BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72822)
(Xem: 62103)
(Xem: 39202)
(Xem: 31057)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Không đi không biết Đồ Sơn…

05 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1010)
Không đi không biết Đồ Sơn…
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Năm cuối Đại học, năm thằng chúng tôi được gởi xuống Hải Phòng thực tập. Cơ hội ngàn năm có một để chúng tôi thực hiện giấc mơ “tắm biển Đồ Sơn”. Thời đó, tắm biển là một sinh hoạt sang trọng và xa xỉ. Công chúng bình dân miền Bắc ít dám nghĩ tới. Nhất là tắm ở bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng, thì chỉ có cỡ Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên trung ương, hay một chức vụ gì quan trọng xấp xỉ, hoặc những chuyên gia Liên Xô mới có thể thực hiện.



Khố rách áo ôm, tiều tuỵ, nhếch nhác, năm thằng sinh viên chúng tôi cuối cùng đến được Đồ Sơn sau gần ba tiếng đồng hồ đạp xe ngược gió từ thành phố Hải Phòng. Vừa ngấp nghé ở cổng bãi tắm, thì bị chặn bởi một tốp cảnh vệ, quân phục màu cứt ngựa, đội mũ kê-pi lưỡi trai, quân hàm xanh trên ve áo, vai khoác AK báng gấp, mặt cau có của người mắc chứng táo bón kinh niên. Dáng điệu hống hách, họ tra vặn, bắt hai thằng cận thị trong nhóm chúng tôi phải bỏ kiếng ra khi nói chuyện. Thẻ sinh viên, giấy căn cước của từng đứa tôi được săm soi một lúc lâu. Rồi chẳng có lý do rõ ràng, bọn họ đuổi chúng tôi ra khỏi khu vực với lời đe dọa nếu không tuân lệnh sẽ bị bắt giam, thu thẻ sinh viên, và giấy cảnh cáo gởi về trường.

Cả năm đứa lần đầu trong đời tận mắt thấy biển, rất háo hức, nên dù bị xua đuổi, cấm đoán, chúng tôi vẫn tìm ra cách để thực hiện cho được giấc mơ tắm biển của mình. Thế là cả bọn chọn một ghềnh đá hơi bằng phẳng, nằm xa khu vực có bảo vệ, để tắm.

Tôi còn nhớ lúc vừa ngâm mình xuống nước, thằng người Thái Bình, chắc là xúc động, tay nắm chặt, tự đấm vào ngực mình thùm thụp, mặt ngửa lên trời, miệng mếo máo đọc thơ Xuân Diệu, giọng như cảm kích lẫn sám hối.

“Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là…”

“Vứt mẹ cái tâm hồn thi sĩ èo uột cải lương của mày cho chó nó gặm,” thằng người Nam Định gào lên không cho thằng Thái Bình đọc hết câu. “Vật lộn với sóng to, gió lớn, cảnh binh rình rập… Biển khơi hung hãn không phải là chốn đọc thơ. Mày có biết bơi không hả? Không thì đừng có ra xa, để con bạn gái mày khỏi rớt vào cảnh mồ côi người yêu..” Thằng Thái Bình cụt hứng không đọc thơ nữa.

Gió mỗi lúc một to, nước thủy triều dâng nhanh, những con sóng bạc đầu liên hồi đập vào vách đá. Bụng đói cồn cào, xem chừng sức chống đỡ không còn lại là bao, tôi lẳng lặng trèo lên bờ nghỉ. Một người đàn ông trung tuổi đang chăn bò gần đó, ghé lại bảo: tắm ở một nơi không có bãi cát rất nguy hiểm vì biển rất sâu, dễ chết đuối. Những cơn sóng to bất thình lình hoặc đẩy người ta đập vào đá ngầm, hoặc xô vào vách núi, có thể bị chấn thương. Tắm như vậy là một sự liều lĩnh đến ngu xuẩn.

Tôi chấp nhận lời khuyên của ông bằng cách mời ông một điếu thuốc, và kêu gọi bốn thằng trong nhóm nên kết thúc cuộc vui, trước khi chuyện bất trắc có thể xảy ra. Người đàn ông vừa hút thuốc vừa đọc cho tôi nghe bài thơ sau đây:

“Không đi không biết Đồ Sơn
Đi rồi mới thấy không hơn ở nhà
Đồ Sơn vừa nắng vừa xa
Suy đi tính lại ở nhà vẫn hơn”

Thoáng nghe, tôi thấy bài thơ mang dáng dấp của thể thơ “Bút Tre” đang rất thịnh hành ở những quán cóc, vỉa hè khắp miền Bắc bấy giờ. Ngôn ngữ giản dị, nhịp điệu nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, đặc biệt là tính mỉa mai rất sâu cay. Vì vậy, chỉ một lần nghe, đọng lại luôn trong trí tôi.

Vài năm sau đó, nơi một tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đến nhậu ở một nhà người quen, tình cờ tôi được nghe lại bài thơ trên nhưng khác đi có một chữ:

Không đi không biết Đồ sơn
Đi rồi mới thấy không hơn đồ nhà
Đồ Sơn vừa nắng vừa xa
Suy đi tính lại đồ nhà vẫn hơn”

Tôi không nhịn được cười. Tôi cười như chưa bao giờ được cười. Cô bạn người Nam không hiểu vì sao tôi cười, mặt cứ nghệch ra.

Của đáng tội, hồi mới vô Nam, nghe mọi người nói “ủi đồ”, “giặt đồ”, “ăn đồ”, “mua đồ cúng” tôi ngượng chín cả mặt, nghe riết mới thấy quen. Thật tình nếu bạn không lớn lên ở nông thôn miền Bắc thời xưa, bạn sẽ khó cảm nhận tài chơi chữ tuyệt cú mèo của người sáng tác bài thơ ấy.

Đầu đuôi thế này: Ngày xưa ông bà mình văn minh lịch thiệp, và tao nhã lắm. Họ không gọi bộ phận sinh dục của phụ nữ bằng tên tục, mà gọi là “Đồ”, nghe cho nó thanh. Hơn nữa, các cụ ngày xưa lại không quá tôn trọng bộ phận này như giới trẻ ngày nay. Thành thử nó thường bị đem ra mạ lị, và ví von với ngụ ý xấu, nhất là dùng để nguyền rủa những kẻ bất hảo. Thí dụ mấy bà trong xóm tôi thường hay chửi những đứa bẻ trộm mía, hoặc bắt trộm gà của họ như sau:

“Cha tiên sư bố nhà mày,
Mày ăn gà nhà bà có khác gì mày ăn đồ bà”

Kẻ trộm xưa khi nghe lời chửi này thì nhục nhã lắm, kinh tởm lắm, phát ói phát mửa ra, không nuốt nổi miếng thịt gà. Nhưng trộm thời nay mà nghe được cũng lời rủa này, hẳn rằng hắn sẽ rất khoái chí vì cả gà và đồ đều là hai món quý hiếm mà chỉ có ai lắm tiền nhiều của mới được thưởng thức.

Đến đây hẳn bạn hiểu ra, thay đổi từ “ở” thành “đồ”, đã làm bài thơ đạt đến mức hoàn hảo về cách chơi chữ, rất chu chỉnh cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cách trào lộng, cười đời đã đạt đến mức nghệ thuật, chẳng thua kém gì cụ Tú Xương.

Câu chuyện lại không dừng ở đó. Mấy năm sau nữa, tôi gặp lại một người bạn cũ từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Tôi hỏi thăm anh về bến Bính, núi Đối, Kiến An, Tiên Lãng, Cát Bà, cốt chỉ để nhấm nháp lại chút kỷ niệm ngắn ngủi vể đất cảng Hải Phòng những ngày hàn vi của tôi. Ngờ đâu, tôi lại được nghe bài thơ ấy từ anh, nhưng không phải chỉ khác đi một chữ:

“Không đi không biết Đồ Sơn
Đi rồi mới thấy không hơn đồ nhà
Đồ Sơn như chiếc lá đa
Đồ nhà như chiếc bàn là Liên Xô”





Khỏi nói, tôi lại được dịp cười như chưa bao giờ được cười.


Cách chơi chữ “Đồ Sơn” và “đồ nhà” rất tài tình vẫn được giữ nguyên ở hai câu đầu. Còn hai câu cuối, với lối ví von so sánh vừa táo bạo, vừa ngỗ ngược là một chấm phá đến ngoạn mục. Lá đa lớn hơn lá tre, lá mít, nhưng nhỏ hơn lá chuối. Lá đa khá to nhưng mỏng manh, như gió thoảng qua, hời hợt qua loa, nhạt nhẽo, vớ vẩn, phù phiếm, chẳng thấm vào đâu. Còn bàn là, sao không là bàn là Nhật, hay bàn là Đại Hàn, mà lại bàn là Liên Xô. Bàn là Liên Xô ai không biết vừa to, vừa dầy, vừa nặng, dùng điện 220 Volt, cắm vô là nóng liền, là đâu thẳng đó, sơ xuất một chút là cháy áo, bỏng tay, lơ mơ còn bị điện giật cho toi mạng.

Nghệ thuật trào lộng, chơi chữ, mỉa mai, đạt đến đỉnh cao làm người ta cười sảng khoái. Nhưng với những thanh bằng liên tiếp cùng với những nguyên âm a: đồ nhà, lá đa, bàn là, dường như nó đã làm cho tiếng cười to lên rồi chợt nghẹn lại.

Những khi rảnh rỗi, trà dư tửu hậu với mấy thằng bạn cũ, chúng tôi vẫn đọc lại bài thơ này với những dị bản khác nhau, vừa để giải trí, vừa để cười đời, vừa để nói xấu vợ, vừa để nịnh vợ. Mấy bà xem ra cũng rất khoái nghe các lão chồng ngâm nga bài thơ này.

Bao năm tháng nhọc nhằn đã qua. Tôi đã được tắm biển Nha Trang, biển Long Hải, biển Vũng Tàu. Không có vệ binh ngăn cản. Sóng biển dạt dào, gió biển mặn mòi thương nhớ. Trời đất mêng mông, trai tài gái sắc phơi mình trong nắng gió bao la của biển cả. Nhưng chưa ở đâu tôi được nghe có những vần thơ như biển Đồ Sơn.

Không biết tác giả của những bài thơ trên là ai, người vùng nào, nhưng chắc chắn nó đã được viết ra từ Đồ Sơn, về Đồ Sơn, đậm đặc hương vị của bánh đa cua Hải Phòng.

Trần Hồng Tâm

Theo Đàn Chim Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn