BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73338)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kiểm duyệt văn nghệ

19 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 1411)
Kiểm duyệt văn nghệ
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Hình như chân tôi là chân “ngựa vía” nên làm đâu cũng không được lâu vì chóng chán. Vào đầu năm 1956, sau khi trúng tuyển một kỳ thi, tôi được làm một chân biên tập viên tin tức của đài phát thanh Sài Gòn. Ngồi soạn tin cho xướng ngôn viên đọc được một năm, tôi thấy bó chân bó cẳng, tù túng quá, bèn xin đổi sang ban phóng viên. Mới đầu, tôi rất thích công việc này vì thay đổi luôn luôn, hợp với cá tính “ngựa vía” của tôi. Nhờ làm phóng viên, tôi đã có mặt trong nhiều biến cố quan trọng của lịch sử, như vụ ám sát hụt Tổng thống Ngô Đình Diệm ở Ban Mê Thuột năm 1957, vụ xử tử Ba Cụt ở Cần Thơ, cuộc họp báo của Tổng thống Diệm ở biệt điện nghỉ mát của cựu hoàng Bảo Đại ở Nước Ngọt, thuộc Long Hải. Đây là cuộc họp báo đầu tiên của ông Diệm kể từ ngày về nước chấp chính. Khi bà Ngô Đình Nhu làm mưa làm gió ở quốc hội, tôi cũng có mặt để làm phóng sự…

Nhưng rồi đi nhiều, đến anh hùng cũng phải thấm mệt, nói chi con người ốm yếu như tôi. Thế là tôi lại có ý định xin đổi việc khác. Vì muốn nghỉ ngơi, tôi dự tính xin đầu quân vào Ban Bình luận mà ông Nguyễn Ngọc Quyền, đức phu quân của bà Mai Sinh kiêm chuyên viên dịch tin quốc tế, gọi đùa là ban…”Mẹ hát con khen hay”. Sở dĩ ông Quyền gọi như vậy là vì các đấng biên tập viên của ban này luôn luôn ca ngợi những việc làm của nhà nước ta, dù hay dù dở. Nhưng tôi chưa kịp ngỏ lời với ông Trần Văn Kỳ, chủ sự Phòng Tin tức và Bình luận thời đó, thì bỗng được ông Bửu Nghi, chánh sự vụ Sở Chương trình đề nghị chuyển tôi sang làm kiểm duyệt văn nghệ. Thấy công việc nhẹ nhàng và không phải chạy long sòng sọc như ngựa bên ngoài, tôi bèn vồ ngay lấy. Tuy nhiên, trước khi chính thức nhận việc, tôi cũng tìm gặp ông bạn thân, nổi tiếng là thông thạo mọi chuyện trong ngành vô tuyến truyền thanh, đó là thi sĩ Thái Thủy, một nhân viên trong ban Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng. Thái Thủy cho biết thời ông Đoàn Văn Cừu làm giám đốc, có một ban kiểm duyệt rất hùng hậu mà chính ông làm trưởng ban. Dưới quyền Thái Thủy có những kiểm duyệt viên như sau: ông Văn Thuật (chèo cổ và ca Bắc), các ông Võ Chiêu Anh và Thái Thụy Phong (cải lương) và nhạc sĩ Võ Đức Tuyết (tân nhạc). Hồi đó, chủ sự phòng Văn nghệ là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Khi ông Bửu Thọ làm tổng giám đốc nha Vô tuyến truyền thanh, nhạc sĩ Thẩm Oánh thay thế nhạc sĩ Dương Thiệu Tước ở Phòng Văn nghệ. Việc kiểm duyệt văn nghệ giao cho một người, chứ không phải một ban như trước. Thế rồi, một hôm, ông kiểm duyệt viên này có chuyện lủng củng với nhạc sĩ chủ sự Phòng Văn nghệ sao đó. Trong một cơn nóng giận không kìm hãm nổi, ông kiểm duyệt viên đòi kiểm duyệt… cái cổ của ông chủ sự. Hậu quả của cơn nóng giận kỳ cục này là ông kiểm duyệt viên được…mời đi chơi chỗ khác.



Chắc ông Bửu Nghi thấy tôi ốm yếu, hiền lành không dám bóp cổ ai hết, kể cả bóp cổ gà để cắt tiết, sinh mạng của ông chủ sự Phòng Văn nghệ không bị đe doạ, nên đã cho tôi làm chân kiểm duyệt viên này.

Nhạc sĩ Thẩm Oánh kê cho tôi một bàn giấy ở ngay sát cửa ra vào của Phòng Văn nghệ, Rồi sau mấy phút chỉ dẫn sơ sài của nhạc sĩ, tôi bắt đầu “hành nghề”. Công việc của tôi là đọc tất cả các vở tuồng, kịch nói, kịch thơ và những bài vở liên quan đến văn nghệ. Tôi phải dò từng chữ xem các bài bản có đụng chạm gì đến chính trị không. Lần đầu tiên đọc những vở tuồng cải lương, tôi cũng thấy lạ. Tất cả các điệu hát trong các vở tuồng ấy tôi không biết hát như thế nào.

Hồi đó, đài phát thanh Sài Gòn có những ban văn nghệ như sau:

Về ca cải lương độc chiếc, có hai ban, một của cô Lệ Liễu và một của ông Bảy Quới. Ban Thành Công diễn các vở tuồng dài nhiều kỳ. Hát bội có ban của ông Sáu Vững. Cổ nhạc Huế có ban ca Huế của ông Bửu Lộc. Ca nhạc kịch có ban kịch của ông Anh Lân và bà Túy Hoa. Kịch diễu có ban Tạp lục của ông Tùng Lâm. Kịch nói có ban kịch của ông Vũ Đức Duy. Ca Bắc do ông Mai Lĩnh cầm chịch. Ông Đỗ Trí Đức là trưởng ban chèo cổ. Đặc biệt đối với ban Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng, tôi thường không phải lo lắng gì hết, cứ nhắm mắt ký cho thu thanh ngay, vì tác giả của các bài viết đều là những người tin cậy được như chính thi sĩ trưởng ban, nhà văn Huy Quang (về sau là Tổng giám đốc đài phát thanh), nhà văn Thanh Nam và thi sĩ Thái Thủy. Nhưng tôi rất thích ngắm chữ viết của ông Đinh Hùng và đọc những bài thơ trích dẫn, nên nhiều khi tôi đã đọc kỹ hơn các bản văn khác. Chữ ông rất đẹp và bay bướm, viết rõ từng nét, không bỏ sót một nét nào như nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng mà tôi đã gặp.

Một hôm, đọc một bài ca của cô Lệ Liễu, tôi tò mò muốn biết điệu đó ca như thế nào. Tình cờ lúc ấy, cô Lệ Liễu bước vào phòng văn nghệ, tôi liền ngỏ ý xin cô thử hát cho nghe. Cô cho biết cô sẽ nhờ một người hát rất hay, rồi cô chạy sang tiệm ăn trước đài phát thanh. Khi cô trở lại phòng văn nghệ, có một cô gái theo sau. Cô nói với tôi là cô Út sẽ ca bất cứ điệu gì tôi muốn nghe. Tôi chỉ xin nghe có một điệu Xàng xê đang có sẵn trước mặt thôi. Tôi đưa bài đó cho cô Út. Không một chút e ngại, cô đứng giữa phòng cất tiếng ca ngay. Tôi rất ngạc nhiên về sự dễ dàng của cô và tôi bị giọng ca ngọt ngào, thánh thót của cô quyến rũ ngay. Vì cô ca khá lớn nên đã thu hút nhiều người bên ngoài phòng, hai cửa ra vào của phòng văn nghệ có hai đám đông kéo đến nghe. Qua những tiếng xì xào của đám đông bên ngoài, tôi được biết người đang ca là Út Bạch Lan, một đào thương của cải lương đang rất được hâm mộ. Lúc đó tôi mới ngắm kỹ cô. Thì ra, ngoài giọng ca, cô còn có một nhan sắc mỹ miều nữa. Nước da cô rất trắng, như người miền Nam vẫn thường nói “trắng như bông bưởi”. Chả trách có nhiều ông sẵn sàng mất hết cả cơ nghiệp vì cô. Ca xong bài Xàng xê, cô hỏi tôi còn muốn nghe điệu nào nữa, tôi vội từ chối vì không muốn biến phòng văn nghệ thành một sân khấu ca nhạc.

Từ đó, nhờ cô Lệ Liễu, tôi hiểu hầu hết các điệu ca cải lương. Tôi biết xuống “xề” như thế nào mới mùi rệu, và cũng biết rằng người ca vọng cổ hay nhất thời đó là Út Trà Ôn. Các ông Thành Được, Hữu Phước… đều ca vọng cổ rất hay, nhưng “xuống xề” vẫn không ngọt bằng ông Út. Cũng nhờ cô Lệ Liễu, tôi quen biết một số nghệ sĩ cải lương. Tôi bắt chước mọi người thân mật gọi ông Hữu Phước là “anh Henri”.

Để khỏi mang tiếng là thiên vị, tôi cũng giao du thân mật với các ông trưởng ban khác. Ông Bửu Lộc là một nhân viên của đài phát thanh như tôi nên dễ thân mật vì gặp nhau hàng ngày. Ông Tùng Lâm là người rất cởi mở, dễ tính và vui vẻ. Chỉ có ông Vũ Đức Duy tôi ít gặp vì ông thường giao thiệp thẳng với nhạc sĩ Thẩm Oánh. Những vở kịch mà ông đưa kiểm duyệt đều do ông Thẩm Oánh trao cho tôi. Ông trưởng ban đặc biệt nhất là ông Anh Lân. Bao giờ ông cũng đưa kịch bản cho tôi vào phút chót, chỉ trước giờ thu thanh có một hay hai tiếng. Nhiều lần khi tôi đã về nhà sau giờ làm việc, ông mới tới gõ cửa xin chữ ký cho vở kịch mới viết xong. Tôi rất thông cảm với ông vì hàng tuần phải nặn óc viết một vở kịch ngắn không phải là chuyện dễ dàng. Những hôm như vậy, tôi mời ông vào nhà ngồi uống nước nghe nhạc chờ tôi đọc vội đọc vàng vở kịch của ông.

Ngoài công việc kiểm duyệt ngay tại đài, tôi còn có nhiệm vụ kiểm duyệt những vở tuồng sẽ phát thanh vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần. Công việc này vừa mất nhiều thì giờ vừa thích thú. Tôi phải đi với một chuyên viên phòng kỹ thuật để thu thanh cả một buổi hát của một đoàn cải lương. Tôi phải theo dõi rất kỹ vở tuồng đang được trình diễn trên sân khấu để tính toán xem cần cắt những đoạn nào. Nếu là tuồng xã hội, tôi phải nghe kỹ từng câu đối thoại của diễn viên. Trước khi đi xem hát, tôi đã đọc vở tuồng được đánh máy dày cộm, nhưng mấy ông bà nghệ sĩ trình diễn đôi khi cũng cương ẩu khác với nguyên văn. Cũng có hôm chúng tôi đến thu thanh lại chẳng thấy khán giả đâu. Thì ra hôm ấy là buổi tổng dượt của đoàn hát cho vở tuồng mới ra lò. Gặp buổi thu thanh như vậy, chúng tôi rất ngại vì sau đó chúng tôi phải ghép tiếng vỗ tay vào tuồng cho ra vẻ tuồng đang được trình diễn trước công chúng. Những buổi phải ghép tiếng vỗ tay, chúng tôi đều phải nhờ một số người nghiện cải lương nghe lại toàn bộ vở tuồng để xem những đoạn vỗ tay có đúng không hay lại bị chê là “lãng nhách”. Lãng nhách tức là giả tạo, không thật, mất hay đi. Sau này khi đã có kinh nghiệm, tôi hỏi thẳng soạn giả hoặc ông bà bầu về những chỗ cần vỗ tay.

Khi đi thu thanh, dù có khán giả hay không, tôi đều được ngồi ghế hàng đầu và bao giờ cũng có một ly nước giải khát trước mặt. Hôm đầu tiên đi thu thanh, khi vừa vãn hát, tôi được một người (không rõ có phải là chủ gánh hay soạn giả) trịnh trọng đưa tôi một bao thư. Vừa cầm lấy bao thư dầy cộm, biết ngay là tiền, tôi vội trả lại và nhất định không nhận. Khi lên xe để về đài, ông chuyên viên kỹ thuật hỏi nhỏ: “Anh có nhận được bao thư không?” Tôi cho biết tôi đã nhất định từ chối. Nhìn vẻ mặt bần thần của ông, tôi đoán ông cũng có một bao thư. Tôi bèn giải thích: “Tôi không dám nhận vì tôi là người quyết định cho phát thanh hay không. Nhận tiền của người ta, tôi bắt buộc phải cho phát thanh vở tuồng dù có khuyết điểm gì. Còn anh, anh chả có trách nhiệm gì hết…” Thế là vẻ mặt ông ấy tươi hẳn lên. Hôm sau, tôi được biết số tiền trong bao thư là hai ngàn. Tôi ngạc nhiên vì quá lớn. Lương phù động hàng tháng của tôi chỉ có năm ngàn rưởi. Một tuần có khi phải thu thanh tới ba vở tuồng để chọn lựa.

Nhờ việc thu thanh, tôi từ chỗ không thích cải lương (vì không hiểu) dần dần đến say mê. Thật ra, tuồng cải lương cũng có nhiều vở rất hay. Nếu soạn giả là những người hiểu biết về kịch, tuồng của họ cũng có kịch tính không thua gì những vở kịch nói, chẳng hạn những vở như Nửa Đời Hương PhấnCon Gái Chị Hằng của hai soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng…(Đã nửa thế kỷ trôi qua, ngày nay trí nhớ không còn minh mẫn như xưa nên không nhớ hết được các vở tuồng và các soạn giả mà tôi ưa thích. Vậy, khi tôi chỉ nhắc đến hai vở tuồng của hai soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, không có nghĩa là tôi thiên vị, cho hai soạn giả này hay nhất. Xin các bạn đọc thông cảm).

Có một lần chúng tôi đã thu thanh và sửa soạn cho phát thanh một vở tuồng của đoàn hát Việt Hùng-Minh Chí, thì ông Bửu Thọ, tổng giám đốc nha Vô Tuyến truyền thanh bắt bỏ vở tuồng này đi để thay thế bằng một vở tuồng của bất cứ một đoàn hát nào khác. Lý do: Việt Hùng-Minh Chí nghe… như Việt Minh. Thế là chúng tôi phải vội vã tìm một vở tuồng khác. Rất may là chúng tôi thường thu thanh trước vài ba vở để dành nên không có trục trặc quan trọng. Tôi nói với ông chuyên viên kỹ thuật: “Ông Bửu Thọ… sợ ma!” rồi chúng tôi cười phá lên.

Đến đây cũng xin nói qua về những bản tân nhạc mới sáng tác. Tôi có bổn phận phải kiểm duyệt lời nhạc, còn nhạc sĩ Võ Đức Tuyết xem phần nhạc. Thú thật tôi thấy lời nhạc thường có vẻ ngô nghê, nhưng không phạm chính trị tôi cũng chẳng có quyền gì sửa đổi hay cấm hát. Nhạc sĩ Thẩm Oánh khuyên tôi không nên khó khăn quá vì đài cần bài hát mới.

Kiểm duyệt văn nghệ là một công việc khá thích thú nên nó đã giữ được chân tôi khá lâu. Tôi chỉ bỏ nó khi tôi không còn làm cho đài phát thanh nữa.

Tạ Quang Khôi

Theo VOA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn