BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Thấp Thoáng Chia Ly (96 – 99)

21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1206)
Những đứa trẻ Thái Bình – Thấp Thoáng Chia Ly (96 – 99)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

PHẦN NĂM


THẤP THOÁNG CHIA LY


96

 Làng cách mạng Đông Cao, cái nôi ru say đắm người chiến sĩ. Làng ấy bị Pháp dội bom tàn sát năm 1939. Khi Pháp đánh vào, làng chống trả dữ dội, nếu Pháp mang ít quân đi. Khi Pháp đánh vào, làng bỏ đồng không nhà trống, nếu Pháp huy động nhiều lính. Đàn bà, trẻ con sang những làng lân cận lánh giặc. Đàn ông, thanh niên xuống thuyền ra khơi đánh cá. Pháp bao vây Đông Cao lâu quá, không ngăn nổi tinh thần chiến đấu của cả làng. Đành đem máy bay đến tàn phá. Và bỏ rơi Đông Cao, không có tên trong bản đồ huyện Tiền Hải.

Đông Cao nổi tiếng, từ ngày Ngô Duy Phớn về làm lãnh tụ ở đó. Một bài hát ca ngợi Ngô Duy Phớn và Đông Cao.

… Ngô Duy Phớn Đông Cao

Ai là dân

nước Việt Nam

Lòng hy sinh đương cơn nung nấu

Mau tiến tới phá hết xích xiềng

Cờ Việt Nam phấp phới bay cao…

Đông Cao, làng cộng sản miền Bắc đầu tiên chống thực dân. Thái Bình coi Đông Cao bất khuất, dùng Đông Cao làm nơi tôi luyện chiến sĩ cách mạng. Nhiều người cộng sản trốn tránh Pháp và triều đình Huế ở đây. Vọng học chính trị với Nam Anh và nhiều người khác. Họ đều có kiến thức sâu rộng nhưng khiêm tốn. Họ đã bỏ nhà, bỏ cảnh phú quý ra đi. Làm cách mạng.

Vọng vẫn học, vẫn đi biển. Đi biển dạy Vọng giá trị của lao động. Biết giá trị của lao động sẽ thương yêu người lao động. Như một dòng sông lúc nào cũng chẩy, nước ngược nước xuôi. Nước chẩy làm ra sáng tạo và tinh hoa cho con người. Một dòng sông không chẩy khác gì cái ao tù hãm, bệnh tật và yếu hèn. Lao động đích thực là dòng sông chẩy mạnh. Vọng say mê lao động như say mê chính trị.

Đầu tháng 8, 1945, Nam Anh dạy Vọng xong, kéo nó ra ngồi gốc cây cuối sân đàm đạo:

- Cháu tiến bộ lắm.

- Cám ơn chú.

- Một mình cháu bằng mười người gộp lại.

- Làm sao bằng nổi?

- Bằng mà. Ngày mai, các chú phải về thị xã. Cháu đi lao động nhiều nhé!

- Tức là cháu nghỉ học?

- Tạm nghỉ thôi.

- Các chú về thị xã làm gì?

- Thời và thế đã tới. Nhật sắp đầu hàng Mỹ. Các đảng phái đang tổ chức nhân dân tiếp đón. Đảng ta không cần đón rước, phải cướp chính quyền trong tay trước nhất. Đảng ta sẽ gặp trong ba trường hợp khó khăn phải đối phó cấp kỳ.

- Chú nói những trường hợp đó.

- Một, các đảng phái xúm nhau thanh trừng Đảng ta, nếu chính quyền không về tay họ. Hai, đồng minh sẽ đưa nước nào vào Việt Nam tước khí giới Nhật, miền Bắc và miền Nam? Nếu là Tầu, thật đáng lo ngại. Ba, Pháp có trở lại Việt Nam không? Nếu Pháp âm mưu trở lại, ta phải kháng chiến chống Pháp, không được ở các thành phố nữa, vì vừa độc lập đã bị chống giặc, ta còn yếu lắm. Một giải pháp hoàn toàn thắng lợi về tay ta là Mỹ vào Việt Nam tước khí giới Nhật. Anh, thực dân chiếm Ấn Độ, Mã Lai, Diến Điện, bị Nhật đánh tan nát, chiếm lại, và Tầu bị Nhật chiếm đóng đều là đồng minh với Mỹ. Rắc rối. Cả đêm qua, chú phải học tập bài Việt Nam sau khi Nhật đầu hàng của Đảng ta. Những trường hợp đó, rắc rối thì có, nguy hiểm thì không. Vì…

- Vì sao, chú?

- Vì, lãnh tụ tối cao của Đảng ta mới về Việt Bắc!

- Ai?

- Hố Chí Minh.

- Hồ Chí Minh?

- Phải, Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Ái Quốc, bôn ba khắp thế giới, tranh đấu cho Việt Nam, đã trở về nước.

- Và chú nghĩ Nhật sắp đầu hàng?

- Lãnh tụ tối cao của Đảng ta đã khẳng định Nhật phải đầu hàng Mỹ.

- Chú về thị xã?

- Các chú về sớm, đợi chỉ thị của Đảng ta.

- Cho cháu về với?

- Cháu ở yên đây, đang học tập, còn phải học tập nhiều nữa. Cháu chưa thể hành động được.

Rút trong tập viết ra hai tờ giấy, Nam Anh đưa vào tay Vọng:

- Đây là hai bài hát, có cả nhạc. Đồng chí địa phương Văn sẽ đến chơi banjo, cho cháu tập hát. Thuộc rồi, cháu sẽ phổ biến cho Đông Cao để Đông Cao phổ biến các làng lân cận. Cháu theo rõi sát, hễ thị xã khởi nghĩa cướp chính quyền, thì hướng dẫn Đông Cao vào huyện Tiền Hải biểu tình tuần hành và truất phế tri huyện, đưa người Đông Cao, đồng chí Bẩy Phòng của ta, lên làm chủ tịch lâm thời huyện. Quốc kỳ nền đỏ sao vàng Đông Cao. Đó là công tác thứ nhất của cháu, chú chịu trách nhiệm đề cử cháu với Đảng. cháu phải hoàn tất. Chúc cháu thành công và thành công lớn.

- Vâng.

- Một bài hát là Tiến quân ca, tạm dùng làm quốc ca. Một bài là Đuốc gươm thiêng [1], tạm dùng làm lãnh tụ ca. Hai bài thôi, sẽ làm cách mạng bừng bừng khí thế ở Tiền Hải.

Nam Anh tạm biệt Vọng. Đêm hôm ấy, Văn đến vê banjo rỏn rã để Vọng hát.

Đoàn quân Việt Minh đi

chung lòng cứu quốc

Bước chân dồn

vang trên đường gập ghềnh xa

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước

Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca

Đường vinh quang

xây xác quân thù

Tiến mau đi

đoàn Việt lập chiến khu

Thề phanh thây

uống máu quân thù

Tiến mau ra sa trường

tiến lên

cùng thét lên

Chí trai là đây nơi ước nguyền

Thuộc bài Tiến quân ca rồi, Vọng học bài Đuốc gươm thiêng:

Đuốc gươm thiêng

vung cho nước nhà

Khiến dân Việt Nam

hết xót xa

Hồ Chí Minh

anh hùng bao nhiêu năm tranh đấu

Thắng gian nguy

tranh công đầu

giải phóng cho dân Việt Nam

danh tiếng ngàn thu

Ngàn đời sau

lưu quý danh

Dân Việt Nam hô lớn đồng thanh

Hồ Chí Minh muôn năm

Hồ Chí Minh

Người soi đuốc sáng khắp nước Nam

Hồ Chí Minh

Làm cho nước Việt Nam quang vinh

Hôm sau, Vọng phổ biến bài hát cho dân làng Đông Cao và chuẩn bị ngày khởi nghĩa ở Tiền Hải. Nam Anh không nói đến khẩu hiệu, bích chương, Vọng đã nghĩ tới. Đâu đâu cũng nghe nói sắp tới ngày khởi nghĩa. Vọng nôn nao. nó đếm từng ngày.

1/ Bài Đưốc Gươm Thiêng, nếu chúng tôi nhớ không lầm là do nhạc sĩ Hải Linh, rất lâu sau ngày 19-8, mới sáng tác.

 

97

Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã khai hoang đất này, đặt cho nó cái tên Tiền Hải. Bao quanh biển Bắc, ráp ranh giới Kiến Xương bằng làng Trình Phố, huyện lỵ cuối cùng bên tả ngạn sông Trà Lý là Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái Bình. Dân tình đông đúc. Tiền Hải cả đời không biết lụt lội. Nước lũ trên ngàn chẩy xuôi ra đến gần biển yếu dần. Tiền Hải không có đê sông Trà Lý. Nhiều con sông nước biển ùa vào hòa chung với nưóc ngọt thành nước lợ. Nước lụt chỉ đến Thanh Nê, Kiến Xương. Là thôi. Dân Tiền Hải sung túc, vì thế.

Ngày 19 tháng 8, 1945, tổng khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay Nhật ở Hà Nội, Thái Bình, Phủ Lý và các thành phố, thời gian có chênh lệch nhau cũng chỉ hai ba ngày. Thái Bình khởi nghĩa từ 8 giờ sáng. Tiền Hải được tin muộn màng, ba ngày mới phát động. Tri huyện và gia đình đã phóng xe hơi chạy trốn. Không có Nhật ở đây, tổng khởi nghĩa không gặp một trở ngại nào.

Vọng dẫn Đông Cao xuống Tiền Hải. Vừa bước nhanh vừa hát Tiến quân ca. Người nào người nấy đằng đằng sát khí. Dọc theo đường Đông Cao đi, các làng kéo nhau ào ào cùng đi. Đoàn người chẳng mấy đỗi đông như kiến. Các khẩu hiệu phóng ra:

- Cách mạng thành công muôn năm!

Lời hô bay tim phổi:

- Muôn năm…

- Việt Nam độc lập muôn năm!

- Muôn năm…

- Đả đảo thực dân Pháp!

- Đả đảo.

- Đả đảo phát xít Nhật!

- Đả đảo.

- Đả đảo Việt gian!

- Đả đảo.

Đoàn người cách mạng đã tới huyện lỵ. Cờ đỏ sao vàng tung bay ngợp trời. Những bích chương vàng viết khẩu hiệu đỏ chói chang vùng đất. Lời ca hào hùng vút lên không gian. Tiếng hô mở đường tim vào lòng người. Những khuôn mặt ủ rũ từ 80 năm nô lệ muốn kéo thời gian trở lại, để chứng kiến cảnh tượng nóng bỏng của ngày quốc dân tổng khởi nghĩa.

Vọng tưởng chừng lớn lên, hướng dẩn nhân dân vào phố huyện. Chưa bao giờ, Vọng nghĩ, một thằng bé con nhà nghèo mạt rệp ở Kỳ Bá, ghẻ tầu, bị học trò Monguillot xúm nhau đánh đấm, suýt chết đói, như hôm nay. Như hôm nay, Vọng đã trưởng thành, đã biết chôn vùi căm thù cũ. Vọng nghiến răng, hô lớn:

- Đả đảo phát xít Nhật!

Mọi người hòa giọng:

- Đả đảo.

- Đả đảo thực dân Pháp!

- Đả đảo.

- Đả đảo phát xít Nhật độc ác, bắt hai triệu người Việt Nam chết đói!

- Đả đảo.

- Đả đảo thực dân Pháp tàn nhẫn, bắt nhân dân Việt Nam nô lệ 80 năm!

- Đả đảo.

Hai khẩu hiệu của Vọng nghĩ ra, tưởng chừng đã trả thù thực dân Pháp cho cha nó cu ly, chết vì bệnh ho lao; đã trả thù phát xít Nhật cho mẹ nó bán hàng rong, chết vì đói. Như thế, Vọng đã hả hê lắm rồi. Cha mẹ nó chắc đã mỉm cười nơi chín suối.

Dân phố huyện thấy đoàn biểu tình tuần hành, mắt long lanh thù hận, sợ hãi. Nhiều nhà đóng cửa lại. Nhiều nhà hé mở nhìn nông dân bộc lộ nỗi niềm. Nỗi niềm mà, từ khi họ ra đời và sống cam đành, họ chưa hề thấy. Cái đám dân huyện lỵ, thị xã, thành phố đều giống nhau. Họ sống yên thân, chẳng biết bị trị là gì!

Huyện đường ở cuối phố chính. Đoàn biểu tình phải qua nhà bưu điện, qua trường học mới tới. Những khẩn hiệu, những bài ca vẫn vang vọng. Họ đã đến huyện đường. Lính lệ cởi quần áo, xếp súng đạn một chỗ, đứng chờ đầu hàng. Vọng nghiêm cấm không cho bất cứ ai hành hung, nhục mạ lính lệ, theo chỉ thị của cách mạng. Vọng tiếp thu súng đạn, giao cho Đông Cao rồi vào huyện đường. Tri huyện đã trốn từ lâu, các nha lại có mặt ở huyện đường nộp huyện và các cơ cấu hành chính, thuế má cho cách mạng. Vọng chứng kiến kiểm kê, bắt Đông Cao khóa cửa văn phòng và sai người bồng súng gác. Vọng cho các nha lại cùng lính lệ trở về nhà mình, không sợ gì hết.

Cuộc tiếp thu huyện đường xong xuôi, Vọng chỉ huy đoàn biểu tình, vòng qua phố nhỏ, đối diện với phố chính, ngược đường ra sân vận động. Ở đây, có cái hồ nước lớn. Sân vận động nằm cạnh hồ nước. Đoàn biểu tình dừng chân. Họ hát và hô khẩu hiệu, lại râm ran. Lúc nào cũng mới. Chẳng bao giờ cũ.

- Hồ Chí Minh muôn năm [1]!

- Muôn năm…

- Việt Nam độc lập muôn năm!

- Muôn năm…

- Cách mạng muôn năm!

- Muôn năm!

- Lật đổ tri huyện Việt gian bán nước!

- Lật đổ.

- Bầu ngay chủ tịch lâm thời huyện!

- Bầu ngay.

Sân vận động có một cột cờ cao và lớn. Hồi Pháp thuộc, mỗi dịp đá bóng hay mỗi lẩn tổ chức cuộc vui, người ta kéo cờ tam tài và cờ vàng lên. Từ ngày Nhật đảo chính Pháp, cờ tam tài bị thay bằng cờ mặt trời. Hôm nay, một lá cờ, chỉ duy nhất một lá cờ đỏ sao vàng, của nước Việt Nam độc lập, mới tung bay ngạo nghễ. Vọng cho mang sẵn lá cờ lớn, buộc vào dây cột cờ. Cách mạng làm lễ chào cờ nghiên trang. Tự 4000 năm, dân huyện lỵ mới tập trung đông đảo để chào cờ trong khí thế oai hùng.

Vọng tiến gần cột cờ, hô lớn:

- Toàn thể chú ý. Nghiêm!

Mọi người đang xôn xao, bỗng đứng nghiêm, im lặng.

- Chào cờ… chào…

Tiếng hát trào dâng.

- … Thề phanh thây uống máu quân thù

Tiến mau ra sa trường

tiến lên

cùng thét lên

Chí trai là đây nơi ước nguyền

Người kéo cờ thật giỏi, hết quốc ca, cờ đã cao vút trên ngọn cột. Chờ một lát, Vọng hô:

- Suy tôn lãnh tụ Hồ Chí Minh!

Tiếng hát bốc tỏa.

- … Hồ Chí Minh muôn năm

Hồ Chí Minh

Người soi đuốc sáng khắp nước Nam

Hồ Chí Minh muôn năm

Hồ Chí Minh

Làm cho nước Việt Nam quang vinh

Sau đó, Vọng lên phát biểu ý kiến. Theo Vọng, cách mạng là cứu tinh của dân tộc, sáng tạo ngày tổng khởi nghĩa, giải phóng toàn dân thoát cảnh nô lệ lầm than của Pháp, cảnh dã man tàn bạo của Nhật. Nhân dân ta không thể chịu được bóc lột, đầy đọa của thực dân và phát xít. Chúng ta phải vùng lên, có cách mạng dẫn đường chỉ lối, chúng ta không bao giờ thất bại nữa. Vỗ tay hoan hô. Người khác lên phát biểu. Và người khác, người khác… Phát biểu và vỗ tay. Như thế, từ trưa đến chiều vẫn say mê.

- Bầu ngay chủ tịch lâm thời huyện!

- Bầu ngay.

Vọng đề cử đồng chí Bẩy Phòng. Người ta coi Vọng như lãnh đạo hôm nay. Người ta mến yêu Vọng. Không ai đề cử người khác.

- Đồng ý.

- Nhất trí cao, đồng ý.

- Đồng ý.

Bẩy Phòng hiên ngang làm chủ tịch lâm thời huyện. Người ta vỗ tay chào mừng Bẩy Phòng. Người ta hát. Người ta liên hoan. Người ta quên ăn, quên uống. Quá nửa khuya, người ta mới giải tán.

1/ Một đảng viên nhỏ tuổi, ở vùng hẻo lánh Đông Cao, khó lòng có thể viết và hô khẩu hiệu này ngày 19-8. Ngay ở Hà Nội, chỉ tới ngày 2-9, người ta mới nghe về Hồ Chí Minh.

 

 

98

Vọng nghĩ rằng Vũ đã về Thái Bình, đã chứng kiến lụt lội. Tiền Hải không có lụt lội bao giờ, không phải lo lắng khi nghe trống canh đê, không đau khổ khi đê vỡ.

Năm 1945, vun vút trôi mau. Vọng vẫn ở Tiền Hải, phụ tá cho Bẩy Phòng công tác cách mạng. Nó chưa nhận lệnh đi đâu, ngoài việc từ làng Đông Cao chuyển về huyện lỵ Tiền Hải. Vọng muốn về thị xã thăm bạn cũ và tâm sự đủ thứ chuyện. Việc làm án ngữ thời gian. Và lãnh đạo, cơ hồ ngọn lửa vô hình, luôn luôn theo rõi tâm hồn Vọng, quyết định cuộc đời Vọng. Vọng chẳng thể tự do bừa bãi như thuở làm học trò. Nam Anh và các đồng chí chưa trở lại Tiền Hải. Có lẽ gặp nhiều trường hợp khó khăn ở thị xã, Nam Anh phải hiện diện thường xuyên. Vọng bận nhiều với Ủy ban cách mạng Tiền Hải, không cần biết những gì đã xẩy ra bên ngoài.

Thế rồi, Tầu phù của Lư Hán, Tiêu Văn sang Thái Bình tước võ khí Nhật lùn. Đảng đã nhận xét thật đúng. Nam Anh phải đối phó với các đảng phái thân Tầu và quân Tầu ô hợp. Tướng Long Vân sợ Tưởng Giới Thạch khu trừ mình, đóng quân ở Trung Hoa kiềm chế Tưởng Giới Thạch, sai Lư Hán mộ lính Quảng Đông, Quảng Tây, kéo đám Tầu phù thũng qua Việt Nam. Người Mỹ đã nhận Tầu phù là đồng minh! Quân Tầu sang Việt Nam không muốn về. Đã chả tốn một giọt máu như Tôn Sĩ Nghị, xâm lăng có chính nghĩa tước võ khí của phát xít, được hầu hạ cơm nước, ăn uống thả giàn, Tầu phù không ham về nước chúng. Là phải. Người Mỹ đã đểu giả với dân tộc Việt Nam từ đó.

Cách mạng đã giải quyết thỏa đáng vấn đề. Cách mạng đúc người bằng vàng y cống hiến Lư Hán, Tiêu Văn. Những thằng tướng Tầu hèn mọn này rút quân về Tầu. Vọng mường tượng ra cảnh Tầu phù tước khí giới Nhật. Chắc bi thảm hơn cảnh Nhật đảo chính Pháp. Côn đã thương Pháp, tội nghiệp Pháp sa vào sự tàn nhẫn của Nhật. Nó lại thương Nhật, tội nghiệp Nhật sa vào sự bất nhân của Tầu cho mà xem. Thằng Côn tình cảm ấm ớ. Vọng đã chê Côn, không đồng ý với Côn vụ Nhật hành hạ Pháp năm ngoái. Vọng tiếc rẻ, giá nó có mặt ở thị xã ngắm quân Tầu ô nhỉ?

Vọng không được chứng kiến ngày Tầu phù lếch thếch kéo nhau về, Tầu buôn hết làm bộ làm tịch khi quân Tầu đóng ở thị xã. Vọng tin tưởng bọn thằng Vũ, thằng Côn sẽ không tha thứ cho bọn thằng Coóng, thằng Dzoòng.

Sau khi Tầu hồi hương, chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ tối cao của Đảng, cứu tinh của dân tộc, đã về Thái Bình thăm nhân dân. Vọng ấm ức không gặp bác Hồ, cơ hội ngàn năm một thuở.

Cuối năm 1946, Pháp ở Hà Nội khiêu khích. Hồ chủ tịch kêu gọi toàn dân đoàn kết chống Pháp xâm lăng và tản cư về hậu phương kháng chiến. Vọng hiểu rằng đất nước đã có chiến tranh. Căm thù thực dân chưa xong, đã căm thù xâm lăng Pháp. Vọng muốn vào bộ đội, đi tiêu diệt kẻ thù. Nó cứ ở Tiền Hải mãi, ở đến bao giờ, khi cơ thể nó rung lên, dòng máu trong huyết quản nó réo sôi.

Tháng 4, 1947, Nam Anh xuôi Tiền Hải gặp Vọng. Vọng vui mừng khôn tả:

- Đã hơn một năm rồi xa chú.

- Chú biết. Cháu làm việc ở Ủy ban huyện bận rộn làm sao, thì chú ở Ủy ban tỉnh bận rộn dường ấy. Hơn nữa là khác. Chú vẫn nhớ cháu, theo rõi cháu…

- Cám ơn chú.

- Cháu biết tại sao giữ cháu ở Tiền Hải không?

- Không.

Muốn cháu xa nhà, nhớ mãi rồi quên đi. Người làm cách mạng cứ nhớ nhà, nhớ kỷ niệm cũ, nhớ bạn bè xưa, phẩm chất không còn là cách mạng nữa. Bởi mong mỏi cháu thành người cách mạng nguyên vẹn, Đảng ta mới ghìm cháu ở Tiền Hải, không cho cháu về thị xã. Trong cách mạng, cháu lớn vọt lên từ hành động đến tư tưởng, cháu biết không?

- Cháu chỉ thấy mình lớn lên.

- Quên mình, nghĩ đến người, là nét đậm trong cách mạng.

- Vâng.

- Thầy Hoan nhớ cháu luôn.

Vọng thương thầy Hoan, nhớ thầy canh cánh bên lòng. Cần một câu, một câu thôi, đủ diễn tả tâm hồn Vọng: Không có thầy Hoan, nó đã chết đói!

- Bây giờ, thầy cháu ở đâu?

- Việt Bắc.

Nam Anh nhìn Vọng, mỉm cười khoan khoái:

- Nguyễn Công Hoan đã tìm ra người cống hiến cho cách mạng.

Vọng xấu hổ, cúi đầu.

- Cháu làm rạng rỡ tinh thần Ngô Duy Phớn. Ở Đông Cao. Ở huyện Tiền Hải. Cháu giầu sáng tạo. Cháu soi rõ niềm khoan hồng, đạo đức của cách mạng: Tha chết cho lính lệ và nha lại. Cháu nghiêm minh giữ lại cho cách mạng những thứ cách mạng chiếm được. Tài sản của huyện đường, huyện quan, súng đạn kiểm kê và canh giữ. Ở nhiều huyện khác, cách mạng dấy lên, vì lòng căm phẫn nhất thời của nhân dân, nhiều người đã bị giết chết, cả những người vô tội nữa. Có nỗi bất bình phản ánh. Cách mạng đành im, chịu đựng oan nghiệt. Cách mạng ở đâu cũng vậy, giống nhau chi tiết này. Cách mạng ở nước Pháp, người chết oan vô tả. Trong lịch sử Pháp ghi chép đầy đủ. Cháu đã làm đúng tinh thần cách mạng: Không giết người, không cướp của. Không ai dạy cháu, thầy Hoan không dạy cháu, chú không dạy cháu. Vậy ai dạy cháu?

Vọng nghĩ ngay đến thằng Vũ và những nét cao thượng của nó.

- Thưa chú, thằng Vũ.

- Là ai?

- Học cùng trường với cháu. Thầy Hoan khen ngợi nó hết lời.

- Thầy Hoan nói sao?

- Thầy bảo Vũ là kẻ có lòng, là anh hùng, dám bênh bạn, quý thầy mà chịu đuổi học.

- Vũ ở đâu?

- Cháu chỉ gặp nó ở thị xã. Hồi nó bị đuổi, lên Hà Nội học, cháu không còn gặp nữa.

Nam Anh nói:

- Chú sẽ tìm thằng Vũ.

Và vỗ vai Vọng:

- Cháu sửa soạn hành lý lên đường.

Vọng theo Nam Anh đi Quỳnh Côi. Ngay hôm sau, Vọng được kết nạp vào Đảng, thuộc Đảng ủy Thái Bình, căn cứ bản đề cử của Nguyễn Công Hoan và Nam Anh, những ngày tranh đấu với bản thân, cùng thành tích cách mạng của Vọng đã lập được. Vọng đã thành đảng viên Đảng cộng sản năm Vọng 19 tuổi. Vọng được vào Đảng, lý do chính Vọng thuộc thành phần công nhân nghèo khổ. Cha Vọng sống nghèo khổ, chết vì bệnh ho lao. Mẹ Vọng nghèo khổ, chết vì đói. Vọng nghèo khổ, bị áp bức từ nhỏ.

Vọng đã cảm động ứa nước mắt, lúc tuyên thệ trước bàn thờ treo Đảng kỳ và Quốc kỳ. Vọng quỳ xuống, thề rằng: Trung thành với Đảng, với Lãnh tụ, với Giai cấp, với Tổ quốc, với Nhân dân. Vọng phải bỏ tên cũ, lấy tên mới, quên hẳn tên cũ Nguyễn Hữu Vọng đi. Nam Anh cùng Vọng tham khảo chuyện đổi tên. Cuối cùng, Nguyễn Hữu Vọng thành Nguyễn Kỳ Bá, làm bất cứ việc gì phải tuân lệnh Đảng, đi bất cứ đâu phải do Đảng chỉ thị. Không phàn nàn, chẳng bất mãn. Vọng sung sướng lắm rồi.

- Từ nay, đồng chí là đồng chí của tôi.

Nam Anh bắt tay Kỳ Bá:

- Trong công tác và những nơi công cộng. Ngoài thời gian đó, ở nhà, hãy thân mật xưng hô chú, cháu.

- Thưa đồng chí, vâng.

- Không, rõ.

- Thưa đồng chí, rõ.

- Đồng chí còn trẻ, tôi có bổn phận cho đồng chí biết, còn nhiều cản trở, Đảng ta chưa nói rõ là Đảng cộng sản được. Mai này, lãnh tụ tối cao sẽ đặt tên lâm thời cho Đảng. Gặp gì chăng nữa, đồng chí chỉ nên vắn tắt: Đảng ta thôi.

- Thưa đồng chí, rõ.

- Vì đồng chí còn trẻ, Đảng ta chưa đặt đồng chí ngồi ở những cấp cao hơn, dù đồng chí tài giỏi, sáng tạo tốt. Đồng chí nắm cấp nhỏ rồi đi lên, theo tuổi tác của đồng chí.

- Thưa đồng chí, rõ.

- Đồng chí thắc mắc gì không?

- Thưa đồng chí, không.

- Hoàn toàn không?

- Thưa đồng chí, hoàn toàn.

- Mai tôi sẽ rời đồng chí về thị xã. Đồng chí ở lại Quỳnh Côi, trực thuộc Quỳnh Côi trong công tác.

Từ Tiền Hải, sang sông Trà Lý, qua Quỳnh côi, Kỳ Bá thấy cuộc đời mình xoay đổi chớp nhoáng. Bây giờ, anh đã thành đảng viên Đảng cộng sản, có tên mới, anh dùng làm cả bí danh: Kỳ Bá. Quỳnh Côi đẹp hơn Tiền Hải. Phố xá huyện lỵ nhiều nhà ngói khang trang. Ngày xưa, có thời thi hào Nguyễn Du đã sáng tác thi ca ở đây. Quỳnh Côi phi cơ Nhật đã hạ phi cơ Mỹ rụng rơi, sau lần không chiến, làm xôn xao huyện lỵ.

Ký Bá theo học Sử Đảng để hiểu lịch sử của Đảng cộng sản quốc tế, Đảng cộng sản Đông Dương, rồi Đảng cộng sản Việt Nam mà quan niệm về sử cho đúng đắn, chững chạc là đảng viên cộng sản. Lần lượt Kỳ Bá thuộc tên Karl Marx, Friedrick Engels, Vladimir Ilitch Lénine, Joseph Staline, Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Nguyễn thị Minh Khai… Kỳ Bá như sống với ngày Xô viết Nghệ An, Nam kỳ, Bắc Sơn khởi nghĩa… Những địa danh Bắc Sơn, Thái Nguyên… gần gũi Kỳ Bá, sưởi ấm lòng Kỳ Bá.

Kỳ Bá học sáu tháng mới chấm dứt khóa 1, Đảng đã đưa anh gia nhập bộ đội. Thời gian này, Pháp ở Nam Định vượt sông Hồng qua Tân Đệ, vào thị xã Thái Bình. Pháp hành quân chớp nhoáng. Rút lui vô sự. Không giết bất cứ ai. Thị xã không biết gì. Sáng sau mới rõ. Pháp đã về Nam Định rồi. Cách mạng quy mọi tội lỗi cho Hoàng Sĩ Tính, con cháu Hoàng Cao Khải, Hoàng Trọng Phu, là tiểu đoàn trưởng bộ đội trấn giữ thị xã mà không biết tin tức địch. Hoàng Sĩ Tính bị xử tử tại sân vận động Thái Bình. Anh ta vừa bị gục, điện tín của Hồ chủ tịch khoan hồng anh, cách mạng mới nhận được.

Hoàng Sĩ Tính chết vài ngày, lệnh tiêu thổ kháng chiến ban hành. Thị xã bị phá tan tành nhà cửa. Dân chúng kéo nhau về quê. Đầu năm, Kỳ Bá tốt nghiệp quân sự. Anh theo trung đoàn 84, xung phong đi diệt Pháp ở Hải Dương, Hưng Yên. Trung đoàn 84 nổi tiếng gan dạ. Giữa năm, Kỳ Bá lên chức chính trị viên tiểu đội. Kỳ Bá chuyển quân khắp nơi, đóng khắp các huyện lỵ. Trong năm 1949, Kỳ Bá là chính trị viên trung đội. Năm 1950, Đảng thay đổi nhiều chính sách. Giải tán Vệ quốc đoàn, thành lập Quân đội nhân dân, và chính trị viên là chính ủy.

Tháng 9 năm 1950, chính ủy Kỳ Bá đã cho trung đội 23, đại đội 6, tiểu đoàn 15, trung đoàn 84 sang sông Trà Lý, đóng ở ba làng đã vào Hội Tề: Tường An, Đồng Đức, Đại Đồng. Đêm nay, Kỳ Bá không ngủ được vì lãnh đạo và thần tượng, Vọng và Kỳ Bá ám ảnh chính ủy. Chính ủy phải vận dụng trí tưởng tượng của mình, leo lên chiếc tầu, ngược dòng thời gian, chạy về vùng dĩ vãng ngậm ngùi. Để tìm tuổi thơ của thằng Vọng…

99

Đã bảy giờ sáng. Các sắc chim đang đua nhau hót trên cành cây, báo hiệu một ngày mới. Kỳ Bá đứng dậy, anh mỉm cười. Cười cho mình. một chút ít tình cảm tiểu tư sản đã làm anh suy nghĩ suốt đêm về lãnh đạo và thần tượng. Anh có dịp trở ngược dĩ vãng, nhìn lại đời mình. Nhìn lại đời mình, Kỳ Bá chỉ thấy rong rêu phủ kín. Thần tượng, theo nhóc Khoa suy tôn mình, là thần tượng của tuổi thơ. Thần tượng ấy bừng sáng chốc lát, không lấp nổi những cái hố thẳm đầy oan khiên, nghèo đói bủa quanh mình.

Kỳ Bá sắp chết đói. Lúc anh gặm củ chuối, có ai tôn vinh anh là thần tượng, cứu rỗi anh? Vũ được, Côn được. Luyến được. Khoa được. Chúng nó không thể giúp anh lớn lên huy hoàng, như còn bé anh đã sút những đường bóng ngả bàn đèn, trồng cây chuối, xuyên chỉ qua kim nổi. Thời đó, anh coi như kỷ niệm, như ánh nắng chiếu xuống trưa mùa đông. Ngắn ngủi. Chóng tàn. Cái phải nhớ, suốt đời phải nhớ, là nỗi thống khổ, niềm oan khiên. Cha anh sống nheo nhóc bằng thống khổ, oan khiên. Mẹ anh sống lây lất bằng oan khiên, thống khổ. Và chết, cũng bằng oan khiên, thống khổ. Từ niềm oan khiên, nỗi thống khổ, thầy Nguyễn Công Hoan và chú Nam Anh đã dắt anh vào cuộc đời. Cuộc đời cách mạng. Ý nghĩa và sâu sắc hơn cuộc đời thần tượng bóng tròn, nghìn vạn lần. Thần tượng bóng tròn tuổi thơ không đáng nhắc tới.

Bây giờ, Kỳ Bá làm chính ủy, có những kỷ luật vây hãm anh. Như trên sân cỏ, đấu thủ phải chịu trọng tài phạt, dù oan ức hay hợp lý. Đấy mới đích thị cuộc đời. Làm người không vâng lời người trên, giống hệt ngựa hoang cầy phá tất cả. Người mà Kỳ Bá kính trọng nhất là thầy Hoan và chú Nam Anh. Người mà thầy Hoan và chú Nam Anh kính trọng tuyệt đối, nghe lời tuyệt đối, là lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh, một Hồ Chí Minh có cái bóng huyền diệu bao phủ dân nghèo. Nồng nàn. Mát rượi. Bác là Đảng. Trung thành với Đảng là trung thành với Bác, với lãnh tụ của Đảng. Kỳ Bá đã tuyên thệ như vậy. Trước thế nào, sau thế ấy. Không có gì ngăn nổi bước anh đi.

Ký Bá nổi hứng, vững niềm tin, hát hơi lớn:

- … Đi lên thanh niên

Làm theo lời Bác

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí cũng làm nên

Có tiếng Thi:

- Sao đêm qua anh không ngủ, sáng nay hát hay thế?

Kỳ Bá giật mình, quay người lại:

- Cô cũng không ngủ à?

Thi đáp:

- Không ạ! Không ngủ, em mới thấy anh thức.

Kỳ Bá lắc đầu, cười:

- Cũng may mắn cho tôi. Nếu cô là thằng địch, tôi đã chết rồi.

Và hỏi:

- Cô ngồi ở đâu nhìn tôi?

Thi đáp:

- Em ngồi đằng kia.

- Đằng kia là đâu?

- Em… em, chả biết nữa!

Hôm nay mới có dịp, Kỳ Bá ngắm kỹ Thi. Cô 18 tuổi. Mặc chiếc áo nâu ngắn, quần đen, tóc chải gọn, Thi đẹp lắm. Nếu là con nhà giầu, sống trong thị xã, Thi còn đẹp hơn con Thúy của Vũ, con Ngọc của Côn. Từ ngày đến đây cư ngụ, Ký Bá đi thật sớm, về thật trễ, ít khi ăn uống ở nhà, nên không có dịp gần gũi Thi. Riêng Thi, cô biết Kỳ Bá nhiều. Cô dậy trước cả Kỳ Bá dậy. Cô ngủ sau cả Kỳ Bá ngủ. Kỳ Bá chẳng hiểu cô Thi đã đợi mình về quá nửa đêm. Mà chả nói năng gì!

- Cô không biết chỗ đằng kia ở đâu à?

Thi khép nép:

- Em nói dối, có sao không anh?

Kỳ Bá vui vẻ:

- Không sao. Tôi muốn cô nói thật.

- Em nói thật nhé!

- Ừ.

- Thầy mẹ em đi làm đồng. Sắp tới vụ chiêm rồi. Hai đứa em của em cũng ra đồng.

- Cô không đi bán bánh cuốn ư?

- Thầy em bắt em phải ở nhà.

- Ở nhà làm gì?

- Em… em… chả nói nữa!

- Cô bảo cô nói thật mà?

- Em xấu hổ lắm.

Thi xoăn mép áo, nhìn xuống nền nhà. Kỳ Bá xôn xao trong lòng. Hai mươi hai tuổi, từ bé đến lớn, Kỳ Bá chưa được tiếp xúc với một cô gái nào hiền hậu và ngây thơ như Thi. Làng Tường An của thằng Vũ, thằng Khoa tuyệt vời. Tuyệt vời như cô gái đang nói chuyện với chính ủy. Trong căn nhà lá, qua ánh sáng của ngày chưa tỏ, lờ mờ, Kỳ Bá nhìn Thi thật lâu. Tâm hồn chính ủy Kỳ Bá dậy lên những tình cảm không biết định nghĩa như thế nào. Tự lúc sinh ra, lên 17 tuổi, Kỳ Bá không dám nghĩ chuyện mộng mơ. Sự nghèo khổ đánh đai lấy cuộc đời anh. Rồi tự 17 đến 22 tuổi, công tác cách mạng chằng lên cổ Kỳ Bá những sâu chuỗi ngặt nghèo. Anh không đủ thì giờ làm việc khác. Cơ hồ một cái máy, anh làm việc tối ngày.

- Xấu hổ đáng chê lắm, phải không anh?

- Không, đáng khen chứ.

- Sao mà khen được?

- Người ta bảo con gái mà xấu hổ, đôi má nóng ran, ửng đỏ trông xinh đẹp vô cùng.

- Người ta là ai?

- Là người ta!

- Người ta là người ta, em không nói thật đâu.

- Thế, người ta là ai?

- Tùy ý anh.

- Thí dụ là tôi nhé!

- Không thí dụ.

- Là tôi…

Thi sung sướng. Cô cảm thấy người ấm lên. Trời đầu mùa đông mà. Cô không nhìn thấy cô, đôi má nóng ran, ửng đỏ trông xinh đẹp vô cùng.

- Em nói thật nhé!

- Ừ.

- Không xấu hổ nữa, nhé!

- Ừ.

- Thầy em dặn ở nhà trông chừng anh. Vì anh không ngủ đêm qua, sáng nay có ngủ thiếp đi, cũng đừng đánh thức anh dậy.

- Cô phải ngồi ở đằng kia, trông chừng tôi?

- Không, em cảnh giác cao, đề phòng địch đến, canh gác anh, đấy ạ!

Ký Bá cười. Thi cũng bịt miệng cười. Hồn nhiên không tả nổi.

Thi hỏi:

- Em đi kín nước vào thau nhôm cho anh rửa mặt nhé!

Ký Bá xua tay:

- Đừng làm thế phiền cô. Để tôi ra cầu bắc trên con ngòi được rồi. Mà…

- Gì ạ?

- Cô nói chuyện với tôi nữa, được không?

- Anh bỏ công tác?

- Công tác đâu bằng nói chuyện với cô!

Kỳ Bá đã ngồi xuống giường. Thi ngồi xuống ngưỡng cửa.

- Cô Thi có đi học không nhỉ?

- Có ạ!

- Lớp mấy?

- Lớp nhất. Làng hết lớp, em nghỉ học, anh ạ!

- Thế là hơn tôi rồi. Tôi học chưa hết lớp nhất.

- Lớp nhất của anh ngày xưa giỏi hơn cả đệ tứ trung học ngày nay. Em đâu dám đem ra so sánh.

- Cô thông minh lắm.

Thi ngượng ngùng. Ký Bá đăm đăm nhìn Thi.

- Thưa anh, anh ở đâu ạ?

Kỳ Bá đùa:

- Ở nhà cô!

Thi nhéo khẽ tay mình.

- Thưa anh, anh sinh ở đâu ạ!

- Làng Kỳ Bá.

- Tên anh mà.

- Làng Kỳ Bá, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Như Tường An ấy. Cha mẹ tôi yêu làng tôi, lấy tên làng đặt cho tôi. Cô có biết thị xã Thái Bình không?

- Em Khoa con ông Hùng và anh Vũ ở thị xã. Anh Vũ đã đi làm liên lạc viên cho bộ đội. Em Khoa ở lại làng, chơi thân với con Liên tản cư. Bây giờ con Liên về Hà Nội rồi. Cả làng Tường An quý thằng Khoa và kính trọng ông bà Hùng.

- Sao dân làng kính trọng ông bà Hùng?

- Ông bà ấy giúp đỡ mọi người. Ai cần gì, ông bà ấy cho. Ông bà ấy cho tiền người nghèo, chứ không cho vay.

Kỳ Bá nhớ tới Vũ. Và tin rằng tình thương yêu của nó dành cho Kỳ Bá chân thật.

- Em không biết thị xã Thái Bình đâu, anh ạ!

- Thị xã nằm sát Kỳ Bá. Tôi đi học cùng trường với anh Vũ, em Khoa, chơi thân với Vũ. Hôm qua, Khoa đến thăm tôi ở nhà cô, cô đi làm nên không biết.

- Hèn chi anh giỏi thế. Anh như bộ đội năm xưa ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định về làng em, dạy chúng em học đủ điều. Bộ đội bây giờ nói mỗi câu đều có danh từ chính trị khó hiểu. Dân làng cũng yêu bộ đội, không yêu lắm. Dân làng yêu quý anh thật lòng. Anh không nói danh từ chính trị hiểm hóc mà chỉ đơn sơ, mộc mạc như dân làng nghĩ và hay nói, dân làng quý anh là đúng rồi.

- Cô thông minh do người phú, chẳng do trời phú.

Thi đứng dậy:

- Em đi lấy nước cho anh rửa mặt. Muộn rồi, anh phải đi công tác.

Kỳ Bá gạt đi:

- Không công tác công tung gì cả.

Và ra lệnh:

- Cô ngồi xuống.

Thi ngoan ngoãn vâng lời. Kỳ Bá bước khỏi giường, đến ngưỡng cửa, ngồi xuống cách xa Thi.

- Cô Thi!

- Dạ.

- Tôi có được phép gọi Thi trống không không?

- Dạ.

- Thi.

- Dạ

- Em Thi.

- Dạ.

- Em…

- Dạ.

Kỳ Bá ngồi xích lại, xích lại… Anh đưa tay bá vai Thi. Im lặng. Thi không nhúc nhích.

- Anh không thích đi làm sáng nay.

Thi nhỏ nhẹ:

- Thế ạ!

- Anh ở nhà với em.

- Dạ.

- Em có vui không?

- Dạ. Em đi lấy nước…

Thi đứng dậy, vụt chạy ra ngoài sân để giấu niềm cảm xúc dạt dào tự nhiên đến với mình. Kỳ Bá trông theo Thi. Trong đời anh, chưa có lần nào rung động như lần này.

Anh yêu Thi, cô gái làng Tường An muôn đời an phận. Kỳ Bá có tội lỗi gì với Đảng? Nếu đói khổ không phải là tội lỗi thì yêu nhau cũng không phải là tội lỗi. Chính ủy trung đoàn 84 đã nói Bác và Đảng dạy cần thận trọng luyến ái quan. Kỳ Bá yêu một người con gái nông dân, không cần gì phải thận trọng. Cái đáng thận trọng, là Kỳ Bá đang ở vào thời chiến. Trong thời chiến, Đảng có cấm. Cấm đảng viên lấy vợ, chẳng cấm đảng viên yêu đương. Yêu đương nhau, con trai mê con gái, Đảng đã khuyến khích và còn khuyến khích. Đảng tạo hạnh phúc cho con người. Kỳ Bá, như mọi người mới vào Đảng, anh phải tự kiểm chính bản thân về quan niệm luyến ái. Thấy không trái với đường lối của Đảng, anh vững vàng yêu Thi, không có gì cần sợ hãi. Cám ơn Đảng.

( Còn Tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn