BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Cuối Thu Đường Đời (107 – 110)

24 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1153)
Những đứa trẻ Thái Bình – Cuối Thu Đường Đời (107 – 110)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

PHẦN SÁU


CUỐI THU ĐƯỜNG ĐỜI


107

Lính Lạc Đạo của linh Mục Nguyễn Văn Chỉnh đêm nào cũng hành quân ở An Tập. Họ tác yêu tác quái, không coi ai ra gì. Những gia đình có chồng con, anh em theo kháng chiến, vào bộ đội, họ đều kê họng súng vào cổ, tra vấn quái đản, nói năng xách mé. Nhiều người bị báng súng giáng xuống thân thể. Họ còn tịch thu đồ đạc của dân, bảo làm chứng cớ. Lính Lạc Đạo gọi đó là những cuộc hành quân tiễu trừ cộng sản. Thực ra, họ đi càn quét hôi đồ.

Chính quyền Bảo Hoàng muốn làm sáng chính nghĩa quốc gia, cứ ngó ngơ chuyện này. Pháp cũng thế. Họ chỉ bắn nhau với kẻ thù ngoài trận địa, để chính trị cho Bảo Hoàng thao túng thị xã.

Một đạo quân do Pháp cung cấp đầy đủ súng đạn ra đời, không cần đến chính sách, sắc luật, sắc lệnh của Bảo Hoàng; không thèm biết luật pháp, tòa án của Bảo Hoàng, luôn luôn, xử tội đám giặc cỏ và bắt chúng nó xử tử, tù đầy, thú nhận tội ác chúng nó gây ra. Quận trưởng Vũ Tiên đành bó tay. Lính Lạc Đạo đã đâm sau lưng Bảo Hoàng và Pháp những nhát dao chí mạng. Dân chúng ngoại đạo, xưa nay, vẫn quý mến dân chúng nội đạo. Linh mục Nguyễn Văn Chỉnh và Lạc Đạo đã tạo nên cảnh chia rẽ tôn giáo trầm trọng ở những làng lân cận Vũ Tiên.

Ngoài thị xã, dân chúng đã khổ vì lính Bảo Chính, lính Lạc Đạo. Trong thị xã, dân chúng khổ hơn; Nguyễn Văn Chỉnh, linh mục chính tòa, Vương Văn Chừ, đại úy Bảo Chính, Trần Ngự Chiêu, trưởng ty công an… Mỗi vị là một sợ hãi lớn dần. Hôm nay, tháng 4, trời ấm áp, dân thị xã bắt đầu lo ngay ngáy: Lính Bùi Chu – Phát Diệm của linh mục hoàng Quỳnh đã sang Thái Bình.

Bùi Chu – Phát Diệm là vùng đất tự trị. Lính của linh mục Hoàng Quỳnh sao không đồn trú khu tự trị, giữ gìn an ninh, trông chừng giặc giã, lại kéo nhau sang Thái Bình làm gì? Chắc bên kia sông Trà Lý nổ lớn, thiếu quân án ngữ, Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp phải thuê lính Bùi Chu – Phát Diệm sang đây đánh mướn? Những chiếc xe căm nhông chở lính Bùi Chu – Phát Diệm, từ Nam Định qua phà Tân Đệ, vào thị xã. Đến ngã tư Vũ Tiên, xe chạy từ từ để lính Bùi Chu – Phát Diệm ngắm cảnh Thái Bình tiêu thổ kháng chiến. Dân chúng phố chính ra tận vỉa hè xem.

Khoa và Luyến cũng ra xem đạo nghĩa binh Bùi Chu – Phát Diệm. Họ mặc quần áo như lính Pháp xông trận, chân đi giầy xăng đá, đầu đội mũ cao bồi, bẻ một nửa vành làm duyên. Lon lá của họ khác với lon lá Bảo Chính Đoàn. Khuôn mặt họ đặc sệt chất Bùi Chu – Phát Diệm, giấu cách nào chả nổi. Lính Bùi Chu – Phát Diệm đứng lên, quay mặt hai bên thành căm nhông, vẫy tay lia lịa, cười rất tươi. Dân thị xã cười lớn hơn, cười chế nhạo lính Bùi Chu – Phát Diệm, họ không hiểu.

- Hoan hô lính Buôi Chu – Phát Riệm!

Một người chào mừng họ bằng chính giọng họ phát âm. Trên xe, lính Bùi Chu – Phát Diệm móc thuốc là Gauloises Pháp mới phát cho, ném xuống, y hệt thuốc lá Tây quăng.

- Đừng để Việt Minh bắn tan xác. Các anh về với em nhé, Phát Riệm – Buôi Chu!

Một cô gái khôi hài đen. Chỉ khoáai lính đánh thuê Bùi Chu – Phát Diệm chết hết.

Người này:

- Phát Riệm cương quyết không đánh thuê!

Người nọ:

- Tiền nhiều hãy đánh thuê nghe, Buôi Chu!

Đoàn xe căm nhông đi hết. Nó rẽ vào giáo đường. Lính Bùi Chu – Phát Diệm sẽ đóng quân chung quanh nhà thờ thị xã. Linh mục Nguyễn Văn Chỉnh sẽ hài lòng ghê. Dân chúng tản mạn về nhà. Họ bàn tán về lính Bùi Chu – Phát Diệm.

- Chẳng hiểu lính Bùi Chu – Phát Diệm có hỗn láo như lính Lạc Đạo không?

- Chúng nó như nhau.

- Cố đạo Hoàng Quỳnh cũng là cố đạo Nguyễn Văn Chỉnh.

- Cố đạo Nguyễn Văn Chỉnh ra cái thớ gì.

- Đúng. Cố đạo Nguyễn Văn Chỉnh xách dép cho cố đạo Hoàng Quỳnh không đáng.

- Chúng nó là kiêu binh Bùi Chu – Phát Diệm đấy.

- Như kiêu binh thời chúa Trịnh, hả?

- Sợ còn hơn.

- Kiêu binh thời chúa Trịnh toàn dân Nghệ An. Kiêu binh Bùi Chu – Phát diệm toàn dân Ninh Bình.

- Kiêu binh mà đi đánh thuê?

- Đánh thuê nộp tiền cho cố đạo Hoàng Quỳnh.

- Pháp nó nghĩ gì về lính Bùi Chu – Phát Diệm đánh thuê cho nó?

- Dùng có lợi thì cứ dùng. Chứ Pháp nó khinh ra mặt!

Dân thị xã lạ lắm. Những người chung một dòng máu Thái Bình, khi bị úc hiếp, cam đành chịu ức hiếp. Sự ức hiếp đến mức nào ngừng lại, dân thị xã không bao giờ chống đối. Sự ức hiếp quá độ, sẽ bị chống đối theo từng giai đoạn. Dân thị xã về tề, đương nhiên quy thuận Pháp rồi, theo Pháp chống cách mạng thì chưa. Họ trung lập giữa Pháp và cách mạng, nghiêng cảm tình về cách mạng. Dân thị xã coi Bảo Hoàng bằng nửa con mắt. Chính phủ Bảo Hoàng bù nhìn rõ rệt. Dân chúng trọng chữ tín vô cùng. Người lớn đã nói, phải trung thành với lời nói, dân mới theo. Bảo Đại tuyên bố: Thà làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ. Lời nói chưa kịp nuốt nước bọt, Bảo Đại đã làm quốc trưởng một nước nô lệ rồi. Cái chính nghĩa quốc gia không đời nào sáng tỏ nổi. Pháp chia sẻ quyền bính nát bấy. Và, phi luật pháp. Lính Lạc Đạo do Pháp ở Thái Bình nâng đỡ và dung túng. Lính Bùi Chu – Phát Diệm được gọi sang đánh thuê. Dân thị xã mất niềm tin vào Pháp.

Giá như Bảo chính đoàn, Pác ti dăng, Phật giáo hay Thiên Chúa giáo đánh phá cách mạng, chẳng ai nói gì. Đằng này lính Lạc Đạo và Bùi Chu – Phát Diệm toàn những người đi đạo, đánh phá cách mạng, đánh phá luôn dân chúng đi đời sống trong vùng tề. Hỏi sao dân chúng không chịu nổi? Sự ức hiếp đã dài quá một năm, lính Lạc Đạo chưa thay đổi cung cách sống. Tự mấy trăm năm, ngày các linh mục Tây ban nha, Bồ đào nha, Pháp… sang nước ta truyền giáo, đạo Thiên Chúa sáng rực bầu trời Việt Nam, ngang hàng cùng đạo Khổng-Mạnh, đạo Lão, đạo Phật. Các vua u tối nhà Nguyễn đã sát đạo Thiên Chúa một cách dã man, tàn bạo. Đạo thầm lặng đã thắng vua hung bạo. Đạo Thiên Chúa có võ trang chống triều đình đâu? Người ta theo cái đức bác ái, vị tha của Chúa Giê xu mà thờ phụng Ngài. Hãy tìm kiếm trong tiếu lâm, ca dao xem có truyên, có câu thơ nào châm biếm, mỉa mai đạo Thiên Chúa? Ca dao đã chết từ trăm năm nay, nhưng mấy trăm năm về trước, ngay cả khi đạo Thiên Chúa gặp nạn, cảm hứng nào đã bắt thi sĩ ca dao lặng thinh trước Chúa? Không thể riêng đi đạo mới tôn vinh Chúa, đi đời (1) còn tôn vinh Chúa nhiều hơn. Một đêm Giáng Sinh của người đi đời nồng thắm gấp bội 365 ngày của người đi đạo cầu nguyện. Người ta vẫn vui vẻ sống chung, chẳng hề chia rẽ tôn giáo.

Linh mục Nguyễn Văn Chỉnh và linh mục Hoàng Quỳnh không học lịch sử. Càng không học Thiên Chúa giáo sử ở Việt Nam. Các ông mới võ trang người công giáo thành những kiêu binh trong đạo quân Lạc Đạo và Bùi Chu – Phát Diêm, và xúi giết cách mạng, trong khi cách mạng không tàn sát, không thể tàn sát người công giáo như Minh Mạng.

Chuyện lính Bùi Chu – Phát Diệm dân thị xã nói chưa hết. Thì lại một tin mới: Mỹ qua Thái Bình. Buồn đi vui tới. Tấp nập. Mỹ chưa sang Thái Bình, chỉ nhân viên Việt Nam làm ở cơ quan viện trợ Mỹ đến thị xã thôi. Những người này đem chiếc xe mới toanh, láng bóng, sơn trắng y như xe của ty thông tin về thị xã, làm phương tiện lưu thông. Xe kín mít, hai bên viết chữ VIỆN TRỢ Mỹ, dưới vẽ hình hay bàn tay nắm chặt lấy nhau trên cờ sao sọc. Hai bàn tay thẳng hàng. Bàn tay nắm to hơn và mạnh hơn bàn tay bị nắm. Chắc bàn tay nắm là Mỹ, bàn tay bị nắm là nước nhận viện trợ. Cái bàn tay của chính phủ Mỹ đã kiêu ngạo và phách lối rồi! Không hiểu người Mỹ có phách lối và kiêu ngạo? Người Mỹ còn ở Sàigòn, Hà Nội, chưa thèm về Thái Bình đâu.

Xe viện Trợ Mỹ chạy khắp phố thị xã, oang oang phát thanh tại những chỗ dừng lại. Người ta nói: Mỹ giầu có và nhân đạo, viện trợ cho cả thế giới, cả Pháp và Đức, cả Ý và Nhật… Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam đủ thứ. Bây giờ, Mỹ viện trợ Thái Bình thực phẩm và thuốc DDT diệt trừ muỗi. Ngày mai, Mỹ sẽ viện trợ dân thị xã sữa bột, phó mát, vải vóc và DDT. Đồng bào chú ý. Mi cô của Mỹ tối tân, hô pác lơ của Mỹ vô địch, tiếng nói đâm vào lòng dân thị xã. Tuyên truyền nhân đạo của Mỹ giản dị, mộc mạc và có sữa, phó mát, thế là siêu đẳng. Sau đó, người ta mở cửa sau, phát sách in bằng song ngữ Anh-Việt: Vài nét đan thanh về nước Mỹ và cờ Mỹ giấy. Lần đầu tiên, dân thị xã chiêm ngưỡng quốc kỳ Mỹ. Đợi ngày mai, lĩnh sữa bột, phó mát và vải vóc, thị xã mới hoan nghênh Hoa kỳ giầu tình thương.

Khoa chạy sang nhà Luyến:

- Anh biết tin Viện Trợ Mỹ đã đến thị xã chưa?

Luyến cười tủm:

- Thị xã bé nhỏ, cách xa năm cây số còn nghe được alô alô của máy phóng thanh Mỹ mà.

Khoa nói:

- Nó cho em cuốn sách Vài nét đan thanh về nước Mỹ, song ngữ, em học tiếng Anh bằng cuốn này sẽ giỏi, anh ạ!

Luyến gật đầu:

- Ừ. Cần một cuốn tự điển thật tốt nữa.

Luyến ưu tư. Chẳng biết người Mỹ sang Thái Bình làm gì? Tại sao Mỹ kh6ng giúp Pháp ổn định tình hình bên kia sông Trà Lý? Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân, Phụ Dực, Quỳnh Côi… chiến trận đang nặng. Pháp phải thuê lính Bùi Chu – Phát Diệm tăng cường. Thế mà Mỹ lại đem sữa bột, phó mát, vải vóc viện trợ dân thị xã. Thì lạ lắm.

Thị xã Thái Bình bé nhỏ, trước ngày 9 tháng 3 năm 1945, đã bị đè lên đầu mình hai ông khách Pháp và Nhật. Khách Nhật chán ông chủ Việt Nam làm nô lệ cho hai người. Bèn đảo chính đuổi ông khách Pháp đi cho đỡ bẩn mắt. Ông khách Pháp đi, rồi ông khách Pháp lại về, một mình một chiếu thảnh thơi ngồi. Vẫn Bảo Đại làm nô lệ cho khách. Bình cũ thay đổi rượu mới cho hợp thời đại. Bây giờ, ông khách Mỹ cũng lò dò tới đây. Ông khách Mỹ có bắt chước ông khách Nhật không? Người Mỹ giầu có và nhân đạo. Không, chẳng có thằng ngoại quốc nào thưong mình cả. Sữa bột và phó mát là bước đầu trong âm mưu gì đó của người Mỹ.

Luyến cứ lặng thinh suy nghĩ. Để mặc Khoa đọc sách.

108

- Mỹ giầu có khác, cho bao nhiêu thứ.

- Chơi sang như Mỹ mà.

- Mỹ viện trợ, chứ không cho, không bố thí bệ rạc.

- Nó nói tiếng gì, mày?

- Tiếng Anh.

- Nó thiếu chữ nghĩa, phải nhờ nước Anh cho mượn chữ nghĩa đấy. Mỹ nói tiếng Anh, khôi hài quá nhỉ?

- Khôi hài chó gì. Mỹ đông bạc, thế là đủ.

- Mỹ viện trợ sữa bột, phó mát.

- Cả vải may quần áo nữa.

- Còn thuốc diệt muỗi là đằng khác.

- Phó mát ăn với gì, mày?

- Ăn vã.

- Chả lẽ ăn vã. Ăn với gì chứ?

- Lát nữa, Mỹ phát quà viện trợ, tha hồ hỏi.

- ừ, tao sẽ hỏi: Sữa bột có đường không?

- Mỹ nó ở đâu? Người ngợm nó ra sao?

- Nó ở đâu, biết làm chi? Dân mũi lõ như Tây ấy. Nó đã phát cuốn sách Vài nét đan thanh về nước Mỹ, mày không đọc à?

- Đêm qua, tao xé mấy tờ đi ỉa rồi! Mày có đọc không?

- Tao gói đường đen cả. Tổng thống sẽ ngọt lắm. Hình ông ấy ướp đường.

- Nó cho mỗi người một khúc vải à?

- Sẽ hỏi.

Người ta cười nói ồn ào, thắc mắc nghẹn họng, quanh chiếc xe Viện Trợ Mỹ, chờ đợi giờ giấc nhân viên làm việc. Xe Viện Trợ Mỹ đậu ở đầu phố chính. Phát đủ số quà viện trợ, xe sẽ xuống cuối phố. Những người đi lĩnh viện trợ, đa số nghèo và không được học, nóng ruột lắm rồi. Mỹ tặng họ trò chơi one, two, three. Oẳn tù tì cho cái gì cho cái này. Họ muốn nhìn thấy sữa bột, phó mát và vải vóc Mỹ. Thuốc DDT họ không cần. Càng trông đợi, thì giờ càng dài ra. Đến nỗi, người ta quên cả đợi. Nửa tiếng đồng hồ sau, nhân viên Việt Trợ Mỹ khiêng cái bàn tới, kê trên vỉa hè. Hai nhân viên ngồi trên ghế. Máy phóng thanh loan tin tức:

- Đồng bào thân mến! Sáng nay, Viện Trợ Mỹ sẽ trao một trăm phần quà tặng đồng bào. Buổi chiều Viện Trợ Mỹ sẽ trao tặng quà tiếp. Xin đồng bào xếp hàng, ghi tên trật tự. Không đồng bào nào thiếu quà cả…

Người ta chen nhau xếp hàng trên hết. Cảnh hỗn loạn xẩy ra mất tình nghĩa. Người ta đấm đá nhau, xô đạp nhau, chửi bới nhau. Ở đâu, lĩnh đồ phước thiện tập thể cũng giống nhau cả. Đầu tiên trong cuộc đời lam lũ, nhận quà Mỹ viện trợ, con người bỗng hết làm con người. Mỹ viện trợ hay Mỹ mua rẻ bản chất của con người?

- Đồng bào trật tự, trật tự tối đa. Nếu đồng bào mất trật tự, Viện Trợ Mỹ không phát quà được…

Máy phóng thanh tung ra một câu đe dọa. Hiệu nghiệm trăm phần trăm. Người ta thôi chen lấn, thôi đấm đá, thôi xô đạp, thôi chửi bới nhau. Trật tự hoàn toàn.

- Đồng bào sẽ mỗi người nhận một kí lô sữa bột, một kí lô phó mát, một kí lô DDT, hai thước vải đen may quần, hai thước vải trắng may áo. Đồng bào mua đường cát trắng về pha với sữa, mua bánh mì ăn với phó mát…

Có nhiều tiếng thở dài.

- Thưa đồng bào, sữa và phó mát rất cần thiết cho sức khỏe con người…

Cửa sau xe Viện Trợ Mỹ đã mở. Hai nhân viên phụ trách thu giấy ghi tên, địa chỉ người nhận quà, và phát quà. Quà Viện Trợ Mỹ gồm bốn món, đựng chung vào một cái túi, dán chặt lại. Túi làn bằng giấy dầu, in chữ đen. Hàng chữ thứ nhất: Mỹ quốc viện trợ. Bức hình duy nhất: Hai bàn tay, nắm chặt lấy nhau, trên cờ sao sọc. Bên dưới hình vẽ, hàng chữ thứ hai: Nhân dân Mỹ quốc thân tặng. Hàng chữ thứ ba: Để dùng, không được bán.

- Mỗi người đại diện mỗi gia đình, mỗi gia đình lãnh quà đựng trong một cái túi…

Lại nhiều tiếng thở dài.

- Thưa đồng bào, Mỹ giầu có và nhân đạo, văn minh nhất thế giới…

Người ta chán nghe tuyên truyền Mỹ rồi. Tất cả sự giầu có, nhân đạo, văn minh nằm gọn trong cái túi Viện Trợ Mỹ bịp bợm. Dân Thái Bình đã lợm giọng chuyện người Mỹ và nước Mỹ. Những người đã to lời suy tôn Mỹ lúc nãy, giở túi quà bố thí bốn món, hạ bệ Mỹ lúc này.

- Mỹ giầu thật. Giầu theo kiểu trọc phú. Cơm thiu thối nó mới cho người nghèo. Một bát thì nói mười bát.

- Đểu như Mỹ mà.

- Cho cứ nói là cho, còn bầy đặt viện trợ.

- Mỹ nó bố thí sữa bột lại bắt mình mua đường pha với sữa. Mà đường trắng cơ. Đường đen đíu được. Mình mẩu dẩu xìn, sữa bột Mỹ chỉ cho chó uống. Chưa chắc chó đã uống. Chó măng giê ca ca sướng hơn sửa bột, Mỹ lôi ở vũng lầy ra viện trợ.

- Phó mát của Mỹ vàng khè, trông phát tởm. Phó mát phải ăn với bánh mì. Dân nghèo đói, tiền Mỹ viện trợ không có, lấy đâu ra mua bánh mì?

- Phó mát của Mỹ còn thua phó mát Tây quăng một trời một vực. Phó mát của lính Tây trắng và thơm.

- Này, vải của Mỹ cho, nhìn kỹ mà xem, nó hồ bột kỹ quá. Vải này may quần mặc một lần đã nhão, phí tiền may, công may.

- Phải, tôi đã nhúng vải của nó xuống nước, vò sơ sơ đã thấy bột tan dần (1).

- Đây, ông ngắm vải Mỹ.

- Giá nó chỉ cho mình gạo và nước mắm mới thức thời.

- Ở với Pháp thì sướng, ở với Mỹ chỉ uống sữa bột không đường!

Buổi chiều, xe Viện Trợ Mỹ đậu ở cuối phố chính. Đến nhận quà tặng loe ngoe mấy người. Viện Trợ Mỹ thất bại. Đau đớn..

Thị xã vốn hiền lành. Từ xưa, vẫn êm đềm dưới chân đê sông Trà Lý. Cầu Bo thân mến làm chứng cho mộng ước đơn sơ của dân Thái Bình. Là không muốn đổi thay, suốt đời cứ sống cuộc đời bình thản tiêu cực. Thời đại nào cũng giống nhau. Thời đại sau còn tệ mạt hơn thời đại trước. Những đổi thay nhanh chóng quá và bất chợt. Người ta chưa kịp thay đổi đã, bất chợt, có đổi thay. Nhiều tin không vui đã đến thị xã.

Tin buồn nhất là lính Bùi Chu – Phát Diệm sang Thái Bình. Lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hội công giáo Việt Nam có đạo nghĩa binh võ trang tân kỳ. Lính Bùi Chu – Phát Diệm chỉ qua đây án ngữ nhiều nơi để cách mạng giảm bớt khí thế, dân chúng vô tội đỡ chết thê thảm vì chiến tranh. Thì được. Lính Bùi Chu – Phát Diêm qua đây đánh thuê cho Pháp, tàn sát cách mạng, làm khổ cực dân lành ngoại đạo. Thì không được. Bởi vì, chưa hề có thánh chiến ở Việt Nam. Người ta không nghĩ lính Bùi Chu – Phát Diệm của linh mục Hoàng Quỳnh, mà nghĩ Giáo hội công giáo Việt Nam. Điều đẹp nhất, cao thượng nhất, đáng ca ngợi nhất là linh Bùi Chu – Phát Diệm biến thành lực lượng trung gian giữa Pháp và cách mạng. Trọng tâm của Bùi Chu – Phát Diệm là cố gắng làm hai bên chống đối nhau ngồi xuống hòa đàm trong tư thế nhường nhịn lẫn nhau. Lính Bùi Chu – Phát Diệm còn cấm trại. Họ sang Thái Bình chưa biết hành động ra sao. Người ta chờ đợi họ.

Tin buồn ngoại hạng, Viện Trợ Mỹ đã đổ vỡ ở thị xã. Thái Bình đang đánh nhau với Pháp, sẽ không có một chiến thắng nào ngoạn mục như sông Lô, sông Đà, sông Đuống… Hồ Chí Minh đã tiên đoán, năm xưa, tại sân vận động thị xã: Pháp về Thái Bình là có thái bình. Thái Bình trở thành vùng đất đáng sợ. Ngày tiêu thổ kháng chiến, cách mạng để lại thị xã khẩu hiệu: Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp.

Pháp ơn ớn, không chiếm gọn như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… năm 1946, phải đợi đến năm 1950 mới tràn qua Thái Bình, cách nhau dòng sông Hồng. Giá Thái bình dễ nuốt như bên đây Trà Lý, vấn đề đã khác. Bên kia Trà Lý làm Pháp mắc nghẹn. Pháp không biết Vệ quốc quân tiểu tư sản đã bị giải tán. Cách mạng mới thành lập Quân đội nhân dân, lính giai cấp nông dân. Có lẽ Pháp biết mà kinh thường. Lính nông dân chiến đấu dũng cảm trường kỳ, khác hẳn lính tiểu tư sản dũng cảm có giai đoạn. Lính tiểu tư sản biết suy tư, chỉ hại cho cách mạng. Lính nông dân không biết suy tư, chỉ chết vì cách mạng. Quỳnh Côi, Phụ Dực… lính nông dân đã tham trận. Và, Pháp phải thuê lính Bùi Chu – Phát Diệm can thiệp.

Thái Bình gây băn khoăn cho Mỹ. Có lẽ, Mỹ băn khoăn đến ngày nào Thái Bình đánh tan giặc Pháp, ngày nào ba kỳ thống nhất. Mấy năm trước, Mỹ đã không chiến với Nhật trên vùng trời Quỳnh Côi. Một chiếc máy bay Mỹ tan xác, cũng đủ làm thành tích viện trợ sữa bột, phó mát vàng khè cho dân thị xã Thái Bình. Mỹ đã lộ nguyên hình Mỹ. Thái Bình chê bai Viên Trợ Mỹ. Chẳng bao giờ Mỹ được phép viện trợ cho Thái Bình. Khi Thái Bình đã trở nên địa linh nhân kiệt, không còn ai sợ nữa.

Tin buồn đi qua, tin vui thoáng đến. chắc chắn tin vui không làm dân thị xã phiền muộn: Sinh viên Trường Sĩ Quan Nam Định sẽ đấu giao hữu với thanh niên thị xã một trận bóng tròn tuyệt vời. Pháp đưa sinh viên sang. Tòa tỉnh trửng phải thuê người dọn dẹp sân vận động vài hôm nay. Còn hai tuần lễ nữa mới gặp mặt sinh viên Trường Sĩ Quan Nam Định. Dân thị xã vẫn nôn nóng trông đợi, tự bây giờ…

(1) Mỹ viện trợ sữa bột hết chất béo cho dân gầy và phó mát vàng chòe, đúng như người Thái Bình nhận định. Hai thứ này không được bán trong thị trường thương maị. Vải vóc càng tệ hơn, mặc hai lần là vất đi

 

 

109

Sáng nay, Luyến chống nạng đi dạo phố rất sớm. Với tiếng lọc cọc, nỗi buồn vang theo. Luyến không thích bất cứ tin tức vui buồn đổ xuống thị xã nữa. Dưới bầu trời phiền muộn, chỉ đôi mắt bị mù, đôi tai bị điếc, cái mồm bị câm mới không biết nghịch cảnh xẩy ra và nín thít, chẳng biết nói chi. Nhưng. Luyến không thích mạ sầu trong đồng lúa cứ ngoi lên theo thời đại. Luyến là người theo thời đại, phải chấp nhận thời đại, bỏ chất đắng cay trong trái cây vàng ửng.

Từ khi vĩnh biệt tuổi thơ và từ khi bị mất một chân, Luyến suy tư mòn óc. Chả được gì qua những suy tư. Mà, Luyến vẫn suy tư, kể cả suy tư trong niềm nhớ.

Luyến nhớ thằng Vũ, thằng Côn, Thằng Vọng, thằng Long, thằng Lộc kinh khủng. Bao giờ chúng nó về nhỉ? Chúng nó cứ về thị xã, bất kể thời đại nào, chúng nó chiến thắng hay chiến bại. Được tất. Cầu xin cho chúng nó lành mạnh, không mất chân tay, không què quặt. Thời buổi chiến tranh khó mơ ước. Ta cứ mơ ước, nếu còn có thề mơ ước. Luyến cố gắng lội về dĩ vãng, tìm kiếm cái êm dịu của bạn bè. Nó chỉ thấy những trận bóng An Tập đấu với lớp nhì 1 của nó. Đó là những ngày vui bốc và buồn tênh. Vui buồn không thước nào đo nổi. Nghĩ lại, vui buồn của tuổi thơ đều trong vắt như sương trên ngọn cỏ ban mai. Nụ cười hay giọt nước mắt ấu thời không nhìn thấy ngày vàng tháng xanh của tuổi ngọc. Luyến tự cho rằng, nó và các bạn nó đã mãn nguyện rồi. Bây giờ, bạn bè có gặp oan trái thì oan trái sẽ chìm đi khoảnh khắc, khi quá khứ thần tiên của chúng vọt lên.

Thằng Vũ ngang tàng. Ở đâu, bạn nó bị bắt nạt, thầy nó bị ức hiếp, là nó lao vào, dù nó lao vào chỗ khốn khó. Ngang tàng nổi tiếng trường Monguillot, thế mà nay, Vũ chịu nổi kỷ luật của cách mạng. Thằng Côn tính nết đài các, phong lưu mã thượng. Nó ghét cay ghét đắng những thằng thích khoe khoang mình tài giỏi và chơi trịch thượng. Cách mạng không thiếu những người trịch thượng và nói hay về mình. Côn còn sống trong bộ đội đến bao giờ? Thằng Vọng thì tự ti mặc cảm. Đừng hành hạ nó quá thôi, còn thì bảo sao nó làm vậy. Vọng tốt lắm. Thằng Long và thằng Lộc, đứa hay phá thối, đứa hay khôi hài cười cợt, liệu chúng nó có thay đổi tâm hồn để đồng hóa với lính giai cấp nông dân? Luyến nghĩ rất khó khăn cho Vũ, Côn, Long, Lộc. Cho nên, Luyến vẫn mơ hồ, hôm nào, bạn nó sẽ về thị xã hết. Bạn nó chưa về hay bạn nó không về, Luyến đổ vạ cho số phận. Số phận của thời đại đã bắt Luyến tinh nghịch phải mất một chân, phải về thị xã sớm nhất, để hứng tất cả nỗi buồn đổ xuống thị xã.

Luyến đi gần tới cầu Bo. Những lính Pháp, Pác ti dăng, Bùi Chu – Phát Diệm đứng đầy trên xe cam nhông qua cầu Bo, sang mặt trận bên kia sông Trà Lý. Sao lính đi nhiều vậy? Luyến hỏi người lính pác ti dăng già:

- Lính hành quân huyện nào đấy, bác?

Người lính già đáp:

- Cậu không biết à?

- Dạ, không biết.

- Ở thị xã đã khối người biết. Pạc ti dăng cho vợ biết, vợ cho thiên hạ biết. Này cậu, Pháp mở cuộc hành quân Trái Chanh đấy, vĩ đại ra phết. Lính pạc ti dăng đi hết. Tớ trong hỏa đầu quân, tức là nấu cơm, được ở lại. Cả tụi lính Bùi Chu – Phát Diệm cũng hành quân. Xe cam nhông chạy từ sáng tinh mơ, còn vài chuyến nữa sẽ hết.

- Hành quân Trái Chanh bao nhiêu ngày, hở bác?

- Xem chừng cả tháng ấy.

- Lính đến đâu ạ?

- Xa đây lắm. Tớ chỉ biết có thế thôi.

- Lần này bắt tù binh kỹ, bác nhỉ?

- Hẳn rồi.

- Bác biết giam tù binh ở đâu không?

- Trong khu vực Pháp.

- Có nhà?

- Nhà quái gì, lều là sướng rồi. Này, tớ nói thật, tớ yêu Việt Minh và ghét Pháp. Chúng tớ pạc ti dăng, nhiều đứa căm lính Bùi Chu – Phát Diệm điên người lên. Bọn lính đánh thuê sẽ biết tay chúng tớ.

- Bác định làm gì họ?

- Phơ!

- Giết họ à?

- Như tụi Bùi Chu – Phát Diện phơ Việt Minh ấy.

- Ghê quá.

- Dân thị xã không sao cả. Chúng tớ phơ tụi Bùi Chu – Phát Diệm, chúng tớ chịu.

- Phơ họ chả được ích chi.

- Sao lại chả ích? Phơ, chúng nó sợ, cút ngay về Bùi Chu – Phát Diệm. Cho ăn kẹo cũng không dám bén mảng sang Thái Bình.

Người lính già hỏa đầu quân pạc ti dăng vỗ vai Luyến, rồi bước đi nhanh. Luyến đứng lại trông đợi xe cam nhông qua cầu Bo. Một lúc lâu, xe hết ra phố chính sang bên kia sông Trà Lý. Đúng là chuyến cuối cùng.

Nếu Pháp hành quân ở Quỳnh Côi, Phụ Dực, xe phải chạy quốc lộ số 10. Dù đường sá sửa sang, xe cam nhông cũng chỉ chạy đến cầu Nghìn sập đổ, quân Pháp xuống ở Đồng Bằng. Căm nhông chạy trên đê, qua nhà thờ Sa Cát, chắc Hưng Nhân, Tiên Hưng, Đông Hà, Thái Ninh chịu cuộc hành quân Trái Chanh rồi. Mỗi cuộc hành quân của Pháp ở hậu phương gọi là cuộc càn quét. Cuộc hành quân Trái Chanh do Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp nghĩ ra chiến thuật và chiến lược, Pháp ở Thái Bình chỉ thi hành. Cuộc hành quân nào cũng đem về tù binh, bắt đúng hay bắt lầm, dân chúng bị thương nheo nhóc, bị giết tàn bạo, nhà cửa bị đốt cháy, đàn bà con gái bị hiếp dân tã người… Thành tích về hôi đồ, cướp tiền không báo cáo lên Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp.

Luyến nghĩ tới những vùng sắp chịu hành quân Trái Chanh, những vùng sắp ăn no đạn, những vùng sắp hứng mọi hình phạt, những vùng sắp cởi tung quần áo, lĩnh đủ nghịch cảnh. Chị kia đang nằm trên giường rặn đẻ, đau đớn làm sao! Bà nọ mệt mỏi, ôm đứa con vừa sinh. Súng hành quân của Pháp giúp chị kia dứt đau đớn và em nhỏ không bao giờ ra khỏi lòng mẹ mà khóc ba tiếng chào đời. Súng hành quân của Pháp giúp bà nọ dứt mệt mỏi và đứa con không biết cám ơn người đã hóa kiếp sớm sủa cho nó về đất làm giun dế! Ông này đang uống trà, ngâm thơ Phạm Thái: Sống ở dương gian đánh chén nhè, Chết về âm phủ cắp kè kè, Diêm vương phán hỏi mang gì đó, Be… Súng hành quân của Pháp giúp ông này về âm phủ thật. Súng hành quân của Pháp còn giúp ông tránh câu hỏi của diêm vương. Bà ấy cầu kinh sớm tối. Bà tin chắc Phật sẽ thấu lòng bà, ban phúc cho dân hưởng thái bình. Súng hành quân của Pháp trúng ngay tim bà ấy. Thế là bà lên cõi Phật… Cảnh đời trong chiến tranh nói không hết. Chiến tranh và kẻ gây chiến tranh tội lỗi khác đi nhiều. Không biết phát xít Đức có hành quân kiểu Pháp bên nước Pháp? Cuộc đời vốn ích kỷ, không muốn ai làm khổ cực cho mình, mình sẵn sàng làm người khác khổ cực.

- Anh Luyến…

Luyến quay lại. Khoa hớt hải:

- Em tìm anh mãi.

- Anh ra đây từ sớm.

- Pháp hành quân Trái Chanh sang bên kia sông, anh biết chưa?

- Rồi. Không hẹn mà gặp xe căm nhông chở lính hành quân. Chuyến xe cuối, em ạ. Lính Bùi Chu – Phát Diệm bị cấm quân mãi, nay mới hành quân.

- Anh nghĩ gì về họ?

- Họ hoàn toàn mất tích trong ý nghĩ tốt đẹp của anh. Họ quả nhiên đánh thuê cho Pháp.

- Họ đi hành quân?

- Ừ.

- Hành quân Trái Chanh?

- Ừ, sẽ vắt quả chanh hết nước. Cuộc hành quân này rùng rợn lắm.

- Mình đi lên cầu Bo, em kể chuyện đệ tử của quan ba Vương Văn Chừ cho anh nghe!

Hai đứa đi dốc, leo lên cầu, đứng trong hành lang. Luyến vừa quay mặt ngó nước sông Trà Lý mùa hạ, thì đại bác gần nhà thương câu đi. Hàng chục khẩu đại bác khạc đạn sang bên kia sông. Luyến và Khoa nhìn rõ lính Pháp phóng những viên đạn và nghe rõ những tiếng phơ của họ. Cầu Bo có xa bệnh viện là mấy. Lính Pháp rất bình tĩnh nhả lửa. Họ không sợ phản pháo. Pháp thừa biết, ở Thái Bình, cách mạng còn yếu kém vũ khí, chưa có đại bác xung trận, nói chi cách mạng pháo kích vào trại Pháp. Đại bác hướng phía huyện Hưng Nhân, Tiên Hưng, và tiếng nổ nghe lớn. Luyến ngậm ngùi:

- Dân mình lại chết oan như rạ!

- Sao người Pháp bảo: Quỳnh Côi, Phụ Dực ra tro cơ mà.

- Sẽ ra tro. Xe cam nhông chạy trên đê, qua nhà thờ Sa Cát. Hôm nay thì Hưng Nhân, Tiên Hưng ra tro. Đại bác câu như mưa, ai mà chịu nổi!

Đại bác bắn liên tục một giờ liền. Khi nó vừa ngưng, hai chiếc phi cơ Spitfire từ Nam Định bay sang, tham dự cuộc hành quân Trái Chanh. Spitfire đen thùi thũi. Đứng trên cầu Bo, trông rõ lắm. Hai chiếc tới địa điểm oanh tạc, lượn hai vòng. Chiếc thứ nhất chúi xuống, thả bom, bay lên, và lại lượn. Chiếc thứ hai cũng chúi xuống, thả bom. Tiếng bom nổ nghe rõ mồn một. Thấy khói đen bốc cao. Không thấy lửa cháy. Thời đại đến đúng. Lúc này, người Pháp cho nhân dân Việt Nam ăn bom napalm rồi. Thái Bình đang ứa nước mắt gặm napalm. Bỏ hết bom, Spitfire ria đạn. Trên không, nhìn xuống dưới, lũ người như lũ chó chạy, cả làng trốn chạy. Phi công hào hoa Pháp cứ ngăm mà khạc đạn. Tận diệt cách mạng. Người nào cũng giống Việt Minh. Khạc đạn và khạc đạn.

Khói bốc như mây mùa thu, đứng một chỗ xây thành, chứ không bay đi. Khói tu lại, biến chỗ hành quân thành vùng trời phiền muộn. Vùng trời ấy có thề nhận vơ là vùng trời thị xã. Ngày xưa, vùng trời thị xã u buồn, thấy đảo chính Nhật hành hạ Pháp, không cho Pháp đi giầy và uống nước. Nhiều người Pháp đã trốn Nhật. Vùng trời tha thiết bảo vệ thị xã hãy cho lén nước người Pháp trong cơn khát rã họng, hãy giúp người Pháp trốn Nhật. Ngày nay, vùng trời thị xã đau khổ, thấy người Pháp đền ơn bằng đại bác, bằng bom!

Bỏ hết bom lên đầu dân Việt Nam, bắn hết đạn vảo ngực dân Việt Nam, bình yên vô sự, phi công Pháp đã làm một phi vụ danh dự cho người Pháp. Và bay về Nam Định.

- Anh ơi, Spitfie là khạc lửa, phải không?

- Ừ.

- Spitfire tiếng Anh, máy bay của Mỹ!

- Mỹ viện trợ cho Pháp.

- Mỹ đểu thật! Viện trợ cho dân thị xã sữa bột, phó mát, hôm qua, viện trợ máy bay cho Pháp giết dân Thái Bình, hôm nay.

- Thôi, đừng nhắc tới Mỹ nữa. Lúc nãy, em hứa kể chuyện đệ tử của Ba Chừ cho anh nghe cơ mà.

- Vâng, em sẽ kể…

110

Chúng đứng trong hành lang, nhịp cầu thứ ba, trông xuôi về phía cống Đậu, gió thổi mát rượi và đôi mắt chớp mau. Còn một tháng nữa hết mùa hạ, bên kia cầu Bo sẽ dâng hoa quả làng mình cho dân chúng đi qua. Làng Bo cũng như cầu Bo, tiếng tăm nhờ trái ổi. ổi Bo ngon nhất miền Bắc. Giống hệt trái lê, vỏ dầy, ruột ít, ổi Bo kén đất sống khôn tả. Cùng ở Thái Bình, người ta đem hạt giống ổi Bo qua Kỳ Bá, An Tập trồng trọt, săn sóc kỹ lưỡng, ổi Bo mọc lớn, nhưng trái bé nhỏ, thiếu hẳn mùi Bo. Ngay Bồ Xuyên, cách làng Bo một con đường mòn, vẫn không thích hợp với ổi Bo, nữa là. ổi Bo chung thủy với làng mình. Tâm sự của nó giống hệt người Việt Nam du sơn du thủy, lâu rồi chán nản, tìm về làng mình và xao xuyến nói: Chỗ quê hương là đẹp hơn cả. Nơi nào con người cũng biến đổi tâm hồn, sống sinh cõi tạm, tựa kiếp phù du, chả muốn nghĩ đến tương lai vời vợi. Quê hương mình mới là chỗ bất diệt, những khi oan khiên, đau khổ; những lúc vui tươi, hạnh phúc. Người ta biết chết cho ai, sống vì ai. ổi làng Bo, chẳng hạn.

Ngày xưa, đến mùa ổi, người từ Hải Phòng về Nam Định, người từ Nam Định sang Hải Phòng, đều bắt xe hàng ngừng lại ở bên kia cầu Bo để mua ổi làm quà. Sáng và đêm, ổi Bo thức và ngủ với cầu Bo. Ngày xưa, thích thật. Dân thị xã ngủ cả đêm, trong hành lang, trên cầu Bo. Dạo ấy, không có giới nghiêm, không có cấm đoán một ai tới vùng bất khả xâm phạm. Vùng nào là vùng bất khả xâm phạm, thời thái bình? Thời thái bình, nhà thường bỏ ngỏ. Người ta thường tụ tập trên cầu Bo, tránh oi nồng mùa hạ.

Vẫn trên cầu Bo, người ta lo sợ con nước lũ chẩy xiết dưới chân cầu. Đêm khuya, nghe tiếng giận dữ của nước xiết, trái tim người ta muốn đứt tung. Nước lũ đỏ ối, tự rừng xa xôi, vượt suối về đồng bằng, đe dọa lụt lội. Người ta kinh hoàng lụt lội sẽ phá tan bao nhiêu mộmg ước đã vun trồng. Và, người ta hướng những cặp mắt xuống cây cột sắt dưới sông báo hiệu mức nước lên. Gần ngập đê sông Trà Lý. Ở trên cầu Bo, nghe tiếng trống canh đê ban đêm như nghe tiếng trái tim xúc động mãnh liệt. Từ xa vọng lại, tiếng trống ngũ liên dồn dập hai bên đê. Trống im là đê đã vỡ. Đê vỡ thì người ta không còn gì.

Bây giờ đến mùa ổi, xe Hải Phòng-Nam Định, Nam Định-Hải Phòng, vì chiến tranh, không qua cầu Bo nữa, ổi Bo không nhiều người ăn với lòng ngưỡng mộ, đâm ra hờ hững, buồn tẻ. Dân thị xã chỉ được đứng trên cầu Bo, từ 8 giờ sáng, đến 7 giờ tối. Ai đến sớm hơn, về lâu hơn, sẽ bị lính Bảo chính gác cầu bắt giữ. Bây giờ, cầu Bo nhạt nước vôi, nhạt phếch, nhiều nhịp rêu đã xanh um, người ta hết cảm hứng đứng trên cầu mơ mộng. Cầu Bo là cây cầu lịch sử, làm chứng cho dân Thái Bình, sống với nó, chết với nó, gửi bao nhiêu kỷ niệm vào nó, ném bao nhiêu ước nguyện vào nó, hạnh phúc vì nó, thống khổ vì nó, tự ngày xây dựng nó lên. Cầu Bo nằm giữa hai miền phủ huyện, có quê hương Trần Lãm, Lê Quý Đôn, Phạm Thái sang sông Trà Lý, sẽ đi vào trường giang tiểu thuyết của văn sĩ lỗi lạc, ngày mai.

- Anh em mình ở đây, đến trưa mới về nhà, em cứ kể chuyện Ba Chừ, xem nó có đi vào tiểu thuyết được chăng?

- Anh ngắm kỹ, hai thanh sắt ngang của nhịp cầu thứ hai đi.

Luyến thả mắt trông nhịp cầu Khoa nói. Hai thanh sắt bị cưa gẫy, bẻ gục về một bên. Người đàn ông to lớn có thể chui qua, rơi xuống sông.

- Pháp bẻ hai thanh cầu làm gì?

- Pháp đâu có bẻ.

- Vậy ai?

- Đệ tử của Ba Chừ, làm theo lệnh ông ấy!

- Ba Chừ là người thế nào?

Khoan đứng sát Luyến, nói đủ nghe. Ba Chừ là đại úy Bảo Chính Đoàn, quân đội nòng cốt của chính phủ Bảo Hoàng. Trước đây, Vương Văn Chừ thuộc lính khố xanh, đeo lon thượng sĩ. Cách mạng nổi lên, dùng nhiều lính khố xanh lắm. Đưa họ vào bộ đội. Vương Văn Chừ không theo cách mạng. Đợi tới năm 1947, ông đi phò Pháp tại Hà Nội. Pháp cho ông lên cấp bậc trung úy ngay. Ông đã đóng quân ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, tỏ ra mẫn cán. Được lên đại úy. Hết cấp bậc cho Bảo Chính Đoàn. Chứ không, Vương Văn Chừ đã leo lên tá. Và, tương lai thành tướng.

Vương Văn Chừ cưỡng bức một thiếu nữ, lấy làm vợ bé trong cuộc hành quân Hưng Yên. Chẳng hiểu sao, ông oán ghét cách mạng đến trời xanh. Đâu có Việt Minh, đó có Ba Chừ mài dao giết. Việt Minh thật, Việt Minh giả, cũng là Việt Minh. Ông sang Thái Bình làm mưa làm gió với người Việt Nam, đồng bào của ông. Pháp chỉ bắt tù binh cách mạng chiến đấu giữa mặt trận. Còn thộp cổ cách mạng chung quanh thị xã là quyền của công an, Bảo Chính, mỗi nơi một nhà tù riêng biệt, bí mật.

Vương Văn Chừ có thằng đệ tử tên Woòng A Tâm, người Thổ, khát máu giống hệt sư phụ của mình. Trông thấy Woòng A Tâm, nên cúi đầu mà đi, kẻo nhìn đôi mắt đỏ ngầu long lanh thù hận lúc mào cũng muốn thọc cổ người ta, sẽ chết ngất.

Luôn luôn, Woòng A Tâm gần Vương Văn Chừ, cả khi tra tấn đến lúc thủ tiêu cách mạng. Hầu như, ngày nào cũng xẩy ra. Vương Văn Chừ có thủ đoạn giết người lừng lẫy trong quân đội Bảo Hoàng. Mặc kệ nước sông Trà Lý trong hay đục, lớn hay cạn, Vương Văn Chừ cứ sai Woòng A Tâm dẫn cách mạng ra cầu Bo, đẩy nó xuống. Không phải chôn lấp lôi thôi. Theo lệnh sư phụ, Woòng A Tâm sáng tạo chỗ giết người rùng rợn. Bẻ hai thanh sắt, trong hành lang một nhịp cầu, Woòng A Tâm nửa khuya lấy xe jeep chở cách mạng Thái Bình lên cầu Bo. Nó bắt người ta ngồi dựa lưng vào hành lang, trói hai tay vào song sắt. Rồi, nó nhét đầu người ta chui qua, gối cổ trên một thanh sắt hụt hẫng. Nó đấm một trái quyết liệt. Người ta hét lên đau đớn. Đó, đúng lúc, nó đâm dao găm vô họng người ta. Nó rút thuốc lá Cotab, châm lửa, rít một hơi đẫy đà. Người ta rên siết, muốn chết ngay mà không được chết. Nó cắm đầu điếu thuốc còn cháy vào mồm người ta. Người ta giẫy giụa và ú ớ. Nó cắt đứt hai sợi dây trói tay, rút dao găm trong miệng người ta, cầm đôi chân, đẩy người ta xuống sông. Một tiếng kêu dưới nước, nó cười, lau dao găm đầy máu và lên xe jeep về ngủ.

- Câu chuyện đệ tử của Vương Văn Chừ đó, anh.

- Dã man không tưởng tượng nổi.

- Chỗ giết người ở nhịp cầu thứ hai, bên phải.

- Vương Văn Chừ đáng tội.

- Em tưởng Woòng A Tâm.

- Woòng A Tâm chỉ là tay sai của Vương Văn Chừ.

- Vương Văn Chù là tay sai của ai?

- Bảo Đại.

- Bảo Đại cũng là Bảo Hoàng à?

- Ừ, Bảo Đại làm quốc trưởng chính phủ Bảo Hoàng.

- Bảo Đại dã man.

- Lịch sủ sẽ ghi tội lỗi của ông ta.

- Nếu lịch sử không biết chuyện giết người trên cầu Bo?

- Thì tiểu thuyết sẽ viết truyện cầu Bo.

- Ai sẽ viết tiểu thuyết ấy?

- Em hay anh, chẳng hạn.

- Tiểu thuyết khó lắm. Em không viết được đâu.

- Ai mà biết tương lai của mình. À, sao em biết chuyện này?

- Anh thượng sĩ, phòng 2 Bảo Chính Đoàn, uất ức Vương Văn Chừ và Woòng A Tâm giết người tàn nhẫn. Anh ta kể với bạn anh ta. Bạn anh ta kể với bố em.

- Bố em kể với em, hả?

- Vâng.

- Anh thượng sĩ đâu rồi.

- Dào ngũ lên Hà Nội.

- Anh ta muốn làm người, một người đầy tâm hồn, trong thời lửa đạn.

Chuyện Khoa vừa kể khiến Luyến lại ưu tư. Thái Bình nằm dọc sông Trà Lý, cả đôi bờ, chẩy tới tận cửa biển, vốn xưa thật hiền lành, chất phác. Có lẽ thù hận đến Thái Bình từ năm 1945. Nhật nó xui Thái Bình căm hờn Pháp. Nó lại đảo chính hất chân Pháp. Ở với Nhật ít tháng, Thái Bình nhận thấy Nhật tồi tệ gấp ngàn lần Pháp. Dễ hiểu thôi, Nhật da vàng, mũi tẹt. Da vàng, mũi tẹt có yêu nhau bao giờ. Tổng khởi nghĩa cách mạng đuổi Nhật và ve vuốt Thái Bình căm thù Nhật. Pháp trở lại xâm lăng Việt Nam, cách mạng muốn Thái Bình vùng lên căm thù Pháp. Căm hờn, căm thù, căm phẫn, riết rồi chỉ thấy thống khổ bủa xuống Thái Bình. Cách mạng thù hận Pháp. Pháp hận thù cách mạng. Tưởng chỉ có căm thù hai phía.

Bây giờ, thù hận nhiều phía. Bảo Hoàng hận thù cách mạng. Cách mạng thù hận Bảo Hoàng. Bùi Chu – Phát Diệm hận thù cách mạng. Cách mạng hận thù Bùi Chu – Phát Diệm. Những thù hận dội lên đầu Thái Bình oan uổng. Biết thù hận quanh mình đã khốn nạn, chịu thù hận, mang no thù hận đời mình thì khốn nạn đến kiếp nào? Thị xã trốn tránh cái thù hận bên ngoài, lại gặp cái thù hận bên trong. Thù hận bên ngoài nó lãng đãng, mơ hồ; thù hận bên trong nó in đậm, rõ nét. Như nạn Vương Văn Chừ, Woòng A Tâm, chẳng hạn.

Tự thâm tâm, Luyến hiểu rằng, mình chả làm gì để xoá tan thù hận, kể cả thù hận vô duyên cớ. Đã theo thời đại, Luyến cũng đành để thời đại nó xoay vần. Luyến tin, thời đại sẽ xoay vần đến thời kỳ rực rỡ, thanh bình. Lúc ấy, ta sẽ ôn lại những thù hận đã qua với tấm lòng vị tha của ngưòi viết sử. Luyến không ôm mộng viết lịch sử. Vừa nói với Khoa, mình sẽ viết tiểu thuyết, và một tiểu thuyết duy nhất mà thôi. Tự nhiên, Luyến yêu cây cầu Bo bắc ngang sông Trà Lý ở thị xã Thái Bình. Cầu Bo đã chứng kiến nhiều nghịch cảnh của thời đại. Nó sẽ là nhân chứng của những ai muốn biết Thái Bình trải qua một trăm năm.

- Anh Luyến, trưa rồi, về chứ?

- Về thì về.

(Còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn