BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hôm Này Tôi Trọ Phương Xa

08 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1258)
Hôm Này Tôi Trọ Phương Xa
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Khuya thức dậy đọc “Huế, Buồn Chi”, tình cờ thấy lại tiếng mạ. Cũng lâu lắm tôi là thằng con trong gia đình quên gọi mẹ là mạ! Tôi má má con con quen rồi từ dạo Phước Tuy, ngồi với trung đội sau đêm trắng mắt cùng bạn bè anh em tiểu đoàn chiếm lại thành phố. Bà già người Nam, hai đứa con gái mang trái cây trên chiếc mâm đồng ra cho “con cái mặc đồ rằn ri” ăn đỡ khát nước. Tôi nói giọng Huế má không hiểu, đứng trố mắt nhìn. Tôi đổi sang phát âm tiếng miền Nam. Má nhìn tôi lạ! Ngày đó mười chín tuổi. Bạn bè có đứa trẻ hơn nhưng chín mùi lửa đạn rồi.



Khuya qua, trên đường vượt cầu Long Hương, tôi vào cái lô cốt tìm được nồi cơm đơn vị bạn bỏ lại. Bốc một nắm nhai lót lòng rồi tiến tiếp. Phước Tuy tan nát sau cơn đại pháo. Bắc quân bắn không “tiếc tiền”. Nhà còn đổ nói gì cột điện. Sáng nay, trước mặt là cơ xưỡng Công Binh, cánh đồng và ngày nắng mới. Chiến trận tạm yên thôi. Trung đội nằm góc chợ Mới Phước Tuy giữ tuyến. Chẳng tin tức gì mới nhưng chắc một điều: Không có bình an nơi đây!

Giờ ngửa nón sắt ra, tôi cũng má má con con như đám bạn miền Nam trong trung đội với người mẹ Phước Tuy. Bà già cười hiền hòa, hỏi con ở ngoài Trung? Dạ! Gia đình như mất cả rồi má. Sau này tôi luyện nhuyễn luôn giọng Nam. Tiếng Huế chỉ để nói với người cùng xứ. Xin lỗi! Xin lỗi! Dùng thổ âm tụi bạn khác miền chẳng hiểu. Nên giữa đám đông, đang Nam Kỳ rặt hay Bắc Kỳ lai, một số người gốc Huế quay sang nói với người Huế bằng “o mô tê răng rứa” rất là khiếm nhã cùng bạn bè khác miền trong nhóm! Biết vậy nhưng chịu. Nghe trúng “tầng số” tự nhiên địa phương tính nó uốn lưỡi lại. Và tiếng Huế!

Anh “Huế, Buồn Chi” nhậu có hạng lắm. Anh “nạp” rượu làm hai người bạn và tôi muốn bung đêm nào trời mưa mưa ở San Jose. Đêm nay trời không “mưa mưa” phương Nam nhưng chừ mạ gánh* cũng làm tôi lừ đừ như vừa thức dậy sau cơn say:

chừ mạ gánh
gánh gánh
mạ gánh hai đầu hai đứa
chạy tả tơi ầm ầm lửa đạn
mạ chạy tả tơi áo dài rách bươm
may mạ còn đôi chân
may mạ còn hai vai
may tấm lòng mạ sông biển
mạ gánh hoài gánh hủy
cả giang sơn nhà chồng
cha mất đi mạ gánh giữa đồng
mạ gánh lên non
non chừ lạ biển
mạ chừ tất bật như gió xoay chiều
che trở chiều nào cũng lưng trần
mạ hứng. *

Ngày nào ba chết thằng Dũng lên một. Tôi lên ba. Mạ che chở chiều nào cũng lưng trần. Mạ tôi hăm mấy tuổi dơ lưng mà hứng. Vài tháng sau em tôi chết. Đại nạn cho gia đình. Xe nhà binh mới chở quan tài ba phủ cờ vàng ba sọc đỏ qua đường Gia Long đầy ổ gà giờ đến tang thằng em. Mạ tôi tưởng chết được… Mạ không gánh hai đầu hai đứa mà còn mình tôi. Nuôi ăn nuôi học dỗ ngủ cho lớn cho muồi/mạ ra chợ Truồi mua cá nấu cơm mười mấy năm. Lớn lên nó đi mất đất!

Trách chi cá nục giờ ai khen
trái ướt chìa vôi chừ ai hít hà
nứt làm hai con cá bống thệ
cha mạ nứt hai cha mất đi rồi nhà tróc nóc
bếp lửa chiều lạnh tanh củi nỏ *

Mạ à:

Bông mồng tơi ngày xưa màu tím
Canh mồng tơi mẹ nấu cả nhà ăn
Con lớn lên làm lính giữ xóm giữ làng**

Đánh thua thì chạy. Mất đất!

Tôi đi từ Buffalo New York. Đi qua Denver. Đến vùng biển. Đi lên hướng bắc. Định đi nữa. Hết tiền! Chạy về lại đây, California, đi học lại.
Ngày đó thành phố đầy người Mễ này có được tờ báo chữ Việt. Tờ Phục Quốc! Thấy tên là máu bừng bừng. Đọc tin trang trong lại càng nóng mặt. Cuộc chiến nối dài đến Santa Ana! Chủ nhiệm chủ bút thư ký người phân phối báo là một. Báo sống nhờ đồng bào. Họ mua ủng hộ. Họ gọi đến tòa soạn khóc tức tưởi vì cái hình người lính ở trang bìa, ông TM đặt tên “tay ôm xác vợ, tay bồng xác con”. Tôi là người bốc điện thoại, nghe câu hỏi của người nữ độc giả và tiếng khóc bật ra bên kia đầu dây nói. Lặng người!

Ngày đó quanh quẩn khu vực này tôi có dăm thằng bạn cùng đơn vị. Tự nhiên tụi nó được phong chức. Đi làm về, ghé ngang tòa soạn làm “thư ký đánh máy một ngón”, bỏ dấu bài vở [VNI hay những bộ chữ Việt khác mới hình thành sau này, thập niên 80]. Có thằng viết bài. Có đứa làm thơ. Một hôm cô ca sĩ… ghé ngang hỏi chủ nhiệm “có mang được hình nào của em từ Việt Nam”. Chủ nhiệm có dịp “nổ như tạc đạn” về tài tử minh tinh khác lúc còn bên xứ. Tụi tui biết gì đâu. Thân lính tráng có được người sống trong thành phố để nhớ là may rồi. Ca sĩ là của quý chỉ dành cho quan. Cũng như hồi ký của thời bỏ nước. Đọc vào chẳng có ai hèn! Không ai chạy cả. Chỉ có lính làm vậy. Tụi tui biết thêm chủ nhiệm chuyên chụp hình ca sĩ để làm bìa cho báo Phụ Nữ Diễn Đàn trước năm 75 bên nhà. Cái hồi ký đăng từng kỳ trong báo lúc này, viết theo nhật ký của một người nữ hộ lý như lời ông ta, là những hư cấu sau khi coi báo Playboys, Penhouse gì đó.

Trong đám phụ sức làm và nuôi tờ báo còn nhiều người nữa lắm. Có người buồn buồn đi nhậu, cởi xe gắn máy gặp tai nạn. Người lái thập tử nhất sinh. Anh bạn Không Quân ngồi sau gãy tay. Ông chủ nhiệm rủ tụi tôi đi thăm ở nhà thương. Người bị nạn nằm mê man. Mặt tròn như mặt ông địa rồi chết vài ngày sau đó. Chủ nhiệm về nhà tung ra bài báo: “Một chiến sĩ hy sinh!..”

Vài năm sau anh người vắn số vượt biên, định cư đâu đó ở miền Bắc nước Mỹ, nhắn tin tìm em. Tui và ông anh nuôi lắc đầu ngao ngán cho ông thần lãnh tụ báo. Rồi phải nói thật cho anh người bất hạnh những gì mình biết. Cuối cùng trong đám người hai mươi ba mươi thuở đó thấy ái ngại cho một chị bên Âu châu. Chị tưởng chủ nhiệm tờ báo đọc tên thấy bốc lửa là một ông râu kẽm khác! Như tướng Kỳ bên Không Quân nên đem hết sức, của cải tấm lòng ra giúp. Lầm nặng! Lãnh tụ báo qua thăm chị, trở về Mỹ còn mang theo mảnh đồ lót ăn trộm… Chị gọi điện thoại viễn liên nói với anh nuôi tui, cũng là người sốt sắng giúp chủ nhiệm làm báo, nghe cho đỡ buồn. Anh ấy kể lại tụi tui đứa nào cũng lắc đầu ngao ngán. Không phải mình chị lầm đâu chị! Hầu như phần đông những người phụ làm báo lúc đó đều lầm. Trước sau ông ta chỉ là kẻ làm báo “nói láo ăn tiền”. Chỉ tội nghiệp niềm tin tuổi trẻ tơi tã từ đó như lá khuynh diệp lăn lóc trên đường theo mùa Santa Ana Wind!

Thời gian sau trên báo Người Việt có đăng bức thư của ông tiểu đoàn phó kêu gọi anh em cùng đơn vị… khi xảy ra vụ “dạy một bài học của Trung Cộng”. Rồi báo lại đăng thư của một anh nào trả lời đích thân. Rất lễ độ nhưng không phục. Nhức đầu quá! Tôi nghĩ lơ mơ rồi nhớ đến nhận xét của anh thiếu úy người Huế, tiền sát viên đại đội về ông phó này, nhớ đến trung đội trưởng của tui người Tuy Hòa những lần vui kể chuyện, cũng về ông phó, nhớ lời bình phẩm của lính tráng trong đơn vị, lại về ông phó, rồi hiểu vì sao, vất được cái ba lô, bạn bè cố gắng đi học lại. Đánh nhau chừng đó đủ rồi. Đâu có ai dại hoài để làm người non dạ, bị “xúi ăn cức gà”. Gạch một đường ngang để còn thương ông phó trong mục văn nghệ, dám làm thơ tặng chị em ta dưới xóm sau khi thăm viếng Thúy Kiều. Chuyện khác quên đi!

Báo đăng tin ở San Jose một người thợ tiện, làm giả luôn token để đánh bạc bên Reno. Cảnh sát khám phá còng tay. Lại là ông ta. Trời ơi! Đất hỡi! Chỗ trọ này coi bộ nhiêu khê.

An Phú Vang
21 tháng 4, 02

* Thơ Hoàng Xuân Sơn
** Thơ Giang Hữu Tuyên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn