xa M113 nằm dọc bên đường.

An Lão là một quận miền núi của Bình Định, cách thị xã Quy Nhơn gần 100 km, giáp ranh với quận Ba Tơ-Quảng Ngãi và phía Tây gối lên Pleiku, bọn Cộng Sản Bắc Việt gọi vùng này là Liên Khu 5, đây là một thung lũng trải dài trên 20 km và chiều ngang khoảng 4 km cách Quốc Lộ 1 khoảng 30 km, nghĩa là ngoài tầm tác xạ của Pháo Binh từ Tam Quan, Bồng Sơn, Hoài Nhơn... Mặc dù An Lão là một đơn vị hành chánh cấp Quận của VNCH, nhưng lại là một trong những khu vực kém mở mang nhất nước. Kể từ năm 1964 nơi đây trở thành một vùng xôi đậu, an ninh chỉ có trong khu vực Chi Khu với sự trú đóng của một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân, buôn bán kém cỏi, hệ thống giao thông lạc hậu. Chi Khu và Quận Lỵ nằm ngay trên Tỉnh Lộ 629 lúc nào cũng có thể bị gián đoạn bởi chiến sự hoặc mìn bẫy.

Liên Khu 5 của VC thực ra lại bao gồm cả phần lãnh thổ bên quận Ba Tơ, Quảng Ngãi nữa nên còn gọi là Liên Khu Nghĩa Bình, cũng là điểm tập kết của cộng quân khi ký Hiệp Định Genvève. Sư Đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn đã nhiều lần hành quân trong vùng nhưng hoặc là chạm súng ác liệt hoặc là chỉ phá hủy được một ít công sự chiến đấu rồi khi rút đi tình hình lại đâu vào đấy, Trung Đoàn 41 BB cũng trong trường hợp tương tự, khi VC đã chuẩn bị sẵn sàng thì chúng đánh còn nếu không chúng rút qua Quảng Ngãi hoặc Pleiku. Chưa có một cuộc hành quân đại quy mô nào đtại đây, thành thử nó vẫn như một cái ung nhọt của tỉnh Bình Định và của Sư Đoàn 22 Bộ Binh.

Do được cung cấp tin tức tình báo từ trước nên khi vào vùng, Tiểu Đoàn đã hết sức thận trọng. Điều đó quả nhiên không thừa, khoảng 3,4 giờ chiều đơn vị đang di chuyển bỗng thấy một thằng bé chừng 14, 15 tuổi đang ngồi trên lưng trâu dật dờ tiến gần. Chuyện thằng bé và con trâu thì không có gì đặc biệt bởi đây là vùng quê. Nhưng dưới con mắt những chiến binh nhà nghề thì có cái gì đó bất thường, bởi ở vùng này trẻ chăn trâu thường ở độ tuổi từ 10-12 và chúng thường đi chung với nhau chăn cả đàn ít là 5, 3 con chứ không đi một mình và chỉ chăn 1 con. Hơn nữa tuổi thằng này cũng không còn là tuổi chăn trâu nữa. Khi chúng tôi kêu nó đứng lại, quả nhiên thằng nhỏ giựt mình (đúng là có tật giựt mình!).

Nó ú ớ hỏi,

- Mấy ông gọi tui làm chi?

- Thì kêu mày có chút việc.

- Tui bận chăn trâu, không rảnh để nói chuyện với mấy ông.

Nói xong nó định bỏ đi, Một người lính giơ tay cản nó lại,

- Ê, mày tính giỡn mặt hả, nhảy xuống nói chuyện với tao coi!

- Mấy ông tính ăn hiếp con nít hả. Tui la làng à nhen! Thằng nhỏ tỏ ra bướng bỉnh.

- Thì mày la đi, rồi giờ mày có xuống không!

Người lính tiến lại định kéo nó xuống khỏi lưng trâu thì thằng nhỏ vừa la vừa vung roi quất cho trâu chạy. Con trâu hung hăng xông bừa vào những người muốn cản đường nó, buộc những người lính phải nổ súng bắn hạ. Khi con trâu gục xuống, hất thằng nhỏ văng xuống đất. Mấy người lính đã đến lôi nó dậy, kiểm soát thấy nó không có thương tích gì nhưng nó vẫn giả đò bất tỉnh,

- Ê, không ngồi lên đàng hoàng tao tạt nước à nhen.

Nó vẫn giả đò không trả lời. Một sĩ quan đến và nói, “đưa nó về BCH Tiểu Đoàn”. 3 người lính khác bèn nắm 2 tay 2 chân nó khênh đi, lần này thì nó vùng vẫy đòi đứng dậy rồi lý sự,

- Bộ tôi là con heo sao mấy người khiêng dzậy, bắt đền con trâu cho tui!

Những người lính đặt nó xuống đất bắt nó phải đi theo đến gặp BCH TĐ, nó bù lu bù loa nhất định không chịu đi. Vị sĩ quan đến giải thích cho nó hiểu,

- Em cứ đi theo mấy người này lên gặp mấy ông ở trển rồi họ giải quyết. Ở đây không ai có tiền đền cho em cái gì hết.

Nhưng nó nhất định không nghe, cứ một hai đòi về nhà và đòi bồi thường con trâu, nó viện lý do là đi chăn trâu thuê, chết trâu về chủ đánh. Vị sĩ quan vẫn hhỏ nhẹ với nó,

- Em cứ đi theo mấy anh này lên đó trình bày. Em còn nhỏ tuổi người ta sẽ cho em về. Còn chuyện bồi thường thì để bên xã, bên quận người ta giải quyết chứ ở đây là lính đi hành quân không có ai mang tiền theo để giải quyết chuyện gì.

Dù nói vậy nhưng thằng bé vẫn lì lợm không chịu nhúc nhích, cuối cùng vị sĩ quan phải ra lệnh,

- Trói nó lại, lôi cổ nó đi.

Biết rằng cái màn ăn vạ không có hiệu lực với mấy ông lính đầu đội nón sắt quần áo rằn ri lựu đạn đeo đầy người, thằng bé giả vờ gượng đứng dậy. Vị sĩ quan đến gần nó và dặn bảo nó,

- Em nghe đây, bây giờ những người này đưa em đi gặp cấp chỉ huy của anh. Em phải ngoan ngoãn đi với họ, chống cự hoặc bỏ chạy là họ bắn gãy giò như con trâu nằm kia kìa, đến đó họ hỏi gì phải trả lời đàng hoàng còn như hỗn hào hoặc không chịu khai báo thì không yên với họ đâu. Em nhớ chưa, thôi đi đi.

BCH Tiểu Đoàn lúc đó không có Sĩ Quan Trưởng Ban 2, mọi công việc ngoài hành quân đều do SQ Trưởng Ban 3 là Đ/úy Phan Hồ Hải đảm trách. Tuy từng là 1 ĐĐ trưởng nhiều kinh nghiệm nhưng Đ/úy Hải lại là con người hiền lành, ít nói lúc nào cũng vui vẻ, và rất có lòng thương người vì thế khi nhận được tên tù binh nhí ông tỏ vẻ áy náy không biết phải giải quyết thế nào.

Rất may theo TĐ hành quân có một Thường Vụ TĐ. Đây là một HSQ kỳ cựu nhất của TĐ từ những ngày đơn vị còn đồn trú tại Đà Nẵng. Ông đi từ lính lên tới Thượng Sĩ nên rất có uy với lính. Ngoài chức vụ Thường Vụ của Tiểu Đoàn, ông còn đảm nhiệm luôn chức Trung Đội Trưởng Vũ Khí Nặng và trông coi luôn đám Lao Công Chiến Trường được bổ xung cho Tiểu Đoàn. Thượng Sĩ Hóa có khuôn mặt khá dữ nhất là khi ông quát nạt. Vì vậy, khi tên nhóc chăn trâu được đưa tới gặp ông nó không dám lộn xộn nữa. Dù không phải đánh đập, tra tấn hay hăm dọa nó cũng tự động khai hết. Nó chính là một giao liên có nhiệm vụ bám sát Tiểu Đoàn để dò tìm thực lực như quân số, vũ khí, tên đơn vị... rồi sau đó báo cáo cho một người ở xã An Dũng cách đây khoảng 3 km. Những tin tức quý giá được chuyển về cho Liên Đoàn qua Công Điện Khẩn để tìm cách tóm gọn nhóm Quân Báo VC còn tên VC nhí phải để lại với TĐ vì buổi chiều không có trực thăng vào vùng.

Sáng hôm sau một trực thăng được phái tới để đưa tên VC nhóc đi. Chi Khu An Lão cũng muốn được khai thác tên nhóc này nhưng Liên Đoàn không đồng ý và sẽ giao lại cho Sư Đoàn 22 BB sau khi biết những tin tức cần thiết. Buổi chiều thì nhóm quân báo VC ở An Dũng cũng được đưa về, gồm đủ 1 tổ 3 người, nhóm này trước đó đã bị chính quyền địa phương nghi ngờ nên khi thám báo Chi Khu đến đã bắt chúng trước khi kịp trốn. Ngay lập tức TĐ11 BĐQ chúng tôi được lệnh điều động qua khu vực xã An Dũng và những khu vực lân cận như xã An Hòa, An Nghĩa.

Để thanh lọc thêm, cuộc hành quân được phối hợp Cảnh Sát và có cả những chú Quân Khuyển chuyên về tìm kiếm. Chúng tuy to lớn nhưng lại rất hiền lành, mỗi con do 1 binh sĩ dẫn dắt. Bộ mặt hiền hòa an lành của làng quê giờ đây không còn nữa, dưới cái mũi của những chú quân khuyển cả một hệ thống giao thông hào dần dần lộ diện với chiều dài lên đến cả 5, 600m nối từ nhà nọ qua nhà kia. Những con chó nhà nghề xác định dưới những địa đạo đó còn có người ở. Dù chúng không biết nói nhưng qua cách diễn tả bằng cách khịt mũi hoặc cào móng bằng 2 chân trước người lính chỉ huy đã hiểu chúng muốn diễn tả điều gì. Đây là vấn đề hết sức nan giải, làm cách nào có thể bắt được những người ở dưới để đưa lên khai thác! Hệ thống giao thông hào chằng chịt và bọn VC chắc chắn sẽ tấn công một khi chúng ta xuống đó.

Một lần nữa, quân khuyển đã tìm thấy gần 50 lỗ thông hơi và những cửa hầm. Thẩy lựu đạn xuống các cửa hầm và cho người canh giữ, bên dưới vẫn êm re. Mặc dù lựu đạn dù gây sát thương rất lớn nhưng bọn VC không ngu dại gì, chúng có những ngách hầm để tránh sức công phá. Hay dùng lựu đạn cay? Nhưng chúng tôi lại không kịp trang bị mặt nạ phòng hơi độ. Hơn nữa kế hoạch là bắt sống, lựu đạn cay có thể sẽ khiến “bọn chuột nhắt” đó chết hết. Sau cùng tôi đề nghị dùng khói màu! Khói màu là một công cụ để đánh dấu vị trí, đám truyền tin chúng tôi có khá nhiều, nó không độc nhưng mùi diêm sinh cũng chẳng dễ chịu chút nào. Nếu ai bị ngộp mà hít thêm khói vào chắc chắn sẽ rất khó thở. Chúng tôi dùng bao cát chặn những lỗ thông hơi lại, sau khi đổ thêm nước lên những bao cát để tạo thêm độ kín, rồi thẩy xuống 1 trái khói màu, chừng 5 phút sau thẩy thêm trái nữa rồi ngồi chờ! Kết quả không tồi, sau chừng nửa giờ chúng tôi bắt đầu nghe những tiếng ho, rồi những tiếng hắt hơi liên tục,

Thiếu Tá Ngô Văn Mai, TĐ Trưởng TĐ 11, cười ha hả,

- Ê Họa Mi, kết quả rồi đó. Công nhận hay thiệt, ai dạy ông trò chơi này dzậy?

- Tôi ném cả trăm trái rồi. Ngoài chỗ trống còn chịu không nổi mùi khói thì dưới hầm làm sao chịu cho thấu, trâu bò bỏ vô đó còn chết nữa nói chi con người!

Rồi từ một miệng hầm chúng tôi nghe tiếng một người lính la lên,

- Quẳng súng ra trước, người ra sau!

Một người đàn ông chừng 30 tuổi cởi trần, mặc một chiếc xà lỏn chui ra từ miệng hầm sau khi đã thẩy ra một cây AK 47 bá xếp. Hắn ốm nhom người nhễ nhãi mồ hôi, lốm đốm từng mảng xanh đỏ như ngụy trang, rõ ràng đây là chứng tích của khói màu. Hắn bước đi ngắc ngư như người say rượu, dáng mệt mỏi rã rượi xen lẫn sợ hãi.

Hạ Sĩ Cảnh, cận vệ của Th/tá Mai nắm cổ hắn hỏi,

- Còn mấy thằng dưới đó?

- Dạ, 9 người.

- Có cấp chỉ huy nào không?

- Dạ, có.

- Được rồi, lát nữa mày nhận diện nghe chưa?

- Dạ.

Cách đó chừng 50m lại một nhóm chui ra, người cũng lọ lem như chui từ ống khói ra. Tên nào tên nấy cũng lờ đờ như cá lên cạn, bạc nhược như lũ xì ke. Nhìn bọn cán binh CS tôi tự hỏi “Lũ hung thần của Miền Nam đây sao?” Những tên tù binh này ốm đói khác hẳn những bọn cán binh chúng tôi bắt được trên cao nguyên. Bọn đó ít ra còn có một bộ đồ trên người, còn bọn này thì không. Hầu hết chúng mặc quần xà lỏn cởi trần, có một tên trong bọn mặc bộ bà ba nâu bạc, tôi chỉ và hỏi tên tù binh bắt được lúc đầu,

- Phải thằng này là xếp bọn bay không?

Hắn gật đầu xác nhận. Tổng cộng chúng tôi gom được 47 tên chứ không phải chỉ 9 tên như hắn khai, hỏi lại thì hắn nói “tổ của hắn có 9 tên.” Tôi biết nó nói dối nhưng chúng tôi cũng không muốn truy vấn thêm. Trong số này có một con bé mặt búng ra sữa chừng 15, 16 tuổi cũng mặc bộ bà ba đen bạc phếch vừa đi vừa quẹt nước mắt, thỉnh thoảng lại gập người xuống ọe. Tôi nghĩ thầm “chắc con nhỏ đang có bầu” và nói với Thiếu Tá Mai. Ông quay lại hỏi Thiếu Úy Hà Ngọc Anh, Sĩ Quan Trợ Y Tiểu Đoàn,

- Phải con nhỏ có bầu không, Sáu mướp?

- Chắc vậy rồi Vô Kỵ, mắt dân nhà bảo sanh làm sao lầm được!

Thực ra tôi có bà cô mở nhà bảo sanh ở ngoài thị xã Pleiku, thỉnh thoảng xuống phố có ghé thăm bả, còn ngoài ra chẳng dính dấp gì tới vụ thai nghén, sanh đẻ, nhưng bạn bè trong đơn vị cứ gán cái từ “dân nhà bảo sanh” cho vui. Thiếu Tá Mai ra lệnh đưa con nhỏ lại, tôi đánh đòn tâm lý,

- Hình như con nhỏ này đang có bầu, thôi cho nó về đi!

Có lẽ cô ta nghe được, tôi thấy mắt nó sáng lên, mặt mũi tươi hơn bớt vẻ sầu khổ sợ hãi. Thiếu Tá Mai hỏi nó,

- Phải cô đang có bầu không?

Cô ta lí nhí,

- Dạ.

-Theo bộ đội bao lâu rồi?

- Dạ mấy tháng,

- Làm gì?

- Giao liên và hộ lý.

- Nghĩa là sao?

- Dạ liên lạc chuyển giao tin tức và cứu thương.

- Có làm gì khác nữa không?

Nó im lặng một chặp rồi lắc đầu.

- Chồng có ở đây không?

Nó gật đầu ngó vô đám tù binh ngồi ngoài sân phía xa rồi lại lắc.

- Đâu, thằng nào chỉ coi rồi cho tụi bay về luôn.

- Dạ, không biết là ai! Nó ngập ngừng một chặp rồi lắc đầu.

- Sao dzậy?

- Dạ, có mấy người cháu đâu biết là ai. Tối nào cũng có người ngủ với cháu làm sao cháu biết.

- Sao lạ dzậy?

- Họ nói cháu ủng hộ, con đẻ ra mai mốt bộ đội nuôi.

- Tất cả bao nhiêu người về đây? Còn ai nữa không? Súng ống đâu hết rồi?

- Dạ, tất cả 47 người đều ở đây cả. Súng ống cháu không biết nhưng hình như bỏ dưới ao.

Chúng tôi nghĩ cô ta nói thật, bởi từ lúc bị thẩm vấn cô ta không hề được quay ra tiếp xúc với đám tù binh nam, riêng chuyện vũ khí có thể cô ta không biết luôn bởi lẽ nhiệm vụ cô ta xét ra không có gì đặc biệt để có thể biết.

Đây là một Đại Đội Địa Phương mới “tập kết” đến khu vực này để chuẩn bị “ăn thua” với đám Mũ Nâu chúng tôi thì bị lộ! Thiếu Tá Mai ra lệnh cho xuống các ao mò vớt vũ khí. Quả nhiên thâu được một số vũ khí cộng đồng, trong đó có một cây cối 82 ly và khá nhiều đạn dược, tất cả được gói kỹ trong các lớp giấy dầu ngoài trét đầy mỡ bò rồi bọc thêm một lớp bao nylon dầy. Quay ra ngoài hỏi đám tù binh,

- Còn ai dưới hầm nữa không? Nếu không chúng tôi thẩy hơi độc xuống chết hết ráng chịu.

Đám cán binh VC lắc đầu, chúng tôi gọi người mặc bộ bà ba nâu bạc vô thẩm vấn,

- Anh tên gì? Bao nhiêu tuổi? Chức vụ gì ở đây?

Ông ta không trả lời. Hạ sĩ Cảnh thộp cổ định đánh, tôi cản lại,

- Cứ kệ hắn, lát nữa trong công điện gởi đi, tôi sẽ lưu ý thằng này.

Chúng tôi đang nói chuyện thì máy báo cho biết Liên Đoàn sẽ đưa trực thăng đến để di chuyển tù binh và chiến lợi phẩm về căn cứ. Vài phóng viên của Sư Đoàn cũng đi theo để phỏng vấn Tiểu Đoàn. Lát sau, quả nhiên 2 chiếc trực thăng tới, một chiếc đáp xuống chở theo 5 tù binh và 2 người lính áp tải. Chiếc còn lại cover trên bầu trời, khi chiếc này lên thì chiếc kia đáp xuống mang thêm 5 tù binh và 2 người lính áp tải nữa rồi cùng bay đi. Sau 5 chuyến thì số tù binh được chuyển đi hết. Đám phóng viên chiến trường xuống để chụp hình đám tù binh và chiến lợi phẩm. Họ chú ý nhiều đến những con quân khuyển hơn những chiến binh chúng tôi, bởi họ chụp hình chúng rất nhiều. Ngay cả đối với BCH Tiểu Đoàn, họ cũng chỉ chụp vài tấm cho có lệ, hỏi han vài ba câu rồi theo chuyến trực thăng chót ra về.

Hơn một tháng sau, vào khoảng đầu Tháng Chín năm 1972, căn cứ của Liên Đoàn bị bọn đặc công VC tiến đánh. Đó là một đêm cuối tháng âm lịch trời tối đen bọn đặc công cũng chỉ với một cái quần xà lỏn, người bôi lọ đen thui, đứa ôm bangalore, đứa ôm AK 47. Chúng đang tìm cách cắt rào kẽm gai để chui vào thì trái sáng bật cháy. Chúng vội dẩy mấy cây bangalore để phá rào nhưng bị pháo binh đã chuẩn bị từ trước nã đạn M546 trực xạ. Sau đó đèn pha trong căn cứ bật sáng rọi thẳng vào chúng. Những tên còn sống sót vội vã quăng súng giơ tay đầu hàng, trong khi loa phóng thanh trong căn cứ hướng dẫn chúng để tay lên đầu rồi đi ra phía trước. Một đại đội của Tiểu Đoàn 11 đã chờ sẵn. Từng tên giơ tay chịu trói. Tất cả được 22 tên. Suốt đêm đèn pha trong căn cứ quét khắp chung quanh để rà soát. Nhưng sau đợt tấn công bất thành, địch không có thêm một hành động nào khác.

Mờ sáng, Tiểu Đoàn đã bung quân lục soát khu hàng rào bị tấn công, 31 xác chết bị những mũi tên của đạn 105mm M546 găm đầy người. Nhưng chắc là chúng chẳng cần nhiều đến như vậy, bởi chỉ một mũi cắm vào đầu cũng đủ, những mũi tên như những cây đinh 3cm có 4 cánh phía sau, trông thật hiền lành vậy mà khi được phóng đi từ trái đạn và nổ tung ra chúng lại trở thành công cụ giết người kinh khủng như vậy. 31 xác VC giờ này trông hiền lành vô tội, những cái xác của những con người mà chỉ mấy giờ đồng hồ trước đó còn đang nung nấu một lòng căm thù không gốc gác, không căn cứ, không xác định đối tượng, đã hăng say và liều mạng tấn công vào thành đồng vách sắt đang giương vuốt chờ sẵn. 31 cái xác giờ đây được lao công chiến trường của Tiểu Đoàn kéo ra ngoài phía Tây QL 1, theo lệnh Liên Đoàn Trưởng, sắp hàng ngay ngắn bên lề đường cộng thêm gần 30 cây súng đủ loại từ B40, B41 tới AK47 như trưng bày chiến lợi phẩm. Đám phóng viên chiến trường cũng đang trên đường tới đây để đưa tin, đưa ảnh, đưa cả những lời bình luận, mô tả theo ngòi bút của một cây bút nào đó mà chẳng cần có mặt tại chiến trường.

Dân chúng qua lại chỉ trỏ, có thể họ biết những thây ma đó là ai nhưng nếu hỏi họ sẽ chối phăng là không biết. Chẳng ai dại gì nhận quen biết với giặc – không phải đầu cũng phải tai! Lỡ chính quyền gọi lên, gọi xuống tra hỏi có phải là phiền hà không? Cái may của người dân ở Bồng Sơn, Tam Quan này là họ được xem như người bàng quang, chứ không phải như những nạn nhân là đồng bào của họ cũng trên Quốc Lộ 1 này nhưng cách họ mấy trăm cây số về phía Bắc. Những đồng bào đó chỉ mấy tháng trước đây, khi chạy trốn lũ giặc mất tính người, đã bị CS tàn sát thây phơi đầy Quốc Lộ, đến độ được đặt tên là Đại Lộ Kinh Hoàng. Không hiểu bọn giặc có ngạc nhiên để tự hỏi vì sao đồng bào lại sợ hãi trốn chạy chúng như vậy? Chúng chiến đấu cho ai, và vì cái gì? Những xác người nằm đó giờ đã không thể trả lời được nữa rồi.

Những người “đồng chí” của chúng đang ngồi bó gối trong sân của căn cứ Liên Đoàn chờ chuyển giao nghĩ sao? Họ có hối tiếc tuổi thanh xuân đã bị ai đó lừa gạt để phục vụ cho một ý đồ riêng, còn chính họ chẳng được hưởng gì ngoài đói khát, khổ cực và sự khinh bỉ, sợ hãi của đồng bào! Những tù binh kia nghĩ gì có trời mới biết. Nhưng qua những khuôn mặt đờ đẫn kia chắc trong đầu họ chẳng có được sự suy nghĩ gì, bởi nếu biết suy nghĩ chắc họ đã không bị phỉnh gạt như vậy. Tôi chỉ thấy họ ngồi xổm, mặt nhìn xuống đất, cũng có thể trong cái đầu của họ là một cục đất thay vì là một khối óc.

Everett, Tháng Sáu 2012

Trương Trọng Kiên (Tư Kiên)

(Viết để nhớ lại những đồng đội đã cùng chiến đấu trong đơn vị, chẳng hiểu ai còn ai mất bởi những chia lìa sau cuộc chiến)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn